Quê hương muôn thuở
(Những câu thơ trong các đoạn
văn hoặc trong
ngoặc kép đều được trích từ Thơ Mặc Giang) - Quốc Anh
Bất luận anh ở đâu, chị ở
đâu, em và tôi ở đâu, hễ nghe nhắc đến Quê Hương, thì cảm nghe tâm tư tràn ngập
một trời nhung nhớ; hễ nghe bàn về Quê Mẹ, thì niềm tự hào và tình nhớ thương
như đang chắt lọc, lắng đọng bồi vun... Bởi Quê Hương là nơi ta bi bô tập nói,
nơi đầu tiên Mẹ dẫn ta vào phân khoa đại học cuộc đời, nơi Cha nghiêm hướng cho
ta leo lên đỉnh cao thành tựu. Vì vậy, xưa nay, một số bài về quê hương của thi
nhân đều khiến người đọc luôn thấy hấp dẫn trong cảm giác mới mẻ tinh nguyên.
Những câu thơ với chủ đề Việt Nam nguồn cội, quê hương của ngàn năm oai hùng
kiêu sa, cũng được nhà thơ Mặc Giang thể hiện qua những dòng thơ rất thực, thắm
thiết tình nhớ thương, nhắn gởi ý thức trách nhiệm, đồng thời cũng tạo dựng một
lối về thênh thang trên “hành trang lội ngược”. Sức cuốn hút của dòng thơ về
tình tự Quê Hương trong thơ Mặc Giang, thiết nghĩ, là một trong những đề tài
giá trị trong thơ ông. Luận bàn về chúng, cũng như đang nói với chính mình, như
đang thì thầm bên Mẹ Việt Nam, đang lặng yên lắng nghe tiếng vọng của hồn
thiêng sông núi Quê Hương. Mà qua đó, chất thơ, hồn thơ, tứ thơ, nội dung thơ
mang phong cách đặc biệt, mới mẻ của nhà thơ Mặc Giang đã cho chúng ta có cơ hội
biết lắng đọng lòng mình, biết trân qúy Quê Hương - đất nước của những dãy núi
trùng điệp in hình công Cha, của những con sông mang âm hưởng tiếng hò thân thiết
của Mẹ Việt Nam.
Nhờ ý thức sâu xa về nguồn cội
Việt Nam, nên trong những bài thơ nói về đất nước Việt Nam nòi giống Tiên Rồng
năm ngàn năm lịch sử, Mặc Giang thường thể hiện một thơ phong tự hào, phấn
kích, nhưng cũng trầm ngâm qua giọng thơ tự tin khẳng định, hoành tráng.…:
Việt Nam còn đó non sông
Mẹ Âu, cha Lạc, con Rồng,
cháu Tiên
(Mặc Giang, non nước Việt
Nam)
Rồng và Tiên, một tượng
trưng cho tinh hoa tiết liệt, mạnh mẽ như cuồng phong vũ bảo, hùng hồn nghĩa
khí, bất khuất, tràn đầy nhựa sống, là chúa tể ngự trị cả đại dương cuồn cuộn;
một tượng trưng cho sự trong sạch, thanh cao, tâm hồn đôn hậu, liêm khiết, trong
sạch, ngay thẳng, chất trực, không uẩn khúc quanh co, ngự trị cả dãy Trường Sơn
hùng vĩ điệp trùng. Vì ý thức cội nguồn là con cháu Rồng Tiên là một trong những
tư tưởng văn hóa truyền thống về cội nguồn quý hiếm cao sang nhất trong khởi
nguyên dòng giống lịch sử toàn nhân loại, nên Việt Nam quê hương trong thơ Mặc
Giang luôn là những chất liệu ngọt ngào, mênh mang lai láng, kết quyện đan
thanh:
Tổ quốc Việt Nam thật mến
yêu
Cầu tre lắt lẻo nhịp cầu kiều
Đò ngang đò dọc non liền nước
Cẩm tú giang sơn thật mỹ miều
Quê hương một dãy kết
ba miền
Sông núi muôn đời của Tổ
Tiên …
(Mặc Giang, non nước Việt
Nam non nước tôi)
Hình bóng và chất liệu quê
hương Việt Nam, hậu duệ của Hùng Vương Văn Lang trong thơ Mặc Giang như là lời
tự hào thi thiết của tâm can, đó cũng chính là hình ảnh của con người với quê mẹ
Việt Nam tin yêu, thương nhớ, nhẹ nhàng lâng lâng như một nhà thơ đã cảm tác:
Tôi lại về quê Mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa, nắng dài bãi
cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển
đu đưa
Mát rượi lòng ta, ngân nga
tiếng hát
Bởi quê hương trong lòng thi
nhân không những là quê hương của niềm tự hào Rồng Tiên, mà qua bao biến đổi
tang thương, trong chiều dài hun hút của lịch sử bế bồng năm ngàn năm, vẫn khắc
sâu trong hồn sông núi quê hương những lao khổ của cha ông, nên trong Tôi
chỉ là một người nước Việt Nam, thi nhân Mặc Giang viết:
Tôi chỉ là một người nước Việt
Nam
Của những nơi đất cày lên sỏi
đá
Gạo thóc chua cay, đẫm mồ
hôi lá mạ
Những bác nông phu tàn tạ nắng
sớm mưa chiều
Nhìn những khổ đau, rách
nát, điêu tàn,
Dày xéo, chất chồng trên
hình cong chữ “S”
Càng yêu sóng biển rạt rào,
yêu phù sa lở bồi, yêu cảnh xanh mơn núi rừng, của từng buổi cơm canh đạm bạc
chan chứa tình quê bao nhiêu, cũng chính là thương cảnh sống quê nghèo thôn dã
bấy nhiêu. Quê hương bao giờ cũng mặn mà tình mẹ, dạt dào tình cha và đong đầy
tình bạn. Người nông phu với con trâu, cái cày trong nắng sớm mưa chiều, một nắng
hai sương luôn là hình ảnh đậm đà, chắt lọc, thắm thiết tình quê hương, đã từng
khiến thi sĩ Mặc Giang ngậm ngùi trầm ngâm, rồi tuôn chảy những dòng thơ như
đang thân thiết sẻ chia nỗi khó nhọc, gạt hộ giọt mặn trên ruộng đất khô cằn nước
mặn đồng chua. Đây là động năng khiến dòng mực cứ chảy dài trên trang thơ khi
tác giả viết về nỗi khổ nhọc của làng quê Việt Nam. Do vậy, lúc nào cũng cho
chúng ta cái cảm giác, thơ của thi nhân Mặc Giang luôn là những trang thơ nóng
hổi, chưa ráo mực, cho dù viết từ tháng trước, năm trước hay tự hồi nào.
Dù hôm nay hay mai kia mốt nọ,
em có làm gì đi nữa, chị có làm gì đi nữa và anh có làm chi đi nữa, thì trong
chúng ta vẫn không bao giờ nhạt phai chất liệu mặn mà quê hương. Bởi sau những
buổi tan trường, dọc đường về nhà, chúng ta đã từng san sẻ chia chác nhau củ sắn,
củ khoai, hoặc trái sim trái mận còn non xèo đắng chát. Và khi ý thức về
nguồn cội Việt Nam, về chất liệu mặn mà quê hương trong mỗi chúng ta, cũng là
lúc chúng ta xác định rõ mối quan hệ thắm thiết giữa con người Việt Nam. Như
trong Quê hương nguồn cội, Mặc Giang nhắc nhủ đàn em:
Em sinh tại quê hương
Tôi sinh vùng đất khách
Dù xa xôi cách biệt
Nhưng là người Việt nam
Em máu đỏ da vàng
Nhìn tôi đâu có khác
Tóc em đen óng mượt
Tóc tôi chẳng lạ gì
Ngăn cách không gian nào có
nghĩa gì đâu, không ngăn được tình người Việt nam. Trong bất kì hoàn cảnh nào,
tôi cũng sẽ dễ dàng nhận ra em, không gì có thể làm thay đổi quan hệ thâm tình
giữa mỗi chúng ta. “Dù xa cách dặm trường, tình yêu thương chỉ một”, bởi trong
chúng ta, ai cũng mang giọt máu của Mẹ Âu, linh hồn của Cha Lạc và bản lĩnh của
vua Hùng. Cũng chính vì vậy, nên khi nào thi nhân cũng thấy tình quê hương qua
hình ảnh sông nước mênh mông, tâm hồn thi sĩ Mặc Giang cũng như ánh trăng đêm
hè tỏa mát lấp loáng lung linh trên dòng sông quê hương, nơi mà thi nhân đã từng:
Đêm trăng tắm mát dòng sông
Áo phơi trước ngọn gió lồng
Cùng reo câu hò tiếng hát
Khuya về bỏ lại bến không
(Mặc Giang, xóm nhỏ làng
quê)
Hình ảnh gắn bó với làng quê
vào thuở ấu thơ này đã theo suốt cuộc đời thi nhân, là một trong những hoài niệm
đẹp nhất, trân quý nhất, bởi nó đã để lại trong lòng thi nhân bao ngọt ngào; từ
đó có thể dệt nên những trang thơ cuộc đời, tạo nên bao ấm nồng của những chiều
đông gió bấc căm căm. Hình ảnh với bao kỷ niệm thân quen đậm màu tình quê, xanh
ngắt màu xanh đồng lúa Việt Nam này khiến chúng ta phải nhớ đến một hình ảnh
tương tợ của thi sĩ Tế Hanh tả trong bài nhớ con sông quê hương:
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Vẫn trở về lưu luyến bên
sông
Vâng, chính nỗi niềm
yêu quê luôn vò võ thổn thức trong tâm hồn đầy nhiệt huyết, nên hình bóng quê
hương Việt Nam luôn là niềm thương nỗi nhớ trong lòng thi nhân, cả hai hòa quyện
đan chặt nhau như sông nhớ nguồn, như núi nhớ non, thân thiết ấm nồng như con
sông quê hương từng tắm mát cả đời thi nhân Mặc Giang, khiến ông như giữ mãi mối
tình ấy và luôn cảm thấy mới mẻ hấp dẫn, cuốn lôi.
Đến suốt cuộc đời, nó vẫn
luôn là đầu nguồn đích thực, là hạ lưu vĩnh hằng để thi nhân kí thác nỗi nhớ niềm
thương, đong đầy kỉ niệm mỗi độ thu về mát lạnh, đông đến gió rét căm căm, xuân
tới rộn rã tiếng chim, hay hạ về với hương sen ngào ngạt, để rồi cất lời hoan
ca như khúc nhạc khải hoàn: “ta đi trên nước non mình, ta về lưu lại bóng hình
quê hương, ta đi một nhớ hai thương, ta về ta nhớ vấn vương muôn đời. ” Đây
chính là lời ca quê hương được dệt kết trên cung đàn thương nhớ, vấn vương,
không chia lìa, không xa cách; là những bước chân chắc nịch nện mạnh trên lòng
sông vách núi; là những “dấu hài vạn thuở vẫn chưa pha” trên lộ trình nâng niu
và tiếp hướng về nguồn cội Việt Nam.
Có được hoa trái tình thương
đối với quê hương qua bao vun bồi, dưỡng nuôi, chăm bón như thế, do Người thơ Mặc
Giang không những ý thức được tinh hoa nguồn cội Việt Nam, mà trước những tàng
tích đau thương đất nước qua bao thời cuộc, ông còn luôn thống thiết như máu bồi
trong tim, quặn thắt từng cơn như phải trăm ngàn mũi kim, hay đếm từng giọt khô
giữa khắc nghiệt đông về. Trong Ta còn Việt Nam, sông núi hồn thiêng, Người
thơ Mặc Giang nói:
Một nắm xương khô nghe lòng
da diết,
Một giọt máu đào thấm nhuận
non sông
Năm ngàn năm lịch sử, nhục
vinh thành bại
Đã biết bao lần chất chồng
xương núi máu sông
Như một sự đánh động tâm tư
lãng quên của những ai nếu có, hay như một sự tài bồi cho tâm lực hằng nhiên.
Giang sơn gấm vóc chúng ta đã bồi đắp biết bao mồ hôi xương máu của cha anh từ
thuở dựng nước cho đến hôm nay, “là tinh hoa tiết liệt qua nhiều thời đại”,
chính là tất cả những gì đã kếttinh thành người con Việt hôm nay. Bởi đó là sựï
khơi động mạch nguồn giao cảm, sự vần vũ lại qua giữa thượng nguồn và hạ lưu,
khắn khít keo sơn như hồn sông núi, buộc ràng miên viễn như hình với bóng, quyện
hòa như sữa với nước giữa nhiều thế hệ chuyển tiếp qua bao thời đại. Và chính
vì vậy, dù trên vạn nẻo đường đời và mưa nguồn thác lũ, thì Việt Nam trong tâm
hồn thi nhân luôn là bài ca bi hùng, tự quyết:
Nhìn chữ “S” cong cong
Sao nghe đau vời vợi
Tôi từng nghe tiếng gọi
Dân tộc Việt yêu thương
Dù xa cách dặm trường
Tình quê hương chỉ một
(Mặc Giang, quê hương nguồn
cội)
Càng tự hào khi nhìn giang
sơn gấm vóc một cách sâu sắc bao nhiêu, thì càng nhức nhối, đau vời vợi bấy
nhiêu, đó đâu không phải là ý tưởng “nhìn quê hương anh nghe nhiều cay đắng,
nhìn cội nguồn tôi thấm những niềm đau ?”. Cũng vì qua chất liệu quê hương ngọt
ngào, qua những thành bại trôi dòng lịch sử mấy ngàn năm, thi nhân Mặc Giang
trăn trở thổn thức trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn hình ảnh “Mẹ nằm đó, mặt
lệ nhòa, không nói. Cha trầm ngâm trắng phếu bạc mái đầu.” Niềm cay đắng của
anh, nỗi đau thương của tôi, nhòa lệ trong im lặng của Mẹ và dáng điệu trầm
ngâm bạc đầu của Cha, đều là cùng trầm thống về quê hương, về con người Việt
Nam cùng chung máu đỏ da vàng, cùng đỡ đần qua vách chắn Trường Sơn, cùng uống
cạn nguồn mạch Thái Bình. Lời thơ như vượt trùng khơi bay xa giữa cõi đời huyễn
mộng, chính đã mở ra lộ trình tiến bước cho “tình ca muôn thuở của người Việt
Nam”, để cùng nhau đi xa hơn trên hành trình của nẻo về tình tự quê
hương.
Chừng ấy, đủ cho ai cũng thấy
biết được ý thức hệ về tình Quê Hương, tình dân tộc của Người thơ Mặc Giang.
Nhà thơ đã mở ra cho chúng ta lối về quê hương nguồn cội chỉ có một mà thôi, đó
là lối về của yêu thương, yêu thương vô điều kiện, không mang tính tạc thù ước
lệ, không đòi hỏi yêu sách bất kì thứ gì. Chỉ cần gặp nhau cho dù chưa từng
quen biết, chúng ta cũng có thể ôm choàng lấy nhau mà khóc, rồi cùng nhau ôn lại
“dòng lịch sử còn rung thời tiết đọng. Thuở dựng cờ, khai tổ quốc giang san”, rồi
cùng khóc cười mà hát điệp khúc: “Tình quê ca khúc nẻo đường. Em reo ca khúc
quê hương muôn đời ”
Đây là nỗi niềm khiến Người
thơ Mặc Giang thao thức trằn trọc bâng khuâng, 60 ngày đêm liền không ngủ. Xưa,
khi mất bạn, Nguyễn Khuyến nói:“rượu ngon không có bạn hiền. Không mua, không
phải không tiền, không mua”. Nay, thi sĩ Mặc Giang có lẽ vì trầm tư trước đà biến
chuyển xa khơi của con đò quê hương, trước ánh nắng vàng vọt hắt hiu yếu ớt vào
một chiều lụi tàn dần tắt bình minh quê mẹ. Trong Kỉ niệm 60 đêm không ngủ,
Mặc Giang nói:
Hai ngọn đèn không cần phải
châm dầu
Sáu mươi đêm cháy hoài không
muốn tắt
Tôi nằm yên, nghe đến từng
hơi thở
Tôi đăm chiêu, nghe mềm cõi
tâm tư
Sáu mươi đêm không ngủ, mang
nặng hình cây đa, gốc dừa, bến nước, am tranh của quê hương; hai tháng trời thức
trắng, mang nỗi niềm tình tự yêu thương, để rồi trong thanh vắng đêm trường,
thi nhân còn nhớ thương luôn tất cả người anh em chị em. Ở đó như mở ra một
thông điệp ngõ vào tình thương giữa con người Việt Nam:“anh với tôi đâu phải
người xa lạ, dù không quen cũng gợi cảm tình người ”. Cho nên thi nhân đã từng
đếm từng tiếng khuya rơi rụng, từng nghe mềm cõi tâm tư, nhìn sâu vào bóng đêm
trong thiết tha, đợi chờ, mong mỏi.
Từ đó, trong Mặc Giang, những
dòng thơ tràn ngập triết lí sống và dạt dào tình thương, đã thâm thiết mở ra
cho đồng bào Việt Nam lối về tình tự muôn thuở trên con đường “mọi nẻo hương
quê, rung hồn lệ sử”. Con người Việt Nam nên phải “nâng niu trau chuốt từng
ngày”, phải biết:
Biển rộng sông dài gìn giữ
điểm tô
Phải nên khuyên nhau:
Anh đi xây đắp nẻo đường
Tôi đi vá lại quê hương rã rời
(Mặc Giang, tình ca muôn thuở
của người Việt Nam)
Những chuyển biến thời cuộc,
những thay đổi do ý thức hệ trong mỗi thời đại, vô tình đã biến quê hương không
còn như xưa, khiến con người đôi khi cũng nổi trôi theo thế vận, khiến nét mặt
quê hương mang những dấu ấn phong sương thời gian, là nét rã rời biến thể của đồng
xanh, nét tàn phai trơ trọi của mùa lúa chín, là âm vọng rời rạc chắp nối ứ nghẹn
của điệp khúc tình tang trở về. Nên lời thơ của thi nhân Mặc Giang như đang thủ
thỉ bên tai chúng ta là hãy tận lực, hãy dốc tâm, hãy hành động cho Việt Nam, cái
nôi quê hương muôn thuở, nơi mang bao kỉ niệm tình Mẹ, bao hoài cố nghĩa Cha.
Nhưng điểm tô, xây đắp trau
chuốt bằng cách cách nào mới vẹn tình quê? Không gì khác, đó là xây dựng, bồi đắp,
bền vững hơn tình người, tình đồng bào, tình huynh nghĩa đệ. Đây chính là lúc
thi nhân muốn nói:
Dòng lịch sử, muôn đời, ta
chung sống
Hồn quê hương, muôn thuở ta
đắp xây
Tình anh em, mãi mãi, ta tiếp
tay
Tình dân tộc, ngàn đời,
không lay chuyển
(Mặc Giang, ta bước đi
trên quê hương ta)
Có một lịch sử oai hùng, hồn
quê hương ngọt ngào đường mía lau như thế, thì anh em chị em phải gìn giữ, đắp
xây, phải “tay trong tay, tình trong tình, máu trong máu”, để tình dân tộc ngàn
đời không biến chuyển đổi thay. Thế mới chính là đích thực yêu quê hương,
thương nòi giống Âu Lạc, trân quý nguồn cội Tiên Rồng.
Một nhạc sĩ nào đó viết về
quê hương cũng khá cảm động “…quê hương, mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ
thôi, quê hương nếu ai không hiểu, sẽ không lớn nổi thành người.” Không hiểu, tức
không biết trân quý, không xây dựng tình thương , để “cho vạn vật nhân sinh hòa
điệu sống.” Không lớn nổi thành người là thành thân mà không thành danh, thành
khí mà không thành chất, thành hư mà không thành thực; không thực sự cưu mang
tiếng hát ầu ơ của Mẹ, tiếng hát vượt băng vách chắn thời gian; không thực sự
mang hình hài cốt khí của Cha, hình hài càng sắc nét, càng linh tri theo sóng
nước lan tỏa không gian.
Để xây dựng tình yêu quê
hương trọn vẹn trong hoàn thiện tình người, thì bước đầu tiên, phải xác lập sự
thân thiện, lòng cảm thông. Nên biết rằng, hiểu nhau và thương nhau là nhu yếu
khơi dòng của mạch sống, hôm qua hôm nay ngày mai, đầu tiên sau cùng và mãi
mãi. Nhạc sĩ vượt thời gian Trịnh Công Sơn có lời ca như là một lời nhắn nhủ
thâm thiết, là ý thức đầu nguồn không thể thiếu để thiết lập dựng xây, vun vén
tình người:
Mưa vẫn mưa bay cho đời biến
động
Làm sao em biết bia đá không
đau!
Xin hãy cho mưa qua miền đất
rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có
nhau
Ngay sỏi đá, đâu phải vô
tình, giữa chúng có mối tương quan mật thiết, chúng cũng biết đau, cũng cần có
tình thương, cần có nhau, thì con người, chúng ta chắc ai cũng tự biết.
Thiết lập trọn vẹn tình
huynh nghĩa đệ, tràn đầy ý thức cùng mang dòng máu cha ông, là lúc chúng ta hội
đủ tư cách của một đấng trượng phu với phong thái:
Ngước mặt ngẩng đầu sống
dọc ngang
Cho hay con cháu giống
da vàng…
(Mặc Giang, xin nguyện làm
người nước Việt Nam)
Là chính thức xác định mình
trong ý thức tình tự quê hương dân tộc. Ý thơ vừa như một lời thệ nguyện kiên
trinh, lại vừa như một lời khuyên chân tình của thức giả, lời kêu gọi thân thiết
của người bạn hiền, lời vỗ về tâm can của cha, lời dặn dò như van lơn của mẹ.
Vâng! phải cao thượng, phải khí tiết, nhìn lên không thẹn với trời xanh, ngó xuống
không hỗ với đất dày, như thế mới xứng danh con cháu Tiên Rồng, mới đủ tư cách
dự vào hàng ngũ hậu duệ của Văn Lang. Đã là con cháu Rồng Tiên, thì nên sống như
thế; sống được như thế, mới đúng hợp với chất liệu cốt cách Tiên Rồng.
Chính nhờ thế, nên một cách
khẳng khái, quyết đoán, trong Xin nguyện làm người nước Việt Nam, thi
sĩ Mặc Giang đã tình tự nát cõi tâm can với non sông gấm lệ, với Linh Hồn
Tiên Tổ rằng:
Kiếp sau nếu được làm người
nữa
Xin nguyện làm người nước Việt
Nam
Như thế, nói với chính mình,
nhưng chẳng khác nào tác giảnhư đang nói với đàn em đó sao! Vì trong quê hương,
là hơi thở của em, là nụ cười của thi nhân, như thi nhân đã khẳng định: “em
vẽ một vòng tròn, tôi vẽ một hình vuông, khép hai chữ vuông tròn, thành quê
hương muôn thuở”, đây là chất liệu và cũng là tiền đề để dựng xây bồi tô
cho Quê hương nguồn cội.
Có như thế, chúng ta mới
càng thêm tự hào khẳng định sự tồn tại miên trường bất diệt của quê hương, đó
là sự thể hiện một cách hoành tráng, rung động như trống chiêng, và cũng êm ái
dịu dàng như khúc rẽ dòng sông:
Việt Nam tổ quốc quê
hương tôi,
Thời thế thế thời dẫu đổi
ngôi,
Lịch sử năm ngàn không biến
đổi,
Truyền trao thế hệ mãi tô bồi
(Mặc Giang, Nguyện làm người
nước Việt Nam)
Đó cũng chính là khúc hát của Việt Nam
quê hương còn đó, với lời ca vang vượt cả mây ngàn và gió núi bao la: “xưa
nay trang sử lựa là, lật ra một cái còn ta với mình, Việt Nam muôn thuở tồn
sinh, quê hương muôn thuở như mình với ta”. Đó là cách thể hiện hùng hồn
nhất tấm lòng tri ân báo ân, biết cội biết nguồn, biết trân trọng nâng niu dòng
máu khai sinh, biết quý thương từng dải giang san đẫm xương máu cha ông qua bao
thời đại, và đó chính là sự thể hiện “Uống nước nhớ nguồn cây nhớ cội”. Có thế
mới làm cho “ngàn năm rạng rỡ giống Rồng Tiên”
Những chất liệu mặn mà của
quê hương luôn thẩm sâu trong lòng thi nhân những khúc tao đàn tuyệt diệu, như
những tình tự khắn khít niềm tin yêu: “thương quê từ bấy đến giờ, yêu quê
từ độ bơ vơ khơi dòng”. Chính những chất liệu này càng thêm nung nấu nóng
chảy niềm nhớ thương của nhà thơ Mặc Giang. TrongThầm Lặng, thi nhân gởi
trao niềm nhớ thương khôn nguôi:
Khóc mẹ ủ gầy tận cuối quê
Thương em èo uột khổ trăm bề
Đôi tay nương níu hồn sông
núi
Ước vọng ngày nao bước trở về
Chỉ cần rung lên nỗi niềm
tình tự, chỉ cần chùn xuống tận nẻo tâm tư, sẽ thấy bụi tre hàng dậu nghiêng
bóng thân quen, thưởng thức được hương vị thơm ngon của trái bắp củ khoai vùi
trong đống tro tàn, uống được từng ngụm nước sông ngọt lành đựng trong chiếc
gáo dừa bền chắc, đen điu, bóng láng. Chỉ có qua những đậm đà hương vị thấm đượm
tình quê ấy, chúng ta mới uống được luôn cả quốc hồn quốc túy Việt Nam. Chúng sẽ
nuôi dưỡng chúng ta lớn thêm lên nhiều lắm, mà sơn hào hải vị năm châu làm sao
sánh được!
Khúc hát tình tự về quê
hương Việt Nam của Người thơ Mặc Giang mãi mãi như con tàu tình cảm dân tộc,
đưa hướng ta đi trên hành trình vô tận không bến bờ, không sân ga, để tạo tựu
chất liệu keo sơn, xây dựng bồi tô cho non sông gấm vóc ba Miền, vun vén cho
nghĩa đệ huynh thêm bao la. Nên dù anh có đi muôn hướng, chị có đến ngàn
phương, thì chỉ có một chỗ duy nhất để trở về, và nẻo trở về Quê Hương chỉ một
con đường mà thôi, con đường hướng đến chân trời xanh ngát màu xứ sở, hướng về
buôn làng lúa trổ đòng đòng của đất mẹ dấu yêu. Quê hương mãi mãi là điệp khúc
hay nhất trong tất cả các điệp khúc mà tôi hát cho anh nghe, cho chị nghe, và
cho em nghe. Tình tự quê hương của thi sĩ Mặc Giang luôn rung động trào dâng
thân thiết nhất trong các tình tự. Trong đó, chúng ta càng có cơ hội dệt thêm sắc
màu của bếp lửa nhà tranh, để “ngọn lửa thêm hồng, Việt Nam trời Đông, quê
hương ta đó!!! ”.
Nét đặc biệt trong tình tự quê hương của nhà thơ Mặc Giang khiến ta bất chợt nhớ đến lời khẳng quyết: “một câu thơ, mà còn hơn triều sóng… một ý thơ, rung động cả thiên thu”, cũng vì chủ đề quê hương đất nước của thi nhân đã mở ra cho hôm nay, cho cả mai sau lối về của ý, cõi đi về của tâm thể trên dòng đời miên viễn, xuyên suốt vô tận thời gian, bạt ngàn vô hạn không gian.
Nét đặc biệt trong tình tự quê hương của nhà thơ Mặc Giang khiến ta bất chợt nhớ đến lời khẳng quyết: “một câu thơ, mà còn hơn triều sóng… một ý thơ, rung động cả thiên thu”, cũng vì chủ đề quê hương đất nước của thi nhân đã mở ra cho hôm nay, cho cả mai sau lối về của ý, cõi đi về của tâm thể trên dòng đời miên viễn, xuyên suốt vô tận thời gian, bạt ngàn vô hạn không gian.
Gió đồng nội chiều nay
mát lắm, khúc mía lau như càng thêm lịm ngọt, chuyến đò ngang vẫn lững lờ đợi
khách sang sông, từng cánh én đang tung mình trên nền trời quê hương xanh thẳm,
những em bé mục đồng đang lùa trâu về trong ráng hồng yếu ớt… Đâu đó trong gió thoảng
lưng đồi, là tiếng chày giã gạo liên hồi, tiếng ru hời của mẹ yêu như đang lâng
lâng lan tỏa trên sông dài biển rộng mênh mông, ngút ngàn giữa núi thẳm rừng
xanh bao la của con người Việt Nam. Cả thi nhân, cả chúng ta như đang từng bước
châïp choạng của bóng đêm để tìm về mái tranh ấm hồng bếp lửa, ngồi bên Mẹ dấu
yêu, ngồi bên Cha trầm lắng, anh chị em cùng hát và kể cho nhau nghe về
điệp khúc của tình Quê Hương muôn thuở. Chắc rằng, câu chuyện sẽ cuốn hút,
chìm sâu, lắng đọng tâm tư để nghe, nghe cho đến khi, ô kìa, trời Đông đã quá ửng
hồng!!!.
Một ngày cuối Thu Bính Tuất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét