Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Tam Đảo xanh xanh nắng gió ngàn

Tam Đảo xanh xanh nắng gió ngàn
Tam Đảo xanh
Tam Đảo xanh xanh nắng gió ngàn
Một vùng xuân sắc rộng mênh mang
Đồi thông trùng điệp ru hồn khách
Thác nước long lanh vọng tiếng đàn
Suối gọi mây thưa trời mở cổng
Đèo chờ núi đợi dốc buông thang
Cây treo lơ lửng hương lan toả
Bóng nguyệt soi lồng rực ánh quang
Chu Đình An
Bài thơ Đường luật đưa ta về một vùng danh thắng nổi tiếng:
Tam Đảo xanh xanh nắng gió ngàn...
Câu phá đề thanh nhẹ, tao nhã "xanh xanh nắng gió ngàn" tạo cái thế cho cả "Một vùng xuân sắc" Tam Đảo "rộng mênh mang" câu thừa đề mở ra bát ngát... Hai câu đầu, tác giả dựng cảnh theo bút pháp hội hoạ, nhìn bao quát từ xa một Tam Đảoxanh xanh cả nắng, gió ngàn...Đến hai câu thực thì âm nhạc thiên nhiên Tam Đảo lên tiếng:
Đồi thông trùng điệp ru hồn khách
Thác nước long lanh vọng tiếng đàn

Đây là lúc bước chân người thơ đồng vọng tiếng đàn long lanh giọng thác nghìn thước non cao. Ngẩng đầu lên lại gặp trùng điệp vi vu muôn ngàn tiếng lá kim đồi thông ru tâm hồn du khách. Thiên nhiên Tam Đảo hiện ra càng sinh động kỳ thú trong thơ Chu Đình An. Thủ pháp hô ứng, liên hoàn, nhân hoá... được tác giả sử dụng cùng lúc làm nên hai câu luận súc tích, uyển chuyển, nhịp nhàng xứng đáng là những câu thơ hay:
Suối gọi mây thưa trời mở cổng
Đèo chờ núi đợi dốc buông thang

"Suối gọi", "mây thưa" và "trời mở cổng"! Lời thơ ý vị ở chỗ tác giả dùng chữ "thưa" trong "mây thưa". Mây thưa là mây mỏng, mây đang tan cho trời cao ló dạng và cổng trời rộng mở ... Nhưng "mây thưa" đặt sau "suối gọi" tự nhiên thành tiếng áng mây đáp lời dòng suối để trời mở cổng trên cao chào đón du khách lên thăm Tam Đảo. Câu trên thuộc về thanh điệu của suối - mây - trời. Câu dưới là sự đăng đối của đèo - núi - dốc: "Đèo chờ"," núi đợi", "dốc buông thang"! Tất cả các cung bậc thấp cao hình khe thế núi danh sơn Tam Đảo bày ra dưới trời lồng lộng, mời mọc ân cần...
Hai câu kết, tác giả đưa vào thơ làn hương của phong lan, của hoa ngàn Tam Đảo và gọi dậy một vầng trăng để "Bóng nguyệt soi lồng rực ánh quang". Một Tam Đảo rực sáng trong ánh trăng lồng...Bài thơ Đường luật "đi đến nơi, về đến chốn", sáng tác năm 2000, được in vào tập thơ Đường luật Sống mãi với thời gian - tập thơ thứ tư của Chu Đình An, NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2012.
Chu Đình An là cây bút cựu chiến binh. Thời tuổi trẻ, hơn mười năm ông có mặt ở các chiến trường C, B, K. Bao nhiêu kỷ niệm về hậu phương, tiền tuyến, tình đồng đội, nghĩa quê hương tạo cảm xúc chân thành cho người cầm bút. Ở đây, tình thơ với lòng yêu thiên nhiên đất nước của tác giả làm nên một Tam Đảo xanh đáng yêu là thế.

Nam Định, 16/2/2012
Hoàng Tuấn Phương
Theo http://vannghenamdinh.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú

Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn có trách nhiệm và có ham thú ...