Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Yêu hơn người nông dân trong bài văn tế của cụ Đồ Chiểu

Yêu hơn người nông dân trong 
bài văn tế của cụ Đồ Chiểu
Em xuất thân từ nông thôn, cha mẹ em là nông dân, lớn lên trong lời ru của ngọn gió đồng ấm áp, thơm mùi bông lúa, ngày ngày chứng kiến cha mẹ một nắng hai sương, đói no cùng hạt gạo. Làng quê hiện lên trong em với dòng sông quê hương, em bé cỡi trâu, rơm rạ, đã trở thành ký ức của tuổi thơ. Không biết có phải những gì đẹp đẽ về quê hương trong em đã trở thành những sợi rễ dài ăn sâu vào mạch nguồn của làng quê? Để rồi khi đọc "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu, những hình ảnh về người nông dân Nam Bộ, những hình ảnh của thời mà em chưa được sinh ra, nhưng em vẫn cảm thấy sự thân thuộc, gần gũi. Còn hơn thế, văn chương cụ Đồ Chiểu, đã khơi dậy trong em niềm thương cảm, mến yêu, cảm phục lẫn niềm tự hào to lớn về người nông dân Việt Nam, một sự ngưỡng mộ sâu sắc người nghệ sĩ của nhân dân (nông dân), nhà thơ mù xứ Nam Bộ.
Đọc "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", cảm nhận đầu tiên là niềm thương cảm sâu xa về những mảnh đời âm thầm, nghèo khổ. Người nông dân bao đời nay vẫn lam lũ, một nắng hai sương, cuộc đời lao động âm thầm nghèo khổ; thế nhưng mỗi tâm hồn đều chất phác, thật thà, họ là những con người yêu hòa bình, quanh năm chỉ biết "cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó". Trên mảnh đất Quảng Nam chúng ta, một tỉnh nghèo của miền Trung nắng gió quanh năm. Người nông dân lam lũ như chiếc bóng nâu hao gầy trên quê hương ta còn nhiều lắm! Hình ảnh ấy có lẽ không xa lạ. Riêng em, được sinh ra trên mảnh đất Hiệp Đức, vẫn còn đó hình ảnh chiếc áo nâu bạc màu bởi nắng gió, bởi cuộc sống lam lũ... Cho nên hình ảnh người nông dân trong tác phẩm "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" với em không hề cũ, không hề xa lạ. Hơn nữa, đó là những bóng dáng quê hương, về con người mà em luôn trân trọng nuôi giữ ở lòng mình với bao yêu thương ngậm ngùi.
Nhưng điều làm nên giá trị của bài văn tế đâu phải chỉ tái hiện ở những cảnh đời âm thầm "một nắng hai sương" nơi đồng chua nước mặn. Hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ trong tác phẩm là hình tượng người anh hùng của buổi đầu chống thực dân, hiện lên với những nét thô sơ, chất phác, mộc mạc nhất: 
"Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung
Chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ" 
(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). 
Phải chăng từ sâu thẳm trong tim của những con người ấy luôn tiềm tàng ngọn lửa yêu nước, khi mảnh đất cha ông bị giặc cướp mất, ngọn lửa ấy lại có dịp bùng lên, cháy rực rỡ khi được rưới thêm lòng căm thù? Vâng, lòng căm thù giặc của họ cũng "rất nông dân", tựa như đánh giặc là công việc đồng áng; mà kẻ thù thực dân chính là loài - cỏ dại phải nhổ bỏ. Đối với họ yêu ghét cũng thật rạch ròi: 
"Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan, 
ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ".
Đọc những câu ấy, ta càng hiểu được sức sống của văn chương. Khi gắn với đời sống, giá trị của văn chương đã không còn ở câu chữ, mà là từ tấm lòng đến với những tấm lòng. Nguyễn Đình Chiểu viết về nông dân như người nông dân viết về chính mình. Nhà văn đã sống cùng họ, hiểu họ hơn ai hết. Ông đã nhập thân vào người nghĩa sĩ để tạc nên bức tranh công đồn có một không hai trong văn học trung đại: 
"Chí nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không
Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có"; 
"Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ"... Người anh hùng "áo vải chân không" chống lại súng đạn kẻ thù bằng gậy tầm vông, bằng hỏa mai, bằng rơm con cúi, chiến đấu quả cảm như những thiên thần không hề biết khiếp sợ loài dơi đen quỷ dữ. Quả thực một sức mạnh mà kẻ thù không thể hiểu được. Trong những con người hiền lành, chất phác kia có những phép màu nhiệm giúp họ hiên ngang trước cái chết? Họ chiến đấu trong thiếu thốn mà vẫn hiên ngang, kiên cường, họ thất thế mà vẫn anh dũng, quả cảm làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Lịch sử dân tộc là những trang được viết bằng máu của người anh hùng vô danh, từ thời vua Hùng dựng nước, để từ đó hình hài Tổ quốc như con rồng uốn khúc lưng tựa dãy Trường Sơn hùng vĩ, đầu hướng ra biển Đông để hứng chịu bao phen phong ba bão táp của thời đại, thế mà vẫn hiên ngang tồn tại suốt bốn nghìn năm. Dòng máu yêu nước của những trái tim "Con Hồng, cháu Lạc" chảy dài qua bao đời càng trở nên thắm thiết, nồng nàn. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã để lại trong em những cảm xúc sâu sắc. Tác phẩm chứa đựng những giá trị nhân văn to lớn và thực sự là một bài tế lớn nhất, hay nhất của văn học Việt Nam. Tất cả tràn ngập trong tác phẩm là hơi thở của cuộc sống hiện thực. Nhà văn đã tái hiện thật sinh động cuộc sống lao động lam lũ, cuộc sống chiến đấu hào hùng của cha ông ta. 
Bài "Văn tế..." còn giúp chúng ta hiểu được những giá trị thẩm mỹ của văn học bằng hệ thống ngôn từ chất phác, hình ảnh hiện thực, giản dị. Để rồi khi đọc tác phẩm, chúng ta lại thêm yêu lịch sử, tự hào là một người Việt Nam.
Theo https://www.wattpad.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chính danh và háo danh

Chính danh và háo danh Giở cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” ra, tôi giật mình. Trong số hơn 1.000 hội viên cũng có nhiều người từ lâu khôn...