Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

Ba Lan du ký

Ba Lan du ký
1. Warsaw, thành phố sống dậy
Tôi đến thăm thủ đô Warsaw của Balan trong một chuyến du lịch Đông Âu dài ngày. Từ lâu Ba lan đối với tôi là niềm cảm mến chân thành về một dân tộc bị trị đã quả cảm đứng lên thực hiện cuộc nổi dậy chống bạo cường Đức quốc xã vào thế chiến thứ hai. Nhưng trời không chiều lòng người và hơn 200 ngàn dân Ba Lan đã bị tiêu diệt trong cuộc tắm máu đó. Họ tin tưởng vào lời hứa hẹn của liên minh Nga và bị phản bội dù quân Nga đã đến đóng bên kia sông Wisla. Đoạn hồi ký lịch sử Ba Lan này đã được quay lại trong cuốn phim "Pianist" với nhân vật Wladyslaw Szpillman. Anh là một nhạc công dương cầm tài năng mang hai dòng máu Ba Lan - Do Thái và bắt đầu bi kịch đời mình khi quân đội Nazi bỏ bom như trút nước xuống Warsaw, rồi tiến chiếm Ba Lan. Cuộc đời tù túng, trốn chạy không ngừng trước những săn đuổi ráo riết của quân Đức chẳng làm phai nhoà niềm đam mê, bầu nhiệt huyết cháy bỏng của anh với âm nhạc. Vào tháng 11 năm 1940, anh là nhân chứng sống thấy được những cảnh man rợ, ngược đãi con người không nhân tính trong trại tập trung người Do Thái (Warsaw Ghetto), ở Warsaw, nơi có giam cầm cha mẹ anh. Anh cũng chứng kiến cuộc nổi dậy và những thây người ngã xuống khi dân chúng Ba Lan bị thất bại và đàn áp. Những người Do Thái cũng bị tập trung ở đây trước khi đưa qua phòng hơi ngạt .
Hàng ngàn người Do Thái

bị đưa vào trại tập trung Warsaw
Người bị hành quyết 
trong cuộc nổi dậy
Tôi cũng không thể quên nhân vật Abel Rosnovski người Ba Lan trong tác phẩm bán chạy nhất khắp thế giới năm 1979 "Kane & Abel" của Jeffrey Archer. Cuốn tiểu thuyết gây nhiều ấn tượng với độc giả, xoay quanh hai nhân vật sinh ra cùng thời điểm, từ hai hoàn cảnh sống, hai số phận khác nhau, lớn lên cùng đạt thành công trong cuộc sống nhờ vào sự quyết tâm. Tuy nhiên nhân vật Abel là người cùng khổ từ lúc lọt lòng, nhờ thông minh lại có nhiều nghị lực đấu tranh nên sống còn sau cuộc chiến giữa Đức và Ba Lan. Abel đến được Hoa Kỳ lập nghiệp và leo đến tận cùng của đỉnh danh vọng. Độc giả có thể nhận ra Abel như một người mẫu điển hình trong rất nhiều người di dân Ba Lan đã di cư đến New York, hay Chicago Hoa kỳ vào những năm cuối đệ nhị thế chiến. Họ bị ly tán đi khắp thế giới và chăm chỉ cần cù lập nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. 
Warsaw hay Warszawa, cái tên được tạo bởi Wars (người đánh cá), và Sawa (nàng tiên cá trên sông Wisla) là thành phố lớn nhất cũng là thủ đô của Ba Lan, một trong những trung tâm thương mại phát triển nhất của Đông Âu. Thành phố Phương Hoàng (một tên khác của Warsaw) này là một kết hợp của nhiều kiến trúc. Gồm các nét nghệ thuật Gô-tích (Gothic) trước Trung Cổ, thời Phục Hưng với Renaissance, kiểu La Mã với Ba-rôc (baroque) và  pha trộn cả Hy Lạp cổ với Neoclassical nữa. Đồng thời những tòa nhà mang nét kiến trúc Nga cũng hiện diện, điển hình là Cung Văn Hóa. 
Theo chân đoàn du lịch, chúng tôi đi thăm vùng cố đô (old town) của Warsaw. Sau hai cuộc thế chiến, Phố Cổ như một bãi hoang địa hư hỏng đến 85%, giờ đã rùng mình sống lại, đẹp hơn, trang nhã hơn trong nét kiến trúc có hơi hướng hội họa cổ điển Canalletto, nửa nguyên thủy, nửa tân tạo, bừng sáng lóng lánh tươi. Nhìn vẻ hài hoà, màu sắc nhu hợp nhưng không thiếu dáng uy vĩ của các ngôi lầu đài, cung điện, thánh đường, du khách không thể không cảm phục tinh thần bất khuất của người dân Ba Lan. Họ đã xây dựng, tái thiết lại đô thị của họ bằng tiền quyên góp của người dân. Lòng yêu nước, nỗi tự hào dân tộc đã nuôi sống các cuộc trùng tu cố đô bắt đầu từ những năm 1950. Riêng cung điện Hoàng Gia khởi sự sau năm 1970. Nhờ những bản vẽ và họa đồ từ thế kỷ 18 còn để lại, việc kiến thiết trở nên dễ dàng hơn. Cư dân phần lớn dời về Phố Mới (new town), nhường lại Phố Cổ cho thương mại cùng những dịch vụ du lịch vì số lượng du khách ngày càng tăng. 
Chúng tôi vào trong Cung Điện Hoàng Gia và được nhìn tận mắt kiến thiết huy hoàng của cung điện với những hoa văn trang trí khi thì mạ vàng, khi thì dịu nhẹ, tươi mát với sắc xanh lục êm êm. Tường phần lớn trần thiết với những bức tranh hoạ quang cảnh của đô thị Warsaw xưa do các hoạ sĩ thế kỷ thứ 19 vẽ lại. Các câu chuyện và biến cố lịch sử qua các triều đại được miêu tả và tường thuật tỉ mỉ bằng các cây cọ lừng danh của Ba Lan.
Phố cổ warsaw
Cung điện Hoàng Gia Warsaw
Tôi được đi lại trên con đường có lát đá (hầu hết những con đường cổ ở Âu Châu đều lát đá) thật râm mát với những vòm dẻ gai rụng trái khắp nơi. Lạ, Âu châu nơi nào cũng có loại cây mang thứ trái xù xì gai như chôm chôm này. Mỗi lần trái chín khô rơi xuống, cái hạt dẻ nâu bên trong lại mở ra, trông rất ngon mắt. Chim chóc rất thích hạt dẻ gai, nhưng con người ăn nhiều không được vì nó chứa chất độc tannins. Hồi thế kỷ thứ 19, người Anh đã dùng dầu của nó để xào nấu và đốt đèn. Con đường Hoàng gia này là một trong những đại lộ rộng nhất của châu Âu, nối Công viên Lazienki đến Thành Cổ. Ngày xưa chỉ có vua chúa và các gia đình quý tộc mới được đi. Nó dẫn đến các kiệt tác kiến trúc - nhà thờ, cung điện, nhà hát - đã được xếp hạng của thủ đô xứ Ba Lan. Đó là Cung điện Hoàng gia Warszawa tại Quảng trường Thành cổ, nơi sừng sững và vươn cao bức tượng vua Zygmunt Đệ nhị trên chiếc cột đá cao 22 mét; đây chính là vị vua đã dời thủ đô Ba Lan từ cố đô Cracow về Warszawa vào thế kỷ XVI. Sau này trong thời Nga chiếm đóng con đường chỉ dành cho những chức sắc và gia đình có quyền hành trong Đảng mà thôỉ.  Khu quảng trường coi như Paris thu nhỏ này cũng là nơi tổ chức các buổi hội họp và lễ lạc thời Liên Bang Sô Viết thống trị.  Cũng chính nơi này chúng tôi được xem những bức ảnh chụp và tận mắt thấy những lóng xương giày dép, vật dụng của những người Do Thái bị thảm sát ngày trước. Khi dân Ba Lan tái thiết thành phố, họ đã khai quật và tìm thấy xương cốt cũng như dấu vết của các sắc dân Do Thái, Ba Lan, Ukraine đã bị giết.
Sau đó chúng tôi có đến thăm đài tưởng niệm cuộc nổi dậy dành độc lập tháng 8 năm 1944 với những bức tượng điêu khắc tường thuật lại diễn biến cuộc chiến. Hình ảnh quân Ba Lan chui lên từ những đường hầm đã bị quân Đức bắt, được mô tả tỉ mỉ qua các bức tượng. Người hướng dẫn viên du lịch không ngần ngại bày tỏ nỗi phẫn uất lịch sử qua tấn bi kịch gần nửa thế kỷ, từ năm 1944 tới năm 1989, dân tộc Ba Lan cay đắng với thân phận vừa thoát khỏi ách phát xít lại rơi vào ách của hệ thống toàn trị cộng sản do Liên Xô đứng đầu.
Norman Davies, sử gia Anh, đã nói trên nhật báo Ba Lan Dziennik:
"Một số vấn đề lịch sử của Ba Lan cho đến ngày hôm nay bị làm ngơ khủng khiếp ở phương Tây. Câu hỏi đặt ra là làm sao đánh động được hàng triệu người không phải là kẻ thù của lịch sử Ba Lan, mà đơn giản là họ không biết gì cả. "Katyn" không hợp với sự mường tượng của họ về Thế chiến II: phía Thiện, tức là những người chống lại Đức Quốc Xã - và chỉ một phía Ác: phát xít Hitler. Sự thể là, trong cùng thời gian ấy còn một bạo chúa hãi hùng khác, đó là Liên Xô - mà trong thực tế người ta có biết đến nhưng rất hời hợt. Sau khi Đức đổ bộ, Ba Lan còn bị cả quân Xô Viết tấn công".
Viếng thăm một quốc gia, du khách không những được mục kích những kiến trúc, đền đài, cung điện, phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, thơ mộng, du khách còn được hiểu biết thêm về văn hoá, kinh tế và chính trị của nước đó. Bi kịch lịch sử của Ba Lan là một bài học quý giá cho những sử gia thế giới và những ai ưa thích môn lịch sử muốn tìm hiểu thêm. Ba Lan còn nhiều nơi chốn và nhân vật lừng lẫy sẽ được nhắc đến trong bài viết tới của chương ký sự Ba Lan này, xin độc giả đón đọc.

Cung Văn hóa
2. Đất nước của các nhân vật lẫy lừng
Có đi qua những đồng cỏ xanh ngăn ngắt, nhìn những con bò sữa tha thẩn gặm cỏ bên cạnh các căn nhà nên thơ, người ta mới thấy nét đẹp vùng quê Âu Châu an bình đến thế nào. Ba lan còn là xứ sở của họ nhà cò. Chúng hay đến Ba Lan như một nơi chốn thiên cư. Không nhắm mắt tôi cũng mường tượng được những cánh cò trắng, bay ngợp đồng xa, ngát dịu cả làn không khí đầu thu. Từ lâu tôi vẫn yêu cái hình ảnh một con cò trắng đội mũ xanh, mỏ mang một em bé gói chặt trong mảnh khăn vuông, tận tụy giao từng nhà có những bà mẹ đang giờ khai hoa nở nhụy, chờ ngắm đứa con mình. 
Có phải cái thanh bình lãng mạn của đất nước làm nên tâm hồn con người không, mà Ba Lan đã sản sinh những con người lừng lẫy. Nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm vĩ đại của xứ sở Ba Lan, Fryderyk Chopin đã chào đời tại ngôi làng Zelazowa Wola cách Warsaw chừng 60 km. Ngay từ nhỏ, tài năng của Chopin đã sớm bộc lộ và ông được so sánh với thần đồng âm nhạc Amadeus Mozart của Áo. Ông được mến mộ khắp châu Âu. Ông cũng là người có công phong cách hóa điệu Polonaise, và tạo cho điệu nhạc vũ truyền thống của Ba Lan thường được dùng trong những hội hè một tinh thần hào hiệp và phong thái mã thượng.
Đoàn du lịch chúng tôi vào thăm công viên Hoàng gia Lazienki, công viên rộng lớn, đẹp và nổi tiếng nhất của Ba Lan- đã có hơn 300 năm tuổi.  Ngay cổng vào là tượng của Chopin, tượng đài kỳ vĩ này được xây từ thập niên 20 thế kỷ trước. Bị chiến tranh hủy hoại vào năm 1940, 18 năm sau, bức tượng của đại diện xuất chúng của trường phái Lãng mạn trong âm nhạc thế giới được tái khắc họa theo hình mẫu ban đầu. Cũng tại nơi đây những cung nhạc bất tử của vị đại nhạc sư Chopin được các nghệ sĩ dương cầm đời sau trình tấu lại mỗi chủ nhật hàng tuần trong mùa hè. Trên các băng ghế đá nghỉ chân của đại lộ Phố Cổ đều có để nhạc Chopin mà du khách chỉ cần bấm vào chiếc nút nhỏ là có thể nghe được các bản nhạc giao hưởng của ông.
Tượng Chopin trong 
công viên Lazienki

Thánh đường Holy Cross,

nơi có trái tim của Chopin
Lúc này trời vào thu, cây lá chuyển mình đợi giờ phai úa. Công viên đại ngàn Lazienki rợp mát che cho Cung điện Mùa hè của các triều đại vua chúa Ba Lan. Những tòa dinh thự tuyệt đẹp được xây từ thế kỷ XVII nghiêng bóng trên mặt hồ, cùng soi nước. Gót chân du khách nào đã lững thững qua đây, đạp lên dấu ấn quá khứ, lòng không khỏi bâng khuâng. Bạn không thể không dán mắt vào hình ảnh những cô gái hay các phụ nữ vẻ ngoan hiền, đầu đội khăn voan, len hay lụa, tay cầm một bó hoa xinh xinh, đi về phía giáo đường. Trông họ thanh khiết và đẹp làm sao. Theo tục lệ Âu châu, người phụ nữ phải dùng khăn che tóc khi vào nhà thờ vì tóc là đầu mối của mọi tội lỗi. Tôn giáo của Ba Lan thuộc Công giáo La Mã(Roman Catholic). Tôi thấy họ chụm ba ngón tay làm dấu thánh từ trái qua phải. Ba ngón tay chụm tượng trưng cho ba ngôi. 
Chúng tôi vào thánh đường Holy Cross là nơi cất giữ trái tim của Chopin. Trái tim người nhạc sĩ thiên tài này đang được bảo quản sau một phiến đá hoa cương bên trong nhà thờ nằm ngay bên cạnh lối đi chính giữa. Năm 1939, khi quân phát xít Đức tiến vào chiếm đóng Ba Lan, trái tim Chopin được mang đi cất giấu để tránh rơi vào bàn tay nhơ nhuốc của đội quân giết người không ghê tay dưới trướng nhà độc tài Adolf Hitler. Mùa Thu năm 1949, khi chiến tranh thế giới thứ hai đã đi qua, trái tim của Chopin được đưa trở lại Ba Lan trong một chiếc hộp bằng gỗ sồi, cuối cùng được đưa đến an nghỉ tại Holy Cross. Thánh đường của những con tim này cũng cất giấu trái tim các danh hoa và nhân vật lừng lẫy của Ba Lan như Władysław Reymont, Juliusz Słowacki, Józef Ignacy Kraszewski, Bolesław Prus, Władysław Sikorski.
Viện bảo tàng Marie Curie hay căn nhà cổ nơi bà sinh ra cũng là đích đến của chúng tôi. Vị nữ bác học hai lần đoạt giải Nobel này có quốc tịch Pháp và Nga nhưng sinh tại Ba Lan, nhà số 15 con đường Ulica Freta, Warsaw. Trên tường trước căn nhà có đề hai chữ tắt Po(Polonium) và Ra (Radium) là hai chất hoá học mà bà nghiên cứu, khám phá ra. Phần đầu của chữ Polonium mang tên Poland do bà đặt để kỷ niệm nơi sinh của mình. Bà là người phụ nữ đầu tiên được chấp nhận vào làm giảng sư đại học ở Sorbornne, Pháp. Tài năng sáng chói của bà đã mở đường và làm gương cho phụ nữ trên con đường học lên cao hơn sau này. Bà mất vì bịnh ung thư do tiếp xúc quá lâu và nhiễm hoá chất của bà thí nghiệm. Bà thọ 66 tuổi.
Ngày hôm sau chúng tôi rời Warsaw đi về Krakow, trên đường đi chúng tôi ghé Wadowice, thị trấn bé nhỏ cách Krakow 30 dăm về phía Tây Nam. Nó là nơi sinh của cố Đức Giáo Hoàng John Paul II. Đoàn du lịch được dẫn vào thăm ngôi giáo đường nơi Đức thánh cha đã từng ở đó. Nhà thờ cổ này có nét đẹp rất xưa của kiến trúc Gô-tích thời Trung Cổ từ thế kỷ thứ 15. Du khách có thể mua quà lưu niệm giá rất rẻ ở đây. Có những bức tranh, tượng hay chuỗi có tạc hình ĐGH Paul II.
Nơi sinh của Marie Curie
Krakow
Sau đó chúng tôi ghé Krakow, thành phố cổ kính và đậm nét văn hóa nhất của Ba Lan, phát triển từ thời đồ đá. Thành phố này biến thành thủ đô của chính phủ Đức Quốc Xã khi quân đội Nazi xâm lăng, nên ít chịu tổn thất tan hoang như Warsaw. Ngày xưa nơi đây được chọn làm thủ phủ của Kraków Voivodeship từ thế kỷ 14 và từng là nơi sinh sống của những nhà vua qua các triều đại. Các lâu đài của vua Ba Lan được dựng trên đồi Wawel nhìn xuống dòng sông Wisla thơ mộng. Krakow trầm lắng, tĩnh mịch là một trong những trung tâm hàng đầu về khoa học, văn hóa và nghệ thuật của quốc gia này. Nó được người Ba Lan coi là thủ đô tinh thần do lịch sử của thành phố hơn 1000 năm và cũng là một trung tâm lớn về du lịch nội địa và quốc tế, thu hút 7 triệu khách mỗi năm.
Tới Âu châu mà không thử các món đặc sản và bia, rượu của từng vùng thì du khách còn  thiếu sót rất nhiều. Chúng tôi ăn trưa ở một trong các quán cà phê có bàn ghế ngoài trời dưới bóng rợp của các lọng dù và thưởng thức món xúc xích Ba lan ăn kèm với bắp cải chua, khoai tây. Nó tương tự món xúc xích của Đức. Còn món Pierogi dồn thịt, khoai hay cheese thì không hợp khẩu vị người Việt mình cho lắm. 
Du khách đến Ba Lan không thể không ghé thăm mỏ muối Wieliczka. Mỏ muối này được khai thác liên tục từ thế kỷ thứ 13 cho đến nay và là một trong những mỏ muối lâu đời nhất thế giới. Mỗi năm có trung bình khoảng 800.000 khách mỗi năm.
Khách được đưa xuống mỏ bằng thang máy chứa được mỗi lần 36 người. Xuống sâu khí hậu hơi lành lạnh. Khi tới đất, mỗi chặng đường, mỗi bước đi vào lòng đất (dài 1.9 dặm = 3 ký lô mét), khách đều được hướng dẫn viên của mỏ giải thích và kể lại lịch sử của từng giai đoạn hình thành. Khách được xem những trục gỗ và ròng rọc lớn là cách vận hành cổ xưa đưa muối lên, xuống của người thợ mỏ. Rải rác đây đó hai bên vách, hình ảnh các nhân vật thần thoại được chạm khắc trên các tảng muối mỏ kết tinh. Muối kết tinh giống nhũ thạch trong các thạch động theo nhiều hình dáng khác nhau nhưng nhỏ và mịn hơn. Thiên nhiên diệu kỳ, con người cũng tài tình khi khách thấy những căn phòng, những điện thờ, nhà thờ nhỏ, cùng mọi vật dụng của thợ mỏ trong vòng 700 năm để lại, tạo nên nét kỳ vĩ hiếm có. Cuối cùng khách được vào một sảnh đường có những bức tranh, những bức tượng chạm khắc bằng đá muối trên tường theo những huyền thoại và di tích lịch sử của Ba Lan. Một bức tượng của ĐGH John Paul II bằng đá muối cũng được chạm khắc. Tôi có hỏi sao Ba Lan không khai thác muối từ biển mà phải khai thác từ mỏ khổ sở đến thế. Người hướng dẫn viên nói rằng. Ngày xưa muối rất hiếm và đắt giá. Vì đi lại khó khăn nên việc vận chuyển muối biển đến Âu châu xa hơn và giá thành cao hơn nên muối mỏ rẻ hơn. Chính quyền đế quốc La mã khi đó đã kiểm soát kinh tế bằng cách tăng và giảm giá muối. Binh lính thời đó được trả lương bằng muối. Đá muối ngày đó rất quý và giá trị hơn cả vàng. 
Bức họa chạm nổi bằng đá muối 
trên tường mỏ muối Wieliczka
Chúng tôi ra khỏi mỏ muối, mọi người đều ghé lại quầy lưu niệm mua những món đồ lưu niệm làm bằng đá muối, vì nó rất đặc biệt. Sau này, mỗi lần nếm những hạt muối, tôi không khỏi hình dung được công khó của bao người thợ mỏ ngày xưa. Người đã khai thác và đem chất hoá học cần thiết của con người là muối từ lòng đất sâu lên trên mặt đất. 
3. Ba Lan, nếp sống, văn hóa và người Việt 
Có đến Ba Lan, đi thăm các thành phố, viếng các đền đài, cung điện, du khách mới thấy rõ nền văn hóa giàu có của Ba Lan. Văn hóa Ba Lan nối liền với 1000 năm lịch sử và chịu ảnh hưởng cả hai luồng văn hóa Đông, Tây. Nét đa văn hoá đó chúng ta thấy được qua các kiến trúc pha trộn, âm nhạc và nghệ thuật hội họa cùng văn hóa dân gian.
Trong các khu chợ hay quảng trường của các thành phố có đông du khách chúng ta thường thấy các ban vũ nhạc dân tộc có đủ vũ công và ban nhạc gồm kèn, violin, arccodion, tiêu, bass trình diễn trông rất ngoạn mục. Để thưởng công du khách chỉ cần cho chút tiền lẻ vào chiếc giỏ nhỏ để những nghệ sĩ đường phố này có thể sống qua ngày. Trên khu đồi cao của một nhà thờ nhìn xuống thành phố tuyệt đẹp, chúng tôi thấy một cô bé khoảng 15, 16 tuổi trông thật xinh, mặc trang phục truyền thống Ba Lan đứng mời khách du chụp hình chung. Đoàn chúng tôi ai cũng ghé lại để chụp với cô, chỉ vì nụ cười ngây thơ trong trắng ấy ngời sáng trên chiếc áo đầm thêu hoa đủ màu sắc của quốc phục Ba Lan.
Nếu du khách tình cờ ghé thăm quốc gia này vào những dịp lễ hội đặc biệt, chúng ta sẽ khám phá ra những nét độc đáo, đặc trưng của các thành phố nước này. 
Bắt đầu từ xa xưa, nền văn hóa Ba Lan cổ chiếm ưu thế và lên đến điểm cực thịnh vào thế kỷ XVI, và tiếp tục tồn tại đến thế kỷ XVIII. Khi ấy, người ta ưa chuộng vẻ lộng lẫy phương Đông của các phù hiệu, y phục, những tấm thảm và các đồ tạo tác quý giá, hơn là những tác phẩm hội họa. Nghệ thuật hội họa ở Ba Lan bắt đầu từ thời kỳ này trở đi có những giá trị mỹ thuật đối kháng với những kiểu cách du nhập từ Tây Âu. Nhiều họa sĩ châu Âu, chủ yếu là các họa sĩ người Ý, đã manh múm ảnh hưởng vào nền nghệ thuật hội họa ở Ba Lan. Chúng ta có thể tìm được những nét chấm phá này trong các bức hoạ được trưng bày trong Cung điện Hoàng Gia, Viện bảo tàng rải rác ở Ba Lan.
Đến thời kỳ nước Ba Lan bị chia cắt và chiếm đóng bởi Nga, Phổ và Áo, nền hội họa lúc đó chủ yếu tập trung vào nội dung yêu nước, củng cố tinh thần nhân dân và duy trì bản sách dân tộc. Nửa sau thế kỷ XIX, hội họa của Ba Lan đạt đến những cao điểm, với những danh hoạ Jan Matejko, Artur Grottger, Henryk Rodakowski, Aleksander Gierymski, Josef Chelmonski, Josef Brandt, Wladyslaw Podkowinski, Josef.
Về văn học, Ba Lan đóng góp cho văn học thế giới không nhỏ. Ba Lan đã có các tác phẩm văn học thời cổ đại bằng tiếng La Tinh có các nội dung nặng tinh thần tôn giáo. Đến thế kỷ XVIII, văn học Ba Lan bắt đầu chịu ảnh hưởng sự giao tiếp Tây Âu. Nhà văn nữ có tên tuổi đầu tiên là ElZbieta DruZbaka. Đầu thế kỷ XIX, đã nảy sinh ra những nhà thơ Ba Lan vĩ đại nhất trong lịch sử, và nổi tiếng khắp thế giới, tiêu biểu là nhà thơ Adam Mickiewiez, đánh dấu thời kỳ văn học Lãng Mạn. Những nhà thơ và kịch tác gia khác của thời kỳ này phải kể đến: Juliusz Slowacki, Zygmunt Krasinski...
Vào cuối thế kỷ 19, giới văn học biết đến tên tuổi của nhà văn Alesander Glowacki, và Wladyslaw Reymont. Cả hai tác giả trên đều được nhận giải thưởng Nobel về văn học vì những đóng góp không ngừng nghỉ của họ trong sự nghiệp phát triển văn học ở Ba Lan nói riêng và của nền văn học thế giới nói chung. 
Âm nhạc là một bộ phận quan trọng trong văn hóa Ba Lan. Nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của đất nước Ba Lan là Frederic Chopic, với những tác phẩm phản ánh tinh thần quốc gia của Ba Lan. 
Cũng nổi tiếng trong thế kỷ XIX là Stanislaw Moniuszko, người đã soạn bản opera quốc gia đầu tiên, bản Halka vào năm 1847; và nhạc sĩ sáng tác cho violon Henryk Wieniawski.
Thế kỷ XX được đánh dấu bởi sự xuất hiện của những tay dàn piano nổi tiếng thế giới như Ignacy paderewski, Leopold Godowsky, Artur Rubinstein,..
Nhạc dân gian là dòng nhạc cũng được người dân Ba Lan gìn giữ và phổ biến. Dòng nhạc này thường được chơi đệm cho những điệu múa dân gian ở Ba Lan như điệu múa mazuka, krakow và kuja. Những bản nhạc dân gian thường được hát đơn ca hoặc hát bởi các đội hợp ca, vốn có rất nhiều ở Ba Lan.
Ban nhạc gipsy 
tại Krakow
Ban nhạc vũ dân tộc 
tại phố cổ Krakow
Tuy nhiên có đến thăm Ba Lan ngày nay mới thấy rõ văn hoá Ba Lan đang rùng mình đổi mới một cách tích cực. Trên các quảng trường chúng tôi ghé thăm ban đêm có những thanh niên trẻ hội họp ca hát trình diễn những bài hát pop thời thượng. Người Ba Lan rất cởi mở trong lối thưởng thức âm nhạc. Thanh thiếu niên ưa chuộng các loại nhạc roc, metal, jazz, electronic và New Wave. Mỗi năm, hơn 250 ngàn người trẻ các nơi về tụ họp ở Jarocin, Żary, Kostrzyn nad Odrą, Open'er Festival, Off Festival để trình tấu rock và các loại nhạc thịnh hành khác.
Người Ba Lan nói và viết ngôn ngữ Ba Lan, nhưng tiếng Anh được dùng ở khắp nơi và hầu như lúc nào cũng đi bên cạnh tiếng Ba Lan. Hình như người Ba Lan rất thích lối sống Mỹ và văn hóa Mỹ. Sách Mỹ được bán rất nhiều trong các hiệu sách. Ở những khu mua sắm thương mại, các cửa hàng thường dùng tiếng Anh trên bảng hiệu. Kiến trúc và cách sắp xếp vẽ kiểu của các khu này giống tương tự các khu Shopping Mall bên Mỹ. 
Ba Lan sử dụng đồng Zloty, ký hiệu là PLN. Đồng này người Việt ở Đông Âu gọi là đồng "dzua", tựa như đồng Koruna của Cộng Hòa Czech được phe ta gọi tắt là đồng "cu". Giá hối suất lúc tôi viết bài này của 1 USD=3.20 PLN; 10,000 VND = 1.54 PLN.
Tỷ lệ thất nghiệp ngày xưa ở Ba Lan thường thấp, nhưng nay vì ảnh hưởng kinh tế toàn cầu khó khăn mà tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đến 13%.
Ba Lan ngày nay theo chế độ Cộng Hòa. Đối với người dân Ba Lan, vị vua cuối cùng của thế chế quân chủ là Stanislas II August Poniatowski. Một vì vua được bầu lên một cách rất dân chủ. 
Sau biến cố lịch sử của đất nước Việt Nam năm 1975, người Việt tứ tán khắp nơi trên thế giới. Số người Việt có mặt ở các nước Đông Âu không phải nhỏ. Tình cờ chúng tôi được biết đến những người Việt ở Ba Lan nhờ tấm lòng yêu thích "phở" nổi lên của vài người trong đoàn du lịch chúng tôi. Trong một buổi ăn trưa ở Krakow, chúng tôi nghe được giọng nói líu lo của một thiếu nữ đồng hương ở một quán cà phê lộ thiên. Thế là hỏi han, trò chuyện và cuối cùng đích đến là một trung tâm thương mại ASEAN PL tại Wólka Kosowska gần Vacsava và cố đô Krakow. Chúng tôi ngạc nhiên tới bất ngờ khi thấy trong khu thương mại hầu hết những chủ tiệm là người Việt. Khu buôn bán này có nhiều sắc dân như  Ba Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ nhưng đa số là người mình. Ngoài các cửa hàng buôn bán vật dụng, quần áo sỉ và lẻ, các dịch vụ như đổi tiền, tư vấn pháp luật, kế toán, dịch vụ vận tải, du lịch, cafe internet, vui chơi giải trí đều có, đặc biệt là khu ẩm thực có đủ các món ăn của các nước kể cả Tàu và Việt Nam.
Chúng tôi đua nhau kêu món phở mà chủ tiệm gọi là "phở tái lăn" trong một cửa tiệm bán thực phẩm ăn nhanh Á Đông. Trong những ngày chúng tôi lang thang trên đất Âu, ngốn quá nhiều bánh mì, khoai tây nghiền và món "Eastern european dumpling", được ngồi xuống thưởng thức một tô phở, phải nói là thần tiên. Tuy nhiên, không như mọi người mong đợi, tô "tái lăn" được đánh giá không cao lắm so với khẩu vị của chúng tôi. Mọi người an ủi, thế là "ô kê" rồi, còn hơn món dumpling nhân khoai nghiền. Nói thêm về "phở tái lăn" là tên gọi một món phở Bắc cũng giống các món phở tái khác nhưng thịt bò được thái ra ướp mắm, muối, tiêu, phi tỏi, bỏ chảo đảo nhanh chín tới xong cho vào tô. 
Ăn xong món quốc hồn, quốc túy chúng tôi dư giờ bèn đi "thăm dân cho biết sự tình". Tôi vào một cửa tiệm mua được hai chiếc khăn quàng cổ bằng len với một "giá hữu nghị" đặc biệt cho đồng hương. Người chủ tiệm nói tiếng Bắc điềm đạm, hiền hoà, tiếp khách một cách chừng mực và bớt chút đỉnh cho tôi làm vui dù tôi không trả giá vì giá hai chiếc khăn đã là giá final sale. Thấy mến họ, tôi ngỏ ý mua vài cái áo lạnh khi họ mời mua thêm. Hai cha con ông tiếp tôi rất ân cần. Tôi hỏi chuyện, biết được họ đến từ tỉnh Bắc Ninh, miền Bắc Việt Nam qua đây đã 20 năm và cả gia đình sống nhờ cửa tiệm. Tôi thăm hỏi chuyện mua may bán đắt thế nào. Ông than ế ẩm vì cạnh tranh và tình hình kinh tế xuống dốc nên rất khó sống. Qua một vài tiệm khác thái độ đón tiếp của các chủ tiệm cũng dễ mến và thân thiện.
Cửa tiệm của người Việt tại Ba Lan
Tôi giã từ khu thương mại lên xe rời Ba Lan. Trên xe, chúng tôi trao đổi nhau ý kiến về cuộc gặp gỡ vừa qua. Tất cả người trong đoàn đều đồng ý về thái độ ngạc nhiên của những người Việt kiều Ba Lan khi trông thấy đoàn du lịch chúng tôi. Họ không nghĩ chúng tôi sẽ tới đây. Họ nghĩ rằng người Việt sống ở Mỹ là những Việt kiều không thích, thậm chí thù ghét cộng sản thì tại sao lại ghé vào trung tâm thương mại nàỵ?. Chỉ vì họ là những người đến từ Việt Nam, có dính líu tới cộng sản và các quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung là những quốc gia cộng sản trước đây?. 
Chúng tôi rời Ba Lan, cũng như rời những Việt kiều ở Ba Lan trong một tâm trạng bâng khuâng. Chúng tôi không có câu trả lời khả dĩ nào thoả đáng cho trường hợp này. Tại sao chúng tôi những đứa con của đàn chim Việt tha hương, có cùng một giòng máu mẹ Việt Nam lại hiểu lầm về nhau như thế? Tôi trộm nghĩ, chỉ có những gặp gỡ, tiếp xúc trò chuyện thì tình thân mới nối kết và hiểu lầm mới tan đi. Tôi tự hỏi bây giờ và mấy mươi năm sau, người Việt xa xứ chúng tôi nghe tiếng Việt ơi ới đây đó trên xứ người, có còn tìm đến nhau hay ngoảnh mặt quay đi, không buồn nhận đồng hương?.
1/11/2012
Trịnh Thanh Thủy
Theo https://www.rongmotamhon.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...