Đã có không ít người nước ngoài ngạc nhiên đến sững sờ trước vẻ đẹp kỳ diệu của
tấm áo dài Việt Nam, mặc dù ở nước họ, người phụ nữ cũng có những bộ áo váy dân
tộc thêu rua với nhiều vẻ đẹp. Một nét duyên dáng như mây thu mơ hồ hay cái đẹp
lộng lẫy của ngày hè chói chang hoa phượng có gió lộng xào xạc ngọn đề. Khó mà
nói được niềm bay nhè nhẹ của tà áo tím bên hồ hay vẻ lâng lâng của màu áo trắng
như tung đùa trong sắc xanh cây lá. Ngay giữa cái ồn ào tấp nập đua chen, tà áo
dài như hoa cũng mang lại sự thanh thản như sau một tiếng thở dài. Dám đoán chắc
không một cô gái Việt Nam nào lại không sung sướng được mặc tấm áo dài trong
ngày hội, ngày lễ, ngày tết và nhất là ngày bước xuống chuyến đò hạnh phúc, khẽ
cúi xuống nhìn tà áo dài mà mỉm cười e lệ và sung sướng hồi hộp bên người yêu
đã thành chú rể ngượng ngùng. Và cũng dám đoán chắc rằng không một người đàn
ông nào dù cực tả hay cực hữu, dù đang yêu hay trái tim đã rạn vỡ bao lần, lại
không ưa thích tà áo dài, không ngắm cái đẹp đang chập chờn phía trước như cánh
bướm trong giấc mộng Trang Chu, để về đến nhà bên người vợ thủy chung vẫn còn bảng
lảng bóng hình của câu thơ bất chợt ấy làm xao xuyến.
Tấm áo dài Việt Nam không hẳn hôm nay mới có. Chẳng qua nó bị bỏ quên, bị đánh
rơi trong dĩ vãng. Song thực ra nó được sinh ra từ dĩ vãng đầy văn hiến của dân
tộc ta đến ngàn đời, kể cả những thế kỷ có kẻ muốn đồng hóa dân ta bằng những tấm
"áo khách". Cụ chúng ta, bà chúng ta, mẹ chúng ta từng chẳng mặc áo
dài đó ư? Cái áo năm thân, tứ thân buông tà hay thắt vạt, cái áo mớ ba, mớ bảy
đổi vai hoặc không đổi vai đi cùng với váy sồi hoặc quần lĩnh tía... đã vào ca
dao, thành câu ví, nên hình ảnh của nét ăn dáng mặc thanh nhã, hào hoa, nền nã.
Có thứ huân chương nào tặng cho tác giả cái áo đổi vai. Nối vai nhưng lại so
le, một đường gấp khúc, tạo mảnh hình không đăng đối nhưng ưa nhìn, giống như
cái răng khểnh trên khuôn mặt trái xoan, hoặc một bên lúm đồng tiền của cô gái
dậy thì. Đâu có phải vì nghèo, vì áo rách vai sờn mà phải đổi vai, giữ lại phần
lành thay đi phần rách, mà chính là một kiểu khoe khéo, cái khéo tay về đường
kim mũi chỉ, về cách chọn màu, về sự cách điệu và đó chính là tài hoa, là sáng
tạo vậy. Thời gian dù bao thế kỷ cũng không bào mòn được tinh hoa dân tộc. Nó cứ
sừng sững thách thức cùng biến thiên. Tấm áo dài vải rồng, một thứ vải mỏng như
sa, như the, sản phẩm của xứ Sơn Nam, rồi được nhuộm màu nâu ở cửa ô Đồng Lầm đất
Thăng Long, nên nó thành vải Đồng Lầm, chiếc áo dài Đồng Lầm đã tồn tại bao thế
hệ. Từng hình thành nếp sống đi ra đường, đi ra khỏi nhà là không thể không mặc
áo dài, dù trắng hay đen, hồ thủy hay thiên thanh, nâu non hay cụ già, dù sang
hay hèn, già hay trẻ... Đất Thăng Long - Hà Nội, ngay cả cô bán bún chả rong,
chị cắp thúng bán rao quả bưởi, bác đội chăn bông đi đổi, bà hàng xôi cháo bán
trưa, chị thuyền chài tạm rời con thuyền nan lên bộ bán mớ cá mới đánh được...
Cũng phải có tấm áo dài trên thân, thong thả thì buông chùng, vội vàng thì thắt
vạt trước, mà hối hả hơn thì thắt vạt sau lưng mà chạy gằn cho tiện. Nắng hay
mưa cũng vậy. Đầu năm hay sắp tết cũng thế. Những năm ba mươi của thế kỷ này, tấm
áo dài được cách điệu đi, không thắt vạt, không đổi vai mà thành áo tân thời.
Chữ tân thời đã mang một nghĩa mới, cũng như chữ cải lương trong hát cải lương.
áo nhung, áo gấm, áo mình khô hoa ướt, áo lơ-muya, áo cổ thấp rồi cổ cao, tay
thụng hay tay bó, tay dài hay tay lửng... đã nhiều thay đổi, nhiều "mốt"
tùy thích. Riêng chỉ hai cái tà như hai cánh bướm, như hai dải liễu bay, như
hai lá thư tình, như hai nỗi ám ảnh tâm hồn nam giới, như linh hồn của chiếc áo
và của người mặc... là vẫn được trân trọng giữ nguyên. Nó vẫn giữ chiều dài gần
sát gót để có đà tung bay, có khi nhấp nhô như sóng lượn, để có đà vẫy gọi những
con mắt dõi theo. áo dài nhung đỏ đi với kiềng vàng, áo dài nhung đen có chuỗi
hạt trai sáng lấp lánh, áo dài trắng có mái tóc đen huyền thả buông lửng sau
lưng áo, áo tím hàng Vân có chiếc nón bài thơ ngà trắng... đó là sự tuyệt đỉnh
hài hòa hay lộng lẫy khôn cùng, cũng tựa như tấm áo Đồng Lầm có thắt lưng hồ thủy
hay hoa đào cũng vậy. Những ai nay còn sót lại của thế hệ nữ sinh trường Đồng
Khánh Trưng Vương, chiều hồ Gươm khoan thai nhịp bước, cắp cặp trước ngực, tóc
đung đưa sau lưng, còn hai tà áo dài cứ như trêu cợt, như đùa nô, như vô tình
mà nghi ngờ, mà nhắn nhủ mà xa xôi... với bao màu sắc từ đậm đến nhạt, như cung
bậc cây đàn từ thấp đến cao, gần xa buông bắt. Tà áo dài gần chấm gót những
ngày ấy đủ sức chuyện trò cùng gió. Mềm mại, uyển chuyển, run rẩy, lung linh...
hình như đã lan truyền sang cả sóng hồ nên hồ cứ lăn tăn, lan truyền cả vào tầng
lá nên cây lá cứ rì rầm, lay động.
Có phải lúc này là lúc hồn Hà Nội đã mơ màng như bát rượu nếp sáng mùng năm
tháng năm đối với cô thiếu nữ chưa quen men rượu, là lúc cung đàn đã tấu lên với
trái tim nhạc sĩ, "toan" đã căng trên giá vẽ trước nhà tạo hình, nàng
thơ đã ốp một cách bí hiểm vào nhà thơ, và mùa màng chín rộ làm rạo rực người
gieo cấy... Ai gỗ đá để có thể dửng dưng được trước nét thanh tân đầy ma lực của
tà áo dài cứ lả lướt như sóng cạn mà bắt mất hồn người ấy, bởi nó vừa ngập ngừng
lại vừa thách thức. Mươi năm trở lại đây, tà áo dài Hà Nội bị ngắn đi, chỉ còn
trên đầu gối. Nó không còn đủ sức bay, có lúc chết cứng trên nửa thân người,
như con bướm bị chặt cụt bộ cánh rực rỡ. Thật tiếc. Tà áo dài với chiều dài cần
thiết, là sự truyền cảm của đường kim khâu tay, của nét eo thắt đáy, của sự mở
rộng của hai tà xòe ra bốn phía. Rút ngắn phần bay lượn xòe rộng ấy khác nào cắt
đi cái tưởng tượng và ảo tưởng của nhà thơ. Phụ nữ mặc áo dài chỉ đẹp thêm. Nam
giới cũng được thơm lây. Cuộc đời rực rỡ là điều hẳn ai cũng mong muốn, có phải
không hỡi bài thơ áo dài?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét