Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

Hoa sữa​

Hoa sữa​
Ở bờ Hồ Hoàn Kiếm có hai cây lộc vừng. Một cây quằn quẽ với cái thế vươn lên tránh bóng cớm của cây "mõ". Còn cây kia cứ ngả la đà chín gốc soi xuống mặt sóng hồ và xuân thu hai kỳ, thả hoa đỏ xuống mặt nước mà chơi. Đó là hai cây quí hiếm của Hà Nội. Mùa sương, thành phố gần nghìn năm còn một loài hoa khác khá đặc biệt, nó lấy hương của mình khắc vào hồn người như vết khắc không phai mờ. Vừa lạ mà cũng là thông thường, có người như bị dị ứng, không chịu được mùi hương ấy nên ghét cay, ghét đắng, mỗi mùa hoa nở chỉ mong cho thu chóng tàn để rời xa nó. Nhưng phần lớn người Hà Nội lại say nó như mối tình đầy chờ đợi, đợi cứ sang thu được đắm mình vào một thứ hương tình không nơi nào có được. Có người cứ thắc thỏm từ khi con trăng đầu tháng thu sơ, nhẩm tính xem bao giờ hoa sữa nở như hôm nào có cốm Vòng, chim ngói. Có người đặt tên nó là Hương tình yêu, là Hoa Hà Nội. Người khác nữa cho nó là hồn, là mộng của sum họp, chia lá, gần thì bâng khuâng, xa thì day dứt. Không ai lấy cây xà cừ, cây nhội, cây đa... làm cây Hà Nội, kể cả bằng lăng tím rực trời hay hoa phượng cháy đỏ mùa hè. Cứ phải là khắc khoải một mùi hương hoa sữa. Hàng cây cao vút, thân có vè có bạnh, cành đâm ngang thưa thớt, lá mọc thành chùm thành tia như hoa thị biếc xanh. Từ lòng hoa thị ấy, khi sương lam bảng lảng, lại bùng ra những ngọn lửa xanh màu lá mạ non, thả làn hương vô hình như "hữu xạ" vào đêm phường phố cho người phải tìm nhau, cho ai dùng dằng bước chân, cho ngập ngừng bánh xe quay, cho giấc ngủ thao thức đầy mộng mị như ở đâu đây quanh quất một tà áo mờ xanh của hồn ma, hồn tiên khi sống thì mang cái xác là hoa, khi tan tác hình hài thì vương vấn cợt trêu người đa tình của đất ngàn năm văn hiến...
Mùa thu thường không có hoàng hôn mà chỉ có những buổi chiều trắng đục. Đèn đường còn đứng sững, im lìm, nhắm mắt. Đó là lúc hoa sữa như một nhà thơ, ngồi trầm tư tìm ý thơ còn mông lung chưa định, như cô gái còn mải điểm trang chưa vội đến chỗ hẹn hò, như bữa cỗ cưới mới kê bàn ghế mà bát đũa còn nằm trong rổ. Đấy là lúc những "bé em" hoa sữa cũng đang sửa soạn hành trang từ trong sâu thẳm lòng hoa để chuẩn bị lên đường, đựng đầy hương trong tà áo dệt bằng cánh hoa và sương mỏng se se cảm giác, một lần này đi, sẽ không bao giờ trở lại lòng hoa, nên hương chẳng vội vàng. Lát nữa thôi, những ngọn cỏ ven hồ chưa kịp ẩm ướt hơi thu, lá cây vàng anh đã khép rèm mi, người thợ vừa vào ca đêm, quán rượu thuốc, ốc luộc nóng bắt đầu ngả ghế ra bên hè... là lúc hương sữa đan tay, chị bên em, thả gót, đu tà áo dài nhẹ tênh của mình vào đôi vai thầm thì tâm sự và còn dư sức, thì lang thang dạo đây đó mơ hồ. Dọc con phố to rộng Trần Hưng Đạo, mướt mát tán sấu tròn xoe, theo đường Nguyễn Du bên hồ Thuyền Quang êm ả, lao xao sóng hồ, giữa phố Bà Triệu và lẻ tẻ dăm ba nơi khác... những hàng cây sữa thẳng vút, tuổi khoảng gần trăm đã thành kho nước hoa vô tận xức cho Hà Nội.
Có lần giữa Trường Sơn bom đạn, đồng hương gặp nhau, sau khi ăn no những món tưởng tượng, nào thịt bò kho cay chua, mặn ngọt, nào lạc rang húng lìu thơm nức, nào ngô nướng đầu ngõ Tràng An, cà phê Hàng Vôi, bánh giò Đờ Măng, người ta ôm nhau mà hỏi xem hương gì là hương Hà Nội. Tất cả đã òa lên tiếng nứ nở khi đều nói chung tên một loài hoa phơ phất gió: Hoa sữa. Nếu đường Phan Đình Phùng và cuối phố Điện Biên Phủ cứ ngan ngát hoàng lan suốt đêm thu như thứ nước hoa Charnel quí phái, thì hoa sữa phàm trần hoan, thế tục hơn, đậm đặc hơn, thức gọi hơn. Hoàng lan là cô gái cấm cung hơi ẻo lả vóc mai gầy. Còn hoa sữa lại là thiếu phụ "trông mòn con mắt", mập mạp, má au lên sức sống tràn căng bừng bừng, đòi hỏi một điều gì dữ dội hơn, mê đắm hơn. Ai hay đi ngủ sớm chắc nhẹ tình cùng hoa sữa. Còn mái đầu nào thích chung đèn thi với đêm thâu, hẳn khi thành phố lên đèn còn gõ bước chân những ngã ba, ngã tư cho vai áo mình lổ đổ bóng thêu, cho tóc mình ngạt ngào loài hương tình ái ấy. Không thể đếm hết đã có bao nhiêu bài thơ tình chứa hồn hoa cùng tinh chất thứ nhớ thương, thứ kỷ niệm, như một thời của mỗi đời người ấy.
Những ai từng kề vai đi trong đêm hương sữa của thu Hà Nội chắc không ai cần biết đến cái tên La tinh rất khó thuộc của nó là: alạtonia ạcholariạ (LR.Br) mà họ cứ đặt tên cho nó là cây che chở, là hoa đồng tình... bởi cây sữa như chiếc dù che, còn hương hoa như giục họ hãy ghé sát đầu vào nhau hơn nữa kẻo mai ngày sẽ nuối tiếc khôn nguôi. Đêm dài đến đâu rồi cũng phải qua. Hoa sữa mệt mỏi khi ngày mới lại bắt đầu. Như kiếp con phù du ngắn ngủi, quanh gốc cây, hoa rụng thành tấm thảm li ti dày đặc. Hình như hồn hoa đã tan vào thinh không, còn xác hoa nằm lại cứ nói không thành âm thanh: "Đừng phũ phàng, đừng nỡ giẫm lên hoa người hỡi..." sẽ lại đến buổi chiều xám bạc, đàn em nhỏ khác sinh ra, lại lang thang, lại lênh đênh tìm người mà chở che, mà phụ họa... Mùa đông rồi cũng đến, vườn hồng Lăng Bác sẽ rộ mùa hoa. Những gốc đào vội vã nở sớm một sắc hồng trước xuân, còn cô gái nhà ai mải mê tìm kiếm áo mới dầy hơn, ấm hơn nhưng không làm thân hình cô thô kệch. Mùa đông già dần từng ngày. Những cây hoa sữa buồn trong gió mùa đông bắc hắt hiu. Nó đem những cái mành tự dệt bằng hoa ra treo suốt cành cao, cành thấp, như để che bớt làn gió buốt, che bớt nỗi buồn cô đơn vắng hơi người dưới gốc.
Những đôi người ấy đã ấm áp trong tổ uyên ương hay chia tay hai phương trời thương nhớ, hoa sữa cũng đều sẻ chia vơi đầy chuyếch choáng một mùa qua. Cuối đông, người Hà Nội đi trên đường, có lúc muốn giơ tay ra bắt lấy cái bông xù hay một con gì lơ lửng trêu đùa trước mặt. Quả sữa đấy, nó lang thang vô định, chưa biết gửi thân mình vào đâu; như số phận nàng Kiều có lúc dạt trôi như thế. Cây sữa chồn chân trong tháng cuối năm, chẳng ghen với Nhật Tân, Quảng Bá rậm rịch chờ xuân, cứ im lặng lùi vào hậu trường cuộc đời như kỷ niệm mỗi trái tim Hà Nội. Hoa sữa đã hát xong khúc hát có giai điệu lãng du đầy quáến rũ. Hương sữa đã khắc xong những đường khắc vào hồn người, ở lại đây mãi mãi, dù người đang ở đây hay đã biền biệt cuối chân trời. Loài hương ngào ngạt ấy hình như đã thành một mảnh nhỏ của hồn Hà Nội, đã kết tinh thành chất đắm say trong người trai, người gái tự bao giờ... và còn đến chưa biết tận bao giờ...
27/12/2010
Băng Sơn
Theo http://chiasetinhthuong.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...