Nhà thơ tiền chiến Quỳnh Dao
Đã đến lúc các thế hệ hôm nay cần trân trọng và cần
tiếp tục tìm hiểu, làm rõ hơn về những đóng góp, cống hiến của nhà thơ Quỳnh
Dao - Đinh Nho Diệm cho văn học và cho sự nghiệp giải phóng đất nước...
Nhà thơ Quỳnh Dao tên thật là Đinh Nho Diệm, sinh năm 1918,
quê làng Gôi Mỹ, xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Dòng họ Đinh Nho
Hương Sơn trải nhiều đời là một dòng họ danh gia vọng tộc.
Nhà thơ Quỳnh Dao - Đinh Nho Diệm
Trong khoảng thời gian gần 400 năm trở lại đây, cụ tổ là Đinh
Phúc Diên, một thuộc tướng của Lê Tuấn Mậu, phù Lê chống Mạc. Đến đời thứ 7 được
ghi trong gia phả, là Đinh Nho Công (1637-1695), chuyển từ Bình Hòa về làng Gôi
Mỹ. Cụ Đinh Nho Công dùi mài kinh sử, tham gia kỳ thi Hương đỗ Giải nguyên, thi
Hội, thi Đình, đỗ Đồng tiến sĩ khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670), trở
thành tổ khai khoa của dòng họ Đinh Nho. Tấm bia tiến sĩ khoa Canh Tuất hiện
còn lưu giữ tại Quốc Tử Giám, Hà Nội. Cụ Đinh Nho Hoàn (1671-1716) là con cụ
Đinh Nho Công, có tên trên bảng vàng tại Quốc Tử Giám trong kỳ thi Canh Thìn,
niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (năm 1700), đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân(tức
Hoàng giáp), đứng thứ 4 trong số 19 người đỗ kỳ thi này. Năm 1715, cụ được cử
làm Phó sứ trong đoàn sứ thần sang triều Thanh, không may cụ bị bệnh chết trên
đường đi sứ. Trong những tháng ngày trên đường đi sứ, cụ vẫn thường làm thơ,
sau khi qua đời được con rể là tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường sắp xếp thành một tập,
đặt là “Mặc Ông sứ tập”. Tổng tập văn học Việt Nam, tập 6, thời Trịnh Nguyễn
phân tranh (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 2000) đánh giá: “Thơ Đinh Nho
Hoàn nhuần nhị, ngọt ngào và chứa chan những tình cảm, ý vị, đẹp đẽ, thể hiện nồng
nàn lòng yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc”.
Dòng họ Đinh Nho Hương Sơn với những cụ tổ khai sáng có tài
kinh bang tế thế là niềm tự hào, tấm gương chói ngời cho các thế hệ con cháu
noi theo. Hẳn là, trong huyết mạch của một hậu duệ thời hiện đại đầu thế kỷ XX
Đinh Nho Diệm, cũng đã tiếp nối dòng chảy dạt dào truyền thống văn học và lòng
yêu nước thương dân của các bậc tiền bối. Và nay có dịp nhìn lại toàn bộ sự
nghiệp của thi sĩ Quỳnh Dao - chiến sĩ cách mạng Đinh Nho Diệm, thì có thể nói,
phẩm cách đó của tiền nhân đã thực sự chi phối cuộc đời ông như một định mệnh.
Đinh Nho Diệm là con trai trưởng trong một gia đình đông con.
Cha là Đinh Nho Huề (1890-1966) một nhà nho nghèo, yêu nước, tham gia cách mạng
từ trước năm 1930. Cụ được tặng bằng Có công với nước và kỷ niệm chương Tổ quốc
ghi công năm 1966. Mới đây, năm 2017 Nhà nước đã truy tặng cụ Huân chương Độc lập
hạng 3 về quá trình cống hiến cho cách mạng. Hồi nhỏ ở quê, Đinh Nho Diệm đã nổi
tiếng là cậu bé thông minh dĩnh ngộ. Năm Đinh Nho Diệm 12 tuổi, cha hoạt động
trong hội kín bị địch bắt giam, ngày ngày đưa cơm cho cha, do đã được học tiếng
Pháp ở nhà, khi gặp sếp bốt cậu đối đáp trôi chảy bằng tiếng Pháp, sếp bốt rất
phục, có thể vì thế mà đã thả cha cậu ra sớm. Dạo ấy có vị tiến sĩ hưu quan làm
một bài thơ vịnh cảnh về hưu. Đã có nhiều tiến sĩ, hoàng giáp, cử nhân ở địa
phương họa lại mà không bài nào thật đạt, bất ngờ cậu thiếu niên 16 tuổi Đinh
Nho Diệm ứng khẩu bài dưới đây, được cho là đạt hơn cả: Phú quý phong lưu cũng
đã vừa/ Ngẫm mùi danh lợi ngọt hay chua/ Vườn xuân cất bước vui đời mới/ Bể hoạn
buông chèo gác chuyện xưa/ Sờ túi càn khôn tiền bạc sẵn/ Nghiêng bầu phong nguyệt
rượu thơ thừa/ Vuốt râu xem lại người trong cuộc/ Xiêm áo, ô kìa bận sớm trưa.
Lớn lên làm thơ, Đinh Nho Diệm lấy bút danh Quỳnh Dao. Mới 19
tuổi, thi sĩ Quỳnh Dao đã trình làng tập thơ Tiếng chuông chiều, in chung với
Liêu Kỳ Lộc, do Thụy Ký ấn hành năm 1937. Hai năm sau, ông cho ra mắt bạn đọc tập
thơ riêng Tơ trăng, gồm 25 bài và lọt vào “mắt xanh” của Lê Tràng Kiều với lời
nhận xét: “Càng đọc càng lạ, càng về sau bao nhiêu càng huyền ảo bấy nhiêu”.
Trên báo Tiểu thuyết thứ năm, ra ngày 11/4/1939 nhà văn đàn anh này đã đặt Quỳnh
Dao bên cạnh những thi sĩ có tên tuổi của phong trào Thơ mới lúc bấy giờ. Ông
viết: “Chưa bao giờ các bạn mến yêu thơ được vừa lòng, được say sưa như bây giờ,
khi giở những trang thân yêu của tờ báo thân yêu này. Nó đã trình bày không biết
bao nhiêu tác phẩm có giá trị: những vần mơ màng của Quỳnh Dao, những vần nhẹ
nhàng của Anh Thơ, những vần diễm ảo của Thanh Tịnh, những vần giản dị, thành
thực của Nguyễn Bính, những vần đầy mộng ảnh, đầy âm nhạc của Yến Lan, những vần
đặc biệt của Tchya, Phạm Huy Thông, Lưu Trọng Lư…”.
Thực ra ở thời hiện đại nhà thơ tiền chiến Quỳnh Dao rất ít
người biết tới, thậm chí có người còn hiểu lầm tác phẩm của ông với nhà văn nữ
Quỳnh Dao người Đài Loan. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, với sự cố gắng lục
tìm trong kho lưu trữ những số báo Tiểu thuyết thứ năm còn lại ở Thư viện quốc
gia, nhà thơ Anh Chi đã tái hiện được một phần chân dung văn học của thi sĩ. Và
năm 1999, Nhà xuất bản Thanh niên đã cho ra mắt tập Văn phẩm Quỳnh Dao, trong
đó có Tơ trăng, Dưới cầu Giang Tô cùng các bài lẻ in trên Tiểu thuyết thứ năm
và tạp chí Đông Tây của Quỳnh Dao. Nhiều độc giả hôm nay đã nhắc đến cái tên Quỳnh
Dao một thời bị lãng quên như một nhà thơ tài năng của phong trào Thơ mới.
Thời gian Quỳnh Dao xuất hiện trên văn đàn khá ngắn ngủi, chỉ
khoảng 5 năm, đấy còn là khoảng thời gian ông kiếm sống bằng nghề viết báo. Ông
là cây bút chủ lực trên tờ Tiểu thuyết thứ năm, tiếc là tờ báo đóng cửa quá sớm(năm
1940). Rồi ông mở ra tờ Đông Tây với chủ trương “Tập hợp lực lượng văn sĩ, thi
sĩ có tài để đóng góp xây dựng cho nền quốc văn Việt Nam ngày một phong phú và
đổi mới”. Tạp chí này chỉ ra được 7 số, năm 1942, phải đóng cửa vì sự kiểm duyệt
gắt gao của Pháp, một phần cũng vì không đủ tiền nuôi. Giờ có dịp đọc lại các
bài báo viết của Quỳnh Dao, cho thấy ngoài phẩm chất thi sĩ mơ màng, trong trẻo
như đã kể trên, ông còn là một ký giả nhậy bén với thời cuộc, có tính thực tiễn
sâu sắc, tinh thần phê phán trung thực thể hiện trong các bài chính luận hay
các tản văn, phiếm đàm. Cái chất rạch ròi, tỉnh táo ấy cũng giải thích vì sao
ông sớm giác ngộ cách mạng, mau chóng rời bỏ địa hạt “mơ theo trăng và vơ vẩn
cùng mây” để sớm hòa nhập vào phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng cần
lao do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Nếu như Quỳnh Dao xuất hiện trên văn đàn như ngôi sao băng,
thì cuộc đời dấn thân vào trường tranh đấu cho độc lập tự do của đất nước của
Đinh Nho Diệm cũng thật ngắn ngủi.
Ông bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1944, rồi tham gia
phong trào tiền khởi nghĩa, đến cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 nổ ra ở địa
phương, ông có chân trong tổ chức Việt Minh, đến đầu năm 1947 ông đã hy sinh
trên đường đi công tác. Hoạt động cách mạng của Đinh Nho Diệm ngay từ đầu hoàn
toàn là bí mật. Ai dẫn dắt ông vào con đường cách mạng, kết nạp Đảng bao giờ và
làm công việc gì? Người trong cuộc không ai có dịp nói ra những điều ấy và về
sau người ngoài cuộc càng không biết, ngay cả với những người thân trong gia
đình ông cũng không bao giờ hé lộ điều gì. Ngoại trừ một thông tin duy nhất
trên báo chí công khai ngày đó. Báo Cứu Quốc, Cơ quan tuyên truyền tranh đấu của
Tổng bộ Việt Minh ra Thứ bảy, ngày 12/1/1946 cho biết, Đinh Nho Diệm trong số
74 vị ứng cử Quốc dân đại hội trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa mùng 6/1/1946 tại Hà Nội. Rồi từ sau ngày Toàn quốc kháng
chiến ông bị coi là “mất tích”. Mãi nhiều năm sau này, người thân của ông mà cụ
thể là người em ruột của ông, giáo sư, tiến sĩ khoa học Đinh Phạm Thái, nguyên
cán bộ giảng dạy Đại học Bách khoa Hà Nội, qua lời kể của những bạn tù Hỏa Lò với
ông, cùng một số người quen biết từng gặp gỡ ông trong kháng chiến, đã chắp nối
lại các sự kiện để có cái nhìn xuyên suốt về cuộc đời hoạt động cách mạng đầy
oanh liệt, vẻ vang của ông.
Hiện ở khu Di tích cách mạng nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội có 17 tấm
bia đồng mạ vàng, trang trọng khắc tên những chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm,
tra tấn, nhiều người đã hy sinh từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930)
đến giai đoạn tiếp quản thủ đô, miền Bắc hoàn toàn giải phóng (10/10/1954). Tại
bia số 3, những chiến sĩ bị bắt vào thời điểm 1930-1945 ở hàng thứ 5, vần D
ghi: “Đinh Nho Diệm (Quỳnh Dao) sinh 1918”. Ông Nguyễn Huy Hòa, tức Hoàng Phong
ở phường Thành Công, Ba Đình, một lão thành cách mạng của Hà Nội đã xác nhận:
“Trong thời gian ở Hỏa Lò tôi biết thi sĩ Quỳnh Dao bị địch bắt giam tại trại
H, đeo số vuông chính trị phạm. Anh là một người chín chắn, ít nói sống hòa nhập
với anh em tù nhân, sáng tác văn thơ cho tờ báo Hỏa Lò, tham gia đấu tranh tuyệt
thực 3 ngày góp phần thắng lợi của tù nhân”.
Ông Bùi Huy Thục, tức Hồng Thao, một cựu tù chính trị ở Hỏa
Lò vẫn nhớ một chuyện về thi sĩ Quỳnh Dao: “Trước kia tôi đã đọc báo Đông Tây của
anh Quỳnh Dao, nhớ câu thơ của anh: Gà gáy chiêu hồn nguyệt Mái Tây. Khi gặp
anh ở Hỏa Lò, xuất bản báo của tù chính trị, anh có bài tả cảnh trại H rất hiện
thực: Nghe đái rất tài/ Là me-xừ Bái, chả là “me-xừ” Bái được cai ngục phân phụ
trách trật tự, thính tai nghe đái đêm, ai làm mất giấc ngủ thì phạt”. Trong các
đêm từ ngày 11/3 đến ngày 16/3/1945 các tù chính trị đã vượt ngục Hỏa Lò bằng
cách chui theo đường cống ngầm, Đinh Nho Diệm trong số các tù cộng sản vượt ngục
thành công ngày ấy. Đó là thời điểm cận kề Tổng khởi nghĩa, ông cùng các đồng
chí khẩn trương tỏa về nhiều địa phương để chuẩn bị cho cuộc đánh Pháp, đuổi Nhật
giành chính quyền về tay nhân dân. Thời kỳ này ông phụ trách tuyên truyền ở Khu
vực 2, huyện Hương Sơn, sau đó hoạt động ở Vinh và Hà Nội. Vợ ông là bà Lâm Thị
Bảo, sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc làm việc tại Nhà máy Thuốc lá
Thăng Long (Hà Nội).
Bà nhớ lại: Trước thời điểm cuộc Cách mạng Tháng 8/1945 nổ ra
ở Hà Nội, anh có về nhà chốc lát, cũng không nói mình đang làm việc gì. Sau khi
cách mạng thành công anh làm việc ở quê ít lâu, rồi đưa gia đình ra Hà Nội. Từ
cuối năm 1946 ở nhà không còn tin tức gì về anh nữa. Vào giữa năm 1999, Nhà xuất
bản Thanh Niên cho ra mắt Văn phẩm Quỳnh Dao, ông Đinh Phạm Thái mang cuốn sách
đến tặng nhà thơ Huy Cận, bạn thơ tiền chiến với anh mình, thì được nhà thơ
cung cấp một thông tin là đầu năm 1947 hai người tình cờ gặp nhau bên bờ sông
Lô, Tuyên Quang, chào hỏi rồi chia tay. Nhà thơ còn nói thêm: Hiện còn bà Vũ Thị
Chúc, nhà ở phố Yên Phụ, Hà Nội biết rõ nơi chúng tôi gặp nhau. Gặp bà Chúc được
biết nơi hai thi sĩ gặp nhau là đền Cấm, cạnh bến Tràng Đà, thuộc huyện Yên
Sơn.
Từ những thông tin đó, ông Đinh Phạm Thái nhiều lần lên Tuyên
Quang tìm tung tích anh mình. Cuối cùng ông đã gặp được một người biết rõ sự việc
xảy đến với anh mình, là bà Vũ Khắc Hùng, vợ một vị lão thành cách mạng của
Tuyên Quang. Vừa nhìn ảnh, bà nhận ra nhà thơ Quỳnh Dao ngay. Bà kể là ngày ấy
ông Quỳnh Dao ở nhà một bí thư chi bộ và hay đọc thơ trong các buổi sinh hoạt
văn nghệ, nom anh nghiêm nghị, năm đó bà còn rất trẻ, mới 19 tuổi nên không dám
gần hỏi chuyện. Một ngày đầu năm 1947, nhà thơ đang đạp xe trong rặng cây thì một
chiếc máy bay “Bà già” của Pháp xuất hiện, bắn một loạt “đum đum”, nhà thơ bị
trúng đạn, ngã xuống bên bờ sông, máu ra nhiều, lúc đó không có phương tiện cấp
cứu, nhà thơ đã qua đời. Thi hài đã được chôn cất trên một quả đồi. Đã hơn nửa
thế kỷ trôi qua sau sự kiện nhà thơ hy sinh, việc tìm mộ là rất khó khăn. Đến một
ngày, ông Đinh Phạm Thái cùng người con gái của nhà thơ Quỳnh Dao đã theo “linh
cảm” của mình, tìm đến một chỗ được cho là nơi chôn cất nhà thơ, bốc một nắm đất
đen đưa về quê an táng trong nghĩa trang của dòng họ.
Cũng cần nói thêm, ông bà Đinh Nho Diệm có người con trai duy
nhất là Đinh Nguyên Hà, anh đã tình nguyện nhập ngũ năm 1966, sớm được kết nạp
Đảng và hy sinh giữa tuổi xuân xanh ở chiến trường Miền Nam.
Đã đến lúc các thế hệ hôm nay cần trân trọng và cần tiếp tục
tìm hiểu, làm rõ hơn về những đóng góp, cống hiến của ông cho văn học và cho sự
nghiệp giải phóng đất nước.
7/6/2020
Phạm Quang Đẩu
Nguồn: Tinh Hoa Việt
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét