Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Câu lạc bộ Thơ - Nhạc tiền chiến

Câu lạc bộ Thơ - Nhạc tiền chiến
“Thơ tiền chiến” là một cách gọi khác của phong trào “Thơ mới”, một khái niệm dùng để chỉ một trào lưu thơ ca xuất hiện trong văn học nước ta vào khoảng từ những năm 1932-1945. Trong chương trình môn văn ở THPT, trào lưu thơ ca này được dạy và học vào HK 2, lớp 11. Đây cũng là phần trọng tâm của chương trình.
Thơ Mới là thơ lãng mạn. Bản chất của “lãng mạn” là thoát ly cuộc sống. Các nhà thơ lãng mạn đều ít viết về cuộc đời hiện tại. Sự xuất hiện của phong trào Thơ mới gắn liền với cái “tôi” cá nhân tiểu tư sản. Đó là cái tôi mang khát vọng hưởng thụ, bất mãn với thực tại, có  tinh thần nhân đạo chống phong kiến, có lòng yêu nước, có hoài bão, lý tưởng (tuy còn mơ hồ). Tuy nhiên, bi kịch đau xót nhất của cái tôi trong Thơ Mới là sự cô độc. Cô đơn, lạnh lẽo là đặc điểm nổi bật của Thơ Mới, bởi vì nó không có chỗ dựa:
Trời ảo não những chiều buồn Hà Nội
Hồn bơ vơ không biết tựa vào đâu
Nó chỉ có một chỗ dựa duy nhất là dựa vào chính mình.
Hai phần ba (2/3) thế kỷ trôi qua, những cái gì là tích cực, hạn chế của Thơ Mới đã được sàng lọc dần qua năm tháng. Thơ Mới thật sự là một trào lưu thơ ca có những đóng góp quan trọng trong thơ ca của thời kỳ hiện đại. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nhận xét: “Đừng lấy một người sánh với một người. Hãy lấy thời đại sánh với thời đại. Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu…”. Thơ Mới được sự hưởng ứng rộng rãi của bạn đọc vì đã đáp ứng đúng tâm lý của thời đại, tâm lý của lớp công chúng mới. Nói như nhà thơ Lưu Trọng Lư: “Các cụ ưa chuộng những màu đỏ choét, ta lại yêu những màu xanh nhạt. Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng trong đêm, ta lại nao nao lòng vì tiếng gà gáy đúng ngọ. Nhìn một gái xinh xắn ngây thơ,các cụ coi như đã là một điều tội lỗi, ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với thơ ta thì trăm hình vạn trạng, cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình xa xôi, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu…”.
Các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới là những trí thức khao khát tự do cá nhân. Sống trong cảnh đời tù túng, họ muốn được giải phóng, giải thoát. “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên; ta đắm say cùng với Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ“ (Hoài Thanh). “Thoát ly”… nhưng cuối cùng vẫn cứ phải trở về với thực tại. Cuối cùng, các nhà thơ vẫn không thể nào thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn, tù túng của cuộc đời.
Mặc dầu có những hạn chế nhất định, nhưng ưu điểm lớn của phong trào Thơ Mới là đề cao khát vọng tự do cá nhân, tình yêu quê hương nồng thắm, sự giải phóng của cái tôi, giải phóng bản ngã.
Cùng với thơ ca, trong đời sống âm nhạc nước ta vào những năm 1930-1945 đã dấy lên phong trào “dân ta hát nhạc ta” với mục đích đưa âm nhạc thoát ra ngoài cái bóng khổng lồ cảu nền âm nhạc lãng mạn phương Tây, đặc biệt là âm nhạc Pháp. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện những tình khúc đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Dòng nhạc tiền chiến này còn kéo dài cho đến những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó là những tình khúc vượt thời gian. Cho đến hôm nay (và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa), những Em tôi của Lê Trạch Lựu, Suối mơ, Thiên thai của Văn Cao, Đêm đông của Nguyễn Văn Thương; Tiếng xưa của Dương Thiệu Tước, Ngày về của  Hoàng Giác, Dư âm của Nguyễn Văn Tý, Biệt Ly của Doãn Mẫn… luôn luôn là những tình  khúc làm say đắm lòng người…
Trong đời sống âm nhạc hôm nay, khi vấn đề biểu diễn và thưởng thức ca nhạc của lớp trẻ còn nhiều điều phải bàn thì việc làm sống lại những ca khúc mang tính cổ điển của âm nhạc Việt Nam sẽ góp phần điều chỉnh thị hiếu cho công chúng trẻ. Đó cũng là những lý do  để trường Huỳnh Thúc Kháng chúng tôi tổ chức buổi ngoại khóa về “Thơ - Nhạc tiền chiến”. Chúng tôi xin được lần lượt giới thiệu cùng các bạn một số tác phẩm Thơ - Nhạc tiền chiến do các thầy cô giáo và học sinh trường HTK thể hiện:
1. Thu vàng
Thu Vàng - Cung Tiến - Thanh Lan
Sáng tác: Cung Tiến
Thể hiện: Quỳnh Trang  hs 12 trường htk
2. Suối mơ
Sáng tác Văn Cao
Thể hiện: Cô giáo Phương Chi
3. Đêm đông
Sáng tác: Nguyễn Văn Thương
Thể hiện:  Cô giáo Phan Thanh Vân
4. Dư âm
Sáng tác: Nguyễn Văn Tý
Thể hiện: Thầy giáo Trần Xuân Luận
5. Lỡ bước sang ngang
Thơ Nguyễn Bính
Thể hiện: Cô giáo Phan Thanh Vân
6. Sơn nữ ca
Sáng tác: Trần Hoàn
Thể hiện: Song ca nữ 12 b2
7. Ô Mê Ly
Sáng tác: Văn Phụng
Thể hiện: Bá Phong - Trung Kiên - Bảo Trung 12 A2
Theo https://phanthanhvansite.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...