Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

Đoàn Thạch Biền - Những ân tình còn đó

Đoàn Thạch Biền - Những ân tình còn đó…
(Vài kỷ niệm với những văn nghệ sĩ tôi quen biết)
Năm 1991 Thúy Hà (người đoạt giải nhất cuộc thi nữ sinh viên duyên dáng do 14 trường Đại học và Cao đẳng Sài Gòn tổ chức) vào làm ở tòa soạn tập san Áo Trắng.
Cô làm tại đây một thời gian rất ngắn, dường như với môi trường báo chí mà một tờ báo nghiêng về mảng văn chương không thích hợp sự năng nổ của cô, một sinh viên vừa mới ra trường và đứng đầu một giải thưởng lớn.
Tôi vào Áo Trắng thay chỗ của Thúy Hà, đó là thời gian khoảng cuối nắm 1991. Tôi rất bỡ ngỡ trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, tại đây tôi làm việc chung với: Đoàn Thạch Biền, Đinh Tiến Luyện, Đỗ Trung Quân.
Đoàn Thạch Biền là người tổ chức bản thảo, biên tập, thực hiện và chịu trách nhiệm toàn bộ tuyển tập Áo Trắng với sự cộng tác của các anh Đinh Tiến Luyện, Đỗ Trung Quân và Họa sĩ Điêu Quốc Việt.
Ban biên tập mỗi người một tính cách, không ai giống ai.
Trước năm 1975  Đoàn Thạch Biền (tên thật  Phạm Đức Thịnh) là giáo viên dạy triết tại trường Trung học Hòa Đa, Phan Rí, Bình Thuận. Nơi có những con dông sống trên bãi cát ngút ngàn của xứ biển, những chú dông đã gợi niềm cảm hứng cho anh trong những truyện ngắn dí dỏm, thông minh với bút danh Nguyễn Thanh Trịnh mà bạn đọc quen thuộc trên tuần báo Tuổi Ngọc lúc bấy giờ.
Đúng với tính cách của một nhà giáo, Đoàn Thạch Biền lúc nào cũng có nét mặt nghiêm trang, hơi “lạnh”, và dường như có cái gì của sự cách biệt, khó hòa đồng. Đó là “cảm nhận” của những người mới gặp anh lần đầu.
Quen biết anh trên 40 năm và làm việc chung với anh trong một thời gian dài tôi mới “cảm nhận” được rằng trong con người có vẽ “lạnh lùng” ấy là cả một tấm lòng nhân hậu, nhiệt tình và hào phóng.
Tuyển tập Áo Trắng số đầu tiên "THẾ RỒI MỘT MÙA HÈ" ra mắt vào tháng 8. 1990, tập hợp những cây viết tên tuổi lúc bấy giờ. Sách in trên giấy vàng cùng với minh họa của Văn Minh, Đinh Tiến Luyện, Hoàng Tường.
Để “ra” được một tuyển tập thơ văn, phát hành trong cả nước vào thời điểm đó không hề là chuyện dễ. Riêng khâu bài vở, giấy phép và in ấn  là cả một vấn đề.
Không phải: “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” như cụ Tú Xương, mà “chạy in từng số toát mồ hôi”
Chưa kể bài vở viết theo chủ đề của từng tuyển tập. Để “sống” được và “tồn tại” đến bây giờ, gần 30 năm cho một tuyển tập văn chương, nói theo nhạc sĩ Y Vân “sáu mươi năm cuộc đời” thì Áo Trắng “sống” được nửa cuộc đời so với kiếp người.
Với lòng nhiệt tình cùng sự đam mê của một người làm báo “lão luyện” Đoàn Thạch Biền đã “lèo lái” Áo Trắng vượt qua bao thăng trầm trong gần 30 năm là một kỳ công mà sự kiên trì, bền bĩ, một đức tính có ở nơi anh ít người sánh kịp.
Người ta ví: “Áo Trắng như một sân chơi, một vườn ươm, một nơi tạo điều kiện lẫn thử thách cho những cây viết chập chững bước vào ngưỡng cửa của văn chương…”
Thời gian trên 15 năm làm Áo Trắng với Đoàn Thạch Biền tôi thấy anh rất quan tâm đến những bạn trẻ  bộc lộ năng khiếu hay lóe sáng trên những trang viết gởi về AT. Khi phát hiện đó là những tài năng còn tiềm ẩn anh đã “hết  mình” nâng đỡ.
Có lần, tôi đang làm việc tại tòa soạn thì Đoàn Thạch Biền đến rủ tôi cùng anh đi xe gắn máy xuống Long An phỏng vấn cô nữ sinh lớp 11 Lê Đỗ Quỳnh Hương khi được tin Quỳnh Hương đoạt giải trong hội thi “ Tiếng hát học sinh PTTH”  tại Hà Nội và đoạt giải cuộc thi truyện ngắn do Hội văn nghệ Long An tổ chức.
Tuyển tập Áo Trắng số 10 phát hành tháng 6.1990 đã đăng truyện ngắn “Mưa Mười Bảy” của Lê Đỗ Quỳnh Hương và tiếp sau đó AT.13 số kỷ niệm tròn một tuổi đăng truyện ngắn “Gié lúa mọc thừa”, lúc đó cô đang học lớp 12.
Hiện nay Quỳnh Hương là biên tập viên của đài truyền hình HTV,  tác giả của nhiều tập tản văn, và cô cũng là một MC nổi tiếng.
Trong lĩnh vực bóng đá có những “thế hệ vàng” như thời của Thế Anh, Cao Cường hay lớp sau này như Lê Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Tài em… Tôi bỗng có so sánh hơi “khập khiễng”. Áo Trắng cũng có những “thế hệ vàng” như bóng đá, mặc dù bất cứ trong giai đoạn nào cũng có nhân tài.
Có điều nghịch lý giữa hai lĩnh vực này, trong bóng đá những cầu thủ trên ba mươi tuổi người ta gọi là lão tướng, còn trong lĩnh vực văn chương người trên dưới bốn mươi, thậm chí năm, sáu mươi tuổi vẫn được gọi là nhà văn trẻ.
Tôi vẫn nhớ rất rõ nét chữ nắn nót viết bằng mực tím trên giấy học trò trong những lá thư của Nguyễn Danh Lam gởi về AT từ Ban Mê Thuột, có khi kèm theo bài thơ hay một truyện ngắn. Lúc đó Nguyễn Danh Lam đang học lớp 12.
“Rồi như thế bỗng nhiên mà họ lớn”
(Nguyên Sa)
Và thật sự họ đã lớn, Nguyễn Danh Lam là nhà văn trẻ đoạt giải nhì truyện ngắn của tuần báo Văn Nghệ và cuốn tiểu thuyết: Giữa Dòng Chảy Lạc của anh cũng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2010.
Một buổi sáng khi vừa đến cổng cơ quan, chị Định gọi tôi lại và đưa một cuộn giấy được gói cẩn thận, khi mở ra xem tôi mới biết đó là xấp báo tiếng Hoaội Hội và tiếng Anh, kèm theo mấy dòng chữ: “Em mới lấy ở Hồng Kông chiều hôm qua, gởi để anh cập nhật”
Đây là món quà đúng hơn là tấm lòng của Phan Tiểu Vân, một cô gái Tiếp Viên Hàng Không xinh đẹp, cô là độc giả cũng là tác giả của những bài thơ đăng trên AT.
“Những Sườn Núi Lấp Lánh” phát hành tháng 1.2017, là cuốn tản văn của Lê Minh Khôi với số lượng 5000 bản đã bán hết trong trong một thời gian rất ngắn. Lúc còn học trong nước, anh là thành viên Gia đình AT ở Huế và khi làm nghiên cứu sinh tại  Đại học Rostock ở Đức, Lê Minh Khôi gởi về những bài du ký  viết về châu Âu đầy cảm xúc cộng tác trong chuyên mục: Hương Xa của Áo Trắng. Hiện anh là PGS.TS.BS chuyên khoa tim mạch trong một bệnh viện lớn ở Saigon.
Nguyễn Khắc Cường và Gia Bảo là hai người bạn thân của AT từ những ngày đầu, hiện nay Nguyễn Khắc Cường là Tổng biên tập, Gia Bảo là phó tổng biên tập báo Mực Tím và Khăn Quàng Đỏ. Tôi vẫn không quên “Quay Đi Và Khóc” một truyện ngắn đặc sắc của Gia Bảo và cũng là tựa đề một tập truyện của cô.
Một người bạn đặc biệt nữa của AT, người thỉnh thoảng gởi cho tôi những “toa thuốc” và “tái khám” qua messenger là Lê Nghị. Khi còn là sinh viên học trường Y, anh thường đến “tòa soạn” bóc giúp tôi, phân loại bài vở trong chồng thư cao ngất của bạn đọc gởi về. Anh ký tên dưới những bài thơ trên AT với bút hiệu Lê Nghị Đinh Giang.  Hiện nay anh là Bs. Trưởng khoa tại một Bv. ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.
Phạm Nguyên Tường là nhà thơ, anh là chủ tịch Hội nhà văn Thừa thiên Huế, anh cũng là một Ts. Bs. trưởng khoa Ung bướu Bv. Trung ương Huế. Phạm Nguyên Tường gắn bó với AT từ những ngày đầu. Anh là “cựu” trưởng nhóm Gia đình AT.
“Thế hệ vàng” của AT có rất nhiều bạn nữ đa tài như Nguyễn Thị Thanh Bình, Trang Hạ, hai nhà văn nữ đoạt giải Văn Học tuổi 20 do NXB Trẻ, báo Tuổi Trẻ và Hội nhà văn tổ chức. Nhưng hai bạn nữ gần gũi và có nhiều kỷ niệm với AT khi còn là sinh viên là nhà văn Nguyễn Lê My Hoàn với tác phẩm: Lối Đi Ngay Dưới Chân Mình, giải nhì Văn học tuổi 20 và nhà báo Đinh Thu Hiền với những tập phóng sự: Đi Bụi và Phóng Sự Tình cùng những trang chấp bút cho hồi ký của ca sĩ Ái Vân và diễn viên Thương Tín đã gây nhiều dư luận trong làng báo một thời
Với một bài viết ngắn, chắc chắn có rất nhiều thiếu sót, không ghi lại hết tên tuổi những cây viết trẻ một thời là thành viên, có những gắn bó, thân tình với AT, rất mong các bạn thứ lỗi cho.      
Từ “sân chơi” này, nhiều bạn trẻ đã thành danh và thành công trên nhiều lĩnh vực. Dù ở cương vị nào các bạn trẻ cũng nhớ về Áo Trắng. Thật cảm động khi anh Đoàn Thạch Biền tổ chức một buổi tiệc nhỏ, gói gọn, kỷ niệm 25 năm sinh nhật AT, nhiều bạn đã đến dự trong tình thân với những lẳng hoa tươi thắm như ngày về đoàn tụ của những người trong một gia đình.
Độc giả Áo Trắng là học sinh cấp 2, cấp 3 nhưng đa số là sinh viên, các bạn trẻ nhiều ngành nghề và… một số nữa trong vai… phụ huynh, mà ngày xưa họ là đọc giả của tuần báo Tuổi Ngọc, tuần báo có: “... Dòng văn chương đẹp, thơ mộng và lãng mạn của những tháng năm đẹp nhất đời người…”
Người đọc Áo Trắng thập niên 1990 khác hẳn với độc giả Áo Trắng của bây giờ. Phải công nhận một điều: Đoàn Thạch Biền là người nhạy bén, “nắm bắt” được thị hiếu của lớp trẻ  để chọn đề tài, bài vở thích hợp cho từng giai đoạn.
Tôi nghĩ đó là thành công lớn nhất của anh ngoài những tác phẩm văn chương mà anh góp mặt với đời, đó cũng là niềm an ủi, một thứ tình cảm của lớp người viết trẻ, những độc giả dành cho anh mà không phải ai cũng có được.
Saigon, tháng 4.2018
Phạm Thanh Chương
Theo https://vanchuongviet.org/







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...