Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Phạm Công Luận - Người "gìn giữ linh hồn" của phố

Phạm Công Luận - Người 
"gìn giữ linh hồn" của phố
Ngày xưa ở trường làng, khi học lớp ba, thầy giáo đã cho học trò học thuộc lòng bài Sài Gòn của tác giả Bảo Vân:
“Sài Gòn có bến Chương Dương                           
Có dinh Độc Lập, có đường Tự Do
Phường Chợ quán, khóm Cầu kho
Bến xe Lục tỉnh, con đò Thủ thiêm…”
Sau đó khi vào lớp Đệ Thất, thầy dạy Quốc văn cho học sinh  học thuộc lòng bài “Ngày khai trường” của Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”
Tuổi thơ tôi sống trong khung cảnh thanh bình chỉ được một thời gian ngắn ngủi, rồi chiến tranh lan rộng càng ngày càng khốc liệt, tôi phải lưu lạc vào sống tại Vũng tàu... rồi Sài Gòn. Sài Gòn một thành phố xa lạ nhưng cũng rất đỗi thân quen, một thành phố luôn luôn sôi động với đủ mọi thành phần xã hội.
Những địa danh của Sài Gòn như: Xóm chiếu, Cầu Muối, Khu Mã lạng, Cầu Ba cẳng… dần dà trở nên quen thuộc cho đến khi tìm hiểu quasách vở, tôi mới biết được nguyên nhân vì đâu mà có những cái tên gọi đó làm tôi hết sức bất ngờ và thích thú.
Như tên gọi Hàng Xanh, một đầu ngõ vào Sài Gòn của các tỉnh miền Đông, thì trước đây, nơi nầy là một cánh đồng hoang vu, lác đác có vài căn nhà với hai hàng cây sanh chạy dọc theo con đường nhỏ dẫn vào thành phố, đó lá một loại cây có tàn lá rậm rạp và gốc rể sù sì như loại cây đa, người ta còn nói rằng có những buổi trưa lúc mặt trời đứng bóng, khi đi qua những hàng cây sanh có người bị ma nhát là chuyện rất thường tình. Từ chữ “hàng sanh” người ta đọc trại ra thành “Hàng Xanh” lâu ngày rồi trở thành quen thuộc như tên gọi bây giờ.
Cũng như Cát Lái là địa danh một bến phà thuộc ngoại ô Saigon, đúng hơn là một bến cảng container của sông Đồng Nai (nay thuộc quận 2). Ngày xưa các thương lái tụ tập hàng hóa về đây để trao đổi và vận chuyển đi các tỉnhở Nam bộ.
“Các lái” là từ người ta dùng để gọi“các lái buôn”, dân thương hồ,những người buôn bán trên sông nước, để cho “gọn” người ta bỏ hẳn chữ “buôn”lâu ngày thành quen đi, nên người ta gọi là Các Lái, địa danh của bến cảng ngày hôm nay, nếu viết “Cát Lái” có chữ “T” thì không đúng như tên gọi lúc ban đầu mà người địa phương đã đặt.
Các Lái là một “bến phà”sầm uất, náo nhiệt, chứ không phải một nơi“thanh lịch” và buồn hiu hắt như “bến” Cô Tô của Trương Kế đời Đường qua bài Phong Kiều dạ bạc với bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh mà nhiều người lầm tưởng là bản dịch cùa Tản Đà.
“Trăng tà, tiếng quạ kêu sương.
Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.”
Phải chăng với tâm hồn hoài cổ, nên khi nhà báo Phạm Công Luận phát hành tập 1 “Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố” tôi vui mừng như vừa gặp lại một người thân, niềm vui tràn ngập trong lòng mà không biết chia sẻ với ai.
Khi cụ Vương Hồng Sển qua đời rồi đến nhà văn Sơn Nam cũng ra đi, hai cây cổ thụ, đúng hơn là hai nhà bảo tàng về Nam bộ không còn nữa. Hai người một đời gắn bó với miền đất này mất đi để lại một khoảng trống to lớn, tôi băn khoăn nghĩ rằng, rồi đây biết bao điều sẽ mai một, sẽ đi vào lãng quên cùng năm tháng.
Không có dấu hiệu nào, không một dự báo nào,… một nhà báo trẻ xông xáo, nhiệt huyết, nhưng đầy tính cẩn trọng đã đột ngột xuất hiện sáng chói như một vì sao trên vòm trời văn học Sài Gòn. Bản lĩnh, chững chạc nối tiếpviệc làm của những người đi trước, thu nhặt, gìn giữ những biểu tượng, những tinh hoa của một Sài Gòn trải qua quá nhiều thay đổi vì thời cuộc cũng như sự năng động, phát triển của một thành phố lớn.
Thật may mắn cho chúng ta, tôi muốn nói đến Phạm Công Luận, một nhà báo còn rất trẻ, anh đã chinh phục người đọc dù là người khó tính nhất một cách ngoạn mục qua một loạt tác phẩm sưu tầm, biên khảo công phu: Sài Gòn Chuyện Đời của Phố từ tập 1 đến tập 5, mỗi tập gần 350 trang với những bài viết kèm theo hình ảnh của Saì Gòn đặc sắc, đa dạng, những hình ảnh hiếm hoi tưởng như không bao giờ còn nhìn thấy lại đã ra đời cách nay hơn nữa thế kỷ.  Và một tác phẩm khác của Phạm Công Luận vừa phát hành: “Sài Gòn Phong Vị Báo Xuân Xưa” một ấn phẩm mang đầy tính hoài niệm với hàng trăm biếm họa, minh họa và bìa của những giai phẩm xuân, như chùm tranh Tết của họa sĩ Hiếu Đệ trên báo Tiếng Chuông xuân Ất Mùi 1955 đến chân dung một số văn nghệ sĩ do họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vẽ theo lối tướng họa trên báo Ánh Sáng xuân Tân Mão 1951. Đặc biệt là chùm minh họa của họa sĩ Lemur Cát Tường trên báo Phụ Nữ Tân Văn xuân 1934.
Phạm Công Luận với những bài viết đầy ấn tượng làm người đọc đi từ thích thú này đến thích thú khác, như: Hồn Đô thị, Nhà cổ ven đường, Giai nhân một thuở, Xe điện Sài Gòn, Bến xe thổ mộ… những hình ảnh trong quá khứ ấy qua ngòi bút của anh làm  chúng ta nhớ lại khung cảnh thanh bình, êm ả của một Sài Gòn đã chìm sâu trong ký ức của những người lớn tuổi như hồi sinh trở lại.
Một trong những hình ảnh quen thuộc trên đường phố Sài Gòn của năm xưa mà bây giờ chỉ còn trong kỷ niệm: “Có những buổi trưa, đi qua phố là một ông chạy chiếc xe đạp sừng trâu mang theo một ống sáo thổi te te, loại ống sáo thẳng chứ không phải ống sáo ngang. Ai cũng biết đó là ông chuyên thiến heo. Một ông khác chưa thấy mặt đã nghe tiếng trống lắc tùng tùng của ông, đây là ông thợ nhuộm”
Viết về  đường Lê Công Kiều, một nơi chuyên bán đồ cổ, đó là con đường ngắn và hẹp chỉ vài trăm mét, dù đối diện với chợ Bến Thành nhưng bị che khuất sau những tòa cao ốc nên ít người biết đến. Một con đường yên ả, vắng lặng, rất ít xe cộ đi qua nằm giữa trung tâm Sài Gòn. Theo Phạm Công Luận đây là con đường mang biểu tượng của Sài Gòn, tuy là một con đường nhỏ nhưng do những cá biệt của nó tạo nên tiếng tăm vang dội mà năm 2000 tổng thống Hoa Kỳ Clinton khi qua thăm Việt Nam ông đã dành thời gian đến đây“xem”đồ cổ và tản bộ, tiếp xúc với những người buôn bán dọc theo hai bên con đường nầy. Anh viết: “Đường Lê Công Kiều “xuất khẩu” niềm vui, sự hiếu kỳ, nỗi đam mê và vẽ đẹp ngất ngây. Ở đây có đủ “người tốt, kẻ xấu và tên vô lại” như trong một bộ phim cao bồi” và ở một đoạn khác: “Bây giờ đường Lê Công Kiều im ắng hơn, và ngồi trong quán cà phê ngó ra đường phố, tôi mới nhìn sâu con phố nhỏ nầy. Dãy phố vẫn còn một ít nhà xây kiểu Tây từ thời còn mang tên đường Reims trước 1945. Đâu rồi nhà in Thạch Thị Mậu nơi học nghề cùa danh ca Sáu Thoòng “chuyên trị” vọng cổ một thời? Và đâu là tòa soạn báo Đại Việt tập chí (không phải tạp chí) ở nhà số 5 của cụ Hồ Biểu Chánh những năm 1940 nơi cụ làm việc hàng ngày và có lần hứng chí mời cả anh em tòa soạn đi ăn ở đường Pellerin (Pasteur) gần đó. Thấp thoáng hình bóng cụ Phan Khôi lúc làm báo ở Sài Gòn xưa, năm 1924, tay cắp cặp, lơn tơn ghé vô nhà người quen rủ đi uống trà Bạch Mao hay Kỳ Chưởng”.
Những hình ảnh rời rạc cách nay hơn nữa thế kỷ được anh chắp nối, dựng lại làm chúng ta có cảm tưởng như câu chuyện vừa mới xảy ra.
Đúng như tính cách và sự điềm đạm của anh, Phạm Công Luận viết: “Từ thuở nhỏ, tôi đã thích lân la chơi với các ông già, nhất là những người từng trải qua một cuộc đời phong phú, nhiều mối quan hệ quen biết và chứng kiến nhiều thăng trầm của nhân gian. Tôi thấy được cá tính chung ở các vị trưởng lão là khoan hòa, thích kể chuyện, nhìn người và việc luôn sắc sảo và độ lượng, trong số đó có nhà văn Sơn Nam…”
Khi Phạm Công Luận đến thăm nơi ở và làm việc của Sơn Nam tại Gò Vấp, một nhà văn lão thành tiếng tăm lừng lẫy, anh hết sức ngạc nhiên trước cuộc sống vô cùng giản dị của ông. Anh viết: “Tôi đến thăm nhà văn Sơn Nam ở căn phòng bé xíu ông thuê trên đường Phan Văn Trị, Gò Vấp. Căn phòng hẹp, bề ngang khoản hai mét, một bên để giường xếp, một bên để cái bàn, trên bàn là máy đánh chữ cổ lỗ sĩ mà ông vẫn dùng để gõ bài, ở giữa là lối đi len lách. Nhà văn lừng lẫy gắn với những tập sách in rất đẹp,những bộ phim được giải này, giải kia, như: “Đất phương Nam”, “Mùa len trâu”, sống giản dị đến mức vô cùng tận. Khi tôi đến, ông chậm rãi khoác vào người cái áo sơ mi, che cái áo thun ba lỗ cũ kỹ. Tôi ngồi xuống ghế,ông vào đề ngay: Nè, sống ở Gò Vấp này được à nghen, quận này nằm sát Phú Nhuận, Bình Thạnh nhưng giá cả ngoài chợ cái gì cũng rẻ hơn. Cà phê cũng rẻ, cơm bình dân cũng rẻ.Ở đây sống được”.
Trong vòng năm năm, với sáu tập sách trên hai ngàn trang, gồm những bài viết, sưu tầm, chọn lọc và trích dẫn hết sức tỉ mỉ, công phu của Phạm Công Luận cùng với một số hình ảnh hiếm hoi, quý giá của Sài Gòn mà anh thu thập được tưởng chừngđã mất theo những biến cố và đổi thay dồn dập của thành phố. Một việc làm hết sức ý nghĩa và đáng trân trọng biết bao!
Để vượt qua những gian nan, đôi khi pha lẫn chút cay đắng ngậm ngùi trong quá trình thực hiện. Với lòng kiên trì cũng như sự đam mê đã giúp Phạm Công Luận đã đạt được những thành công rực rỡ của ngày hôm nay.
Saigon, tháng 6, 2018
Phạm Thanh Chương
Theo https://vanchuongviet.org/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...