Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Cũng như mây khói

Cũng như mây khói
Mùa bão đã qua bằng những ngày trời rỉ rả mưa, buổi sáng thức giấc trong những âm thanh bồng bềnh của thành phố, tôi chẳng biết làm gì hơn là nhìn lên trần nhà để chờ giấc ngủ trở lại. Tôi sống thật mệt mỏi với những lần trở dậy nhìn mưa lất phất bay ngoài khung cửa, ngày tháng chậm chạp đi qua bên những hình ảnh ấu thơ lẫn lộn mơ hồ như không còn nhớ rõ. Tôi nằm nhớ lại cánh đồng thanh bình có những đàn bò gặm cỏ. Chị Ngàn đã đem hong những chiếc áo lạnh. Mùa thu rồi!.
Buổi chiều trời rét và có tiếng chim hót trên tàn lá, tôi ngồi trên bục hè chờ chị Ngàn về trên chuyến phà cuối ngày, qua những nhánh sầu đông tôi trông thấy chị với mái tóc lõa xõa bay dật dờ theo dòng nước.
Đường về khô và buồn, hình như không có ai đồng hành với chị Ngàn nơi bến sông. Gió xa reo mơ hồ làm tôi muốn ngủ trờ lại trong cảm giác chơi vơi hụt hẫng giữa những tàn cây lớn có tiếng ngỗng kêu đừ đẫm dưới mưa.Những ngày sống quẫn trí giữa khói bụi thành phố làm tôi đâm ra khờ khạo.Tôi đã đánh mất niềm mơ ước được một lần về ngồi lại dưới chân cầu nghe tiếng nước chảy lơ mơ rồi bật khóc. Niềm mơ ước dị hợm mà tôi đã cố tình muốn quên đi như giọng hát vu vơ nào đó đã trở thành quen thuộc ngày nào xa cũ dưới hiên trường.
Hù.
Tôi giựt mình, bên gốc ngọc lan, chị Ngàn cười hiền hậu:
- Răng mà buồn ghê rứa?
Tôi cười với chị rồi đốt thuốc hút chậm chạp, nghe loáng thoáng tiếng chuông giáo đường ngân qua những chòm lá đã ngã mầu sẩm tối. Trong phòng, chị Ngàn bật đèn và chải tóc bên hông tủ, tôi trông thấy bóng chị trên một khoảng tường mờ ảo, lung linh theo những giọt nước đọng phía ngoài khung cửa.
Lúc xuống phố, trời mưa bụi xóa lờ mờ ánh đèn vàng vọt hai bên đường, tôi khoác áo đi cạnh chị Ngàn những bước nhỏ, dòng sông nổi gió lê mê trên mấy long cát ẩm, thổi hơi rét vào mặt cóng buốt. Không biết chị Ngàn nghĩ gì, tiếng cười dưới hiên trường khi mùa thu về trong mắt chị, cùng những lần chờ đợi nơi bến dò hiu quạnh đã mờ trong xa ngút nào đó của cuộc đời. Tôi dừng lại đốt một que diêm, bên kia, từ ngôi nhà đổ mái có ánh đèn néon chập chờn hắt xuống dòng nước trông lạnh và buồn. Tôi vục một nắm cát vãi vào con chó đang chạy lang thang, nghe nhớ Thục ghê gớm. Những buổi chiều Thục đứng gọi tôi nôn nao trên triền núi, cây lá, khói sương và tiếng hát buồn lạ lùng của Thục gợi nhớ lại một quãng đời đã xa hun hút, ngày tháng đó đã mịt mù và không còn nữa. Tôi nhặt một hòn sỏi lên vê tròn giữa lòng bàn tay. Chị Ngàn hỏi:
- Làm chi lạ rứa?
- Chờ nó trở lại.
Ai?
Con chó
Chị Ngàn nhìn tôi lắc đầu, tôi nghe tiếng cười mình hụt loãng trên dòng nước.
Cơn sốt làm tôi váng vất không còn muốn nghĩ gì thêm nữa, hình như chị Ngàn trở về và đi lại nhiều lần ngoài hành lang, tiếng guốc nhỏ nhẹ xa dần trong âm thanh của cơn mưa bên ngoài. Căn nhà vắng lạnh thê thảm, tôi trờ dậy và nhìn qua khung cửa. Dưới kia là thời gian cùng với hình bóng Thục dịu dàng, yên ấm của tháng ngày thân yêu cũ. Trời mát lạnh, cánh áo Thục bay tơi tả trong hương khói mờ ảo, tôi cười:
- Dễ chừng em đã ngủ quên trên dòng sông một lần chưa?
Thục cười ngượng ngập:
- Anh nói rứa mà nghe được? bộ anh muốn em chết đuối à?
Lúc qua chỗ vòm cầu, Thục chỉ:
- Chỗ nớ, anh nhớ không?
- Em nói nhớ chi?
- Dòng sông và… Thục nhìn vào mắt tôi  - Làm bộ…
Lần đưa Thục dạo chơi trên những đụn cát, bất chợt tôi nghĩ đến bà chị cao lớn đã bỏ đi tu, đêm bà gióng chuông bồi hồi trên sườn núi đầy gió.Tiếng mõ quá đỗi buồn bã, tôi ứa lệ nhớ đến bố mẹ và hàng dâm bụt trong khu vườn. Bà chị thường trách tôi vô tâm và ưa lêu lổng, bà muốn tôi đi tu để trở thành hòa thượng, tôi cười trong cánh áo Thục khi leo lên con dốc đầy sỏi:
- Anh ngủ trong tiếng nước chảy mơ thấy đàn bò từ trong rừng kéo nhau trở về ồn ào làm đám trẻ con tụ tập đánh đáo bên vệ đường sợ quá bỏ chạy, có đứa khóc thét lên.
Thục nhìn tôi, xa vô cùng:
- Giấc mơ chỉ có rứa?
- Cả đôi mắt bố anh, buồn lắm!
- Đôi mắt?
- Ờ, chỉ có vậy.
Thục bỏ chạy vào rừng cây:
- Bộ anh cũng muốn giống bố? Anh chừa râu nom tức cười
Tôi đốt thuốc, nhặt một hòn sỏi đôi lên trời:
- Bố kể, thuở trước mẹ để tóc dài, tình yêu mẹ cũng tựa những đợt sóng gây nhiều xót xa trong đời bố.
Thục vân vê cánh áo, tôi mơ hồ như ngủ trong một cảm giác nhẹ hẫng bềnh bồng. Không còn gì khi xa nhau, còn chăng là nỗi đau đớn thầm lặng, Thục hát lơ mơ “… Bao nhiêu năm làm kiếp con người… chợt một chiều tóc trắng như vôi…” (TCS). Tôi ứa nước mắt, Thục đưa tay che miệng cười:
- Ẩu ghê, nhỡ ai nghe, dị chết.
Khi về ngồi lại dưới bục hè, nắng xuyên qua giàn thiên lý rơi l
chỗ trên những phiến gạch rêu mốc. Bất giác tôi nhớ lại hình ảnh cùng giọng nói đượm buồn của người đàn ông viết văn có đôi mắt ẩn ức đau đớn đã bỏ đi cô độc trên vỉa phố mưa chắc không còn bao giờ trở lại.
Tôi đứng dậy, gật đầu chào một đúa bé lem luốc đang đứng chơi ngoài ngõ, nắng trên bến sông điêu tàn. Na dí móng tay vào má tôi:
- Sao trông anh tức cười vậy? Còn gì ở đó để mơ ước?
Na chỉ:
-  Cả trên dòng sông, hình ảnh bố cũng chập chờn
Tôi thảng thốt, lần về đứng trơ trọi giữa đồng bãi hoang vu nghe tiếng tù và bên kia sườn núi mà muốn khóc. Na lấy kiếng soi, chải tóc:
- Đi một chút anh, đưa em qua khỏi khu rừng.
Tôi trông theo một người đàn ông cao lớn ngồi vuốt râu trên xe bò, Na sợ sệt:
- Anh, hình như có tiếng cười trong rừng cây.
Tôi vừa đi vừa nhảy cho khỏi buồn ngủ, Na lơ đãng:
- Chắc mẹ đã chán, bố chỉ là người đàn ông kỳ quặc. Bây giờ em nhớ mẹ chỉ còn mỗi mái tóc, đẹp thật, em yêu mẹ vô cùng
Tôi nhìn sâu vào cặp mắt đượm buồn của Na:
- Thuở còn bé tóc em vàng như màu da bò, chơi lẫn lộn cùng đám trẻ con lem luốc ngoài bến sông.
- Thế anh đã bao lớn?
- Không biết, chỉ nhớ lơ mơ có lần anh bị ông cha đạo đánh u đầu.
Na cười:
- Sao vậy?
- Nói ra kỳ lắm.
- Với em mà kỳ, sao anh ưa làm bộ…!
- Không, nhưng anh mắc cỡ.
- Với em thì mắc cỡ quái gì?
- Anh đánh cắp cây ba toong của ông.
- Chỉ có vậy?
- Ờ, ông ấy rượt lấy lại rồi cốc lên đầu anh
Xuống hết con dốc, tôi thấy như cả khu rừng phía sau biến mất. Đàn ngỗng ồn ào dưới mé sông. Na kêu thảng thốt:
Chắc hết đò.
Tôi khươi những hòn sỏi rớt lỏm bỏm xuống dòng nước, nói với Na:
Nhiều lúc, anh cảm thấy anh cũng tựa một con bò.
Na hỏi:
Bộ anh không lấy vợ, chẳng lẽ cứ lêu bêu hoài?
Câu hỏi cùa Na làm tôi nhớ Thục quay quắt,  bà dì huơ huơ cây sào xua đàn ngỗng vào đám lục bình, cười cợt:
Chừng nào cưới vợ dì cho cặp ngỗng để giữ nhà.
Lòng tôi chùng xuống, Na sẽ trở về bên kia dòng sông. Ở đó, căn nhà,hình ảnh bố mẹ cùng biết bao kỷ niệm của tháng ngày thơ ấu, không còn ai, chỉ còn sự trống vắng, hiu quạnh khôn cùng. Tội nghiệp Na biết chừng nào! Tháng ngày yên vui cũ chỉ còn trong hoài niệm. Không biết Na sẽ nghĩ gì? Lúc Na chập chờn giữa dòng nước, tôi quay lại nói thật khẽ với bà dì: “Nhiều lúc cháu cảm thấy cháu cũng tựa một con bò”. Rồi cắm đầu bỏ chạy…
Phạm Thanh Chương
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...