Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

Hồn thu

Hồn thu
Bà Bích Khuê bước lên những bậc thềm nhà. Bể sen bách diệp của bà Phương bắt đầu mùa hoa nở, hương sen ngan ngát. Nắng thắng tư, cái nắng oi nồng báo hiệu mùa Phật Đản.
- Chị! Từ nhà trong bà Phương bước ra chào. Hôm ni rồng tới nhà tôm à?
- Tội nghiệp em mà chị! Bà Bích Khuê kêu lên. Trông bà tươi tắn trong bộ đồ lụa màu ngà.
Bà Phương tự mình rót nước pha trà. Căn nhà rộng thênh thang chỉ còn lại ba người.
- Ông chưa vô, chị?
- Chúng tôi cùng vô luôn, nhà ni bán rồi.
Đôi mắt bà Phương có vẻ buồn, nó cam chịu, như cuộc đời làm vợ, làm mẹ. Ngôi nhà ni trước kia là nhà tranh, hồi cư về tui mua năm chục đồng, hốt bụi đó. Rồi sửa sang lần, con lớn mở thêm phòng. Chừ cháu Ân đi học tập về bảo tui bán mà vô Nam. Ông anh tui ở ngoài Bắc vô cũng bảo như vậy.
Bà Bích Khuê chép miệng, chiếc miệng tươi tắn cũng buồn theo câu chuyện:
- Rồi ai cũng bỏ Huế mà đi hết.
Biết làm răng hả chị? Thời thế thay đổi, tui chừ lương hưu không có, ngồi không lấy chi ăn. Phải theo con thôi.
- Chị ạ, tui nghĩ chị Diệu Hương thật lạ, con cái không có, vàng bạc để mô cho hết. Sao không cho bớt chị em?
- Cho tui đã là may rồi.
Một lát sau, một thiếu nữ, có vẻ là cô giáo từ ngoài cổng bước vào.
- Chào bác ạ, chào mẹ.
- Đi dạy về đó hả con?
- Dạ. Thúy Du đáp rồi đi ra nhà sau.
Mười đứa con, khi xưa ông đi làm nuôi bà con, ông bà, tui phụ nuôi con, làm dâu cả họ. Nay mai không biết sống ra sao, thây kệ ngày mai.
Bà Bích Khuê ngồi nói chuyện đến chạng vạng mới về. Trong bữa cơm ông Nhân nói:
- Tui không thích bán cái nhà ni, bán rồi chỗ mô mà ở?                      
- Vô Sài Gòn ở với thằng Ân, thư mô hắn cũng dặn mình vô Nam, trong kia dễ sống.
- Tui hợp với người Huế, đất Huế hơn. Ở đây tui còn về làng gặp anh Địch, chị Pha.
- Mình nói xưa quá, ở đây lấy chi ăn, lương hưu không có, thằng Dũng đi học chưa về. Mình là nguỵ quyền, ai trả lương hưu cho mình. Vô Nam bán bún nấu chè, sống qua ngày.
Bà Phương thở dài. Con cá nó sống trong nước, sông chảy ra biển, nước đổ từ nguồn. Ai có thể trong một sớm một chiều từ bỏ mồ mả cha ông, bàn thờ tổ tiên đi về một miền đất khác mà không cảm thấy lòng mất mát và đau đớn? Nhưng còn biết cách nào khác. Khi những đứa con trai sẽ không đứa nào trở về đây nữa.
Ba người bạn ngồi dưới mái hiên quán Nội thành. Thu ủ mặt sau mái tóc dài. Mối tình của cô bây giờ gần như vô vọng. Anh ta ở trại cải tạo một năm rồi, không hề có tin tức. Lễ đính hôn thế là hoãn lại. Hè năm nay cô định vào Sài Gòn tìm má anh ta thì nhận được một dòng chữ Hán anh ta gởi ra, có lẽ đó là dòng duy nhất: "Tây xuất dương quan hà cố nhân", một câu thơ của Vương Duy. Ly ngồi cạnh, làm như không biết đến vẻ mặt buồn của Thu, hút thuốc. Mỗi ngày hắn hút ba điếu thuốc, hai cốc cà phê, ba chiếc bánh ngọt. Ba mẹ là thương nhân giàu có một đời, mà lại giàu kín. Đợt kiểm kê tư sản mại bản 78 họ không bị ảnh hưởng gì, Ly thoải mái tiêu xài. Ly để tóc dài, khuôn mặt nhật bản, mũi nhỏ mắt nâu. Đôi mắt tóe lửa mỗi khi quắc lên, còn bình thường nó long lanh đầy chất đam mê. Chỉ mình Du ngồi bình thản, tóc ngắn, mắt trong và ngây thơ. Thu còn một năm nữa tốt nghiệp, Ly và Du đã đi dạy.
- Cuối năm mi được xếp loại chi?
- Loại B, Du ngơ ngác một giây rồi mới trả lời. Cô không muốn nhắc đến chuyện đi dạy, gã tổ trưởng đã ép cô như thế nào.
Thu mỉm cười đề nghị.
 - Mình đến quán "Đáy xã hội" đi. Chiều nay buồn như chấu cắn, không hẹn mà cả ba gặp nhau tại quán nhà Thu. Những tình thân như gió thoảng ngoài. Nhưng nếu không có nó, cuộc đời lại càng buồn sau những giờ dạy quá mệt ở trường.
Tuy gọi là "Đáy xã hội" quán khá lịch sự.
Nắng quái đã tắt dần trên sông, những thuyền bè tấp nập gọi nhau về. Làn khói lam trên những chiếc thuyền con bốc lên lan toả trên mặt sông. Những đứa trẻ trần truồng đen thui nô đùa trên sóng nước cho đến khi mẹ chúng gọi về. Đèn trên sông lấp ló như đom đóm, trời tối mau, gió thổi lên mát rượi.
- Nói chuyện chi cho vui, Ly gợi ý.
- Thu thích vẻ đẹp của chiều tà, những gì không có thật vẫn đẹp hơn.
Du hiểu tâm trạng của bạn: con người đang ở trong trại học tập ấy sẽ không bao giờ về cưới Thu cả. Họ khác nhau quá. Thu đẹp, tinh tế dịu dàng. Mặt khác, Thu cũng cứng cỏi và tự tin. Nghịch cảnh sẽ làm cho cô cứng rắn hơn.
- Ta chỉ thích cái gì thật. Dung nói.   
- Chị không thấy trăng rơi trên nước đẹp hơn nhiều sao?
Trăng thượng tuần từ từ lên. Trăng rơi vãi trên mặt sông thứ ánh sáng xanh xao. Những đốm lửa thuyền chài thể hiện trên sông một vẻ đẹp hư ảo cùng ánh trăng lung linh vỗ mạn thuyền.
- Thôi về! Cảm thấy hơi nhức đầu, Du hạ quyết định.
- Chi gấp thế! Ly phản đối.
- Về kẻo mẹ trông.
- Đồ con nít, đi mô cũng sợ mẹ đi tìm.
Nghĩ đến hai con người già cả đang ngồi bó gối bên sập gụ đợi mình về, khi bóng chiều nhập nhoạng bên ngoài căn nhà rộng mênh mông, Du không đáp lại lời chế nhạo của Ly.
Thu thở dài nhẹ:
- Mình cũng về thôi.
Bữa ăn tối, ba mẹ lại cãi nhau chuyện bán nhà. Ba vẫn không muốn bán, không muốn từ bỏ Huế. Xưa nay con người ba hiền từ ít nói, nặng tình bà con ruột thịt. Thể chất ba yếu, dù vậy ba không hề than vãn. Sài Gòn ồn ào bụi bặm không hợp với ba. Mẹ thì lanh lẹ, thực tế cuộc sống khiến con người phải vậy.
- Bán đi Sài Gòn biết khi nào về?
- Lại nói nữa rồi. Ở đây lấy chi mà sống?
Không muốn nghe chuyện bán nhà, Du đem ghế ra sân ngồi chơi. Đêm xuống dịu dàng quá chừng.
Những chùm hoa tím vỡ nhắc Du nhớ tới mùa thu đã về. Hoa lá rụng đầy mái hiên. Mùa thu đã về và cây đời rất xanh lá. Tôi biết mình đang chờ đợi nhưng chờ đợi gì đây. Âm nhạc và thi ca gần như mất hẳn chỗ đứng trong tôi. Lúc này tôi hay buồn vẩn vơ, hai mươi lăm tuổi, thanh xuân qua mau quá. Cái nhà thân yêu này sẽ bán, ai sẽ là chủ nó? Dì cũng đòi mua, dì lên khóc lóc... Mụ đi tui ở với ai... Dì không có con, chồng chết, làm chủ một ngôi nhà thờ do ông bà ngoại để lại. Mẹ xiêu lòng, chắc bán cho dì, mẹ nói rẻ vài cây nhưng sau có chỗ trở về. Mẹ đi rồi, mình đi ai sẽ chăm bón những bụi hồng sen? Đau nhất là cái chết của bạn. Có một người để chuyện trò, có phải dễ đâu. Một người bạn đúng nghĩa, tìm đâu ra bây giờ. Y Nhu chết rồi. Mùa thu đã về và cây đời rất xanh lá như một điệp khúc không bao giờ nhàm.
Một người thanh niên đứng tuổi, điển trai ăn mặc lịch sự đang mở cổng đi vào trong sân. Anh ta không nhìn thấy Du ngồi dưới vòm hoa ăng-ti-gôn. Những cánh hoa rủ trên trán Du, lả tả rụng xuống những bậc thềm. Anh ta ngắm những cây hoa móng tay trồng quanh bồn hoa, ngắm cây tường vi thơm ngát. Cho đến khi mẹ từ trong nhà bước ra. Mẹ thích làm vườn, khi rảnh lại ra vườn. Đôi mắt người khách hơi sáng lên lúc bắt gặp cái nhìn ngạc nhiên của mẹ.
- Ông hỏi ai?
- Xin lỗi, cháu có hơi đường đột. Cháu vào... thấy vườn Huế đẹp quá.
- Có chi mà đẹp, ông! Mời ông vào.
Du ở dưới vòm hoa bước ra, cả hai chào nhau và cùng có một cảm giác là họ từng gặp nhau ở đâu đó rồi. Bà Phương tiếp khách trên sập, câu chuyện trước lạ sau quen. Người khách ở trong Nam ra chơi, anh ta là một hoạ sĩ. Giọng Nam ấm, ngọt lành. Giọng Trung đôn hậu. Anh ta hiện ở trọ nhà ông bà trước mặt, là người có họ hàng xa. Sau vài tuần trà anh ta nói:
-  Nếu bà không phản đối, bà cho cháu mượn... cô giáo vài bữa.
- Ông nói sao?
- Dạ, cháu muốn nhờ cô ấy làm mẫu. Chỉ vẽ tranh phong cảnh thôi.
- Tôi hiểu rồi, bà Phương đắn đo một chút, rồi đáp - Tuỳ con gái tôi.
Du ngỡ ngàng trước lời đề nghị, vẻ như anh ta tin chắc rằng cô sẽ không từ chối. Mà quả thật, cô đang cảm thấy lòng trống trải, viễn tượng ngôi nhà sắp về tay chủ khác khiến cô chạnh lòng.
Nâu bỏ cây đàn xuống, háy bạn:
- Đàn chi như gảy tai trâu vậy?
Du lấy khăn lau hai bàn tay.
- Thôi nghỉ đi ăn chè, cái bài quỷ Sérénate này làm hại ta.
- Còn đi mô nữa không?
- Tau định ghé nhà ông trưởng ban tuyển sinh. Xin chuyển trường, mẹ tau vô Nam, tau phải lên ở gần bà.
- Người ta nộp đơn đầu hè, chạy chọt, mi chừ mới xin. Có bà con chi không?
- Ông chú họ là chồng của bà cô, bà ấy với ba tau là anh em cậu cô.
- Gì? xa ngút ngàn!
Buổi sáng im vắng, trời cao xanh ngắt. Mây thu trắng bay bàng bạc, không gian dường có khói, sương bay về như bụi. Ở đâu cũng thấy sông, thấy núi, thấy trời mà không có Y. Y đã khuất rồi, xa rồi. Hình ảnh bạn quá lớn ngăn chia đường về khung cửa hẹp. Nâu và Du đạp xe thong thả qua cầu. Mùa thu làm nhớ thơ Kiều": Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san". Con đường với hai hàng cây rủ bóng xanh tươi, nửa úa tàn vì những chiếc lá rụng. Trong công viên trước mặt Đồng Khánh, những cánh hoa vàng như hoa mimosa rụng tứ phía.   
- Trời đẹp hí.                                                                                         
- Ừ. Du ậm ừ cho qua. Họ đến nhà ông chú vào giờ cao điểm. Ông còn đương tại chức, nhiều khách vô ra cầu cạnh, xe ngựa tấp nập. Sau nửa giờ chờ đợi, Du mới được chủ nhân tiếp, không được niềm nở lắm.
- Về việc xin chuyển trường về gần nhà của cháu, cháu cầm giấy này đến gặp ông T ở Ty, cháu đi chớ chú không đi.
- Dạ. Du đã đến đây hàng chục lần, lần nào cô cũng đợi chờ khá lâu.
- Cám ơn chú, Du bỏ miếng giấy vào xách tay, chào ông ta rồi bước ra.
- Mi xin xỏ chi mà tau thấy không tích cực chi cả.
- Mệt quá mi à, cứ chầu chực hoài.
- Ủa, ở đời muốn thành công thì phải cầu cạnh.
Khi trở về Du ngạc nhiên (và không dấu một chút vui mừng) thấy người khách hôm qua đang đứng trong sân.
- Tôi muốn vẽ ngôi nhà này, đã xin phép bác rồi.
Du quên hết những ngượng ngùng ban đầu :
- Dạ. Lúc trở ra, cô thấy anh ta dựng giá vẽ trong sân và sửa sọan vẽ.
Những nét chấm phá đi mau. Ngôi nhà mái đỏ, bốn cái cột đỡ mái hiên, sân rộng với cây khế, bên phải là giàn hoa ăng ti gôn có mái vòm. Vườn hoa hồng, hồ sen, hoa tường vi. Những mảng màu đậm nhạt kế tiếp nhau trong một bố cục khá chặt chẽ. Du ngồi dưới mái vòm nhìn anh ta làm việc, tự hỏi anh ta sao lại có thể rảnh rang làm công việc ấy, lúc này. Điều gì thôi thúc anh ta ra Huế. Hai tiếng đồng hồ trôi qua, anh ta bước vào nhà. Du mời anh ta li nước, cô mỉm cười:
- Chắc anh vẽ tranh để triển lãm?
- Nếu tôi làm như vậy thì chưa phải lúc này. Cô biết cả nước đang làm cuộc cách mạng công thương nghiệp mà. Tôi yêu cầu cô... à Du, không biết Du có vui lòng làm mẫu cho tôi vẽ không? Tôi có xin bác rồi, chỉ vài ngày thôi, không dám phiền lâu.
Anh ta ngừng lại, châm một điếu thuốc - Bức tranh này tôi vẽ tặng bác và cô. Tôi không chọn người mẫu theo tiêu chuẩn thường, người mẫu cũng nên có tâm hồn mới gợi hứng cho hoạ sĩ.
Anh ta nhìn Du qua làn khói thuốc. Trên khuôn mặt ấy là đôi mắt. Đôi mắt là một cái gì trong trẻo và tinh khiết kì lạ.
- Hội họa là diễn tả lại trên khung vẽ cái hồn của vạn vật. Chính ở Huế mà tôi tìm thấy điều đó. Ở ngôi nhà này. Nhà vườn.
Nghe tiếng mẹ gọi trong nhà Du vội vã trở vào, anh ta cũng cáo từ. Hôm sau anh gõ cửa nhà Du khi đoán chừng cả nhà đã ăn sáng. Ông Nhân cảm thấy ở nơi người thanh niên này một vẻ tin cậy. Du và anh ta đi bộ vào Đại Nội, con đường Đoàn Thị Điểm mang vẻ đẹp cổ tích với những cây muối lâu năm rủ bóng. Dưới chân thành nội, người ta biến bãi cỏ thả diều thành chỗ sản xuất rau màu. Hoạ sĩ nhận xét:
- Làm như thế này có lợi chút đỉnh nhưng hại vẻ đẹp xưa của Hoàng thành.
- Làm như ông thì thoả mãn được niềm đam mê chăng?
- Bây giờ cô lại phê bình tôi.
Cả hai cười vang. Buổi sáng trôi đi. Cứ như mọi ồn ã xôn xao ngoài xóm phường, những căng thẳng ở trường, những buổi họp, những cuộc cãi nhau của cha mẹ về việc bán nhà... tất cả mọi thứ tuế toái ấy trôi tuột ngoài cánh cửa ngàn năm. Chỉ còn lại cây cao bóng cả, thành quách rêu phong, những pho tượng đá im lặng. Cả hai dừng lại bên hồ. Sen đã tàn. Hoa sứ rụng đầy. Những cây hoa sứ hàng chục năm vẫn không hề già cỗi đi, cho dù chúng vươn những nhánh gầy trơ xương mùa đông. Dù rụng lá trơ cành, chúng vẫn đẹp vẻ đẹp cổ, với những bông hoa rụng đầy quanh gộc và luôn nở hoa. Anh ta bảo Du ngồi xuống bên hồ rồi bắt đầu dựng giá vẽ.
- Cô có thích hoa sứ không? Cứ ngồi yên như thế nhé, tôi bắt đầu đây. Cái tay cứ để yên trên tà áo thế... Một giờ trôi qua.
- Tôi bắt đầu vẽ mắt cô đây, cứ nhìn như thế. Được rồi.
Du đỏ mặt, chẳng hiểu anh ta nghĩ những gì. Cuối cùng, Du thở phào khi anh ta cho biết bức hoạ đã xong. Bức tranh vẽ thiếu nữ mặc áo thụng xanh đội khăn vành vàng ngồi bên hồ, trông rất sinh động, giống cô hơn cả cô. Như hoạ sĩ vẽ từ trong ra ngoài, vẽ cái tiềm ẩn, thể hiện từ đôi mắt cô. Những gì được dấu trong trái tim, bây giờ lồ lộ ra trên khung vải.
- Giống quá! Du kêu lên, anh vẽ tôi hơn cả tôi.
Hoạ sĩ mỉm cười. Khó nói rằng cô không đẹp, và lại càng khó hơn nữa khi nói rằng cô đẹp như người mẫu. Cái điều lôi cuốn người khác nơi cô là đôi mắt.
- Có lần tôi thuê một người mẫu, thời đó giá đắt lắm, ai cũng lo chạy ăn cả. Cả tuần tôi không vẽ được bức tranh nào, và tôi đành cho cô ta nghỉ. Cô ta đẹp thật, nhưng không có hồn.
- Anh hiện dạy vẽ sao?
- Nói như thế cũng được. Tên tôi là Tiến. Với tôi vẽ là thở hơi thở của cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng thôi, mình đi uống nước nhé? Trưa nay tôi mời cô.                                                      
Tiến đợi sơn khô mới cuốn bức tranh lại.
- Nghe nói bác định bán nhà?
- Nhà ấy coi như đã bán rồi. Du không muốn nhắc đến chuyện này chút nào.
Họ ăn trưa trong quán gần Đại Nội, cô ăn ngon lành, cô không nghĩ gì đến việc mình đang tự nguyện làm. Hạnh phúc hay đau khổ, kẻ này hay kẻ kia, chỉ là một chuổi mắt xích dài trong đường tròn khép kín và con người không ai thoát khỏi nó. Vậy thì suy nghĩ làm gì.
Hôm sau Tiến đón Du đi Từ Hiếu. Anh mượn được chiếc Honda của người quen. Bà Phương cẩn thận bới theo cho họ một giỏ thức ăn và trái cây, thật ra là cơm nắm, thịt bò kho sả, hai chai nước lọc, nải chuối. Vậy là sang lắm.
Lần này Du mang áo dài màu thiên thanh. Anh ta vẽ bức này mất gần hai tiếng, cô ngồi dưới gốc thông, giữa rừng thông rì rào, chưa khi nào thấy lòng mình thanh bình đến thế. Lần này anh ta vẽ còn công phu hơn lần trước. Anh ta đã mang vào tranh, không phải cái nắng gió hanh hao mùa hè của Huế, cũng không phải cái úa tàn mùa thu. Mà là sự yên tĩnh. Anh đã diễn tả trên khung vải sự bình yên tĩnh tại giữa tiếng thông reo rì rào. Để có thể nghe được tiếng chuông chùa. Tiếng chuông chùa ngân vang trên ngọn đồi cô tịch.
- Thật hay là anh đã đạt được điều mình muốn.
- Thật hay là cô đã khen tôi. Anh đáp.
Mùa thu đã tàn. Mùa thu tàn trên những chiếc lá vàng khô bay qua cửa sổ phòng học, nơi những đám mây màu chì mỗi ngày bay qua thật thấp. Bao giờ cũng vậy, nghe xào xạc rất rõ tiếng lá khô chạy dạt bên ngoài, tiếng đập cánh của đàn chim bay qua khi chiều xuống. Nghe tiếng sen tàn mùa hạ thở dài trên mặt hồ đầy rêu bám. Những đoá hồng đỏ thắm dường như càng vắng bóng. Chỉ còn lá. Lá huệ trắng tinh khiết, lá viollet chia ly, lá hồng xanh thắm màu hi vọng, lá sen không lời, lá hoa tim vỡ vàng úa nhớ nhung. Mười đứa con ở hai nơi, chỉ còn hai vợ chồng người chủ nhà chiều chiều ngồi lặng thinh bên chén trà ướp sen mà hương vị ngày càng kém đậm đà. Ngồi mãi cũng nhàm, bà Nhân là người đầu tiên đứng dậy:
- Tôi sang bà Ấm đây.
Những tàu lá chuối bị gió đánh xơ xác cúi mặt, những chiếc lá mãng cầu và hoa khế rụng đầy sân. Không phải người đàn bà quét sân mỗi ngày, bưng nước tưới vào bể sen bách diệp mỗi ngày cảm tưởng mình bị rứt ra, tâm hồn đang tan ra - mà người đàn ông hiền từ ít nói kia mới cảm thấy điều đó.
Huế là quê hương là máu thịt của ông. Người phụ nữ mà ông kết hôn mấy chục năm vốn yêu cái đẹp thuần tuý, song luôn bị dằng co giữa lý trí và tình cảm. Còn ông, ông thở hơi của Huế, Huế là ông và ông là Huế. Muôn năm núi đứng yên lặng, chỉ có con sông con suối mới róc rách chảy về bể đông. Người Huế là núi, là sông, là mùa hạ mùa thu, là cái lạnh từ trong xương lạnh ra, là tất cả những thứ đó cộng lại. Là đàn bà có thể cười khóc dễ dàng. Là đàn ông, ông biết mình không chống lại được số phận đã an bài. Mấy mươi năm làm việc, bây giờ về già, lương hưu không có, nhà bán, cho dù ở với con trai, cho dù có cơm ăn ngày ba bữa. Liệu nơi chốn mới có là những chuỗi ngày vui? Nhìn theo dáng bà đi ra cổng, ông cũng vẩn vơ đi ra. Đứng dưới vòm hoa ăng ti gôn nở đầy hoa đỏ và rụng đầy lá vàng, ông ngẩn ngơ nhớ những đứa con. Dũng học ở trại Tây Ninh, ăn toàn cơm trắng chuyên sáng tác nhạc tự biên tự diễn nên khỏi đi lao động trồng sắn. Nhuận ở Sông bé cực hơn, cả hai không có nợ máu, học tập tốt sẽ được về. Ông buồn vì nhớ con thì ít, cái buồn là phải ra đi, bỏ Huế mà đi!
Cuối tháng tám năm 1978 hoạ sĩ sang tìm bà Phương.
- Thưa bà, cháu sang chào bà, ngày mai cháu về Sài Gòn.
Mường tượng một cái giật mình.
- Ngày mai tôi cũng đi Sài gòn.
- Dạ, như vậy là,..
- Nhà ni bán rồi, bán cho chị tui. Bà biết hoạ sĩ không chỉ qua tìm bà. Bà gọi vào trong: Thuý ơi!
Một tiếng dạ ấm áp, Thuý Du bước ra, gật đầu chào Tiến. Họ vẫn thỉnh thoảng gặp nhau, cảm thấy sự hiện hữu của người này đối với kẻ kia cách một con đường. Cả hai cùng cố đè nén tình cảm, không hiểu tại sao.
- Anh đây sang chào để về Sài Gòn.
- Ngày nào anh vào? giọng cô nhẹ như hơi thở.
- Ngày mai.
- Ngày mai con Du cũng lên đường đi học khoá bồi dưỡng giáo viên. Ông Nhân từ nhà trong bước ra, nom ông già hẳn.
Tiến cẩn thận đặt bức hoạ lên bàn, mở gói giấy ra. Đó là bức vẽ ngôi nhà họ. Lâu lắm, ông Nhân mới cảm nhận được niềm vui. Trưa hôm đó bà mời anh ở lại ăn cơm. Đó là bữa cơm ngon nhất từ ngày anh ra Huế. Anh đã đạt được cái mình muốn, cô sẽ là người theo anh suốt cuộc hành trình vì anh không cho cô bức tranh ấy. Anh không muốn cho một cách dễ dàng.
- Thưa hai bác, cháu không dám đưa cô Du tiền thù lao. Xin hai bác nhận cho bức hoạ cháu vẽ nhà bác, sau này vô Sài Gòn cháu sẽ gặp lại bác. Cám ơn Du đã cho tôi vẽ những bức hay nhất từ trước đến nay.
Hôm sau ông bà Nhân và Tiến cùng lên tàu Thống nhất vào Nam. Du cũng lên tàu ra Bắc. Họ chia tay nhau bịn rịn.
Hai mươi hai năm sau. Đất nước qua bao nhiêu lần chuyển biến đang đổi thay đến chóng mặt. Huế là thành phố còn giữ lại cái riêng của mình. Ít nhất nó cũng không bị ô nhiễm và là nơi duy nhất còn giữ cảnh quan của thành phố nhà vườn. Ỏ đây chưa có cảnh nhà máy, phân xưởng liên tiếp mọc lên một cách kì diệu. Chất nguyên sinh của rừng, sự trong trẻo của con sông dù có phôi pha vẫn không bị tiêu diệt. Sau cơn lũ khủng khiếp năm 1999 Huế hồi sinh rất mau. Những phù sa sau cơn lũ làm cây cối tốt tươi. Làm chợ, xây đường, trồng cây... cuộc sống không dừng lại.
Năm ấy có cuộc triển lãm tranh của những Việt kiều và các hoạ sĩ trong nước. Bức tranh treo ở cửa ra vào đươc bán với giá sáu ngàn đô là bức Hồn Huế. Bức vẽ thiếu nữ ngồi bên hồ, dưới cây sứ hoa rụng đầy. Nền tranh là bức tường thành và lối vào bên trong cửa Ngọ môn. Bức thứ hai, Tiếng chuông chùa, vẽ thiếu nữ ngồi dưới gốc cây thông, giữa rừng thông bạt ngàn, là bức đắt nhất, trị giá mười ngàn đô la. Cả hai bức được nhiều người đến xem, ai cũng thích, kể khen rẻ người chê mắc. Một thiếu phụ đến lúc nửa chiều, chen qua đám đông đến gần bức hoạ. Nàng nhìn như thôi miên bức hoạ chân dung mình, tưởng tượng thấy lại cảnh chiều hôm đó: trời cao vời vợi, vài đám mây trắng trên đầu. Mùa thu, hoa sứ rụng nhiều, con đường lát đá đi vào điện Cần Chánh. Anh ta đang cắm cúi vẽ, cả hai không dám nói thật những gì mình đang nghĩ. Nơi anh ta, nàng nhìn thấy những chuyến đi. Những băn khoăn trăn trở thế nào. Lịch sử xoay vần, người nào cũng phải đáp tàu. Những chuyến đi không ngưng nghỉ. Nguời ra Bắc, kẻ vô Nam, vào Long Khánh, lên Pleiku, người làng lên kinh tế mới.
Cuộc sống như cơn lốc kéo người ta vào, chưa ai trụ lại được. Và bây giờ thời điểm ấy qua rồi. Bây giờ là thời đại kiếm tiền làm giàu bằng mọi cách.
- Cô muốn mua bức này chăng? Họa sĩ len đến sau lưng. Ông nhìn ra nàng ngay khi nàng bước chân vào phòng tranh. Nàng quay nhanh lại. Họ gặp nhau tưởng chừng thiên thu hội ngộ.
- Là ông... ông... Du không nói được.
- Tôi không theo hẳn nghề này. Tiến mời cô ra ngoài. Tôi là giám đốc một công ty. Truyền thống gia đình tôi như thế. Khi những xí nghiệp quốc doanh, những hợp tác xã lần lượt vỡ nợ, xí nghiệp của cha tôi bị giải tỏa. Tôi và cha luôn xung khắc. Buồn sự đời tôi đi chơi. Khi đến Huế tôi mới chợt hiểu, rằng trong những biến cố lớn lao nhất của lịch sử, cho dù có một cái tâm, người ta vẫn bị cuốn theo, không dừng lại được. Và mỗi người chỉ dừng được chính mình bằng nghệ thuật, hôi họa là bộ môn tôi thích từ khi còn nhỏ. Khi nhìn thấy cô lần đầu tiên, hôm ấy cô ngồi bên hồ, tay nghịch những lá sen, tôi nảy ra ý định vẽ cô. Có một lần tôi nói chuyện với cô về tiếng chuông chùa. Người ta không thể vẽ được tiếng chuông, nhưng người ta có thể nghe thấy được qua một bức họa.
- Tại sao ông lại nghĩ về tiếng chuông?
- Tiếng chuông là một phần hồn của Huế. Giữa những cái ấy tôi nghe thấy tiếng gọi của cô.
- Anh nghe tôi gọi? Du ngạc nhiên nhìn. Sau từng ấy năm anh có già đi, song không có gì thay đổi nơi anh cả.
- Gọi rằng: thu ơi đừng rụng lá, cho cây đời mãi mãi xanh tươi.
Bưng ly nước cam lên rồi đặt vội xuống bàn, Du cười như nắc nẻ. Lâu lắm cô mới có một trận cười. Cô đọc báo, ngạc nhiên vô cùng khi thấy có bài khen ngợi những họa sĩ, trong đó có bài ngợi khen bức Tiếng chuông chùa và bức Hồn Huế. Trước đây cô đã nghĩ, họ như bèo nước gặp nhau, giòng đời chia hai ngả. Bây giờ cô mới biết mình sai.
- Trong những năm qua, cô làm gì?
- Tôi dạy học. Còn anh, là giám đốc?
- Tôi ở Úc. Tại sao ngày ấy, Dung không viết cho tôi?
- Tại... nhìn thấy nơi anh, những chuyến đi dài, những trăn trở, những giấc mộng...
- Tôi ghi địa chỉ sau bức tranh, còn bức tranh kia?
- Mẹ tôi gởi lại cho dì. Dì mang để sau bàn thờ. Ba tôi mất năm 90, mẹ không về Huế, mà có về cũng vội đi. Bức tranh bị lụt làm hư hại. Tôi rất tiếc vì bây giờ nhà ấy đổi chủ.
Tiến đặt cái li không xuống bàn:
- Phải, ngày ấy tôi chỉ nghĩ chuyện ra đi. Tôi không muốn sống trong vòng kiềm toả của cha tôi. Tôi mang theo bức Tiếng chuông chùa với hi vọng cô nhớ tôi.
- Thì ra tôi đã lầm. Cô không nhớ chi tôi cả. Cô biết tại sao tôi đề giá mười ngàn đô không? Tôi muốn dành cho cô, chỉ một mình cô thôi. Chẳng ngờ cô không hề viết cho tôi. Thật là...
- Ông cũng không...
Cảm động, Du ngưng bặt. Anh quá thông minh và khôn ngoan. Ngưòi ta không thể vẽ được tiếng chuông. Nhưng nào có khác gì? Cô nhìn lên bức tranh treo đằng kia. Nghe đâu đây hồi chuông boong boong ngân dài trong không gian thinh lặng, nó không phá vỡ sự im lặng muôn đời của ngàn thông, mà trái lại còn kéo dài đến vô biên.
Huế ngày 15/9/1985 - 16/7/2001
Theo http://amvc.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...