Thời gian là chứng nhân xác tín bao hình ảnh đi qua trong đời
người. Ngoài hình ảnh những đấng sinh thành như trời cao biển rộng thì tình bạn,
tình yêu là những gì quý nhất trong cuộc đời. Quá khứ không bao giờ mất, quá khứ
vẫn hiện hữu khi mỗi sáng mai ta ngồi bên cốc trà và nhớ về những người bạn
chân tình đã cùng ta buồn vui trong cõi, bây giờ không còn nữa, hoặc những chiều
lưu linh, cảm xúc đưa ta nhớ về những mối tình dang dở. Những hình ảnh ấy
đằm thắm làm sao giữa lòng người. Và nếu cuộc đời quả thật có ý nghĩa để sống
thì không thể thiếu hai nghĩa tình lớn lao ấy.
Đà Lạt, tháng 8/1974 mà Phạm Tấn Hầu
là người đưa đường dẫn lối cho tôi thoát khỏi quê hương lưu đày là cố đô Huế, để
vào Nha Trang rồi lên Đà Lạt. Đà Lạt ngày ấy đối với tôi [chứ không phải Đà Lạt
bây giờ] vẫn là cảm xúc của một cõi nào khác không phải trần gian, cõi mà nhạc
sĩ Hoàng Nguyên đã thể hiện trong “Đường Nào Lên Thiên Thai“:
Đường
nào lên Thiên Thai...
nơi hoa xuân
không hề tàn
nơi tình xuân không
úa màu bao giờ...
Chuyến xe khởi hành ở
Nha Trang buổi sớm, đến gần trưa thì lên tới đèo Xông Pha, đường đèo ngoằn
ngoèo với rừng thông cao vút và sương bàng bạc như màu áo lụa dẫn đưa khách trần
thế vào cõi bình yên, cõi tự nhiên như nhiên của xứ sở hoa đào.
Phạm Tấn Hầu đưa tôi dạo vòng
quanh hồ Xuân Hương, khi đến gần Đồi Cù, cạnh bờ hồ có một quán nước sơn màu
xanh, chủ quán là một thiếu phụ bước ra mời khách với nụ cười hoa nhìn Hầu hỏi:
Anh uống gì ạ?
Cho chai bia Larue
Thiếu phụ nhìn tôi kính cẩn hỏi:
Thưa thầy uống gì ạ? Nước cam?
- Không! Cho thầy chai bia.
Tôi chẳng bao giờ quên đôi mắt
của người thiếu phụ nhìn tôi ngạc nhiên đến thế!
Hồ Xuân Hương hiện hữu giữa
thành phố Đà Lạt chẳng khác nào nốt ruồi duyên trên khuôn mặt hoa đào vốn dĩ trời
đã ban cho nhan sắc. Chiều thu... bên cạnh ly bia lâng lâng với người bạn đã
cùng nhau vượt khỏi khổ nạn chiến chinh, Đà Lạt ngày ấy thanh bình đến lạ kỳ,
hình như trước cái đẹp của thiên nhiên, của tình người thì khói lửa chiến tranh
cũng ngại ngần bước tới.
Rừng thông vi vút
nghe chừng lá dậy muôn phương
Đà Lạt những chiều mây vương
có mùa thu vàng dâng hương
nhịp chân ai đấy hay là gió thoảng xa xôi
hay là dư âm thu rồi...
[Hoài Thu - Văn Trí]
Đất hoa đối với thi sĩ Phạm Trần Nguyên
[Hầu] với những bài thơ xuất hiện rất sớm trên “Nguyệt San Văn“ vào thập niên
60 thế kỷ trước, chẳng khác nào người tình đã ước hẹn lâu rồi, mọi con đường, mọi
quán cà phê, người đẹp Hầu đều biết cả. Rời quán nước Hầu đưa tôi lên xe đi về
đường Chi Lăng, trước đó Hầu có nói: “Mình sẽ giới thiệu Lê Văn Ngăn với bạn,
để sau nầy có gì thì...”
Ngôi nhà bằng gỗ to rộng mà
Lê Văn Ngăn thuê một phòng nhỏ nằm cuối đường Chi Lăng, phía sau là ao rau muống
xanh mướt. Tình bạn, tình văn nghệ thời ấy quý mến nhau lạ lùng. Cả Ngăn và Hầu
đều mừng rỡ bắt lấy tay nhau, và đó cũng là lần đầu tôi gặp nhà thơ Lê Văn Ngăn
mà những bài thơ xuất hiện trên tạp chí Trình Bày, Bách Khoa, Đối Diện... đã
làm rung động lòng người với hồn thơ hiện thực và khát vọng.
Phút gặp gỡ ấy chỉ là một khoảnh
khắc vì Hầu phải đưa tôi lên đồi cao, nơi bên kia rừng thông là hồ Than Thở,
nơi đi theo những con đường của nhạc sĩ Hoàng Nguyên là đường vào trường Võ Bị
Quốc Gia - Đà Lạt, ở đó có một biệt thự của ông Phạm Tấn Sơn [chú của Hầu] để
làm nơi ăn chốn ở.
Ông Phạm Tấn Sơn là một sĩ
quan trong ban nhạc do nghệ sĩ Tô Kiều Ngân phụ trách đã đón đứa cháu và tôi với
nụ cười niềm nở. Tôi và Hầu đã ngụ cư ở đấy.
Năm tháng ấy yên bình làm sao,
trước biệt thự có dàn su xanh tươi, sáng sáng Hầu và tôi ra hái quả, khi hết đồ
hộp thì Hầu xuống đồi thông, ghé phòng trọ Lê Văn Ngăn lấy cá hộp, thịt hộp... những bữa cơm giữa trời đất Đà Lạt ngon ơi! Là ngon. [cũng cần nói, thời ấy
tôi là tu sĩ phái Theravada nên gặp gì ăn nấy không phân biệt chay hay mặn].
Sau ngày Hầu về Sài Gòn không
trở lại nữa, những lúc mênh mông buồn, tôi đi ra hồ Than Thở một mình ngồi dưới
gốc thông và cỏ xanh để nhìn nước hồ lặng im như một nỗi lòng.
Hàn Mặc Tử, ngày thi hào
Quách Tấn đưa lên Đà Lạt ngồi bên hồ đã để lại bài thơ:
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
trời mơ trong cảnh thật huyền mơ
trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
như đón từ xa một ý thơ.
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
để nghe dưới đáy nước hồ reo
để nghe tơ liễu run trong gió
và để xem trời giải nghĩa yêu...
[Đà Lạt Trăng Mờ]
Một chiều, tôi xuống căn phòng
của Ngăn để xin ít nhiều dưỡng chất, khi tôi đưa tay gõ cửa, cánh cửa mở rất
mau, Ngăn xuất hiện. Tôi nói... và thấy trong phòng có màu áo trắng người nữ.
Những năm sau ngày tàn chinh chiến, có lần tôi hỏi:
Màu áo trắng trong phòng năm ấy là ai rứa?
Ngăn tươi cười đáp:
Là mẹ của cu Ngạn chứ ai.
Một hôm ông Phạm Tấn Sơn về nhà nói từng lời nhẹ nhàng với
tôi:
Thằng Hầu về Sài Gòn không lên nữa mô.
Tôi hiểu ý của ông Sơn, là tôi
không còn lý do gì để ở trong biệt thự của ông nữa. Nhưng đó không phải là
nguyên nhân, lý do chính là ông thấy trên gối nằm của tôi “Bản Tuyên
Ngôn Của Người Cộng Sản“ [The Communist Manifesto - Karx Marx] bằng tiếng
Anh mà người bạn sĩ quan VNCH đã cho tôi, trong ấy có dấu đóng US. Navy, và có
lẽ ông không thấy khuôn dấu của hải quân Mỹ nên ông nghi ngại mới mời tôi ra khỏi
nhà với những lời tế nhị ấy. Sau này Hầu nói với tôi, ông Sơn đã vội vã đốt Bản
Tuyên Ngôn bỏ vào toillet xả nước hai ba lần mới sạch. Những năm sau ngày tàn
khói lửa, tôi gặp ông Sơn ở nhà thờ họ Phạm tại An Hòa - Huế. Hầu nói:
T. là người đã ở trong biệt thự của chú ngày ấy.
Ông Sơn nghe vậy ôm choàng lấy tôi rưng rưng:
Ngày ấy tui có lỗi với thầy...
Từ giã ngôi biệt thự ở hồ Than Thở tôi đã để lại bài thơ:
Phương nam đây một trời lưu lạc
Y vàng ôm bát đã bao lâu?
Đời có bao nhiêu người hảo hớn
mà ta chống kiếm chờ đêm thâu.
Từ thủa mùa thu dâng bão tố
thuyền đời để mặc nước mây trôi
mưa nắng thôi đành thân phận ấy
cũng rằng như giọt nước ra khơi...
[Phương Nam Đây Một Trời Lưu Lạc]
Năm 1984 Phạm Tấn Hầu rủ tôi
vào Quy Nhơn thăm Lê Văn Ngăn, ngày ấy Sáu Trí quản lý cả một hãng xe chạy bằng
than nên Hầu và tôi chỉ cần một tiếng “gởi“ của Xếp là lên xe có chỗ ngồi.
Ngăn và chị Phước đã thành hôn năm 1974, hiện có một căn nhà ngon lành ở 138 -
Hai Bà Trưng - Quy Nhơn. Ngăn làm việc ở Hội VHNT/ Bình Định, còn chị Phước là
giáo viên, đời sống hằng ngày dùng đủ với đứa con đầu lòng là Lê Hồ Ngạn bây giờ.
Nhà của Ngăn rộng rãi, có nhiều nơi ăn chốn ngủ, nên bạn bè từ Huế vào hoặc
Sài Gòn ra đến thăm Lê Văn Ngăn đều thoải mái ở lại, tình bạn cùng nhau bên ly
rượu thì tâm sự trước sau không bao giờ cạn. Trong bài thơ “Nơi Tạm Trú
Và Quê Hương“ cảm xúc từ những ngày đầu lên Đà-Lạt Ngăn đã thể hiện:
Riêng tặng Phạm Tấn Hầu
Buổi chiều năm ấy, lúc tôi mới đến thành phố này
lẻ loi một mình giữa gió rét, những người xa lạ
những cánh đồng hoa, những con đường dốc
những ngày tạm trú rồi sẽ ra sao?
câu trả lời vẫn còn mịt mù trong sương khói...
Và hơi ấm tình bạn đã mở cho tôi cánh cửa
đi vào tâm hồn thành phố.
Đêm khuya nào chợt nhớ quê hương, lòng chợt hỏi lòng
vì sao nơi tạm trú nầy
đã trở thành quê hương yêu dấu?
Hầu và tôi đến nhà Ngăn chiều
hôm trước thì sáng hôm sau tôi hỏi đường lên Gành Ráng để thăm mộ Hàn Mặc Tử.
Ngăn chỉ đường rồi nói với tôi lấy xe đạp chở Hầu đi.
Năm 1964 thân phụ tôi vào Quy
Nhơn đã lên mộ Hàn Mặc Tử, ngôi mộ của Hàn với bức tượng Jêsus Christ khổ nạn sừng
sửng ở phía sau, thân phụ tôi kính cẩn để trên tủ sách cùng ”tập thơ
Hàn Mặc Tử“ chữ màu đỏ, in khổ lớn, bìa màu xanh rêu ẩn mờ chân dung Chúa
Jêsus, từng trang thơ đều có hoa văn ẩn hiện. Năm ấy tôi 15 tuổi đã yêu thích tập
thơ ấy và tôi đọc từ lời tựa:
Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ
Ai nói bến mộng là nói bến tình...
Cho đến “Thơ Đường“ “Gái
Quê“ “Đau Thương“ “Xuân Như Ý“. Và năm tháng qua đi đến
hồi những bài thơ trong tập ấy tôi thuộc gần hết.
Quy Nhơn ngày ấy mọi con đường đều
yên bình, lặng lẽ, biển xanh và núi xanh đẹp như một bài ca, núi sông ấy đã qui
tụ bao nhiêu tinh hoa của đất nước từ quá khứ. Gềnh Ráng là một ngọn đồi cao, Hầu
và tôi hăm hở dắt xe đạp lên đồi. Mộ Hàn Mặc Tử đây rồi... cỏ phủ dày cao
lên tới ngực, tượng Chúa Jêsus vẫn hiện hữu với hình hài bể dâu, tôi nhìn qua
phía tay trái thì thấy một tấm bảng to chữ màu đỏ: Doanh Trại
QĐND/VN. Mộ Hàn không khói không hương, lạnh lẽo. Hầu đứng ngoài trong lúc tôi
đi vào mộ để thắp hương, không ngờ ngôi mộ của thi hào có một vòng kẽm gai bao
quanh nằm lấp dưới cỏ lau.
Một mai kia ở bên khe nước ngọt
với sao sương anh nằm chết như trăng
không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
đến hôn anh đến rửa vết thương tâm.
Âu đó là định mệnh mà thi sĩ đã tiên
tri về phận mình.
Tôi vẫn còn nhớ những giai thoại
trong Nguyêt San Văn, số tưởng niệm Hàn Mặc Tử. Thủa mới làm thơ Nguyễn Trọng Trí
lấy bút hiệu là Lệ Thanh rồi Miêu Duệ Thị, tiếp đến là Phong Trần. Ban đầu Nguyễn Trọng Trí
chuyên làm thơ Đường, thơ hay đến nổi cụ Phan Bội Châu phải phán một câu:
“Từ ngày về nước đến nay đọc rất nhiều thơ nhưng chưa có ai làm thơ
hay như Phong Trần“.
Quách Tấn thời ấy ở Nha Trang,
nhân có người bạn bác sĩ ra Huế, Quách Tấn đã nhờ bạn đi tìm Phong Trần.
Nguyễn Trọng Trí đang học lớp
đệ ngũ ở trường Pellerin, một sáng học sinh đến Viện Bài Lao để khám lao phổi,
khi ấy người bạn của Quách Tấn đứng nói với bác sĩ khám lao:
- Ở Huế ông có biết nhà
thơ Phong Trần không?
Trong nhóm học sinh bỗng nhiên có một em tới vòng tay thưa:
- Dạ! Thưa em là
Phong Trần ạ!
Và đó là mối lương duyên tri
âm, tri kỷ của Quách Tấn và Hàn Mặc Tử gắn kết mãi mãi.
Cũng trong số tưởng niệm Hà Mặc Tử
có một giai thoại kể như thế này:
“Một hôm Quách Tấn nói
với Hàn Mặc Tử:
- Cậu từ số hồng nhan [Lệ Thanh...] cho đến kiếp “Phong Trần“ thì suốt đời cậu mãi khổ mà thôi! Hàn Mặc Tử
trầm ngâm. Lần gặp sau HMT nói:
- Mình đã lấy bút hiệu
khác rồi.
Và viết xuống ba chữ Hàn Mạc Tử
Quách Tấn nói:
- Hàn Mạc Tử là bức rèm lạnh.
Thuận tay nhà thơ thêm một dấu Á
trên chữ Mạc thành bút hiệu là Hàn Mặc Tử [chàng bút mực]. Tên tuổi ứng vào mệnh,
từ khi lấy bút hiệu Hàn Mặc Tử thì hồn thơ bàng bạc, bay cao lên mấy tầng không
và thiên tài Hàn Mặc Tử khắp ba miền đều tôn vinh, yêu mến. [những dòng viết về
Hàn Mặc Tử tôi viết theo trí nhớ qua thời gian gần 50 năm không tránh khỏi thiếu
sót].
Chiều Phạm Tấn Hầu và tôi về
nhà Ngăn, cơm đã nấu sẵn. Bữa cơm đậm đà tình bạn cùng vài chung rượu hưng phấn.
Lê Văn Ngăn từ sự chân thật đến
thơ ca, da dĩ trong thịt da đã toát ra hồn thơ từ lầm lụi thoát thai. Quê hương
Huế của tôi có hai người bạn, người anh mà hồn thơ hiện thực đến lạ kỳ. Người đầu
tiên là thi sĩ Trần Vàng Sao mà hiện thực thơ nghiệm cho cùng là cõi khác hiện
thực của Lê Văn Ngăn. Hai tài danh chẳng khác nào hai câu đối, từ ngôn ngữ cho
đến nỗi lòng đều khác.
Thơ Trần Vàng Sao tiếng lời là
gần cay muối mặn, còn Lê Văn Ngăn là cõi sống mênh mông cảm xúc với bao hình ảnh
của cuộc đời. Trong thơ của hai người tài danh của Huế ta không thấy chữ nghĩa,
vần điệu mà là sự sống.
Ngăn trong bài thơ “Ở Huế“
có những dòng:
Những ngày tôi còn ở Huế
lưu vực sông Hương thường vọng
về tiếng nước gọi tôi thức dậy sớm
dưới nền trời chưa tắt những
vì sao
các con đường nằm lặng im đợi
bước chân người...
Rồi sẽ đến ngày tôi không
còn ở Huế
rồi sông Hương sẽ vắng một
người lắng nghe tiếng nước gọi mình.
Hoặc trong bài “Gởi Một Người
Bạn Trẻ Tuổi“ Lê Văn Ngăn đã nói chuyện với con mình:
Cha con chúng ta dù
chênh nhau nhiều tuổi
vẫn là hai người bạn trong chuyện
học hành
đêm đêm, ở quê nhà rất cách xa mái
trường đại học của con
cha dường như thấy con đi dưới cơn
mưa tìm một quán cơm rẻ tiền ở cuối lối vào ký túc xá
cha còn nhìn thấy con bên ngọn đèn
khuya...
Ngay trong những thư từ gởi
cho bạn bè hồn thơ vẫn hiện hữu:
Quy Nhơn, 22.4.1998
Nhận được thư T qua anh Bình, mình như thể nhận được sự sống lại. Phải, trong một
ngày, cuộc sống làm cho người ta chết nhiều giờ, chắc T đã nếm trải rồi.
Cơm hến và gia đình T còn ghi trong mình thêm nhiều kỷ niệm khác, êm ả như mùi
hến đồng...
Xa xôi mong T có sức khỏe để làm ra xăng, máy nhắn tin, cơm áo, tiền thuê nhà
và vài ly dưới nền trời quạnh quẽ. 4g sáng cái phận kẻ đưa báo thì buồn một
mình...
Năm 2013 khi tôi dự định in tập
thơ “Hương Lài Thủa Ấy“, ngồi với Ngăn uống vài chai bia ở đường Sương Nguyệt Anh
- Q. 1 - Sài Gòn, tôi buột miệng:
- Mình sắp in thơ, Ngăn
viết cho mình lời bạt?
Mười ngày sau, Ngăn từ Huế gọi
ĐT vào bảo tôi lấy giấy bút và đọc từng câu, từng lời, lời bạt đẹp như một bài
thơ:
Gởi Vương Kiều ở Cự Lại
và tập thơ sắp in - Cuối đời, người đàn ông ấy thường
ngược dòng thời gian
trở về những năm hai mươi tuổi - trở về những năm hai
mươi tuổi - gặp lại người thiếu nữ - nhẹ nhàng
như hương hoa lài
gặp lại người bạn thân với tâm hồn
chưa lãnh đạm trước con người.
Và người đàn ông ấy thở dài
dưới nền trời đầy sao.
đã là người
không thể không đi về phía trước.
Huế, tháng 5/2013
Và đó là kỷ niệm đẹp của tôi với
nhà thơ Lê Văn Ngăn, để rồi thời gian sau cơn bệnh tìm đến, mãi mãi và mãi mãi
không bao giờ gặp nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét