Hồ Đắc Duy sinh ngày 11/3/1944 tại Huế, là con thứ của Thứ
Nguyên Hồ Đắc Thứ và bà Lê Thị Thanh, con quan ngũ đẳng thị vệ Lê Thế Thường.
Ông là cháu nội của Thượng Thư Hồ Đắc Trung, Tổng Tài Quốc Sử Quán, là người dạy
học cho vua Duy Tân, cũng là người làm chánh án xử vua Duy Tân trong cuộc nổi
dậy ở Kinh Thành Huế do Trần Cao Vân và Thái Phiên lãnh đạo. Điều thú vị là
chánh án Hồ Đắc Trung thay vì tuyên án vua Duy Tân theo bản án mà thực dân Pháp
áp đặt thì Ngài đã tha bổng nhà vua với lý do “Vua còn tuổi vị thành niên nên
không thể kết án”. Giặc Pháp tức giận tước bỏ mọi quyền hành và bắt giam Ngài
chánh án Hồ Đắc Trung.
Hồ Đắc Duy thiếu thời học
tiểu học ở trường An Cựu, trung học Nguyễn Tri Phương và Quốc Học Huế. Lớn lên
ông học Đại Học Dược Khoa Sài Gòn, rồi Y Khoa Huế. Năm 1972 ông tốt nghiệp thủ
khoa tại Huế, ông thành hôn với bà Công Tằng Tôn Nữ Á Nam, một hậu duệ của nhà
thơ Tuy Lý Vương, là em gái của nhà bác học Bửu Hội. Hồ Đắc Duy là một bác sĩ
tài năng, thể hiện trọn vẹn y đức trong suốt cuộc đời làm thầy thuốc của mình.
Ngoài tinh thần “lương y như từ
mẫu“, ông còn đam mê nghiên cứu địa lý, văn học, sử học kể từ khi trận Đại Hồng Thủy
xảy ra ở Huế năm 1999.
Hiện ông đang lâm trọng bệnh, hàng
tuần, hàng tháng phải vào ra bệnh viện. Đầu tháng 11/2017, nhà thơ Giang Hải
cùng tôi đến thăm ông ở số 392/8/91 - Cao Thắng [nối dài] F.12.Q.10 Sài Gòn.
Đôi mắt ông vẫn thông minh, tinh tường, giọng nói vẫn trong sáng với nụ cười
vui, khiêm tốn. Ông đã tặng tôi cuốn “Gia Phả Họ Hồ Đắc Ở An Truyền [làng Chuồn]
Xã Phú An, Huyện Phú Vang, TT Huế cùng bài viết “Mối tình của Xuân Hương” do
ông nghiên cứu với những phát hiện còn nhiều dấu hỏi.
VƯƠNG KIỀU
Xuân Hương là ai? Chỉ biết nàng là chủ
nhân của ngôi Cổ Nguyệt Đường bên hồ Tây, Thăng Long, nơi xướng họa văn thơ của
các mặc khách tao nhân đất Hà Thành một thời.
Lưu Hương Ký là một tác phẩm của
Xuân Hương có bài “Cảm Cựu Kiêm Trình Cần Chánh Học Sĩ Nguyễn Hầu - Hầu, Nghi
Xuân, Tiên Điền Nhân“:
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung
cậy ai tới đấy gởi cho cùng
mối tình chốc đã ba năm vẹn
giấc mộng rồi ra nửa khắc không
xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
phấn son càng tủi phận long đong
biết còn mảy chút sương đeo mấy
lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong
[Nhớ bạn cũ viết gởi Cần Chánh Học Sĩ
Nguyễn Hầu - Hầu, người Nghi Xuân - Tiên Điền]
Trần Thanh Mại nhận xét: ”Lưu Hương Ký
là tiếng kêu thất vọng của một tình yêu thành thật, thủy chung”
Trong văn học nước ta có hai nữ sĩ mang
tên Xuân Hương sống cùng thời với nhau.
1/ Hồ Xuân Hương với Tổng Cóc,
Ông Phủ Vĩnh Tường
2/ Xuân Hương tác giả
Lưu Hương Ký với Tốn Phong, Nguyễn Hầu.
Có người cho hai người là một, có người
cho hai người khác nhau, điều nầy đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn.
Tác giả tập Lưu Hương Ký tên là
Xuân Hương, tập thơ gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm. Xuân Hương có
nhiều bạn thơ và bạn tình như Tốn Phong, Mai Sơn Phủ, Thạch Đình, Cự Đình,
Thanh Liên, Chí Hiên, Nguyễn Hầu, Trần Hầu...
Ngược lại trong thơ truyền tụng của Hồ Xuân Hương
ta không thấy có bóng dáng Tốn Phong, Trần Hầu, Nguyễn Hầu, Mai Sơn Phủ... Và
trong Lưu Hương Ký cũng không thấy nói đến Tổng Cóc, Ông Phủ Vĩnh Tường hay
Chiêu Hổ, Văn Phong và ý tưởng của thơ Hồ Xuân Hương so với Lưu Hương Ký lại
khác nhau khiến người ta nghĩ đây là hai nhân vật khác nhau.
Về tiểu sử Hồ Xuân Hương theo các nhà
nghiên cứu như Nguyễn Hữu Tiến, Dương Quảng Hàm thì bà là con ông Hồ Phi Diễn
[1703-1786] ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông thi đậu tú tài
năm 24 tuổi, dạy học ở Hải Hưng, Hà Bắc. Mẹ của Hồ Xuân Hương họ Hà, quê ở Bắc Ninh.
Trong gia phả của họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi có chép, Hồ Xuân Hương ở đời thứ 12,
là con ông Hồ Phi Diễn, sinh năm 1772, mất năm 1822, bà có hai đời chồng, ông Tổng
Cóc và ông Phủ Vĩnh Tường. Bà có một bạn thơ rất đổi tri âm, tri kỷ là Chiêu Hổ,
nhưng Chiêu Hổ là ai thì không thấy ai đề cập tới.
Tiểu sử của Xuân Hương, tác giả
Lưu Hương Ký thì không ai biết, ngay trong Hương Sơn thi tập của Tùng Thiện Vương
khi vãng cảnh hồ Tây, Tùng Thiện Vương chỉ có viết như sau: “chớ có dẫm lên mộ
Xuân Hương nhé! Vì dưới suối vàng nàng còn đang ôm mối hận rút nhầm” nhân dịp
Tùng Thiện Vương hộ giá vua Thiệu Trị ra Bắc Hà tiếp sứ thần nhà Thanh năm
1842.
Trong nền văn học Việt Nam, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương
là một hiện tượng đặc biệt, không chỉ trong nội dung và nghệ thuật sáng tác mà
ngay cả trong các văn bản sáng tác của nữ sĩ họ Hồ vẫn còn là những vấn đề
đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu.
Việc dựng lại một tiểu sử về Hồ Xuân Hương
và làm rõ lai lịch Xuân Hương, tác giả của Lưu Hương ký để chứng minh hai nhân
vật đó là một hay hai người khác nhau là đề tài làm cho nhiều người say mê.
Bốn câu đầu của bài “Cảm Cựu Kiêm Trình
Cần Chánh Học Sĩ Nguyễn Hầu - Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền Nhân” của Xuân Hương gởi
cho Nguyễn Hầu nói lên nỗi nhớ nhung, da diết cho một mối tình thoáng chốc đã
ba năm mà chừ đây chỉ một... ”giấc mộng rồi ra nửa sắc không” mà người tình
thì đang “xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập””còn mình thui thủi phận long đong”.
Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền Nhân là ai?
Có người đoán đó là thi hào Nguyễn Du, quê ở Nghi Xuân, Tiên Điền, năm 1806 được
phong chức Đông Các Học Sĩ, đến năm 1815 được vua Gia Long đặc chuẩn thăng chức
Hữu Tham Tri bộ Lễ sau khi đi sứ nhà Thanh về, tờ chiếu viết: “Cần Chánh Điện
Học Sĩ Nguyễn Du học thuật rất ưu tú, công vụ rất chuyên cần, nay qua các quan
văn tấu cử, trẫm đặc cách chuẩn y cho được thăng chức Hữu Tham Tri bộ Lễ, tước
Du Đức Hầu và cho phép được tham dự mọi việc trong bộ...” Ngày 25/6/1815
[Nguyễn Quảng Tuân sách đã dẫn]. Nguyễn Du, tác giả truyện Kiều, một con người
tài hoa nhất mực, bài thơ nồng nàn tha thiết mà Xuân Hương gởi cho người tình
là Nguyễn Hầu lúc đó đang ở kinh đô Phú Xuân.
Nguyễn Du [Nguyễn Hầu!!!] đã viết hai
bài trong Nam Trung tạp ngâm bài “Mộng Đắc Thái Liên” [Mộng thấy hái sen] và Ngẫu
Hứng Ngũ Thư... Tập thơ chữ Hán nầy được người đương thời khen ngợi.
Mọi người ai cũng cho rằng Nguyễn Hầu
[Nguyễn Du?] vô tình, dửng dưng, không đoái hoài đến mối tình cháy bỏng thiết
tha, da diết của nàng Xuân Hương mà theo Tốn Phong, người tình một thủa của
nàng, kẻ đến sau đã luôn luôn ca tụng sắc đẹp và tài văn thơ của nàng.
Thông thường những tay cao thủ thượng thừa
trong nghề chơi thơ xướng họa với nhau, đa phần họ là những tay phù thủy của chữ
nghĩa, kết cấu và tìm ngữ nghĩa một câu thơ không phải là khó như những nhà thơ
thường thường bậc trung mà cái cao cường thâm hậu của họ là lồng ghép được ẩn
ý, trao truyền một thông điệp, muốn gởi gắm cho người đồng điệu cái gì.
Cách thức xướng họa hay là những bài thơ
được phổ biến rộng rãi, nhưng thực ra đó chỉ là một bài thơ dành riêng cho một
người hay là một thông điệp và chỉ người đó mới hiểu được.
Chơi thơ kiểu này giống như làm câu đối,
một công án hay một bài kệ, một lời tiên tri của thiền sư Vạn Hạnh khi nói về
Lý Công Uẩn thời thơ ấu và nếu không đồng điệu thì khó giải mã vì rất khó hiểu.
Nguyễn Du hay Nguyễn Hầu? [có thể] Hồ Xuân Hương
hay Xuân Hương tác giả của Lưu Hương Ký [có thể], Chiêu Hổ, vua Thiệu Trị... đều
là những tay cự phách trong làng thơ, họ là những tay phù thủy chữ nghĩa.
Có phải Nguyễn Du vô tình hay không/
Xin đọc bài giải mã này để thấy tình yêu của Nguyễn Du đối với Xuân Hương tha
thiết, lãng mạn, nồng nàn, nhớ nhung quay quắt đến chừng nào:
Nãi ước đông lân nữ
bất tri lai bất tri
hoa dĩ tặng sở úy
thực dĩ tặng sở liên
khiêm liên bất khả đoạn
minh niên bất phục sinh.
[Hẹn cùng cô hàng xóm
không biết lúc nào qua
hoa tặng người mình thích
đài tặng người phương xa
vấn vương không dứt được
sang năm không gặp nha?]
Và Nguyễn Du gởi thêm một bài nữa cho
người tình.
Ngẫu Hứng Ngũ Thư
Tam nguyệt xuân thi trưởng đạt miêu
thiên lý hương tâm dạ cộng trường
tha nhật xuân phong hà xứ lai?
cố hương can hạn cửu phương nông.
[tháng ba xuân đậu nẩy đều
quê hương muôn dặm dạ sầu theo
gió xuân mai mốt về đâu biết?
quê hương nắng hạn đã lâu ngày]
Chỉ một mình Xuân Hương mới hiểu và giải
mã hai bài thơ nầy và làm sao mà nàng không nức nở khi đọc bài “Ngẫu Hứng Ngũ
Thư”, “Mộng Đắc Thái Liên” của Nguyễn Du, vì thế gian chỉ có riêng nàng với
Nguyễn Du mới hiểu được cái ẩn ngữ nằm trong đó. Đây là chuyện phòng the thầm
kín, chuyện riêng của hai người, một tình yêu tha thiết, nồng nàn, cháy bỏng ở
tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”
Và nếu ta chỉ cần bỏ bớt hai chữ đầu câu
thì bài thơ hóa ra rằng:
Xuân thì trưởng đạt miêu
Hương tâm dạ cộng trường
Xuân phong hà xứ lai?
Hương can hạn cửu phương.
[Mai mốt biết về đâu Hương? Nắng hạn đã lâu
ngày]
Đấy không phải là một sự tình cờ mà là một
bài thơ có sự sắp đặt và chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận được mà thôi.
Nguyễn Du không phải là kẻ vô tình, dửng
dưng, không đoái hoài đến mối tình cháy bỏng, nồng nàn của nàng Xuân Hương, mà
là người tình tuyệt vời, thông minh, tài hoa.
Một câu tình tứ da diết muôn năm, một rạo
rực xác thân đến như thế làm sao người tình lãng mạn như nàng không thương nhớ,
không khóc được.
Tình yêu, nỗi nhớ nhung của Kiều đối với
Kim Trọng trên lầu Ngưng Bích trong truyện như thế nào thì tình yêu và nỗi nhớ
quay quắt của Nguyễn Du đối với Xuân Hương trong đời thật ắt mãnh liệt hơn
nghìn lần
Kiếp này thôi thế thì thôi
Kiếp sau xin được làm người chung thân.
Và chỉ có Nguyễn Hầu nào đó mới cảm nhận
được nỗi nhớ nhung vời vợi ngàn dặm quan san của Xuân Hương qua bài “Mộng Đắc
Thái Liên“ “Ngẫu hứng Ngũ Thư“ như Đậu Thao với bài thơ “Chức Cẩm Hồi Văn“
của vợ mình là Tô Huệ.
Nguyễn Du chết trong cơn dịch tả kinh
hoàng ở Phú Xuân năm 1820 và hai năm sau thì có thể Xuân Hương cũng đã qua đời.
Nàng được chôn cất bên cạnh hồ Tây - Thăng Long, còn chàng thì mai táng vội
vàng trên quãng đồng vắng Bầu Đá - An Ninh - Phú Xuân.
Bầu Đá nửa hồn nằm
gối đất
Hồ Tây một dạ đứng
không yên.
Mối tình thiên thu Xuân Hương - Nguyễn Hầu
hay Hồ Xuân Hương - Nguyễn Du đã vào huyền thoại?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét