Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam

Văn hóa hưởng lạc 
của nhà Nho tài tử Việt Nam
1. TÀI TỬ VÀ NHÀ NHO TÀI TỬ
Nhắc đến văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử thời trung đại, nhiều người sẽ bỡ ngỡ trước khái niệm “nhà Nho tài tử”, và thế nào là lối hưởng lạc của nhóm người này. Trong phần tổng hợp này, chúng tôi đi tìm ý nghĩa cụ thể nhất của hai chữ “tài tử”, từ đó xác định thế nào là “Nhà Nho tài tử”, và sau đó sẽ giới thiệu với bạn đọc về văn hóa hưởng lạc của nhóm người này trong xã hội Việt Nam trung đại.
Đầu tiên, trước khi đi vào tìm hiểu về nhà Nho tài tử, chúng ta hãy cũng làm quen với những quan niệm quen thuộc về nhà Nho trung đại Việt Nam. Không giống với khái niệm “tài tử” có phần xa lạ, nhà Nho quen thuộc hơn khi gắn họ với lối “xuất xử” (hành đạo - ẩn tàng) ở đời. Khái niệm “xuất xử” này được nhắc đến lần đầu trong “Thanh hư động ký” (1384) của Nguyễn Phi Khanh (cha của Nguyễn Trãi):
“Trong việc “xuất”, “xử” của kẻ hiền đạt, thì “xuất” là để hành động theo lẽ trời, “xử” là để tìm thú yên vui, cũng theo lẽ trời. Trời là gì? Là cái chí thanh chí hư, chí đại đó thôi! Bốn mùa thành năm mà không tỏ ra có công, vạn vật chịu ơn mà không lộ rõ dấu vết. Không phải trời là chí thanh, chí hư, chí đại, thì đâu được như thế?”
Như vậy, theo Nguyễn Phi Khanh, “xuất” là hành động theo lẽ trời, “xử” là tìm thú yên vui, cũng theo lẽ trời. Vẫn trong “Thanh hư động ký”, ông bày tỏ:
“Ôi! Thân phận một kẻ đại thần, khi tiến, khi lui, đều có quan hệ với vận mệnh của nước nhà, cho nên người quân tử vẫn ôm mối lo suốt đời, nào phải như kẻ bỉ phu thờ vua, đã lo được lại lo mất, khi được thì a dua, nịnh hót, chẳng việc gì là chẳng làm; khi mất thì hất hủi bỏ đi, trong lòng hậm hực. Như vậy, sao đáng cùng họ mà bàn việc “xuất” và “xử” của người hiền đạt được?”
Như vậy, đối với nhà Nho xưa, “xuất” hay “xử” về cơ bản đều ngang hàng với nhau, “xuất” không phải vì ham danh lợi, “xử” không phải vì hậm hực, tức giận mà thành.
Qua thời gian, lối hành xử của Nho gia không còn bởi giới hạn bởi lẽ xuất xử nữa. Hay nói cách khác, có một lớp nhà Nho mới xuất hiện, không bị chi phối bởi lẽ xuất xử, mà bị chi phối bởi quan niệm “tài tử”, rồi dần dần hình thành một lớp người gọi là “Nhà Nho tài tử” vào cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX ở Việt Nam.
A. Tài tử và nhà Nho tài tử
1. Tài tử là gì và sự biến chuyển nghĩa của chữ “tài tử”
“Tài tử” trong văn hóa hiện đại
Theo cách hiểu hiện nay ở Việt Nam, “tài tử” được dùng với hai nghĩa phổ biến: 
1) Những người có tài năng, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật (ví dụ: gọi diễn viên là nam tài tử, hoặc có một mô hình âm nhạc là “đờn ca tài tử”); 
2) Dùng để chỉ những người không chuyên. 
Nghĩa này, tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà mang tính tích cực hoặc tiêu cực. Ví dụ, với trường hợp “đờn ca tài tử” thì “tài tử” ở đây chỉ những người không chuyên về việc kiếm tiền, họ diễn xướng để cho vui hoặc đơn thuần là để thưởng thức nghệ thuật. Điều này không có nghĩa là họ kém trong lĩnh vực âm nhạc. Nhưng với trường hợp nói: “Đứa X này học hành tài tử lắm”, thì chữ “tài tử” lại mang hàm ý chê bai.
Theo từ điển Hán Việt, thì “tài tử” ( ) được ghép từ chữ  (TÀI), tức là tài năng, tài hoa, tài giỏi, còn chữ  (TỬ) nghĩa là một người, cụ thể hơn thì là một người đàn ông có học vấn, có đức hạnh. Ví dụ: Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử… (tức “Tử” là danh từ chung nhưng lại được dùng như một tên riêng với hàm ý tôn trọng). Còn trên Baike, “Tài Tử” là từ chỉ người vừa có tài năng, vừa có đức hạnh.
Như vậy, điểm chung trong nội hàm khái niệm “tài tử”: chỉ người có tài. Cái tài này có thể thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nội hàm khái niệm “tài tử” trong văn hóa Trung Quốc hiện đại còn nhấn mạnh đến khía cạnh phẩm hạnh của mỗi người. Đây cũng chính là nét khác biệt so với nội hàm khái niệm “tài tử” mà người Việt hiện đại thường dùng.
“Tài tử” trong văn hóa xưa
Khái niệm “Tài tử” đầu tiên xuất phát từ Trung Quốc. Từ điển Từ nguyên giải thích: “Tài tử là từ chỉ những người giỏi ở tài hoa” (Ưu ư tài hoa giả chi xưng). Từ điển Từ hải giải thích hơi khác một chút: “Gọi những người có tài là tài tử” (Ưu ư tài giả xưng tài tử). Từ hải cho biết từ “Tài tử” đã có từ sách Tả truyện thời Chiến quốc: Tả truyện, Văn thập bát niên viết: “Họ Cao Dương có 8 người tài tử”.
Vào đời Đường, từ “tài tử” xuất hiện phổ biến hơn. Trong Đường thư, Nguyên Chẩn truyện có viết: “Nguyên Chẩn giỏi làm thơ, thường sáng tác nhạc phủ, trong cung người ta gọi ông là Nguyên Tài Tử”. Trong lịch sử Trung Quốc, từ “tài tử” được dùng khá nhiều, nhất là từ đời Đường trở đi. Đời Đường có “Đại Lịch thập tài tử” (Mười người tài tử thời Đại Lịch (766-799): gồm có Lư Luân, Tiền Khởi và 8 người khác. Thơ ca của họ phần nhiều là xướng họa, ngâm vịnh sơn thủy, ca ngợi thú ẩn dật. Về nghệ thuật, các tác giả này sở trường ở ngũ ngôn luật thi, thiên về kỹ thuật cầu kỳ, có khuynh hướng hình thức chủ nghĩa.
Đến đời Minh, ở Trung Quốc có “Giang Nam tứ đại tài tử”, gồm có Văn Trưng Minh, Chúc Duẫn Minh, Từ Trinh Khanh và Đường Bá Hổ. Cả bốn đều giỏi về hội họa, thư pháp, thơ văn với mức độ khác nhau. Trong số này thì Đường Bá Hổ là người học giỏi, thi  đậu cao, làm quan lớn. Nhìn chung cả bốn vị tài tử Giang Nam này đều có tính tình phóng túng, ngông nghênh, khinh bạc.
Bên cạnh dùng “Tài tử” để chỉ người, ở Trung Quốc còn dùng khái niệm ấy để chỉ loại sách - sách tài tử như “Lục tài tử thư”, “Thập tài tử thư”… “Lục tài tử thư” lần đầu tiên được Kim Thánh Thán (1608-1661) nhà phê bình văn học nổi tiếng cuối đời Minh đầu đời Thanh đưa ra, bao gồm: 
1) Nam hoa kinh của Trang Tử, 
2) Ly tao của Khuất Nguyên, 
3) Sử ký của Tư Mã Thiên, 
4) Đỗ thi, tức thơ Đỗ Phủ, 
5) Thủy hử truyện của Thi Nại Am, 
6) Tây Sương ký của Vương Thực Phủ. 
Đây đều là những cuốn sách văn chương tưởng tượng phong phú, vượt ra ngoài vòng cương tỏa của Nho giáo, cũng mang nhiều yếu tố “quái lực loạn thần” mà Khổng Tử không thích. Tóm lại, “Lục tài tử thư” là những tác phẩm thiên về văn nghệ, có tính chất phi chính thống, rất khác với các tác phẩm chính thống như Kinh thi của Khổng Tử.
Ở Việt Nam, chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát đầy đủ xem chữ “Tài tử” xuất hiện lần đầu tiên trong sách nào, theo như phỏng đoán của chúng tôi: trong thơ văn Lý Trần chưa thể xuất hiện khái niệm “tài tử”, khái niệm ấy chỉ có thể xuất hiện trong các loại sách có tính chất tiểu thuyết kiểu như Truyền kỳ mạn lục (thế kỷ XVI) hay trong các tác phẩm sớm hơn một chút. Tuy nhiên thời đại của từ “Tài tử” là Hậu kỳ trung đại, tức là từ thế kỷ XVIII trở đi. Tài tử thường gắn với loại tác giả thích cầm kỳ thi họa, sống ngoài vòng cương tỏa, ngông nghênh “khinh thế ngạo vật”.  
Từ đây, ta nhận thấy có sự khác biệt giữa quan niệm “Tài tử” của Trung Quốc hiện đại và Trung Quốc xưa, và quan niệm “Tài tử” ở Việt Nam hiện đại với Việt Nam trung đại. Trong đó, “tài tử” ở Việt Nam trung đại không bao gồm đức hạnh (theo chuẩn mực Nho giáo) mà chỉ có tài tình. Còn yếu tố đức hạnh thì thuộc về nhà Nho chính thống (hành đạo hoặc ẩn dật)). Còn “tài tử” ở Việt Nam hiện đại thì lại dùng để chỉ những người có tài năng hoặc không chuyên. Tài tử theo quan niệm của Trung Quốc xưa là những người tài năng, phi chính thống. Còn theo nghĩa hiện đại lại bao gồm cả có phẩm hạnh.
Độc giả có thể theo dõi bảng so sánh sau:
Tài tử
Trung Quốc xưa
Trung Quốc hiện đại
Việt Nam trung đại
Việt Nam hiện đại
Người
Có tài
Có tài
Có tài
Có tài

Phóng túng, đa tình
Có đức hạnh
Phóng túng, đa tình
Không chuyên



Không chính thống

Sách vở
Không chính thống



2. Khái niệm “Nhà Nho tài tử” trong nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam là gì?
“Nhà Nho tài tử” là một khái niệm được dùng trong nghiên cứu văn học, cụ thể là nghiên cứu loại hình học tác giả. Khái niệm này được đề xướng bởi nhà nghiên cứu Trương Tửu, tiếp nối bởi Trần Đình Hượu, và hoàn thiện với các nghiên cứu của Trần Ngọc Vương.
Trong công trình “Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ” (Tạp chí Văn mới, Hà Nội, 1944) lần đầu tiên Trương Tửu dùng khái niệm “người tài tử”, “nhà nho tài tử”. Ông viết: “Quan niệm “cầm kỳ thi tửu” là một quan niệm tài tử. Bằng danh từ này người ta thường chỉ thị hạng nho sĩ lơ đãng với công việc kinh bang tế thế (hành đạo) mà thiên trọng về văn học, về sự vui sống cầu kỳ (hành lạc). Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lưu Linh… là những nhà nho tài tử vậy. Họ không sống cho Tổ quốc, không sống vì đạo lý. Họ sống cho họ, sống vì nghệ thuật, sống vì đẹp. Suốt đời họ chỉ tìm cái đẹp. Cái ý vị của cuộc sống, theo quan niệm tài tử, không phải ở chỗ phụng sự mà là ở chỗ hưởng thụ, ở uống rượu, ở làm thơ, ở gẩy đàn, ở đánh cờ, ở giăng gió, ở sông núi. Nếu không biết thưởng thức những trò chơi ấy một cách mỹ thuật thì dù có sống đến nghìn tuổi cũng như là chết non mà thôi (thiên tuế diệc vi thương)”.
Tuy nhiên Trương Tửu chưa đi sâu vào khái niệm này, nhận thức của ông cũng còn chưa rõ, ông vẫn nhấn mạnh vào tính chất một chiều là “chơi”, hứng thú với cái đẹp. Giáo sư Trần Đình Hượu là người kế thừa và phát triển quan niệm “nhà nho tài tử” của Trương Tửu. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương là người kế thừa và làm rõ hơn quan niệm của Trần Đình Hượu trong luận án Tiến sĩ, sau đó xuất bản thành sách Loại hình tác giả văn học nhà nho tài tử trong văn học Việt Nam.
Xét trên quan niệm của ba trụ cột nghiên cứu trên, có thể thấy ba tác giả đánh giá một nhà Nho là “tài tử” hay không được dựa trên các quy chuẩn của nhà Nho chính thống, trong đó, cứ đối lập với cách ứng xử với các nhà Nho chính thống (bị chi phối bởi tam cương (quân thần, phụ tử, vợ chồng) ngũ thường (nhân lễ nghĩa trí tín), tư tưởng vinh thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ,…) thì sẽ được/ bị coi là tài tử.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn chương, các phẩm chất của người quân tử và người tài tử đối lập tương đối như bảng sau:
Người Quân tử
Người Tài tử
Tâm
(Lòng ưu ái)
Tài
(Tài hoa)
Chí
Tiên ưu chí
(Chí nam nhi, Chí công danh)
Tình
(Ái tình)
Đạo
(Đạo cương thường)
Tính
(Tính dục)
Nghĩa
(Nghĩa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè, đất nước)
Du
(Thú giang hồ; Thú phong lưu/ Hành lạc)
Khí
(Chí khí, khí cốt)
Mỹ
(Mỹ cảnh, mỹ nhân)
Như vậy, về cơ bản, khi bàn về người tài tử, hay nhà Nho tài tử trong thời trung đại, tôi lựa chọn nội hàm chung nhất: đều là những người có tài, nhận thức được tài năng, nhân phẩm của mình, và họ có sự chủ động trong việc chọn cách ứng xử với thế giới bên ngoài. Cách ứng xử này có thể phù hợp với chuẩn mực Nho giáo hoặc không, tùy theo chiến lược của mỗi người.
Hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng nhà Nho tài tử khác với nhà Nho truyền thống ở hai điểm: trọng tài và đa tình.
2. TIỀN ĐỀ
B. Nhà Nho tài tử hưởng lạc như thế nào?
Tiền đề:
Các nhà nghiên cứu cho rằng, phải đến tầm thế kỷ XVIII-XIX, loại hình nhà Nho tài tử mới xuất hiện, với những tên tuổi như Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ… Tuy nhiên, trên thực tế thì tính chất tài tử (trọng thị những thú vui cầm kỳ thi họa, duy mỹ, tài, tình, dục…) đã manh nha thể hiện ngay từ thế kỷ XV với một số sáng tác của Nguyễn Trãi và lối sống của Lê Thánh Tông.
Chẳng hạn, chùm 13 bài “Tích cảnh thi” (thơ tức cảnh) của Nguyễn Trãi đã mang màu sắc dục tính và ý thức cá nhân. Nhân vật trữ tình thấy cảnh “một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt” mà tiếc cho mình đã “Một phen liễu rủ một phen mềm”.
Hầu nên khôn lại tiếc khuâng khuâng,
Thu đến đêm qua cảm vả mừng.
Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt,
Khoan khoan những lệ thỏ tan vừng.
Dịp trúc còn khoe tiết cứng,
Rầy liễu đã rủ tơ mềm.
Lầu hồng có khách cầm xuân ở,
Cầm ngọc tay ai dắng dõi thêm.
Dắng dõi bên tai tiếng quản huyền,
Lòng xuân nhọn động ắt khôn gìn.
Xuân xanh chưa dễ hai phen lại,
Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên.
Tiếc thiếu niên qua lật hẹn lành,
Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình.
Biên xanh nỡ phụ người đầu bạc,
Đầu bạc xưa này có thuở xanh?
Hõi kẻ biên xanh chớ phụ người,
Thức xuân kể được mấy phen lười.
Vì thu cho nhẫn đầu nên bạc,
Chưa dễ ai đà ba bảy mươi.
Ba bảy mươi nào, luống nhọc thân,
Được thua đã biết sự vân vân.
Chớ cười hiền trước rằng dại,
Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân.
Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,
Những lệ xuân qua tuổi tác thêm.
Chẳng thấy ngoài hiên tơ liễu rủ,
Một phen liễu rủ một phen mềm.
Liễu mềm rủ, nhặt đưa hương,
Hứng bợn lầu thơ khách ngại rằng.
Thấy cảnh lòng thơ càng vấn vít,
Một phen tiếc cảnh một phen thương.
Thương cảnh vì nhân cảnh hữu tình,
Huống chi người lạ cảnh hòa thanh.
Xuân ba tháng thì thu ba tháng,
Hoa nguyệt đon dùng mấy phát lành.
Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng,
Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng.
Ngoài ấy dầu còn áo lẻ,
Cả lòng mượn đắp lấy hơi dùng.
Ba xuân thì được chín mươi ngày,
Sinh vật lòng trời chẳng tây.
Rỉ bảo đông phong hời hợt ít,
Thế tình chớ tiếc, dửng dưng thay.
Lầu xanh từng thấy khách thi nhân,
Vì cảnh lòng người tiếc cảnh xuân.
Mới trách thanh đồng tin diễn đến,
Bởi chưng hệ chúa Đông quân.
Đâu đâu cũng chịu lệnh Đông quân,
Nào chốn nào chăng gió xuân.
Huống lại vườn còn hoa trúc cũ,
Trổi thức tối lạ mười phân.
Sự đa tình của Nguyễn Trãi cũng thể hiện ở nhiều giai thoại dân gian như việc ông trêu đùa cô bán chiếu, và viết thơ ghen với vợ mình là Nguyễn Thị Lộ. Tương truyền một hôm Nguyễn Trãi dạo chơi bên Hồ Tây, trời đã sẩm tối, ông gặp người con gái đi bán chiếu, nhan sắc tuyệt trần, ông liền đọc bỡn bốn câu thơ quốc âm:
Ả ở đâu ta bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?
Cô gái bán chiếu ấy tên là Nguyễn Thị Lộ, vốn xuất thân là con nhà gia thế sau vì cửa nhà sa sút phải đi bán chiếu, nên văn chương chữ nghĩa cũng không phải xoàng, lại cũng rất giỏi thơ Nôm bèn đọc ngay một bài tứ tuyệt đáp lại:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon.
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu tuổi mới trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, hỏi chi con!
Nguyễn Trãi thấy Thị Lộ đã có nhan sắc lại thao văn từ, liền lấy nàng làm thiếp. Chẳng bao lâu, nàng lại được phong làm Lễ nghi nữ học sĩ trong triều và được Lê Thái Tông rất quý mến. Rồi cũng chính vì thế mà sau đó, gây nên tấn thảm kịch rất đáng thương tâm cho gia đình và họ hàng Nguyễn Trãi.
Cũng vẫn ở mối tình bi kịch này, khi có tin đồn Nguyễn Thị Lộ và vua Lê Thái Tông có tư tình, Nguyễn Trãi đã viết thơ gửi đến vợ:
Thiên cao địa hậu tứ thời thanh,
Khả trách hà nhân đạo bất minh.
Kính diện tuy thanh trần dĩ nhiễm,
Đức tâm phương nhuệ dục tuỳ tranh.
Nhân thanh tằng hựu Chu vương đức,
Thệ chỉ tương đam Hán đế tình.
Hạnh đắc thiên nhân tương bán trợ,
Tất nhiên xã tắc cánh xuân sinh.
Dịch thơ:
Trời cao đất rộng bốn mùa thanh,
Đáng trách cho ai đạo chẳng minh.
Mặt kính gương trong nhơ đã vấy,
Đức cao dù đẹp dục còn tranh.
Chu vương từng học lòng nhân đức,
Hán đế còn đam chuyện ái tình.
May được trời người cùng hiệp trợ,
Nước nhà ắt hẳn lại hồi sinh.
Thị Lộ đọc thơ, biết Nguyễn Trãi có ý nghi ngờ mối quan hệ giữa nàng với nhà vua, nhất là câu “Kính diện tuy thanh trần dĩ nhiễm” (Mặt kính gương trong nhơ đã vấy) khiến nàng vô cùng đau lòng, nàng đã theo nguyên vận gửi cho Nguyễn Trãi bài thơ rằng:
Đan tâm khẩn khẩn sự do thành,
Thuỳ vị cương thường đạo bất minh.
Nhật hỏa hà ưu vân thốn điểm,
Mộc cù khởi phụ cát tuỳ tranh.
Anh hùng miễn đại anh hùng chí,
Nữ tử phi nhi nữ tử tình.
Phúc quyến thiên duyên cầm sắt hợp,
Nghiệm chư tôn tử thánh hiền sinh.
Dịch thơ:
Lòng son khăn khắn việc mong thành,
Ai bảo cương thường đạo chẳng minh.
Ngày nắng sao lo mây chút gợn,
Cây cao há ngại sắn leo tranh.
Anh hùng gắng giữ anh hùng chí,
Phận gái đừng theo phận gái tình. (1)
Phúc luyến duyên trời cầm sắt hợp,
Nghiệm xem con cháu thánh hiền sinh.
(1) Cả câu này ý nói, tuy phận gái nhưng không theo thói nữ nhi thường tình.
Thị Lộ đã khéo léo, mềm mỏng, giãi bày lòng mình với Nguyễn Trãi. Nàng vì lo hoàn thành công việc trong cung nên ít về nhà, chớ chẳng có gì mờ ám. Ý thơ cũng nói rõ, mình trong sáng thì ngại gì những lời dị nghị. Lại nhẹ nhàng nhắc nhở Nguyễn Trãi là bậc anh hùng, đừng chỉ quan tâm đến những chuyện tình cảm thường tình.
Sau lối tài tử trọng tình của Nguyễn Trãi, một nhân vật khác cũng nổi tiếng với lối sống tài tử là Lê Thánh Tông với “Thánh Tông di thảo” và “Lưu Nguyễn nhớ tiên nữ”:
Khách ở Thiên Thai cách mấy trùng,
Ngày ngày hằng nhớ một niềm mong.
Tưởng người ngọc nữ, thêm ngừng mặt,
Nhớ nỗi Vu Sơn dễ chạnh lòng.
Giục khách mưa sầu khoan lại nhặt,
Trêu ai mây thảm lạt thì nồng.
Nôn nao xuân lại bằng nguyền cũ,
Ngỏ nỗi đôi phương thuở chốc mòng.
Vua cũng nổi tiếng với nhiều giai thoại đa tình. Tương truyền, một buổi chiều mùa hạ,hoàng tử Hiệu đi hóng mát trên bờ sông đào vùng Tống Sơn (Thanh Hóa) tình cờ gặp một cô gái đang vo gạo ở một bến nọ. Cô gái nhan sắc tuyệt vời, khiến hoàng tử không sao bỏ đi được. Đứng tần ngần hồi lâu, hoàng tử liền đọc bỡn một câu thơ rằng:
Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả…
Câu văn của hoàng tử tuy còn bỏ lững,nhưng ý nghĩa đã quá rõ ràng. Cô gái nghe xong vẫn cứ cúi đầu làm thinh. Mãi lúc cắp rá gạo ra về, cô mới ngoái cổ đáp lại:
Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hẵng lo cho…
Câu này cũng bỏ lửng, thiếu chữ như câu trên nhưng nghĩa cũng rõ lắm. Ý nói đời đang loạn lạc, làm thân nam nhi nên ra tay giúp đời trước đã, rồi sau có nghĩ đến chuyện mình hay chuyện ai hẵng hay. Nghe lời cô gái, hoàng tử càng thêm yêu mến bội phần. Sau đó, hỏi dò mới biết đó là cô Ngọc Hằng con một vị quốc công,mẹ vì bị tình phụ nên đưa cô đến ở vùng này làm ăn. Từ đó, hai người thường gặp nhau luôn. Sau này, khi hoàng tử lên ngôi thì Ngọc Hằng trở thành hoàng hậu của nhà vua.
Một dịp khác, đầu xuân, vua Lê Thánh Tông ngự thăm nhà Thái học (Văn miếu), lúc về ghé qua chùa Ngọc Hà ở thôn Thanh Ngô gần đấy. Tới nơi, vua thấy cảnh trí u nhã, hoa cỏ xanh tươi, lại nghe tiếng ni cô tụng kinh vang vang trong chùa. Giọng ni cô trong như nước suối,mà du dương uyển chuyển lạ thường, khiến người nghe dường như cũng phiêu diêu trong thế giới cực lạc. Nhà vua hứng tình, nguồn thơ lai láng, liền đề ngay lên vách chùa hai câu thơ:
Tới nơi thấy cảnh thấy người,
Tuy vui đạo Phật chưa nguôi lòng trần!
Rồi nhà vua lấy hai câu ấy làm đầu đề, bắt các quan tùy tòng ngâm vịnh. Lúc ấy, Thân Nhân Trung, một trong hai vị phó soái của “Tao đàn nhị thập bát tú” có thơ vịnh như sau:
Ngẫm sự truyền duyên khéo nực cười,
Sắc không tuy bụi, hẫy lòng người.
Chày kình một tiếng tan niềm tục,
Hồn bướm ba canh lẳn sự đời.
Bể ái ngàn trùng mong tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười!
Vua trao bài thơ cho ni cô xem, ni cô chê hai câu “thực” thiếu ý cảnh và sửa lại rằng:
Gió thông đưa kệ tan niềm tục,
Hồn bướm mơ tiên lẳn sự đời.
Nhà vua khen hay, rồi đưa luôn ni cô về cung. Nhưng kiệu đi tới cửa Đại Hưng (2) thi ni cô chợt biến mất. Lấy làm lạ, vua bèn sai dựng ở đó một cái lầu gọi là “Vọng tiên lâu” để lưu dấu người tiên.

Chú thích:
(1) Tức đền Ngọc Hà ở phố Nguyễn Khuyến (phố Sinh Từ của Hà Nội bây giờ)
(2) Chợ cửa Nam bây giờ.
Qua một vài bài thơ và giai thoại, có thể thấy, lúc này, các nhà Nho vẫn chưa thoát hẳn vòng cương tỏa của giáo lý Nho gia, nên đời sống tựu trung vẫn là trung quân ái quốc. Chỉ có một số ít bài thơ mà tác giả bộc lộ rõ cảm xúc, tâm trạng cá nhân của mình, cái tâm trạng hoàn toàn tách biệt với trách nhiệm, với thời cuộc. Những câu chuyện được kể thực chất cũng chỉ là những giai thoại được lưu truyền trong dân gian, chứ không hề được lưu giữ trong các nguồn ghi chép chính thống. Chỉ có Lê Thánh Tông là một trường hợp cá biệt. Ông là vua và có thẩm quyền, nên có thể có lối sống phóng túng, ăn chơi hơn. Nhưng nhìn chung, thời kỳ này, đời sống hưởng lạc của các nhà Nho vẫn chưa phát triển.
3. TUYÊN NGÔN HƯỞNG LẠC
II. Sự xuất hiện đông đảo của các nhà Nho tài tử:
Bối cảnh xuất hiện:
Kể từ thế kỷ XVII, ở nước Việt tồn tại nhiều chính quyền khác nhau: từ Lê - Mạc, đến Lê - Trịnh, Lê - Trịnh - Nguyễn. Việc có nhiều chính quyền, quyền lực của vua không còn là tuyệt đối, và mỗi chính quyền lại tổ chức những kỳ thi tuyển chọn khác nhau ở từng nơi khiến cho giới học trò không còn bị ràng buộc khắt khe bởi tư tưởng “trung quân ái quốc” nữa. Thay vào đó là học hành, thi cử và có quyền lựa chọn thế lực chính trị mà mình muốn phụng sự.
Về đời sống kinh tế, manh nha từ thế kỷ XVII-XVIII, ngoài kinh thành Thăng Long, nhiều khu vực hành chính lớn khác hình thành trên khắp cả nước. Các làng nghề thủ công phát triển. Đến thế kỷ XVIII, đội ngũ thương nhân Hoa Kiều vào Việt Nam cũng nhiều hơn, các tụ điểm thương mại cũng hình thành: Kẻ Chợ, Phố Hiến,… ở đằng trong, các thương gia phương Tây cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Việc trao đổi kinh tế tấp nập hơn đã đem đến sự thay đổi trong chính xã hội Việt: chợ, cao lâu, tửu quán, nhiều tụ điểm giải trí khác được mở ra, trở thành nơi để khách khứa đến giao lưu, trút bầu tâm sự. Vậy là một xã hội thị dân đang dần hình thành. Cũng từ đây, ý thức cá nhân xuất hiện mạnh mẽ. Mô hình nhà Nho cổ truyền cũng dần được thay thế bằng một mô hình nhà Nho tự do, cá nhân hơn.
Cần phải lưu ý rằng, các nhà Nho tài tử trước hết vẫn là những nhà Nho, nhưng là nhà Nho xuất sắc, có tài cán hơn người. Ý thức cá nhân rõ rệt khiến họ cũng nhận thức rõ tài năng của mình, và nhận thức rõ tình hình chính trị - xã hội bấy giờ.

Tóm lại, đến tầm thế kỷ XVII-XVIIIXVIII-XIX, lối sống cá nhân của các nhà Nho mới có cơ hội được bộc lộ. Lúc này, hàng loạt các nhà Nho tự do, phi chính thống xuất hiện, cùng với sự xuất hiện của họ là một lối sống mới, khác xa với lối sống cứng nhắc, gò bó của nhà Nho trong thế kỷ trước. Lối sống mới này xoay quanh sự hưởng lạc, mà cụ thể là thể hiện ở 5 đặc điểm: Tài - Tình - Tính - Du - Mỹ. Cũng chính từ 5 đặc điểm này, các nhà nghiên cứu hiện nay đã gọi những người đó là các “nhà Nho tài tử”.
Vậy, cụ thể, các nhà Nho tài tử hưởng lạc như thế nào?
Tuyên ngôn hưởng lạc:
Đầu tiên, có thể xét đến tuyên ngôn về hưởng lạc của một số nhà thơ tiêu biểu:
Hành lạc từ kỳ 1 - Nguyễn Du
Tuấn khuyển hoàng bạch mao,
Kim linh hệ tú cảnh.
Khinh sam thiếu niên lang,
Khiên hướng nam sơn lĩnh.
Nam sơn đa hương my,
Huyết nhục cam thả phì.
Kim dao thiết ngọc soạn,
Mỹ tửu luỹ bách chi.
Nhân sinh vô bách tải,
Hành lạc đương cập kỳ.
Vô vi thủ bần tiện,
Cùng niên bất khai my.
Di, Tề vô đại danh,
Chích, Cược vô đại lợi.
Trung thọ chỉ bát thập,
Hà sự thiên niên kế?
Hữu khuyển thả tu sát,
Hữu tửu thả tu khuynh.
Nhãn tiền đắc táng dĩ nan nhận,
Hà sự mang mang thân hậu danh?
Dịch nghĩa:
Con chó hay, lông vàng đốm trắng,
Cổ đẹp đeo chuông vàng.
Chàng trai trẻ mặc áo cộc,
Dắt đi về phía núi nam.
Núi phía nam lắm nai hương,
Huyết thơm, thịt béo.
Dao vàng thái món ăn quý,
Rượu ngon uống hàng trăm chén.
Đời người ai sống đến trăm tuổi,
Nên kịp thì vui chơi.
Tội gì giữ nếp nghèo,
Suốt năm không mở mày mở mặt!
Di Tề chẳng có danh lớn,
Chích Cược cũng chẳng giàu to.
Sống lâu chỉ tám mươi tuổi,
Cần gì tính chuyện ngàn năm.
Có chó cứ ăn thịt,
Có rượu cứ uống cho hết.
Chuyện trước mắt hay dở đã không biết,
Cần gì lo cái danh xa xôi sau khi chết!
Hay:
Hành lạc từ kỳ 2
Sơn thượng hữu đào hoa,
Xước ước như hồng ỷ.
Thanh thần lộng xuân nghiên,
Nhật mộ trước nê trĩ.
Hảo hoa vô bách nhật,
Nhân thọ vô bách tuế.
Thế sự đa suy di,
Phù sinh hành lạc sự.
Tịch thương hữu kỹ kiều như hoa,
Hồ trung hữu tửu như kim ba.
Thuý quản ngọc tiêu hoãn cánh cấp,
Đắc cao ca xứ thả cao ca.
Quân bất kiến Vương Nhung nha trù thủ tự tróc,
Nhật nhật cối kê thường bất túc.
Tam công đài khuynh hảo lý tử,
Kim tiền tán tác tha nhân phúc.
Hựu bất kiến Phùng Đạo văn niên xưng cực quý,
Lịch triều bất ly khanh tướng vị.
Chung minh đỉnh thực cánh hoàn không,
Thiên tải đồ lưu “Trường lạc tự”.
Nhãn tiền phú quý như phù vân,
Lãng đắc kim nhân tiếu cổ nhân.
Cổ nhân phần doanh dĩ luỹ luỹ,
Kim nhân bôn tẩu hà phân phân.
Cổ kim hiền ngu nhất khâu thổ,
Sinh tử quan đầu mạc năng độ.
Khuyến quân ẩm tửu thả vi hoan,
Tây song nhật lạc thiên tương mộ.
Dịch nghĩa:
Trên núi có hoa đào,
Đẹp như lụa đỏ.
Sáng sớm còn đùa giỡn với sắc xuân,
Chiều tối đã nằm trong bùn đất.
Hoa đẹp không được trăm ngày,
Người sống lâu, mấy ai được trăm tuổi.
Chuyện đời lắm đổi thay,
Sống kiếp phù sinh nên cứ vui chơi.
Trên tiệc có kỹ nữ đẹp như hoa,
Trong vò có rượu quí sóng sánh ánh vàng.
Tiếng thủy quản, tiếng ngọc tiêu khi mau khi chậm,
Được dịp hát to, cứ hát cho to.
Há không thấy Vương Nhung tay gẩy bàn toán ngà,
Ngày nào cũng tính toán mà trong bụng vẫn chưa cho là đủ.
Đài Tam công cũng đổ, cây mận ngon cũng chết,
Bạc vàng tiêu tan cho người khác hưởng.
Lại không thấy Phùng Đạo, lúc về già, phú quý xiết bao,
Trải mấy triều vua không rời chứ khanh tướng.
Thế mà miếng đỉnh chung rút cuộc vẫn là không,
Nghìn năm chỉ lưu lại có bái Trường lạc tự!
Phú quý trước mắt chẳng khác gì phù vân,
Người đời nay chỉ biết cười người đời xưa.
Người xưa chết, mồ mả vẫn ngổn ngang đó,
Người nay sao vẫn bôn tẩu rộn ràng?
Xưa nay, kẻ hiền người ngu cũng chỉ trơ lại một nấm đất,
Không ai vượt qua cửa ải sống chết.
Khuyên anh uống rượu rồi vui chơi,
Kìa trông cửa sổ phía tây, bóng mặt trời đã xế rồi.
Hoặc:
Chơi xuân kẻo hết xuân đi - Nguyễn Công Trứ
Ngẫm cho kỹ đến bất nhân là tạo vật
Đã sinh người lại hạn lấy năm
Kể chi thằng lên bẩy, đứa lên năm
Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc?
Lại mang lấy lợi danh, vinh nhục
Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan
E đến khi hoa rữa trăng tàn
Xuân một khắc, dễ nghìn vàng đổi chác?
Tế suy vật lý tu hành lạc
An dụng phù danh bạn thử thân
Song bất nhân mà lại chí nhân
Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi bấy
Nếu không chơi, thiệt ấy ai bù?
Nghề chơi cũng lắm công phu!
Những bài thơ trên hạn chế dùng ước lệ, hoặc nếu dùng thì cũng đưa những hình ảnh ước lệ vào những tình huống bình thường, thậm chí là bình dân (đặt “dao vàng” bên cạnh “thịt chó”), cho thấy một ham muốn vượt thoát khỏi những quy ước gò bó từng có trong văn thơ và trong cuộc sống trước đây.
Qua một số bài thơ của Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ, có thể rút ra một tuyên ngôn chung về cuộc hành lạc của các nhà Nho từ thế kỷ XVII trở đi như sau: Cuộc đời ngắn ngủi, nên hãy vui chơi, tận hưởng lạc thú (cầm, kỳ, thi, họa, tửu, trà, thi, thư, nhạc, hoa, mỹ nhân, đồ ăn ngon…), sống cho hiện tại. Qua thơ, có thể thấy có sự ảnh hưởng của Lý Bạch, Đỗ Phủ trong những quan điểm này, đặc biệt là Lý Bạch với bài “Thương tiến tửu”.
4. TỨ NGHỆ BÁT THÚ
3. Các cách hưởng lạc
a. Cầm kỳ thi họa
Nhắc đến hưởng lạc, không thể nhắc đến thú chơi cầm kỳ thi họa (tứ nghệ). Trên thực tế, tứ nghệ ban đầu là chuẩn mực để đánh giá học vấn phụ nữ trong thời trung đại. Đối với nam giới, người Trung Quốc đánh giá qua lục nghệ, bao gồm: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVIII-XIX, chuẩn mực đánh giá học vấn của nữ giới dần chuyển thành chuẩn mực lạc thú cho nam giới, đặc biệt là cho giới “tài tử”.
Ở Việt Nam, đến thế kỷ XVII-XVIIIXVIII-XIX, các nhà Nho tài tử chuộng tứ nghệ, bát thú (cầm, kỳ, thi, họa, thư, tửu, trà, hoa) hơn là lục nghệ. Dù những người như Nguyễn Khản, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ,… thì đều giỏi lục nghệ (văn võ toàn tài), nhưng lối sinh hoạt trong đời sống hàng ngày (khi rời khỏi triều chính) thì lại thiên về bát thú hơn.
Vậy, các nhà nho tài tử Việt Nam hưởng lạc bát thú như thế nào?
Đầu tiên, hãy đến với Nguyễn Khản (1734 - 1787). Ông là đại quan dưới thời vua Lê Hiển Tông - chúa Trịnh Sâm. Nguyễn Khản là anh của đại thi hào Nguyễn Du. Ông nổi tiếng với tài thơ phú và kiến trúc.
Tư­ơng truyền dinh thất của Nguyễn Khản trong nhà trần thiết kế trang hoàng, mỗi bức tranh khung cảnh, tấm khảm là sự ghi chép sự tích truyền kỳ, điển cố thi vị văn chương, dinh thất có hoa viên được trồng các loại hoa thơm, cỏ lạ, có cung thưởng nguyệt, có lầu nghe nhạc, thư viện đọc sách với cách bài trí hài hoà trang nhã cho biết chủ nhân có khiếu thẩm mỹ tinh tế. Chúa Trịnh thường tự cất bước bộ hành tới đây cùng chủ nhân thưởng ngoạn bình phẩm cảnh trí, toạ đàm thơ ca. Trịnh Sâm đã tự tay đề ở ngôi nhà riêng Nguyễn Khản 3 chữ: ”Tâm phúc đường”. Nguyễn Khản cũng được chúa ban ân theo ngự giá đi săn, đi câu, tắm sông thưởng nguyệt. Tại đêm hội Long Trì, chỉ riêng Nguyễn Khản là người được ngồi cùng mâm với chúa.
Nói về sự sủng ái của chúa Trịnh Sâm dành cho Nguyễn Khản, Phạm Đình Hổ kể lại:
“Năm Đinh Hợi (1767) chúa Trịnh Sâm thăng cho ông Khản làm Tri phiên liêu kiêm quản Nhất Hùng cơ, tước Kiều Nhạc hầu. Khi ấy trong nước bình yên vô sự. Thịnh Vương lại thích ngự chơi, lúc đi thưởng hoa, lúc đi câu cá., thế nào cũng có ông Nguyễn Khản cùng đi. Khi trở về, thì ông lại mặc áo chẽn tay hẹp ra vào nơi cung cấm. Nhà chúa đặc ban cho ông được đi lại ra vào, không khác gì quan nội giám. Khi chúa Trịnh thưởng ca, thường sai Nguyễn Khản ngồi hầu. Ông đội khăn lương, mặc thường phục, ngồi ngay bên cạnh, cầm chầu điểm hát. Những ngày rỗi, chúa Trịnh lên ngự chơi Hồ Tây, kẻ thị thần vệ sĩ, bày hàng buôn bán quanh cả bốn mặt hồ, nhà chúa chỉ cùng với bà Đặng Tuyên phi ngồi trên thuyền, mà Nguyễn Khản thì ngồi hầu ngang trước mặt, cùng thưởng lãm, cười nói, không khác gì bạn bè, người nhà. Trong cung có bày bể cạn, núi non bộ và cảnh hoa đá gì, đều phải qua tay ông Nguyễn Khản chăm sóc thì mới vừa ý nhà chúa. Nhà chúa lại thường sai ông đi sửa sang các hành cung ở Châu Long, Tư Trầm, Dục Thúy. Ông có tài đục nặn núi đá, vẽ vời phong hoa, nên thường được nhà chúa ban khen. Ông lại thích nghề hát xướng, sành âm luật, thường đặt những bài hát nhạc phủ ra làm điệu hát mới; viết xong bài nào thì những nghệ sĩ ngoài giáo phường tranh nhau truyền tụng. Ta có câu thơ rằng: Án phách tân truyền lại bộ ca (nghĩa là gõ phách truyền tụng bài hát mới của quan lại bộ) chính là chỉ việc ấy. “
Em trai ông là Nguyễn Du (1766-1820). Nguyễn Du cũng là một tài tử nổi tiếng đương thời. Ông được coi là nhà thơ, nhà văn hóa lớn thời Lê mạt. Thời còn trẻ, Nguyễn Du thường đi gà bài trong các cuộc hát phường nón dân gian. Trước ông, sáu bảy thế hệ viễn tổ đã từng đỗ đạt làm quan. Bốn nghề chơi: cầm, thư, thi, hoạ bốn nghề đều thông thạo.
Ngoài Nguyễn Khản và Nguyễn Du, nhắc đến tài tử với thú vui cầm kỳ thi họa, không thể không kể đến Phạm Đình Hổ (1768-1839). Ông là một danh sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Cuốn “Vũ trung tùy bút” của ông có luận bàn về các thú vui thanh nhàn khi rỗi rãi.
Với thú chơi hoa, Phạm Đình Hổ chê trách người đời không biết thưởng hoa:
“thứ bùn đã phơi khô đốt ủ đi rồi, hoặc lấy những sừng hươu, bã chè khô phủ lên trên gốc, rồi lấy thứ nước ngâm cá ươn tưới cho nó; mỗi ngày phải cắt lá úa, rửa lá tươi vài bốn lần. Nó đâm lá ra xanh tốt, có khi dài đến hai thước, mỗi giò có đến vài mươi cái hoa; lúc thưởng hoa thì đốt hương tùng chi để trước gió mà thưởng ngoạn. Cũng có người lại đánh cuộc xem lá lan của ai dài hay ngắn, hoa lan của ai nhiều hay ít. Ôi! Như thế có phải là bản sắc của hoa đâu. Đó chỉ là lấy cái màu sắc rực rỡ mà thưởng lan, chứ không biết lấy cái phẩm cách của lan mà thưởng lan.”
Hay:
“Ta mới hay người đời chơi lan chỉ biết thưởng thức bằng mắt chứ không biết thưởng thức bằng mũi, chỉ biết được cái hình của hoa chứ không biết được cái thần của hoa.”
Phạm Đình Hổ yêu thích, trọng việc ngắm hoa tự nhiên, không qua bàn tay nhân tạo. Ông viết:
“Ta chỉ quái lạ cho người đời bây giờ, chơi hoa, chơi đá, mà chỉ lấy cái ý kiến riêng, muốn làm khéo hơn người trước mà lại thành ra vụng, uốn cây đục đá, muốn làm cho giống hình loài cầm thú, nào rồng leo, hổ phục, sư tử ngoảnh mặt lên trời, kỳ lân đạp chân xuống đất, biết bao nhiêu cách không thể nói hết được. Ôi! Nếu trời sinh ra cây ra đá mà làm hệt như hình cầm thú thì tạo vật cũng đến phải hết nghề, còn có gì mà đáng thưởng ngoạn nữa! Phỏng như để những hình long, hổ ngoằn ngoèo, sư, lân hống hách và những hình xà thần, ngưu quỷ đầy cả nhà thì trông thấy, ai chẳng bịt mắt lắc đầu mà chạy. Thế nhưng người đời lại lấy cách chơi ấy làm cao, ta thực không hiểu ra làm sao cả.”
Đến khi bàn về cách uống trà, Phạm Đình Hổ cũng than thở:
“Thị hiếu của người ta cũng hơi giống người Trung Hoa. Ta sinh trưởng đương lúc thịnh thời đời Cảnh Hưng, trong nước vô sự, các nhà quí tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một bộ ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc. Thường có nhiều người đến chơi các hiệu chè, thăm dò các phố buôn, vác tiền hết quan ấy chục khác để mua chè ngon. Lúc ngồi rỗi, pha chè uống với nhau, lại đánh cuộc xem chè đầu xuân năm nay sớm hay muộn, giá chè năm nay cao hay hạ. Kẻ thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ tên, mua cho được chè ngon, bày khay chén ra nếm thử. Thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn mua cho được hiệu chè Chính Sơn, gửi tàu buôn đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực. Song cái thú uống chè tàu có phải ở chỗ đó đâu! Chè tàu thú vị ở chỗ nó tinh sạch sẽ, hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục.”
Viết về âm nhạc, ông cũng đưa ra ý kiến thú vị:
“Âm nhạc phải tuỳ mỗi lúc một khác. Bây giờ, những người tập nghề thổi kèn hay làm những trò quỉ quái để cho thế tục khen, như lúc đám ma thổi kèn thờ, bắt chước giọng đàn bà trẻ con khóc lóc kể lể, người nghe lấy làm thích ý, lại thưởng cho. Ôi! Âm nhạc chủ hoà, cốt phải hợp lễ, thế nào trang nghiêm, lúc nào thê thảm, lúc nào được nhập điệu là hay. Còn như tiếng rền rĩ, giọng nghêu ngao, khác nào tiếng khóc tiếng mếu, sao không để người khóc cho mà nghe, lại phải thổi kèn bắt chước làm gì? Thế chẳng phải sai mất cái ý cổ nhân đi ư? Đó là tạikhông có quan chuyên trách, chứ trách chi những bọn thợ kèn!”
Cách viết của Phạm Đình Hổ thiên về việc cung cấp thông tin lịch sử từng thú vui, rồi sau đó liên hệ với cách con người thời ông thưởng ngoạn. Cách viết này cho thấy ông có kiến thức sâu rộng về bát thú, nhưng cũng cho thấy rằng phần lớn quan lại, quý tộc bấy giờ không biết cách để thưởng ngoạn cho đúng vị.
5."MỘT MỐI CHUNG TÌNH TAN MẤY MẢNH"
(*) Tiêu đề trích thơ Phạm Thái
b. Tình:
Phạm Thái si tình
Nói đến “tài tử”, không thể không nhắc đến yếu tố “tình”. Mà người nổi tiếng về “tình” nhất thời kỳ này là Phạm Thái (1777-1813) với mối tình si với nàng Trương Quỳnh Như. Họ Phạm có tài làm thơ nôm và nổi tiếng về thơ tình yêu. Khi Tây Sơn dấy lên, cha là Thạch Trung hầu, vốn đã làm quan với nhà Lê, có dự vào công cuộc cần vương, nhưng bị thất bại. Phạm Thái sau trưởng thành, quyết nối chí, thường kết bạn với những bậc nghĩa sĩ để mưu đồ khôi phục nhà Lê.
Phạm tài kiêm văn võ, thích uống rượu ngâm thơ, vì là con bậc đại thần nên được gọi là cậu Chiêu, lại hay say sưa túy lúy, mới có sước hiệu là Chiêu Lỳ. Chiêu Lỳ có bài thơ tự trào:
Có ai muốn biết tuổi tên gì,
Vừa chẵn hai mươi, gọi chú Lỳ.
Năm bảy bài thơ ngâm lếu láo,
Một vài câu kệ tụng a-ê!
Tranh vờn sơn thủy màu lem luốc,
Bầu giốc kiền khôn giọng bét be.
Miễn được ngày nào ngang dọc đã,
Sống thì nuôi lấy, chết chôn đi!
“Một vài câu kệ tụng a-ê”, là bởi bị truy nã gắt gao, ông phải cạo đầu, vào tu ở chùa Tiên Sơn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) lấy đạo hiệu là Phổ Chiêu thiền sư, để khỏi lộ tung tích.
Phạm nay đây mai đó, vẫn ngấm ngầm mưu việc cần vương. Một hôm, nhân phò giá hoàng phi Nguyễn Thị Kim lên Lạng Sơn để định sang Tàu theo vua Lê Chiêu Thống, Phạm gặp trấn thủ Trương Đăng Thụ, một đồng chí, cùng bạn tính toan việc giúp Trần Quang Diệu để trừ Võ Văn Dũng hòng gây khó cho Tây Sơn, chẳng may lộ chuyện; Dũng sai thủ hạ là Phan Đình Hồng, bấy giờ làm hiệp trấn Lạng Sơn, tìm cách bỏ thuốc độc vào nước trà, giết Thụ. Phạm Thái thế cô, chỉ còn biết đưa xác bạn về quê, làng Thanh Nê, huyện Yên Tĩnh, tỉnh Nam Định.
Ở đây, Phạm gặp em gái Trương Đăng Thụ là Trương Quỳnh Như, một trang tài sắc kiêm toàn. Đôi bên dần dà thân nhau vì mối duyên văn tự, cùng nhau xướng họa rất là tương đắc.
Phạm đã tả mối tình trong sạch của mình đối với Quỳnh Như bằng mấy bài thơ:
I.
Từ chốn thiềm cung trộm giấu hương,
Dễ xui tao khách mối sầu vương.
Gió thông réo rắt rong đàn oán,
Trăng hạnh chênh vênh rạng bóng dương.
Nếu phải tình duyên may chút phận,
Thì xin ân ái vẹn hai đường.
Phong lưu đôi lứa ai đà dễ,
Bụi tục chi cho bợn lóa gương!
II.
Dẩy hoa, dun lá, bởi tay trời
Nghĩ lại tình duyên luống ngậm ngùi.
Bắc yến, nam hồng, thư mấy bức
Đông đào, tây liễu, khách đôi nơi.
Lửa ân, rập mãi sao không tắt,
Biển ái, khơi hoài vẫn chẳng vơi.
Đèn nguyệt trong xanh, mây chẳng bợn,
Xin soi xét đến tấm lòng ai.
Cha Quỳnh Như là Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quý rất mến Phạm, hai người thường đàm đạo về thời thế và văn thơ. Một hôm, nhân hai người ngồi uống ruợu, hầu trông vào bức tranh tố nữ, bảo Phạm thử uống mười chén rồi vịnh một bài thơ. Phạm vâng mệnh, cất bút thảo luôn một thiên Đường luật theo cách “thuận nghịch độc” (đọc xuôi là thơ chữ Hán, đọc ngược là thơ nôm diễn ý bài thơ chữ Hán). Thơ như sau:
Bài đọc xuôi:
Thanh xuân toả liễu lãnh tiêu phòng,
Cẩm trục đình châm ngại điểm trang.
Thanh lãng độ liên phi phất lục,
Đạm hi tán cúc thái sơ hoàng.
Tình si dị tố liêm biên nguyệt
Mộng xúc tằng liêu trướng đỉnh sương.
Tranh khúc cưỡng khiêu sầu mỗi bạn,
Oanh ca nhất vĩnh các tiêu hương.
Bài đọc ngược:
Hương tiêu gác vắng nhặt ca oanh (1),
Bợn mối sầu khêu gượng khúc tranh (2).
Sương đỉnh trướng gieo từng giục mộng,
Nguyệt bên rèm tỏ dễ si tình.
Vàng thưa thớt cúc tan hơi đạm,
Lục phất phơ sen đọ rạng thanh.
Trang điểm ngại chăm dừng trục gấm (3),
Phòng tiêu lạnh lẽo khoá xuân xanh. (4)
Chú thích:
(1) Nhặt ca oanh: Tiếng chim oanh hót luôn luôn
(2) Sầu khêu: Nỗi buồn khêu gợi tấm lòng. Gượng khúc tranh: Gượng đánh khúc đàn tranh
(3) Dừng trục gấm: Dừng việc dệt gấm

(4) Khóa xuân xanh: Nhốt người con gái trẻ
Hầu xem xong thích lắm, khen là “thanh quang thắng tuyệt” (trong sáng tuyệt vời). Mến tài văn thơ, lại cũng biết chí cần vương và hoạt động bí mật của Phạm, nên hầu mời Phạm ở lại ngay nhà, cho trút lốt nhà sư mà khoác áo nho sinh, để dạy mấy đứa cháu. Ông cụ tình cờ một đọc thấy thơ văn trữ tình của Phạm, có ý muốn gả Quỳnh Như cho, mới lựa lời khuyên Phạm về tìm họ hàng mai mối để xử sự cho phải lễ. Nhưng mẹ Quỳnh Như lại không ưng cho con lấy một “nhà sư phá giới”, vả lại tham phú quý, nhất định gả con cho một công tử nhà giàu nhưng học dốt.
Quỳnh Như bị ép uổng, bực trí quyên sinh. Khi ở quê trở lại nhà họ Trương, Phạm hay tin dữ, liền ra mộ Quỳnh Như, thắp hương khóc lóc rồi đọc bài điếu văn như sau:
Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trăng rằm!
Lại có điều đau đớn thế nhỉ! Nhà huyên ví có năm có bảy, mà riêng mình nàng đeo phận bạc, thì lửa nguội nước vơi còn có lẽ. Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đóa: thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm làm một kiếp, mà nghim nghỉm chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh!
Ví dù mà tiên thù với tục, sao xưa kia vâng mệnh xuống trần chi? Nay đã nguyện một thân cho vẹn kiếp, thì ba vạn sáu ngàn ngày, sống cho đủ lệ: nọ xuân huyên, kia phu tử, góp với trần gian không chút hận, rồi sẽ rong chơi chín suối, cớ sao riêng bỗng vội vàng chi?
Ôi! Chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suông sẻ, những như thân giá ấy, tình cảnh ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho. Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ, như tình duyên chừng ấy, cũng là một chút cương thường: dẫu rằng kẻ đấy người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự!
Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên: mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hóa buông xuôi tính mệnh.
Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm; chua xót cũng vì đâu?
Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sùi sụt hai hàng tình lệ, giải bầy một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài, tỏ cùng nương tử!
Đọc xong, Phạm châm lửa đốt bài điếu văn, rồi đứng nghẹn ngào, nỗi lòng dào dạt phả lên một bài thơ nối:
Trời xanh cao thẳm mấy từng khơi,
Nỡ để duyên ai luống thiệt thòi!
Buồn đốt lò vàng hương nhạt khói,
Sầu nâng chén ngọc rượu không hơi.
Lầu tây nguyệt gác mây lồng bóng,
Ải bắc hồng bay biển tuyệt vời.
Một mối chung tình tan mấy mảnh,
Suối vàng, ai nhắn hộ đôi lời!
Từ đó Phạm sinh chán đời. Vì mải chuyện tình mà mấy năm rồi bỏ lửng cả việc cần vương. Vả lại thời vận nhà Lê đã hết, nhà Tây Sơn, rồi đến nhà Nguyễn kế tiếp nổi lên, việc cần vương không còn mấy ai nghĩ tới nữa. Phạm chỉ còn biết uống rượu ngâm thơ cho qua ngày tháng.
Ông ngậm ngùi mãi về mối tình duyên lỡ dở:
Đưa lời cho tới cung mây,
Sầu này xin cởi cho đây với cùng!
Dây tơ hồng trách ai se mối,
Đến nửa chừng bỗng nới dần ra.
Căm vì một ả trăng già,
Trêu ngươi chỉ mãi chẳng tha, thế này…
Những lúc say sưa, ông lại lên giọng cao ngạo, ngâm một bài yết hậu:
Sống ở nhân gian đánh chén nhè,
Chết về âm phủ cặp kè kè.
Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?
Be!
Phạm Thái bỏ lại cuộc đời vào năm 37 tuổi. Di sản của ông, ngoài những hoạt động chính trị, những bài thơ lãng mạn, còn có mối tình bi thương với nàng Trương Quỳnh Như bạc phận.
Nguyễn Du đa tình
Cái “tình” hay sự “đa tình” của nhà Nho tài tử cũng được thể hiện trong câu chuyện về cuộc đời của Nguyễn Du.
Buổi thiếu thời ở Thăng Long, đi học một thầy đồ bên Gia Lâm, ở tả ngạn Nhị Hà, ngày ngày qua sông để sang trường, Nguyễn thường đi đò của cô Đỗ Thị Nhật, một thiếu nữ duyên dáng. Tính Nguyễn ít nói nhưng đa cảm, một hôm đến bến hơi trễ, phải chờ lâu, muốn trách cô lái vài lời, lại sợ thấy mặt thì rụt rè không dám, nên viết mấy câu vào mảnh giấy nhờ bạn đưa giúp:
Ai ơi, chèo chống tôi sang,
Kẻo trời trưa trật, lỡ làng tôi ra.
Còn nhiều qua lại, lại qua,
Giúp cho nhau nữa để mà …
Nguyễn cố ý không viết trọn câu, để thử lòng cô Nhật. Cô này trước còn khước từ không đáp, sau rồi cũng nể lòng viết hai chữ “quen nhau ” điền vào.
Từ đó cô lái đò tỏ vẻ ân cần, còn Nguyễn thì vẫn e lệ. Một buổi cô nói:
– Bây giờ thay chữ “quen” bằng chữ “thương” nghe cũng đường được đấy, cậu khoá nhỉ?
Nguyễn sung sướng làm mấy câu nữa:
Quen nhau nay đã nên thương,
Cùng nhau se mối tơ vương chữ tình!
Người xinh xinh, cảnh xinh xinh,
Trên trời dưới nước, giữa mình với ta!
Mối tình đương mặn nồng, thì gia đình Nguyễn hay biết, nghiêm trách Nguyễn và gửi đi tòng học một thầy đồ khác ở Thái Bình. Mười năm sau, Nguyễn có dịp trở lại Thăng Long, ra nơi bến cũ thì cô lái đã đi lấy chồng. Nguyễn ngao ngán ngâm:
Yêu nhau, những muốn gần nhau,
Bể sâu trăm trượng, tình sâu gấp mười.
Vì đâu xa cách đôi nơi,
Bến nay còn đó, nào người năm xưa?
Làm nhiều thơ về cô lái đò là vậy, nặng tình là vậy, nhưng Nguyễn Du không phải anh chàng chỉ biết có một người trong mắt. Tương truyền, lúc còn trai trẻ, Nguyễn Du rất thích hát phường vải. Bấy giờ có làng Trường Lưu cũng thuộc huyện Nghi Xuân, là một trong những làng nổi tiếng về hát phường vải, về nghề dệt vải và về gái đẹp. Làng Tiên Điền thì có nghề làm nón, con trai phường nón thường kéo nhau sang hát phường vải ở Trường Lưu. Họ đi hát vì mê hát, nhưng một phần cũng vì mê các cô gái đẹp. Trong các chuyến đi ấy, Chiêu Bảy (Nguyễn Du) chẳng bao giờ vắng mặt. Có một đêm hát nọ, Chiêu Bảy tình cờ được gặp một cô gái tên là Cúc, người đẹp, giọng hay, có tài bẻ chuyện, nhưng chỉ phải một nỗi đã sắp quá thì mà vẫn chưa chồng. Chiêu Bảy biết thóp như vậy, liền bẻ ngay một câu như sau để ghẹo chơi:
Trăm hoa đua nở mùa xuân.
Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?
Chiêu Bảy vờ nói chuyện hoa, nhưng kỳ thực là muốn hỏi châm chọc: Các cô gái khác đều đã đi lấy chồng sớm, sao riêng cô Cúc lại để quá lứa nhỡ thì như vậy?
Nhưng cô Cúc nào phải tay vừa, thoáng nghe qua cô đã hiểu ngay ý tứ của đối phương, bèn hát đáp lại rằng:
Vì chưng tham chút nhụy vàng,
Cho nên Cúc phải muộn màng về thu.
Hoa cúc vốn là loài hoa nở về thu; cúc nở về thu mới là đang độ mãn khai, thế là đúng kỳ chớ không phải là muộn.
Câu hỏi cũng khôn mà câu trả lời thật cũng khéo; Chiêu Bảy đành phải lảng sang chuyện khác, không dám hỏi về việc ấy nữa.
Ngoài những cuộc trêu họa ghẹo nguyệt, Nguyễn Du cũng rất nổi tiếng với mối tình của ông và nàng Hồ Xuân Hương. Các nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng, vào thời điểm cuối năm 1790, Nguyễn Du trở về Thăng Long. Ông có ba năm với mối tình Hồ Xuân Hương ở Cổ Nguyệt Đường. Mối tình hai phía ấy tuy đẹp mà buồn. Không lâu sau, Nguyễn Du theo tiếng gọi của sự nghiệp nam nhi rời đi, bỏ lại Hồ Xuân Hương ở Cổ Nguyệt Đường. Mối tình lãng mạn mà buồn bã ấy được thể hiện qua bài thơ “Mộng đắc thái liên” và bài “Ký mộng”, được cho là làm khi Nguyễn Du nhớ Hồ Xuân Hương.
Mơ thấy hái sen
Mộng đắc thái liên
I .
Xắn gọn quần cánh bướm,
Chèo thuyền nan hái sen.
Nước hồ dâng lai láng,
Bóng người soi nước trong. 
I .
Khẩn thúc giáp điệp quần
Thái liên trạo tiểu dĩnh.
Hồ thủy hà xung dung,
Thủy trung hữu nhân ảnh.
II .
Tây Hồ, hái, hái sen,
Hoa, gương chất mạn thuyền,
Hoa tặng người mình kính,
Gương tặng người mình thương. 
II .
Thái, thái Tây Hồ liên,
Hoa thực câu thướng thuyền.
Hoa dĩ tặng sở úy,
Thực dĩ tặng sở liên.
III .
Sáng nay đi hái sen.
Hẹn láng giềng đi với.
Nàng đến tự bao giờ ?
Cách hoa nghe cười nói .
III .
Kim thần khứ thái liên,
Nãi ước đông lân nữ,
Bất tri lai bất tri,
Cách hoa văn tiếu ngữ.
IV.
Hoa sen ai cũng yêu,
Cọng sen nào ai thích,
Trong cuống có tơ bền.
Vấn vương hoài không dứt. 
IV .
Cộng tri liên liên hoa,
Thùy giả liên liên cán.
Kỳ trung hữu chân ty,
Khiên liên bất khả đoạn.
V.
Lá sen màu xanh xanh,
Hoa sen đẹp xinh xinh,
Hái chớ làm lìa ngó,
Năm sau sen chẳng sinh. 
V.
Liên diệp hà thanh thanh,
Liên hoa kiều doanh doanh.
Thái chi vật thương ngẫu,
Minh niên bất phục sinh.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ
Ghi lại giấc mộng 
Ký mộng
Dòng nước ngày đêm chảy,
Người biệt chốn cố hương.
Bao năm không gặp mặt,
Làm sao hết nhớ thương.
Trong mộng rành rành thấy,
Tìm ta nơi bến sông,
Dung nhan vẫn như trước,
Y trang buồn biếng chăm.
Trước kể nỗi đau ốm,
Rồi than những ngày xa.
Nghẹn ngào không nói hết,
Dường cách bức màn sa.
Bình sinh không thuộc lối,
Mộng hồn biết thật chăng?
Núi Điệp đầy hổ báo,
Sông Lam lắm thuồng luồng,
Đường đi thật hiểm trở,
Phận gái nhờ ai không?
Mộng đến đèn côi sáng,
Mộng tan gió lạnh lùng,
Người đẹp nào thấy nữa,
Lòng ta rối tơ vương.
Nhà trống vầng trăng xế,
Soi manh áo cô đơn, 
Thệ thủy nhật dạ lưu,
Du tử hành vị qui.
Kinh niên bất tương kiến,
Hà dĩ úy tương ti (tư).
Mộng trung phân minh kiến,
Tầm ngã giang chi mi.
Nhan sắc thị trù tích,
Y sức đa sâm si.
Thỉ ngôn khổ bệnh hoạn,
Kế ngôn cửu biệt ly.
Đái khấp bất chung ngữ,
Phảng phất như cách duy.
Bình sinh bất thức lộ,
Mộng hồn hoàn thị phi?
Điệp sơn đa hổ trĩ,
Lam thủy đa giao ly,
Đạo lộ hiểm thả ác,
Nhược chất tương hà y?
Mộng lai cô đăng thanh
Mộng khứ hàn phong xuy,
Mỹ nhân bất tương kiến,
Nhu tình loạn như ti.
Không lâu ốc tà nguyệt,
Chiếu ngã đan thường y.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch
Nguyễn Công Trứ - “Giang sơn một gánh giữa đàng…”
Nguyễn Công Trứ là người làng Uy Viễn huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1778, đỗ Giải nguyên khoa Kỷ Mão 1819 (Gia Long thứ 18).
Tương truyền vào năm Kỷ Mão ấy, vua Minh Mệnh còn là đông cung thái tử ra hồ Tĩnh Tâm chơi, tinh thần mỏi mệt, ghé nằm trên võng thiu thiu ngủ. Bỗng thấy một người học trò, tự xưng là học giả từ Lam Sơn đến hầu. Thái tử thấy người học trò đội mũ cỏ, tay cầm một cây gậy nhọn xiên qua bên mặt trời, tự nhiên mặt trời đùn lên một đám mây đen, rồi tối sầm lại. Người học trò giơ cây gậy lên thì đám mây đen tan ngay, trời sáng bừng lên. Thái tử về cung, đem việc nằm mộng hỏi thị thần. Quan Thái bộc đoán: “Người học giả là kẻ học trò, tên y tất có chữ giả
, đội mũ cỏ, tức là thêm bộ thảo đầu , tức là tên Trứ . Trong chữ Trứ có nét phẩy cài sít qua chữ nhật, tức là cái gậy xiên qua mặt trời. Từ Lam Sơn lại, người ấy tất ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Đám mây đen đùn lên ở bên mặt trời là điềm sau nầy biên thuỳ có loạn. Người ấy cầm gậy vẫy mà đám mây tan là điềm người ấy sau dẹp tan giặc. Vậy xin Điện hạ nghiệm xem khoa thi này có người tên Trứ quê ở vùng Nghệ Tĩnh thi đỗ không?”
Thái tử nghe lời. Đến khi quan trường chấm xong đệ danh sách vào Bộ duyệt, thấy thí sinh tên Nguyễn Công Trứ đỗ thủ khoa; Thái tử mừng là ứng vào điềm mộng và quốc gia đã tuyển được nhân tài chân chính. Khoa ấy, các quan chấm trường, và quan Thái bộc đều được thăng một cấp.
Quả nhiên, về sau, vào năm Minh Mạng thứ 18 (1834), tướng giặc Nồng Văn Vân đánh chiếm vùng biên giới tỉnh Cao Bằng, Nguyễn Công Trứ đang giữ chức Tổng đốc Hải Dương, được triều đình sai đi đánh, dẹp xong giặc.
Làm quan trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ông là người văn võ kiêm toàn, làm quan ở đâu cũng có chính tích, có tài thơ văn, đặc biệt sở trường về lối ca trù, là một trong những thi nhân có nhiều giai thoại văn chương.
Tương truyền, Nguyễn Công Trứ lúc còn trẻ rất hay đi hát ví. Có lần, ông bị đối phương là một cô gái trẻ, đẹp, hỏi dồn cho một thôi như sau:
Hỏi anh hà tính, hà danh,
Hà châu, hà quận, niên canh kỷ hà?
Người đẹp tham lam muốn tìm hiểu nhiều điều quá: Họ gì? Tên chi? Châu nào? Quận nào? Tuổi bao nhiêu? Trả lời cho đầy đủ cả bấy nhiêu điều vào trong vài câu thật không phải chuyện dễ. Nhưng im lặng không trả lời gì, thì chẳng hóa ra chịu thua người đẹp ư?
Nguyễn Công Trứ đứng ngẩn ra một lúc, rồi đành phải đáp lại qua quýt cho xong việc:
Trước Lam thủy sau Hồng sơn,
Nhà nào đọc sách gẩy đờn là anh.
Dù hay trêu hoa ghẹo nguyệt, nhưng khi gặp cô gái quá chủ động như vậy, Nguyễn Công Trứ lại không dám trêu ghẹo gì. Sau khi trả lời cô gái kia, ông cắp nón chuồn thẳng không dám ngoái cổ lại.
Nguyễn Công Trứ cũng nổi tiếng là người phong lưu. Năm 73 tuổi, khi nạp một người thiếp còn đương độ thanh xuân, tối tân hôn, ông cao hứng làm một bài hát nói có những câu hài hước sảng khoái:

Kìa những người mái tuyết đã phau phau
Run rẩy kẻ đào tơ còn mảnh mảnh.
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa lấp lánh,
Nhất tọa lê hoa áp hải đường. (1)
Từ đây đà tạc đá ghi vàng,
Bởi đâu trước lựa tơ chắc chỉ.
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ:
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam! (2)

Xưa nay mấy kẻ đa tình
Lão Trần là một với mình là hai.
Càng già càng dẻo càng dai.

Chú thích:
(1) Hoa lê trắng ở bên hoa hải đường đỏ
(2) Niên kỷ, cô dâu muốn hỏi tuổi đức lang quân
Năm mươi năm trước tớ hăm ba!
Trong thời gian ông sống nhàn ở Đại Nại, bố chánh Hà Tĩnh là Hoàng Nho Nhã, lúc rảnh việc thường đến chùa cùng ông bàn luận văn chương thế sự. Thấy ông quá đỗi phong lưu, họ Hoàng tặng câu đối:
Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu
Phong lưu đáo lão thế nhân vô
(Sự nghiệp kinh người thiên hạ có
Phong lưu đến già thế gian không)
Hơn 50 năm sau, ông Phan Bội Châu lên chùa Đại Nại chơi, thấy đôi câu đối treo ở nhà Tổ, lấy làm lạ, mới hỏi sự tình. Sư cụ thuật hết đầu đuôi câu truyện cho nghe. Ông Phan lấy làm khoái trá, cho là một giai thọai phong lưu đệ nhất, liền làm một bài thơ hoài niệm, có hai câu:
Hà như Uy Viễn Tướng quân thú
Túy ủng hồng nhi đáo pháp môn
(Làm thế nào được thú như Uy Viễn tướng quân
Lúc say mang cả ả đào lên cửa Phật)
“Sự nghiệp” phong tình của Nguyễn Công Trứ còn được dân gian truyền tụng rất nhiều, nhưng nổi tiếng nhất là giai thoại “Giang sơn một gánh giữa đàng…”. Thuở hàn vi, và cả khi đã công thành danh toại, chức trọng quyền cao, hay khi đã về già cưỡi bò ngao du sơn thuỷ, Nguyễn Công Trứ vẫn rất mê ca hát - nhất là hát Phường Vải và Ca Trù.
Gần làng Uy Viễn có làng Cổ Đạm là một phường Ca Trù nổi tiếng vào loại nhất nước, có nhiều đào nương tài giỏi và xinh đẹp, trong số đó có nàng tên là Hiệu Thư. Tương truyền cô đào ấy phong tư diễm lệ, tài hoa xuất chúng, giọng hát tuyệt hay, nhưng tính tình có lẽ vì thế mà kiêu kỳ, chỉ tiếp những vương tôn công tử, những người nổi danh trong chốn. Nguyễn Công Trứ say mê Hiệu Thư, nhưng vì nhà nghèo, không thể quen thân gần gũi được nên đành “kính nhi viễn chi” mà thôi. Nhân vốn là một tay đàn giỏi có tiếng trong vùng, cậu Nho sinh Trứ liền tìm cách xin vào làm kép cho Hiệu Thư, thường nàng đi hát ở đâu thì chàng cũng được cắp đàn đi theo.
Một tối nọ gánh Ca Trù Cổ Đạm được mời sang hát ở Vĩnh Yên cách đó khá xa, Hiệu Thư được điều đi phục vụ, và nàng xin ông bầu gánh mời Nguyễn Công Trứ - lúc này vừa đậu Giải nguyên nhưng chưa được triều đình gọi, vẫn là hàn sĩ sống ở quê - đi theo cùng để vừa hoạ đàn vừa đặt lời ca. Trên đường đi, không biết vì cớ gì mà hai người - chàng và nàng - tụt lại sau mọi người, chỉ có một đứa tiểu đồng nhỏ theo hầu. Mải mê nói chuyện, lúc đến giữa cánh đồng rộng, Nguyễn Công Trứ giả vờ sửng sốt vì phát hiện ra mình đã bỏ quên dây đàn ở nhà, và ngon ngọt nhờ chú tiểu đồng chạy về lấy hộ. Thế rồi… trên cánh đồng lúa giập giờn chỉ còn trai tài gái sắc… cũng giập giờn… và… tiếng “Ứ hự” vang lên kỳ diệu, lạ lùng.
Ít ngày sau đêm đó, Giải nguyên Trứ được triệu vào Kinh nhậm chức… Rồi nhiều năm trôi qua… Nguyễn Công Trứ đã trở thành Tham tri bộ Binh kiêm Tổng đốc Hải An. Một lần, nhân ngày vui ông cho tổ chức cuộc hát xướng tại tư dinh, nhờ các quan sở tại mời các danh ca đến phục vụ. Chẳng ngờ trong số những người được mời đến lại có cả cô đào Hiệu Thư. Khi bước ra trình diễn, ngước mắt trông lên, nhận ra quan Tổng đốc ngồi nghe hát kia chính là chàng kép Trứ ngày nào trên cánh đồng lúa huyện nhà, nàng liền cất giọng:
Giang san một gánh giữa đồng,
Thuyền quyên “ứ hự” anh hùng nhớ chăng?
Nghe câu hát, Nguyễn Công Trứ như giật mình bởi một cảm giác vừa nhói đau, vừa ngọt ngào từ đâu đó sâu trong ký ức hiện về. Định thần nhìn lại nàng ca kỹ vừa hát lên câu đó, quan Tổng đốc chợt thảng thốt hỏi:
– Có phải… Hiệu Thư đó không?
Khi cuộc hát tàn, hai người ngồi lại tâm sự, nàng kể cho chàng nghe quãng đời chìm nổi, phiêu bạt của mình kể từ đêm cánh đồng năm ấy… Khi biết Hiệu Thư vẫn chưa có chồng, quan Tổng đốc liền quyết định cưới nàng làm thiếp.
Ghi lại câu chuyện trên, thi sĩ Nguyễn Công Trứ để lại một bài thơ:
Liếc trông đáng giá mấy mười mươi
Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười,
Giăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết
Hoa tàn song lại nhuỵ còn tươi.
Chia đôi duyên nợ, đà hơn một
Mà nét xuân kia vẹn cả mười,
Vì chút tình duyên nên đằm thắm
Khéo làm cho bận khách làng chơi.
Nguyễn Công Trứ là kẻ rất phong lưu, đào hoa, thích hát xướng, cô đầu, trăng gió, khi còn bạch diện thư sinh hay đã đỗ làm quan lẫn lúc về già trí sĩ, vẫn mê rong chơi, hát xướng.
Chuyện kể rằng, một lần Nghè Tân gửi tặng cụ Trứ đôi câu đối:
Giang sơn tóm lấy đôi sân khấu
Văn vũ ra tay một khúc cầm.
Nhận được, mọi người xem xong xúm vào khen rối rít. Đúng là câu chữ nói về cụ Thượng Trứ: nào “giang sơn”, nào “sân khấu”, nào “văn vũ”, nào “khúc cầm” (khúc đàn)… Riêng khổ chủ Nguyễn Công Trứ chỉ lặng im tủm tỉm cười ruồi. Thấy thế, mấy người bạn của cụ lấy làm lạ, họ cố suy nghĩ, và cuối cùng rồi cũng hiểu. Thì ra “giang sơn” ở đây là từ câu thơ của một đào nương tặng cụ mà ai cũng biết:
Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ… hự… anh hùng nhớ chăng?
Còn “tóm lấy đôi sân khấu” đối với “ra tay một khúc cầm” (cầm một khúc!) thì quả là vừa hay, chuẩn, vừa hóm hỉnh tinh nghịch!. 
6."LÀM CÂY THÔNG ĐỨNG GIỮA TRỜI"
(*) Tiêu đề trích thơ Nguyễn Công Trứ
c. Ngông nghênh:
Nhắc đến nhà Nho tài tử, không thể không kể đến thái độ ngông nghênh, khinh thế ngạo vật của những con người nhận thức rõ tài năng của bản thân trước thời thế này. Vậy, họ thể hiện sự ngông của bản thân như thế nào?
Chúng ta hãy bắt đầu với Nguyễn Khản, quan đại thần dưới thời chúa Trịnh Sâm. Khi làm quan, Nguyễn Khản thường xin phép nghỉ ở nhà. Thấy vậy, chúa Trịnh có đưa bài thơ nôm trách móc:
Đã phạt năm đồng bỏ lỗi chầu,
Lại phạt năm đồng bỏ thiếu câu.
Nhắn nhủ ông bay về nghĩ đấy,
Hãy còn phạt nữa chửa thôi đâu.
Vì khi ấy, buổi ngoại chầu và buổi ngự câu, đang lúc nghỉ, ông không tới hầu ngự được, nên đều bị phạt năm đồng. Nhận được bài thơ, Nguyễn Khản có họa lại rằng:
Váng vất cho nên phải cáo chầu,
Phiên chầu còn cáo, lọ phiên câu.
Trông ân phạt đến là thương đến,
Ấy của nhà vua chớ của đâu.
Chúa Trịnh Sâm lấy làm khen. Một ngày kia, trong nhà ông Nguyễn Khản bày cuộc yến tiệc, thiếu chè uống. Chợt quan Trung sứ có việc ra nhà ông, ông không kịp làm tờ khải, chỉ viết tay mấy chữ: “Thần Khản khuất trà nhất lạng”. Quan Trung sứ đem về dâng, chúa Trịnh ban cho một hòm chè.
Chúa Thịnh Vương thường ngự giá ra nhà Nguyễn Khản chơi, ông đi một chiếc thuyền nhỏ từ cừ Long Lâu ra hồ Tiên Tích rồi đến nhà Nguyễn Khản. Khi vào nhà chúa thăm hỏi cả đến vợ con, yêu mến Khản không ai bằng. Hồi ấy,(1769) con trai đầu lòng nhà chúa là Tông quận công (Trịnh Khài) ra ở học nhà quan Nội phó Nguyễn Phương Dĩnh. Ông Nguyễn Khản và ông Lý Trần Thản được sang làm quan tả hữu tư giảng. Sau Lý công mất, ông chuyên một mình làm chức tư giảng.”
Trịnh Vư­ơng rất sủng ái tuyên phi Đặng Thị Huệ khi bà sinh con trai Trịnh Vư­ơng có ý dành ngôi Thế tử của con trư­ởng Trịnh Tông cho Trịnh Cán. Đư­ợc tin Nguyễn Khản tham mưu đảo chính giúp Thế tử Trịnh Tông. Việc bại lộ Trịnh Sâm chỉ gọi ông về triều, những người cùng mưu bị hành hình nhưng Nguyễn Khản được tha tội chết.
Bài Tự Tình Khúc của Thượng Thư Nguyễn Khản, có trong sách Quốc âm phú lưu giữ ở Thư viện Đông Phương bác cổ Paris mục Thuật hoài phú. GS Hoàng Xuân Hãn trích dẫn trong Chinh phụ ngâm bị khảo tr. 47, 48.
TỰ TÌNH KHÚC
Dặm nghìn cách diễn, - Lòng tấc cẩn phong.
Chốn tĩnh viện gửi lời cặn kẽ ; - Bức vân tiên bày sự thủy chung.
Bút châu cơ thảo chữ châu cơ, đỡ nỗi mặt từng khuất mặt, - Lời vàng đá đưa nơi vàng đá, dầu ai lòng lại hay lòng.
Tưởng từ:
Thanh điểu tin trao, - Hoàng oanh duyên quyến.
Thú Lam Kiều gió phận thoảng đưa; - Cung Đằng Các lửa hương chắp bén.
Đây đấy đường xe tơ đỏ, bức cẩm bình đòi thủa mây mưa. - Thốt thề hổ có vừng hồng, đường hòe lộ mấy lần oanh yến.
Những ngỡ:
Duyên ưa giải cấu, - Phận đẹp chung kỳ.
Cung đan quế nhờ tay bẻ quế; - Sự bất kỳ nên nghĩa tương kỳ.
Duyên cải kim nhờ nước ngự câu, lá thắm gửi đưa ả Thúy. Nghĩa giao tất mượn tay Nguyệt Lão, tơ hồng vất vít họ Vi.
Vách trúc dầu mặc người xạ trước. - Phòng hương sao cấm kẻ khiên ti.
Nhà lan huệ rủ áo chen vai, mặt đối mặt phỉ nguyền ao ước. - Thềm Tôn Tử đan tay sánh bước, lòng hay lòng bõ thuở vân vi.
Chín nguồn cạn, đã nguyền thiên tải.- Ba kiếp vui, há chỉ một thì.
Thuyền nhẹ khen ai quyến nguyệt hồ.
Mơ màng dường tưởng tới non Vu.
Mới hay xuân chiếng hoa gần điệp
Gạn hỏi trăng kia dễ cấm ru?…
Xem trên chúng ta thấy văn chương ông đài các, chải chuốt nhẹ nhàng. Chúa Trịnh Sâm là vị chúa yêu văn chương sáng tác nhiều thơ Quốc âm, đọc bài Tự Tình Khúc chắc cũng cảm phục thương tài, nghĩ tình bạn cũ, biết rõ nỗi lòng trong sáng của ông nên không giết, cũng không ép ông tự vẫn. 
Không giống Nguyễn Khản được chúa yêu quý cưng chiều, một nhà Nho tài tử ngông nghênh khác là Nguyễn Công Trứ, dù lập được nhiều công lao giúp vua, nhưng hoạn lộ lại lúc lên lúc xuống, khi thì lên đến đại thần, lúc lại bị giáng xuống thành tên lính quèn. Thế nhưng dù ở vị trí nào, Nguyễn Công Trứ vẫn giữ được thái độ thị tài, ngông nghênh của mình. Ông từng viết:
Đem ngàn vàng chác lấy chuyện cười
Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các, cho người biết tay!
Tài tình, dễ mấy xưa nay!
(Cầm kỳ thi tửu 2)
Hoặc:
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi
Dở duyên với rượu khôn từ chén
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời
Cờ sẵn bàn son xe ngựa đó
Đàn còn phím trúc tính tình đây
Ai say, ai tỉnh, ai thua được
Ta mặc ta mà ai mặc ai!
(Cầm kỳ thi tửu 1)
Bên cạnh thơ ca, Nguyễn Công Trứ từng nổi tiếng với giai thoại “Trên dưới, trong ngoài, lớn bé đều chó cả”. Cụ thể, giai thoại ấy như sau: Sau gần ba chục năm tận tâm lăn lộn chốn quan trường, mấy lần dâng sớ xin nghỉ hưu nhưng vua vẫn không cho. Rồi khi đã qua tuổi thất thập, cụ Trứ lại lần nữa dâng sớ lên vua mới Tự Đức vừa lên ngôi, và lần này thì được Ngài phê duyệt, được về với chức quan Phủ doãn Thừa Thiên. Ngày “nhận sổ hưu”, với 170 quan tiền được lĩnh, Nguyễn Công Trứ liền rầm rộ tổ chức một bữa tiệc chia tay bạn bè, đồng liêu trên dưới.
Gia nhân tấp nập mượn nhà, mua sắm lễ vật, cơm rượu đề huề. Và thật nhiều chó, những 40 con chó đủ loại sắc thể! Các quan khách kéo đến rất đông (nghe nói nhà vua cũng vi hành đi bộ đến dự), ngửi mùi cầy do bàn tay những đầu bếp xứ Nghệ chế biến thơm lừng, chỗ này chỗ kia dậy tiếng trầm trồ to nhỏ: “Ôi, thịt chó, chó, nhiều quá!” Và hình như chỉ chợ có vậy, cụ Thượng Trứ về hưu đứng dậy vuốt râu dõng dạc và khoan thai nói: “Dạ thưa, đúng như vậy đấy ạ,” Cụ đưa tay chỉ quanh khắp lượt, tiếp “đúng là trên dưới, trong ngoài, lớn bé, tất cả đều là chó hết cả ạ!”. Nghe thấy lời ấy, kẻ không để ý thì nghĩ đến thịt chó, nhưng người thâm thúy thì biết ngay ý cụ Trứ thâm thúy đến mức nào.
Nghỉ hưu rồi, về quê, Cụ Trứ nhờ nhân dân giúp đỡ, dựng một ngôi nhà lá rất nhỏ cạnh chùa Cảm Sơn dưới chân núi Đại Nài, cách lị sở tỉnh Hà Tĩnh chừng vài dặm. Thường cưỡi bò vàng đạc ngựa cùng cô vợ trẻ (hầu non) vừa mới cưới, cô này cũng là ca kỹ, đi ngao du và ca hát. Có lần ông gọi cả gánh ca trù đến hát ngay giữa sân chùa. Vị sư trụ trì tại đây sợ quá, bèn tìm đến nhờ quan Bố chính Hà Tĩnh lúc đó là Hoàng Nho Nhã can thiệp giúp. Hoàng bèn đích thân đến xem, từ xa nghe lời ca trong tiếng đàn réo rắt:
… Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng,
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi,
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi gì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng!
Quan Bố chánh cũng say sưa với thơ hay, đào đẹp, giọng ngọt, đàn êm, quay lại bảo với nhà sư trụ trì:
– Thôi đừng can thiệp vào thú vui của Cụ, mà có muốn ta cũng không can thiệp được đâu!
Nghe kể, cuối buổi, Hoàng Nho Nhã làm tặng cụ Trứ đôi câu đối rất hay:
Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu,
Phong lưu đáo lão thế gian vô!
Nghĩa là kẻ làm nên sự ngiệp khiến người đời khiếp sợ trong thiên hạ vẫn còn, chứ người đến già vẫn phong lưu (như cụ) thì thế gian không có!
Cụ Thượng Uy Viễn Nguyễn Công Trứ ngang tàng, coi đời như một cuộc chơi thú vị theo ý ngông của mình cho đến tận lúc chết, và cả chết Cụ cũng ngông như vừa nói ở trên. Thế nhưng, cái ngông, cái ngạo của Cụ không dừng lại ở kiếp này, mà còn sang cả kiếp sau nữa.
Tương truyền, vào phút lâm chung, cụ Trứ dặn con cháu trước mộ mình chỉ trồng một cây thông xanh mà thôi. Và bài thơ Cụ để lại sau đây cũng có thể coi là lời di chúc của Cụ với đời: kiếp người, dù có tài, có sang, có chơi đến như Cụ vẫn có những lúc buồn tênh, vẫn đầy những nhộn nhạo, khóc cười; và Cụ hẹn một cuộc chơi khác:
Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!
Nhưng dù thế, Cụ vẫn không muốn mình đơn độc, vẫn muốn tìm bạn, để có người tri kỉ, cùng chơi. Cụ gửi lại lời mời đầy thách thức:
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông!
Kết luận:
Như vậy, qua thơ ca và cuộc đời của các nhà Nho tài tử, có thể thấy thái độ chung của những người tài tử này là tự giễu khi nói về cảnh nghèo khổ của bản thân, chê trách khi nói về những người thô lỗ không biết hưởng thụ hoặc những kẻ gian xảo chốn quan trường, và tự hào khi nói về cái tài của mình
Nguyễn Du hay đi hát phường vải, Phạm Đình Hổ viết về các thú vui khi nhàn rỗi, Nguyễn Gia Thiều vẽ tranh, Nguyễn Khản ngông nghênh, Nguyễn Công Trứ yêu mến ca trù,… Dù các nhà Nho tài tử hưởng lạc như thế nào, thì họ vẫn có một điểm chung là đặc biệt nhấn mạnh vào tài văn chương thơ phú. Làm thơ đối với nhà Nho tài tử vốn không phải để nói chí, tải đạo mà là để thể hiện thú vui chơi, quan điểm cá nhân của mỗi người.
Nhìn chung, đã là tài tử là phải biết ăn chơi, tự do, vượt vòng cương toả của đạo lý Khổng giáo, không quan tâm đến lẽ xuất xử, hành tàng. Nhưng nhìn kĩ vào cuộc đời và tác phẩm của các nhà Nho tài tử này thì lại thấy họ vẫn là những trung thần đắc lực ở mỗi triều đại họ sống. Dường như cái thú hưởng lạc, ăn chơi kể trên chỉ là một liệu pháp thư giãn của họ, chứ không phải là một lối sống trường kỳ, thường trực. Đây chính là điểm khiến cho các nhà Nho tài tử, dù biết đến lối sống hưởng lạc, nhưng lại chẳng thể toàn tâm toàn ý với lối sống hưởng lạc, xa rời thế sự được.
Tài liệu tham khảo:
Loại hình học tác giả văn học: Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam - Trần Ngọc Vương
Nhà Nho tài tử - Nguồn gốc, nội dung và ý nghĩa đối với việc nghiên cứu văn học trung cận đại Việt Nam
Mẫu hình nhà Nho tài tử Nguyễn Công Trứ
Tuyển tập tác phẩm Nguyễn Công Trứ
36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ
Tuyển tập tác phẩm Nguyễn Du
Giai thoại Nguyễn Du
Đi tìm Cổ Nguyệt Đường và mối tình Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du
Vũ trung tùy bút - Phạm Đình Hổ
Nguyễn Khản - Quan thượng thư tài hoa
Phạm Thái - Tráng sĩ si tình
Nguyễn Trãi và tư tưởng xuất xử của nhà Nho.
Nguyễn Hoàng Dương 
tổng hợp và biên soạn
Theo https://bookhunterclub.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...