Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Nguyễn Đình Thi - Chim phượng bay từ núi

Nguyễn Đình Thi
Chim phượng bay từ núi

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Đình Thi nổi lên với tư cách một nhà văn cách mạng, sung sức, giàu hoài bão và năng lực sáng tạo. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ Nguyễn Đình Thi cùng với một thế hệ những nhà văn cách mạng như Tô Hoài, Nam Cao, Trần Đăng hăng hái "nhận đường", cầm súng, cầm bút chiến đấu. "Văn nghệ, phụng sự chiến đấu nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới, sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta" (Nguyễn Đình Thi). Sau chiến dịch Thu đông Việt Bắc Nguyễn Đình Thi có những bài thơ hay giàu cảm xúc về đất nước và người chiến sĩ. Tập thơ Người chiến sĩ ngoài giá trị về nội dung còn mở ra một quan niệm, một cách thể hiện mới của thơ. Nguyễn Đình Thi tôn trọng nhưng không lệ thuộc vào truyền thống. Cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi ở Việt Bắc đã nói lên tinh thần tìm tòi và đổi mới của Nguyễn Đình Thi trong thơ. Đi chiến dịch Trung du ông viết Xung kích, những trang văn xuôi buổi đầu của nền văn xuôi cách mạng mang nội dung và giọng điệu mới. Nguyễn Đình Thi là nhà văn nhạy cảm và luôn có mặt trên dòng thời cuộc của dân tộc. Những năm chống Mỹ ông lại đến với chiến trường. Vào lửa, Mặt trận trên cao là những trang viết nóng hổi hơi lửa thời sự trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc. Và xa hơn, tác giả lại đến với chiến trường xa, đi dọc Trường Sơn rồi đến với những miền quê Nam Bộ. Buổi chiều Vàm Cỏ, Lá đỏ Trường Sơn, là những cảm nhận chân thực và hình ảnh cụ thể của cuộc sống ở chiến trường. Lúc này chiến tranh đang ở vào những ngày ác liệt nhất. Cuộc sống của con người cũng như thiên nhiên bị hủy diệt. Sự tương phản giữa cái thiện và ác căng lên qua các câu thơ. Đến với cuộc đời thực ông khao khát trong văn chương sự kết hợp giữa cái thực và mơ ước. Tác giả luôn nghĩ đến cái đích đi tới của một cảnh đời, mỗi nhân vật. Cảm hứng tương lai in đậm qua trang viết. Gắn bó với cuộc đời mới, với quần chúng lao động tâm hồn người nghệ sĩ cởi mở, lạc quan, dễ chan hòa với mọi người. Nguyễn Đình Thi là một nhân cách giàu bản lĩnh văn hóa. Đến với triết học phương Tây từ khi còn trên ghế nhà trường Nguyễn Đình Thi hiểu rõ những trào lưu tư tưởng với những đối cực và màu vẻ khác nhau. Trong nhiều tác phẩm văn chương ông lấy gốc văn hóa làm điểm xuất phát, những vấn đề văn hóa làm trung tâm luận bàn, những giá trị văn hóa làm chuẩn mực đánh giá. Chính ưu điểm đó góp phần xác định tiếng nói riêng của Nguyễn Đình Thi trong sáng tạo nghệ thuật. Với định hướng tìm tòi sáng tạo trên Nguyễn Đình Thi luôn đề cao giá trị nhân bản của văn chương. Có sự gắn bó tự bên trong giữa lý tưởng và hành vi cách mạng với chủ nghĩa nhân đạo, mỗi tác phẩm trong thời kỳ hiện đại với nhiều biến động và xung đột về tư tưởng phải dựa vào chuẩn mực lớn về tính dân tộc và chủ nghĩa nhân đạo. Khai thác đề tài lịch sử, đề tài trước Cách mạng Nguyễn Đình Thi cũng đã viết với tinh thần trên. Bộ tiểu thuyết Vỡ bờ khái quát được lịch sử trong những tháng năm nhiều gian truân thử thách. Số phận các nhân vật ở nông thôn, thành thị liên kết với nhau vì mục đích chung cứu nước, cứu nhà. Chất sử thi thấm đượm trong nhiều cảnh ngộ và cuộc đời gần gũi.
Hơn nửa thế kỷ qua ông đã đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị từ thơ ca, lý luận, văn xuôi, âm nhạc cho nền văn nghệ dân tộc. Có một phong cách và giọng điệu Nguyễn Đình Thi qua văn chương. Ông là nhà văn của thời cuộc, luôn có mặt và nhiệt tình tham gia vào những sự kiện chính trị của đất nước. Ông cũng là người viết say mê khám phá những giá trị tinh thần ổn định bền vững của dân tộc.
Hai công việc đó không phải bao giờ cũng kết hợp thuận chiều. Ông đã vượt lên những trở ngại, chủ động trong sáng tạo và đạt hiệu quả. Ông ra đi để lại bao tiếc thương cho gia đình, bè bạn. Cuộc đời nào khép lại cũng có phần dang dở của những dự định những công việc chưa xong. Như một dự báo, trong bài thơ Gửi các bạn mai sau viết vào dịp đầu Xuân, Nguyễn Đình Thi đã chân thành tâm sự với thế hệ mai sau và cũng chính là lời tự bạch:
Các bạn sẽ đến mai sau
Mong hiểu cho chúng tôi
Rất nhiều công việc chưa làm kịp
Và cũng nhiều điều chưa nói kịp
Chúng tôi đã vất vả suốt đời...
Sự vất vả gian nan không phải với riêng ai mà là của một thời đại, một dân tộc đặt trên vai mỗi người trong trách nhiệm cứu nước, giữ nước, để đạt được ước mơ cao đẹp nhất và cũng bình dị nhất là tự do cho mỗi cuộc đời. Cũng bình dị như quan niệm của ông về hạnh phúc "Hạnh phúc chúng ta là không nô lệ. Phải không em là sống có tình thương". Ông muốn nói cái cốt lõi của vấn đề, của một thời điểm lịch sử mà bên trong không khỏi có âm hưởng xót xa. Với riêng mình sinh thời ông vẫn mơ ước viết và phải viết xong cuốn tiểu thuyết về chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến thắng lớn của dân tộc mà ông đã vinh dự có mặt. Năm tháng qua đi và ông chưa thể làm xong. Một mơ ước nữa mà ông thường luận bàn với bạn bè là tìm tòi những giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc Việt Nam ẩn sâu qua những câu chuyện dân gian, thần tích, câu ca, lễ hội, danh lam thắng cảnh. Ông đã làm được một phần công việc và tất cả còn ở phía trước. Mọi người sẽ tiếp tục công việc của ông là luôn nhớ mãi lời thơ chân tình của ông, tiếng nói của một thế hệ có nhiều đóng góp:
Một đôi khi nhìn xanh tươi non nước
Các bạn sẽ nhớ đến chúng tôi.
Hà Nội, ngày 19-4-2003
Nhân giỗ đầu của nhà văn Nguyễn Đình Thi
NHỮNG KHÁT VỌNG SÂU SẮC CỦA MỘT ĐỜI VĂN
Nguyễn Đình Thi là nhà văn mà tôi quý trọng về con người cũng như sự nghiệp văn chương. Nguyễn Đình Thi là người viết đa tài, viết nhiều thể loại và ở thể loại văn nghệ nào cũng gây ấn tượng và có thành tựu. Có lần tôi hỏi ông quan niệm về các thể loại văn học mà nhà văn đã sử dụng. Nguyễn Đình Thi yêu thích nhiều thể loại nghệ thuật, văn chương. Ông cho rằng: âm nhạc là tinh vi nhất song người viết dễ chơi vơi đuối sức. Thơ là thể loại nói được mình nhiều hơn cả; Tiểu thuyết là máy cái trong văn học và cũng là thể loại khó và nhiều thử thách nhất. Nghệ thuật kịch cũng rất tập trung và tạo bất ngờ. Nguyễn Đình Thi say mê với tiểu thuyết vào những năm của thập kỷ sáu mươi, kịch ở thời kỳ cuối và thơ viết đều ở các chặng đường.
Nguyễn Đình Thi băn khoăn khi một số sách vở xếp ông là nhà văn của thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Thực ra, ông đã sống một số năm dưới chế độ cũ. Cách mạng tháng Tám thành công Nguyễn Đình Thi đã 21 tuổi. Ông tham gia phong trào Việt Minh từ năm 1941, có vốn sống về xã hội cũ đặc biệt là vốn sống về thành thị. Ông là một trí thức trẻ tài năng, tác giả của một số sách giới thiệu triết học phương Tây. Ông cũng khác với một số văn sĩ tiền chiến về quá trình đào tạo, hoàn cảnh vào nghề và phong cách sáng tạo. Thời điểm 1940-1945 là rất quan trọng với sự hình thành tài năng và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Đình Thi đã tiếp nhận được những giá trị tinh thần, tri thức văn hóa và kinh nghiệm hoạt động trong cuộc sống sôi động ở cả hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám. Trước cách mạng, tuổi trẻ sớm được giác ngộ ông đã trở thành một thành viên tích cực của phong trào Việt Minh. Thời gian này Nguyễn Đình Thi đã hoàn thành vốn kiến thức và chuyên sâu ở một ngành khoa học xã hội như triết học, văn học. Cách mạng tháng Tám thành công đã thực sự tạo cảm hứng văn chương và thôi thúc sức sáng tạo của Nguyễn Đình Thi. Buổi đầu là thành công xuất sắc về âm nhạc với Diệt phát xít, Người Hà Nội. Tiếp theo là thơ, rồi tiểu thuyết. Tài năng, vốn văn hóa uyên bác là động lực sáng tạo quan trọng của Nguyễn Đình Thi. Vốn văn hóa là chỗ mạnh của Nguyễn Đình Thi và vốn tri thức đó đã được đốt cháy như cách nói của Xuân Diệu để thành nguồn sáng tạo trong văn chương. Đến với cuộc kháng chiến Nguyễn Đình Thi đã “nhận đường” và từ đấy trở thành người chiến sĩ gắn bó với cách mạng suốt những chặng đường dài gian khổ. Cũng như nhiều nhà văn khác tác phẩm thường thể hiện sâu sắc những tình cảm lớn với đất nước với nhân dân phản ánh nhiều mặt tiêu biểu của cuộc kháng chiến của dân tộc. Qua những trang viết Nguyễn Đình Thi còn bộc lộ những khát vọng sâu sắc của người cầm bút.
Trước hết là ý thức và sự nỗ lực tìm tòi cái mới trong nghệ thuật. Nguyễn Đình Thi không muốn đi lại trên những nẻo đường mòn. Thơ Nguyễn Đình Thi ngay từ buổi đầu đã bộc lộ một phong cách riêng. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ảnh hưởng của thơ mới còn nặng trong nội dung và nhất là trong hình thức nghệ thuật thơ Nguyễn Đình Thi đã vượt ra khỏi quỹ đạo đó và đã gây nên nhiều luận bàn, tranh cãi. Xung kích cuốn tiểu thuyết đầu tay mang hơi thở khỏe của cuộc sống và những mẫu hình của con người mới khác với tiểu thuyết trước Cách mạng. Và ở những cuốn tiểu thuyết dài, tác giả cũng đã chọn lọc chính xác và miêu tả được chân thực nhiều nhân vật và quan hệ của các nhân vật trong cuộc đời cũ. Đặc biệt là tổ chức kết cấu của tiểu thuyết mang màu sắc hiện đại. Với kịch nói Nguyễn Đình Thi cũng đã có những thể nghiệm thành công trên một hướng đi có nhiều tìm tòi, khác với truyền thống quen thuộc.
Cái mới tạo sự phát triển cho nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cũng dễ được chấp nhận. Phần thì do tác giả chưa chắc tay và thấu suốt, phần thì do những hạn chế của cuộc sống. Điều đáng quý là nhà văn không mệt mỏi, kiên trì chủ định của mình.
Một điểm nổi lên ở Nguyễn Đình Thi là khát vọng tìm hiểu cuộc sống và nói được sự thật của đời sống. Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi có mặt ở nhiều chiến trường. Từ chiến dịch Việt Bắc, Trung du đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời kỳ chống Mỹ, Nguyễn Đình Thi đã đến với tiền tuyến lớn khi đã chớm vào thời kỳ có tuổi tác. Những bài thơ Lá đỏ, Buổi chiều Vàm Cỏ tưởng như một thoáng cảm xúc và ghi nhận mà vẫn mang dấu vết của một chuyến đi với nhiều hình ảnh chắt lọc từ cuộc sống. Viết về chiến tranh, Nguyễn Đình Thi không dừng lại ở sự ghi chép mà muốn đặt những vấn đề từ cuộc sống, phẩm chất anh hùng của con người mới, số phận của người lính trong chiến tranh, vấn đề sống và chết, và ở chặng đường sau là vấn đề hai thế hệ cầm súng. Nguyễn Đình Thi khát khao tìm hiểu cuộc sống thật. Trong một dịp nói chuyện ở trường Đại học vào năm 1966 về tác phẩm Vào lửa Nguyễn Đình Thi nêu một số nhận xét của bạn bè “Đoạn tả chị Lích khóc anh lính trẻ chết có người bảo là bạo quá. Nhà văn Kim Lân đọc đoạn tả người vợ Đức nhỏ những giọt nước mắt trên vết sẹo của người chồng và bảo “Ông dám viết thế sao?”. Tô Hoài cho rằng cái chỗ anh lính trẻ ngồi trên ụ súng mân mê củ khoai đọc thấy nó ghê quá”. Nguyễn Đình Thi bảo tôi nghĩ nó là sự thật và cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống thôi”. Trong Vào lửa có đoạn tả nhân vật Xuân trên đường vào trận gặp báo động giữa đường. Anh nấp trong giao thông hào và nghĩ đến cái chết có thể ngẫu nhiên xảy ra, một cái chết mà Nguyễn Đình Thi gọi là “dấm dớ”. Người lính nào đi vào cuộc chiến đấu, nếu phải hy sinh cũng mong ước sự hy sinh trong tư thế đẹp, tư thế kiên cường.
Cuộc sống bao gồm nhiều phạm vi và Nguyễn Đình Thi muốn tiếp cận và khai thác vào bề sâu, vào bản chất của sự vật. Sinh thời Nguyễn Đình Thi vẫn khao khát và có dự kiến viết một tiểu thuyết về Điện Biên Phủ. Mong ước ấy là có căn cứ và trong tầm với gần gũi với một nhà văn tài năng và đã trải nghiệm qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Năm tháng đi qua, công việc vẫn chồng chất, cuốn sách của niềm mong ước vẫn không thực hiện được. Đó thực sự là một sự thiệt thòi nhất là trong dịp đất nước kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ tham gia hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Đình Thi đã làm tròn trách nhiệm của mình. Từ ấy “nhận đường” và đến hôm nay trên con đường cách mạng mọi người vẫn nhớ đến anh, quý mến tấm lòng và tài năng của anh.
BÀI THƠ ĐẤT NƯỚC CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI
Đất nước là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Đình Thi. Cảm nhận về đất nước được thể hiện trong thơ ca Việt Nam như một truyền thống, từ thơ của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đề tài đất nước được các nhà văn, nhà thơ khai thác với nhiều khía cạnh khác nhau. Bài thơ Đất nước không viết về một làng quê cụ thể, một con người cụ thể mà là một bài thơ mang tính chất tổng hợp. Trong thơ ca thời chống thực dân Pháp số lượng bài thơ viết theo hướng này không nhiều, có thể kể: Tình sông núi của Trần Mai Ninh, Ta đi tới và Việt Bắc của Tố Hữu. Đất nước được viết trong thời gian dài từ 1948-1955, viết không liền mạch. Bài thơ được tổng hợp từ nhiều bài thơ khác nhau, đặc biệt là một số đoạn trong bài Đêm mít tinh và Sáng mát trong như sáng năm xưa. Trong bài thơ Sáng mát trong như sáng năm xưa Nguyễn Đình Thi có những ý thơ hay:
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em
Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngõ vắng
Thềm lối cũ ra đi
Lá rụng đầy
Tác giả cũng lấy một vài đoạn trong Đêm mít tinh, đáng chú ý nhất là đoạn:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa.
Tuy bài thơ được tổng hợp từ nhiều sáng tác nhưng vẫn liền mạch, nhất quán. Đất nước là một sáng tác có thời gian và không gian đặc biệt. Mở đầu bài thơ tác giả lấy điểm nhìn là một buổi sáng mùa thu ở Việt Bắc với bầu trời thu trong sáng, gió thu trải trên những cánh đồng thơm hương lúa. Đất nước đã bước vào cuộc kháng chiến được một vài năm với những thắng lợi ban đầu vững chắc, đặc biệt là chiến dịch Thu đông Việt Bắc (1947) đã tạo nên cảm hứng lạc quan tin cậy phấn khởi cho hàng loạt những bài thơ ra đời như Tây Tiến, Bên kia sông Đuống, Đồng chí.
Mùa thu Việt Bắc gợi cho tác giả nhớ đến mùa thu của những năm tháng đã xa, mùa thu Hà Nội. Nguyễn Đình Thi là nhà văn có nhiều sáng tác hay về Hà Nội. Về đề tài Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng có những tác phẩm viết về đề tài lịch sử, đặc biệt là tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô. Nguyễn Tuân cũng là người am hiểu về sinh hoạt Hà Nội, đặc biệt là những thú vui chơi. Vũ Trọng Phụng miêu tả chân thực những mặt trái của Hà Nội cũ, những tệ nạn xã hội; Thạch Lam lại gợi tả được cái không khí Hà Nội thanh lịch và giàu chất thơ. Còn Nguyễn Đình Thi thì miêu tả Hà Nội trong thời kỳ hiện đại, thời kỳ tiền khởi nghĩa và những ngày tháng Tám.
Bài thơ Đất nước tuy không nói về Hà Nội nhưng đặc biệt ở khổ thơ đầu đã miêu tả được bản chất và vẻ đẹp của Hà Nội, cảnh vật và con người. Hà Nội là một thành phố đẹp khi bước vào mùa thu.
Mùa thu Hà Nội với những gương nước hồ, với những hàng liễu tươi xanh và mùa hoa quả đặc biệt, dậy thơm hương cốm hương hồng.
Hà Nội cũng được chứng kiến mùa thu tháng Tám với rừng cờ và hoa, và niềm vui giải phóng. Mùa thu thường tạo nên những tâm trạng xen lẫn vui và buồn, vì thế có những bài thơ thiên về khai thác những nét vui, tươi sáng, trong trẻo của mùa thu và cũng có nhiều nhà thơ thiên về khai thác những nét buồn. Làm sao không xúc cảm được trước vẻ đẹp của một vầng trăng ngẩn ngơ và sương thu tỏa trên cỏ cây và nhiều những nét thu buồn khác. Nguyễn Đình Thi đã chọn những nét thu buồn phù hợp với cuộc sống tù túng, bế tắc của thời kỳ trước Cách mạng. Miêu tả Hà Nội vào thu tác giả đã chọn không khí của lúc giao mùa với những nét rất đặc trưng của phố phường Hà Nội chớm vào thu: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội”, với “Những phố dài xao xác heo may”. Một Hà Nội vắng vẻ đang bước vào những ngày thu và tâm hồn con người như đang có điều gì trăn trở bâng khuâng. Nguyễn Đình Thi đã chọn những nét tĩnh lặng, buồn và đẹp, đó là mầu sắc thẩm mỹ và cảm hứng của Nguyễn Đình Thi về Hà Nội. Nguyễn Đình Thi miêu tả hình ảnh người Hà Nội ra đi với những nét lặng lẽ, trĩu nặng tâm tư:
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Có ý kiến cho rằng, người ra đi ở đây là đầu 1946 khi kháng chiến bùng nổ người Hà Nội phải tạm biệt thành phố để ra đi và hẹn ngày trở lại. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi cho biết người ra đi ở đây là vào thời kỳ trước Cách mạng, đi tìm một lẽ sống mới vì không chịu đựng được những cảnh đời tù túng. Họ mang một tâm trạng rất buồn, buồn vì thế cuộc và buồn vì phải xa Hà Nội thân yêu. Nguyễn Đình Thi đã miêu tả những câu thơ nhiều màu sắc và rất gợi cảm để nói lên ấn tượng về mùa thu Hà Nội:
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Đúng là câu thơ của mùa thu và là mùa thu Hà Nội.
Viết về mùa thu trong phong trào Thơ mới có nhiều bài thơ hay như: Thu của Chế Lan Viên, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, Thu rừng của Huy Cận. Tất cả những bài thơ thu ở trên đều buồn. Cái buồn của cảnh vật và tâm trạng của nhà thơ, những người không tìm được lối ra trong cuộc đời. Còn nỗi buồn trong thơ của Nguyễn Đình Thi có những căn cứ ở thời cuộc và tâm trạng của con người ở trong cảnh ngộ đó, nhưng rõ ràng người viết đã tìm được một lối ra để giải thoát cho những cảnh đời tù túng. Chỗ khác nhau giữa chất thu trong Đây mùa thu tới với Đất nước của Nguyễn Đình Thi trước hết là ở chỗ đó.
Mạch thơ lại tiếp tục phát triển, tác giả lại trở lại với điểm nhìn ban đầu:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Nguyễn Đình Thi đã khẳng định một hoàn cảnh mới, một tâm trạng mới của con người trong khung cảnh của mùa thu kháng chiến. Về phía chủ quan, nhà thơ lúc này cũng là người chiến sĩ đang gắn bó với dân tộc, với đất nước trong cuộc kháng chiến chung. Không có sự đối lập, xa cách mà hòa hợp gần gũi. Về phía khách quan đất nước đang giành được những thắng lợi vững chắc, nhất là qua chiến dịch Thu đông Việt Bắc (1947).
Những hình ảnh cuộc đời, của làng quê kháng chiến tươi sáng reo vui. Tác giả nhân cách hóa cảnh vật, thiên nhiên như cũng đang reo vui như chính niềm vui của con người.
Có thể nói Nguyễn Đình Thi đã miêu tả một bức tranh đẹp về mùa thu khoác một bộ áo mới khác hẳn với những bộ áo mùa thu quen thuộc trong thơ xưa. Trong thơ Nguyễn Đình Thi chúng ta đã có một mùa thu vui, mùa thu cách mạng, mùa thu kháng chiến ở một làng quê. Vũ Quần Phương nhận xét “Các chi tiết đều thanh nhẹ gợi vào cảm giác. Không khí thu trong biếc nên các âm thanh trở nên vang vọng, ngân nga, tiếng nói tiếng cười trở nên thiết tha khác lạ, chính là chất tài hoa của tác giả”. Trong khung cảnh chung của mùa thu, cảm hứng trội lên là ý thức làm chủ cuộc đời:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Hình ảnh trời xanh được tác giả đặc biệt chú ý, trời xanh vừa là hình ảnh chân thực vừa là hình ảnh tượng trưng cho đất nước, trời xanh cũng tượng trưng cho tự do, cho những gì cao đẹp và mơ ước của con người. Trước cách mạng, Chế Lan Viên có một ý thơ:
Trời xanh ơi hỡi xanh không nói
Hồn ta muốn hiểu chẳng cùng cho
Trời xanh là một hình ảnh đẹp nhưng ngoài tầm với và sự hiểu biết của con người. Các nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận cũng nói nhiều đến trời xanh, bầu trời xanh thẳm, trời xanh tháng Tám…
Nguyễn Đình Thi cũng đặc biệt thích hình ảnh của bầu trời, ông cho biết trong lứa tuổi học trò thường hay lên Hồ Tây nằm dưới gốc cây để nhìn ngắm bầu trời, bầu trời của Tổ quốc, bầu trời của miền quê, bầu trời nói lên những đau khổ, bầu trời biểu hiện cuộc sống thanh bình:
- Trời thu thay áo mới
- Trời xanh đây là của chúng ta
- Dây thép gai đâm nát trời chiều
- Trời đầy chim và đất đầy hoa
- Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
- Súng nổ rung trời giận dữ
Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh ý thức làm chủ. Làm chủ đất nước là một tình cảm thiêng liêng được biểu hiện trong thơ ca từ xưa đến nay qua những áng văn thơ hay của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh… Nguyễn Đình Thi đã nhấn mạnh ý thức làm chủ qua những hình ảnh cụ thể: trời xanh, những cánh rừng, dòng sông, cánh đồng, những ngả đường. Các từ ngữ kế tiếp nhau như còn muốn nói lên nhiều những vẻ đẹp nữa. Hình ảnh Những dòng sông đỏ nặng phù sa theo tác giả là được viết ra từ những chất liệu thực ở đời. Thời kháng chiến chống Pháp ngày ngày đi trên bờ sông Lô, dòng sông đỏ nặng phù sa đã gợi ý thơ cho tác giả viết những câu thơ đẹp. Từ nặng như hàm chứa về sự trù phú của đất nước.
Từ một không gian mở rộng miêu tả nhiều mặt của đất nước, tác giả chuyển sang chiều dài thời gian, chiều dài nói lên truyền thống những đặc điểm và độ lắng sâu của đất nước và con người:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Nguyễn Đình Thi đã khái quát những đặc điểm của truyền thống dân tộc, truyền thống hàng ngàn năm lịch sử kiên cường chống ngoại xâm. Từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, đến Điện Biên Phủ. Có thể có nhiều cách nói về quá khứ, ca ngợi những chiến tích, những tấm gương anh hùng. Nguyễn Đình Thi đã sử dụng một tiếng nói riêng, tiếng nói của quá khứ là tiếng nói thiêng liêng:
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
Đó là tiếng nói của quá khứ liên tục, bền vững, luôn có khả năng tiếp sức cho hiện tại. Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ sớm cảm nhận mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, nhất là đối với truyền thống bất khuất của cha ông luôn vang vọng tới hôm nay. Sau này trong thơ chống Mỹ cứu nước, chúng ta bắt gặp rất nhiều tứ thơ nói lên mối quan hệ này trong thơ của Tố Hữu, Huy Cận, Nguyễn Khoa Điềm…
Trở về với cuộc kháng chiến hiện tại, Nguyễn Đình Thi tập trung miêu tả những đổi thay của đất nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân ta và tội ác của kẻ thù:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những cánh đồng quê đã bao lần chứng kiến tội ác đẫm máu của kẻ thù, đồn bốt chằng chịt dây thép gai làm cho chân trời không còn vẻ thanh bình và như bị xé nát gợi lên bao căm giận xót xa. Đây là những câu thơ vào loại hay nhất của bài Đất nước. Trong các bài thơ Lên Tây Bắc của Tố Hữu, Dọn về làng của Nông Quốc Chấn, Người đàn bà Ninh Thuận của Tế Hanh, các tác giả đã miêu tả chân thực tội ác của kẻ thù, Nguyễn Đình Thi đã miêu tả sức mạnh của làng quê trỗi dậy:
Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn
Tác giả có ý thức nhấn mạnh tinh thần quật khởi của quê hương Việt Nam mà lòng căm uất đã tích tụ từ lâu đời. Những cụm từ “đã ngời lên”, “đã bật lên” góp phần nói lên sức mạnh của nhân dân. Tác giả muốn nhắc lại những trang tủi buồn của quá khứ, nỗi đau khổ dưới ách kìm kẹp của thực dân, của địa chủ phong kiến:
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da
Nhưng rồi kẻ thù không thể khuất phục được tinh thần yêu nước bất khuất của ta:
Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà
Những câu thơ trên được viết bằng nhiều hình ảnh có tính tượng trưng nhưng vẫn gợi cảm. Không phải ngẫu nhiên mà ở những câu thơ trên tác giả vận dụng thanh trắc (câu 1 và 3) để diễn tả tội ác của kẻ thù và thanh bằng ở câu 2 và 4 để nói về tinh thần yêu nước thương nhà và cuộc sống thanh bình của dân tộc.
Bài thơ chuyển dần sang phần kết thúc. Vẫn tiếp tục phải vượt qua những thử thách và chịu đựng những tổn thất hy sinh.
Ngày nắng đốt theo đêm mưa giội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Tuy nhiên hé mở ra ánh sáng của một ngày mới:
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh
Cảm hứng về tương lai nổi bật lên trong phần cuối của bài thơ đặc biệt với hình ảnh những người áo vải, những người anh hùng của đất nước đang viết nên những trang mới của lịch sử. Những người anh hùng áo vải bao giờ cũng là những chủ nhân chân chính của đất nước này qua trường kỳ lịch sử.
Bài thơ kết thúc một cách độc đáo với những hình ảnh mạnh mẽ, gây xúc động:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
Những tiếng súng với âm vang mạnh mẽ phản ánh cuộc chiến đấu ở chặng đường cuối của cuộc kháng chiến khi đất nước bước vào những chiến dịch lớn. Theo Nguyễn Đình Thi đây là âm thanh của những dàn đại bác như trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sức mạnh của quân dân với khí thế “tức nước vỡ bờ” (Nguyễn Đình Thi đã có một cuốn tiểu thuyết tên là Vỡ bờ) và tác giả thích sử dụng hình ảnh “tức nước vỡ bờ”. Đặc biệt là hai câu kết tác giả dùng hình ảnh vừa tượng trưng vừa cụ thể. Ý thơ khái quát, lại có những chi tiết giàu sức sống trực tiếp. Theo Nguyễn Đình Thi tác giả viết hai câu thơ này dựa trên những hình ảnh của các chiến sĩ Điện Biên Phủ lấm lấp trong giao thông hào lầy lội của những ngày chiến dịch, nhưng thỉnh thoảng lại nhoẻn những nụ cười tươi tắn và có cặp mắt sáng trong. Tác giả dựa vào đấy để liên hệ tới đất nước Việt Nam vượt lên từ bùn lầy máu lửa và đang tỏa sáng, cái ánh sáng của niềm vui chiến thắng.
Đất nước là một bài thơ hay, miêu tả được nhiều bình diện, nhiều mặt phong phú của một dân tộc trong chiến đấu và giành thắng lợi. Bài thơ có tầm khái quát, có không gian và thời gian rộng nhưng lại giàu chi tiết và hình ảnh cụ thể. Tác giả đã kết hợp được lối viết thực với tượng trưng, giữa cái thực của cuộc sống và những hình ảnh tạo nên bằng sức tưởng tượng, liên tưởng. Cho đến nay Đất nước vẫn là một trong số những bài thơ hay nhất của thơ ca trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
4/1/2012
Hà Minh Đức
Nguồn: Nguyễn Đình Thi - Chim phượng bay từ núi. Chuyên luận, trò chuyện và ghi chép của Hà Minh Đức. NXB Văn học, 12-2011.
Theo https://trieuxuan.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...