Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Phan Khôi và Đào Trinh Nhất: Hai "cách tồn tại" trong báo chí văn chương Việt Nam trước 1945

Phan Khôi và Đào Trinh Nhất: 
Hai "cách tồn tại" trong báo chí 
văn chương Việt Nam trước 1945

Báo chí Việt Nam đã lớn mạnh vượt bậc ở giai đoạn sung sức nhất của Phan Khôi và Đào Trinh Nhất (với Phan Khôi có thể coi là đoạn từ 1928 đến 1933 còn với Đào Trinh Nhất là lúc ông từ Pháp trở về rồi bắt đầu ở hẳn Sài Gòn cộng tác với nhiều tờ báo, nghĩa là từ 1929 cho đến mấy năm sau đó - ta có thể thấy họ đạt tới độ chín của năng lực làm báo vào cùng một khoảng thời gian; điều này có ý nghĩa rất lớn vì chính ở giai đoạn này Phan Khôi và Đào Trinh Nhất đã cùng nhau giúp tờ Phụ nữ tân văn khiến cho nó nhanh chóng trở thành tờ báo quan trọng bậc nhất Việt Nam). Nó đóng vai trò rất lớn trong quá trình đào luyện chữ Quốc ngữ, đấu tranh xã hội, xiển dương, đấu tranh và tạo môi trường ấn hành cho tiểu thuyết và Thơ Mới. Báo chí thực sự trở thành một trung tâm thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, và không đáng ngạc nhiên lắm khi báo chí dần dà trở thành một thế lực đáng kể [1]. Các nhà báo quan trọng của thời ấy (nếu chỉ tính riêng khu vực Nam Kỳ thì nổi bật “tứ đại làng báo”: Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ, những người làm sôi động làng báo Việt Nam với sự điều hành cũng như những bài viết trên các tờ báo như Đông Pháp, Thần chung, Trung lập, Phụ nữ tân văn); họ được quan tâm và chờ đón hết sức, đến mức tờ Trung lập từng phải vội vã công khai thanh minh rằng lời đồn Phan Khôi không còn cộng tác với mình là sai, vì bài viết Phan Khôi rất được độc giả đón đợi, lời đồn đại ông không còn viết cho Trung lập nữa rất có thể làm sụt giảm doanh số bán báo [2]Tập trung hơn vào riêng cặp đôi Phan Khôi và Đào Trinh Nhất, hai người có cùng kiểu gia thế (gốc gác nhà nho), cùng nhanh chóng hướng về Tây học theo cách thức khác nhau, cùng rất sớm bước vào làng báo và ở giai đoạn mà chúng ta quan tâm (cuối thập niên 20 đầu thập niên 30 của thế kỷ XX) lại từng có lúc sát cánh bên nhau tại tờ Phụ nữ tân văn của ông bà Nguyễn Đức Nhuận (Đào Trinh Nhất là chủ bút còn Phan Khôi là cây bút quan trọng nhất), có thể phân tích, đi sâu vào một số phương diện quan trọng của báo chí Việt Nam một thuở. Những câu hỏi có thể đặt ra ngay khi mục tiêu nằm ở chỗ nhìn kỹ vào một số đối tượng cá biệt: họ có thể đại diện đến mức độ nào cho diện mạo báo chí một thời với tư cách lớp người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thực sự sống bằng nghề báo? Báo chí Việt Nam khi ấy đã bắt đầu tự thân tách khỏi mô hình báo chí nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước thực dân hay gắn bó mật thiết với người Pháp (Gia Định báo, Lục tỉnh tân văn, Đông Dương tạp chí hay Nam phong) và nghề báo đã bắt đầu chuyển từ tay các nhà báo giai đoạn đầu hoặc ở quá sát chính quyền hoặc quá mức “a-ma-tơ” như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh hoặc Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu sang nằm ở trong tay những người có ý thức mạnh mẽ hơn hẳn về sự chuyên nghiệp và độc lập. Giai đoạn cuối thập niên 20 đầu thập niên 30 này, bên cạnh những tờ báo quan trọng của Nam Kỳ cũng đã xuất hiện vai trò tiên phong của tờ Đông Tây ngoài Hà Nội với nhân vật chủ chốt là Hoàng Tích Chu [3]. Mô hình thay đổi (báo tư nhân thực sự ra đời và tồn tại được) cùng sự xuất hiện và tồn tại mạnh mẽ của một “dạng người” hoàn toàn mới - nhà báo chuyên nghiệp - đã chuẩn bị một cú hích cho thời kỳ trỗi dậy đặc biệt của báo chí Việt Nam vài năm sau đó, mà trước hết là báo chí Hà Nội hồi giữa thập niên 30. Những năm cuối thập niên 20 đầu thập niên 30 này cũng là thời kỳ có sự rèn luyện chữ Quốc ngữ hết sức tích cực, trong đó Phan Khôi đóng một vai trò nổi bật trên các tờ báo.
Nhìn kỹ vào một số nhân vật cụ thể như vậy cũng giúp chúng ta thấy rõ hơn một số khía cạnh khác nữa, chẳng hạn như với tư cách hai nhà báo đặc biệt quan trọng của một thời, lại cùng giúp cho một tờ báo, Phan Khôi và Đào Trinh Nhất có đồng nhất về tư tưởng và có phải là “chiến hữu sát cánh bên nhau” trong sự nghiệp báo chí hay không? Trong những cuộc tranh luận mà Phan Khôi liên tiếp gây ra hoặc tham gia tích cực có sự can thiệp của Đào Trinh Nhất không? Hay sự gần gũi chỉ là bề ngoài, mà mỗi người lại có những quan điểm riêng, con đường riêng, nói tóm gọn là hai “cách tồn tại” khác nhau? Phần dưới đây sẽ cố gắng trả lời ít nhiều cho những câu hỏi ấy.
Sự “giao nhau” giữa Phan Khôi và Đào Trinh Nhất không hẳn nhiều, mặc dù danh xưng “tứ đại làng báo Nam Kỳ” hồi ấy rất dễ cho ta một hình dung nào đó về tính chất nhóm, phái văn chương hay báo chí. Đào Trinh Nhất kém Phan Khôi hơn mười tuổi, cả hai hoạt động rất tích cực ở quãng cuối thập niên 20 đầu thập niên 30 và có vẻ như cùng đạt tới “đỉnh cao sự nghiệp báo chí” vào thời điểm 1935-1936. Lúc ấy, sau nhiều năm làm thuê và viết thuê, cả Phan Khôi lẫn Đào Trinh Nhất đều nghĩ đã đến lúc có thể tự lực cánh sinh, mở tờ báo riêng của mình và tự thân sống chết với một tờ báo do mình làm chủ. Phan Khôi ra tờ Sông Hương ở Huế và Đào Trinh Nhất ra tờ Mai ở Nam Kỳ.
Cả Phan Khôi và Đào Trinh Nhất, mặc dù là nhà báo kỳ cựu, đều nhầm lẫn: Sông Hương và Mai không tồn tại được lâu, vị thế và danh tiếng kém xa những tờ báo mà họ từng làm chủ bút hoặc bỉnh bút trước đó. Sông Hương khiến cho Phan Khôi gần như khánh kiệt, còn trong khi làm tờ Mai Đào Trinh Nhất nhanh chóng gặp rắc rối với chính quyền, sau đó bị trục xuất ra Bắc vào năm 1939, chấm dứt mười năm tung hoành ở làng báo Nam Kỳ; đây là lần thứ hai Đào Trinh Nhất vướng mắc với chính quyền, nhưng lần trước đó, hồi 1932-1933, ông đã được tòa xử trắng án.
Có vẻ như cả Phan Khôi và Đào Trinh Nhất đều nhầm lẫn ở điểm mấu chốt này: báo chí Việt Nam đã phát triển nhanh hơn họ tưởng, và chính những tiền đề mà bản thân họ góp công lớn tạo dựng nên đã làm nảy sinh một mô hình báo chí văn nghệ mới mẻ mà họ không đủ sức theo kịp nữa. Sông Hương hay Mai (hay nhìn chung là loạt tạp chí văn chương gắn liền với thế hệ nhà nho cuối cùng như Văn học tạp chí, Đông Thanh…) đã không sống nổi trước một “làn sóng mới” trẻ trung hơn, học thức tiên tiến hơn, hài hước hơn và nhất là “có tổ chức” hơn. Đó là thời điểm báo chí văn chương Việt Nam sôi động ở Hà Nội với ba đối thủ đáng gờm: Tự Lực Văn Đoàn, Tân Dân và Lê Cường, ba trung tâm đích thực của báo chí và văn chương trên con đường hiện đại hóa mãnh liệt. Chỉ cách vài năm thôi, lứa Phan Khôi, Đào Trinh Nhất đã không còn giữ được vị trí trung tâm trong thế giới báo chí ở Đông Dương nữa.
Như vậy, nếu nhìn qua, hai nhân vật đang được xét đến ở đây rất tương đồng. Hơn thế nữa, ngoài việc chắc chắn phải có sự nhất trí với nhau một cách ít nhất là tương đối khi ở chung một số tòa soạn, Phan Khôi và Đào Trinh Nhất còn tương tự nhau ở sự chú trọng hành văn và sử dụng tiếng Việt. Có thể nói sơ qua về điểm này (một chủ đề có thể được đi sâu hơn nhiều với các phân tích ngôn ngữ): cả Phan Khôi và Đào Trinh Nhất đều dễ dàng vượt qua lối văn chương rườm rà vẫn còn đọng lại rất đậm nét ở nhiều người cùng thế hệ và cùng kiểu gốc gác. Phan Khôi và Đào Trinh Nhất có văn phong gọn gàng, chỉn chu, từ ngữ tương đối sắc bén, cú pháp hiện đại không gây mệt mỏi lắm cho độc giả ngày nay, tuy rằng cả hai đều không đẩy sự súc tích và ngắn gọn của lối văn mình đến như mức Hoàng Tích Chu.
Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, dường như tuy ở bên cạnh nhau ở nhiều thời điểm nhưng Phan Khôi và Đào Trinh Nhất không hẳn cùng tâm trạng, không cùng mối quan tâm. Trong vô số cuộc tranh luận mà Phan Khôi từng là trung tâm hoặc có can dự, ta rất ít khi thấy có Đào Trinh Nhất tham gia. Phan Khôi sống bằng luận chiến, còn Đào Trinh Nhất thì không.
Thảng hoặc ta cũng thấy hai tác giả cùng bàn và đồng ý về một vấn đề, ví dụ như lịch. Trong bài “Hoàn cảnh với cựu truyền” đăng trên Trung lập, các số 6452, 6453 và 6455 (bài này dường như còn dang dở), Phan Khôi nêu vấn đề: “Cả năm không hề quen biết gì với âm lịch, rồi đến ngày đầu năm của nó lại thừa dịp mà ăn chơi, như thế chẳng thành ra là sự vô ý thức?[4]” Đây cũng là bài viết mà Phan Khôi dùng để phê phán nhiều vấn đề lớn hơn. Ông công kích kịch liệt “phong hóa”: “Quốc túy của nước ta là những cái gì? Phong hóa! Phong hóa tức […] toàn là những cái xiềng xích dùng mà ràng buộc xã hội nầy (…) chớ có gì đâu mà đáng quý? Dầu cho là đáng quý nữa, mà làm cách nào để duy trì? làm cách nào để bảo tồn?[5]”, thậm chí cho rằng “dầu cho đem một mớ cựu truyền đổ xuống sông xuống biển cũng vô hại mà[6]”. Về phần mình, Đào Trinh Nhất, trên số Xuân của Phụ nữ tân văn năm 1930, viết bài “Phải nên bỏ lịch ta mà theo lịch tây” từ tr.22 đến tr.25, với mấy luận cứ quan trọng như “ngày tháng của dương lịch dễ nhớ hơn cựu lịch của ta” và “dương lịch định thời tiết không sai”, lại còn thông dụng trên khắp thế giới.
Khi ta có một “điểm giao” cụ thể hơn thì sự lại có vẻ như là giữa hai người không có mấy điểm chung: đó là lúc Phan Khôi viết bài phê bình cuốn sách Phan Đình Phùng của Đào Trinh Nhất vào năm 1937 (cuốn sách được ấn hành không lâu trước đó).
Ta có thể ngừng một chút sự so sánh cụ thể giữa Phan Khôi và Đào Trinh Nhất để tập trung vào một vấn đề dường như ít được quan tâm: Phan Khôi tự thể hiện bản thân mình như thế nào? (vấn đề này cũng cần được đặt ra với Đào Trinh Nhất - đây sẽ là đề tài cho một nghiên cứu sau này). Trả lời được câu hỏi này, ta sẽ hiểu sâu hơn về “cách tồn tại” của một nhân vật đặc biệt trong giới báo chí văn chương suốt một thời - cách tồn tại ấy như thể nói lên một điều, rằng tuy là nhân vật lớn nhưng Phan Khôi không hoàn toàn là một đại diện cho các nhà báo thời ấy, có lẽ vì ông quá đặc biệt.
Tổng lượng bài báo của Phan Khôi ngày nay đã xuất hiện trở lại rất đáng kể (cụ thể là từ năm 1928 đến năm 1937). Vấn đề đặt ra trước mắt là xử lý phần tư liệu khổng lồ này như thế nào. Có vẻ như giới nghiên cứu văn học và lịch sử báo chí Việt Nam hiện nay vẫn còn lúng túng trong công việc ấy; điều này cũng là dễ hiểu vì trước nay các nghiên cứu văn học sử hay dừng ở mức độ miêu tả tính chất báo chí và vai trò của các tờ báo trong tiến trình lịch sử mà không mấy khi đi vào các bài báo cụ thể, mặc dù thật ra các bộ sưu tập tác phẩm báo chí cũng đã xuất hiện khá nhiều (với vai trò tiên phong của linh mục Thanh Lãng, rồi tiếp theo là các bộ sưu tập báo như Tiên phong, Văn nghệ, Tri tân, Tao đàn…). Di sản báo chí của Phan Khôi có thể được xử lý theo nhiều hướng, chẳng hạn phân loại theo chủ đề hoặc theo dõi tỉ mỉ tiến trình phát triển và thay đổi của tư tưởng Phan Khôi theo thời gian, hoặc sự can dự của Phan Khôi vào các cuộc tranh luận lớn, mức độ ảnh hưởng của Phan Khôi lên dư luận đương thời.
Trong phạm vi bài viết này, được quan tâm là những gì Phan Khôi viết về bản thân ông trong các bài báo. Ở nhiều chỗ, con người nhà báo Phan Khôi và con người luận chiến Phan Khôi đôi chút có sự nhường chỗ cho con người tự sự Phan Khôi. Những điểm nhỏ này hé lộ cho chúng ta thấy thấp thoáng cách ông tự nghĩ về mình, tự định vị mình. Vốn dĩ “trọng lý” hơn “trọng tình”[7], Phan Khôi chưa bao giờ là người thích tâm sự, nhất lại là tâm sự công khai trên báo. Nhưng cuộc đời làm báo rất dài và khối lượng bài báo rất lớn cũng không phải không có những lúc như thể làm Phan Khôi bộc lộ mình nhiều hơn bên ngoài lý lẽ và các vấn đề, chủ đề được ông mang ra phân tích.
Con người Phan Khôi, ngoài những điều hiển nhiên và đã được nói quá nhiều như “người Quảng Nam hay cãi” và sự bướng bỉnh, thích gây hấn nhưng lại hết sức công bằng, hiện lên tinh tế hơn trong một số câu văn như vô tình rơi rắc trong các bài báo của ông.
Năm 1932, viết bài “Cái biết của ta phải cho thiết thực, cho tới nơi tới chốn” đăng trên tờ Đông Tây số 143, Phan Khôi viết: “Tôi tự phận tôi cũng như là một người thất học từ thuở nhỏ. Nói vậy chắc không ai tin. Thuở nhỏ, tôi học nhiều lắm chớ. Song ngày nay tôi biết ra thì từ lúc sáu tuổi cho đến trên 20 tuổi, cái học của tôi chỉ là thuộc được nhiều mặt chữ mà thôi; chứ về sự tri thức cần cho một con người ở đời phải có, thì cái học ấy hầu như chẳng làm ích cho tôi được chút gì[8]”. Ông ngao ngán: “Già nửa đời người rồi, đôi khi tôi mới nằm nghĩ lại mà chẳng biết hồi thanh niên mình học là học cái gì! Học cái gì mà cũng đã từng được tiếng đồn khen, cũng đã từng liệt vào hàng danh sĩ?[9]” và cay đắng: “Mà có lẽ từ nay sắp sau, cũng còn chưa chắc rằng tôi biết chữ đâu, dầu tôi cứ học mãi cho mãn cái đời tôi[10]”. Kết lại cuối bài, ông chỉ ra cần phải làm gì, đây cũng là phương châm, nguyên tắc cả đời của Phan Khôi: “Theo như tôi nói từ nãy đến giờ, thì là phải làm thế nào cho sự tri thức của ta được thiết thực, được tới nơi tới chốn[11]”.
Trong một bài viết rất nặng lời năm 1932, “Tôi thất vọng về ông Nguyễn Tiến Lãng” đăng Đông Tây số 161, Phan Khôi nói về mình: “Một đời tôi, như độc giả biết, không khi nào lên mặt đạo đức hết[12]”. Ở đây, rõ hơn hết so với những chỗ khác, Phan Khôi khẳng định rằng với ông, sự ngay thật là điều quý giá hơn cả, và trong mắt ông, Nguyễn Tiến Lãng không ngay thật, như vậy phạm vào thói “gian vu”. Đồng thời, cùng trong bài này, ông nói đến một thói quen của mình: “Làm văn mà cứ hay nhắc đi nhắc lại những bài cũ của mình, thật là một thói đáng ghét, là một điều cấm kỵ cho người viết văn[13]”.
Rồi đôi lúc có những thổ lộ nhỏ, “lặt vặt” hơn: “Tôi không phải là người viết được tiểu thuyết, nhưng tôi hay đọc tiểu thuyết, nhứt là tiểu thuyết đương thời đây[14]” hay: “Bất kỳ văn của ai đồng thời với tôi đây, tôi đều lấy tinh tâm mà đọc, không dám bỏ qua một người nào hết[15]”.
Trong bài “Sự lập thân của thanh niên nam nữ đời nay” đăng trên Phụ nữ tân văn số 87, năm 1931, Phan Khôi có những giãi bày rất cá nhân: “Tôi chẳng biết ở đời như tôi là người thiện hay người ác[16]”; “Nhưng nói thật, tôi yêu mình tôi, tôi còn yêu sự thiệt hơn nữa. Tôi yêu sự thiệt lại còn hơn yêu danh dự của tôi[17]”; đặc biệt ông thể hiện sự hài lòng rõ rệt của mình khi sống vào lúc này, nghĩa là trong thực tại, bởi vì, “Một người đàn ông thời nay không cần nhờ có nhà nước dùng mới lập nên công nghiệp, cũng như một người đàn bà thời nay không cần phải lấy chồng quan mới có địa vị danh tiếng ở đời[18]”. Ông còn hào hứng đến mức hạ câu sau đây: “Hạnh phước thay là kẻ sanh ra ở đời nầy! Hạnh phước thay là kẻ thanh niên nam nữ sanh ra trong nước Việt Nam về thời đại nầy! Cái hạnh phước ở trong sự mình làm chủ lấy mình, mình muốn làm nên người bực nào tùy ý[19]”. Không nhiều khi Phan Khôi thể hiện cảm xúc của mình như thế này. Có lẽ ông chỉ như vậy khi đề tài bài viết động đến cùng một lúc nhiều đặc điểm quan trọng của con người ông: coi trọng thực tại, trọng sự thật, trọng luận lý, trọng chủ nghĩa cá nhân và đả phá quá khứ.
Điều rất nổi bật ở con người Phan Khôi là ý thức trách nhiệm của ông. Bài “Thanh niên với tổ quốc” đăng Phụ nữ tân văn số 172, năm 1932 có đoạn: “Sanh ra làm người trong xã hội, ai cũng có một phần trách nhiệm đối với xã hội hết, mà những người có học thức cao chừng nào, lại càng có trách nhiệm nặng chừng ấy[20]”. Còn đây là ý thức trách nhiệm của Phan Khôi trong công việc làm báo: “Chúng tôi nhận định cái cách làm báo của chúng tôi: Một là không a dua với xã hội, cho nên gặp điều gì sai lầm, chúng tôi không tị hiềm gì hết mà cứ việc chữa sửa; một là phải đi trước xã hội, cho nên chúng tôi tùy theo sức lực của mình mà mỗi ngày mỗi cống hiến thêm những cái mới cái lạ cho bà con[21]” (Phụ nữ tân văn số 125, 1932).
“Con người nhà báo” của Phan Khôi là một vấn đề quan yếu đối với chủ đề đang bàn ở đây. Thực chất thì Phan Khôi tự định vị như thế nào trong giới báo chí Việt Nam hồi ấy, ông thực sự coi mình đứng ở đâu?
Ở bài “Một vài ngu kiến ngỏ cùng hội báo giới quốc văn sắp lập” đăng trên tờ Trung lập số 6361 năm 1931, mở đầu Phan Khôi đã tự tách biệt mình khỏi một cộng đồng chung: “tôi tuy là nhà làm báo mà đối với các anh em khác thì có chỗ quyền lợi không giống nhau[22]”. Và ông tự gọi mình là người “viết báo dạo”: “đồng thị là nhà làm báo mà có nhiều hạng người. Ngoài các ông “rédacteur” mỗi ngày đi làm hai buổi ra, còn có người “viết báo dạo” (như tôi)[23]”.
Tuy nhận mình “không phải là người viết được tiểu thuyết” nhưng rồi sau này Phan Khôi cũng sẽ viết cuốn Trở vỏ lửa ra đăng Phổ thông bán nguyệt san trong một chuyến ra Bắc không nhiều vui vẻ. Cũng vậy, tuy từng công khai nhận mình “viết báo dạo” để mà từ chối tham gia hội nhóm cùng những người khác, nhưng sau này Phan Khôi sẽ trở thành ông chủ của một tờ báo, Sông Hương.
Mọi điều liên quan đến Phan Khôi, từ trước tác cho đến tâm tình, chúng ta đều cần tìm kiếm trong các bài báo của ông.
Ở đâu đó, Phan Khôi từng đặt câu hỏi vào thời của ông thì cần phá đi hay xây dựng, sau đó ông cho rằng phá đi quan trọng hơn. Chính vì vậy, ông đã hết sức kiên định trong những công trình đả phá của mình. Ở đây, óc logic và khả năng phân tích vượt trội so với đa số người đương thời đã giúp Phan Khôi rất nhiều. Phan Khôi nhìn ra rất nhiều vấn đề trong ngay cả những việc tưởng chừng đã có sự tồn tại suôn sẻ.
Và chính ở đây ta bắt đầu thấy rõ Phan Khôi thực sự rất khác với Đào Trinh Nhất. Cả hai đều từng phê phán, nhưng cái khác biệt là mức độ: Phan Khôi lúc nào cũng đẩy sự phê phán của mình lên đến cực điểm, kể cả những lúc dường như không cần phải như thế. Cả hai, với gia thế và sở học cùng một dạng, đều từng dõi nhìn về quá khứ, nhưng tư thế Phan Khôi và Đào Trinh Nhất rất khác nhau: Phan Khôi chỉ nhìn quá khứ khi cần bàn về hiện tại, vì Phan Khôi thực sự ở trong hiện tại. Phan Khôi không bao giờ làm một công việc mà Đào Trinh Nhất thường xuyên làm - cũng là một việc rất đặc trưng của nghề báo - là đi tìm gặp các chứng nhân lịch sử rồi từ đó viết khảo cứu; đọc kỹ cả hai người, ta sẽ thấy thật khó tưởng tượng Phan Khôi có thể viết một cuốn sách về Phan Đình Phùng hay Lương Ngọc Quyến, giống như Đào Trinh Nhất. Ở đây có thể đưa ra một suy đoán: Đào Trinh Nhất, mặc dù từng ra nước ngoài, vẫn còn nhiều liên hệ tình cảm với truyền thống Nho giáo và những mối quan hệ trong thế giới Nho giáo. Là con trai Đào Nguyên Phổ, hồi nhỏ Đào Trinh Nhất theo học Đông Kinh Nghĩa Thục (một thời gian ngắn), sau này, giống như để “trả nghĩa”, Đào Trinh Nhất đã viết khảo cứu về Lương Ngọc Quyến cũng như về Đông Kinh Nghĩa Thục. Phan Khôi không phải không từng có những mối quan hệ kiểu như vậy, ví dụ như với Trần Quý Cáp, nhưng rõ ràng Phan Khôi không có một tâm thế hồi tưởng quá vãng giống như Đào Trinh Nhất. Có vẻ như ý thức vùng thoát khỏi môi trường gốc gác của mình ở Phan Khôi vô cùng mạnh mẽ. Đây là một điểm không hề nhỏ. Nghiên cứu về Phan Khôi, ta có thể tìm hiểu những gì ông đã viết, nhưng hoàn toàn cũng có thể đặt câu hỏi về những gì lẽ ra ông có thể viết nhưng đã không viết.
Phan Khôi là một nhân vật rất hiếm trong lịch sử trí thức Việt Nam đặc biệt ít hồi tưởng.
Cuối cùng, trong sự so sánh giữa Phan Khôi và Đào Trinh Nhất, có thể thấy nổi lên một đặc điểm trình bày dưới đây, nó cho thấy Phan Khôi và Đào Trinh Nhất, xét về sâu xa, có quan niệm hết sức khác nhau, để có thể thấy có một “con đường Đào Trinh Nhất” và một “con đường Phan Khôi”, hay hai cách tồn tại độc lập rất không giống nhau.
Tuy đều là các nhân vật hết sức quan trọng của báo chí Việt Nam trong cùng một giai đoạn, nhưng sự “ở trong báo chí” của Phan Khôi rõ rệt, ở mức độ cao hơn nhiều so với Đào Trinh Nhất. Tổng lượng bài báo của Đào Trinh Nhất có lẽ không kém mấy so với tổng lượng bài báo của Phan Khôi, nhưng trong đó phần đáng kể nhất là những loạt bài dài kỳ mà ta có thể thấy rõ là ngay từ đầu đã có ý đồ dành để in thành sách[24]. Tác phẩm sách của Đào Trinh Nhất tuyệt đại đa số được lấy ra từ những bài báo. Đào Trinh Nhất có thể đăng nhiều kỳ Cái án Cao Đài trên tờ Công luận rồi sau đó in thành sách, rồi có rất nhiều ví dụ như thế nữa, ngay cả bản dịch Liêu trai chí dị. Có thể nói rằng, Đào Trinh Nhất thuộc một kiểu trí thức ở giữa “văn hóa sách” và “văn hóa báo chí”, với một nhận thức rõ ràng về trước tác dưới dạng sách. Báo chí đối với Đào Trinh Nhất hẳn nhiên rất quan trọng, nhưng ở một mức độ nào đó, đối với ông báo chí giống như một bước đệm để ông đi tới sự nghiệp trứ tác riêng của mình, thể hiện ở danh mục sách đã xuất bản vô cùng dồi dào[25].
Phan Khôi hoàn toàn khác. Nếu không có lần quyết định sở hữu riêng một tờ báo (Sông Hương) thì chắc hẳn những bài “thi thoại” của ông sẽ vẫn chỉ nằm chủ yếu trong mục “Nam Âm thi thoại” của một số tờ báo chứ không trở thành cuốn sách Chương Dân thi thoại vào năm 1936, và mấy năm sau đó, nếu như sự nghiệp báo chí của Phan Khôi không gặp một ít trắc trở thì rất có thể ta đã không có cuốn tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra. Ngay trong dịch thuật, Phan Khôi cũng luôn luôn bỏ dở các bản dịch. Dường như ông chỉ dịch khi nào tờ báo ông làm bỉnh bút cần có bài vở, thế cho nên tuy có dịch sách nhưng trước 1945 Phan Khôi không phải một dịch giả: ta có vài tắc Tùy Viên thi thoại, một ít Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas mà Phan Khôi đăng trên tờ Đông Pháp vào năm 1928 dưới nhan đề Thầy trò trong khám và một chút Sử ký Tư Mã Thiên hồi 1932 đăng trên Trung lập và Phụ nữ tân văn[26], chứ không có tác phẩm dịch hoàn chỉnh ký tên Phan Khôi nào. Có vẻ như Phan Khôi sẵn sàng dành toàn bộ cuộc đời viết lách của mình cho những tờ báo, không hề quan tâm đến việc in các bài báo của mình thành sách. Ông thực sự là một “nhà báo toàn tòng”, và đó cũng chính là lý do quan trọng khiến trước tác của Phan Khôi sau này không nổi bật, người ta ít biết rằng một ngòi bút vô cùng dồi dào và mạnh mẽ từng tồn tại. Văn hóa Việt Nam, dẫu cho đã có một lịch sử báo chí kéo dài chừng một thế kỷ rưỡi, vẫn là một nền văn hóa thiên hẳn về sách và thường xuyên bỏ quên di sản báo chí đồ sộ.
Chú thích: 
[1] Một ví dụ nhỏ: trên số 55 ra ngày 5/6/1930, tờ Phụ nữ tân văn thông báo tổ chức “Cuộc thi kỷ niệm đệ nhứt châu niên của PNTV” với ba câu hỏi cho độc giả, câu hỏi thứ ba như sau: “Nếu có cuộc tuyển cử 10 vị Việt Nam Nhơn dân Đại biểu, mà những vị kể tên sau nầy ra ứng cử, thì quí độc giả sẽ cử những vị nào”. Danh sách do báo đưa ra như sau: 1. Nguyễn Hữu Bài (Thủ tướng Nam triều) 2. Bạch Thái Bưởi (Chủ hãng tàu và mỏ than) 3. Bùi Quang Chiêu (Lãnh tụ đảng Lập hiến) 4. Vương Tứ Đại (Thượng thư Lễ bộ) 5. Dương Văn Giáo (Trạng sư) 6. Huỳnh Thúc Kháng (Chủ báo Tiếng Dân) 7. Trần Trọng Kim (Thanh tra sơ học) 8. Diệp Văn Kỳ (Nhà làm báo) 9. Lưu Văn Lang (Kỹ sư sở Tạo tác) 10. Nguyễn Phan Long (Chủ báo Đuốc Nhà Nam) 11. Lê Quang Liêm (Hội đồng Quản hạt) 12. Hoàng Trọng Phu (Tổng đốc Hà Đông) 13. Phạm Quỳnh (Chủ báo Nam Phong) 14. Nguyễn Hữu Thu (Phó Nghị trưởng Kinh tế Hội nghị) 15. Nguyễn Trác (Nghị trưởng Nhơn dân Đại biểu viện Trung Kỳ) 16. Nguyễn Bá Trác (Bố chánh tỉnh Bình Định) 17. Trần Trinh Trạch (Điền chủ ở Bạc Liêu) 18. Lê Quang Trinh (Y khoa Tấn sĩ) 19. Phan Văn Trường (Luật khoa Tấn sĩ) 20. Nguyễn Văn Vĩnh (Chủ báo Trung Bắc Tân văn). Ta thấy khoảng một nửa trong danh sách này gắn bó mật thiết với báo chí đương thời, theo nhiều cách khác nhau.
[2] Hoặc có thể trích lời độc giả Tích Hàm (Tân Dương, Sa Đéc) trong bài “Cảm tình của một độc giả đối với Trung lập” (Trung lập, 25/3/1931): “Lúc còn Phụ nữ, ông Phan Khôi có hứa sẽ lần lần dẫn dắt chúng tôi đi vào đường “luận lý học”, “phép làm văn”, nay Phụ nữ bất hạnh, xin ông Tú mượn tờ Trung lập ngày nay mà giữ cho tròn lời hứa. Người ta đã tặng cho ông cái huy hiệu “người lập dị”, “người trọng chân lý hơn thầy”, “tướng tiên phong của đạo binh học giới nước nhà”, xin ông chớ phụ”. (Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1931, tr.10). Các trích dẫn bài báo của Phan Khôi được rút từ bộ Phan Khôi tác phẩm đăng báo từ 1928 đến 1937 do Lại Nguyên Ân biên soạn, ấn hành từ 2003 đến 2014.
[3] Nhóm xung quanh được gọi là “tập đoàn Hoàng Tích Chu” trong Mấy chàng trai thế hệ trước của Trúc Sơn Dương Thiệu Thanh, Sài Gòn, 1969. Phan Khôi, vốn dĩ không bỏ qua vấn đề quan trọng nào trong xã hội thời ông sống, cũng từng nhận xét tỉ mỉ về “lối văn Hoàng Tích Chu”: “Đối với lối văn ấy, tôi nửa phần thì tán đồng, nửa phần thì bất mãn. Tán đồng ở cái chỗ bố cuộc khá mới, đặt câu khá gọn, nhứt là có nhiều khi hiểu được cái ý của tác giả ở bên ngoài lời văn. Nhưng lối văn Hoàng Tích Chu không phải toàn được như vậy hết đâu; lắm khi lại thấy như là tạp nhạp, lắm khi lại thấy như là vô duyên; còn một điều dễ tức mình nhứt là lắm khi không rõ, đọc xong một bài mà chẳng biết nói chuyện chi: ấy đó là những chỗ tôi lấy làm bất mãn” trong bài “Văn nghị luận phải viết thế nào?” đăng Trung lập số 6491, Phụ trương văn chương số 12 (trích từ Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1931, tr.299).
[4] Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1931, tr.72.
[5] Nt., tr.68.
[6] Nt., tr.69.
[7] Ta có nhiều ví dụ, chẳng hạn nhan đề bài báo này của Phan Khôi: “Trong việc chánh trị, chỉ có lý mà thôi, chẳng có tình” (Trung lập số 6616); khi bàn về việc lập hội của giới nhà báo: “Trong sự lập hội lập hè, là sự hệ trọng, có trình Chánh phủ, có đặt chương trình, thì ta nên cứ lý mà nói, chớ không nên vị tình. Cái tình đồng nghiệp đã cố nhiên rồi, mà đã họp nhau thành hội, lập chương trình ra thì bản chương trình ấy tức là tờ giao kèo, phải cho ráo lý, không nên vị tình, vị tình thì hỏng” trong bài “Một vài ngu kiến ngỏ cùng hội báo giới quốc văn sắp lập” đăng trên tờ Trung lập số 6361, Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1931, tr.18.
[8] Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1932, tr.56.
[9] Nt.
[10] Nt.
[11] Nt., tr.57.
[12] Nt., tr.109.
[13] Nt.
[14] Trong bài “Tiểu thuyết thế nào là hay?” (Trung lập 6509, Phụ trương văn chương 15), trích từ Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1931, tr.320.
[15] Trong bài “Văn nghị luận phải viết thế nào?” (Trung lập 6491, Phụ trương văn chương 12), Nt., tr.299.
[16] Nt., tr.90.
[17] Nt., tr.91.
[18] Nt., tr.92.
[19] Nt., tr.93.
[20] Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1932, tr.172-173.
[21] Nt., tr.99-100.
[22] 1931, tr.18.
[23] Nt., tr.19.
[24] Cho tới nay, vấn đề sưu tầm và nghiên cứu bài báo của Đào Trinh Nhất còn chưa được đặt ra và thực hiện, tuy đã có chuyên khảo Nguyễn Q. Thắng, Đào Trinh Nhất, nhà văn, nhà báo bực thầy, NXB Văn học, 2010 và bộ tác phẩm do cùng nhà biên soạn thực hiện, hay Đào Trinh Nhất - Tuyển tập tác phẩm, Chương Thâu và Đào Duy Mẫn sưu tầm và biên soạn, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây và NXB Lao động, 2011, trong đó in lại 11 tác phẩm của Đào Trinh Nhất. Theo một nhà sưu tầm báo chí, tổng lượng bài báo của Đào Trinh Nhất có thể lên đến trên 3000, tức là nếu so với Phan Khôi thì cũng không thua sút nhiều, nhưng tổng lượng bài ấy có đặc điểm là chỉ chưa tới một phần ba nằm ngoài nhóm các bài báo dài kỳ sau này sẽ được Đào Trinh Nhất cho in thành sách. Đào Trinh Nhất đăng đặc biệt nhiều bài trên Đuốc Nhà Nam, Điện tín, Trung Bắc Chủ nhật, không nhiều lắm trên Phụ nữ tân văn, ông cho đăng dài kỳ tác phẩm Cái án Cao Đài trên tờ Công luận, đăng dài kỳ bản dịch Liêu trai chí dị trên tờ Tin văn; ta cũng có thể tìm được các bài viết của Đào Trinh Nhất trên: Hữu thanh, Thần chung, Trung hòa và cả Ích hữu, Tiểu thuyết thứ Bảy, v.v… (các thông tin liên quan đến tác phẩm báo chí của Đào Trinh Nhất ở ghi chú này mới có mức độ chính xác tương đối; ta cũng mới có rất ít thông tin xác thực về quá trình Đào Trinh Nhất làm báo ở Hà Nội, nhất là giai đoạn chủ bút tờ Cải tạo, ngay trước khi ông vào Nam năm 1949)
[25] Cho đến nay danh mục phổ biến về sách của Đào Trinh Nhất (có thể chưa hoàn toàn đầy đủ) như sau: Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (1924); Cái án Cao Đài (1929); Nhựt Bổn duy tân 30 năm (1936); Phan Đình Phùng. Nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1884-1895) ở Nghệ Tĩnh (1936); Việt Nam Tây thuộc sử (1937); Đông Kinh Nghĩa Thục (1937); Cô Tư Hồng (1941); Con quỷ phong lưu (1942); Việt sử giai thoại (1943); Vương An Thạch (1943); Vương Dương Minh (1943); Con trời ngã xuống đất đen (1944); Chu Tần tinh hoa (1944); Lê Văn Khôi (1944); Bùi Thị Xuân (1944); Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 (1946); ngoài ra còn có một số bản dịch.
[26] Ngay ở bản dịch Sử ký Tư Mã Thiên ta cũng thấy được ý hướng phụng sự báo chí của Phan Khôi: ông chọn dịch phần về các thích khách, dĩ nhiên là phần dễ hấp dẫn độc giả báo nhất.
18/10/2014
Nhị Linh
Theo http://nhilinhblog.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...