Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Tâm hồn Việt Nam qua thi ca truyền khẩu bình dân

Tâm hồn Việt Nam 
qua thi ca truyền khẩu bình dân

Phần I: Văn chương truyền miệng đến thi ca truyền khẩu bình dân Việt Nam
a. Văn chương truyền miệng (trước đây gọi là văn chương truyền khẩu) là phần thơ, văn có từ đời xửa đời xưa trong văn học Việt Nam, đã được chuyển từ miệng người này tới tai người khác, từ miệng thế hệ trước qua tới thế hệ sau, trải bao nhiêu giai đoạn lịch sử khi ta chưa có chữ viết phổ thông, rồi mãi về sau này những thơ, truyện ấy mới được ghi chép bằng chữ Nôm hay chữ quốc ngữ, đoạn in ra để phổ biến.
Phần văn chương truyền miệng đầu tiên đó bao gồm các tục ngữ, ca dao và truyện cổ. Cho tới khoảng những năm 1930, các nhà văn học sử thường căn cứ vào phương tiện hay phương cách lưu truyền thơ văn mà chia văn học Việt Nam làm bốn phần chính:
- Phần đầu tiên chưa xác định là xuất phát tự khi nào, có lẽ một phần ngay từ đời Hồng Bàng, quen gọi là văn chương truyền miệng, vì bấy giờ ta chưa có một thứ chữ viết phổ thông để ghi lại tiếng nói và thơ văn của tổ tiên (ngày nay, có người cho thứ chữ viết đầu tiên ở Việt Nam là chữ khoa đẩu, giống những con nòng nọc, nhưng chưa có bằng chứng nào rõ rệt).
- Phần thứ hai là văn chương chữ Hán (một lối chữ tượng hình phát minh từ việc vẽ các sự vật, lối chữ mà tổ tiên chúng ta đã mượn hay bị ép phải dùng theo người Tàu, nhưng đọc theo giọng Việt, thường gọi là chữ Nho) gồm những thơ văn do tổ tiên chúng ta đã truyền lại khoảng từ đầu thế kỷ XI (đời nhà Lý) cho tới gần đây; ở trong phần này có những tác phẩm lừng danh như Hịch tướng sĩ văn (1284) của Trần Quốc Tuấn, hay Điều trần tập của Nguyễn Trường Tộ (1828-1871).
- Phần thứ ba là văn chương chữ Nôm (cũng là một thứ chữ tượng hình, mượn nhiều chữ Hán hay nhiều phần của chữ Hán ghép lại mà lập thành, nhưng người Tàu không đọc và hiểu được) đã lưu truyền từ thời Hàn Thuyên ở thế kỷ XIII (đời nhà Trần) cho tới gần đây; ở trong đó có nhiều truyện Nôm diễn ca nổi tiếng như Kim Vân Kiều của Nguyễn Du (1765-1820).
- Phần thứ tư là văn chương chữ quốc ngữ (hay văn chương tiếng Việt chữ Việt hiện nay) với những tác phẩm viết bằng mẫu tự a, b, c (một loại chữ tượng thanh, ghi âm tiếng nói bằng chữ viết theo a, b, c) đã phổ thông từ nửa sau thế kỷ XIX cho đến hiện nay và có lẽ chắc chắn là mãi mãi về sau này.
Hiện nay thỉnh thoảng cũng còn có người Việt có thể làm thơ viết văn bằng chữ Hán (đọc theo lối Việt thì quen gọi là chữ Nho) hay bằng chữ Nôm (viết theo lối tượng hình, nhưng đọc thành tiếng Việt y như thơ văn truyền miệng ngày xưa hay như thơ văn viết bằng chữ Việt bây giờ). Nhưng chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự a, b, c thành hình dần dần từ khoảng thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ XIX khi các nhà truyền đạo Thiên Chúa từ châu Âu đến Việt Nam đã cố ghi lại tiếng nói của người Việt bằng mẫu tự a, b, c, đã trở nên ngày càng phổ thông từ khoảng hạ bán thế kỷ XIX cho tới nay đều đương nhiên công nhận những thơ văn viết bằng chữ quốc ngữ là thơ văn tiếng Việt hay là Việt văn hay là văn chương Việt Nam.
Đàng khác, từ cuối thế kỷ XIX, nhất là đầu thế kỷ XX trở đi, người mình đã dùng Việt văn, tức là tiếng Việt chữ Việt hiện nay, để thu thập các tục ngữ, ca dao, truyện cổ truyền miệng mà in trên báo chí hay thành sách cho tiện lưu truyền; đồng thời, nhiều người cũng dịch thuật thơ văn chữ Nho (hay chữ Hán) và phiên âm thơ văn chữ Nôm ra chữ Việt ngày nay mà phổ biến sách báo, thành ra, phần văn chương gọi là truyền miệng trước đây hiện bây giờ đang được lưu truyền hầu hết không còn bằng cách truyền miệng nữa mà qua báo chí và nhất là qua các sách như các bộ Tục ngữ Phong dao và Truyện cổ Nước Nam của Nguyễn Văn Ngọc hay bộ Hương Hoa đất nước của Trọng Toàn… Trái lại, dưới chế độ cộng sản độc tài thiết lập tại miền Bắc từ năm 1954 và trên toàn quốc từ 1975, nhiều tục ngữ, thơ ca và truyện cười mới làm bằng tiếng Việt chữ Việt hiện nay mà không được phổ biến một cách tự nhiên tự do qua sách báo ở trong nước, thì ngược lại được lưu truyền sâu rộng trong dân gian bằng đường lối rỉ tai truyền miệng, rồi một số lọt ra nước ngoài lại được ghi chép phần nào vào sách báo ở hải ngoại…
b. Văn xuôi và thơ. Trong văn chương truyền miệng ngày xưa, trong văn chương chữ Nho và văn chương chữ Nôm ở các triều đại tự chủ, cũng như trong văn chương chữ Việt tiếng Việt từ hồi Pháp thuộc cho đến hiện nay, nếu căn cứ vào hình thức diễn tả thì người ta thường phân biệt thành hai loại chính là thơ (hay thi ca, cũng có người gọi là vận văn hay văn vần) và văn (tức là tản văn hay văn xuôi).
Về nội dung, thơ là hơi thở của tâm hồn hay tiếng nói của trái tin, thiên về tình cảm, tưởng tượng nhiều hơn… Thơ khác với văn xuôi ở chỗ có vần và điệu. Ví dụ như thơ lục bát (lối thi ca thuần túy Việt Nam) đại khái làm theo điệu bằng trắc «bình hai sáu tám trắc tư, hai trắc bốn bình thế lại cũng xong» và tiếng thứ sáu trong câu lục ăn vần với tiếng thứ sáu trong câu bát rồi tiếng thứ tám trong câu bát hiệp vận với tiếng thứ sáu trong câu lục tiếp theo, cứ như thế mà thay đổi cho thơ đọc lên trầm bổng du dương như ca như hát:
Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi chưa về cùng non. (Tản Đà).
Còn những thứ thơ chịu ảnh hưởng của Trung Hoa như thơ Đường Luật hay thơ Cổ Phong, dù là ngũ ngôn hay thất ngôn cũng chỉ có vần ở cuối câu (gọi là cước vận) chứ không có vần ở lưng chừng câu (yên vận) như vần nơi tiếng thứ sáu trong câu bát nói trên. Dù ngũ ngôn hay thất ngôn, thơ Cổ Phong và thơ Đường Luật đều giữ luật bằng trắc (về âm thanh và ngắt nghỉ cho có nhịp, tức là tiết điệu. Thơ Cổ Phong thì mềm dẻo, linh động hơn, còn thơ Đường Luật thì theo luật lệ nghiêm chỉnh hơn, chặt chẽ hơn.
Thơ lục bát trầm bổng là nhờ lên xuống trắc bằng thay đổi (bình: hai, sáu, tám; trắc: tư - hay: hai trắc, bốn bình), du dương là do hợp vần giữa tiếng thứ sáu nơi câu lục với tiếng thứ sáu trong câu bát, rồi giữa tiếng thứ tám cuối câu bát với tiếng thứ sáu nơi câu lục tiếp theo, lại nhịp nhàng bởi chỗ ngắt nghỉ theo tiết điệu 2/2/2 hay 2/4 hoặc 3/3 ở câu lục và 2/2/4 hay 2/4/2 hoặc 4/4 nơi câu bát. Chẳng hạn:
Trăm năm/ trong cõi người ta,
Chữ tài/ chữ mệnh/ khéo là ghét nhau…
Thúy Kiều là chị/ em là Thúy Vân
Mai cốt cách/ tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ/ mười phân vẹn mười… (Nguyễn Du).
c. Thi ca truyền khẩu và bình dân. Thơ ca truyền miệng có lẽ bắt nguồn đầu tiên từ những câu tục ngữ ngắn nhưng cũng đã có vần có điệu. Ví dụ: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Ăn vóc, học hay. Học thầy không tầy học bạn. Không thầy đố mầy làm nên v.v…
Rồi tiến sang những câu nói lối kế tiếp, sau đó có lẽ mới tiến lên thơ lục bát, rất nhiều, rất phổ thông, rất phong phú và những câu ca, câu hò thường là các biến thể của thơ lục bát hay song thất lục bát…
Ngoài những câu lục bát, thường hay gọi là ca dao, phong dao, trong thi ca truyền khẩu còn bao gồm rất nhiều câu hát ru con ru cháu, nhiều bài hát khi làm việc như xay lúa, giã gạo, cầy đồng, cấy mạ, làm cỏ, tát nước v.v… và nhiều câu hò khi chèo thuyền, kéo lưới, kéo gỗ v.v… hoặc là khi vui chơi, lúc di dưỡng tâm hồn có tính cách tập thể nhiều hơn như ví Nghệ Tĩnh, hát quan họ Bắc Ninh, hát trống quân, hát cò lả, hát các phường, hát giặm, hát xẩm, hò Huế, hò miền Nam, hát cung đình, hát tôn giáo v.v…
Nói chung thì văn chương truyền miệng, trong đó có thi ca truyền khẩu, đều đượm tính cách bình dân, một là vì nó xuất phát từ dân gian nên người ta thường không biết tác giả là ai, hai là vì những ý tưởng tình cảm chứa đựng trong thơ ca truyền miệng đều đậm tính chất dân chúng tổng quát phổ biến, ba là vì lời lẽ giọng điệu đều đơn sơ, giản dị, tự nhiên như lời nói thông thường của đại chúng, tuy tình ý không phải là không có lúc cao siêu sâu xa và văn vẻ nhiều khi cũng tế nhị bay bướm là đàng khác…
Ngay trong các phần văn chương chữ Nho, chữ Nôm hay chữ Quốc Ngữ, nhất là trong phần thơ ca chữ Việt tiếng Việt cận đại và hiện kim, không phải là tuyệt nhiên không có những công trình được nhuần tính chất bình dân, mặc dù do những cây bút bác học hay những nhà trí thức viết ra. Ví dụ Chinh phụ ngâm do Đặng Trần Côn viết và Đoàn Thị Điểm dịch, nhiều áng thơ và bài hát nói của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, tập Tiếng sáo diều của Bàng bá Lân, tập Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính v.v…
Trước đây gần hai chục năm, tôi đã có lần nhận xét chung về nội dung của phần văn chương truyền miệng như sau: «nói một cách tổng quát, tục ngữ là một kho tàng kinh nghiệm và kiến thức mà dân tộc Việt Nam đã dần dà tích lũy từ thuở xa xưa; ca dao biểu lộ đời sống tình cảm dồi dào của dân tộc Việt Nam trước đây sống bằng nghề nông và gần gũi với thiên nhiên; còn cổ tích thì diễn tả đời sống xã hội một cách đầy đủ hơn với các quan niệm siêu hình về vũ trụ, sự sống, sự chết, tình yêu, hạnh phúc, tự do v.v… Từ cổ tích đời xưa tới các truyện bình dân ở thế kỷ XVIII đều thấm nhuần các phong tục tập quán của dân gian…» (Phạm Việt Tuyền, Cửa vào phong tục Việt Nam, Phong trào Văn hóa, Saigòn, 1974, các trang 72-73).
Các bạn vừa theo rõi những điều tôi mới trình bày trên đây chắc đã thông cảm phần nào về nỗi băn khoăn của tôi khi đề cập tới đề tài đã được nêu ra: «Tâm hồn người Việt Nam qua thi ca bình dân và truyền khẩu». Đề tài thật bao la, mênh mông… và không phải là không có phần phiền toái phức tạp hơn là ta tưởng lúc đầu.
Phần II
Bây giờ tôi xin chỉ căn cứ vào thơ ca truyền miệng bình dân, nói cho đúng hơn là ca dao, phong dao để phân tích rồi bao quát nhận định về tâm hồn người Việt Nam chúng ta.
Chủ yếu tôi đọc lại hai bộ sách. Một là bộ Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc đề tựa ở Hà Nội năm Mậu Thìn (1928). «Tập trên từ 3 chữ đến 23 chữ và thuộc về thể phương ngôn tục ngữ; tập dưới thì từ bốn câu trở lên và thuộc về thể phong dao, lại có phụ thêm các câu đố ở cuối tập. Riêng trong tập dưới quyển Tục ngữ Phong dao này, chúng tôi sưu tập được cả thảy tám trăm hơn năm mươi bài, mỗi bài từ ba bốn câu trở lên» (lời của tác giả trong bài tựa tập dưới). Bộ Hương hoa đất nước của Trọng Toàn, do nhà xuất bản Bốn phương ở Saigon ấn hành hồi 1956 cũng gồm hai cuốn, sưu tập được 2077 câu hay bài ca dao từ hai câu lục bát cho đến khoảng mười câu lục bát. Hơn tám trăm năm mươi bài phong dao của Nguyễn Văn Ngọc ở Hà Nội năm 1928 đã là cả một miền rừng rú dài hơn dãy Trường Sơn ! Mà 2077 câu hay bài ca dao của Trọng Toàn ở Saigon năm 1956 thì mênh mông đâu kém gì biển Thái Bình Dương? Không khôn khéo thì đi vào cánh rừng phong dao của cụ Nguyễn văn Ngọc người ta có thể lạc mất, mà vụng về lúc vượt qua vùng biển ca dao của ông Trọng Toàn người ta có thể chết chìm! Sau khi trải qua cánh rừng phong dao và vượt thoát vùng biển ca dao dưới, tôi nhận thấy tất cả những điểm chi tiết về tâm hồn người Việt Nam trong phong dao, ca dao có thể quy về ba bốn nét chính mà tôi muốn nhấn mạnh sau đây:
1. Người Việt Nam yêu mến Trời Đất, vạn vật, thiên nhiên… hay nói kiểu khác, vũ trụ quan của người Việt Nam.
2. Người Việt Nam yêu mến gia đình, họ hàng, làng xóm, quê hương, đồng bào, đồng loại… tức là ta bàn về quan niệm nhân sinh và xã hội của người Việt Nam.
3. Người Việt Nam đặc biệt đa tình, với tình trai gái mãnh liệt, phong phú, say mê và tình vợ chồng đắm thắm, thiết tha, thủy chung, vững bền…
4. Người Việt Nam vẫn theo đuổi lý tưởng nhân bản truyền thống là sống đời trai hùng gái đảm để hướng đến cùng đích, cứu cánh là trở nên, hóa thành: tiên, phật, thần, thánh…
Điểm 1: Tâm hồn người Việt Nam giữa Trời Đất, vạn vật, thiên nhiên.
Nói kiểu thời trang quốc tế hiện nay, thì dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc yêu mến môi sinh, quý trọng môi sinh, sống hòa mình với môi sinh, tự nhiên không muốn làm ô uế hư hỏng hay rối loạn môi sinh, từ môi sinh vật lý vật chất là sông núi, cỏ cây, muông thú cho đến môi sinh tinh thần, tình cảm, tín ngưỡng, siêu hình, mầu nhiệm, huyền bí…
Dân tộc Việt Nam, qua hình chạm vẽ trên hàng trăm trống đồng mà các nhà khảo cổ đã khai quật tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam bây giờ, từ trước tới gần đây cũng như qua những câu thơ câu hát truyền miệng bình dân, dân tộc Việt Nam lúc nào cũng muốn sống hòa hợp với trời đất, với lẽ sinh tồn biến dịch của con người và vạn vật theo các luật âm dương ngũ hành, sinh lão bệnh tử, nổi chìm thay đổi luân lưu…
Cho nên người bình dân đã hò, hát, ngâm nga nhiều câu hỏi đượm mầu triết lý, như:
- Non cao ai đắp mà cao,
Sông sâu ai bới ai đào mà sâu?
- Trăng bao nhiêu tuổi trăng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?
- Chim rừng ai dạy mà khôn,
Cây suông ai uốn, trái tròn ai vo?
- Đố ai biết lúa mấy cây,
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng?
- Đố ai quét sạch lá rừng,
Để ta khuyên gió: gió đừng rung cây?
Vạn vật thiên nhiên hiện ra trước mắt những nông phu nông phụ chân lấm tay bùn với muôn vàn vẻ đẹp hợp cùng tâm tình lạc quan, yêu đời, ham sống:
- Cô kia tát nước bên đàng,
Cớ sao múc ánh trăng vàng đổ đi?
- Ngó lên đám bắp trổ cờ,
Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông!
- Hoa thơm, thơm lạ, thơm lùng,
Thơm cây, thơm lá, người trồng cũng thơm!
- Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng,
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!
- Sáng trăng sáng cả vườn đào,
Sáng qua vườn hạnh, sáng vào vườn dưa:
Anh đà có vợ con chưa?
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào!
Chính vì trời đất, thiên nhiên bao trùm không gian bao la và thời gian vô thủy vô chung mà con người Việt Nam tự cảm thấy mình hỏ bé trong cõi đời bốn phương vạn nẻo và trăm điều muôn sự đều trông ở Trời:
- Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cầy,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp!
- Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề:
Trông trời, trông đất, trông mây;
Trông mưa trông gió, trông ngày trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời êm bể lặng nước yên tấm lòng.
- Cơn trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn nơi thì cầy sâu.
Công lênh chẳng quản bao lâu,
Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng.
Xin ai đừng bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.
Những lúc gặp khó khăn, trở ngại, đau khổ, buồn sầu, người Việt càng sẵn sàng chạy đến cùng Trời, Phật, Thần, Thánh hơn:
- Nghiêng vai ngửa vái Phật Trời,
Đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân.
- Thiên cao đã có thánh tri,
Người nhân nghĩa chẳng hàn vi bao giờ!
Vì tin ở Trời Phật Tiên Thánh mà con người yêu mến lẫn nhau giữa trời đất linh thiêng vạn vật tươi tốt, sẵn sàng tự trao phó chính mình và phó thác người yêu thương của mình cho trời đất, đình quán:
- Ngó lên trời, trời cao lồng lộng,
Ngó xuống đất, đất rộng thênh thang,
Dầu ăn cơm quán ngủ đình cũng ưng.
Chính vì thế mà người con gái tự giữ gìn tự tu luyện để xứng đáng được gặp người con trai anh hùng:
- Hai tay cuốc đất đắp bờ,
Trồng cây đạo đức để chờ trượng phu.
Cũng chính vì thế mà mọi người già trẻ lớn bé đều hô hào khuyến khích lẫn nhau vun bồi tư cách, phúc đức cho chính mình cũng như con cháu, chắt chút chít:
- Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta tu lấy đức để đời cháu con.
- Khen cho lớp trước khéo tu,
Ngày sau con cháu võng dù nghênh ngang.
Vì sống hòa mình với thiên nhiên, vì yêu mến muôn loài vạn vật, vì tin tưởng ở Trời Đất mà dân tộc Việt Nam biết thưởng thức cái hay cái đẹp trong vũ trụ, biết sống nền văn minh tiêu khiển, giải trí, vui chơi (la civilisation des loisirs) không thua kém gì thiên hạ Âu Mỹ ở thời đại hậu kỹ nghệ hiện nay, biết tìm cái hạnh phúc nhẹ nhàng thanh cao ung dung thoải mái thanh nhàn trong cuộc đời giản dị đơn sơ mà nhiều người hiện nay đang mơ tưởng:
- Ăn được ngủ được là tiên
Mất ăn mất ngủ như điên như khùng.
- Ăn được ngủ được là tiên
Kém ăn mất ngủ tốn tiền thêm lo!
- Con quạ nó đứng chuồng heo,
Nó kêu bớ má bánh bèo chín chưa?
- Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè!
- Bao giờ cho đến tháng hai
Con gái làm cỏ con trai be bờ.
- Bao giờ cho đến tháng năm,
Thổi nồi cơm mới vừa nằm vừa ăn.
- Bao giờ cho đến tháng mười,
Thổi nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn.
- Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi;
Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn Nghiêu.
Điểm 2: Tâm hồn người Việt Nam trong gia đình họ hàng, ngoài làng xóm quê hương với đồng bào đồng loại.
Có khá nhiều ca dao đề cao công ơn cha mẹ:
- Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
- Chim trời ai dễ đếm lông
Nuôi con ai dễ kễ công tháng ngày.
- Mẹ già như chuối chín cây
Gió đưa me rụng con rầy mồ côi.
- Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ năm canh.
- Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về.
- Miệng ru mắt nhỏ hai hàng
Nuôi con càng lớn mẹ càng thêm lo.
- Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.
- Còn cha gót đỏ như son
Đến khi cha chết gót con đen sì.
- Cây khô chưa dễ mọc chồi
Mẹ già chưa dễ ở đời với con.
- Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền!
- Sống thì cơm chẳng cho ăn
Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi!
Có những câu ca dao nói về cái vui, về niềm hy vọng mà con cháu mang lại:
- Có vàng vàng chẳng hay phô
Có con con nói trầm trồ mà nghe.
- Có của mà chẳng có con
Cũng như của gửi đầu non chắc gì?
- Có tài lo láo, lo kiêu
Con ngu thì lại lo sao kịp người.
- Dạy con từ thuở còn thơ,
Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về.
- Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha
Gái thời chăm chỉ việc nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa.
Trai thời đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa
Nửa mai mối được nghiệp nhà
Trước là đẹp mặt sau là ấm thân.
- Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu.
Cũng có nhiều ca dao liên quan tới những phần tử khác trong gia đình, họ hàng. Ví dụ:
- Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.
- Anh em cốt nhục đồng bào
Kẻ sau người trước phải hầu cho vui
Lạ là ăn thịt, ăn xôi
Quí hồ ở nết tới lui bằng lòng.
- Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc khó khăn đỡ đầu.
- Dâu hiền là báu trong nhà
Khác nào như gấm thêu hoa rỡ ràng.
- Bà ơi cháu rất yêu bà
Đi đâu bà cũng mang quà về cho
Hôm qua có chiếc bánh bò
Bà chia cho cháu phần to nhất nhà.
Trong tâm hồn của người Việt Nam, có một phần bắt nguồn từ nhân tính phổ quát, một phần từ Việt tính đặc thù, mà cũng có nhiều phần tích lũy dần dần từ ảnh hưởng văn hóa Ấn Hoa như tư tưởng Phật Lão Khổng hay từ ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa với văn minh Âu Mỹ sau này.
Ở thịnh thời của Nho Học, con người Việt Nam rất tôn trọng «quân, sư, phụ» (vua, thầy, cha). Cho nên chúng ta thấy nhiều câu tục ngữ, phong dao nói về tình nghĩa đối với Thầy và bạn. Chẳng hạn như mấy câu tục ngữ: «không thầy đố mày làm nên»; «học thầy không tầy học bạn». «Thua người một vạn không bằng kém bạn một ly». Ca dao nói về những mối tương quan với thầy và bạn:
- Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con yêu chữ phải yêu mến thầy.
- Nhạn lạc bầy tìm cây nó ẩn
Tớ lạc thầy thơ thẩn thẩn thơ.
- Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này
Cơm cha áo mẹ công thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao.
- Thói thường gần mực thì đen
Anh em bạn hữu phải nên chọn người
Những người lêu lổng chơi bời
Cùng là lười biếng ta thời tránh xa.
- Bạn bè là chỗ tương tri
Sao cho sau trước một bề mới nên.
- Ai sang đò ấy bây giờ,
Ta còn ở lại ta chờ bạn ta.
Mưa nguồn chớp biển xa xa,
Ấy ai là bạn của ta ta chờ.
- Bạn vàng lại gặp bạn vàng,
Long ly quy phụng một đoàn tứ linh.
- Cha đời cái áo rách này,
Mất chúng mất bạn vì mày, áo ơi!
Cũng nhan nhãn những câu ca dao liên quan tới làng xóm quê hương của chúng ta vói những địa danh rõ rệt, như:
- Ai về cầu ngói Gia Lê,
Cho em vè với thăm quê bên chồng.
- Học trò trong Quảng ra thi,
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.
- Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
- Bạc Liêu là xứ quê mùa,
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.
- Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm.
- Nhớ anh, tôi cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.
Phá Tam Giang rầy đây đã cạn,
Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm!
Mấy câu trên đây không những liên can tới các địa phương mà còn dính líu tới các biến thiên lịch sử ờ thời Nam Bắc phân tranh nữa. Trong ca dao có khá nhiều câu vương vấn với các biến cố hay nhân vật lịch sử. Ví dụ:
- Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng
Cau tươi ăn với trau vàng xứng không?
(Người ta cho là liên quan với sự tích trầu cau ờ đời Hồng Bàng).
- Đánh giặc thì đánh giữa sông,
Chớ đánh trong cạn phái chông mà chìm.
(Nhắc tới các trận Bạch Đằng)
- Con cóc nằm ngóc bờ ao,
Lăm le lại muốn đớp sao trên trời.
(Đỗ Thích nằm mộng thấy sao rớt vào miệng mà sinh lòng muốn thí vua Đinh Tiên Hoàng).
- Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng.
(Lý Thường Kiệt phá quân nhà Tống).
- Đờn kêu tích tịch tình lang,
Ai đem công chúa lên thang mà ngồi.
(Công chúa Huyền Trân gả cho vua Chiêm).
- Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo!
- Tiếc thay hột gạo trắng ngần
Đã vo nước đục lại vần than rơm.
- Tiếng ai than khóc nỉ non,
Là vợ chú lính trèo hòn Cù Mông
(Thời Nguyễn Trịnh và Tây Sơn).
- Gió đưa cây cải về Trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.
(Lê Chiêu Thống và hoàng thái hậu chạy sang Tàu, bà Nguyễn Thị Kim theo chồng không được phải về sống nơi thôn quê).
- Nhà Bè nước chảy phân hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
(Thời Nguyễn Ánh)
- Lạy trời cho cả gió Nồm,
Cho thuyền chúa Nguyễn thẳng buồm chạy ra.
(Thời chúa Nguyễn).
- Nước non là nước non trời,
Ai phân được nước ai dời đặng non?
(Thời Nam Bắc phân tranh)
Từ những ca dao vương vấn với địa lý nước nhà và lịch sử dân tộc, người ta thấy ở bên cạnh nhiều câu ca dao gián tiếp hay trực tiếp hô hào tình yêu quê hương, tinh thần đoàn kết, lòng yêu quý đồng bào, thương yêu đồng loại. Ví dụ:
- Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
(Tình thôn ổ, quê hương)
-  Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. (Đoàn kết)
- Khôn ngoan đá đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. (Tánh chia rẽ)
Bổn phận đối với đất nước và dân tộc phản ảnh trong những câu ca dao như:
- Công cha nghĩa mẹ chớ quên,
ơn cha lộc nước mong đều, con ơi!
- Khen ai khéo tiện ngũ cờ,
Khéo xây bàn án khéo thờ tổ tiên.
Tổ tiên để lại em thờ,
Anh ra ngoài ải cầm cờ theo vua.
- Ngó lên trời thây cặp cu đang đá,
Ngó ra biển thấy cặp cá đương đua.
Biểu em về lập miểu thờ vua,
Lập trang thờ mẹ lập chùa thờ cha.
Những lòi kêu gọi yêu nước mến đồng bào thì ai ai cũng biết:
- Nhiễu điều phù lấy giá gương,
Người trong một nước hãy thương nhau cùng.
- Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
(Câu này đặc biệt thích hợp đối với các nòi giống, sắc tộc khác nhau cùng có những quyền lợi và nguyện vọng chung trên giải đất Việt Nam hiện nay).
Cũng có những câu dặn dò người ta không nên quên ơn nghĩa đối vói đồng bào, tổ tiên:
- Ăn trái nhớ kẻ tròng cây,
Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay giần sàng.
- Ăn quả nhớ kè trồng cây,
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
Cũng có nhiều câu ca dao nhắc nhở người ta mở rộng lòng từ bi, nhân ái ra khắp đồng loại:
- Kẻ ăn người ở trong nhà,
Sớm khuya công việc giúp ta nhọc nhằn.
- Dầu xây chín đợt phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
- Ở cho phải phải phân phân:
Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.
Thương người người lại thương ta,
Ghét người người lại hóa ra ghét mình.
- Có tiền thì hậu mới hay,
Có trồng cây đức mới đầy nền nhân.
- Ở hiền thì lại gặp lành,
Những người nhân đức Trời dành phúc cho.
Điểm 3: Tâm hồn người Việt Nam với tình yêu trai gái và tình nghĩa vợ chồng.
Nhân loại là một giống đa tình. Dân tộc Việt Nam có lẽ là một trong những chủng tộc đa tình đa cảm nhất. Chỉ nhận định bao quát về ca dao, phong dao, chúng ta đã thấy: Về số lượng thì phong phú nhất, nhiều hơn cả là những câu ca câu hát ngâm ngợi tình yêu, từ tình yêu trai gái đến tình nghĩa vợ chồng. Về chất hay về phẩm chất thì tình yêu trai gái cũng như tình nghĩa vợ chồng có rất nhiều sắc thái khác nhau vô cùng.
Trước hết, tình yêu giữa trai gái mới khôn lớn đã nảy nở một cách tự nhiên giữa trời đất vạn vật thiên nhiên:
- Thân em như thể trái chanh,
Lắt bỏ trên cành lắm kẻ ước mơ.
- Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
- Thân anh như đá cuội giữa đường,
Em đi em đạp em chẳng thương thân hèn!
Rồi khi người này đã thấy người kia bảnh trai hay đẹp gái, thì người ta tìm cách gặp nhau:
- Xăm xăm bước tới cây chanh,
Lăm le muốn bẻ sợ cành chông gai?
- Xăm xăm bước tới vườn trầu,
Hỏi thăm lê, lựu, mãng cầu chín chưa?
Rồi người ta ngỏ ý với nhau, từ xa tới gần :
- Hôm qua tát nước đầu gành,
Bỏ quên cái áo trên ngành hoa sen,
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sức chỉ dường tà,
Vợ con chửa có mẹ già chưa khâu.
Áo anh sút chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp đôi trầm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau!
Có khi người con trai mới lớn, còn dè dặt, còn vờ vẫn:
- Thấy em như thấy mặt trời,
Thấy trời thấy vậy trao lời khó trao.
- Thò tay mà ngắt ngọn ngò,
Thương em đứt ruột giả vờ ngó lơ!
Thế mà chưa mấy chốc giữa hai người trai gái, trước đây còn xa lạ hoàn toàn, nay đã thương nhớ khôn nguôi:
- Gió đâu thổi mát sau lưng,
Dạ sao lợi nhớ người dưng vô cùng!
- Chỉ điều ai khéo vấn vương
Mỗi người một xứ mà thương nhau đời!
- Sầu riêng cơm chẳng buồn ăn,
Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm!
- Bữa cơm có cá cùng canh,
Anh chưa mát dạ bằng anh thấy nàng!
- Ba phen lên ngựa mà về,
Cầm cương níu lại mà đề câu thơ.
Câu thơ có bốn câu thơ,
Câu đợi cầu chờ câu nhớ câu thương!
- Tôi xa mình ruột lại quặn đau,
Uống thuốc bạc trăm không mạnh,
Gặp nhau mạnh liền!
- Cái miếu thần linh, con gà gáy tiếng đôi,
Trông bận trông đứng trông ngồi,
Trông người có nghĩa bồi hồi lá gan!
Trai gái mà đã quen biết nhau thì tự nhiên dễ đi tới chỗ say mê nhau, say hơn cả say thuốc lá, thuốc lào hay ma túy, mê hơn cả mê chè, mê rượu, mê cải lương, mê điện ảnh, mê truyền hình...
- Làm thơ mà dán cây chanh,
Trai bỏ học hành, gái bỏ bán buôn!
Gái mê trai dám thề hứa nặng nề:
- Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,
Nát chùa Thiên Mụ, dám sai lời nguyền!
Còn trai mê gái thì hay tuyên bố lung tung:
- Thương em, tam tứ núi cũng trèo,
Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo anh cũng qua!
- Ước gì anh hóa ra dưa,
Để em đem rửa nước mưa chậu đồng:
Ước gì anh hóa ra hồng,
Để cho em bế em bồng trên tay!
Nếu cuộc tình trai gái mà gặp khó khăn, trở ngại, rủi ro, không kết thúc trong duyên nồng thắm lâu dài, thời người ta than thở, tiếc nuối. Con trai thì than tiếc:
- Ô hô, chậu rã, cúc ngã, sen tàn,
Tiếc công anh lận đận với nàng bây lâu.
Hay:
- Hôm xưa anh đến chơi nhà,
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường,
Thấy em nằm đất anh thương,
Anh ra kẻ chợ đóng giường tám thang,
Bốn góc thời anh thếp vàng,
Bốn chân thếp bạc, tám thang chạm ròng,
Bây giờ phải bỏ giường không,
Em đi lấy chồng, phí cả công anh!
Con gái, đàn bà thì ví von khéo léo hơn:
- Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu!
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Hoặc:
- Anh về hái đậu hái cà,
Để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên.
Chợ lỡ phiên tốn công thiệt của,
Miệng tiếng người cười rủa sao nên.
Lấy chồng phải gánh giang sơn,
Chợ phiên còn lỡ, giang sơn còn gì?
Trai gái Việt Nam đã quen biết nhau thì muốn trờ thành chồng vợ vói nhau:
- Ăn chanh ngòi gốc cây chanh,
Khuyên cội khuyên cành khuyên lá khuyên bông.
Khuyên cho đó vợ đây chồng,
Đó bế con gái đấy bồng con trai.
Người ta khuyên bảo nhau vun bồi, tưới bón, xây dựng cho cuộc tình duyên, bởi vì:
- Còn duyên như tượng tô vàng,
Hết duyên như ổ ong tàn ngày mưa.
- Còn duyên kẻ đón người đưa,
Hết duyên đi sớm về trưa một mình!
- Còn duyên nón cụ quai tơ,
Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong.
- Liệu cơm mà gắp mắm,
Liệu cửa liệu nhà mà lấy chồng đi.
Nữa mai quá lứa lỡ thì,
Cao thì chẳng tới thấp thì chẳng thông!
Một trong những tệ nạn mà người bình dân hay chế diễu là ở chỗ cha mẹ, nhất là các bà mẹ, hay tham tiền của mà ép duyên con gái:
- Đường đi những lách cùng lau,
Cha mẹ tham giàu ép uổng duyên con!
- Mẹ em tham thúng xôi dần,
Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng đừng,
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào.
Bây giờ kẻ thấp người cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.
Giữa vợ chồng không những có tình, có duyên mà còn có nghĩa nữa:
- Cầu mô cao bằng cầu danh vọng,
Nghĩa mô nặng bằng nghĩa chồng con?
Ví dầu nước cháy đá mòn,
Xa nhau nghìn dặm vẩn còn nhớ thương.
- Có chồng thì phải thương chồng,
Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo.
Có chồng thì phải theo chồng.
Đắng cay cũng chịu mặn nồng càng vui.
Tinh nghĩa vợ chồng bao giờ cũng được coi như là then chốt trong đời sống của mọi cá nhân, của các gia đình và của tất cả xã hội. Vợ chồng sung sướng nhất là ờ chỗ xứng đôi vừa lứa, phải duyên hợp số:
- Cơm trắng ăn với chả chim,
Chòng xinh vợ đẹp mảng nhìn mà no!
- Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
- Chẳng tham nhà ngói bức bàn,
Trái duyên coi bẵng một gian chuồng gà.
Ba gian nhà rạ lòa xòa,
Phải duyên coi tợ chín tòa nhà lim.
Vợ chồng Việt Nam thường yêu thương quyến luyến nhau và thương yêu quý mến con:
- Đi đâu có anh có tôi,
Người ta mới biết rằng đôi vợ chồng.
Đi đâu có thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.
- Đôi ta là nghĩa tao khang,
Xuống khe bắt ốc lên ngàn hái rau.
- Anh em cốt nhục đồng bào,
Vợ chồng là nghĩa lẽ nào chẳng thương?
- Chim quyên ăn trái nhãn lồng,
Cá thia quen chậu vợ chồng quen hơi.
- Có chồng mà chẳng có con,
Khác nào hoa nở trên non một mình?
- Có chồng chằng được đi đâu,
Có con chẳng được đứng lâu nửa giờ.
- Có con phải khổ vì con,
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.
Vợ chồng gặp lúc bực lòng trái ý cũng phải cố gắng vượt qua:
- Chồng giận thì vợ làm lành,
Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?
- Đốn cây ai nỡ dứt chồi,
Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương.
- Đương khi chồng giận mình đi,
Hết cơn nóng giận đến khi vui vầy.
- Sớm khuya có vợ có chồng,
Cầy sâu bừa kỹ mà mong được mùa.
Vì lý do nào bất cứ mà vợ chồng phải xa cách thì thật là đau khổ buồn nhớ vô cùng:
- Trời ơi sanh giặc làm chi,
Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường.
- Bước xuống tàu ruột bào gan thắt,
Trời hỡi trời chồng bắc vợ nam!
- Lầu nào cao bằng lầu ông chánh,
Bánh nào trắng bằng bánh bò bông?
Đạo nào sâu bằng đạo vợ chồng,
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi 
Nói tóm lại, tình trai gái Việt Nam qua ca dao thiệt là phong phú, say sưa, mãnh liệt, với nhiều sắc thái sống động giữa vạn vật thiên nhiên những lúc thuận hòa vui vẻ cũng như những khi gặp trắc trở khó khăn; còn tình vợ chồng Việt Nam qua ca dao thì thường đằm thắm, thủy chung, lâu bền, nhưng cũng có lúc sôi nổi, sóng gió, xa cách, tan vỡ vì hoàn cảnh xô đẩy, lôi cuốn hay do yếu tố sa ngã...
Điểm 4: Sống đời trai hùng gái đâm để vươn lên làm tiên phật thần thánh.
Xét chung hình ảnh nổi bật nhất của người vợ Việt Nam qua ca dao là hình ảnh của người phụ nữ đảm đang. Con gái, đàn bà Việt Nam đảm đang thì việc trong nhà cửa cho đến việc đánh giặc cứu nước cứu dân:
- Ai vô Bình Định mà coi,
Đờn bà cũng biết cầm roi đi quờn.
Ru các con cháu ngủ mà các bà cũng không quên khuyến khích con cháu bắt chước vua Trưng bà Triệu:
- Con ơi, con ngủ cho lành,
Mẹ đi gánh nước rửa bành ông voi.
Muốn coi lên núi mà coi,
Coi bà quản tượng cỡi voi bành vàng.
Rất nhiều thiếu phụ ngày xưa nuôi chồng ăn học cho tới khi đỗ đạt:
- Em là con gái Phụng Thiên,
Bán rau sắm bút mua nghiên cho chòng.
Nữa mai chồng chiếm bảng rồng,
Bõ công tắm tưới vun trồng cho rau.
Người đàn bà Việt Nam dù tốt đẹp duyên dáng như công chúa Tiên Dung vẫn đảm đương từ việc săn sóc chồng con trong nhà cho đến chuyện giúp đỡ chồng con lo việc làng việc nước:
- Sông sâu nước chảy làm vầy,
Ai xui em đến chốn này gặp anh?
Đào tơ sen ngó xanh xanh,
Ngọc lành phải giá, gái lành phải duyên.
Cho hay tiên lại gặp tiên,
Phụng hoàng há dễ đứng chen đàn gà!
Nhất là những khi chồng phải gánh vác việc nước việc dân vào những thời buổi loạn lạc thì người đàn bà sẵn sàng đảm đương hết mọi việc ở trong nhà, ngoài đồng, nơi làng xóm họ hàng:
- Anh đi em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa,
Anh đi anh liệu chen đua với đời.
Còn người con trai, đàn ông thì thường nuôi chí hướng cao cả, sẵn sàng đội đá vá trời:
- Nước lã mà vã nên hồ,
Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan.
- Ở đời muôn sự của chung
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.
- Anh hùng như thể khúc lươn,
Khi cuộn thì ngắn khi vươn thì dài.
- Đấng trượng phu đừng thù mới đáng,
Đấng anh hùng đừng oán mới hay.
- Gừng già gừng rụi gừng cay,
Anh hùng càng cực càng dầy nghĩa nhơn.
Tôi muốn nhân những hình ảnh trai hùng gái đảm ở trong thi ca truyền miệng bình dân mà kết thúc câu chuyện này.
Hồi 1956-1957, nhân phải đọc diễn văn trong buổi lễ phát thưởng cuối năm học ở trường trung học Hồ Ngọc Cẩn tại Sàigòn, tôi đã nêu cao lý tường nhân bản truyền thống của dân tộc là quan niệm trai hùng gái đảm (quan niệm mà tôi đã dần dần tiến tới sau 12 năm dạy học và hoạt động văn hóa xã hội ở Thanh Hóa trong thời kháng chiến, rồi ờ Hà Nội sau 1949 và ở Sàigòn từ 1954). Hồi 1961-1975, trong khi giảng dạy tại các trường Đại học Văn khoa Sàigòn, Huế và Cần Thơ, tôi thường đem thuyết trai hùng gái đảm vào việc bình luận về văn học, văn hóa, văn minh nước nhà để gợi cho sinh viên nam nữ tìm ra lẽ sống và lối sống của chính mình. Các bạn có thể tìm đọc bài diễn văn nói trên trong quyển «Quan điểm về mấy vấn đề văn hóa» của tôi do Cơ sở Báo chí và Xuất bản Tự Do ấn hành năm 1959. Sau đây là nguyên văn đoạn đã viết trong phần tôi phê bình cuốn Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính:
«... Hai mẫu người lý tưởng cùa dân tộc Việt Nam là: Trai hùng gái đảm. Thường thường dân tộc nào cũng dã dần dần tạo ra một mẫu người lý tưởng, một phần là do bàn tính, một phần là do các hoàn cảnh địa lý và lịch sử hun đúc nên. Ví dụ: mẫu người lý tưởng của Tàu là quân tử, Pháp là chính nhân (honnête homme), Nhật là võ sĩ, Ấn Độ là nhà tu, Anh là người quý phái (gentlman), Đức là siêu nhân (superman), La Mã là hiệp sĩ (chevalier), Hy Lạp là nhà hiển triết (le sage), Nga là cán bộ, Mỹ là nhà kinh doanh (businessman) v.v... Còn đối với dân tộc ta thì mẫu người lý tưởng là trai anh hùng gái đảm đang. Tại sao? Có lẽ một phần rất lớn là vì dân tộc ta sống trên một giải đất hẹp mà dài, trước mặt là biển cả mênh mông, sau lưng là đồi núi trùng điệp, đất đai ở nhiều vùng, nhất là thuộc miền trung, lại khô cằn, cho nên đàn ông đàn bà đều phải cố gắng khắc phục thiên nhiên để mà sống: đàn ông phải đua sức đấu chí với sóng biển, rừng núi, đàn bà thì phải vất vả cấy lúa nuôi tằm, kiên nhẩn với công việc vá may, buôn bán... Trong trường kỳ lịch sử, dân tộc ta phải liên tiếp chiến đấu chống xâm lăng từ phương bắc, chống khuấy phá từ mạn tây hoặc phía nam, chổng xâm lược Pháp trước đây hoặc các áp lực quốc tế hiện thời, nên đàn ông con trai thường phải đi lính xa nhà và đàn bà con gái phải đảm đang phần lớn các công việc trong nhà... Chính vì thế mà tập quán, phong tục dần dần đã tạo cho con trai đàn ông một mẫu người lý tưởng đặc biệt: anh hùng, tục ngữ, ca dao đêu đề cao người trai anh hùng:
- Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài tan.
Hay:
- Làm trai cho đáng nên trai,
Phú Xuân đã trải Đồng Nai lại từng.
Người trai hùng không những được ca ngợi trong tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích, truyện dân gian, mà còn được tán dương trong thơ văn và truyện diễm ca của các văn nhân thi sĩ bác học nữa: Một trong những hình ảnh đẹp nhất trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du là Từ Hải. Nguyễn Công Trứ đã làm nhiều thơ và hát nói nêu cao chí khí can đàm, tâm hồn cao cả, phong độ hào hùng của người trai...
Không kể biết bao nhiêu tầng lớp anh hùng thuộc nam giới còn đứng sừng sững trong lịch sử trường kỳ của dân tộc, người ta thấy có khá nhiêu phụ nữ nêu gương đảm đang ở trong lịch sử cũng như ở ngoài xã hội: nào bà Trưng bà Triệu thời Tàu đô hộ, nào cô Bắc có Giang thời Pháp bảo hộ... Và có biết bao nhiêu thế hệ con gái đàn bà đảm đang các công việc nuôi cha mẹ già yếu, dạy con cháu thơ dại, giúp chồng con thành danh nên phận, như những người chinh phụ trong văn chương và ngoài cuộc đời, những bà vợ của các Tú Xương, những bà mẹ của các Phan Bội Châu... Từ thành tới quê, từ xưa tới nay, không kể giàu nghèo sang hèn, thường thường trong lòng người Việt nào cũng có hình ảnh thân yêu của trai hùng gái đàm: người con trai nào cũng muốn làm anh hùng dù ở trên bình diện quốc gia hay trong phạm vi nhỏ hẹp của một lớp học, của một đám mục đồng; người con gái nào cũng muốn làm người đảm đang dưới mắt cùa người cha hiền, trong đầu óc của đứa em thương mến hay trong lòng của người chồng yêu quý, của người tình kén chọn làm ý trung nhân...
Dân tộc Việt Nam sống còn và tiến bộ phát triển, chính là nhờ hai mẫu người lý tưởng truyền thống rất phổ biển và đặc biệt ấy vậy». (Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính, có thêm phần giới thiệu và phê bình của Phạm Việt Tuyền, do Phong Trào Văn Hóa xuất bản, Sàigòn, 1974, các trang 385-387).
Dịp này, nhân cảm hứng đặc biệt vì Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam Công Giáo tại Pháp, tôi nhận thấy lý tưởng nhân bản truyền thống dân tộc không dừng lại ở thuyết trai hùng gái đảm mà còn hướng đến cùng đích trở nên tiên, phật, thần, thánh: Hóa thành tiên, tốt đẹp thanh cao, yên vui sung sướng như mẹ Âu Cơ, như công chúa Tiên Dung và chàng Chử Đồng, hay như Từ Thức vượt từ cõi tục lên cõi tiên... Hóa thành phật, giác ngộ, sáng suốt, từ bi, hỉ xả, như Quan Âm Thị Kính hay như  Đức Thầy Huỳnh Phú sổ... Hóa thành thần như các vị thành hoàng được thờ phụng cúng tế khắp các đình làng Việt Nam hồi trước. Hóa thành thánh như đức Thánh Gióng, đức Thánh Khổng, đức Trần Hưng Đạo hay các thánh Tử Đạo Việt Nam...
Tôi thành thực cầu chúc tất cả các bạn biết sống quan niệm nhân bản truyền thống của dân tộc Việt Nam đồng thời vươn lên, tiến tới lý tưởng nhân bản cao đẹp nhất của nhân loại ngày hôm nay: Cố gắng sống đời trai hùng gái đảm để vươn lên, tiến tới lý tưởng tiên, phật, thần, thánh như các vĩ nhân thế giới ngày nay. Chẳng hạng như vĩ nhân Martin Gray là một tác giả «có ít nhất là 30 triệu bạn đọc, các sách được dịch ra 26 thứ tiếng, đã nhận được 800.000 lá thư và đã diễn thuyết hàng mấy trăm bài ở khắp nơi trên thế giới». Mới đây ông đã tuyên bố một câu mà tôi nhận thấy là đúng quá: «Aujourd’hui être égoiste, c’est savoìr partager, penser aux autres = Hôm nay, ích kỷ chính là biết chia sẻ, nghĩ tới những người khác» (Demières Nouvelles d’Alsace nhật báo, số ra ngày thứ ba 7.7.92, trang «L’Invité».) Hay một vĩ nhân quốc tế khác là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II của chúng ta, người ngày nào cũng cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam ít nhất là một lần, người đã nêu cao ý hướng liên đới là tinh thần bác ái của Chúa ứng dụng vào lịch sử nhân loại ngày hôm nay.
Ngày 11.7.1992
Phạm Việt Tuyền
Theo https://hoaxuongrong.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...