Buổi chiều đi qua cánh đồng
Tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng của nhà văn
Cao Chiến do NXB Hội Nhà văn ấn hành, vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn
TP.HCM năm 2019. Đây là dấu ấn mới, quan trọng trên hành trình sáng tạo của ông
trong số 2 tiểu thuyết và 4 tập truyện ngắn đã xuất bản.
Tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng là câu chuyện
trữ tình pha màu sắc huyền ảo xúc động về những số phận con người và sinh linh
bé nhỏ, qua đó hiện dần lên bức tranh thế sự muôn mặt gai góc của xã hội đương
đại. Một bức tranh đẹp với những gam màu tối, thi thoảng điểm xuyết vài vệt màu
sáng, toát lên vẻ đẹp nhân ái và bao dung. Đọc để thấy cuộc đời có ý nghĩa và
thật đáng sống.
VHSG chúc mừng nhà văn Cao Chiến đạt giải thưởng và trân trọng
giới thiệu 2 chương tiêu biểu trong tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng.Nhà văn Cao Chiến Một buổi tối khuya khoắt, bộ tứ có tôi, thằng quỷ và cặp song
sinh đang ôm cái nền nhà lở lói chuyện phiếm, chợt nghe có nhiều tiếng động từ
dưới sông dội lên. Cả bọn thoáng ngạc nhiên. Ở đây, ngoài bộ tứ ra, dưới sông
chỉ có vài người giăng câu. Nhưng họ rất kín tiếng, chỉ một tiếng ho là cá chạy
hết.
– Ai? Tôi đưa mắt ngầm hỏi thằng quỷ.
– Không biết! Nó trả lời tôi cũng bằng mắt.
Những tiếng động mỗi lúc mỗi gần. Tôi nghe tiếng lá khô vỡ
rôm rốp, tiếng người xuýt xoa chắc do đạp phải gai. Và điều này mới thật sự oái
oăm, những tiếng động ấy tiến thẳng về phía chúng tôi.
Chẳng ai bảo ai, bộ tứ lập tức tuột khỏi nền nhà ẩn vào bụi cỏ
ống. Người lạ, chắc chắn vậy rồi, chẳng biết tốt xấu thế nào mình cứ ẩn đi cho
lành!
Dù đã chủ động nhưng khi đám người xuất hiện, bộ tứ vẫn không
khỏi ngỡ ngàng. Họ có năm người, một trong số đó cao lớn, mái tóc bồng bềnh rất
khó đoán tuổi. Đi đến trước nền nhà cũ thì họ dừng lại. “Thơ mộng quá!” Người
có mái tóc bồng bềnh buột miệng, và thật bất ngờ, đột nhiên cất tiếng hát.
Trong khi mấy đứa kia chiếm nền nhà, đẩy bộ tứ vào tình trạng
tiến thoái lưỡng nan thì người có mái tóc bồng bềnh bỏ đi tiếp. Cái bóng cao lớn
biến mất đã lâu mà dư âm tiếng hát vẫn như còn đọng lại đâu đây.
– Để tao ra đuổi chúng đi! Tôi bảo thằng quỷ.
– Khỏi! Nó bấm tay tôi ngăn lại.
Tôi và thằng quỷ căng mắt nhìn!
Đám này xêm xêm tuổi nhau, chừng mười ba mười bốn, tầm tuổi
cu By và hai chị thằng quỷ. Đồng phục và logo trên áo đã tố ra thân phận họ.
Chúng đều đang là học sinh và không phải người vùng này.
– Mẹ kiếp, lại mấy đứa trốn học đi hoang! Thằng quỷ không giấu
nổi thất vọng, thở hắt ra.
Tôi chẳng lạ gì đám học trò đi hoang. Và không chỉ có chúng
đi hoang. Rất nhiều người lớn cũng đi hoang. Điểm đến của họ là miền đất thối.
Để tôi nói rõ thêm! Miền đất thối là do tôi và thằng quỷ đặt,
chứ thực ra nó cũng có một cái tên khá mỹ miều. Đó là một bãi đất hoang rất lớn,
nằm ở phía sau núi rác. Nguyên thủy nó là một vùng sình lầy, lau lác bát ngát.
Sau này người ta lấp đi để dựng nhà, ở đấy giờ vẫn còn một con rạch chảy qua.
Ngày trước bãi sình không thối như bây giờ. Chỉ từ khi nhà cửa mọc lên, rác rưởi,
nước sinh hoạt, nước bãi rác, tuốt tuột tống hết xuống rạch, thì bãi sình mới bốc
mùi. Những ngày không mưa, dòng nước thối quánh lại, sền sệt, đen bóng màu bọ
hung in hình mây trời rất đẹp. Hai bên bờ rạch, vài hotel soi bóng.
Vô số lần tôi thực mục sở thị người lớn hốt hoảng đi tìm con
cái ở đấy. Đám trẻ, choi choi tầm cu By, tan học không về nhà mà tới đây tụ tập
hát hò, tập làm người lớn. Có lần mấy người, hẳn là cha mẹ đám trẻ, sau khi tóm
cổ đám đi hoang, họ tóm luôn người chủ hotel.
– Bậy bạ, biết chúng là trẻ con mà vẫn cho thuê phòng là sao?
Họ mắng xối xả.
– Đây không cần biết, lớn bé gì cũng mặc, miễn có tiền chung
đủ là OK, nhé! Người chủ hotel gân mặt cự lại.
Rốt cuộc đám người đuối lý, hậm hực bỏ đi.
Nhưng không chỉ có người lớn đi tìm trẻ con, người lớn đi tìm
người lớn cũng đầy! Tôi đã tận mắt thấy, một buổi chiều muộn, một người đàn bà
bị mấy người lột truồng, đổ ớt vào chỗ hiểm. Người tình nạn nhân, tôi biết rõ bởi
ông ta từng đè người đàn bà này vào gốc cây hôn chằm chặp như ăn cướp, thì trốn
biệt ra ngoài cánh đồng. “Hèn, sao không cứu người ta!” Tôi hét lên. Nhưng ông
ta giả câm giả điếc, làm ngơ. Lúc đám người hả hê bỏ đi, cũng là lúc ông ta biến
mất, bỏ mặc người tình đau đớn, nằm quằn quại trên bãi rác.
Dưới ánh trăng muộn, bốn đứa đi hoang chụm đầu thầm thì một
cách bí hiểm!
– Tại sao mày không nói với thầy mà lại uống thuốc chuột? Một
đứa, có vẻ lớn nhất trong bọn đang ngồi quay lưng về phía chúng tôi nên không
nhìn rõ mặt, đột ngột lên tiếng hỏi đứa con gái phía đối diện.
– Có nói thầy cũng chả tin, bởi trong thâm tâm thầy đã nghĩ
là em ăn cắp, thầy còn bảo có gì cứ nói với thầy, thầy sẽ giữ kín cho! Đứa con
gái có gương mặt rất xinh, hai má lúm đồng tiền đáp, giọng buồn buồn.
Tôi và thằng quỷ giỏng tai lên. Nỗi oan của cô bé quả thật
còn hơn Thị Kính. Trong lớp có đứa mất sợi dây chuyền, bởi cô bé ngồi bên nên bị
nghi. Chẳng ai nói ra miệng, nhưng ánh mắt khó hiểu của thầy và bạn khiến cô bé
hoang mang. “Các bạn nghĩ tớ ăn cắp à?” Nó hỏi vu vơ, ứa nước mắt bỏ đi!
Về nhà, thấy cha đang loay hoay sửa bẫy chuột cô bé liền sà
vào. “Con chỉ giúp được cho ba bữa nay nữa thôi!” Nó bảo cha, trong đầu lại hiện
lên ánh mắt của thầy và bạn. Nghe con gái nói thế, người đàn ông chỉ cười buồn.
Mùa này, chuột đột nhiên nổi loạn, không đặt bẫy có khi mất trắng. Con gái bé bỏng
của ông thì bài vở ngập đầu!
– Mày mới chỉ bị nghi, còn tao bị vu ăn cắp hẳn hoi! Đứa mà
tôi nói có vẻ lớn nhất bọn lên tiếng, lái sự chú ý của mọi người vào mình.
– Anh bị cắt lưỡi hay sao mà không cãi? Đứa con gái má lúm đồng
tiền hỏi, giọng bỗng trở nên đanh đá.
Thay vì trả lời có cãi hay không cãi, thì cậu bé im lặng. Những
hình ảnh xa xôi chợt ùa về, choán ngợp trong tâm trí.Hai tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng, Những mảnh ghép
của nhà văn Cao Chiến Cậu bé được mẹ cho tiền mua bánh ăn lót bụng buổi chiều. Lúc ấy
trong tiệm chỉ có hai người, nó và gã chủ hói. Đứa bé mua ổ bánh, chưa kịp rời
đi thì bị gã hói túm cổ. Gã lục tung cặp sách nhưng chẳng thấy gì ngoài ổ bánh
cậu bé vừa mua. “Chẳng lẽ tao tự ăn cắp tiền của mình!” Gã hói càm ràm, trói gô
cậu bé lại. Nó không ăn cắp, nhưng rốt cuộc vẫn phải ký tờ giấy nhận mình ăn cắp.
– Cãi gì nổi, ông hói hù đem tao đi nhốt, sợ đái ra quần ấy
chứ! Nó bảo đứa con gái má lúm đồng tiền.
– Tớ thì bị người ta đánh!
– Quậy ăn đòn phải rồi! Mấy người xung quanh bỗng cười ồ lên.
Tôi nhìn cô bé má lúm đồng tiền, rồi lại nhìn nạn nhân gã chủ
tiệm hói, chẳng thấy có gì buồn cười mà sao chúng cười hoài. Lát sau vỡ lẽ, Quậy
là tên chứ chẳng phải quậy là quậy, nên mọi người cười. Quả thật, tiếng cười
làm không khí trở nên dễ chịu, bớt đi sự ngột ngạt.
– Nhưng tớ không ăn cắp! Quậy gân cổ lên.
– Không sao người ta đánh?
– Biết chết liền! Quậy lè lưỡi, cười.
Vụ Quậy, tóm lại chẳng có gì. Có người hàng xóm bị cạy tủ, mất
gì không biết, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, người ta nghi cho nó.
– Mày có ký giấy không? Nạn nhân gã hói hỏi Quậy.
Hỏi, rồi lại tự ân hận. Bút sa gà chết. Nhận ăn cắp rồi thì
cãi cũng bằng không. Nó không ăn cắp tiền gã hói, cô bé má lúm đồng tiền cũng
không lấy dây chuyền của bạn. Chúng chẳng lấy gì của ai. Chỉ vì sợ, ký bậy bạ tờ
giấy ma khiến cha mẹ phải liên lụy.
– Có! Quậy lúng búng.
-Thôi rồi Diễm ơi! Nạn nhân gã hói thở hắt ra.
– Mẹ đưa tớ về. Trên đường, bà hỏi hàng trăm lần con có lấy
gì của người ta không, tớ thưa mẹ dạy con thứ gì không phải của mình thì không
bao giờ được cầm và con chưa một lần sai lời, mẹ tin tớ, nhưng tin cũng chả ích
gì...! Quậy thì thầm. Và thật bất ngờ, nó bỗng bật khóc thành tiếng.
– Mấy người đập anh cú này chết chắc rồi! Cặp song sinh chợt
hét lên.
Từ trong bụi cỏ lúp xúp chúng đi vụt ra bên ngoài ánh trăng.
Hành động quá nhanh và đột ngột khiến tôi và thằng quỷ chới với.
– Chúng mày là ma hay người? Tôi và thằng quỷ cũng lao ra.
– Các bạn là ai và làm gì ở đây? Thay vì trả lời thì mấy đứa
kia hỏi ngược lại.
– Đây là nhà của bọn này! Thằng quỷ nói cứng.
Tôi biết, nó có ý bảo mấy người biến đi!
– Bọn tớ là học trò! Cô bé má lúm đồng tiền lên tiếng, giọng
nhỏ nhẹ.
Trong thâm tâm, tôi rất thiện cảm với cô bé này. Hẳn là thằng
quỷ cũng vậy bởi vừa nghe cô bé cất tiếng, vẻ căng thẳng trên mặt nó biến mất.
– Các cậu vừa bảo gì? Nạn nhân gã hói nhìn cặp song sinh, hỏi.
– Anh mười ba hay mười tư? Cặp song sinh nói liến thoắng.
Sau một thoáng ngỡ ngàng chẳng hiểu mười ba mười tư là gì, nạn
nhân gã hói chợt vỡ ra.
– Tớ mười bốn! Nó phì cười.
– Còn anh? Cặp song sinh hướng ánh mắt vào Quậy.
– Mười ba rưỡi! Quậy tặc lưỡi.
– Em mười ba! Cô bé má lúm đồng tiền cười rất tươi.
– Mười ba hay mười tư thì cũng vậy thôi, ừ, mà cũng có một
chút khác biệt, nhưng không sao, căn bản thì vẫn đang là vị thành niên! Cặp
song sinh nói một cách chậm rãi, không liến thoắng như khi nãy.
– Vị thành niên là sao? Quậy nhổm dậy, trên mặt lộ rõ sự nôn
nóng. Hình như nó chả thèm biết đối phương muốn gì, nãy giờ chỉ đắm trong vấn đề
của mình.
Nhưng cặp song sinh chẳng vội gì. Chúng đưa mắt nhìn Quậy rồi
lại nhìn nạn nhân gã hói, ánh nhìn mỗi lúc mỗi phiêu hết sức khó tả. Sau khi đã
khiến cho mọi người, kể cả tôi và thằng quỷ, cảm thấy không thể chờ đợi lâu hơn
được nữa, cặp song sinh mới vung tay chém rẹt một một phát, giống như người ta
vung dao chém chuối.
– Không ai được quyền dùng nhục hình để buộc người khác phải
ký tờ giấy ma kia, phạm vào tội này là tù mọt gông! Chúng nói.
– Có phải vậy không, hay chúng mày đang nói chuyện tề thiên!
Quậy bán tín bán nghi, càm ràm.
– Mọt gông cái lông công! Nạn nhân gã hói bỗng nổi điên, đạp
chân thình xuống đất. Nó biết, nhà gã hói mới đây lại cất thêm lầu.
– Nhục hình gì tớ không hiểu? Quậy bối rối.
– Nhục hình là đánh đau người khác, dễ như ăn dế mà không hiểu!
Cặp song sinh cười toe toét.
Lạ gì dế. Những con dế đêm hè vểnh râu đứng hát dưới trăng,
Quậy từng bắt nhốt vào lọ coi chúng húc nhau.
– Sao mình chẳng biết gì nhỉ! Quậy ôm đầu rên rỉ.
– Tớ ở với chúng bao nhiêu thời gian còn không biết, huống hồ
cậu. Bà ngoại hai đứa làm luật sư nên chúng rành hơn mình cũng đương nhiên
thôi! Tôi bảo Quậy, giọng đột nhiên cao vút lên, thoáng một chút hãnh diện. Dây
mơ rễ má bộ tứ này chẳng xoàng, ông biết tuốt với bà luật sư, toàn người hiểu
biết!
– Các bạn đi đâu? Thằng quỷ hỏi vống.
Tôi cười trong bụng, biết là thằng quỷ hỏi đểu. Hỏi thế khác
nào đuổi khéo chúng.
Nạn nhân gã hói thoáng chần chừ, trong thâm tâm muốn ở lại.
Nhưng chưa kịp mở miệng thì cô bé má lúm đồng tiền đã lên tiếng, vô tình phá
tan toan tính trong đầu nó.
– Bọn em đang tìm Cổ Tự, có người bảo ở đấy sống tốt!
– Cứ đi thẳng, qua cổng vàng này là tới! Thằng quỷ mừng, nói
ríu cả lưỡi.
Đám học trò đi hoang nhập nhoạng lẫn vào ánh trăng!
– See you again! Tới trước cổng vàng, cô bé má lúm đồng tiền
đột nhiên ngoái lại, vừa vẫy vừa cười hồn nhiên.
– See you again! Bất giác bộ tứ cũng đưa tay vẫy, cười hòa
theo.
Cô bé má lúm đồng tiền và đám bạn vừa đi khuất sau cổng vàng,
tôi bỗng cảm thấy trong lòng có gì trống vắng. Vừa rồi, rõ ràng không chỉ thằng
quỷ mà cả tôi đều muốn họ rời đi ngay, giờ tôi lại rơi vào tâm trạng như vậy.
– Tại sao bọn chúng đi hoang? Tôi buột miệng hỏi thằng quỷ.
– Biết chết liền! Nó cười, bảo tôi.
Bất giác tôi đưa mắt nhìn lên bầu trời. Có lẽ trời xanh sẽ
cho tôi biết tại sao cô bé má lúm đồng tiền và đám bạn đi hoang!.
Tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng của nhà văn
Cao Chiến do NXB Hội Nhà văn ấn hành, vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn
TP.HCM năm 2019. Đây là dấu ấn mới, quan trọng trên hành trình sáng tạo của ông
trong số 2 tiểu thuyết và 4 tập truyện ngắn đã xuất bản.Nhà văn Cao Chiến Hình ảnh cô bé má lúm đồng tiền và đám bạn đi hoang ám ảnh
tôi nhiều ngày sau đó. Tâm trạng tôi trở nên phức tạp, vừa muốn khu vườn chỉ của
riêng mình, vừa mong cô bé trở lại. Tôi nghĩ, chúng tôi có thể vui đùa bên
nhau, chắc thằng quỷ sẽ chẳng phản đối.
Nhưng cô bé và đám bạn đi hoang đã không trở lại. Tôi tìm khắp
Cổ Tự không thấy, chẳng biết chúng biến đi đâu. Tôi cảm thấy buồn, có những buổi
chiều một mình lặng lẽ rời khu vườn xuống bến sông ngồi, trăng lên lại về. Vài
lần thằng quỷ đi tìm, thấy tôi ngồi nó cũng ngồi, nhưng chỉ một lúc là hét
toáng lên: “Chán!”
Mấy người giăng câu dạo này bỗng ít xuất hiện. Tàu bè thì nhiều
đột biến, như đội từ dưới nước chui lên. Nhưng có điều lạ là ban ngày chúng biến
hết đi đâu mà chỉ xuất hiện về đêm. Nước động nên cá sợ bỏ đi hết. Thằng quỷ bảo
tôi, mấy người giăng câu đã chạy đi theo đàn cá. Vắng tiếng gõ mạn của họ, đêm
trở nên trống trải kỳ lạ.
Một buổi chiều, thay vì ngồi đợi trăng lên, tôi đi ngược dòng
sông. Tôi không biết mình đã đi bao xa. Cứ đi như người mộng du chẳng nghĩ ngợi
gì cả. Cảm thấy mỏi chân, lúc bấy giờ tôi mới chịu dừng lại nghỉ, lấy hơi cho
chặng về.
Đột ngột, một cảnh tượng vô cùng đẹp, có thể nói là hùng vĩ đập
vào mắt tôi. Cánh đồng hoa cải vàng rức, từ trong làng chảy mãi ra tận bến
sông. Phía trước bãi rác, nơi tôi từng sống người ta cũng trồng cải, nhưng chỉ
lơ thơ vài cọng, còn ở đây là cả cánh đồng. Gió thổi, rừng hoa đổ nghiêng. Tôi
chưa từng thấy cảnh nào khiến lòng dạ nôn nao đến thế. Cơn mệt trong tôi tan biến!
Nửa sông bên kia rất nhiều tàu lớn. Chúng đang hối hả múc
cát. Tiếng máy thủy gầm rú đẩy sóng bật vào bờ. Thỉnh thoảng nghe ùm một tiếng,
bờ sông sụp xuống, lập tức bị dòng chảy nuốt chửng.
Xa xa, phía sau cánh đồng nổi lên một mái vòm giát vàng.
Trong hoàng hôn, mái vòm sừng sững, như ngôi sao không cánh khổng lồ in vào bầu
trời tím. Những cột khói đen xì của đoàn tàu múc vẫn không che nổi ánh vàng lấp
lánh. “Chắc là nhà thờ!” Tôi nghĩ thầm.
Giữa cánh đồng, một chàng trai chừng mười sáu mười bảy đang cần
mẫn tưới ruộng cải của mình. Những tia nước tóe ra từ cặp ô-doa bắn xuống lá,
phát ra những âm thanh rào rào nghe rất vui tai. Bến sông nơi chàng trai lấy nước
có một cô gái cũng trạc tuổi anh ta đang giặt. Bắp chân cô trắng bóc như bột lọc,
ngâm trong nước càng trở nên lung linh. Tôi thích nhất lúc cô gái vắt đồ. Nước
vỡ ra thành cơn mưa con, rỏ tong tong. Đám mài mại tưởng bở nhào đến đớp bong
bóng. Chúng rỉa nhoi nhói khiến cô nhột, bật cười khanh khách.
Mỗi khi xuống bến vục nước chàng trai cố ý đi thật chậm. Hẳn
là cô gái biết. Một lần, vừa nghe tiếng cặp thùng ô-doa va vào nhau lách cách,
làm như vô tình cô gái túm đôi ống quần vo lại phía trên đùi. Hai cây bánh bột
lọc lộ thiên đột ngột phơi ra khiến cho chàng trai mất hết hồn vía. Chỉ nghe xoảng
một tiếng, anh chàng ngã lăn chiêng, cặp thùng ô-doa lăn lông lốc.
– Cho chết nhé, ai bảo nhìn trộm người ta! Cô gái cười ré
lên.
Chàng trai nằm gần như bất động trên bến sông. Cô gái thấy thế
đâm hoảng, tưởng trò tinh nghịch đâu ngờ ra thế này. Chớp mắt, cô đã ở bên cầm
tay lôi anh chàng dậy.
– Tèo, có sao không? Giọng cô gái run bắn.
Bàn tay mềm mại khiến cơn đau tan đi. Ở quê Tèo, con gái mười
bốn mười lăm nhiều đứa đã tay bồng tay bế. Nhiều người lớn, dù không nói ra miệng
nhưng nghĩ trong đầu, phải cưới vợ nhanh cho con mình. Chậm chân có khi hết sạch
đàn bà con gái. Tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng của Cao Chiến
Ngày trước, thiếu nữ tuổi mười chín đôi mươi chưa gì có khi
đã bị coi là muộn mằn. Nhưng gió giờ đã đổi chiều, chẳng phải đàn bà con gái mà
chính là đàn ông có nguy cơ không lấy được vợ. Con gái thì chẳng còn phải lo ế
nữa. Họ chọn cho mình những người đàn ông đến từ những miền đất rất xa, từ Hàn,
Đài, Mỹ để làm chồng. Tèo từng chứng kiến những cặp đôi có thể nói là lệch hoàn
hảo, trong đó có người là bạn nó. Con rể ở giữa hội hôn, không tinh mắt, thậm
chí có thể nhầm là sui gia với cha mẹ bên vợ.
Tèo thích Hạnh lâu rồi. Chúng được sinh ra và lớn lên cùng với
nhau bên cánh đồng hoa cải. Nhưng biết đâu đấy, một ngày nào đó Hạnh cũng có thể
bỏ đi, như rất nhiều bạn nó.
– Hạnh lấy tớ nhé! Tèo cắn môi, lời tỏ tình bỗng bật ra từ vô
thức.
Mặt Hạnh đột nhiên đỏ rựng. Cô gái rứt tay ra nhưng Tèo chẳng
chịu buông.
Lẫn trong gió, mùi khói đốt đồng bỗng thơm sực lên. Tôi cảm
thấy nao nao. Mùi khói gợi tôi nhớ về bãi rác. Giờ này ở Cổ Tự, không thấy tôi
chắc thằng quỷ đang nháo nhác đi tìm.
Nửa sông bên kia, lẫn trong tiếng máy thủy bụp bụp như trâu ỉa,
những tiếng ùm trở nên dày hơn. Càng về đêm, không khí càng trở nên hối hả. Đèn
đóm sáng rực như ban ngày. Một con tàu múc liều lĩnh đè sóng trồi qua nửa sông
bên này. Ngay dưới chân tôi, một mảng đất lớn sụp xuống, chớp mắt bị hà bá nuốt
chửng. Bọt nước xục lên đỏ ngầu như máu.
Tôi còn trở lại cánh đồng hoa cải nhiều lần. Chẳng biết tự
khi nào trong tôi cánh đồng trở nên vô cùng gần gũi. Tôi có thể ngồi yên lặng
hàng giờ trên bến sông, chỉ để ngắm cánh đồng hoa cải.
Nhưng không chỉ có tôi mà rất nhiều người cũng tìm đến đây.
Cũng như tôi, họ bị rừng cải hớp hết hồn vía. Trong khoảnh khắc cảm xúc thăng
hoa, có kẻ xông vào tận giữa ruộng mê mải tạo dáng. Nhìn những ngồng cải vàng của
mình giập gãy, Tèo ứa nước mắt. Nó phải năn nỉ mãi đám người mới buông tha.
Nhưng cũng có người nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu. “Gãy thì đền, bao nhiêu?” Họ bảo
Tèo khiến cho chàng nhà quê ớ họng, bối rối không để đâu hết.
Những lúc ấy, thường là buổi chiều, trong khi đám người vui
thú thì tôi lặng lẽ rời đi. Tôi lội băng qua cánh đồng, có bữa mò vào tận chân
mái vòm. Mãi tới lúc này tôi mới chợt nhận ra đó không phải mái vòm nhà thờ mà
là biệt phủ. Giữa khoảng sân lớn, mấy con xe rất đẹp, như đàn cánh cam đứng ép
vào nhau. Ở sát bên là hồ bơi, nước xanh ngắt. Có vài người đang tắm, thỉnh thoảng
họ vuốt nước trèo lên, uống hùng hục rồi lại lao xuống bể!
Một buổi sáng, cánh đồng hoa cải vàng rức đột ngột bị vặt trụi.
Tôi tiếc ngơ tiếc ngẩn, chẳng hiểu vì sao người ta cam tâm bức tử cánh đồng hoa
cải đẹp chừng ấy. Càng ngạc nhiên hơn, trên cánh đồng còn đầy xác hoa, bữa trước
bữa sau đã mọc lên một bức tường bao kín mít. Tầm nhìn lúc này bị mù. Đứng ở bến
sông, duy nhất chỉ còn thấy mái vòm biệt phủ. Từ bấy, hiếm khi tôi gặp lại cặp
Tèo-Hạnh. Chẳng biết hai người bọn họ giờ thế nào.
Một buổi chiều, tôi thấy Hạnh ôm rổ quần áo đi men theo bức
tường xuống bến sông. “Hạnh!” Tôi mừng rỡ reo lên. Chỉ nghe ủm một tiếng, rổ quần
áo trên tay Hạnh bung ra. Chớp mắt, bóng dáng Hạnh biến mất. Mấy bộ cánh trắng
như bướm rã ra trên sông, trôi bập bềnh, lát sau cũng biến mất.
Đêm ấy và nhiều ngày sau nữa tôi bị rơi vào trạng thái người
ta gọi là mất ngủ. Thằng quỷ bảo tôi, mày cứ đếm từ một đến mười, rồi lại từ mười
đến một, đếm đi đếm lại chừng nào mắt díp lại thì thôi. Tôi đếm, giống như ông
thầy hàng ngày vẫn ngồi tụng kinh, nhưng càng tụng mắt càng nong ra.
Cực chẳng đã, tôi kể cho thằng quỷ những gì mình thấy trên
khúc sông bên cánh đồng hoa cải, những thứ tôi đã định chỉ giữ cho riêng mình.
Nó chăm chú nghe nhưng chả nói gì. Thật không ngờ, kết quả ngoài sức tưởng tượng.
Tôi chưa kể dứt thì đã lăn ra ngủ.
Tôi thức dậy muộn!
Điều ngạc nhiên đầu tiên đập vào mắt tôi lúc này là sương.
Nói ngạc nhiên, bởi từ rất lâu tôi đã không còn thấy sương. Dù từng có những
lúc đằm trong biển sương, thậm chí hãi hùng, nhưng cảm giác này biến mất lâu rồi.
Xưa, Cổ Tự và vùng phụ cận cây cối rậm rạp. Có những buổi chiều
khói lam dâng lên đẹp như cổ tích. Sau này rừng bị đốt trụi thì khói lam chỉ
còn lại trong ký ức. “Cơ bản rừng ta đã chặt xong, giờ chúng mình đi chặt nơi
khác!” Đôi lần vui miệng, ông biết tuốt chém tới khiến mọi người cười bò ra.
Trong và ngoài cổng vàng lúc này đều ngập trong sương!
Có tiếng sột soạt dưới bậc tam cấp. Tôi hé mắt nhìn, thấy một
con rắn lớn rời khỏi tổ bò đi, để lại trên thảm sương một vệt mờ.
Trừ những đêm giông gió còn hầu như tôi đều ngủ trên nền nhà.
Sáng bảnh bấy giờ lại chui vào bụi cỏ ống nướng tiếp. Tôi không biết, vì một lý
do nào đấy cây cối bên trong cổng vàng hầu như vẫn nguyên vẹn. Cỏ lau, cỏ ống bời
bời che chở cho chúng tôi. Không gì thích bằng nằm một mình trên nệm cỏ lưu
niên nghe tiếng dòng sông thao thiết chảy. Lúc ấy, tôi cảm thấy một cách hết sức
rõ ràng, giống như mọi vật xung quanh, mình hòa vào trong thiên nhiên, là một
phần của tự nhiên.
Biển sương tan đi!
Tiếng sóng bỗng trở nên khác thường, không thao thiết mà đập ầm
ầm, như có người cầm gậy thúc vào đít.
Tôi không biết gì đang xảy ra!
Lúc này, nhìn bằng mắt cũng thấy, mặt sông đang trôi bình thường
bỗng nghiêng hẳn đi. Một lượng nước khổng lồ, thay vì xuôi theo dòng đột ngột xẻ
ra đánh ập vào bờ. Những con sóng hiền hòa cuộn lên, như bầy trâu điên húc ầm ầm.
Tre pheo rác rưởi chất thành đống, cố đẩy bật con nước trở lại. Nhưng càng cố,
con nước càng trở nên hung bạo. Rốt cuộc bầy trâu điên phá tan chiến lũy, tiếp
tục cuộc hành trình của mình.
– Lũ! Bảo mẫu cu By thét lên. Tiếng thét rất to, át cả tiếng
sóng.
Sau đấy là tiếng chân chạy rầm rập, tiếng la hét hỗn loạn. Cu
By và mấy đứa trẻ lớn nhanh chóng ôm đám nhỏ chạy lên khu đất cao. Thầy, ông đầu
bạc và rất nhiều người nữa, kịp thời xuất hiện hỗ trợ chúng.
Con nước ngập trời. Khu vườn bên trong cổng vàng bị nuốt trắng.
Chẳng riêng Cổ Tự mà nhiều nơi khác cũng lâm vào tình trạng tương tự. Người,
sinh linh dồn dập chạy về. Thoáng chốc, Cổ Tự gần như quá tải. Bà bảo mẫu, cu
By nằm trên bàn. Đám trẻ nhỏ ngủ trên giường kê cao. Ông thầy, ông đầu bạc, ông
biết tuốt không ngủ. Suốt ngày họ lội nước bì bõm.
Sau khi tàn phá tan hoang Cổ Tự và mấy vùng phụ cận, cơn lũ dần
đuối sức, rút đi.
Trong khi đợi nhà cửa khô ráo, tôi và thằng quỷ đi hoang!
Trên đường, cây cối đổ ngổn ngang. Có nhà đang vội vã dựng rạp
làm đám cho người chết trôi. Bởi ai cũng đang phải lo việc nhà mình nên đám hiếu
khá vắng vẻ, lúc chúng tôi đi qua mới chỉ lác đác vài mống. Gã thợ kèn ngồi lẻ
loi, mặt trông buồn xo. Để giấu bớt cô đơn, thấy ai đi qua gã cũng phùng má, thổi
te một tiếng ngân dài.
Thấy một nơi tấp nập khác thường, tôi và thằng quỷ tạt vào!
Đập vào mắt tôi lúc này là một rừng chân dài miên man. Những
bóng người tha thướt, xiêm áo lộng lẫy lướt đi như vừa bước ra từ cổ tích khiến
tôi choáng ngợp. Đám đông bên dưới không ngớt trầm trồ, chỉ trỏ. Có mấy người nằm
bò ra, bấm máy liên tục, bằng mọi giá họ phải ghi lại khoảnh khắc thần
tiên. Bối rối thế nào, một hot girl tự đá vào chân, chúi về phía trước suýt thì
ngã giập mặt.
– Đừng để ngà ngọc trầy sước nhé! Một người ngồi ở hàng trên
đầu, đẹp chả thua gì hot girl nhỏm dậy, bắc tay làm loa nói nhõng lên, giọng đầy
lo lắng. Hot girl cười, lấy lại vẻ tự tin, sải đi như múa.
Tôi và thằng quỷ rời đi!
Lúc này nhà đám đã dựng xong rạp!
Người đến chia buồn mỗi lúc mỗi đông. Đốt hương xong, họ
không bỏ đi ngay mà ngồi quây quần lại chuyện phiếm. Loanh quanh cũng chỉ về
cơn lũ. Trong số họ, có người nhà cửa mất trắng.
– Không chết là may rồi! Ai đó thốt lên.
Ông đầu bạc im lặng, nghĩ vơ vẩn trong đầu. Ông và mọi người ở
đây từng đi qua nhiều trận lũ lụt, có khi vài ngày nước chưa chịu rút, tay chân
bợt ra, nhai mỳ gói đến mức thậm chí sau đấy vừa ngửi thấy mùi đã muốn ọe.
Nhưng chưa có trận nào kinh hoàng như lần này. Nhoàng một cái, thủy thần đã bốc
toàn bộ nước từ thượng nguồn đổ ụp xuống, chẳng mấy người kịp trở tay.
– Nó là con nước lịch sử! Ông đầu bạc buột miệng.
Thỉnh thoảng, giữa những khoảng lặng của nhà đám, tiếng nhạc
hội lại chói lên, lấp đầy vào chỗ trống. Một người vừa tới, chân còn đạp bùn
lép nhép, thấy mọi người đang quây quần thì sà vào ngồi luôn.
– Đã đốt hương chưa mà ngồi! Mấy người bên cạnh nhắc. Nhưng
tâm trí người đàn ông lúc này như đang để ở đâu, nhắc thì nhắc ông ta vẫn mặc kệ.
– Lũ thế, chẳng biết biệt phủ sao không? Ông ta nói bâng quơ,
bấy giờ mới chịu đứng dậy đi làm bổn phận của mình.
Đám nhạc hiếu chơi có thể nói là sung hết cỡ. Kèn. Trống. Não
bạt. Tân nhạc. Cổ nhạc. Liên khúc. Kim cổ giao duyên. Gã thợ kèn phùng má, hai
con mắt đầy nước nhắm nghiền lại. Những âm thanh thần thánh tấu lên đưa hồn kẻ
chết trôi ra đồng.
30/12/2019Cao ChiếnNguồn: Trích từ tiểu thuyết "Buổi chiều đi qua cánh đồng"
Nhà văn Cao Chiến
Hai tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng,
Những mảnh ghép
của nhà văn Cao Chiến
Nhà văn Cao Chiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét