Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Cảm nhận Muôn kiếp nhân sinh của GSTS Huỳnh Ngọc Phiên

Cảm nhận Muôn kiếp nhân sinh 
của GSTS Huỳnh Ngọc Phiên

Với những người đã từng đọc các cuốn sách của Nguyên Phong (dịch, phóng tác, gọi sao cũng được) thì việc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News ấn hành tác phẩm Muôn Kiếp Nhân Sinh là một việc làm đầy ý nghĩa. 
Từ khi đọc cuốn Hành Trình Về Phương Đông, Nguyên Phong đã chiếm một vị thế trân trọng trong sự đánh giá của tôi. Một mặt, ông là một trí thức sống ở nước ngoài lâu năm mà vẫn sử dụng tiếng Việt một cách điêu luyện, trong sáng nhưng tuyệt nhiên không cầu kỳ, kênh kiệu. Tôi rất quý ông về điểm này. Mặt khác, qua các cuốn sách đã được ấn hành ở trong nước, cũng như qua một vài chuyện kể về ông, tôi càng quý ông hơn khi xem ông như một Phật tử tại gia, am tưởng giáo lý nhà Phật thể hiện qua một cuộc sống với tâm bồ đề thật sinh động.
Chủ đề của Muôn Kiếp Nhân Sinh là Luân hồi và Nhân quả. Nguyên Phong tham dự vào cuộc thảo luận về chủ đề này trong một bữa ăn tại nhà Giáo sư Raymond Yeh, nhân chuyến đi Đài Bắc vào năm 2008. Điều quan trọng nhất là tại bữa ăn đó, Nguyên Phong gặp ông Thomas và hai người đã trở thành quen thân từ đấy. Thật là một mối Nhân duyên tuyệt diệu!
Đối với các nhà khoa học phương Tây, Luân hồi và Nhân quả chưa được công nhận, hoặc ít ra, chưa được lý giải rạch ròi. Còn đối với tuyệt đại đa số người Việt chúng ta, đấy là những quy luật hầu như đã ăn sâu vào tâm khảm mọi người. “Gây nhân nào  gặt quả nấy”, “ác nhân ác báo”,… là những cách phát biểu khác nhau của Nhân quả, còn “hẹn gặp nhau ở kiếp sau” là điều mà chúng ta thường nghe trong phim, kịch, cải lương về các cuộc tình dang dở, thể hiện niềm tin một mạc về việc tái sinh…
Nói thế không có nghĩa là không có người không tin vào Nhân quả. Những người này thường nói rằng nếu họ không tin vào Nhân quả, thì họ không bị quy luật này tác động lên mình. Thành ra dù đối với một số độc giả, việc tác phẩm nhấn mạnh rằng Nhân quả là một quy luật chung của vũ trụ, nó tác động lên mọi người bất kể người đó có tin hay không, cũng là điều cần thiết. Cũng có người cho rằng Nhân quả là một quy luật của vũ trụ mà vũ trụ là do Thượng Đế tạo ra, vì vậy họ chỉ cần đặt hết lòng tin vào Thượng Đế!.
Trong các sách của Nguyên Phong, thỉnh thoảng ta thấy ông có dùng từ “Thượng Đế”. Nhưng Thượng Đế ở đây được dùng như một quy luật chung của vũ trụ, chứ chẳng phải dưới bóng dáng của một kẻ quyền uy, muốn làm gì thì làm, bất luận chuyện phải trái, đúng sai. Một Thượng Đế như vậy chỉ có trong đức tin tôn giáo và tôi xin phép được miễn bàn.
Dù biết rằng Nhân quả và Luân hồi là những quy luật chung, phổ quát của vũ trụ, không mấy ai có thể lý giải hoặc mô tả cách hoạt động của hai nguyên lý quan trọng này. Đọc Muôn Kiếp Nhân Sinh, qua những lý giải của Kris, bạn đọc cũng sẽ nhận ra điều đó. Bản thân tôi cũng đã suy gẫm nhiều, nhưng cho đến giờ, vẫn không tìm được một lý giải nào thỏa đáng. Tôi chỉ hiểu đơn giản và lờ mờ rằng Nhân quả hoạt động giống như một máy chấm điểm tuyệt diệu, cho điểm dương khi người ta tạo ra nhân thiện/tốt, cho điểm âm khi tạo ra nhân ác/ xấu rồi tổng cộng lại [Còn nhân nào sẽ tạo ra quả tức thời, trong kiếp này, kiếp khác thì mù tịt]. Đến cuối đời, số điểm này được chứa đựng nơi a lại da thức hay tàng thức để đi đầu thai vào kiếp sau… Thế nhưng cho điểm như thế nào, hay phép tổng cộng thực hiện ra sao (có bao gồm phép cộng năng - synergy) thì tôi không biết đâu mà đoán! Còn việc đầu thai như thế nào thì thật là khó hiểu, bởi chính tàng thức cũng không phải là một bất biến…
Trong cuốn Hành Trình Về Phương Đông, qua lý giải của nhà chiêm tinh Babu [Chương 3, Khoa học Thực nghiệm và Khoa học Chiêm Tinh Bí truyền] bạn đọc có thể hiểu một phần nào về Nhân quả và Luân hồi. Đặc biệt, Babu cho biết rằng lẽ ra thương gia có tên là Keymakers đã chết trong cuộc chiến vừa qua, nhưng nhờ lòng từ bi trắc ẩn, ông  mang tài sản ra giúp đỡ rất nhiều nạn nhân chiến cuộc, nhờ vậy ông này đã thoát chết và số mệnh ông ta hoàn toàn thay đổi từ đó. Nói khác đi, con người có thể biến cải số mệnh dễ dàng nếu biết làm các việc tốt lành, đẹp đẽ.
Tôi nhớ Nguyễn Tường Bách, trong Đêm Qua Sân Trước Một Cành Mai, có nói đến việc “gặp” lại Nguyễn Công Trứ nơi một cây thông, vì vị tướng quân này đã ước “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Chắc hẳn Nguyễn Tường Bách, một Phật tử am hiểu đạo Phật hơn tôi, nghĩ rằng một người có thể biến thành một loài cây, như lý giải của Kris, trong vòng luân hồi sinh tử.
Trong Muôn Kiếp Nhân Sinh, trang 253, Nguyên Phong, qua lý giải của Kris, thì khi thoái hóa - tức là khi thay đổi từ loài thông minh thành những loài cấp thấp - một sự thông minh lớn có thể biến thành nhiều sự thông minh nhỏ, và do đó, khi một người thoái hóa thành loài thú, sự hiểu biết cũng đi theo những sự hóa kiếp đó, chẳng phải trở thành một con thú duy nhất mà thường trở thành nhiều con thú. Câu hỏi được đặt ra là: khi tiến hóa, có thể nào một số thú vật sẽ biến thành một người không? Tổng quát hơn nữa, có thể nào một số người thông minh, đạo hạnh sau khi chết sẽ tái sinh thành một người thông minh đạo hạnh hoàn bảo hơn để người này trở thành A La Hán hay Phật trong một kiếp sống hay không?
Bài viết là cảm nhận về cuốn Muôn Kiếp Nhân sinh 
do GSTS Huỳnh Ngọc Phiên viết và gửi.
Có người than phiền là ngày nay, Phật giáo có vẻ mang màu sắc mê tín, trong lễ nghi cũng như việc thờ phụng. Đó là một điều đáng lo đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo. Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực hơn, việc cúng bái có vẻ mê tín đó vẫn thể hiện một điều quan trọng: Đó là người ta còn biết sợ những quả xấu mà họ vì một lý do nào đó đã tạo nhân. Và bao lâu người ta còn biết sợ thì đến một chừng mực nào đó, họ sẽ chùn tay không làm những việc ác đức nặng nề. Thế vẫn tốt hơn là khi họ không biết sợ quả báo!.
Không rõ là bạn đọc có thắc mắc gì không về nhân vật Kris? Tôi nghĩ là với những năng lực huyền bỉ biết được quá khứ của Thomas như đã thể hiện trong sách, thì Kris phải là một vị tu hành đạt đạo, một A La Hán, hay trong truyền thống Phật giáo Đại thừa, một vị Bồ Tát. Phước đức lắm thay nếu chúng ta có dịp được nhận những lời giáo  huấn của Ngài trong cuộc sống phức tạp hiện nay!.
5/12/2020
Huỳnh Ngọc Phiên
Nguồn: Thế giới Nghệ thuật
https://hatgiongtamhon.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm c...