Huy Cận: Nơi con chữ
thấm đẫm một nỗi sầu vạn kỷ
Là một thành viên xuất sắc của phong trào Thơ mới, Huy Cận đã
tìm thấy mục đích và lý tưởng chân chính cho tiếng nói nghệ thuật của mình sau
khi đến với Cách mạng, ông trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ
ca Việt Nam hiện đại.
Với vốn văn hóa phong phú, dòng cảm xúc tinh tế, chân thực và
quan điểm nghệ thuật rõ ràng cùng màu sắc riêng biệt, Huy Cận đã trở thành một
trong bốn đỉnh cao của phong trào Thơ mới lúc bấy giờ và góp phần khiến thi đàn
Việt Nam càng trở nên rực rỡ.
Vài nét về nhà thơ Huy Cận
Nhà thơ tên thật là Cù Huy Cận, ông sinh năm 1919 huyện Hương
Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Huy Cận xuất thân trong một gia đình gia giáo có bố là nhà
nho lừng lẫy một thời, sau về quê dạy chữ Hán, còn mẹ là một cô gái ở vùng quê
có nghề dệt lụa truyền thống. Bố mẹ ông đều yêu văn chương và rất thuộc Truyện
Kiều.
Quê Huy Cận là một vùng bán sơn địa có cảnh vật hùng vĩ vẫn
giữ nguyên vẻ hoang sơ, người dân ở đây tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng lại rất
yêu đời và mê hát ví dặm, kể truyện thơ Nôm.
Hình ảnh nhà thơ Huy Cận ngày trẻ
Tuy gia đình có cha mẹ đều hay chữ và hòa hợp nhau nhưng không
khí gia đình Huy Cận thường nặng nề vì nhiều xung đột giữa các thế hệ.
Những lúc như vậy, ông rất thích lang thang giữa vùng quê mênh
mang và thả hồn vào đất trời để được gần gũi với đất đai đồng ruộng và cuộc sống
người nông dân.
Càng trưởng thành, Huy Cận càng nhạy cảm với cuộc sống của chính
mình để rồi sự tinh tế cùng lòng yêu mến, trân trọng thiên nhiên và con người
trong ông ngày càng nở rộ bởi truyền thống văn hóa của gia đình, quê hương.
“Tôi sinh ra ở miền sơn cước
Có núi làm xương cốt tháng ngày
Ðất bãi tơi làm da thịt mát
Gió sông như những mảnh hồn bay.”
Ngay từ khi còn nhỏ, Huy Cận đã được bố cho học chữ Hán và ở
quê tới lớp bốn, lên lớp năm ông ra Huế học và sống tại đó cho tới hết tú tài.
Sau này ông lên Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông, trong thời gian học này
Huy Cận ở phố Hàng Than và kết bạn cùng với Xuân Diệu.
Từ năm 1942 ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt
trận Việt Minh rồi tham dự nhiều sự kiện và được bầu làm các vị trí quan trọng.
Huy Cận cũng từng cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn và có quan hệ thân thiết với
các thành viên nơi đó.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông liên tiếp giữ nhiều chức
vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước điển hình như chức Bộ trưởng Canh Nông
trong chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ và
Thứ trưởng Bộ Kinh Tế.
Ngoài ra ông còn đóng vai trò quan trọng trong mảng văn hóa của
đất nước, có thể kể tới là chức vụ Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hóa, Chủ tịch Ủy
ban trung ương Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật.
Chức vụ cuối cùng Huy Cận nắm giữ là Phó chủ tịch Ủy ban toàn
quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Ngoài những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa trong nước
Huy Cận còn là nhà hoạt động quốc tế năng động với nhiều đóng góp lớn cùng nhiều
vai trò khác nhau. Tháng sáu năm 2001, Huy Cận vinh dự được bầu là Viện sĩ
Viện Hàn lâm Thơ Thế giới.
Nhà thơ có hai người vợ trong đó người vợ đầu của ông là bà
Ngô Xuân Như, em gái của nhà thơ Xuân Diệu và là một người con gái tài giỏi. Người
vợ thứ là bà Trần Lệ Thu, cán bộ giảng dạy Nga văn ở một trường Đại học lớn tại
Hà Nội.
Huy Cận có người bạn thân thiết là Xuân Diệu, họ xem nhau như
tri kỷ, Xuân Diệu cùng sống với gia đình nhà thơ cho đến hết cuộc đời tại Hà Nội.Hình ảnh nhà thơ Huy Cận cùng Xuân Diệu
Huy Cận có hai con trai và hai con gái, hầu hết các người con
của ông đều trở thành những người thành đạt và nắm giữ nhiều vị trí quan
trọng và đạt được nhiều giải thưởng danh giá.
Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám là một nhà thơ với nỗi sầu
vạn kỷ
Con đường đi theo văn chương của Huy Cận chia thành hai giai đoạn,
trước khi Cách mạng tháng Tám thành công và giai đoạn sau Cách mạng.
Nhà thơ bắt đầu sáng tác từ năm 1936 bằng những bài bình luận
văn học đăng trên các báo Tràng An, Sông Hương với bút danh Hán Quỳ. Hai năm
sau thơ của ông được đăng trên báo Ngày Nay và bắt đầu thu hút được sự chú ý của
nhiều độc giả cũng như các tác giả khác.
Năm 1940 Huy Cận cho ra mắt tập thơ Lửa thiêng gồm
những bài đã đăng trên báo từ năm 1936 đến năm 1940.
Tập thơ này mang một nỗi buồn da diết cùng hình ảnh thiên nhiên
bao la, hiu quạnh nhưng chính nó đã giúp Huy Cận trở thành một trong những tên
tuổi hàng đầu của phong trào Thơ mới lúc bấy giờ, đúng như lời nhận xét của một
người bạn của ông:
“Tôi cho rằng, Lửa thiêng là một tập thơ mang tính chất một “hiện
tượng văn học lớn” có một không hai trên thi đàn đất nước ta từ xưa đến nay, mà
bấy lâu chúng ta chưa có điều kiện thảnh thơi để đánh giá nó một cách thật khách
quan, thật trong sáng.”
Tập thơ gồm năm mươi bài, là tiếng lòng của một thanh niên đang
hừng hực tuổi trẻ muốn nói lên những niềm vui, nỗi buồn của chính mình. Giữa
nhiều bài thơ khác cùng chủ đề về tình yêu và tuổi trẻ, Lửa thiêng không
rầu rĩ và ủ dột mà lại tươi sáng, dễ thương vô cùng với những cung bậc cảm xúc
trong trẻo của tình yêu tuổi học trò:
“Chân bên chân, hồn bên hồn, yên lặng,
Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng,
Trí vô tư cho da thở hương tình.
Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình
Như sắp nói, nhưng mà không; - khóm trúc
Vừa động lá, ta nhận vào một lúc
Cả không gian hồn hậu rất thơm tho;
Gió hương đưa mùi, dìu dịu phất phơ…”
– Đi giữa đường thơm
Đẹp đẽ và hồn nhiên là thế nhưng tình yêu đôi lứa ấy nhanh chóng
vỡ tan và rơi vào vô vọng bởi sâu thẳm trong tâm hồn Huy Cận vẫn luôn có một nỗi
buồn đè nặng, bắt nguồn từ chính những bi kịch và bế tắc thuở xa xăm.
Chính sự hòa quyện giữa sự hồn nhiên và vẻ u hoài ấy đã khiến
Huy Cận trở thành nhà thơ có nỗi sầu bậc nhất trong những nhà Thơ mới.Ảnh minh họa tập thơ Lửa thiêng của
Huy Cận
Triền miên trong nỗi buồn thương nhưng Huy Cận không bị xoáy
vào vòng tròn tuyệt vọng hay một thế giới siêu thực như nhiều nhà thơ khác giai
đoạn ấy. Ông vẫn tha thiết với cuộc đời và dành trọn những gì chân thành nhất
cho nó, đắm say vào cảnh sắc của đất nước, quê hương và hòa mình với hương vị nồng
nàn của cây cỏ.
“Bắt gặp mùa tươi lên rún rẩy
Trong cành hoa trẻ, cổ chim non.
– Có ai gửi ý trong xuân cũ,
Đất nở mùa xuân vẫn chẳng mòn.”
Ngoài ra ông còn nhiều tập thơ khác được in trên báo, các tác
phẩm như Kinh cầu tự hay Vũ trụ ca đã mang một một màu sắc
tươi mới hơn cho thi đàn văn học Việt Nam lúc bấy giờ.
Sau cách mạng thơ của Huy Cận chủ yếu là hô hào, ngợi ca cuộc
sống mới và con người mới nên giá trị nghệ thuật không có nhiều điểm nổi bật như
giai đoạn sáng tác trước đó.
Ông viết một số tác phẩm về biển, có thể kể tới các tập thơ
như Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Họp mặt thiếu niên anh hùng, Ngày
hằng sống ngày hằng thơ cùng nhiều bài thơ khác.
Nhà thơ của cảnh sắc quê hương và nỗi niềm nồng nàn yêu nước
Theo bối cảnh lúc bấy giờ Thơ mới dần đi vào bế tắc để rồi mỗi
nhà thơ đều phải loay hoay đi tìm lối thoát cho riêng mình, Huy Cận tìm cách
thoát ly vào với thiên nhiên và vũ trụ, ông kêu gọi mọi người trở về hòa nhập vào
tạo vật, tìm nguồn vui từ thiên nhiên vũ trụ:
“Có lẽ tạo vật đau thương, đất trời vắng lạnh vì nỗi lòng ta
xa cách tạo vật đó thôi. Ta hãy trở về, ta hãy nhập cuộc, có nhịp sống đưa nâng,
có dòng đời xô đẩy, cái vui lớn, cái vui trọng đại dâng sóng tràn khắp cõi đời.”
Từ khi thoát vào vũ trụ hồn thơ Huy Cận trở nên mạnh mẽ, khoáng
đạt cùng nhiều cảm xúc mới lạ, ông say sưa trong cái mênh mang của trời đất và
vũ trụ:
“Trời xanh ran lá biếc
Biển chóa ngập buồm vàng
Gió thổi miền bất diệt
Mây tạnh đất hồng hoang.”
– Trời, Biển, Hoa, Hương
Mặc dù như gặp lại niềm vui thuở trước cùng niềm hân hoan, rạo
rực và những khát khao của tuổi trẻ nhưng rất dễ nhận ra cái vui trong Vũ
trụ ca là vui gượng, cố vui nên không trọn vẹn và vẫn mang vẻ chông chênh,
vô vọng khiến tác giả đôi khi rơi vào trạng thái cầu kỳ hóa làm hình ảnh mất đi
tính tự nhiên.
Ảnh vẽ minh họa nhà thơ Huy Cận
Dù vậy chính cái tôi giàu cảm xúc, nặng tình với đất nước, dân
tộc đã dần dần kéo Huy Cận trở lại với sự gần gũi vốn có:
“Về đâu những bước thời gian đã
In dấu mong manh trên cánh đào?
Về đâu hạt bụi vàng thao thức
Theo bánh xe quay vòng khát khao?
Về đâu ?…”
Câu hỏi “Về đâu” cứ lặp đi lặp lại như một ám ảnh, day dứt khôn
nguôi của Huy Cân về ngày mai và ý nghĩa của kiếp người.
Trước Cách mạng tháng Tám Huy Cận là một trong số những nhà
thơ tiêu biểu của Thơ mới, thơ ông là tiếng lòng thiết tha gắn bó với quê hương
và niềm khao khát được hiến dâng tuổi trẻ, tài năng cho đất nước nhưng khi đối
diện với thực tại nghiệt ngã những kỳ vọng ấy đã tan vỡ hoàn toàn.
Như nhiều nhà thơ lãng mạn khác, sáng tác của Huy Cận giai đoạn
này luôn có một nỗi sầu thường trực trên từng nhưng đó là biểu hiện sinh động của
bi kịch tâm trạng và đáng được cảm thông, trân trọng.
Sau Cách mạng tháng Tám thơ Huy Cận gắn bó sâu sắc với
kháng chiến
Sau khi Lửa thiêng ra đời một năm, Huy Cận tìm đến
với Cách mạng và hoạt động trong mặt trận Việt Minh.
Như một bộ phận lớn nhà thơ cùng thời, sự chuyển biến của Cách
mạng có ý nghĩa vô cùng to lớn tựa như một bước ngoặt lịch sử đưa Huy Cận thoát
khỏi sự tuyệt vọng và sự luẩn quẩn không lối thoát do mặc cảm nặng nề về thân
phận nô lệ tạo nên.
Sau 1945 thơ Huy Cận thể hiện rõ quá trình đấu tranh tự khẳng
định sự góp mặt của một nhà thơ lớp trước vào cuộc sống mới. Tuy nhiên phải tới
mười ba năm sau thì mới có một tập thơ (Trời mỗi ngày lại sáng) được ra đời đánh
dấu sự thay đổi quan điểm nghệ thuật cùng những cảm xúc trong suốt quá trình ông
đi theo Cách mạng.
Hình ảnh nhà thơ Huy Cận
Trong kháng chiến chống Mỹ, Huy Cận đã góp tiếng thơ của mình
vào việc phản ánh những sự kiện và vấn đề trọng đại của chiến tranh. Bằng nhiều
chuyến đi thực tế vào tuyến lửa nhà thơ kịp thời chuyển biến cách nhìn cùng suy
nghĩ cho phù hợp với giai đoạn cách mạng mới.
Giai đoạn này nhà thơ liên tiếp ra đời nhiều tập thơ có giá
trị như Những năm sáu mươi, Chiến trường gần đến chiến trường xa, Những người
mẹ, những người vợ và Ngày hằng sống, ngày hằng thơ.
Trong khuynh hướng chung của thơ ca Cách mạng, thơ Huy Cận cũng
gắn bó sâu sắc với đời sống cách mạng và kháng chiến.
Từ thế đứng hùng vĩ và tầm vóc lớn lao của dân tộc trên tuyến
đầu chống Mỹ, nhà thơ càng có điều kiện để suy ngẫm về quá khứ và hướng về tương
lai, từ truyền thống dân tộc đến quan hệ với thế giới và thời đại.
Giữa khói lửa mịt mù của chiến tranh, cái nhìn của Huy Cận vẫn
hướng về phía khái quát để phát hiện ra những nét đẹp tiềm ẩn trong văn hóa
truyền thống của đời sống con người Việt Nam:
“Sống vững chải bốn ngàn năm sừng sững
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
Trong và thật: sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa.”
– Ði trên mảnh đất này
Nhiều bài thơ của Huy Cận thể hiện được tính chính luận rõ ràng
và xác thực từ những sự kiện chính trị, xã hội hay những chi tiết cụ thể của đời
sống, nhà thơ mở rộng liên tưởng để khám phá bề sâu triết lý của vấn đề.
Trước ngã ba Ðồng Lộc, một trọng điểm trên tuyến đường vào
Nam và là nơi ghi dấu sự hy sinh dũng liệt của mười cô gái phá bom đã khiến Huy
Cận nghĩ đến ý nghĩa quyết định của những ngã ba trong đời mỗi người, mỗi dân tộc:
“Qua trái tim ngã ba Ðồng Lộc
Máu qua tim máu lọc
Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam
Những ngã ba Việt Nam
Trên đường dài kẻ địch còn găm
Nhiều bom nổ chậm
Ðường sẽ thông xe đi về Cách mạng.”
– Ngã ba Ðồng Lộc
Bằng những hình ảnh giản dị và cụ thể Huy Cận tập trung ngợi
ca sức quật khởi, sức sống bất diệt và phong thái ung dung của con người Việt
Nam.
Nhà thơ đi đến một khái quát có ý nghĩa nhân văn sâu sắc về
cuộc kháng chiến chống Mỹ rằng đây là cuộc chiến đấu và chiến thắng của nhân
nghĩa trước bạo tàn phi nghĩa, của sự sống trước sự hủy diệt.
Nhận thức này thấm sâu trong cảm xúc và hình tượng thơ, tạo nên
tâm thế bình tĩnh, tự tin của cả một dân tộc anh hùng trước những thử thách khốc
liệt:
“Buổi trưa ấm lại bốn bề tiếp tục
Con gà mái lại đâu đây cục tác
Báo với đời thêm một trứng tròn to
Anh bộ đội ngoái đồng ngồi trên mâm pháo bóng tròn vo.”
Huy Cận là nhà thơ của cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam cùng những
áng thơ lãng mạn và trong trẻo. Bởi vậy Việt Nam thời chống Mỹ trong thơ ông cũng
thấp thoáng những làng quê yên ả với nhịp sống tưởng như bình lặng nhưng
luôn có nhiều xao động tinh tế.
“Gà gáy trong mưa vẫn tiếng vang
Giọng kim, giọng thổ rộn vang đồng
Ðược mùa giống mới, gà no bữa
Tiếng gáy tròn như lúa nặng bông.”
– Gà gáy trên cánh đồng Ba Vì được mùa
Huy Cận rất yêu mến và quan tâm đến trẻ con, nhà thơ dành hẳn
một tập thơ cho các em. Tập thơ như những bài học nhằm giáo dục lòng yêu
quê hương đất nước, yêu con người, yêu lao động và có tinh thần đoàn kết.
Không là những lời giáo huấn khô khan, tiếng thơ Huy Cận rất
hồn nhiên và đáng yêu nên dễ đi vào tâm trí trẻ thơ:
“Buổi trưa lim dim
Nghìn con mắt lá
Bóng cũng nằm im
Trong vườn êm ả.”
Từ 1975 đến gần cuối đời, Huy Cận vẫn sáng tác đều đặn, gác lại
chuyện chiến tranh, tâm hồn nhà thơ trở về với mạch cảm xúc quen thuộc của cuộc
đời hàng ngày quanh mình, ông lại say mê thiên nhiên vũ trụ và nghiền ngẫm suy
tư về sự sống con người.
Những tập thơ tiêu biểu có thể kể đến như Ngôi nhà giữa
nắng, Hạt lại gieo, Chim làm ra gió và Lời tâm nguyện cùng hai thế kỷ.
Ảnh minh họa bài thơ của Huy Cận
Thơ Huy Cận tiếp tục phát triển theo hướng suy tưởng và hướng
nội hơn, ngoài ra còn có khuynh hướng chiêm nghiệm về ý nghĩa nhân sinh cao cả
từ những biểu hiện bình dị của đời thường:
“Yêu mãi, yêu rồi, đâu hết yêu
Cuộc đời như miếng đất phì nhiêu
Trồng bao nhiêu vụ còn tươi tốt
Hạt gặt xong rồi, hạt lại gieo”
– Hạt lại gieo
Nhà thơ giờ đây đã cảm nhận được trọn vẹn từ những mùi vị dân
dã của đất đai đồng ruộng đến lời ru của gió, nhịp thở của biển để rồi nói lên
linh hồn của cảnh sắc thiên nhiên bằng giai điệu trong trẻo, dễ rung động lòng
người.
Trước 1945, tuy vật vã với nỗi sầu đau nhưng thiên nhiên
trong thơ Huy Cận vẫn thấm thía tình người, tình đời và từ sau Cách mạng
tháng Tám tiếng thơ trở nên đằm thắm, sâu nặng nghĩa tình và cảnh sắc thiên nhiên
ấm áp, xôn xao hơn nhiều:
“Chiều thu trong, lá trúc vờn đẹp quá
Lá mía xanh nhung quạt vào mái rạ
Tiếng lao xao như ai ngả nón chào
Hoa mướp cuối mùa vàng rực như sao
Giếng trong lẻo, trời xanh in thăm thẳm.”
– Chiều thu quê hương
Năng lực ấy không chỉ có được bằng sự tinh nhạy của các giác
quan mà còn được rèn dũa trong những năm tháng tuổi thơ sống ở quê hương, xuất
phát từ chiều sâu tâm hồn tác giả, một tâm hồn luôn rộng mở để đón nhận đủ đầy âm
vang mọi phía đời sống.
Có thể nói thiên nhiên, quê hương đất nước là nguồn cảm hứng
vô tận trong thơ Huy Cận. Nếu ở Xuân Diệu, thiên nhiên thường nồng nàn hương vị
và ngôn ngữ ái tình thì ở Huy Cận, núi sông cây cỏ bao giờ cũng lặng lẽ, bình
thản như tâm hồn tác giả.
Nắng vàng, trời xanh, gió biếc, biển rộng, sông dài tuy luôn
hiển hiện trong thơ Huy Cận nhưng tác giả vẫn luôn nặng lòng đời và khẳng định
sự hài hòa giữa con người với tự nhiên để mở rộng biên giới những xúc cảm, nâng
tầm nhận thức về sự tồn tại của con người.
“Thơ viết về đất nước, thiên nhiên và quê hương là một điểm mạnh
của Huy Cận. Dường như ở đây nhà thơ đã toát ra một mảng hương sắc sâu xa, cao đẹp
nhất của tâm hồn mình.”
– Xuân Diệu
Vũ trụ và cuộc đời luôn song hành tồn tại, thành hai cực hấp
dẫn hồn thơ Huy Cận. Thơ ông ngày càng gắn bó với đời nhưng cảm hứng về cuộc đời
không tách rời cảm hứng về vũ trụ, vươn lên tìm hiểu những bí ẩn của không gian
vô cùng cũng đồng thời nhìn về trái đất để hiểu hơn chính mình.
Khát vọng ấy mang bản chất triết lý, nhân văn cao cả bởi đích
đến cuối cùng của nó không phải cõi siêu hình nào mà chính là mặt đất, cuộc sống
của con người.
Huy Cận viết nhiều về cái chết, về sự tương phản nghiệt
ngã giữa hữu hạn đời người với cái vô hạn của tạo hóa. Sự sống là bất tử, vũ trụ
là vô cùng nhưng con người không thể tránh được cái chết.
Nghĩ đến lúc từ giã cõi đời, nhà thơ không khỏi xót xa nuối tiếc
nhưng đó không là biểu hiện của thái độ ham sống sợ chết tầm thường mà là của
khát vọng được cống hiến hết mình, được tái sinh:
“Ðời thân yêu, một ngày mai ta chết
Cho ta đi khi hè chói chang trưa
Ðể ta hiểu giã từ chưa phải hết
Nằm đất quen như hạt chín sang mùa”
– Say mùa hè
Cảm hứng nghệ thuật của Huy Cận trước 1945 có sự phân cực khá
rõ giữa hiện thực và lãng mạn. Từ sau 1945 hai đối cực ấy dần dần đạt đến độ hòa
hợp cần thiết, trên cơ sở sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực trong cuộc sống
mới.
Huy Cận là nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn của Việt Nam, tuy am
hiểu nhiều nền văn minh, văn hóa của nhân loại hồn thơ ông vẫn đậm đà bản sắc dân
tộc. Suối nguồn thơ ca truyền thống đã rót vào tâm hồn Huy Cận những giai điệu
du dương khiến cho tiếng thơ gần gũi rất dễ đi vào lòng người.
Huy Cận cùng Tố Hữu tại Paris
Thể thơ lục bát truyền thống, thể thơ năm chữ của dân ca Nghệ
Tĩnh vừa mộc mạc chân tình vừa lắng đọng, hàm súc và sắc thái biểu hiện được phát
huy rõ rệt, chất suy tư bàng bạc chảy tràn khắp các tứ thơ.
Hình ảnh thơ Huy Cận thường không sắc sảo, gây ấn tượng mạnh
mà thâm trầm, khơi gợi như len nhẹ, như ngấm sâu vào tâm hồn và trí tuệ người đọc.
Những bức tranh thiên nhiên trong thơ Huy Cận thường rất ít đường nét, giản ước
theo bút pháp cổ điển và gợi nhiều hơn tả.
Với khối lượng thơ đồ sộ cùng dòng cảm xúc tinh tế, mỗi trang
thơ đều đong đầy một nỗi cô đơn và buồn da diết cuốn theo cả tâm trạng người đọc,
Huy Cận đã được mệnh danh là nhà thơ có nỗi sầu vạn kỷ.
Thùy Lam
Theo https://revelogue.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét