Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Bùi Giáng - Người lữ khách cuồng điên và khôn cùng kỷ niệm

Bùi Giáng - Người lữ khách cuồng điên và 

khôn cùng kỷ niệm


    Bất tri tam bách dư niên hậu
    Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

    Tự buổi xa xưa nào, Nguyễn Du xuất hiện trên văn đàn như một tinh cầu rực rỡ, và để lại câu nói buồn ấy thì mấy trăm năm sau, Việt Nam bỗng xuất hiện bóng dáng lồng lộng của một “người điên” Bùi Giáng. Nếu Nguyễn Du đã diệu kì chuyển “ Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân sang “Truyện Kiều” bất hủ, thì Bùi Giáng đã rất mực tài hoa khi dịch Nhà sư vướng luỵ của Tô Mạn Thù cùng Hoàng tử bé, Cõi người ta của Saint Exupéry, Hoà âm điền dã (Andre Gide), Ngộ Nhận (Albert Camus), Hoa Ngõ Hạnh (W. Shakespeare)… với dấu ấn riêng và tài hoa làm buốt lòng người.
    Bùi thi sĩ sinh ngày 17-12-1926 tại Thanh Châu, Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông là thứ năm của ông Bùi Thuyên và bà Huỳnh Thị Kiềng. Tốt nghiệp trung học, ông có ghi danh vào Đại Học Văn Khoa, nhưng rồi bỏ, và để hết thời gian để tự học, nghiên cứu, dịch thuật. Văn nghiệp của ông đồ sộ, có thể tạm chia làm bốn loại:
    1)Giảng luận về Văn Học
    2)Bản dịch và Giảng luận Triết Học
    3)Bản dịch Văn Học
    4)Thơ, Văn sáng tác.
    Trong đó, thơ là một mảng vô cùng quan trọng, với nhiều tập: Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Màu Hoa Trên Ngàn, Bài Ca Quần Đảo, Sa Mạc Trường Ca, Rong Rêu, Đêm Ngắm Trăng… ( về thơ ông cho đến bây giờ vẫn chưa thể thống kê nổi, bởi mỗi bước chân trên nẻo đời lang bạt, ông đều để lại dấu ấn của mình trên thơ với thi tứ lai láng và tuyệt cùng phóng dạt…)
    Thơ Bùi Giáng không dễ đọc, chẳng dễ thể hội. Tôi nhớ, một nhà thơ khi tri kiến chân diện mục Bùi Giáng, đã viết: “Đất không nói hết lấy gì chẳng điên?”. Phải thế?! Bùi Giáng điên trong hỗn loạn hồng trần? Điên trong mù sa chiêm bao thiêm thiếp? Trong cõi nhân gian nhoà nhạt bóng người? Hay điên cho khỏi phũ phàng với những đôi mắt “đười ươi” đang chiếu vào ông soi mói? Người ta có thể trút chữ “ngông” lên một Tản Đà hào hoa, thì sá gì một tiếng “điên” cho trí tuệ Bùi Giáng? Người ta gán cho ông cái “điên” là có lý do khi ông viết:
    “Và mai sau tôi có xuống suối vàng vẫn mong rằng các vị…sẽ ban ân huệ mưa móc sum suê (?) trên nấm mồ mọc cỏ, những giọt sương trần gian sẽ dỏ hằng ngày xuống đáy huyệt cô đơn”. Hay: “ Kim Cương nương tử ơi, nếu tại hạ một mai chết đi, nàng hãy … lên nấm mồ tại hạ” (!)…
    Hình như Bùi Giáng có một số mệnh luôn bị ngộ nhận, nhưng cũng luôn hấp dẫn những tranh cãi về mình. Là điên hay tỉnh, nơi tấm thân phiêu hốt và bụi bặm cùng độ kia? Bùi Giáng cũng tự nhận mình điên, nhưng theo ông, đó là “cái điên thượng thừa”. Người nghệ sỹ, đến tầm lô hoả thuần thanh, thì sá gì chuyện có hay không có, điên hay tỉnh, sạch hay dơ, trong hay đục, tối hay sáng...? Bởi mạng phận cuối cùng của một người nghệ sỹ là đem thân xác phù du, để nói về chuyện phù du cuộc thế nhân trần. Và tài hoa của nghệ sỹ, phải chăng là đã nói giùm cho người đời, cái tâm linh sâu thẳm uyên nguyên phức tạp khôn cùng, lại giản đơn minh tường không xiết?
    Dù bị vận vào một định mệnh trói buộc nào, Bùi Giáng là Bùi Giáng, một “người điên” hoang dại, siêu việt giữa lòng nhân gian mê loạn u trầm:
    Ông điên mà zdui zdẻ thập thành
    Chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn hiu
    (Đi về làng xóm)
    Chính trong cõi đớn đau riêng mình, Bùi Giáng cũng bộc bạch: “Cái kẻ dịu dàng như hươu non đành chịu bóp chết lòng mình để rống to như thú dữ. Và Nietzsche đã điên. Trước Nietzsche mấy chục năm, Hoelderlin cũng đã điên. Cùng với bao kẻ khác cũng đã điên. Để ngày nay… Để ngày nay chúng ta tụ hội về đây, xôn xao nêu câu hỏi: “Cớ sao mà điên”? Nêu một cách rất ngây thơ tròn trĩnh”(Martin Heidegger – Tư tưởng hiện đại)Họ Bùi từng trả lời câu hỏi về tên tuổi mình:
    Hỏi tên rằng biển xanh dâu
    Hỏi quê rằng đã một màu xanh xanh
    Ta làm gì có tên, có quê? Tên ta đó, quê ta đó, biển dâu xanh kia hoá thân từ những tang thương kiếp người, trong dòng sông nguồn mạch nào chảy từ muôn ngàn cổ độ. Mà nói cho cùng thì quê hương rốt ráo của mỗi người là ở đâu các ngươi có biết chăng? Mượn cuộc tồn sinh để đón lấy vang động biến cố của Tạo Tác, là ý muốn của “gã cà rỡn” kia trong cõi tạm chết – sống đấy thôi! (Nói như Bùi Giáng là mượnTại Thể để đón lấyTồn Thể (Hoạt Tinh Thể) uyên nguyên trong ngần bất sinh bất diệt). Hoài Khanh có hai câu thơ thế này:
    Qua sông là một nhịp cầu
    Qua tôi là một kiếp sầu vô chung
    Nhịp cầu là một cái gì để qua sông, thì kiếp sầu vô chung này, kẻ nghệ sỹ xin gánh để thấm đẫm nhân sinh luân hoán phai phôi, là niềm se sắt chờ mong trong kì vọng lơ lửng, lửng lơ…
    Phải hiểu thật sự cái ngông kiêu cuồng kia, là tinh thần phóng dật như Lão Trang, lại mang Thiện Tâm của đức Cù Đàm; và đằng sau vẻ ngang tàng kiêu bạc là một trái tim mong manh như thuỷ tinh, vô cùng yếu đuối và dễ vỡ trước những quẩn quanh kiếp người phù thăng. Trái tim kia, quá tinh tế, linh mẫn, nên luôn quắt quay khôn nguôi trước những niềm bi cảm trên ngã đời luân lạc, bất ngờ một hôm đứng sựng lại giữa Tinh Sương Hoằng Viễn…
    Có tế vi mới viết những vần thơ tài hoa, thăng tột với con chữ như:
    Mưa nguồn đổ xuống trang thơ
    Cỏ hoa cồn lũng bất ngờ chịu chơi
    hay:
    Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
    Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua…
    Và có quắt quay không, đớn đau không khi viết:
    Lỡ từ lạc bước chân ra
    Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn.
    Hiếm có tác giả nào mà khi chúng ta đọc một câu, một câu thôi, đủ thấy được tinh thể của cả văn nghiệp, khí độ và phong cách xuyên suốt bình sinh. Cái ấy gọi là “khai môn kiến sơn, nhất khí quán hạ” (mở cửa thấy núi, một khí xuyên thấu). Bùi Giáng thuộc vào loaị thiên tài không định nghĩa được (génie indéfinissable), kết bằng băng tuyết ở Thiên Sơn hùng vĩ, sạch trong và lung linh mơ hoặc. Tinh chất Bùi Giáng là thứ nguyên liệu quý hiếm, khó nắm bắt, mà lại vượt quá chiều kích bình thường, phải yêu lắm, gắng sức lắm, mới có thể trùng ngộ với Trung Niên thi sĩ qua mấy vần thơ như rỡn:
    Tiêu dao phương cảo chuyên cần
    Cỏ thơm còn mọc, hồng quần cứ che
    Sông lên mùa cũ hội hè
    Liễu hoa cổ độ lập loè vết son
    Ngẩng lên chót vót trời tròn
    Ân tình đất méo máu còn bổ sung…
    (Tặng Phố Chợ Lớn)
    Gặp Bồ Tát miệng cười như nắc nẻ
    Một hôm nào nương tử bước hai chân
    Vén xiêm áo nghe tượng thần mở hé
    Toà thiên nhiên ngồi xuống cỏ vô ngần…
    Hiểu được Nhất Nguyên Thể Luận, vạn vật khởi nguyên nhất thể, thì có thể hiểu thơ Bùi Giáng. Nguy cơ của phát triển là sự phân ly, xa dần suối nguồn nguyên thuỷ diệu huyền. Sa Mạc sẽ lớn dần (ông đã viết Sa Mạc Phát Tiết), và tràn lan hư vô chủ nghĩa. Bùi Giáng từng than:
    Trần gian bất tuyệt một lần
    Nghe triều biển lục xa dần non xanh
    …Màu hoang đảo từ đây em sẽ ngó
    Cát xa bờ tơ chỉ rối chiêm bao.
    Tái lập lại màu xanh nguyên thuỷ ban sơ, là ước vọng vô chừng của người thi sĩ Đười Ươi. Mà ngôn ngữ, là Huyền Tẫn(*): vô hạn, vô lường và ẩn mật tinh tế trong vô ngôn, vô ngữ vĩ thanh. Ngôn ngữ thơ ông có ngụ ngôn, ngoa ngôn, dụ ngôn, chi ngôn.. để gói ghém tất cả những gì tinh tuý nhất của “bản lai diện mục” xưa nay, điều mà ngôn ngữ bình thường không hàm chứa nổi:
    Mẹ ơi chiếu cố Sa Mù cho con
    hay:
    Nguyên hình Nữ Chúa trên ngày phù du.
    Ngôn ngữ thơ ấy sâu xa, hùng hậu, bí nhiệm, lại hồn nhiên ngộ nghĩnh như bài kệ của những vị thiền sư, mà “sư cụ” Bùi Giáng đã cưỡng bức một cách không khoan nhượng để tự thân ngôn ngữ hoá thành chiếc cầu nối phương tiện và cứu cánh trong thơ ông. Bằng năng lực tự sinh hoá khôn cùng, trùng trùng lớp lớp những tầng, nghĩa, chức năng của ngôn ngữ đã được ông dùng đều chung một đích: nói cho được cái Sơ Nguyên Biểu Tượng, phơi mở cái thung dung dị thường phong nhiêu ẩn mật của một Thuần Khiết đã xa xăm.... Oâng từng nói đến việc làm này, hay ít nhất cũng tương tự như vậy:
    Thưa rằng nói nữa là sai
    Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào.
    Phong cách ấy, theo ngôn ngữ bây giờ, là hồn thơ mang phong cách hậu hiện đại. Hồn thơ ấy có bắt nguồn trần thế thời ấu nhi:
    Tuổi thơ nhiếp dẫn sai miền
    Đổ xiêu phấn bướm, phi tuyền vọng âm…
    Rồi lớn lên chứng kiến cảnh hãi hùng:
    Hãi hùng bi kịch đồi tranh
    Trùng quan vó ngựa tế nhanh sương mù
    Thây người nát ở phía sau
    Nghìn thu khép hột khổ đau khôn hàn!
    Để một hôm, xuất hiện một cá tính thơ vui vẻ, nghịch ngợm nhất:
    Bùi Đưòi Ươi
    Đích thị đương nhiên
    Là cốt cách thần tiên tót vời
    Hơn Lý Trích Tiên
    Nhiều lắmmm!
    Với nguyên căn đó, ông làm hết mình, sống hết mình trong thơ, bằng niềm phấn khích luôn nồng đượm, say sưa, mặc cho người đời nói gì… Bởi:
    Thơ ơi, em bỏ Sa Mù
    Đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau …
    Bùi Giáng đã điềm nhiên bước giữa nhân trần mải mê mộng mị (“bán rẻ Sinh Tử cho ngày Phù Du”- BG), khơi mở hồn Đông -Tây, xuyên qua thế kỷ và linh hồn Nam Việt bằng miên man vô bờ kỷ niệm. Bởi, khi tất cả đã trôi xuôi, chúng ta còn lại gì cho mình, ngoài những hoài niệm? Hoài niệm, dẫu có hạnh phúc vô biên hay đắng xót luỵ phiền và đau đáu niềm riêng khôn hàn; cũng mang dáng dấp của những thiên thần, xinh tươi lộng ngát như nắng xuân, thu vũ, long lanh vĩnh cửu miên trường … Có khi vầng tà dương trong buổi chiều mộ địa mãi mãi là tà dương mộ địa vời vợi nhạt nhoà, bất khả tư nghị…
    Kỷ niệm trong thơ Bùi Giáng, có thể là cuộc hạnh ngộ mơ hồ kỳ bí giữa thi sĩ và những giai nhân, cười cợt hoang đàng với một Bardot trên chênh vênh đồi núi, một Monroe ẩn khuất khe mương. Có thể là nỗi ray rứt khôn cùng về cái chết của người vợ trẻ, rồi bao năm tháng qua, nỗi quắt quay trong cơn đau cũ đã ung thành mối nhành tư tiêu da diết trong buổi xế chiều:
    Mỗi giây phút mỗi bất ngờ
    Mỗi đêm tưởng tượng thẹn thò tình em
    Tình em bao xiết êm đềm
    Tình tôi như thể chênh vênh lạ thường
    (Thôn nữ)
    Kỷ niệm cũng là cuộc phiêu du trên những vùng miền, linh đinh trời đất lạ với bao ân tình như gió thoảng mây xa lại sâu sắc mặn mà.
    Đó là Bình Dương:
    Em về đất rộng Bình Dương
    Phố mai là gió môi hường se đâu
    Tóc xanh bủa lệch mái đầu
    Mày xanh như lệ pha sầu ruộng xuân
    (Ruộng Bình Dương)
    Là Lục tỉnh:
    Đây Mỹ Tho, Cần Thơ, Châu Đốc
    Long Xuyên ơi và Sa Đéc em ơi
    Trời kỷ niệm đi về trong đáy mắt
    Thổi dư vang dĩ vãng xa vời
    (Chào thu Lục tỉnh)
    Là cao nguyên vi vút gió núi mây ngàn lồng lộng:
    Ngàn thông ơi ở đó đón bóng tà
    Và giữ lại chuyện đời ta đi mất
    Bước khúc khuỷu trong ngàn khe khóc lóc
    Dặm mơ màng tăm tắp mấy mù khơi
    (Giã từ Đà Lạt)
    Nói với đất? Nói với người? Hay tiếng vọng từ muôn cõi xa xăm hồn vọng với những dư ba tươi trong lẩn khuất, rồi bất chợt bùng phát ba đào như những viễn tượng mù khơi? Không rõ! Bùi Giáng hồn nhiên bước qua bao núi đồi xứ sở, chẳng để làm gì, chỉ mong thoả nguyện ý phiêu bồng và vuông tròn mối tình êm với người, với đất, với Phong Tình Cổ Lục Như Nhiên…
    Nhưng những kiêu bạc phù phiếm kia cũng chẳng là gì, Bùi Giáng đáo cuộc trở về đạm nhiên với ruộng đồng chân chất. Về thôi, Phồn Hoa Phố Phường có là gì, Hồng Trần Sơ Nguyên mới là Bến Thiên Thai:
    Tiếng nói xa vang trên đầu ngọn lúa
    Vì ngôn ngữ ngày kia em để úa
    Bỗng lên lời bên mép cỏ như sương
    Cũng xanh như dòng lệ khóc phai hường
    ……
    Người phố thị mỉm cười đầu ngang ngửa
    Tô son đỏ vào hai môi lượt nữa
    Chợt thấy mình còn đầy đủ dung nhan
    Thuở xưa kia suối ngọc ngó mây vàng…
    (Biểu tượng Sơ Nguyên)
    Trong Bùi Giáng, trong con người đã bao phen làm thiên hạ lay lắt ngất ngây vì những lời thơ anh hoa phát tiết, sang trọng kiêu cuồng, có một người nhà quê. Khi bóng dáng những giai nhân thế trần mờ loãng, là sẽ sàng gót sen thôn nữ đượm hương thắm sắùc đi về, chập chờn ẩn hiện, như khói như sương, vời vợi với trở trăn lung linh mơ ảo:
    Gặp em từ ấy tới giờ
    Năm mươi năm chẵn như tờ lặng im
    Biết bao dâu bể nổi chìm
    Đôi lần con mắt lim dim nhớ gì
    …Ngày mai vĩnh biệt cõi đời
    Trùng lai có lẽ cuối trời biệt ly
    (Tặng Gái quê)
    Bùi Giáng lặn ngụp hoài trong cuộc sinh ly, mong tìm lại hương vị mênh mông của những người em gái ruộng đồng? Tìm bao hanh hao dịu dàng vương vấn nguyên hoang của tâm hồn ngây thơ trinh nữ? Tìm lại lá hoa của những tháng năm nào xa mút tầm tay:
    Bàn chân bước người đi vào một thuở
    Lá phân vân bờ cát bến sương rung
    Trời khuya khoắt phiêu du trăng bỡ ngỡ
    Người đi đâu sông nước lạnh vô cùng?
    (Người đi đâu)
    Người đi đâu? Chẳng biết. Để nhà thơ ôm mộng trầm luân trong suối biếc rừng già, quy hồi mà tìm kiếm những hương vàng cố quận, để thấy những mái nhà tranh, những bờ ruộng cũ, đậm đà trong lời ca dao hồn hậu thân tình:
    Viết thơ lạc dấu sai dòng
    Viết trong tức tưởi sợ đồng lúa mong
    Nước xanh lên đọt đòng đòng
    Ngày mai sẽ mất hạt lòng thơ ngây
    (Ca dao)
    Để tìm thời thơ ấu xa xưa:
    Bao lần anh cùng chúng em lận đận
    Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình
    Những bận nào Quế Sơn rù rì con suối ngược
    Nước trôi nguồn suối lũ cuốn phăng phăng
    (Nỗi lòng Tô Vũ)
    Bùi Giáng đã mở ra một không gian thơ ơ thờ chân chất khi đang rong chơi giữa lòng phồn hoa. Đó là một Quảng Nam đá sỏi khô cằn, là con sông Thu Bồn dịu êm trôi trong khoăn nhặt chơi vơi điệu hò khoan vãi tung sóng nước đêm trăng, là những ngày lũ ngập buồn hiu xơ xác đến thắt lòng. Từ sợi dây ấy, tâm hồn nhà thơ như cánh diều bay đón lấy mọi viễn tượng của thiên nhiên để nó “biến thành lẽ sống và chết của chính mình”:
    Mây đứng lại nơi chân trời phủ khói
    Dòng sông đi đò bến đợi ngu ngơ
    Chiều trời đẹp tâm tình em không nói
    Đất với trời chung một nghĩa bơ vơ.
    (Không đủ gọi một lần)
    Bùi Giáng ôm mộng bơ vơ đi muôn nẻo, ấp yêu từng hơi thở của hoài niệm mù sương lãng đãng, để dành và trân trọng từng cuộc gặp gỡ tình cờ:
    Đi về làng xóm năm xưa
    Viếng thăm người cũ người chưa quên người
    (Đi về làng xóm)
    Làng xóm ấy, những con người Quảng mộc mạc nghĩa tình ấy, như vẫn chờ dấu chân phiêu sau cuộc rong chơi buồn phiền mỏi mệt, nơi nhà thơ đã một lần rời xa để ra đi nuôi giấc mộng đời. Rồi vạn lần hẹn ngày về:
    Non nửa thế kỷ xa quê
    Mà chưa có dịp về quê một lần
    Bảy mươi mốt tuổi tần ngần
    Nước non Nam Việt chiếm gần trọn tim
    Về Trung biết chốn nào tìm
    Lại ngôi nhà cũ láng giềng đã qua?
    Giật mình lúc chợt nghĩ ra
    Rằng toàn thân thuộc đã qua đời rồi…
    (Tâm sự)
    Lời hẹn trở về sao mông lung xa vời cách biệt? Non nửa thế kỷ với biết bao điền hải thương tang, bão bùng dịu vợi và tử biệt sinh ly? Thôn nữ em ơi! Vùng yêu thương – em – má phấn hương đào nay đã mất, thì sá gì chút đèn màu phố thị trong lễ hội phù hoa?? Cõi trầm tư như đảo như điên gọi ai về đầu rú khe truông, la đà dừng đậu , rồi la đà vụt mất? Trong dòng lũ của hoài niệm mình, nhà thơ “nắm tay cô thôn nữ năm xưa, thung thăng rong chơi cùng những Heidegger, Hoelderlin, Saint-Exupéry… la đà bay qua những tháp chuông cổ kính rêu phong hai bên dòng sông Danube hay những vì sao rực rỡ trên dải Ngân Hà” (Nguyễn Hoàng Văn – Bùi Giáng, một vùng đất hẹp và một thế giới lớn).
    Hoa, giá như cuộc đời không còn những cành lan, những đoá cúc, những mai vàng lấp loá trước sân mỗi độ mùa sang, như báo hiệu, như nũng nịu, như cười cợt, như đong đưa…thì còn gì nữa cho một câu thơ giản đơn mà thê thiết lắng hồn:
    Mùa xuân em có về không?
    Nhành mai cố quận trổ bông dịu dàng…
    Câu hỏi ấy nghe có rưng rưng? Sao năm nay em không về cố quận, để có một người ra hiên ngóng vết thiên di? Vết thiên di của những chân trời lưu lạc tha phương, vẽ chằng chịt trên bầu không gió lộng, nay bỗng như tựu hội đủ đầy bên cành mai gầy đơm hoa lóng lánh tiết xuân khai… Cố quận? Cố quận! Là quê xưa. Là chốn cũ. Là nơi bước chân lưu lạc luôn mong ngóng bữa trở về, từ dạo ngút ngàn xa mãi những chân mây? Hay là cõi uyên nguyên thẳm sâu của mỗi sinh linh trên cuộc thế phiêu hoang? Một câu hỏi từ tốn dịu dàng, mà khơi biết bao nhiêu mùa gió lũ trong trái tim con người, về thời gian, không gian, huyết thống chôn nhau và khôn cùng kỉ niệm sơ đầu… Cố quận, là chỗ từ ấy ta ra đi, và cũng là nơi hẹn bữa trở về…?
    Cố quận, chỉ giản đơn là cố hương, cố quốc, cố đô? Hay cố quận là tất thảy những gì đã lìa xa, xa mãi, để một hôm, nhìn ngó lại bằng một con mắt:
    Vì con mắt một lần kia đã ngó
    Giữa nhân gian bủa dựng một bầu trời
    Đài vũ trụ hồn nhiên bao rạng tỏ
    Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi…
    (Ly Tao 2)
    Hay:
    Bây giờ riêng đối diện tôi
    Còn hai con mắt khóc người một con
    (nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã mượn lời thơ ấy phổ thành một ca khúc của ông.)
    Rốt ráo sau cùng của thơ người thi sĩ họ Bùi, là muôn vàn huyền nhiệm khôn cùng ẩn mật đằng sau cái nếp gấp của kỉ niệm. Kỉ niệm là nhớ về thời đã qua? Thời đã qua là thời nào? Hãy nghe ông nói: “…hai vũ trụ nhìn nhau trong một thế giới, một thế giới ngăn cách với nhau bằng một vực thẳm. Cái cốt lõi của vực thẳm là có thể vượt qua bằng một bước nhảy. Cốt lõi của bước nhảy là sự nguy hiểm… Ở đâu có sự nguy hiểm, ở đó có giải thoát… Ngôi nhà của tự thể không còn nữa. Kẻ chăn tự ngã, anh lính gác cửa hư vô đã bỏ rơi chúng ta. Ngôn ngữ của chúng ta bỗng trở nên lúng túng. Cái nếp gấp trong suốt không bộc lộ ra, vậy còn lại gì là cốt lõi …?”
    Đất hoa khóc vĩnh biệt người
    Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu(Lời Cố Quận)
    Trung Niên Thi Sĩ đã mơ về giấc mơ kết nối Đông – Tây, giấc mơ nguyên hoang. Nơi cố quận ấy, phải chăng là Niết Bàn, nơi Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Jesu Chirist, Thích Ca, Heideigger, Hoelderlin, Nieztsche, Andre Gide, Anbert Camus, Kahlil Gibran… đang nắm tay nhau nhảy múa, ca khúc thênh thênh? Là Uyên Mặc? Hố Thẳm? Là Bình Minh Châu Thổ? Là Trăng Tỳ Hải? Là Sa Mù Khôi Nguyên? … Cũng không ai giải thích nổi, xin hãy bước vào bằng tâm linh xưa cũ, để nghe tiếng rì rầm của nhân gian ngàn kiếp, của loài vượn trong rừng sâu như thơ Tuệ Trung thượng sỹ:
    Người đời chỉ thấy núi non xanh tốt
    Mấy ai nghe tiếng vượn kêu trong rừng thẳm?
    Hay như lời tự giới thiệu của René Char, thi sĩ Pháp:
    Tôi nói từ cõi rất xa
    Ngài nghe tôi nói nó ra thế nào?
    (Je parle de si loin
    Comment m’entendez-vous?)……
    Thơ Bùi Giáng dẫn dắt ta qua đầu trời cuối biển, những vườn rộng song thưa, qua miên man đất trời cỏ cây hoa lá, qua bao miền sương đổ mưa giăng chơi vơi, qua bao nhịp luân chuyển chênh vênh của tháng ngày, đến những cõi vô cùng mà ta không sao chạm tới. Đọc Bùi Giáng, người ta cứ phải e sợ ngại ngần, bởi khó thể hội hết khối ngôn-ngữ-thơ-Bùi-Giáng. Và cũng bởi khi đã hiểu lại chẳng thể chia sẻ cùng ai, như trong truyện xưa một người chẳng thể trả lời câu hỏi của người khác khi đang ngậm cây ngang miệng giếng. Có cách giải thích nào khác thì ấy là vì ngại nói đến cái tuyệt bích. Tuyệt bích mãi mãi là khát khao, mà phải chăng khi chạm đến tuyệt bích cũng là sắp sửa của những mùa vỡ tan? Vỡ tan những chân trời viễn mộng. Viễn tượng. Khốn cùng thay! Những diệu vợi ẩn tàng vẫn nghiễm nhiên ẩn tàng diệu vợi. Trung Niên Thi Sĩ bỗng trở thành kẻ đứng trên tịch hạp chon von của tận cùng nhiệm màu vô ngôn. Để cô liêu lên chơi vơi giữa hai bờ Thực Aỏ phiêu linh Huyễn Mộng, và lòng riêng đăm đăm hướng vọng Đạm Nhiên thâm u trầm tịch:
    Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ
    Mộng xanh ngần giậy nối giấc em xưa
    Ngó non nước giữa sớm chiều tư lự
    Đón mơ màng về thổi gió lưa thưa
    (Bờ Nước Cũ – Mưa Nguồn)
    Mặc tất cả, với Bùi Giáng, chỉ cần:
    Mai sau có dự hội nào
    Ngó nhau từ kỷ niệm đầu bão giông…
    Con người, dưòng như có một bi kịch, một triển hạn nào đó với sứ mạng trên trần gian. Sứ mạng chấm dứt, nghĩa là đến ngày về. Góp nhặt tháng ngày, như sẻ nâu nhặt thóc trên mái ngói những ngày đông giá, để chờ một mùa xuân - mùa xuân miên viễn tinh khôi, mùa xuân trường cửu vĩnh hằng của bà mẹ Phusis hiền hoà ngàn năm thắm mãi dư vang mưa nguồn…
    Đốt phá hết cuộc đời, đốt phá hết khái niệm, ràng buộc, đốt phá sạch sành sanh ham muốn, cả những ước muốn đốt phá… mới thực sự là sống. Vạn điều khổ đau, đều khởi lên từ một ánh nhìn, một nghĩ suy. Hôm nay đốt tàn tro kỉ niệm, là để về tử tận ươm mầm tái sinh. Cánh thiên nga đã tắm trên dòng sông thế dương, để rồi vù bay giữa những chân trời xa mờ, tinh khôi thân xác mà dấu vết hiện diện có chăng là sóng nước lao xao, một bận, và yên lặng ngàn ngày… Bùi Giáng đã mất, hạc vàng đã về Bồng Lai, cuộc tắm táp giữa dòng, là để về non khơi xa khuất viễn phương, giấu lệ ngàn năm tuôn dài trên những vùng xa ngái…
    Em về mấy thế kỷ sau
    Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
    Ta đi gửi lại đôi dòng
    Lá rơi có dội ở trong sương mù?
    Chiếc lá ấy trả lời:
    - Thưa rằng ly biệt mai sau
    Là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân.
    (Chào Nguyên Xuân)
    (*) “Huyền Tẫn”: Huyền – nghĩa lý sâu thẳm. Tẫn – con thú giống cái. Từ này được hiểu là “Nguyên lý Mẹ” – cốt lõi tinh hoa Đạo Đức Kinh của Lão Tử. 
Huyền Nguyên

    

1 nhận xét:

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...