Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Mùa thu trong tình ca

Mùa thu trong tình ca

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy la. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính long tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm Nay Tôi Đi Học …“.

Tôi còn nhớ mãi bài “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh hồi mới lên trung hoc đệ nhất cấp.
Do đó mùa thu vẫn là đề tài được bàn tán muôn thuỡ bởi những nhà văn, nhà thơ hay những nhạc sĩ trong kho tàng văn chương hay âm nhac Việt Nam. Người ta ca tụng mùa thu, lấy bối cảnh mùa thu được dàn dựng trong những tác phẩm của họ như những không gian lá vàng rơi hay những chia ly buồn bã. Tôi yêu mùa thu từ bản chất, yêu cả những bản nhạc mùa thu. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài này, tôi cố gắng đưa ra một số bài tiêu biểu của những nhạc sĩ đã sáng tác những tác phẩm về mùa thu.
Tôi vốn thích bản thu ca tiền chiến của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn-Từ Linh. Năm 60 khi tôi còn học tiểu học, thầy giáo của tôi di cư từ miền Bắc vào Nam. Ông có một tâm hồn nhạc sĩ, chính ông đã để lại trong tôi một ấn tượng thật tuyệt vời của một mùa “Thu quyến rũ”:
“Anh mong chờ mùa thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia vui đùa trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh
Anh mong chờ mùa thu
Dìu thế nhân vào chốn thiên thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa thu quyến rũ anh rồi….”
Trong bối cảnh buồn bã nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói về mùa thu của ông qua đi khi “Nhìn những mùa thu đi”. Thu đi và để lai cho chúng ta những chia ly, những nuối tiếc sầu rơi, những ý nghĩ riêng tư man mác trong tâm hồn:
“Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng …”
Khi người ta yêu nhau thì mọi thứ đều từ thiện, người ta sẽ cho nhau tất cả, từ những chuỗi tháng ngày, những tặng phẩm qúy báu, cho nhau xín lễ cầu hôn, cho nhau con tim, cho nhau kỷ niệm,… với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, ông cho người tình cả một bầu trời muà thu tuyệt vời về nhạc và lời ca.
Bài “Muà thu cho em” được ra đời năm 67. Chính bài ca này đã đánh thức tôi những cái đáng yêu của một mùa
thu tình ái:
“Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Mang ái ân mang mùa thu tới
Em có nghe, nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé…”

Mùa thu là mùa của nỗi buồn, của chia tay và của những mối tình dang dỡ nhớ nhung. Ở tuổi còn đi học, những nam sinh vẫn có những kỷ niệm đến đứng ngẩn ngơ trứơc cổng trừơng nữ sinh từ Gia Long, Nguyễn Bá Tòng, Sương Nguyệt Anh hay Trưng Vương, như khi em tan trừơng về trời mưa nho nhỏ, anh trao vội vàng chùm hoa mới nở, ép vào cuốn vợ Ngừơi con gái e ấp, thẹn thùng như đóa hồng chớm nụ, như penseé, như mimosa hay như phựơng hồng hồng đôimôi em. Một nụ hôn đầu say sưa, ngất ngây và nhung nhớ mãi mãi về saụ Mùa hạ đến rồi mối tình chia ly vì lý do nào đọ Khi mùa tựu trừơng đến sang mùa thu, ngừơi nữ sinh Trưng Vương nhìn lá vàng rơi ngoài đừơng Nguyễn Bỉnh Khiêm, lá rơi theo làn gió heo may vi vu, rồi cô gái bổng bồi hồi nhớ lại ngừơi bạn trai xưa, nhớ nụ hôn nồng nàn. Nhà thơ nữ Nguyễn Thị Lệ Thanh đã sáng tác bài thơ “Trưng Vương khung cửa mùa thu” mà hai nhạc sĩ Nam Lộc và Tùng Giang đã hợp soạn thành ca khúc ghi dấu những mối tình nhẹ nhàng của Trưng Vương, những tình cảm bâng khuâng, những nỗi lòng xao xuyến của tuổi học trò:
“Tim em chưa chưa nghe một lần!
Làm môi em chưa hôn ai cho thật gần
Tình trần mong manh như lá me xanh ngơ ngác rơi nhanh
Thu giăng heo may che bóng cây lạnh này
Ngừơi cho em câu nhớ thương từng ngày
Ngừơi mang cho em quen môi hôn ngọt mềm
Tình cho tim em rung những đêm lạnh lùng
Nắng vấn vương nhẹ gót chân
Trưng Vương vắng xa anh rồi
Mùa thu đã qua một lần
Chợt nghe bâng khuâng lá rơi đầy sân…”
Mùa thu của những tình tự yêu đương, đã lôi cuốn người nhạc sĩ đã dùng bối cảnh thu ca như trong nhiều tác phẩm của ông về mùa thu, Phạm Anh Dũng đã tâm sự những nồng nàn, những cụm từ truyền cảm của ông qua bài “Gọi mùa thu mơ”:

“Anh gọi mùa thu mơ
Một sớm thu sương mờ
Nai vàng đạp trên lá
Bước từng bước xa xa …
Anh gọi mùa thu mơ
Trời sớm sông không bờ
Lá vàng rơi lác đác
Dịu dàng cơn gió mái
Anh hẹn mùa thu sang…”
Mùa thu để chúng ta ru người tình. Khi mùa thu tới người nhạc sĩ hát khúc thu ca để dìu người yêu vào giấc điệp bình yên, Đức Huy đã ru người tình của muà thu như sau:
“Hôm mùa thu gió hát bài ca cũ
Mùa thu lá vàng bay
Anh ru em ngủ
Bài ca dao ta vẫn hát khúc ấu thơ
Nắng vàng ấm suối tóc dệt mây thu
Ngập ngừng trôi giấc mơ
Anh ru em ngủ
Dài cơn mê thương yêu ấy
Những ngày còn ái ân…”
Còn muà thu của Từ Công Phụng thì như thế nào? Ông ru người yêu về với muà thu dịu dàng, du dương với những lối ru nhẹ nhàng, dấu yêu của mây ngàn bay, hãy nghe bài “Muà thu mây ngàn”:
“Buồn vương mây ngàn giăng khắp lối
Mùa thu bơ vơ đến bên trời
Ru tóc em suối nguồn
Gọi hồn trong gió thu buồn
Ngày mai chúng mình xa nhau rồi
Cầm tay em nhìn sao không nói …”
Tuần rồi tôi tình cờ được nghe bài “Dáng thu”, người nhạc sĩ đã âu yếm so sánh vẻ đẹp kiều diễm, đài các của mùa thu như người thiếu nữ trong những dòng nhạc thu ca. Nhật Vũ đã dìu nguoi tình qua vũ điệu Tango:
“Dáng thu vơi buồn như thương nhớ ai
Dáng thu về đây mùa thu ơi ai có hay
Ta vẫn ngắm mây trời
Thương về tóc buông lơi
Thương nhớ mãi nụ cười
Bờ môi xinh như mộng
Từ ngày em đi
Đã bao lần thu về rồi ?”
Lại một tình cờ khác tôi lắng nghe tiếng đàn của một người nhạc sĩ Mai Đức Vinh bên phương trời Canada, ông cho chúng ta nghe một bản tình ca quyến luyến và nhiều vương vấn của người thiếu nữ trong giấc mơ thu của ông “Thu về hôm nao “, thơ Phạm Anh Dũng:
“… Này em nhé mắt nâu qua rừng thu
Trông bóng thời gian nhã tiếng sương mù
Chiều rơi lá chín thương em hương lụa
Anh nhặt thu về xây tím áng thơ
Chiều sao hoang vắng vàng phai sắc lá
Anh viết tình thu trên môi em thôi.”
Ngoài ra, Mai Đức Vinh còn sáng tác nhạc phẩm “Thu muộn” phổ theo thơ của thi sĩ Hải Đà Vương Ngọc Long, nhịp điệu slow buồn da diết như sau:
“Mùa thu người đã đến
Tình ơi tựa lá bay
Cánh chim chiều lưu lạc
Tha tình về chân mây..”
Một chiều thu đến để rồi Phan Bá Chúc đã làm thơ, đã phổ nhạc từ khung trời yêu thương Đà Lạt qua ca khúc thật trữ tình và đáng yêu
“Tôi có em chiều thu”:
“Chiều phai mây trắng trôi
Trôi qua dòng đời muộn phiền
Chiều nay tôi thấy em gọi nắng gió lên
Chiều thu tôi có em tôi có em như một tình cờ vừa đến
Bàn chân em e thẹn, bàn tay em thơ dại
Vội vàng con chim bé vỗ cánh bay lên cao
Đời cho tôi có em trong một chiều không mong đợi
Đời cho tôi có em trong thu về hương tình tới
Bàn tay thôi e thẹn, bàn chân thôi thơ dại
Chiều nay con chim én líu lo thương đời. “
Cũng vì mùa thu năm cũ vơi đầy nhung nhớ, Ngô Thụy Miên âu yếm nhìn vào ánh mắt nguoi tình với bài “Thu trong mắt em”:

“Rồi một mùa thu tới cho mắt em buồn trong nắng
Mầu tình hôn tóc rối ru má em hồng say đắm …
Ô hay mùa thu lai vềcho mình giăng hẹn hò
Gọi tên nhau khi chiều đến
Mây thu vấn vương đan ngập lối đi
Ái ân theo hồn cao vút
Vết mơ tình xõa tay mềm…”
Nếu muà thu được dùng như biểu tượng của sự ra đi hay sự chia ly để rồi dứt khoát một cuộc tình buồn não nề nào đó. Trong bối cảnh buồn của mùa thu ở vườn Luxemburg với ngập xác lá vàng rơi, Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã viết bài “Mùa thu không trở lại” để nói lên nỗi sầu tan tác của ông:
“Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại
Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u
Em ra đi mùa thu, mùa thu không còn nữa
Đếm lá mùa thu, đo sầu ngập tim tôi …”
Cũng như sự chia ly từ mùa thu dang dỡ, người yêu sẽ tìm quên lãng mùa thu sầu úa vì tình đã chết trong lòng khi niềm cô dơn chợt đến mà nhạc sĩ Nam Lộc ghi nhận qua bài “Anh đã quên mùa thu”:
“Bây giờ là mùa thu
Chiều vắng khói sương mù
Hàng cây khô sầu úa
Hiu hắt đứng trong mưa
Mưa như lệ tình xưa
Lệ thấm mãi cho vừa
Lệ thương hoa phượng rũ
Em có nghe mùa thu …”
Mùa thu về với khung trời Paris của Cung Trầm Tưởng, nhà thơ này đã kể về chuyện tình mùa thu với nàng kiều nữ tóc nâu người địa phương bên vườn Luxemburg. Bài thơ “Mùa thu Paris” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành một nhạc phẩm đã đi vào dĩ vàng của Saigon một thời xa xưa:
“Mùa thu Paris, trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ, hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề …
Mùa thu âm thầm bên vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá, ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu, người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ, tóc vàng sợi nhỏ
Chờ mong em chín đỏ trái sầu …”

Bằng nhịp điệu Valse vui tươi làm tôi nhớ lại với lòng bồi hồi khi lang thang trên đường phố Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Gia Long hoặc Lê Thánh Tôn  với những chiếc lá vàng rơi đã làm xao xuyến tâm hồn:
” Một mình đi lang thang trên đường,
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có muà thu về, tơ vàng vương vương

Chiều hôm qua lang thang trên đường
Nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường
Chiều hôm nay trời nhiễu mây vương
Có muà thu vàng bao nhiêu là hương”
Mùa thu về người nhạc sĩ thiếu vắng bóng hình người yêu, trong muà thu hôn mê của nỗi niềm cô đơn, Ngô Thụy Miên đã sáng tác bài “Chiều nay không có em” vào năm 1965 như sau:
“Chiều nay mình lang thang trên phố dài
Không có em, ai chung bước đời nhau giận hờn
Không có em, đường xưa giăng mắc mây trôi
Chiều nào hai đứa chung đôi
Lặng nhìn mùa thu lá rơi

Rồi mai mình em thôi trên phố người
Sao mắt nhung không nuối tiếc khát khao đợi chờ
Không có ai còn ai thương lá thu bay
Còn ai vương vấn cơn say
Đời gian dối cô dơn mình ta”
Vũ Đức Sao Biển góp mặt vào vườn thơ nhạc mùa thu qua bài “Thu hát cho người”. Lời nhạc lẳng lơ với người tình mùa thu của ông, rồi nỗi thống trách khi nàng bỏ ra đi. “Thu hát cho người” như là một khúc ca buồn thảm:
“Giòng thu nào đưa người tình đi biền biệt
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa
….
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư

Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín
Một mình ta khóc tuổi thơ rơi
Thời gian nào trôi bềnh bồng trên thân phận người
Biệt ly nào không muộn phiền trên đầu môi
Màu vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi
Nhạc hoài mong ta hát vì xa người
Thu hát cho người, thu hát cho người, người yêu .. ơi”
Trong đầu thập niên 70, người ta không thể quên một bản nhạc tình thu bất hủ của nhạc sĩ Pham Duy, phổ từ thơ của thi hào Guillaume Apollinaire. Bài “Mùa thu chết” đã ray rứt nói lên những thương nhớ khôn nguôi của một mùa thu tàn úa, những ai oán tiếc thương của người tình vẫn mặn nồng chờ đợi sự trở lại của mùa thu yêu đương có nhau:
“… Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa thu đã chết rồi
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em
Vẫn chờ em, vẫn chờ em, vẫn chờ
Vẫn chờ… đợi em.”
Thi sĩ lừng danh Paul Verlaine của Pháp Quốc đã mang nỗi xúc động bồi hồi khi diễn tả bài hát mùa thu trong ông qua bài “Chansons D’automne” như sau:
“Les sanglots longs
Des violons
De l’automne
Blessent mon coeur
D’une langeur monotone
Tout suffocant
Et blême, quand
Sonne l’heures
Je me souviens
Des jours anciens
Et je pleure …”
Bài thơ này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc lời Việt mang tên “Thu ca điệu ru đơn”:
“Mùa thu nức nở ơ ớ
Tiếng thở ơ ơ ơ dài
Tiếng vĩ cầm, buồn ơi mùa thu ơi!
Lòng ta khốn khổ ô ố
Với mỏi ý y y mòn
Tiếng thu buồn, buồn ơi điệu ru đơn
Nghẹn ngào tê tái, nghẹn ngào tê tái
Khi giờ điểm, ta ngồi ta nhớ
Những ngày nào xưa
Những ngày nào xưa, và ta khóc lóc
Và ta khóc lóc …”
Nước mắt đã rơi khi mùa thu về vì mùa thu buồn bã, khi hàng cây trút lá nghiã trang đìu hiu, Phạm Duy đã mô tả một mùa thu đầy nước mắt trong cơn mưa thu .. bài “Nước mắt mùa thu”:

“Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều
Hàng cây trút lá nghiã trang đìu hiu
Từng chiếc, từng chiếc lệ Khô vàng héo
Buồn thương từng kiếp nằm trong mộ héo tên người đời quên
Nước mắt mùa thu khóc than triền miên
Nước mắt mùa thu khóc trong đêm dài
Mùa thu chới vơi tiếng mưa buồn rơi …”

Mùa thu với mưa rơi buồn hiu hắt, giọt nước mắt rơi như giọt mưa sầu nhân thế. Ôi, hồn thu đến để gieo bao nỗi buồn như trong bài “Giọt mưa thu” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong:
“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!
….
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nỡ thương đời
Chân buông mau
Dương thế bao la sầu…”
Giọt mưa thu không hẳn chỉ biểu hiện trong thơ mùa thu của Đặng Thế Phong hay Phạm Duy, mà nó còn được nhạc sĩ Lê Quang diễn tả qua bài “Mùa thu dưới mưa”. Thu về dưới mưa để nhớ em những nụ hôn đầu và thấp thoáng bóng em đi khi chiều nhạt phai:
“…Một mùa thu anh đứng trong mưa
Chờ em lá rơi vàng đầy sân
Và thời gian như cũng trôi theo mùa thu
Bóng chim cây về đâu
Có nuối tiếc những nụ hôn đầu giờ phai
Bóng dĩ vãng như rơi cuối chiều mùa thu
Nhớ em mùa thu dưới mưa,
Nhớ em mùa thu dưới mưa,
Gió cuối chốn xa bước chân em chiều phai
Lấp khuất nỗi đau những muộn phiền chôn dấu
Thấp thoáng bóng xa vết thương đau thời gian
Nắng tắt cuối phố chiếc lá cố ngậm ngùi …”
Mùa thu của Lê Quang với vết thương lòng khi em ra đi, còn trơ vơ chiếc lá ngâm ngùi. Nhạc sĩ Pham Mạnh Cương nối tiếp với khúc hát bơ vơ khi mùa thụ thiếu vắng em, để rồi cỏ hoa xanh xao chết từ bao giờ và để lá vàng rụng rơi dâng sầu lòng này em có hay? Chúng ta hãy nghe bài “Mùa thu không em”:
“Mùa thu không em anh buồn một mình
Cỏ hoa xanh xao chết từ ngày nào
Mùa thu không em rừng thu mông mênh
Lá vàng rụng sầu em có hay đâủ

Mùa thu không em giá buốt tim anh
Tình yêu mong manh mây trời nương cánh
Mùa thu không em, mùa thu không em
Núi đồi ngã bóng chiều hắt hiu…”
Mùa thu của Văn Phụng có sương thu giăng phủ một không gian lãng mạn theo thể điệu valse chậm, có nàng, có chàng, từ đồi núi dưới biển khơi trong bài “Sương thu”:

“Sương thu xuống rồi,
Trên núi đồi
Dưới biển khơi
Sương thu trắng ngần
Đang xuống dần
Khắp trần gian
Mơ hồ sương xuống rồi
Trên mắt người
Ướt làn môi
Mơ màng trên áo chàng
Vương tóc nàng
Sương thấm tràn

Âm thầm riêng ta vẫn mơ à
Thầm ta vẫn còn mơ”
Mùa thu của Trường Sa không có sương thu như muà thu của Văn Phụng, nhưng lai có mây mù và mưa nhiều, mưa rơi êm đềm của một cuộc tình gắn bó, nhung nhớ về mưa thu. Trường Sa đã tả ý tưởng của ông trong bài “Mùa thu trong mưa”:
“… Gọi mùa thu lãng quên,
Vào tiếng mưa rơi êm đềm
Trời còn mưa ướt thêm
Biết lấy ai chia hờn tủi
Trời mưa thu lắm mây
Còn bước em đi quên về
Vòng tay ôm lẻ loi
Cho mình còn mãi thương nhau
….
Chuyện ngày xưa biết sao
Mỏi cánh chim bay phương nào
Còn ngày xuân ấm êm
Cho mình gọi tiếng yêu em.”
Mưa thu không dứt tiếng mưa rơi vào mùa thu của thi sĩ Như Nguyên, và cũng là nhạc sĩ Vũ Thư Nguyên. Chuyện tình thu của ông cũng không kém phần mộng mơ và lãng mạn trong bài “Thu Đã Về”:
“… Thu,
Thu đã về rồi em gái yêu
Nhặt chiếc lá vàng
Anh nghe tình chớm ươm mơ
Mây giăng giăng trên cành nhỏ
Thẫn thờ nghe lá đổ…
Nghe gió lùa à
Nghe mong chờ người mắt nai
Thu đã về rồi em có thấy
Mưa đầu mùa
Mưa ướt cả hồn ai
Mưa rơi rơi
Mưa hiu hắt đêm dài
Thu đã về rồi
Để ai thương nhớ ai?”
Hoàng Thi Thơ đưa chúng ta trở lại phương Đông với xứ hoa anh đào, có kiều nữ geisha trong áo kimono cổ truyền của đất Phù Tang qua bài


“Mùa thu Đông Kinh”:
“Lạc trong Đông Kinh
Vừa khi mùa thu gieo thương nhớ
Làm tôi ngơ ngẩn nhìn qua hồn thơ
Chiếc áo buồn kimono
Đôi thiên nga trong hồ
Cô geisha trên bờ
Thiết tha trong mong chờ
Mùa thu Đông Kinh
Gọi đôi hình bóng trong giây phút
Chờ trông bước đi tìm tâm tình nhau
Bước đi tìm duyên ngày sau
Trong tiếng hát mơ màng
Trong ánh nắng ngỡ ngàng
Xao xuyến lá thu vàng”
Chúng ta đã nhắc đến mùa Thu Paris, những lá vàng ở vườn Lục Xâm Bảo, hay là mùa thu ở Đông Kinh, làm chúng ta liên tưởng đến mùa Thu ở quê hương. Không có nhiều nhạc sĩ nhắc đến mùa thu Sài Gòn , Sài Gòn thân yêu chỉ có hai mùa mưa nắng. Cái nắng chói chang của Sài Gòn đã làm nhà thơ Nguyên Sa đã nghĩ đến người em gái mặc áo lụa Hà Đông “nắng Sài Gòn, em đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…”. Cũng không có nhiều nhạc sĩ ca tụng mùa Thu ở Huế, nhạc sĩ thường nhắc đến mùa mưa dài đến thối đất. Nhưng mùa Thu ở Hà Nội đã là đề tài của biết bao nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ hay họa sĩ, như một Hà Nội của Mai Thảo, một Hà Nội của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, và một Hà Nôi của Trịnh Công Sơn. Hình như là Hà Nội là mùa Thu, mùa thu là Hà Nội:
“Hà Nội mùa thu,
Cây cơm nguội vàng,
Cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm sâu
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội
Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ …”
“Mùa thu Đông Kinh” của Hoàng thi Thơ cho thấy hình ảnh của cô geisha mong chờ người lữ khách thì mùa thu của Lưu Trọng Lư cho thấy một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ của người cô phụ Việt Nam trông ngóng kẻ chinh phu trở về từ một tiền tuyến xa xôi, cái hình ảnh tiêu biểu thật đáng yêu của bao người phụ nữ Việt Nam trong bất cứ cuộc chiến nào suốt dòng lịch sử của dân tộc. Bài “Tiếng Thu” được nhạc sĩ Lê Thương” phổ nhac với nhịp chậm 4/4, hợp âm Fa trưỡng:
“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ…
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô .”
Ngoài ra, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã phổ bài thơ này theo hợp âm Sol trưởng. Mỗi bài mang một sắc thái hay riêng, một vẻ đặc thù riêng.
Mùa thu của Lam Phương mang nhiều sức sống, nhiều năng động cua sự trẻ trung, vui tươi và yêu đờị… Mùa thu Lam Phương hớn hở quay cuồng theo nhịp điệu bebop của “Mùa thu yêu đương”:
“Anh muốn đôi ta mãi như người tình
Vui đời hẹn hò
Khi trên giòng suối, khi trên lưng đồi
Nửa đêm thanh vắng, dìu đến công viên
Đôi trẻ lạc loài, trên xác lá vàng
Muà thu yêu đương
Đường vào Paris có lắm nụ hồng
Có tiếng thì thầm
Nhưng anh chẳng cần, mình sống cho nhau
Vượt lòng đại dương, mình gặp lại đây
Sau cơn khát dài, thương nhớ bao ngày
Tình yêu trong tay…”
Trong cái không gian xung quanh chúng ta khi mà mọi vận chuyển cua luật vũ trụ là cuộc sống có sinh và có mất, có muà xuân và có mùa thu, có lá xanh và có lá vàng, có tình yêu và mất tình yêu,… Trong cái triết lý của cuộc đời vô thường, phù du, sắc không, không sắc, Phạm Anh Dũng đã mô tả kiếp nhân sinh như sắc không trong nhạc phẩm “Tình là hư không” mà tôi tạm kết bài viết này về “Mùa thu trong thi ca VN”:
“Chiều thu mưa vẫn rơi
Chiều thu mưa vẫn rơi
Nhạc thu ru nắng phai
Nhạt nhòa vươn cuối trời
Rồi em theo gió bay
Tình em như bóng mây
Tình anh như núi sông
Tình em như bóng mây

Chiều thu mây trắng bay
Chiều thu mây trắng bay
Ngàn thu mây vẫn bay
Dù là mộng không đầy
Mùa thu cơn gió không lay
Hồn thu đưa lá bay
Tình ta như sắc không
Tình là hư không.”
Cuối cùng của bất cứ cuộc tình nào trên thế gian cũng sẽ theo luật của tạo hóa, của vũ trụ sẽ tan biến vào hư không, một cõi hư vô … và để chỉ còn lại những bài thu ca bất tử của một thời để yêu và một thời để nhớ. Chắc hẳn rằng bài viết này còn nhiều thiếu xót, nhưng với nỗi niềm yêu mùa thu, yêu thơ nhạc VN, chúng tôi có một ước mong gói ghém những nhạc phẩm đã rung động tâm hồn và xao xuyến con tim khi mùa thu về. Chúng tôi chân thành cảm tạ các thi sĩ, các nhạc sĩ cho phép tôi mượn tác phẩm tim óc của họ để làm thành bài viết tổng hợp này.
bacsiletrungngan



1 nhận xét:

  1. Bài viết sâu sắc và thâm thúy quá ,đúng là bạn đầu tư nhiều thật đấy
    ..............................................................................
    Mr. Khoa- Chuyên viên tư vấn thiết bị điện
    Click để xem chi tiết:
    đèn trang trí đẹp | dây cáp điện cadivi | phân phối đèn chiếu sáng

    Trả lờiXóa

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5/2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trước cơ...