Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Đêm thoại nhạc và ca khúc của Hoàng Ngọc Tuấn - dấu ấn đẹp với khán giả tri âm (

Đêm thoại nhạc và ca khúc của 
Hoàng Ngọc Tuấn - dấu ấn đẹp với 
khán giả tri âm

Băng Huyền
Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn với những cung bậc cảm xúc trong phần biểu diễn sáng tác của mình.

Một cảm xúc rất lạ, thật nhiều vấn vương của “Đêm Nhạc Hoàng Ngọc Tuấn” vào tối Thứ Bảy, ngày 9 tháng 7 năm 2011 tuần qua, tại trụ sở Viện Việt Học, thành phố Westminster, đã giữ chân các khán giả ngồi chật khắp hội trường Viện Việt Học đến tận cuối chương trình.
Đêm nhạc lạ và giàu cảm xúc.
Bởi phần trình bày của nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn về sự ứng dụng của những thành tố âm nhạc cổ truyền Việt Nam vào các nhạc phẩm đương đại mà ông đã thực hiện tại Úc Châu trong các lĩnh vực nhạc hoà tấu, nhạc độc tấu và nhạc kịch.
Bởi tiếng đệm đàn Tây Ban Cầm nhuần nhuyễn trầm đều, giọng hát tự nhiên như nói, không ngân rung, nhưng chính nhờ đó mà nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn đã truyền được những lời ca khắc khoải về quê hương, cuộc sống và tình yêu do chính ông sáng tác vào con tim người nghe.
Bởi không gian ấm cúng và lãng mạn với những ngọn nến hồng lan toả khắp căn phòng.
Bởi cách thưởng thức của những khán giả tri âm. Mọi người như tạm quên đi những lo lắng hối hả của đời thường, cùng đắm mình trong một không gian âm nhạc đầy chất tự sự. Để buồn cho nỗi buồn suýt bỏ quên đâu đó, để vui cho niềm vui chưa kịp bừng sáng, để sống lại những hồi ức đã nhuốm bụi thời gian của dĩ vãng cách nay 36 năm, nhưng nay vẫn nhức nhối trong tim khi nhớ về.
* Nhạc thoại 
Mở đầu là phần ngắn gọn của MC Kim Ngân giới thiệu về nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, bởi ông đã khá thân quen với cộng đồng người Việt tại Mỹ, qua những đóng góp của ông sáng tác nhạc khí độc tấu, hoà tấu, sân khấu hình thể, trình tấu guitar, cùng những nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc, sáng tác văn chương, lý luận phê bình… tại Úc châu. Nguyên phụ tá chủ bút tạp chí Việt (1998-2001); đồng chủ bút tạp chí liên mạng Tiền Vệ (từ năm 2002). Từ năm 2004 cho đến nay, ông là thành viên của Ủy Ban Văn Chương và Lịch Sử, thuộc Hội Đồng Cố Vấn Nghệ Thuật, Bộ Nghệ Thuật New South Wales, Úc Đại Lợi…
Phần trình bày của nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, diễn giả duy nhất của đêm nhạc, đã thu hút sự chú ý của khán giả ngay từ phút đầu, với những minh họa âm nhạc được lưu lại từ máy laptop và tiếng đàn guitar của chính ông.
Bằng giọng nói ấm áp, thân tình, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn cho biết sau khi đến tị nạn tại Úc, với vị trí là người nhạc sĩ và là người nghiên cứu âm nhạc, kể từ năm 1985 đến nay, ông liên tục nhận các khoản tài trợ văn hoá từ Hội Đồng Nghệ Thuật Úc Đại Lợi (Australia Council for the Arts) và Bộ Nghệ Thuật NSW (Ministry for the Arts), Úc Đại Lợi, để thực hiện những công trình sáng tác âm nhạc.

Lưu loát, mạch lạc, ông đã nêu lên những ví dụ của 6 phương pháp triết lý mỹ học âm nhạc truyền thống Việt Nam và Đông phương đã được ông ứng dụng vào đời sống âm nhạc hiện đại của Tây phương.
Với phương pháp tạo âm sắc, ông cho rằng, nếu các nhạc sĩ cổ truyền Việt Nam xưa đã lấy đàn guitar làm lõm cần đàn và lên dây đàn violin lại để giữ đúng âm bậc cổ nhạc. Thì ông lại chế biến phương pháp chơi đàn mới, dùng đàn guitar lên dây lại, tạo nên một hệ thống lên dây đàn, kết hợp những kỹ thuật phù hợp để viết nhạc Việt Nam trên nhạc cụ tây ban cầm, đưa âm nhạc cổ của Việt Nam vào đời sống âm nhạc đương đại Tây phương. Minh họa cho điều này, ông đã lên dây cây guitar và chơi vài đoạn nhạc dân ca miền Bắc, tài tử miền Nam và khúc nhạc Tây Nguyên.
Theo như nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, nhạc cổ Việt Nam thường là thanh nhạc (để hát) nên ông đã suy nghĩ cách viết nhạc bằng cách đem nghệ thuật tiếng hát vào trong tiếng đàn. Ông đã đem lại thích thú cho khán giả khi ông giới thiệu đoạn nhạc có giai điệu như âm diễn ngâm thơ Kiều:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” 

Không chỉ lên lại dây cho tây ban cầm, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn còn chỉnh lại bộ trục giữa cây đàn tranh Việt Nam để có thể chơi bằng 10 ngón tay như piano. Bằng hệ thống lên dây khác lạ cho đàn tranh, ông kết hợp các thang âm ngũ cung, toàn cung và dị chuyển, đồng thời sử dụng những kỹ thuật biểu diễn phản quy cách để sáng tác "Metamorphosed Strings" (Cầm Huyền Hoá Thân), dùng cho vở kịch của Tạ Duy Bình – trong đó, vai chính là một thiếu nữ da trắng muốn kết hôn với một chàng trai Việt và cô muốn vượt qua rào cản văn hóa bằng điệu vũ nhạc như đang lột da mình, để khoác lên người bộ da vàng.
Với phương pháp sử dụng trích dẫn, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn đã viết bài nhạc mang âm hưởng không phải Việt Nam, nhưng rải âm hưởng Việt Nam vào tác phẩm "Exile Soundscape" (Âm Quyển Lưu Vong). Âm điệu chính là 2 cây kèn của thổ dân Úc, trên đó là bộ gõ và dụng cụ tạo âm hiện đại, âm thanh trong thiên nhiên, tiếng người đọc kinh phật A Di Đà, kinh Bát Nhã, tiếng đàn tranh. Để chuyển tải tâm trạng xa lạ của một người Việt lưu vong trước đời sống và nền văn hóa Tây phương và thổ dân Úc tại Úc Châu.
Sang phương pháp khai triển cấu trúc, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn đã mượn âm hưởng của cấu trúc một hồi trống chầu Việt Nam, để viết cho dàn nhạc chuông, kết hợp nhiều loại chuông từ các nền văn hoá Đông Tây và được cấu trúc theo một hồi chuông nhạc lễ cổ truyền Việt Nam, mang tên “Campanological Overture” (Khai Tấu Khúc Chung Học).
Với phương pháp đem cấu trúc của tự nhiên vào âm nhạc, ông đã đưa âm thanh một giọt nước làm chất liệu, dùng computer điều khiển giọt nước và tạo ra dàn âm thanh từ một giọt thành nhiều giọt, kết hợp với âm thanh từ tiếng đàn violon và viola, các bộ đàn dây hòa vào như những giọt nước khác, âm thanh thiên nhiên chuyển động qua ống… để tạo nên một hợp âm chỉ từ giọt nước, dần dần vũ trụ được sinh ra cho đến khi vũ trụ yên nghỉ, tất cả tan biến, và còn lại chỉ là một giọt nước.
* Những ca khúc gắn liền với mỗi giai đoạn của đời sống, như những lời thở than cùng nhân thế
Nếu với phần đầu của chương trình, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn đem đến cho khán giả nét độc đáo, mới, lạ bởi kiến thức của một người nhạc sĩ qua những sáng tác hòa tấu, nhạc kịch… thì phần hai của chương trình, ông đã thể hiện trọn vẹn một Hoàng Ngọc Tuấn giàu cảm xúc qua những ca khúc mà ông sáng tác, chúng được ví như cuốn nhật ký nhỏ ghi chép lại những rung động hàng ngày của người nghệ sĩ.
Dòng chảy ký ức ùa về theo dòng nhạc, những thước phim quay chậm của dĩ vãng đau đớn của thân phận người Việt sau biến cố 1975, được nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn mở đầu bằng ca khúc “Sinh ca” (sáng tác tháng 9 năm 1975).
Ông tâm sự: “Hồi đó tôi cảm thấy tôi sắp chết đến nơi rồi, một đời sống ngợp thở ghê gớm, cực khổ ghê gớm, từ anh sinh viên ở Sài Gòn, vì tôi không chịu đi học tập chính trị, tôi bỏ học, về Nha Trang, lên núi đốn củi, đem củi về bỏ trong lò than, lấy than bỏ vào bao chở xe bò ra quốc lộ bán. Tay chân trầy trụa hết, không còn chơi đàn guitar nữa, sống khổ sở. Thời gian đó, tôi viết nhạc bằng cách có cây bút chì và mảnh giấy, tôi viết lời trong đó, còn âm nhạc chỉ là giai điệu tưởng tượng trong đầu mà thôi, đó là nguyên tắc để mình sinh tồn. Vì lúc ấy không tự giải tỏa những khổ sở và đau đớn bằng âm nhạc, thì có lẽ mình đã chết đi rồi”.
Với giọng hát trĩu nặng một nỗi buồn lặng câm, đau đáu. Tiếng hát và tiếng đàn guitar của Hoàng Ngọc Tuấn như cơn giông chiều cuốn bao nhiêu lá vàng tơi tả, có những khoảng lặng tựa mắt bão, tưởng im lìm yên bình mà sau đó là bão tố, là mưa lũ. Hoàng Ngọc Tuấn đã đưa khán giả đi đến tận cùng cảm xúc của bản ballad ký ức đớn đau một thời, ca từ như lời tâm sự, thì thầm, đứt nối, người nghệ sĩ như vừa thủ thỉ với khách tri âm, như vừa lắng nghe lại tiếng lòng mình. Những ca khúc “Bài ca sinh nhật”, “Yêu loài người, yêu cuộc đời, không tuyệt vọng”, “Định nghĩa lại” là những sáng tác được ra đời khi ông nằm trong trại tù cộng sản, với 27 lần vượt biên thất bại, 5 lần bị bắt.
Hay “Bài hát cho mùa xuân”, khởi sự từ ý, mùa xuân trong những bài thơ, mùa xuân trong những lời ca bao giờ cũng đẹp hơn mùa xuân trong cuộc sống, và “Cơn mộng dữ” là những sáng tác về tâm trạng của một người lưu vong những ngày đầu nơi đất khách.
Hoặc một thông điệp của ông với những người viết ca khúc, ông muốn tiếng ca bây giờ không rên rỉ thất tình, mà hãy là những lời hát làm cho con người có sức sống để sống, trong bài “Tiếng ca bây giờ”.
“Những câu hỏi” được ông cảm tác từ câu thơ của nhà thơ Thường Quán, và ông hoàn thành tiếp phần sau ca khúc, chỉ là những câu hỏi đầy triết lý nhân sinh.
Khép lại đêm nhạc như một khúc tâm tình, là bài hát “Nhịp ba” phổ nhạc từ thơ Thanh Tâm Tuyền, những tiếng gọi
“Lưỡi lê thấu phổi
Tim còn nhảy đập
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba
Tình yêu, tự do mãi mãi…”
trở đi trở lại, cất lên từ những khát khao cồn cào, như nhắc nhớ. Để đến khi tiếng nhạc lắng dần và lặng yên, để người nghe ở lại với sự yên tĩnh đặc quánh mà gặm nhấm cảm giác tuyệt vời vẫn ngân nga và lan tỏa mãi.
Đêm nhạc tăng thêm giá trị vì nó không còn đơn thuần là giai điệu ca khúc, là sự tinh tế, nhạy cảm của người nhạc sĩ trong lời ca, mà chính là chuyện của ngày xưa soi lại những buồn vui, những tâm trạng của mỗi người hiện diện trong căn phòng.
Bằng âm nhạc Hoàng Ngọc Tuấn đã làm sống lại những cảm xúc cũ của khán giả và của chính mình. Với ông, đêm nay, ngồi trước mọi người, hát lại những bài cách nay gần 40 năm, như việc lần giở lại những trang nhật ký cũ và đọc lại cho những người bạn thân nghe. Đây là một chia sẻ rất thân tình, bởi ông cho rằng con người sống trên đời, rất cần chia sẻ, đặc biệt đối với một dân tộc như dân tộc Việt Nam, trải qua quá nhiều đau khổ. Thì dịp ngồi lại với nhau để mà sẻ chia những niềm đau và những niềm hy vọng, để tiếp thêm sức mạnh cho ngày mai. Để mọi người chợt thấy trái tim mình bỗng hóa thành một vật thể mới. Tinh sạch hơn và đầy lòng yêu thương. Để biết ơn cuộc đời, vì ta may mắn được hít thở không khí tự do, và khắc khoải nghĩ về những người thân nơi quê nhà cũng ước mong được như ta, mà không khỏi ngậm ngùi! - (BH)

1 nhận xét:

  Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – “linh hồn” của đường Hồ Chí Minh huyền thoại 25 Tháng Hai, 2023 Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được biết đến ...