Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Xuôi chảy với thời gian

Xuôi chảy với thời gian

                                                    Nguyễn Nhã Tiên
“ Cám ơn một mùa xuân ở trên trái đất. Cái hành tinh không vắng lặng giữa thiên hà…” Rất tình cờ, trong một ngày giỗ thi sĩ Chế Lan Viên cách nay đã năm năm, tôi nhận tập sách của một người bạn gửi tặng, lại là tập “Di cảo thơ” của Chế Lan Viên. Sách do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào năm 1992, gần tròn hai mươi năm mà trông vào sách có cảm giác như sách xưa lắm, cũ kỹ lắm. Giấy vàng ố cứ như từ đâu thời “Điêu tàn” vang bóng gặp cơn gió lạ vừa mới bay về! Bìa sách là tranh của Hồ Hữu Thủ, có tên gọi “Lại thấy thời gian”. Tranh cũng vàng ố từng mảng màu sắc nhạt đậm trên cái nền màu lam, như mùa màng tung vào bầu trời những hình thể siêu thực, gợi cho ta một cảm xúc khôn khuây về một quê nhà đã bị thời gian tước đoạt, rồi lại trả về trong cái trí nhớ hoang liêu thăm thẳm khó bề nhận diện từng khuôn mặt, từng nhan sắc thân yêu. “Tôi tiếp cận trang giấy ngày 16 tuổi… Ôi, tuổi trẻ thơ ngây và khờ dại. Một chút biếc ở đầu cây, tôi ngỡ đấy là tài…”. Thế đấy. một chút biếc, một chút nõn hoặc là một chút rêu xanh ấy, bây giờ là những lối vô tận đã mở ra từ một “Điêu tàn” cho đến khép lại bằng những “Di cảo thơ”, con đường định mệnh ấy đố ai mà bắt gặp hết những mùa hoa thi sĩ đã gieo trồng.
Thực ra tôi đã có lần đọc “Di cảo thơ” của Chế Lan Viên từ những ngày đầu sách mới vừa phát hành, nghĩa là vào quãng thời gian sau ngày thi sĩ mất chỉ độ chừng vài năm.
                        Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ
                        Trong hạt sương, trong đá
                        Trong những gì không phải anh
                        Anh tồn tại mãi
                        Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi
                        Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên.
Đó là những dòng thơ cuối trong bài “Từ Thế chi ca” Chế Lan Viên đã viết trước khi bước vào phòng giải phẫu để cắt khối u trong não. Bài thơ như một tiên liệu, một dự báo về tình trạng sức khoẻ của ông với khả năng xấu nhất có thể xảy ra mà ông khó lòng vượt qua. Khác với những nhà thơ lớn đồng thời với Chế Lan Viên, vào những năm cuối đời, ta thường gặp trong thơ họ những ý tưởng: giũ bỏ, buông xuôi nhẹ tênh hoặc là neo bến đỗ của một cuộc đời “quán trọ”, một cuộc đời “lềnh ghềnh xuống thác”, hoặc là mơ hồ về một thế giới vinh cửu nào đó, ví như Huy Cận: “Diệu ơi, Diệu đã về yên tịnh”. Vâng, đấy là Huy Cận viết cho Xuân Diệu - bạn thân của ông ngày đi xa, và cũng là chính cho Huy Cận nữa: “Diệu dò thế giới bên kia trước. Khỏi lạ đường khi Cận tới nơi”. Chế Lan Viên không như thế, không thảnh thơi chuẩn bị nhẹ nhàng cho một chuyến đi xa, mà ông gấp gáp viết. Viết, viết, viết trong mọi tư thế, chạy đua với thời gian, rượt đuổi thời gian, săn lùng thời gian bắt cho kịp từng khoảnh khắc lóe sáng, kẻo không kịp từng ngày, từng giờ, từng phút giây.
                        Cái bình minh phản thùng, cái bình minh phản chủ ác ôn
                        Mà thôi, đừng vội lên án hạt sương và tiếng gà kết liễu ánh sáng đó
Đấy là cái bình minh của “Giờ báo tử”, cái bình minh “phản thùng” rượt thi sĩ chạy đua với thời gian gấp gáp hối hả trên đường.
                        Anh như ông vua Thục
                        Bị đuổi khỏi thời gian
                        Trước mặt là kẻ Lớn        
                        Sau lưng đất chẳng còn      (Đề từ)
Ấy vậy mà sau cái lần mổ cắt khối u não ấy, cái lần mà thi sĩ vẫy tay bảo: “Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ” ấy, thi sĩ lại khỏe khoắn ra, trai tráng ra: “Cám ơn một mùa ở trên trái đất. Cái hành tinh không vắng lặng giữa thiên hà”. Tận hiến cho thơ đến từng giọt máu, từng hơi thở như thế được mấy ai trên cuộc đời này. Nghe những nhà thơ bạn ông, lúc vào viện thăm ông, kể lại: dường như trái tim thơ nồng cháy của Chế Lan Viên có sức xua đuổi nỗi đau đớn thân xác đang hành hạ thi sĩ trên giường bệnh. Nằm ngữa, nằm sấp, nằm nghiêng, tư thế nào Chế Lan Viên cũng viết được. Kê lên đùi, tì lên gối, phương vị nào cũng viết, bản thảo vương vãi rơi quanh giường ông nằm.
                        Ôi! con đường không ra đường của kẻ tìm thơ
                        Cái thơ không ra thơ của kẻ tìm đường
                        Đã gần hết thời gian của tôi ở trên trái đất
                        Mà tôi chưa có thể trả lời cho mẹ
                        Mẹ đâu biết cho rằng:
                        Hoa tôi hái trên trời
                        Cũng chính là nước mắt
                        Dưới xa kia.                          (Tìm đường)
Lật từng trang di cảo thơ Chế Lan Viên, nối liền từ cái thời “sôi nổi” biếc đầu cây : “Điên! Điên! Điên! và say nữa, xin say. Điên đến chết và say cho đến khóc”, cho đến thời: “Hoa tôi hái trên trời. Cũng chính là nước mắt. Dưới xa kia”, có người gọi thơ ông trí tuệ, thơ ông hàn lâm, đầy chất triết lý. Cho dù luận lý cách thế nào chăng nữa thì đấy cũng chỉ là hạn giới của một nhãn quan nào đó. Cái uyên áo vô cùng, sự bất tử hoặc mọi thẩm giá khác, thời gian đã và đang chứng minh cho sức trường tồn vượt qua mọi bể dâu. Suốt một cuộc đời dằng dặc, Chế Lan Viên đã để lại cho đời trên 30 tác phẩm thơ và văn xuôi đã được xuất bản, đó là chưa kể đến hàng trăm sổ tay ghi chép, những bài thơ chưa công bố, những bài bàn về thi pháp… Nhà thơ Võ Văn Trực đã kể lại rằng: Lúc sinh thời, mỗi lần trò chuyện với anh em làm thơ trẻ, Chế Lan Viên đều nhắc đi nhắc lại “-phải đọc thật nhiều, học thật nhiều, đọc Tây đọc Tàu, đọc cả những cái khác mình, cả những cái mình không thích để rồi biến thành của mình. Có vốn văn hóa dồi dào thì sức viết mới bền bỉ. Nếu cứ ỉ vào năng khiếu, bản năng thì sức viết sẽ bị xói mòn nhanh chóng”. Đây là bài học tươi rói giá trị vào mọi thời, mọi nơi. Sức sống của thơ cho dù “Điêu tàn” hay “Ánh sáng và phù sa”, và cho đến “Di cảo thơ”, Chế Lan Viên đã đúc kết lại:
                        Lúc trẻ anh có tài như con kiến có tài, con ong có tài
                        Bản năng sống biết tìm ra tín hiệu trong mùi hương, trong điệu múa
                        Cái tài lúc về già là cầm hòn đá đánh nên ngọn lửa
                        Cái lửa bẩm sinh trời cho nay đã hết rồi.       (Thơ về thơ)
Trước thế giới ngôn từ bát ngát ý tưởng và đầy ắp ngữ nghĩa, một thế giới vừa thăm thẳm vừa trùng điệp trí tuệ logic, khái niệm, trừu tượng, tiếp nhận… Đứng vào phương vị nào ta cũng thấy thơ Chế Lan Viên như dòng sông cuồn cuộn sức chảy, một sức sống được tạo dựng bởi niềm khao khát vươn tới sự trác việt, và bản năng – cái thứ lửa bẩm sinh trời cho tồn tại mãi trong thi sĩ cho đến hơi thở cuối cùng.
                        Anh không ở lại yêu hoa mãi được
                        Thiêu xong, anh về các trời khác cũng đầy hoa
                        Chỉ tiếc khống có tình yêu ở đó
                                                                                         (Từ thế chi ca)
Dường như đây đó có những dòng hồi ký kể lại chuyện thế này, thế kia về thi sĩ Chế Lan Viên, của những nhà văn nhà thơ hoạt động cùng thời với ông. Nhưng tiếng nói của mỗi thi sĩ tài năng lại là chính tác phẩm được công bố, chứ không phải bất cứ thông tin nào khác. Và sức sống thơ Chế Lan Viên đã nói với ta điều đó như một giá trị vĩnh cửu về cái đẹp ở mọi thời. Nó đồng hành với những tầm cao văn hóa, minh chứng cho trái tim thơ nồng cháy, một sự tận hiến cho thơ chứ không phải một thứ lý do nào khác. “Thời gian làm xuôi chảy về Đông, về mất mát. Ta không đồng lõa, trợ lực thời gian để hủy diệt ta thêm. Ngăn con đê ùa vỡ bằng các câu thơ mệnh yểu. Hay trồng một nhành cây buông trái ngọt bên thềm”. THỜI GIAN XUÔI CHẢY với Chế Lan Viên là như thế. Đấy là cuộc chạy đua về phương của sự vô tận, và vì thế nó mãi là sức sống, sự sống trong ý niệm “ cây đời mãi mãi xanh tươi” .
                                                                                                  

1 nhận xét:

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...