Vết lăn trầm - Lời nhắn nhủ thầm kín của Trịnh Công Sơn
Vết lăn
trầm - Lời nhắn nhủ thầm kín của
Trịnh Công Sơn
Trương Hồng Mẫn
Trịnh
Công Sơn đã từng viết “Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với
cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng, … .”.
Vậy lời nhắn nhủ thầm kín đó của Ông trong bài hát “Vết lăn trầm”
là gì?
Khi nghe
giọng Khánh Ly vang lên: “Vết lăn! vết lăn trầm!...”, lòng tôi
như se lại, một cảm giác bâng khuâng không rõ cội nguồn, cảm giác cô
đơn, vắng lặng phủ lấy tâm hồn rồi đẩy tôi vào một trạng thái trầm tư
kéo dài đến nỗi khi bài hát đã qua rồi mà tôi còn chưa tỉnh lại! Vết
lăn trầm, trước tiên đó là một hình ảnh hay là một dấu tích của một
kiếp người ngắn ngủi, nhưng lại vô cùng khổ đau, trầm luân và lận đận.
Nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa thể nào hiểu được lời nhắn nhủ thầm kín
của Trịnh Công Sơn trong bản nhạc này là gì.
“Hằn
trên phiến đá nâu thêm ưu phiền...”, Với Trịnh Công Sơn, cuộc đời
con người thật là ngắn ngủi như một vết chân chim hằn trên đá, trên
cát. Nó xuất hiện rồi nhanh chóng phai mờ, như “có lần chim muông
hằn dấu chân”. Đời người ngắn ngủi được Ông viết trong nhiều bài
hát: “Mùa xuân quá vội. Mười năm tắm gội. giật mình ôi chiếc lá thu
phai." (Chiếc lá thu phai), hay “Ôi tiếng buồn rơi đều,
nhìn lại mình đời đã xanh rêu” (Tình xa).
Nhưng
thật là trớ trêu, đời người ngắn ngủi là vậy mà con người lại phải gánh
chịu biết bao đau khổ, tủi hờn, như nhân gian đã có lần than thở đời là
bể khổ, vì mấy ai hiểu được cuộc đời để mà sống qua cho đúng nghĩa con
người, “làm sao em nhớ những vết chim di” (Diễm xưa), “Có
biết gì về ngày chưa tới” (Cỏ xót xa đưa) để mà “về thu xếp lại
… Vội vàng thêm những lúc yêu người” (Chiếc lá thu phai).
Ở một góc
nào đó của cõi trần gian, thân phận con người là định mệnh, không thể
kháng cự mà bị đẩy đưa lăn lóc, con người phải chấp nhận số mệnh và
sống qua cuộc đời đầy bất hạnh như một viên đá để lại một vết lăn buồn:
“Người chợt nhớ mình như đá. Đá lăn, vết lăn buồn”.
Cũng đã
có mấy ai nhận thức được cội nguồn của những nỗi bất hạnh mà con người
phải gánh chịu kể từ khi bắt đầu cuộc sống, “Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi,
tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” (Gọi tên bốn mùa).
Cội nguồn
đó chính là cái ác đã và đang ẩn náu ngay chính bên trong con người. Bởi
vì anh mang danh là con người, nhưng thực ra anh đang ngụy trang che
giấu cái gốc gác xa xưa của mình, bởi vì anh xuất thân từ loài dã thú:
“Từ hoang xưa dấu thân anh dã cầm. Ôi vết hằn ghi trên bồn gió hoang”
(không phải là “Từ hoang xưa dấu chân anh dạ cầm” như Tuyển tập
những bài ca không năm tháng đã in sai, và vô nghĩa). Cái ác của
chính con người từ cổ chí kim đã và đang là cội nguồn của mọi nỗi bất
hạnh trên thế gian. Và chính nó vẫn còn ghi lại những vết hằn trong quá
khứ không ai có thể chối bỏ được, trên những thành quách, những đài
tưởng niệm, những mộ bia hoang vắng, … và hãy còn lưu lại trong sử
sách: “Ôi vết hằn ghi trên bồn gió hoang”. Bồn gió hoang không
phải là một từ ghép. Bồn là một thực thể vật chất hiện hữu, gió hoang
chỉ đóng vai trò một trạng từ không gian. Nếu chúng ta bỏ ra một ít
thời gian để làm một chuyến đi, một cuộc hành trình đi từ hiện tại về
quá khứ, để chiêm nghiệm, để thấy tận mắt, nghe tận tai về những vết
hằn đẫm máu của cái ác vẫn còn lưu lại ở nhiều nơi, thì chúng ta sẽ
hiểu được thế nào là vết hằn ghi trên bồn gió hoang. Hãy nghe lại tích
xưa như Trọng Thủy Mỵ Châu để biết đâu là tình yêu, tham vọng, sự phản
bội và những cái chết; hãy lật báo hàng ngày ra mà xem cảnh cướp của
giết người, anh em giết nhau, vợ giết chồng, chồng giết vợ; hãy đến bên
tượng đài Sơn Mỹ để xem và nghe người ta đã giết dân mình như thế nào;
hãy mở sách sử để xem cội nguồn của cái chết trên hai triệu người dân
Việt vì đói năm 1945; hãy sang Campuchia để chứng kiến vết tích của sự
diệt chủng; hãy trở lại Liên Xô (cũ) đứng bên những ngọn lửa nhỏ của
những đài tưởng niệm chiến sỹ vô danh để nghe có đến hai mươi triệu
người đã chết trong chiến tranh vệ quốc... và còn biết bao nhiêu những
vết hằn của cái ác do chính con người đã gây ra nữa! mà kể ra, cả đôi
môi và tâm trạng người ta càng cảm thấy u uất hơn: “Chờ ta da du một
chuyến. Ôi môi hờn xin đừng kể lại tích xưa buồn hơn”. Từ “da du”
được sáng tạo bởi Trịnh Công Sơn với ý nghĩa như vậy, hẳn không phải
“Chờ ta giao du một chuyến” như có ca sỹ đã hát.
Như một
nỗi niềm tuyệt vọng trước những thực tại đau buồn, như một sự tương
phản với thực tại, lời ca đột ngột nhắc lại cái đích không xa mà mọi
con người đều phải đến: “Đợi chờ năm làm gió qua truông thiên đàng”.
Cái đích ấy đã được Trịnh Công Sơn viết không chỉ một lần: “Người đã
đến và người sẽ về bên kia núi” (Cỏ xót xa đưa), “Hạt bụi nào
hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi” (Cát
bụi).
Sự tương
phản ở đây khiến ta cảm nhận có một sự vô nghĩa nào đó đang hiện hữu,
một sự lầm đường lạc lối nào đó của con người đang tồn tại. Nó khiến ta
muốn phủ nhận cái xấu xa đang hiện hữu để vươn tới những gì cao thượng
hơn mà lẽ ra con người phải có được trong khi còn “ở trọ” chốn trần
gian. Đó là những gì? Đó là tuổi thơ vô tội, là những bài ca dao đầy ắp
tình thương mà mẹ đã một thời hát ru con ngủ. Đó là tình yêu và là cái
thiện!
Điệp khúc
tiếp theo là một lời hát ru con ngủ, nhưng không phải bài ca dao thuở
nọ, mà là lời hát tiễn đưa con trong nỗi niềm tuyệt vọng, đành phải tin
rằng chết là một giấc ngủ bình yên, đành phải tin rằng chết là cơ may
thoát khỏi những đau khổ chốn trần gian (“che dấu thân đau rã mòn”) để
an ủi cho chính người ở lại. Âm “thôi” kéo dài não nề khiến ta cảm nhận
được nỗi tuyệt vọng ấy: “Thôi! Ngủ yên đi con. Ngủ đời yên đi con
che giấu thân đau rã mòn. Ngủ đời yên đi con như vết thương đau ngủ
buồn, như trùng dương đêm mắt thâm còn nghe ngóng!”, đó là lời ru
con lần thứ hai, như “Ru con nay đã hai lần, ôi tấm thân này ngày
xưa bé bỏng” (Ngủ đi con).
Có lẽ
điệp khúc là nghệ thuật đỉnh cao trong mô tả nỗi khổ đau của kiếp
làm người. Hình ảnh người phụ nữ ru tiễn con đi về cõi vĩnh hằng kết
hợp với hình ảnh một người phụ nữ đêm mắt thâm quầng còn mỏi mòn nhìn
ra biển mà nhen nhóm một chút hy vọng nhỏ nhoi đợi chồng về trong nỗi
tuyệt vọng bao la của đại dương như ẩn hiện một hòn vọng phu, khiến
trời xanh mà nghe thấy chắc cũng phải động lòng! Ôi kiếp làm người! Ôi
“Đá lăn! Vết lăn trầm”!
“Từ
cơn đau ấy, lưu thân mỏi mòn, ôi mắt thầm van xin lời thánh đêm!”,
khi đã trải qua khổ đau tột cùng, con người như mất tất cả, không còn
chỗ bám víu, không còn biết đâu là hạnh phúc trên cõi đời, chỉ còn biết
cầu xin đấng tối cao cho được bình an để mà mòn mỏi lưu thân cho đến
hết cuộc đời. Thật không còn từ nào có thể thay thế được “lưu thân
mỏi mòn” để diễn tả nỗi khổ của kiếp làm người, lưu thân là chỉ ở
tạm, ở trọ mà thôi như “Tôi đây ở trọ trần gian” (Ở trọ), còn
nhà của mình là chốn vĩnh hằng hay chốn thiên thu như Ông đã từng viết:
“Anh nằm xuống như một lần vào viễn du. Đứa con xưa đã tìm về nhà”
(Hát cho người nằm xuống).
Từ đầu
bài hát đến giờ, tổng kết lại ta thấy những gì ? Đó là cái ác trong con
người và những vết hằn của nó vẫn còn đó; đó là nỗi bất hạnh tột cùng
của kiếp người; và bây giờ là “van xin lời thánh đêm”. Và
hoàn toàn không phải ngẫu nhiên sau “Ôi mắt thầm van xin lời thánh
đêm”, thì vang lên “Bài ca dao trên cồn đá, trên ngai vàng quê
nhà một thời ngủ yên tuổi xanh”.
Mọi người
Việt, dù được sinh ra từ những nơi tận cùng của nghèo khó (trên cồn đá)
hay từ những nơi tột đỉnh của vinh quang (trên ngai vàng) đều đã có ít
nhất một lần được nghe hát ca dao. Đó là những lời giáo huấn của cha
ông được truyền lại về lòng nhân ái, đầy ắp tình thương giữa
người và người: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong
nguồn chảy ra”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng
chung một giàn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước
phải thương nhau cùng”…, hay đôi khi là biểu hiện tình mẫu tử thiêng
liêng nhưng cũng gởi gắm nhiều tâm trạng của kiếp người ngay từ thời ấu
thơ:
“Ví dầu
cầu ván đóng đinh
Cầu tre
lắt lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mẹ
dắt con đi
Con thi
trường học mẹ thi trường đời”.
Khi
viết về sự “van xin” “lời thánh đêm” và “bài ca dao”, Trịnh Công Sơn
chắc chính mình cũng muốn van xin con người hãy hướng về lòng nhân ái,
về cái thiện tâm, hãy để cho tình yêu, lòng vị tha, hạnh phúc được nhân
lên; hãy để cho cái ác, sự nhẫn tâm, sự phản bội … đi vào lãng quên. Khi
hát các khúc nhạc của Trịnh Công Sơn, người hát cũng như đang van xin
chính mình hãy giã từ cái ác, hoặc là cầu mong cho mình, cho nhân gian
được niềm vui, hạnh phúc. Người nghe cũng phần nào được an ủi, được
củng cố lòng tin vào cuộc sống và thấy cuộc đời còn đáng sống
hơn. Và tất cả những điều đó cũng chính là lời nhắn nhủ thầm kín
của Ông trong ca khúc “Vết lăn trầm”.
Tôi đã
đọc một số bài viết về nhạc Trịnh Công Sơn, trong đó có bài viết gây
nhiều ấn tượng của Ông John C. Schafer, một người Mỹ đã phân tích và
chứng minh “về Cái chết, Phật giáo và Chủ nghĩa hiện sinh trong nhạc
Trịnh Công Sơn”.
Tôi cũng
lấy làm tiếc là không thấy ai đưa ra kết luận về cuộc sống trong âm
nhạc của ông là rất ngắn ngủi và đầy bất hạnh, và lời trong mỗi bài ca
thường là một lời nhắn nhủ thầm kín rằng con người hãy từ bỏ cái ác
trong chính mình, hãy làm cho tình yêu, hạnh phúc được chắp cánh bay
cao. Và do đó, nhạc của Ông là loại âm nhạc hướng thiện. Ca
từ đầy quyến rủ và bí ẩn. Giai điệu thánh thiện và nội dung đầy tính
nhân văn. Chính vì vậy mà nó có sức thu hút mạnh mẽ cả người hát lẫn
người nghe.
Nếu bạn
chịu khó để tâm, sẽ thấy điều ấy (sự hướng thiện) đã được Ông viết rất
nhiều lần: “chiều này còn mưa sao em không lại, nhỡ mai (không
phải là nhớ mãi) trong cơn đau vùi làm sao có nhau”! (Diễm xưa)
hoặc “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, ngày sau sỏi đá cũng cần có
nhau” (Diễm xưa), khác nào hãy cho nhau một cuộc đời này hạnh phúc,
bởi lẽ kiếp sau sỏi đá vô tri cũng cần có tình, huống hồ chi là con
người của kiếp này.
Hay “Ru
khi mùa mưa tới. Ru em mãi yêu người. Ru em hoài bé dại, một hồn
thơm cây trái. … Ru em là cánh nhạn miệng ngọt hạt từ tâm”! “Ru
em tình như lá trăm năm vẫn quay về”! (Ru tình) khác nào là lời cầu
mong cho con người có thiện tâm, tình yêu và sự thủy chung.
Hay “Một
ngày, ngày ngày đã qua. Ôi một ngày, ngày chóng qua … Ôi nhân loại, mặt
trời và em thôi. Này đôi môi xin thương người”! (Xin mặt trời ngủ yên).
Trong một
thể hiện khác: “Mặt trời nào soi sáng tim tôi, để tình yêu!...”
để tình yêu được thức tỉnh trong mọi trái tim người, để những tâm hồn
khô cằn như đá cuội cũng được hồi sinh. Có lẽ ở đây Ông đã sử dụng một
phép đảo ngữ mà ta ít khi thấy trong tiếng Việt “Để tình yêu
xay mòn thành đá cuội” (Cát Bụi).
Và nhiều
khi không còn là một lời nhắn nhủ thầm kín nữa mà là một sự thẳng thắn,
một lời kêu gọi bộc trực rằng con người hãy quên đi điều ác mà hướng
đến cái thiện: “Biển sóng, biển sóng đừng âm u. Đừng nuôi trong ấy
trái tim thù!” (Sóng về đâu).
Sự đấu
tranh vì cái thiện thật sự mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong những ca
khúc phản chiến: “Giòng máu anh em đã nhuộm mặt trời, cùng xương khô
lên tiếng nói. Đòi sống ấm êm nhân danh con người” (Ta đã thấy gì
đêm nay), “Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi!
Thịt da này dành cho thù hận…” (Hãy sống giùm tôi) …
Và có lẽ
không có chứng minh nào thuyết phục hơn bằng chính lời tâm sự của Ông: “…
Không ai muốn mình là kẻ tuyệt vọng. Nhưng tôi tự nguyện làm tên tuyệt
vọng. Bởi nhiều sớm mai khi tôi thức dậy đã không thấy được hoa quả
khai sinh trong trái tim người …” (Sài gòn, tháng 11.1992). Lời
nhạc còn một câu cuối. Lại xuất hiện một sự tương phản. Tương phản giữa
“Một thời ngủ yên tuổi xanh” và “Rồi một hôm chợt thấy hoang
vu quanh mình!”. Một câu ngắn, nhưng chứa đầy nội tâm làm ta không
thể không quan tâm.
Trong
nhạc của Ông, nhiều khi ta gặp các từ “trẻ thơ”, “tuổi xanh”,
“vòng nôi”, “tóc … xanh”, “trẻ hát trong nôi”, “thơ
ngây”, “bé dại” … được sử dụng với một sự trân trọng đặc
biệt. Nó thể hiện một sự tinh khôi, một thời hồn nhiên vô tội, một sự
bình yên và là niềm hạnh phúc. Bên cạnh đó, ta cũng thấy sự xuất hiện
của từ “hoang vu”, “im vắng” “bỏ hoang”… trong tâm
hồn con người. Nó chứa đầy nội tâm bí ẩn. Nó là lúc con người chợt nhìn
lại cuộc đời của chính mình, là lúc con người cảm thấy cô đơn, như một
báo hiệu vết lăn sắp kết thúc. Trong nhạc của Ông, ở những mảnh
đời khác nhau, tâm trạng con người cuối đời cũng khác nhau.
Có kẻ vội
vã yêu thương ở cuối cuộc đời, là lúc “Về thu xếp lại, ngày trong
nếp ngày. Vội vàng thêm những lúc yêu người” (Chiếc lá thu phai),
hay là “Còn đây có bao ngày, còn ta cứ vui chơi” (Còn có bao
ngày), nhưng cũng có khi sự hoang vắng lại biểu hiện một sự tự vấn, một
sự ăn năn, một sự sám hối về phần đời đã qua: “Đời sao im vắng như
đồng lúa gặt xong, như rừng núi bỏ hoang. Người về soi bóng mình giữa
tường trắng lặng câm!” (Ru ta ngậm ngùi), sự sám hối lên đến tột
cùng: “Hương trầm có còn đây ta thắp nốt chiều nay. Xin ngủ
trong vòng nôi! Ta ru ta ngậm ngùi! Xin ngủ dưới vòm cây!” (Ru ta
ngậm ngùi), có lẽ là tâm trạng con người sống cuộc đời đã qua với bản
năng dã cầm nhiều hơn là con người để rồi ăn năn xin được tha thứ, xin
được trở về với tuổi thơ vô tội, xin trở lại “ngủ trong vòng nôi”,
nhưng đã quá muộn, đành phải “ta ru ta ngậm ngùi”. Và rõ ràng sự
“chợt thấy hoang vu quanh mình” cũng phản ánh những nỗi niềm, sự
băn khoăn thiện ác của con người trước lúc chia tay đi xa. Nó cũng
không nằm ngoài sự hướng thiện.
Tuy nhiên, chúng ta không chỉ biết
ngồi yên hát rao điều thiện, cầu xin cái ác hãy thương tình mà còn phải
biết cách ủng hộ cái thiện, chống lại cái ác, như ai đó đã viết: “Khi
cái ác đã cầm lấy dao găm thì cái thiện phải cầm lấy súng trường”.
“Vết
lăn trầm” là ca khúc chứa nhiều nỗi ưu tư của Ông về kiếp làm
người. Là lời nhắn nhủ thầm kín để con người biết quên đi lòng tham,
quên đi hận thù, tránh điều ác để hướng tới tình yêu, hạnh phúc, cũng
là để cứu lấy con người khỏi khổ đau, bất hạnh. Nó có thể xem là đại
diện cho âm nhạc hướng thiện của Ông. Cần thiết nên xem xét lại để phổ
biến âm nhạc của Ông đầy đủ hơn thay vì ngăn cấm. Và hãy đừng ngạc
nhiên khi có ai đó nói với bạn rằng bạn cũng thích nhạc Trịnh Công Sơn
ư, vậy bạn là người tử tế!.
đặt vé máy bay eva air
cách mua vé máy bay đi mỹ
giá vé korean airlines
vé máy bay đi mỹ là bao nhiêu
mua vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Du Lich Tu Tuc
Kien Thuc Du Lich