Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Nhớ thu xưa của Đoàn Chuẩn

Nhớ thu xưa của Đoàn Chuẩn  
Trương Văn Khoa

Có những ca khúc, khi nghe lại, lòng cứ day dứt hoài những kỷ niệm tưởng chừng như của ngày hôm qua. Và chỉ có âm nhạc của Đoàn Chuẩn mới có thể khắc họa, trau chuốt, đem đến cho chúng ta sự thăng hoa cùng những níu kéo của cảm xúc vốn khó tìm lại được bởi thời gian và không gian.
Nhạc sĩ của mùa Thu
Đoàn Chuẩn viết nhiều về mùa thu. Người ta biết đến ông qua những ca khúc nổi tiếng được phổ biến như: Tình nghệ sĩ, Lá thư, Đường về Việt Bắc (Tà áo tím), Thu quyến rũ, Chuyển bến, Gửi gió cho mây ngàn bay, Cánh hoa duyên kiếp, Lá đổ muôn chiều, Tà áo xanh...Âm nhạc của ông sang trọng, nhẹ nhàng và đầy sắc thu của Hà Nội xưa:
“Ðây khách ly hương mấy thu vàng ấm
Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng
Mơ tới bên em, em tô quầng mắt
Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung...”
         (Tình nghệ sĩ)
Nói đến Đoàn Chuẩn, người ta thường nghĩ đến “Tình nghệ sĩ”, họ coi đây là bài hát đầu tiên của ông. Thế nhưng, “Ánh trăng mùa thu”mới chính là sáng tác đầu tay của người nhạc sĩ tài hoa này. Ca khúc được viết vào năm 1947 tại Đống Năm - Đông Hưng, gắn với một kỷ niệm về ngôi làng Khuốc (đất Chèo) ở Thái Bình. Gia đình của Đoàn Chuẩn kể rằng, mùa thu năm 2002, nghệ sĩ Guitar Hawaii Đoàn Đính (con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) nhận được bản nhạc “Ánh trăng mùa thu” in từ năm 1953 do ca sĩ Nguyễn Ngọc Khôi tặng. Anh Khôi là học trò học thanh nhạc của ca sĩ Đoàn Chính đang định cư tại Canada. Đoàn Đính vô cùng xúc động và thích thú khi tìm thấy ca khúc của cha mình đã thất lạc nhiều năm. Trên bản nhạc còn nguyên nét chữ của Đoàn Chuẩn: “Viết ở Đống - Năm để kỷ niệm những ngày ở Khuốc, Thu 47”. Với giai điệu bay bổng và thanh thoát, “Ánh trăng mùa thu” đã hé mở một tài năng mới của nền tân nhạc Việt Nam lúc bấy giờ:
“Chờ trăng lên, ánh trăng e lệ mãi
Vương vấn mong lá rơi bên thềm vắng
Gió thu như cùng chia mối âu sầu của bóng cây tàn lá
Trong đêm hờ hững
Rồi trăng lên, ánh trăng mơ huyền quá...”
                        (Ánh trăng mùa thu)
Sau này, khi nghe Thái Thanh hát, chúng ta mới thấy hết sự tinh tế, cảm nhận tuyệt vời của Đoàn Chuẩn với Trăng và Mùa Thu. Ông đa tình, có nhiều người để yêu thương. Và cũng chính vì thế, Đoàn Chuẩn mới để lại cho đời sau những giai điệu đẹp, bàng bạc ánh trăng thu cùng nỗi buồn của duyên kiếp...
...Đêm hôm nay, chợt nhớ tới nơi xa
lúc anh về, nhặt mấy cánh hoa
Kèm vào thư, lá thư xanh
màu yêu cánh hoa duyên kiếp này
Tìm em trong ý thu”
                   (Cánh hoa duyên kiếp)
Đoàn Chuẩn tên thật là Đoàn Đức Chuẩn, sinh năm 1924 tại đảo Cát Hải (Hải Phòng), con trai của bà chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng qua câu tục ngữ: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Sau này, ông bà Vạn Vân mua riêng cho Đoàn Chuẩn ngôi biệt thự số 9 - Cao Bá Quát ( Hà Nội), đồng thời cho xây rạp hát Đại Đồng để con trai kinh doanh. Đoàn Chuẩn lập gánh hát Lúa Vàng, bản thân mình sáng tác, biểu diễn ghita Hawaii, ca sĩ chính của đoàn lúc ấy là Thanh Hằng.
Đẹp trai, con nhà giàu, tự lái xe hơi đi học ở trường Louis Pasteur, Đoàn Chuẩn sống phong lưu, thường xuyên giao tiếp với tầng lớp thượng lưu ở Hà thành. Ngày ấy, việc một “cậu ấm” có xe hơi riêng đã “khủng” rồi, huống gì “Đoàn công tử” sở hữu tới 6 chiếc, trong đó có những chiếc hiệu Ford Frégatte và Buick, sang hơn cả Thủ hiến Bắc Kỳ. Thú “ăn chơi” của ông hiếm ai bì kịp, tài tử Ngọc Bảo, cùng thời Đoàn Chuẩn, người được coi là hát nhạc Đoàn Chuẩn quyến rũ nhất, đã thừa nhận: “Tôi là tay chơi có hạng đất Bắc Kỳ nhưng còn thua xa người lịch lãm, hào hoa Đoàn Chuẩn”. Ngày ấy, cả Việt Nam có 2 “con” Cadillac thì Đoàn Chuẩn có 1 trong 6 chiếc để thay đổi. Thế nhưng vì quá mê đàn, ông đã sẵn sàng đổi ngay 1 chiếc ô tô để lấy cây guitar Hawaii.
Câu chuyện thú vị khác được người Hà Nội thường nhắc đến là tính “chơi ngông” của người nhạc sĩ họ Đoàn này. Nữ ca sĩ kiều diễm mang tên một loài hoa lan, từ Sài Gòn bay ra Hà Nội để trình diễn. Đoàn Chuẩn đem lòng yêu mến và theo đuổi ngày đêm. Lúc bấy giờ, có chàng công tử giàu có khác, sở hữu nhiều chiếc ô tô đẹp nhất ở Hà Nội, cũng tán tỉnh cô ta. Trong cuộc “đua” để đi chơi cùng người đẹp, Đoàn Chuẩn đã thuê người dùng 2 chiếc ô tô khác “khóa chặn” đầu đuôi chiếc xe của anh chàng kia, đàng hoàng lái chiếc xe riêng hạng sang của mình “đi ngang mũi” để rước người đẹp xuống bãi biển Đồ Sơn. Sau này, mỗi lần đi chơi với người tình ở nơi này, Đoàn Chuẩn thường lái chiếc Cadillac thẳng xuống bãi biển, thuê dù che ô tô, bóng dù đến đâu, ông trả tiền bãi đến đó để ngắm biển, trong khi hàng loạt chiếc xe của những người giàu có khác phải đỗ ở nơi gởi xe. Chính cuộc tình này là nguồn cảm hứng vô tận cho Đoàn Chuẩn sáng tác những ca khúc được người đời nhớ mãi như “Cánh hoa duyên kiếp”, “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Chuyển bến”, “Lá thư”,...
Đa cảm là tính cách của Đoàn Chuẩn. Ông thường bị mê hoặc bởi sắc đẹp, bởi ái tình bất chợt, cuồng si rồi tan vỡ:
“...Em tôi hay hờn lắm
Hay tô thâm quầng mắt
Hay mua hoa màu trắng về
Tình em như mây trong mùa thu
Bay rợp lối rồi tan trong chiều vắng
Bởi thế, trong suốt cuộc đời âm nhạc của mình, Đoàn Chuẩn không ngớt ca tụng những bóng hồng thướt tha trong tà áo, ngập đầy sắc thu.
Những “bí mật” về Từ Linh?
Có một thời, giới văn nghệ sĩ Hà Nội cứ bàn luận về bút danh bí ẩn “Đoàn Chuẩn - Từ Linh”. Lý do nào để Đoàn Chuẩn gắn chặt với Từ Linh trong suốt hành trình sáng tác âm nhạc của mình? Công chúng biết đến Đoàn Chuẩn như là một nhạc sĩ tài hoa, xuất thân từ gia đình tư sản, chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng ở Cát Hải, Hải Phòng và cũng là công tử chịu chơi bậc nhất ở đất Bắc ngày ấy. Chính vì thế, Đoàn Chuẩn càng nổi tiếng bao nhiêu thì Từ Linh lại càng bí ẩn bấy nhiêu. Có nhiều giai thoại xoay quanh chủ đề thú vị này nhưng họ cũng không thể nào biết được Từ Linh là ai? Nhiều người cho rằng “Đoàn Chuẩn - Từ Linh” là một, Từ Linh là một người không có thực, đó là cái tên mà Đoàn Chuẩn ưa thích thêm vào. Theo nhạc sĩ Phạm Duy thì Từ Linh là nhân viên thư ký của hãng nước mắm Vạn Vân, nhạc sĩ Trần Trịnh lại cho rằng đó là người tài xế riêng của Đoàn Chuẩn, quan hệ giữa họ là quan hệ giữa ông chủ với người làm thuê, vì gắn bó với nhau nên đã gắn tên hai người lại làm một. Một nhạc sĩ cùng thời, từng chơi thân với Đoàn Chuẩn lại nói khác, Từ Linh là tên của một người bạn, được Đoàn Chuẩn “lãng mạn hóa” trong bút hiệu trên bản nhạc,... Và như thế, trong suốt một thời gian dài, người ta không thể vén được “bức màn” văn nghệ để giải thích Từ Linh có quan hệ như thế nào với Đoàn Chuẩn.
Mãi đến sau này, qua những thông tin của gia đình, mọi người mới biết Từ Linh chính là người bạn thân, tri âm của Đoàn Chuẩn. Từ Linh tên thật là Hà Đình Thâu, sinh năm 1928 tại Hà Nội, quê gốc ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông là con thứ tư trong gia đình có 4 anh em trai, lại là người ít nói nên cả nhà gọi ông là Tư “lì”. Ông Tư ít nói nhưng là người thích chữ nghĩa, hóm hỉnh, chính ông đã đặt lái cái tên Tư “lì” thành ra Từ Linh.
Từ Linh là người tài hoa, kín đáo và ít nói. Những người sống ở gần nhà cũng không biết ông chính là Từ Linh, có tên trong những sáng tác của Đoàn Chuẩn. Ông làm thơ cho riêng mình, chơi guitar, thổi kèn, chụp ảnh nghệ thuật. Nếu Đoàn Chuẩn là công tử mê xe hơi thì Từ Linh cũng chịu chơi không kém. Thời ấy, những loại máy ảnh có tiếng trên thị trường, Từ Linh cũng không tiếc công tìm về, để chơi chứ không phải kiếm sống. Một thời, ông và Đoàn Chuẩn góp vốn để xây dựng rạp chiếu bóng Đại Đồng. Trong đợt cải tạo công thương nghiệp tư bản, cùng với việc hãng nước mắm Vạn Vân của gia đình Đoàn Chuẩn bị tiếp quản, rạp Đại Đồng cũng được chuyển giao lại cho Nhà nước. Rời Hà Nội, Từ Linh đi bộ đội, Đoàn Chuẩn ở lại nhưng hai người vẫn giữ mối liên hệ thân thiết cho đến ngày gặp lại.
Nếu Đoàn Chuẩn là một người si tình thì Từ Linh lại rất đào hoa. Từ Linh cũng có riêng cho mình một “người em gái miền Nam” thực sự. Người phụ nữ ấy còn hạ sinh cho ông một người con gái tên là Nga, hiện sống tại Sài Gòn. Tuy nhiên, đến bây giờ, do hoàn cảnh nên gia đình Từ Linh cũng chưa gặp lại được “người em gái” ấy. Câu chuyện này có thể giải thích, ca khúc “Gửi người em gái” có thể xuất phát từ tình cảm đó cùng với tình yêu của Đoàn Chuẩn dành cho người em gái của riêng ông. Tình bạn giữa hai con người tài hoa này không dừng lại ở tri âm mà là tri kỷ. Liệu rằng, nhạc và lời của hai ông đã hòa quyện đến mức không thể tách rời nhau trong nghệ thuật? Và cũng chính vì vậy, nhiều bản chép tay của Đoàn Chuẩn, ông vẫn luôn ghi là “Nhạc: Đoàn Chuẩn - Lời: Từ Linh”. Cả ông và Đoàn Chuẩn rất ít khi nói về sáng tác, dường như đó là điều mà hai ông muốn giữ riêng cho nhau và không muốn mọi người biết về điều ấy. Có lẽ vì vậy, những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. Mới đây, nhạc sĩ Đoàn Đính cho biết Từ Linh không trực tiếp tham gia sáng tác nhạc hay viết lời cho ca khúc mà là “khán thính giả” đầu tiên mỗi khi nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn ra đời. Chính vì thế, Từ Linh là người lắng nghe những bộc bạch về giai điệu, ca từ, đồng thời có những đóng góp để hoàn chỉnh tác phẩm. Để ghi nhận tình cảm tri âm tri kỷ này, các ca khúc của Đoàn Chuẩn đều ghi tên của 2 người là “Đoàn Chuẩn - Từ Linh”.
Nghệ sĩ ưu tú Hà Đình Cường, cây trumpet nổi tiếng của Việt Nam (cháu gọi Từ Linh là chú ruột) cũng cho biết, tình bạn giữa Đoàn Chuẩn - Từ Linh rất sâu sắc, không thể phủ nhận. Họ gắn bó với nhau và giữ gìn cho nhau suốt đời khiến nhiều người không thể biết thêm được nữa. Chỉ biết rằng, tình cảm mà Đoàn Chuẩn - Từ Linh chẳng kém gì so với câu chuyện Bá Nha với Tử Kỳ. Anh Hà Thạch An (con trai của Từ Linh) nhớ lại, sau ngày giải phóng, hai ông hay chụm đầu vào chiếc “máy đĩa cối’ cùng nhau nghe nhạc, thì thầm, thỉnh thoảng lại phá lên cười với nhau.
Thời gian sau, kinh tế của hai gia đình đều sa sút, nghèo khó. Đoàn Chuẩn rắc rối với lý lịch gia đình tư sản, Từ Linh giải ngũ trở về làm nhân viên sửa máy tính ở Công ty Bách hóa tổng hợp. Cuộc sống khó khăn nhưng tình bạn giữa họ vẫn nguyên vẹn và thắm thiết như xưa. Từ Linh bị liệt, nằm viện suốt 6 tháng cho đến lúc qua đời vào năm 1987. Trong thời gian đó, ngày nào Đoàn Chuẩn cũng sang thăm Từ Linh khoảng 2 tiềng đồng hồ. Đoàn Chuẩn ngồi xoa bóp cho Từ Linh, thầm thì kể chuyện xưa mà không hề nhàm chán. Từ Linh mất, Đoàn Chuẩn có sáng tác thêm vài ca khúc, vẫn ghi chung tên hai người để ghi dấu một tình bạn cao quý, rất đáng trân trọng và cảm động.
Mùa thu cuối
Những năm cuối của thập kỷ 80, người ta thường thấy Đoàn Chuẩn ngồi uống café tại  khách sạn Đường Sắt, nơi góc đường Lý Thường Kiệt và Phan Bội Châu - Hà Nội (khách sạn Sài Gòn bây giờ). Người ta thường nghe ông kể chuyện về Hà Nội xưa, thời vàng son của chàng công tử Đoàn Chuẩn với những tình khúc nổi tiếng. Lúc về già, ông thường quan niệm, nghệ thuật không có tình yêu sẽ không còn là nghệ thuật, người nghệ sĩ không có tình yêu, cũng mất luôn khả năng làm nghệ thuật. Năm 1956, ca khúc “Gửi người em gái” ra đời và ông đã “im lặng” trên 30 năm sau đó. Người ta không còn hát “nhạc vàng” của ông nữa. Sự lặng lẽ của Đoàn Chuẩn đồng nghĩa với việc ngừng sáng tác. Không viết nhưng khi người gặng hỏi (lúc 63 tuổi), ông buồn rầu nói: “Không có hứng thì viết ra làm gì!”.
Nhờ sự ủng hộ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, những ca khúc mùa thu của Đoàn Chuẩn được trân trọng giới thiệu qua chương trình “Đoàn Chuẩn - 65 mùa lá đổ” tại số 51 - Trần Hưng Đạo vào cuối mùa xuân 1988. Một lần nữa, những tình khúc được cất lên giữa Hà Nội, công chúng hân hoan đón chào xen lẫn chút ngậm ngùi với những giai điệu tưởng chừng đã quên lãng. Đoàn Chuẩn thật sự xúc động như được hồi sinh trở lại sau những năm tháng vắng bóng. 
Năm 2000, Đoàn Chuẩn bị tai biến, nằm liệt giường. Đôi mắt ông vẫn long lanh khi bạn bè đến thăm. Ông ra đi vào ngày 15.11.2001, trong vòng tay của người vợ suốt đời cam chịu. Người Hà Nội xót xa hát tiễn đưa ông tại căn nhà số 9 - Cao Bá Quát - Hà Nội. Chiếc xe tang đi trong chiều thu lặng lẽ. Lá vàng ngập lối, ông thanh thản về với cõi vĩnh hằng, khép lại những tháng ngày lãng du. Cho dù cõi dương gian đầy ân tình nhưng đời ông vẫn còn đó những nỗi buồn cùng tiếc nuối:
“Có những đêm về sáng
Đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi!
Đã vội chi men rượu nhấp đôi môi
mà phung phí đời em không tiếc nhớ.
Lá đổ muôn chiều ôi lá úa,...”
                        (Lá đổ muôn chiều)





1 nhận xét:

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5/2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trước cơ...