Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

10 giọng ca nữ VIỆT NAM có ảnh hưởng nhất

 10 GIỌNG CA NỮ VIỆT NAM CÓ ẢNH HƯỞNG NHẤT

1. Thái Thanh
Thái Thanh ” Một ca sĩ của dân tộc “. Thái Thanh ” Một tiếng hát dâng hiến tâm tình ” Thái Thanh đã hát cho bao nhiêu thế hệ chúng ta, từ đầu thập niên 50, khi mới 17 tuổi, từ Bắc vào Nam, hơn 20 năm với quê hương chinh chiến.
Tên tuổi Thái Thanh trở nên lẫy lừng từ thập niên 1950 cho đến những ngày cuối của miền Nam Việt Nam. Tiếng hát của bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh cũng như truyền hình. Cùng với Thái Hằng, Hoài Bắc, Hoài Trung, Phạm Duy, Khánh Ngọc (vợ nhạc sĩ Phạm Đình Chương) lập nên ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng.
Với 1 giọng ca trong trẻo, cao vút cùng một cách hát và nhả chữ không thể nhầm lẫn, tiếng hát Thái Thanh đã sống cùng trái tim yêu nhạc của bao người qua nhiều thế hệ. Tên tuổi Thái Thanh gắn liền với âm nhạc Phạm Duy & Phạm Đình Chương cùng những ca khúc sống mãi với thời gian: Ngày xưa Hoàng Thị, Đôi Mắt Người Sơn Tây, Dòng Sông Xanh, Nửa Hồn Thương Đau….
2. Khánh Ly
Nhắc đến âm nhạc Trịnh Công Sơn, người ta nhớ ngay đến tiếng hát Khánh Ly. Nghe nhạc Trịnh với giọng ca của Khánh Ly để suy ngẫm về cuộc đời, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của âm nhạc, để thông cảm với một tâm hồn… quá hay, quá đẹp.
Tiếng hát Khánh Ly và nhạc Trịnh Công Sơn đã đi liền với nhau như một định mệnh. Nhạc Trịnh Công Sơn là những bài tình ca cho đất nước, cho dân tộc, và cho tình yêu. Bằng tiếng hát Khánh Ly, và có lẽ chỉ bằng tiếng hát Khánh Ly, những bài hát của Trịnh Công Sơn đã thấm sâu vào tâm hồn mọi người Việt Nam. Ðã mấy chục năm trôi qua từ ngày cô bé Khánh Ly đi chân đất, hát trước hàng ngàn sinh viên Việt Nam và gây xúc động mạnh mẽ với một thứ âm nhạc lạ kỳ. Ngày nay, nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly đã trở thành một phần của tâm hồn người Việt chúng ta.
3. Lệ Thu
Lệ Thu, một cái tên tiền định hát bằng nước mắt đau thương, bàng bạc như tơ sương của khung trời mùa Thu đất Bắc, như một lời giới thiệu mở đầu … tèng teng teng…Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống, đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông,… Rồi một buổi trưa hè nào đó bên nhà hàng xóm văng vẳng xa vắng Gọi Nắng trên vai em gầy đường xa áo bay,…Chỉ một mỹ từ duy nhất để diễn tả về Lệ Thu thôi “Đẹp”, Lệ Thu là một tiếng hát Đẹp. Thưởng thức tiếng hát Lệ Thu như là thuởng thức một Dung Nhan đẹp đẽ và rắn rỏi.
Ở Lệ Thu, cái đẹp còn ở lối phát âm tiếng Việt khi hát. Nghĩ đến Lệ Thu là mường tượng ngay ra được Vẻ đẹp của tiếng Việt, Nhẹ nhàng, Uyển chuyển và rất tròn vành rõ chữ.
4. Bạch Yến
Với 50 năm góp mặt trong lãnh vực nghệ thuật, Bạch Yến rất xứng đáng được coi là một nữ nghệ sĩ có quá trình hoạt động lâu dài nhất cho đến ngày hôm nay. Với những thăng trầm trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp, tên tuổi của chị vẫn là một tên tuổi lớn trong việc giới thiệu nền văn hoá Việt Nam với khán giả năm châu qua nhạc dân ca cổ truyền hiện nay cũng như từng góp mặt trong giới “show business” tại Hoa Kỳ trong một thời gian dài.
Giọng hát trầm đặc biệt đó cũng đã trở nên quen thuộc với khán giả Việt Nam từ rất nhiều nãm qua, mặc dù âm sắc rất trầm nhưng giọng hát chị thuộc loại “mezzo soprano”, đã góp phần không ít trong việc tạo cho nhạc phẩm “Ðêm Ðông” trở thành bất hủ.
5. Hoàng Oanh
Tiếng hát mật ngọt Hoàng Oanh trải qua nhiều năm tháng, không thể lẫn lộn với bất cứ giọng ca nào. Nó đi sâu vào lòng người, ngất ngây như uống phải thứ men say và gợi nhớ muôn trùng một vùng trời kỷ niệm, đầy ắp thương yêu. Hoàng Oanh là một tài năng đa diện. Với một làn hơi ngọt ngào, nồng nàn tình cảm, Hoàng Oanh đã có khả năng trình bày tất cả các loại nhạc cũng như lối ngâm. Từ những nét sang trọng, dịu dàng, quý phái của nhạc tiền chiến đến những bản dân ca ba miền, những bài tình tứ quê hương, từ những câu Hò mái đẩy miền Trung đến bài vọng cổ miền Nam hay câu Sa mạc, hát ví của miền Bắc…
Tiếng hát cũng như giọng ngâm của Hoàng Oanh có chút gì thật sâu đậm, buồn man mác nhưng thật tình tứ, đã chinh phục được đa số thính giả.
6. Hà Thanh
Có một loài chim khi cất tiếng hót thánh thót vang vọng giữa trời mây sông nước, không gian như lắng đọng để hoà nhập trong âm điệu du dương: Hoàng Oanh. Mang âm hưởng đó, có tiếng ca ngọt ngào, truyền cảm như làn gió nhẹ, như tiếng reo của thuỳ dương, như tơ vương giăng mắc, như sương khói lững lờ, như lời tình tự giữa trăng thanh, như ru ta vào cõi mộng mơ, dìu ta lạc bước vào đất thần kinh với hoàng thành cung điện, với đền đài lăng tẩm, với sông nước hữu tình, với nhạc điệu trầm bỗng, thướt tha: Hà Thanh.
Tên tuổi Hà Thanh đã được giới yêu thích âm nhạc ái mộ với làn hơi trong sáng, êm ái, ngọt ngào, cao sang, mượt mà, bóng bẩy, tình tự quê hương, có nét độc đáo trong âm điệu đất thần kinh. Tuy yêu nghề nhưng chưa dấn thân vào nghiệp, Hà Thanh vẫn tiếp tục con đường học vấn, chỉ hát ở Huế nhưng những ca khúc được trình bày đã vang xa khắp bốn phương trời qua lán sóng phát thanh của Đài phát thanh Huế, đánh dấu sự chờ đợi, hẹn hò của các trung tâm phát hành đĩa nhạc ở Thủ đô Sài Gòn.
7. Phương Dung
Cô nổi tiếng năm 17 tuổi sau khi trình bày thành công bài hát “Nỗi buồn gác trọ” của Mạnh Phát và Hoài Linh vào năm 1962, sau đó tiếng hát của cô đã đi vào lòng người với bài hát “Những đồi hoa sim” năm 1964, Dzũng Chinh phổ thơ của nhà thơ Hữu Loan. Năm 1965, với bài hát “Tạ từ trong đêm” của nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh, Phương Dung đã nhận được giải huy chương vàng giành cho nữ ca sĩ trong năm, và người nhạc sĩ của bài hát được giải Bài hát xuất sắc nhất trong năm.
Tên tuổi Phương Dung được chắp cánh thêm với mỹ danh “Con Nhạn Trắng Gò Công” mà thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà tặng cho cô. Từ đấy con nhạn trắng Phương Dung bay không mệt mõi trong vùng trời âm nhạc. Hiện nay tuy đã có tuổi nhưng giọng ca của Phương Dung vẫn không phai dần theo năm tháng, vẫn còn đó lối hát tâm tình, cứ như trăn trở về một dĩ vãng ngày xưa. Tiếng hát Phương Dung ngọt ngào mà chơn chất như người con gái Gò Công, luôn được khán thính giả yêu mến tới nay.
8. Bích Chiêu
Là người chị cả trong gia đình nhạc sĩ trứ danh Lữ Liên gồm có các danh ca nổi tiếng khác: Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Anh Tú, Lưu Bích, Lan Anh & Thúy Anh.
Bích Chiêu: Cô không đẹp nhưng có duyên. Cô có hàm răng vẩu và lưỡng quyền hơi cao. Nhưng vẻ thông minh tinh quái chiếu sáng chan hòa khuôn mặt cô. Đã vậy, cô rất hồn nhiên, không che đậy khuyết điểm của mình. Thân hình của Bích Chiêu khá nồng nàn và khá cân đối. Đã vậy cô biết hóa trang và ăn mặt nên trên sân khấu cô có nét gợi cảm và thu hút riêng. Giọng Bích Chiêu phong phú và hơi khàn. Chuỗi ngân cô rập rờn và óng ả.
Bích Chiêu hát rất trội, rất ngậm ngùi những ca khúc tình ái như “You Don’t Know Me” hay “I Went To Your Wedding” dễ làm say lòng người. Tôi còn nhớ Nguyên Sa có câu thơ “trải dài đại lộ bằng tiếng hát Bích Chiêu”. Bích Chiêu vẫn là thần tượng lộng lẫy của giới trẻ vào cuối thập niên 50 và 60.
9. Thanh Thúy
Trong kiếp cầm ca, tiếng hát được nhiều cây bút tên tuổi xuất thủ với ngôn từ độc đáo, tuyệt vời được dàn trải với tha nhân thưởng ngoạn, bồng bềnh theo hình bóng qua bốn thập niên của hậu bán thế kỷ XX, tiếng hát đó đã gói trọn tình khúc, vượt thời gian và không gian, đi vào ký ức, đi vào chiều dài lịch sử trong làng ca nhạc Việt Nam: Thanh Thuý.
Thanh Thúy qua ca khúc trữ tình, lãng mạn của nhiều nhạc sĩ tài danh được mô tả bằng tiếng hát lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương. Thanh Thuý: Tiếng Hát Liêu Trai, Tiếng Hát Khói Sương, Tiếng Hát Lúc Không Giờ, Tiếng Sầu Ru Khuya, Tiếng Hát Lên Trời, Tiếng Hát Khói Sương Chiêu Niệm… qua nhiều cây bút với ngôn ngữ văn chương không ngần ngại hạ bút để viết về tiếng hát.
10. Ngọc Lan
Nhắc đến các giọng hát Việt Nam hải ngoại, đặc biệt những giọng hát của các ca sĩ trẻ, mới xuất hiện ở ngoài Việt Nam sau 75, chúng ta không thể không ghi nhận giọng hát Ngọc Lan. Ngọc Lan, một giọng hát mà người thưởng ngoạn có thể tìm thấy ở đó, hoặc cả một khung trời mất mát, sầu muộn, nuối tiếc. Hoặc cả một vùng hào sáng, có tuổi xuân đang lớn, đam mê và cuồng nhiệt.
Với chất giọng ngọt ngào, trữ tình, Ngọc Lan nhanh chóng được khán giả biết đến và đã được các trung tâm mời ghi âm . Ngọc Lan đạt được đỉnh cao của tiếng tăm từ khi cộng tác với trung tâm nhạc Mây trên những chương trình Hollywood Nights .
Ngọc Lan được yêu thích qua nhiều nhạc phẩm nước ngoài lời Việt, như Mưa trên biển vắng… Cô cũng trình bày nhiều ca khúc tiếng Pháp, những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên… Cô hát ở rất nhiều thể loại nhạc và dòng nhạc, hiện nay theo một số người sưu tầm nhạc, cô đã trình bày trên 800 ca khúc và trên 40 video clip.
Sau một thời gian dài bị chứng bệnh đa thần kinh hóa sợi hành hạ, Ngọc Lan trút hơi thở cuối cùng vào hồi 8 giờ 25 sáng ngày 6 tháng 3 năm 2001 tại bệnh viện Vencor, Huntington Beach, Nam California.
Theo bacsiletrungngan

1 nhận xét:

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...