Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Cẩm Lệ - Gần lắm một miền quê


Cẩm Lệ - Gần lắm một miền quê

Tôi đứng trên cầu Cẩm Lệ, nhìn về một vùng quê thơ mộng bên sông - nơi khói lam chiều đang lớt phớt trên những mái nhà quen thuộc. Buổi chiều, trời cao và trong lành, đâu đó, tiếng còi tàu vang lại những hồi thúc tiễn một ngày với bao thanh âm. Cuộc sống phố phường vẫn cuốn mỗi người đi - đến và chảy theo dòng đời với bao lo toan, cơm áo. Tự nhiên, cái cảm giác của tôi lúc này, hình như tôi đang nhớ lắm về miền quê thân thương nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi hình dung một ngày gần nhất, nơi tôi đứng bây giờ cuộc sống sẽ nhộn nhịp hơn. Cẩm Lệ, miền quê thân thương đang từng ngày thay da đổi thịt. Hôm nay, miền ký ức này thuộc về tôi mãi mãi. Tự nhiên tôi muốn gọi thành tên về một miền quê gần lắm…
Những điểm tựa ban đầu
Rời trung tâm phố thị ồn ào, tôi về Cẩm Lệ. Mới đó mà đã 3 năm, Cẩm Lệ trở thành đơn vị hành chính thứ 7 của thành phố Đà Nẵng. Vạn sự khởi đầu nan, vùng quê này đang ngày một thay da đổi thịt. Quận Cẩm Lệ được thành lập theo Nghị định số 102/2005/NĐ-CP do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 5/8/2005 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và đã có của các xã Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa Phát, Hòa An, Hòa Xuân thuộc huyện Hòa Vang, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Khuê Trung thuộc quận Hải Châu. Với diện tích 3.330 ha đất tự nhiên và 71.429 nhân khẩu, có 6 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường Khuê Trung, Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa An, Hòa Phát, Hòa Xuân. Địa giới hành chính quận Cẩm Lệ phía Đông giáp quận Ngũ Hành Sơn, phía Nam giáp huyện Hòa Vang, Bắc giáp quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu. Qua 3 năm đi vào hoạt động, trên cơ sở những cơ sở hạ tầng đã có, hiện nay Cẩm Lệ là một trong 7 quận, huyện của thành phố Đà Nẵng gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng trong phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng.
Theo ông Huỳnh Trung, Hội người cao tuổi phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ đi thăm thú một số làng nghề truyền thống, và những cơ sở thương mại dịch vụ phát triển trên địa bàn quận, chúng tôi được chứng kiến khá nhiều sự đổi thay trên mảnh đất này. Sau 3 năm đi vào hoạt động, hiện nay thu nhập bình quân đạt 20,1triệu đồng/ người/năm và giải quyết việc làm khoảng 1500 lao động/năm; giảm tỷ suất sinh 0,6%, giảm 1103 hộ nghèo. Mặc dù gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân nhưng kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, quy mô kinh tế ngày càng lớn đóng góp vào sự tăng trưởng chung của thành phố. Hiện nay, quận Cẩm lệ đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị để phù hợp với sự phát triển chung của thành phố. Toàn quận hiện có 45 dự án lớn nhỏ với tổng diện tích quy hoạch 1645,6 ha, trong đó có 35 dự án quy hoạch tái định cư, đã bố trí tái định cư khoảng 7054 hộ, đạt 82,59%; hoàn thành việc đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị 03 phường. Đặc biệt là dự án 410 ha - xây dựng Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân. Đây là một trong những dự án lớn nhất được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng phê duyệt đầu tháng 8.2008. Quy hoạch trên 1600 hộ phải di dời giải tỏa với trên 8.000 dân. Đà Nẵng là một trong những thành phố làm tốt công tác chỉnh trang đô thị, và được đánh giá là thành phố trẻ, năng động, là trung tâm kinh tế của miền Trung - Tây Nguyên và nhịp cầu nối với các nước trong hành lang kinh tế Đông-Tây. Khi tiến hành xây dựng dự án 410 ha này tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, lãnh đạo thành phố đã có buổi tiếp dân có một ở sân vận động quận Cẩm Lệ - Đây là một trong những cuộc tiếp dân được báo chí đánh giá cao - để nghe dân phản ánh về những tâm tư, nguyện vọng của mình và thành phố sẽ dựa vào đó để làm căn cứ trong việc đốc thúc dự án cũng như giải tỏa, đền bù đúng đối tượng và làm tốt công tác an dân.
Dọc theo sông Cẩm Lệ, chúng tôi về làng Hòa Xuân - nơi những người nông dân đang mùa thu hoạch lúa. Tôi hít sâu lồng ngực, hương lúa ngọt thơm thấm vào từng cảm xúc trong tôi. Nhìn những giọt mồ hôi của người nông dân đang thấm vào hạt thóc, tự nhiên tôi muốn ngồi thật lâu để ngắm những động tác gặt lúa thời hiện đại. Khi người nông dân không còn dùng liềm để gặp lúa như mẹ tôi xưa. Máy tuốt lúa đã và đang là công cụ hỗ trợ đắc lực cho người nông dân mỗi mùa thu hoạch. Anh bạn đồng nghiệp đi với tôi nói khẽ “Khoảnh khắc vàng anh chộp được đấy”, anh nói khi lia ống kính về bên khuôn mặt một chị nông dân đang thảnh thơi uống nước chè xanh trong giờ nghỉ trưa ít ỏi. Biết đâu mai này hình ảnh kia chỉ còn tồn tại trong ký ức? Trong hình dung của tôi, khi khu đô thị mới mọc lên, nơi đây sẽ là đầu mối giao thương phía Nam của thành phố Đà Nẵng. Sự phát triển của xã hội luôn kéo theo những hệ lụy, đặc biệt là quyết sách táo bạo của thành phố khi thu hẹp diện tích đất nông nghiệp để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ. Đi đầu, làm đầu, bao giờ cũng khó và gặp không ít những điều kiện khách quan tác động. Bà Sáu Thương, phường Hòa Xuân vừa đổ lúa vào bao, quệt mồ hôi trả lời khi tôi hỏi về khu đô thị mới ven sông Hòa Xuân “Mừng chứ, biết rằng giờ mình cực nhọc bám ruộng bám vườn, nhưng phải đặt lợi ích con cháu sau này. Điều kiện hiện tại chưa thể đáp ứng được, vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cái chính đó là cấp trên đã làm đúng và trúng. Đúng với thực tế phát triển chung của thành phố và trúng lòng dân”. Nghe thế, tôi nghĩ đến những làng nghề ngày xưa trên mảnh đất này. Cách đây hơn mười năm, vùng đất này nổi tiếng với đặc sản bánh khô mè, thuốc lá Cẩm Lệ. Đất ven sông được phù sa bồi đắp hàng năm, người dân chuyên trồng thuốc lá và dâu nuôi tằm. Xưa cũng có những vườn bắp bốn mùa xanh lá, trải mượt ven sông. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay và bình yên mỗi ngày sau lũy tre làng. Nhưng khi làng lên phố, hẳn mọi thứ phải tươi và mới hơn. Đó là sự thay đổi phù hợp với sự phát triển đi lên của thành phố. Trong tương lai gần, nơi đây sẽ mọc lên khu đô thị sinh thái với đầy đủ những dịch vụ, hệ thống siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí phục vụ nhiều tầng lớp nhân dân. Một cây cầu mới sẽ được bắc qua sông - cây cầu nối liền ranh giới quận Cẩm Lệ. Giao thông sẽ thuận tiện hơn, người dân đỡ phải ngược xuôi bằng xuồng. Mơ ước đó nay mai sẽ trở thành hiện thực…
Bình yên trong lòng phố
Đó là cảm nhận của tôi khi về thăm khu nghĩa trủng Hòa Vang nằm ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Đây là ngôi mộ lớn duy nhất trên đất nước Việt Nam- được Nhà nước cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1999. Bao năm qua, cây mù u cổ thụ nơi đây vẫn đứng hiên ngang để chứng kiến bao nhiêu đổi thay của cuộc sống. Thắp hương tưởng nhớ những anh hùng nghĩa sỹ đã ngã xuống nơi đây, tôi có cảm giác bình an và thanh thản. Chỉ tay về dãy mộ, ông Huỳnh Trung khẳng định với tôi rằng nơi đây hiện có 1056 ngôi mộ liệt sỹ, ngoài ra còn vài chục ngôi mộ không phải là mộ liệt sỹ nhưng trong quá trình di dời, gặp phải nên người dân đã đưa vào luôn trong khuôn viên nghĩa trủng. Theo một số tài liệu, thì ngày xưa toàn bộ khu nghĩa trủng diện tích khoảng 4000 m2 nhưng hiện nay chu vi toàn bộ chỉ khoảng 3000m2. Phần còn lại đã được mở rộng thành đường dẫn vào khu di tích.
Trong quá trình đô thị hóa, mở rộng khu dân cư, đường vào khu nghĩa trủng đã được nâng cấp, làm bằng bê tông và thảm nhựa vào tới cổng. Trong ký ức của những người cao tuổi làng Khuê Trung xưa, những năm tháng hào hùng ngày xưa vẫn còn in đậm. Quê hương Đà Nẵng sau những năm đổi mới, thế hệ hôm nay đã có nhiều đóng góp tích cực để giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của quê hương, đất nước. Đó còn là tấm lòng tri ân đối với anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho mảnh đất này bình yên. Tôi ngồi lặng dưới gốc mù u và hình dung về chiến trận ngày xưa với gậy gộc, gươm dao với những tiếng hô át cả tiếng đạn pháo. Đó không chỉ là chiến công của người dân Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn là sự hợp lực của hàng vạn chiến sỹ nghĩa binh trên cả nước với các vị tướng như Đài Trí, Châu Phước Minh, Phạm Thế Hiển, Ông Ích Khiêm, Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương. Biết bao bàn chân của những người trẻ tuổi đã ngã xuống khi đất nước chưa yên. Mỗi gốc cây, mỗi viên gạch, cả cái giếng được xây theo kiến trúc Chăm nơi đây, đều để lại trong tôi những ấn tượng, tôi đã không còn cảm giác sợ hãi ban đầu khi quyết định về thắp hương trên nghĩa trủng. Tôi thấy ấm lòng bởi một niềm tự hào và biết ơn sâu sắc khi đứng lặng bên từng hàng mộ. “Người xưa đã xa rồi, nay dựng tượng đài mà vẫn bàn đến đời của họ và nghĩ đến con người thời ấy - Tổ quốc thiêng liêng với những chí sỹ anh hùng thời ấy, noi dấu đời trước để chắp cánh cho đời sau” (hai câu đối ở nghĩa trủng Hòa Vang, Lê Duy Anh  - Lê Hoàng Vinh dịch). Đó là dấu ấn lịch sử và cũng là lời người đi trước để lại răn dạy con cháu hôm nay. Tiếp chuyện chúng tôi, cụ Huỳnh Ngọc Tế, 78 tuổi, nguyên là cơ sở cách mạng, là xã trưởng Khuê Trung những năm đầu 1970, xa xăm: “Sau này con cháu làng Khuê Trung nói riêng và cả nước nói chung cần phải biết về những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống nơi này. Phải biết tôn trọng những người đã hy sinh vì nghĩa trủng. Muốn là gì phải nghĩ đến những người đầu tiên đã cầm gươm, cầm mác, chiến đấu không quản ngại khó khăn để hy sinh vì độc lập của dân tộc”.
Làng nghề trên địa bàn quận Cẩm Lệ xưa nay không nhiều. Có chăng là những cụm, nhóm dân cư làm chiếu, làm bánh khô mè, gia công hàng may mặc cho các Khu công nghiệp. Hiện nay, giải quyết việc làm cho những hộ gia đình giải tỏa tái định cư ở các khu dân cư mới đang là bài toán khó đối với chính quyền địa phương. Một số Khu công nghiệp trên địa bàn hiện nay đang có nhu cầu lớn về lao động, nhưng lao động phổ thông được đào tạo qua trường lớp quá ít, những người mất việc lại tập trung nhiều ở độ tuổi hết sức lao động hoặc kén chọn những công việc nặng nhọc. Bằng nhiều biện pháp tích cực, chính quyền quận đã duy trì triển khai chương trình “thành phố 5 không” và “thành phố 3 có”. Hiện nay quận Cẩm Lệ đang dần đô thị hóa, vừa có làng, vừa có phố, mỗi nét đổi thay trên từng góc phố, dưới mỗi mái nhà, tất cả đều mang dáng dấp của một vùng quê đã và đang phát triển về mọi mặt. Thành phố Đà Nẵng sẽ mở rộng phát triển kinh tế, xã hội về phía Nam, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thay da đổi thịt trên vùng quê thơ mộng này.
Tôi không sinh ra trên vùng mảnh đất này nhưng khi tìm về ngoại ô thành phố, được thở không khí trong lành nơi đây. Tôi lại ước ao về những điều kỳ diệu. Dẫu khó khăn bao nhiêu mà con người đồng tâm hợp lực thì dễ vượt qua và chiến thắng. Dừng chân bên Phố Cẩm, thưởng thức một tô mì quảng cá lóc với hương vị đậm đà xứ Quảng, ăn một cái bánh khô mè giòn tan, thơm ngọt, tôi cứ hình dung về một ngày kia, khi tôi ngồi đây và nhìn về phía Nam Cẩm lệ. Sẽ không còn những hình ảnh tôi gặp hôm nay, nhưng, cái mới sẽ thay thế cái cũ theo quy luật tuần hoàn của tạo hóa. Và vòng quay ấy sẽ mang lại cho thế hệ mai sau những thành tựu mới, có sự kế thừa và phát triển hôm nay làm bệ phóng. Cần phải phát triển kinh tế bền vững song song với việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần. Khi phố đã lên đèn, tôi trở lại với nhịp sống hối hả của xe cộ, phố phường. Bỗng nhiên tôi muốn được một đêm thức trọn với ánh trăng vàng trên vùng quê Cẩm Lệ những ngày này. 
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO



1 nhận xét:

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...