Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

HẮC BẠCH CÔNG TỬ NAM KỲ – công tử Bạc Liêu, công tử Mỹ Tho

HẮC BẠCH CÔNG TỬ NAM KỲ – 

công tử Bạc Liêu, 

công tử Mỹ Tho

Một bản tin trên báo cách đây 2 năm vào ngày 3/9/2010 với cái tựa đề “Con trai Công Tử Bạc Liêu vẫn chưa xây được nhà thờ tự”. Việc xây một căn nhà đối với người thường thì không có gì lạ, nhưng đối với “cậu ấm” con của Công Tử Bạc Liêu thì đúng là một chuyện đầy mâu thuẫn.
Nội dung bản tin, “Sau gần một năm xin được đất để xây nhà thờ phượng cho cha mẹ, cậu ấm Trần Trinh Đức, con trai của Công tử Bạc Liêu vẫn chưa có đủ tiền để xây nhà.”
Ông Trần Trinh Đức không có việc làm, không có nhà ở, chạy xe ôm mà không có khách, thậm chí không có tiền mua gạo. Cái nghèo của ông làm cho người ta nhớ đến người cha đã “đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu” ngày xưa.
Người dân Nam Kỳ miệt lục tỉnh trước kia không còn lạ gì với “cụm từ” “Công tử Bạc Liêu” đã trở thành một thành ngữ để chỉ chung những chàng trai hào hoa, phóng khoáng, sành điệu ăn chơi và xài tiền như nước.
Có nhiều giai thoại lý thú được loan truyền trong dân gian về cách ăn chơi của Hắc, Bạch công tử ở Nam Kỳ trong những thập niên 1930, 1940.
1/- Xuất thân của Công Tử Bạc Liêu
Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy sinh ngày 22/6/1900, còn có tên là Ba Huy, là một tay ăn chơi nổi tiếng ở Saigòn và miền Nam vào thời đó. Tên thật là Trần Trinh Quy, nhưng cho rằng cái tên Quy không sang trọng cho nên đổi lại là Trần Trinh Huy.
Ba Huy là con trai của ông Trần Trinh Trạch, ông Trạch xuất thân là một thư ký vườn, nhà nghèo, được ông bá hộ Phan Văn Bì, một đại địa chủ “Vua lúa gạo Nam Kỳ” gả con gái cho, trở nên giàu có. Nhờ cha vợ cho đất và cấp vốn, cộng thêm chút đỉnh chữ nghĩa và biết làm ăn, chẳng bao lâu Trần Trinh Trạch trở nên một địa chủ xếp vào hạng nhất ở Nam Kỳ.
Trần Trinh Trạch sở hữu 74 sở điền với 145,000 hecta đất trồng lúa và 100,000 hecta ruộng muối. Ông Trạch có 7 người con. Ba Huy là con trai thứ hai.
2/- Con người của Trần Trinh Huy
Trần Trinh Huy, (Ba Huy, Hắc Công Tử) du học Pháp 3 năm. Về nước không có mảnh bằng nào, để lại một người vợ Pháp và đứa con ở Paris. Người Huy cao lớn, khoảng 1.7 mét, lực lưỡng nhưng không cục mịch. Dáng người thanh thoát, sang trọng đầy sinh lực. Ba Huy rất hào phóng, rộng rãi, dễ dãi.
Người ăn kẻ ở trong nhà lầm lỗi cũng ít la rầy, bà con ở xa đến thăm cũng được cho tiền. Tá điền nghèo được giúp đở.
Giao thiệp với người Pháp thì không khúm núm, nịnh bợ như nhiều người khác. Giới giang hồ tứ chiếng xem Ba Huy như là tay nghĩa khí ngon lành nhất Nam Kỳ. Ba Huy cũng ủng hộ, giúp Việt Minh một lần 13,000 giạ lúa. Ông thích hội hè, là người đầu tiên tổ chức “Thi hoa hậu miệt vườn” ở Hậu Giang.
Vợ : Ba Huy có 4 vợ và rất nhiều nhân tình. Vợ 1. Người Pháp có 1 con. Vợ 2. Ngô Thị Đen, người Bạc Liêu. Có người con gái là Cô Hai Lưỡng sang sống bên Pháp. Vợ 3. Nguyễn Thị Hai. Có 3 con : Thảo, Nhơn, Đức. Vợ 4. Khoảng 1968, Ba Huy dọn về căn biệt thự đường Nguyễn Du, Saigòn. Mỗi buổi sáng, đứng trên lầu nhìn xuống, thấy một cô gái gánh nước đẹp quá. Con ông già sửa xe đạp. Ba Huy đến nhà, xin đổi căn biệt thự lấy cô gái, đó là người vợ sau cùng của Ba Huy.
Ông mất ngày 16/1/1973 đưa về an táng ở huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.
3/- Những giai thoại
- Đi thăm ruộng bằng xe hơi hoặc ca nô : Ba Huy được cha ủy nhiệm cho trông coi điền sản. Ông đi thăm các sở điền bằng xe hơi hoặc ca nô. Việc nầy là một sự kiện đặc biệt. Ba Huy đi đến đâu thì tá điền ùn ùn kéo đến xem, vì cả đời họ chưa thấy xe hơi bao giờ. Đi đòi nợ các tỉnh, ông dùng xe Ford Vedette, đi chơi thì dùng xe Peugeot Sport, loại xe nầy chỉ có 2 chiếc ở miền Nam, chiếc kia là của vua Bảo Đại.
- Ba Huy thuê người Pháp làm công cho mình : Đó là ông Henri, chồng bà Tư Nhớt, một người trong gia tộc Trần Trinh. Henri làm quản lý, điều hành tài sản, dưới quyền của Ba Huy.
Quản lý được hưởng 10% lợi tức thu được hàng năm, vì thế ông Henri làm việc mãi cho đến sau ngày 30/4/1975 mới về Pháp.
- Công tử Bạc Liêu mê nghề võ : Cái mốt của thời đó là học võ nghệ để nâng cao khí phách thượng võ của kẻ anh hào. Ông không học võ Tây, võ ta, mà sang Thái Lan mướn một ông thầy thượng hạng về dạy võ Xiêm cho mình và người em út là Tám Bò.
- Một sự kiện chấn động cả nước là đi thăm ruộng bằng máy bay : Vì điền sản của gia tộc Trần Trinh lúc đó là 145,000 hecta ruộng lúa và 100,000 hecta ruộng muối, cho nên cần máy bay để đi thăm ruộng, vì đi xe hơi rất mệt mỏi.

Lúc đó, cả nước cũng chỉ có 2 chiếc máy bay tư nhân. Chiếc kia là của vua Bảo Đại.
Một lần đi thăm ruộng ở Rạch Giá, vì thấy lái máy bay dễ quá, cho nên Ba Huy mới giành với phi công người Pháp, để cho ông lái. Hứng chí, bay qua Hà Tiên cho đến khi đồng hồ báo sắp hết xăng nên phải đáp khẩn cấp, mới biết đó là đất Thái Lan.
Cha của ông phải đem 200,000 giạ lúa qua nộp cho Thái Lan để chuộc người và máy bay. Sự việc máy bay đi lạc đường được tờ báo Le Courrier Saigonnais đăng tin và nhiều tá điền xác nhận là họ đã tham gia làm phi trường ở Cái Dầu. Đó là loại L-19 2 chỗ ngồi.
- Sinh hoạt cực kỳ sang trọng và xa hoa : Ra đường đóng bộ Veston bằng thứ hàng đắt nhất thời đó. Ăn sáng kiểu Tây, trưa ăn cơm Tàu, chiều cơm Tây. Khi đi Saigòn, xe mới cáu cạnh có tài xế lái. Không ở ngôi biệt thự riêng mà ở nhà hàng khách sạn sang trọng nhất. Có lúc hứng chí, đi dạo phố với hàng chục chiếc xe kéo. Chiếc ông ngồi, còn những chiếc khác thì để những vật dụng lặt vặt như là cái nón, cây can… chạy theo xe không cũng được trả tiền.
Ông luôn luôn xê dịch và thích ở những nơi ăn chơi. Chiều cuối tuần thì nghỉ mát ở Vủng Tàu, Đà Lạt hoặc Cần Thơ…Rất mê cờ bạc, có khi đánh một ván 30,000 đồng, trong thời điểm mà lúa chỉ có 1.7$ một giạ, lương tháng của Thống Đốc Nam Kỳ là 3,000$/tháng.
4/. Hắc Công tử và Bạch Công tử
- Bạch Công tử : Bạch Công tử cũng là tay ăn chơi nổi tiếng ở miền Nam thời đó. Bạch Công tử tên thật là Lê Công Phước, thường gọi là Phước George.
Là con trai thứ tư của Đốc Phủ sứ Lê Công Sủng, người làng Điều Hoà, quận Châu thành tỉnh Mỹ Tho (Định Tường, Tiền Giang).
Bạch Công tử sang Pháp du học năm 1909. Phước George da trắng nên gọi là Bạch công tử để phân biệt với Công tử Bạc Liêu, da ngâm đen, là Hắc Công tử.
Phước G. rất mê cải lương, sang Pháp học về sân khấu. Về nước, cùng với Nguyễn Ngọc Cương lập ra gánh hát lấy tên 2 người là gánh Phước Cương. Một năm sau, Phước tách ra lập gánh Huỳnh Kỳ để cho Phùng Há quản lý và cưới Phùng Há sau đó.
a/- Giai thoại : Tác giả Nguyễn Thiện viết : “Đang lúc cô Ba Trà, một phụ nữ có sắc đẹp làm xao xuyến tâm hồn Bạch công tử, cô nầy thua bài sạch túi, thì Bạch công tử lái xe đến nhà rủ xuống Cần Thơ ăn cá cháy và đánh bài gỡ vốn. Hai người vừa đến khách sạn Bungalows thì Hắc công tử vừa tới, thắng xe cái két. Cả hai lâm vào cảnh khó xử trước người đẹp, việc chiếm mỹ nhân chỉ còn nhờ vào tài nghệ chinh phục của mỗi người.
Cả ba cùng vào khách sạn. Bạch công tử lột chiếc cà rá nhận hột xoàn trị giá 3,000$ để trên bàn, trước khi vào phòng tắm. Lúc trở ra, thấy cô Ba Trà đang đeo thử chiếc cà rá vào ngón tay, thì Bạch công tử lên tiếng tặng luôn cho cô. Sau đó, Hắc công tử mua tặng cho cô một chiếc giá gấp đôi.
Một lần, gánh Huỳnh Kỳ xuống hát ở Bạc Liêu cùng cô Bảy Phùng Há. Hắc công tử được mời đi xem. Đang xem hát, Bạch công tử rút thuốc ra hút làm rớt tờ giấy bạc Con Công (5$), và cúi xuống tìm. Hắc công tử bèn đốt tờ giấy “Bộ Lư” (100$) soi sáng cho Bạch công tử.
Bị chơi một vố khá đau về mặt mũi, Bạch công tử thách thức, mỗi người mua một kí lô đậu xanh nấu chè. Dùng tiền giấy thay củi để đốt, nồi chè nào sôi trước thì người đó thắng.
Tối hôm đó, Hắc công tử cho trải thảm đỏ từ ngoài cổng vào tận thềm nhà, cứ mỗi một thước thì có gia nhân cầm đuốc soi đường chào đón phái đoàn của Bạch công tử.
Nhiều người chứng kiến cuộc thi, vì thấy số tiền giấy bị đốt khá nhiều, ai nấy đều toát mồ hôi. Cuối cùng thì Bạch công tử thắng.”
Ba Huy, Hắc công tử, mất ngày16/1/1973. Sau 30/4/1975, tất cả tài sản, nhà cửa của Công tử Bạc Liêu bị tịch thu. Hiện nay, dinh thự vẫn còn giữ nguyên kiến trúc và nhà của Ba Huy được dùng làm nhà hàng khách sạn mang tên “Công tử Bạc Liêu” là thương hiệu kinh doanh du lịch của tỉnh ủy Bạc Liêu.
5/. Biệt thự
Biệt thự xây cất năm 1909 do kỷ sư Pháp thiết kế. Toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, đá cẩm thạch lót nền, gạch, khung sắt trang trí đều nhập từ Pháp qua. Các bù lon, đinh ốc vít đều có khắc chữ P chứng tỏ rằng sản xuất từ Paris. Nội thất được trưng bày bằng đồ gổ, sứ, đồng rất quý giá.
Khách sạn có 6 phòng, 5 phòng thường và một phòng đặc biệt mang tên “Phòng Công Tử”, giá tiền gấp đôi và phải đặt trước cả tháng mới hy vọng có phòng. Đa số là du khách ngoại quốc.
6/. Cậu ấm chạy xe ôm kiếm ăn từng bữa
Người con của Ba Huy là ông Trần Trinh Đức, 61 tuổi, cho biết gia đình ông gặp nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất do đứa con gái sa vào cờ bạc. Bán hết tài sản nhỏ mọn không đủ trả nợ, phải chạy trốn nợ sang Campuchia làm nghề mua bán giày dép cũ. Sống không nổi phải trồi về Việt Nam chạy xe ôm kiếm ăn từng bữa.
hân dịp về Bạc Liêu tổ chức giỗ thứ 36 của cha, ông Trần Trinh Đức được một nhà mạnh thường quân là ông Nguyễn Chí Luận, chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc công ty cổ phần địa ốc Bạc Liêu tặng cho một lô “đất vàng” 200 m2 ở khu du lịch Hồ Nam, Bạc Liêu. Đồng thời vận động các nhà mạnh thường quân khác góp tiền mua một căn nhà 3 gian trị giá 300 triệu đồng cho gia đình ông Đức làm nơi thờ phượng đồng thời kết hợp với kinh doanh du lịch để cho khách đến tham quan. Ông Đức cũng được trả 5 triệu đồng/tháng về công tác quản lý nhà thờ Công Tử Bạc Liêu.
7/. Mối tình giữa Bạch công tử và Phùng Há
- Phùng Há : Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo (30/4/1911 – 5/7/2009), người làng Điều Hoà, quân Châu Thành tỉnh Mỷ Tho. Thân phụ là người Hoa tên là Trương Nhân Trưởng, gốc ở Sơn Đông, Trung Quốc. Thân mẫu là Lê Thị Mai, người Mỹ Tho.
Phùng Há là phát âm theo tiếng Quảng Đông của Phụng Hảo
Thân phụ qua đời năm bà 9 tuổi. Gia đình lâm vào cảnh nghèo khó. Năm 13 tuổi bà phải đi làm công trong một lò gạch để kiếm tiền.
Giọng ca thiên phú của bà được ông bầu Hai Cu để ý nâng đở, mời bà vào gánh Tái Đồng Ban, đóng cặp với Năm Châu.
Năm Châu và nhạc sĩ Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung) là 2 người thầy đầu tiên của bà và cũng là 2 người đàn ông có mặt trong cuộc đời tình cảm của bà. Năm 1926, bà kết hôn với nghệ sĩ Tư Chơi. Năm Châu thua buồn, rời gánh hát ra đi. Năm 1929, bà li dị.
Sau đó, bà kết hôn với Bạch công tử Phước George. Ông lập gánh hát Huỳnh Kỳ cho bà làm bầu gánh năm 18 tuổi. Gánh Huỳnh Kỳ rất nổi tiếng trong thời đó.
Bà có 2 con với Phước G, cả hai đều chết sớm.
Do khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1933 và do Bạch công tử vung tiền qua cửa sổ cho nên gánh Huỳnh Kỳ bị sập tiệm.
- Cuộc đời thê thảm của Bạch Công tử : Do ăn chơi phung phí, cờ bạc, phụ nữ, hút xách cho nên bị tán gia bại sản. Con bị bịnh không có tiền chạy thuốc, con chết. Vợ bỏ. Ông lại mang bịnh ghiền á phiện mà không có tiền hút. Ông sống lang thang trong khu vực Vườn Ông Thượng (Vườn Tao Đàn, Saigòn). Nhờ có một địa chủ ở Chợ Gạo (Mỹ Tho) là ông Nguyễn Hoàng Phi đem về nhà nuôi và ông chết một thời gian ngắn sau đó.
Cho đến nay, mồ của ông cũng còn là một nắm đất, không có mộ bia.
Năm bà Phùng Há 99 tuổi, bà có tìm đến mộ và muốn đem hài cốt ông về hoả táng, đem tro vào thờ ở Chùa Nghệ Sĩ Gò Vấp,
do bà làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nhưng bị người giữ mộ là con của ông Nguyễn Hoàng Phi từ chối.
KẾT LUẬN
Những công tử con nhà giàu ăn chơi hoang phí, thì tiền bạc cao như núi cũng hết sạch. Không có một quan niệm đúng đắn và lý tưởng của cuộc đời đối với bản thân, gia đình và xã hội thì khi gặp nạn, tất cả đều sụp đổ. Con cái không có một cái nghề nuôi thân.
Về tài sản, nhà cửa của Công Tử Bạc Liêu thì sau 30/4/1975, nhà nước có quyền tịch thu hết cũng không có gì đáng nói, xin miễn bàn. Nhưng việc lợi dụng và sử dụng tên tuổi của “kẻ xấu” để kinh doanh hốt bạc thì thật là không ổn.
Khách sạn “Công Tử Bạc Liêu” và “Phòng công tử” là thương hiệu kinh doanh du lịch cần phải được sử dụng hợp pháp thì mới chính đáng và trung thực. 
Theo Trúc Giang


1 nhận xét:

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...