Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Nỗi nhớ tháng tám

Nỗi nhớ tháng tám 

Ngồi bên bàn desktop, ngoài trời ió thổi nhè nhẹ, nắng ấm tỏa lan; bất giác nghe thấy bài hát vẳng lên từ nhà hàng xóm.
Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhi
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em màu thu xưa
Có bóng mùa thu thức ta lòng sang mùa
Một ngày về xuôi chân ghe Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay
Thôi thì có em đời ta hi vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghe đấu đây là mưa và mi xanh
Nghe đâu đay hồn Trưng Vương sóng hát
Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngìn năm sau ta níu bóng quay về
Ôi mùa thu của ước mơ
(nhạc và lời: Trần Quang Lộc)
Bài hát không chỉ gợi lên những nét đặc trưng của mùa thu mà dường như còn có cả sự khao khát, đợi chờ. Đợi chờ một điều gì đó, một sự thay đổi, một bước chuyển mình để nhắc cho người ta nhớ. Miền Nam không có mùa thu, chỉ có hai mùa mưa nắng, có chăng chỉ là những chiếc lá vàng rơi rụng dưới những tàng cây. Bởi vậy mỗi khi mùa thu về, có những người miền Nam – như tôi – lại góp nhặt một chút gì đó trong không gian đặc thù của mùa thu để cảm nhận sự chuyển mình của bốn mùa: những cơn gió hiu hiu rét, sắc vàng của hoa cúc rực lên giữa chợ… Những con phố dài ngợp người lại qua dường như chậm lại, trong cái không khí man mác của tiết trời sang thu. Và dường như những cơn mưa tháng tám cũng kéo về cả những nỗi buồn man mác, thả từng giọt vào lòng, để bao người ngồi lại, thanh thản và lắng nghe. Hay như ai đó từng gọi mưa bằng cái tên lạ lẫm “Nước mắt của trời”. Hay bởi cái nắng ấm nhẹ nhàng đã thế chỗ cho những gay gắt oi ả ngày hè.
Nhớ mùa thu có phải vì mùa thu được tô vẽ bằng những sắc màu nhàn nhạt hay bởi mùa thu đã ở lại trong kỷ niệm, về một buổi sáng đẹp trời khi ta lần đầu tiên bước chân đến lớp, trong những hình ảnh vốn dĩ đã ăn sâu vào tiềm thức từ bài văn ngắn của Thanh Tịnh được thuộc nằm lòng từ thời học tiểu học:
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường… Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học…” 
Không chỉ ngày đầu tiên đi học, mà biết bao lần thu sang, trở về trường cũ, ta lại mang trong mình cảm giác bâng khuâng. Nghĩ cũng lạ, khi đi học thì mong sao cho mau đến những ngày hè, để rong chơi, để gạt đi những mệt nhọc, căng thẳng về bài vở. Vậy mà khi được nghỉ, lại mong được trở lại trường, mong được tụm năm tụm ba cùng chúng bạn, hay nghe những bài giảng âm vang tận ngoài sân. Mùa hè bây giờ của lớp trẻ được lấp đầy bởi những buổi học thêm. Năm học của lớp trẻ bỗng kéo dài đằng đẳng. Đã vắng nhiều rồi nỗi nhớ mùa thu, và bất giác, ta tự hỏi: Những mùa thu trong chờ đợi của tuổi học trò khi xưa nay đã đi đâu, về đâu. Đáp lại chỉ là khoảng không lặng thinh, lá vàng xao xác bay như những nuối tiếc về một thời đã xa. 
Và mùa thu đi vào thi ca không chỉ bởi là mùa tựu trường mà hơn hết là mùa của tình yêu, hay nói đúng hơn là cho những đôi lứa yêu nhau. Không biết có phải bởi tạo hóa đã tô vẽ sắc thu bằng những gam màu nhàn nhạt, bằng cái dư vị không lẫn vào đâu được của hoài niệm, của yêu thương hay bởi lòng người ngập nỗi yêu và nhớ lúc sang thu.
Cứ nhớ lần mình đi với người ấy giữa những con đường lá rơi xao xác với mong muốn để lại chút gì trong lòng người ấy. Đôi lúc nhớ lại, lại phì cười. Cảm giác như mình đang dựng lên mọi chuyện, chế tác lại kỷ niệm, để sau này người ta đi ngang qua con đường này, góc phố này, sẽ lại nhớ về một chiều mưa bay, có hai người từng lưu dấu chân qua. Muốn nhắc người ta nhớ nhưng rốt cuộc, chỉ còn ta với nỗi nhớ vơi đầy.

Và khi mùa thu trở về, nỗi nhớ lại ùa về, chờn vờn đầy ắp trong lòng.
bacsiletrungngan








1 nhận xét:

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...