Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

BÙI GIÁNG nhà thơ điên giữa cõi đời hư thực

 BÙI GIÁNG NHÀ THƠ ĐIÊN GIỮA CÕI ĐỜI HƯ THỰC


Tôi gặp nhà thơ Bùi Giáng được ba lần, lần thứ nhất vào giữa năm 1974 tại khuôn viên trường Đại Học Vạn Hạnh ở đường Trương Minh Giảng (nay là trường Sư Phạm đường Nguyễn văn Trổi) khi tôi theo người cậu là nhạc sĩ Anh Việt Thu đi trình diễn buổi récital piano classique theo lời mời của Ban Đại Diện Sinh Viên Trường. (lúc đó nhân ngày lễ tốt nghiệp phát bằng Cử Nhân cho sinh viên ra trường). Hình ảnh một ông già râu tóc bạc, tóc để dài nhưng không búi,ăn mặc xềnh xoàng ngồi uống cà phê với một nhóm sinh viên hăng say tranh luận về triết học đã gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt về nhà thơ lớn nầy. Lần thứ hai vào khoảng tháng 12 năm1974 ông vào trường Đại Học Luật Khoa ở đường Duy Tân, nơi tôi đang theo học Ban Cao Học Tư  Pháp  để tìm một người bạn (nay là trường Đại Học Kinh Tế đường Phạm Ngọc Thạch). Lúc đó, vì vội vàng vào giảng đường nên tôi chỉ kịp gật đầu chào ông . Lần thứ ba, khoảng cuối năm 1976 khi tôi đang đi cùng người bạn ở vòng xoay ngã sáu Sai Gon thì bạn tôi la lên:" Bùi Giáng kìa mầ ". Tôi quay lại nhìn thì thấy ông ăn mặc rách rưới, đang đứng ở dưới chân tượng Phù Đổng Thiên Vương, mắt ngó lên trời, chỉ trỏ nói lảm nhảm những gì không nghe rõ. Phía sau là một đám trẻ con tò mò, có đứa la to "Ông già điên, ông già điên". Ông đi qua những dãy phố, cúi nhặt những bao thuốc lá, giấy báo cũ, vỏ chai bỏ vào một cái bao to mang bên cạnh mình. Tôi cứ ngỡ ông lượm ve chai về bán nhưng sau nầy một người cháu của ông cho biết là ông mang về thấy người mua ve chai nào đi ngang qua ông cũng gọi vào cho. Với ông, một hoa hậu hay một cô gái lam lũ đi mua ve chai cũng như nhau. Tôi rất quý trọng ông về phẩm chất đó. Đấy, những hình ảnh về nhà Thơ lớn Bùi Giáng trong tôi chỉ có thế, nhưng nó đã trở thành một nổi ám ảnh, thôi thúc mà cho đến hôm nay sau 13 năm từ ngày ông mất, tôi mới có dịp viết về ông: Một nhà thơ điên giữa cuộc đời hư thật.

Nếu gọi Bùi Giáng là nhà thơ cũng không đúng hẳn mặc dù đa số tác phẩm ông là Thơ, bên cạnh đó ông cũng có những bài Nhận Định,Giảng Luận, Phê Phán, Triết Học, Tạp Văn  dịch thuật v .v..., tóm lại theo tôi ông là nhà Thơ, nhà Dịch Thuật,Nhà Nghiên Cứu Văn Học .Ở đây, tôi giới thiệu Bùi Giáng trên lãnh vực Thơ.cùng một số bài tiêu biểu của ông để chúng ta cùng thưởng thức
1- TÁC GIẢ:
Bùi Giáng sinh năm 1926 tại huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, năm hai tuổi (năm 1928) ông bị té bể trán phải sống đi chết lại bốn năm trời, đến năm 1933 ông mới hết bệnh, khoẻ và đi học được. Năm 1952 ông đậu Tú Tài Toàn Phần Ban Văn Chương rồi học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sau đó ông nghỉ học và đi dạy tại các trường tư thục ở Sài Gòn. Có thời gian hận đời, ông bỏ về quê đi chăn bò. Sau đó năm 1969 ông trở lại Sài Gòn bắt đầu thay đổi cách ăn mặc, tạo lối sống lập dị, để râu tóc bạc dài, thường lang thang ở các trường Đại Học để tranh luận với sinh viên về văn học, triết học. Ông tự nhận năm 1969 là năm "ta bắt đầu điên rực rỡ", rồi sau đó dường như tự mãn với cái cao ngạo thoát tục của mình ông tuyên bố; "tuy điên rồ nhưng lừng lẫy, chết đi sống lại vẫn vẻ vang".
 Ông mất ngày 7/10/1998 tại bệnh Viện Chợ Rẫy sau một cơn tai biến mạch máu não.
Bùi Giáng (1926 -1998), là nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học của nước ta . Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng...Ông nổi tiếng từ năm 1962 (Bùi Bàn Dúi là bút danh nói "láy" tên Bùi Giáng của ông, đây lá cách chơi chữ rất ngông của thi sĩ) 

Chân dung nhà thơ Bùi Giáng
 (nguồn: Internet)
2- TÁC PHẨM:
 Các tác phẩm Bùi Giáng chia ra làm nhiều thể loại như sau:
1. Tập thơ:
-Mưa nguồn (1962)
-Lá hoa cồn (1963)
- Màu hoa trên ngàn (1963)
- Ngàn thu rớt hột (1963)
- Bài ca quần đảo (1963)
- Sa mạc trường ca (1963)
- Sa mạc phát tiết (1972)
-Mùi hương Xuân Sắc (1987)
- Rong rêu (1995)
- Đêm ngắm trăng (1997)
- Thơ Bùi Giáng (Montreal, 1994)
- Thơ Bùi Giáng (California, 1994)
- Mười hai con mắt (2001)
- Thơ vô tận vui (2005)
- Mùa màng tháng tư (2007)
2. Loại nhận định:
- Nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan
- Nhận xét về Lục Vân Tiên
- Nhận xét về Chinh Phụ Ngâm và Quan Âm Thị Kính
- Nhận xét về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần
Tất cả đều được xuất bản năm 1957
3. Loại giảng luận:
- Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
- Giảng luận về Chu Mạnh Trinh.
- Giảng luận về Tôn Thọ Tường.
- Giảng luận về Phan Văn Trị.
Tất cả đều được xuất bản 1957-1959.
4. Loại triết học:
- Tư tưởng hiện đại (1962).
- Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại I và II (1963).
- Sao gọi là không có triết học Heidgger? (1963)
- Dialoque (Viết chung, 1965)
5. Loại Tạp văn:
Các sách xuất bản 1969 có:
- Đi vào cõi thơ
- Thi ca tư tưởng
- Sa mạc phát tiết
- Sương bình nguyên
- Trăng châu thổ
- Mùa xuân trong thi ca
- Thúy Vân
Các sách xuất bản năm 1970, có :
- Biển Đông xe cát
- Mùa thu trong thi ca.
Các sách xuất bản 1971, có :
- Ngày tháng ngao du
- Đường đi trong rừng
- Lời cổ quận
- Lễ hội tháng Ba
- Con đường ngã ba
- Bước đi của tư tưởng…
6. Loại Sách dịch:
Các sách xuất bản 1966, có:
- Trăng Tỳ hải
- Cõi người ta
- Khung cửa hẹp
- Hoa ngõ hạnh
- Olthello
Các sách xuất bản 1967, có:
- Bạo chúa Caligula
- Ngộ nhận
- Kim kiếm điêu linh
Các sách xuất bản 1968, có;
 - Con đường phản kháng
- Mùa hè sa mạc
- Kẻ vô luân
Các sách xuất bản 1969, có :
- Nhà sư vướng lụy
- Opelia Hamlet
- Hòa âm điền dã
Các sách xuất bản 1973 và 1974, có :
- Hoàng tử Bé (1973)
-Mùa xuân hương sắc (1974)…
· 
Hiện nay, nhiều tác phẩm của ông đã và đang được xuất bản và tái bản trong và ngoài nước. 

3- NHỮNG BÀI THƠ TIÊU BIỂU:
1. ĐI VÀ VỀ
Em đi từ tỉnh mộng đầu
Hết vui hết khổ hết sầu trăm năm 
Cõi nào rất mực xa xăm 
Máu tim băng giá bóng tăm mơ màng 
Em từ vô tận đá vàng 
Về chìm đắm giữa đá vàng thiên thu 
Chiều nay có giống chiều nào 
Lá vàng rơi rắc tiêu hao lạ lùng 
Đắm chìm đắm đuối mông lung 
Chiêm bao khắp nẻo tận cùng khắp nơi 
Đêm nay mưa gió đầy trời 
Buồn vui kỷ niệm bồi hồi đêm nao 
Buồn tênh ngôn ngữ thì thào 
Xuân đi động đậy mận đào đào nguyên 
Còn nguyên phố thị diện tiền 
Bình nguyên hậu diện thuyền quyên hội đàm 
Em từ vô tận dư vang 
Kết chùm cỏ mọc đá vàng thiên thâu 
Em đi từ tình mộng đầu 
Trùng lai chất vấn biết đâu điệu chào 
(Trích tập thơ “Như Sương”) 
2. BỜ LÚA 
Em chết trên bờ lúa
Để lại trên đường mòn 
Một dấu chân bước của 
Một bàn chân bé con 
Anh qua miền cao nguyên 
Nhìn mây trời bữa nọ 
Đêm cuồng mưa khóc điên 
Trăng cuồng mưa trốn gió 
Mười năm sau xuống ruộng 
Đếm lại lúa bờ liền 
Máu trong mình mòn ruỗng 
Xương trong mình rã riêng 
Anh đi về đô hội 
Ngó phố thị mơ màng 
Anh vùi thân trong tội lỗi 
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang. 
3. ANH LÙA BÒ VÀO ĐỒI SIM TRÁI CHÍN 
Anh lùa bò vào đồi sim trái chín
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim 
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín 
Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh 
Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa 
Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh 
Chim ngây ngất vào trong đôi mắt lả 
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình 
Anh quên mất bò đương gặm cỏ 
Anh chỉ nghe tiếng cọ rì rào 
Có hay không ? bò đương gặm đó? 
Hay là đây tiếng gió thì thào? 
Hay là đây tiếng suối lao xao 
Giữa dòng cỏ xuôi ghềnh chảy xuống? 
Mùi thoang thoảng lách lau sương đượm 
Mùi gây gây gấy gấy của hương rừng 
Mùi lên men phù ngập mông lung 
Không biết nữa mà cần chi biết nữa 
Cây lá bốn bên song song từng lứa 
Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn 
Hạnh phúc trời với đất mang mang 
Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ 
Với người ngó ngất ngây đương nằm đó 
Không biết trời đất có ngó mình không 

5. CỎ HOA HỒN DU MỤC 
Nghe trời đổ lộn nguyên khê
Tiếng vàng rụng rớt gieo về động xanh 
Gót chân khơi rộng bóng cành 
Nhịp vang đầu núi vọng cành lũy siêu 
Thời gian chắc bước bên chiều 
Khóc sông bến lạ mưa chiều sớm xuân 
Cỏ hoa từ bỏ ruộng đồng 
Hồn du mục cũ xa gần hử em 
6. CHÀO EM 
Chào em ? có lẽ chẳng nên
Nói gì nữa cả ? giữa đêm tối mò ! 
Chào em tính mệnh so đo ? 
Chào em tính thể tò mò tuyết vân ? 
Ấy xa xuôi ? ấy gũi gần ? 
Từ từ tự hỏi, tần ngần sẽ ra 
Đi về trong cõi người ta 
Người là người lạ ta là quá quen ? 
Anh từ thể dục dưỡng điên 
Thành thân thơ mộng thiên nhiên một giờ 
6. MAI SAU EM VỀ 
Em về ấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy chăng 
Ta đi còn gởi đôi dòng 
Lá rơi có dội ở trong sương mù ! 
Những thương nhớ lạnh bao giờ 
Đường Thu chia ngã chân trời rộng tênh 
Đây phồn hoa của thị thành 
Đây hồn thủy thảo khóc tình ngửa ngang 
Càn khôn xưa của riêng chàng 
Xưa đài vũ trụ thiếp mang riêng mình 
7. GIÃ TỪ ĐÀ LẠT 
Nói nữa sao em, với lời lỡ dở
Đường lây lất chiều bay sương lổ đổ 
Đứng bên trời em ở lại hôm qua 
Ngàn thông ơi ở đó đón bóng tà 
Và giữ lại chuyện đời ta đi mất 
Bước khúc khuỷu truông ngàn khe khóc lóc 
Dặm mơ màng tăm tắp mấy mù khơi 
Lùi bay đi để ở lại bên người 
Ta vấn vít gió mùa mời mọc én 
Tay lẩy bẩy níu gì xuân bay biến 
Ô thiều quang ! làn nước cũ trôi mau 
Em đi lên vói bắt mấy hương màu 
Miền đất Thượng có mấy bờ hoa mọc 
Xa biệt lắm mưa nguồn trên mái tóc 
Đà mấy lần thổi lạc lệ lưa thưa 
Buổi sớm hôm buồn tinh tú ai ngừa 
Bàn chân bước vơi tay buông kể lể 
Trời với đất để lòng em lạnh thế 
Hoa hương ơi còn diễm lệ bao giờ 
Những ân tình dầu liễu rũ lê thê 
Còn hay mất trong trăng mờ khuya khoắt 
Người xuống núi mang về đâu có chắc 
Những dịp về còn nữa ở mai sau? 
Dặm hồng vàng ai đứng lại gần nhau 
Bây giờ đón bước em xinh 
Sầu đau nhan sắc bất bình ra sao? 
8. MẮT BUỒN 
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa 
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma 
Bỏ hình hài của tiên nga giữa trời 
Bây giờ riêng đối diện tôi 
Còn hai con mắt khóc người một con 
9. MÙA PHƯỢNG CŨ 
Thiệt thòi đời mộng phiêu linh
Cành sương ngọc thụ tồn sinh cát lầm 
Giấc quay quả lạnh anh trâm 
Bóng đu sung rớt bến trầm luân sâu 
Hoài mong hiu hắt nhịp cầu 
Mà hương quan vắng xa màu mây trôi. 
Sim ngàn sổ lá buông rơi 
Cành Nam ước nguyện sai lời tử sinh 
Gió sương từ tạ biên đình 
Bóng xa hồ khép chặt tình mông lung 
Rêu tần ngần tuyết in phong 
Sóng phơi trường mộng từ trong dậy nguồn 
Rập rờn đầu liễu xanh buông 
Mùa trăng nước đẩy xô thuyền đi xa 
Trang hồng kim rải ra hoa 
Trổ bông mùa phượng cũ đà hồ phai 
Tơi bời ngọc trắng măng mai 
Khuynh thành sắc nọ đưa vai nghiêng về. 
10. LỜI SƠN NỮ 
Gánh than lên bán chợ Trời
Thiên Thần xúm hỏi : Em người ở đâu? 
Thưa rằng : Em ở rất lâu 
Trần gian dưới đó dãi dầu liên miên 
Bảo rằng : chưa rõ tuổi tên? 
Thưa rằng : tên tuổi là Em đây rồi 
Nghĩa là Sơn Nữ đó thôi 
Hỏi rằng : sao chẳng thấy môi em cười? 
Thưa rằng : cười gượng không vui 
Nên đành mím miệng một đời cho qua 
Hỏi rằng ; dưới đó bông hoa 
Nở vào mùa Hạ hay là mùa Xuân? 
Thưa rằng : cái đó em quên 
Vì chưng lo đốt than nên không nhìn 
Hỏi rằng : một chút của tin 
Muốn trao em giữ, em xin thứ gì ? 
Thưa rằng : em chẳng biết chi 
Hỏi rằng : em thích xiêm y không nào ? 
Thưa rằng : Dày mỏng ra sao ? 
Bảo rằng : toàn gấm lụa đào nhung hoa 
Thưa rằng : chẳng hợp màu da 
Toàn thân như hột chà là em đen 
Bảo rằng : hãy tắm suối tiên 
Một giờ sau Em sẽ đổi đen ra hồng 
Thưa rằng : Em có tấm chồng 
Yêu màu da cũ kiếu ông em về 
11. LỜI NGƯỜI ĐIÊN 
Chúng tôi người ngợm vô thường
Lúc mê man lúc chán chường thế thân 
Các em gắng gổ đôi phần 
Đừng quên uống rượu lần khân sinh bình 
Dịu dàng sống giữa gia đình 
Ngày ngày tháng tháng hậu tình năm năm 
Trái tim nguyệt tỏ đêm rằm 
Máu me mây gió tơ tằm vấn vương 
Ở đời kiệt tận xẩu xương 
Hình hài biến thể thân mường tượng thân 
4- BÌNH LUẬN EN TRY: 
 Bùi Giáng viết, viết rất nhiều, đủ thể loại từ Thơ, Văn, Khảo Cứu, Giảng Luận, Triết Học, có thể nói Ông là một kho tàng kiến thức văn học. Nhưng điều mà người ta biết đến ông nhiều là Thơ,Thơ ông bàng bạc những ngôn từ mới, những ẩn dụ chìm khuất trong ảo tưởng siêu hình của Chủ Nghĩa Ấn Tượng ( mpressionism) hay Chủ Nghĩa Siêu Thực (Surrealism) ..
. Ông đã để những ấn tượng, siêu thực đó đi vào thơ lục bát một cách nhẹ nhàng, thanh thoát, nhưng đầy bí mật, mông mị. Đôi khi ta cũng thấy thơ Ông cũng có tính cách lãng mạn, nghịch ngợm của một hàn sĩ, của kẻ khinh đời bất cần tha nhân. 
Đọc hết những bài Thơ của Bùi Giáng, tôi thấy hình như ông đang đi trong một cái vòng lẩn quẩn đầy mê trận,những ngõ cụt của hồn thơ của một người chưa nhìn thấy hết bản sắc của ta và bản chất của đời ,hiểu hết cái suy nghĩ của mình về cuộc sống nửa hư nửa thật nầy. Như con kiến cứ bò vòng vòng trên miệng cái chén ,cũng không biết chỗ nào là khởi điểm, chỗ nào là cuối cùng nên hồn thơ, ý thơ của Ông cũng mông mênh , dàn trải không bao giờ hết, không bao giờ ngừng  ,không bao giờ mỏi mệt.
Đôi khi tôi bắt gặp trong thơ ông những ảnh tượng lập đi, lập lại, trùng lấp, lập dị nhiều đến tội nghiệp . Sự trùng lấp đến lẩn thẩn đó như là để giải thoát những ẩn ức phải có, trong  tư duy nhà thơ Nó chợt đến từ tha nhân và chợt đi trong Thơ khoảnh khắc mà không thể chối từ.Vì mang nhiều tính siêu thực tính triết lý lãng mạn đến cho Thơ  nên trong thơ Ông có những đoạn ông như gò ép, vắt cái hồn thơ của mình vào những câu sáo vô nghĩa (thí dụ bài "Đi và Về")
"Em đi từ tỉnh mộng đầu. 
"Trùng lai chất vấn biết đâu điệu chào" 
Một điểm khác là Ông cũng rất thích chơi chữ, chơi âm trong bài "Giã từ Đà Lạt"  ông viết :
"Xa biệt lắm mưa nguồn trên mái tóc"
"Đà mấy lần thổi lạc lệ lưa thưa "

Sau khi chơi chữ  (âm chữ ĐÀ và âm chữ LẠC), Ông bỗng nhiên ông bức phá bài thơ tám chữ nầy bằng hai câu lục bát  như một cua rơ xe đạp rạp mình đạp hết ga khi chỉ còn vài thước nữa là đến đích khiến người đọc ngỡ ngàng:
"Bây giờ đếm bước em xinh"
"Sầu đau nhan sắc bất bình ra sao? "
Bùi Giáng đã cố ý hay vô tình làm cho Thơ mình trở nên bí hiểm, đa nguyên?.Trong Thơ Bùi Giáng, ngôn từ ông dung nạp rất hào phóng, nếu không nói là lãng phí ,cái lãng phí đó n ong cái mông lung, ảo tưởng cuộc sống, nỗi hiu quạnh huyền ảo ,mộng mị của riêng mình một cách không thương tiếc. 
Ông đã tự nhận mình điên  "tuy điên rồ nhưng lừng lẫy, chết  đi sống lại vẫn vẻ vang". Nhưng theo tôi, nhà Thơ Bùi Bàn Dúi (Bùi Giáng) không điên, mà trái lại rất tỉnh, tỉnh trong những dao động của thời cuộc, của nhân sinh nhiều cái lập lờ chân lý trong những lý thuyết ma mị mà người  ta mang ra lừa đảo bản thân và  lọc lừa xã hội  đầy dẫy trên trái đất nầy.
Về một góc độ nào đó, theo tôi (và chắc cũng,theo ông nữa), chính những con người trong xã hội mới điên, bởi vì họ sống cuộc đời trong một thế giới nửa hư, nửa thất, âm u đầy ảo tưởng, mà tự cho mình là mình sáng suốt ,khôn ngoan. Hơn nữa một người điên thật thì nào có biết  mình điên đâu.
Điều cuối cùng mà tôi muốn nói đên Thơ Bùi Giáng là Thơ ông có những nét thoát tục, cái thoát tục của một nhà sư đi tu chỉ để trốn tránh bản thần mình, trốn tránh thế gian, mượn khoác áo cà sa đi hành khất để trốn nợ đời như nhà Thơ Phạm Thiên Thư đi tu rồi hoàn tục. Ở đây, Bùi Giáng chỉ hoàn tục trong Thơ. 
Bàng bạc đâu đó trong Thơ Bùi Giáng ,tôi cũng bắt gặp những câu thơ nói về số phận con người tuy nó không rõ nét bằng Đoạn Trường Tân Thanh hay Cung Oán Ngâm Khúc nhưng Bùi Giáng rất can đảm đã đem nó vào thơ lục bát biến thể, một cách siêu nhiên, giúp nó thoát tục khi nghĩ vế số phận định mạng hiện đại của những con người đương đại. 
Là một nhà Thơ nổi tiếng với rất nhiều bài Thơ hay, Bùi Giáng xuất hiện trong bản sắc con người giữa Đời và Thơ,  Đời trong Thơ và Thơ trong Đời bằng một con người đặc biệt trong một hoàn cảnh cũng hết sức đặc biệt. 
Trong bài thơ "Mắt Buồn" Bùi Giáng có hai câu Thơ tôi rất  tâm đắc là: "Bây giờ riêng đối diện tôi"
" Còn hai con mắt khóc người một con"
Nếu nhà Thơ còn sống tôi sẽ xin phép Ông sửa lại là:
" Còn hai con mắt ngó đời một con"
" Em vè mấy thế kỷ sau"
" Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy chăng" 
Hai câu thơ hay nhất tôi chọn trong bài Thơ "Mai Sau Em Về " của Bùi Giáng để kết thúc bài Tham Luận nầy. 
ĐÀ LẠT ĐÊM MƯA BÃO 
HUY THANH




1 nhận xét:

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...