Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Bốn bài thơ liên hoàn thể bốn câu của Thế Lữ


Bốn bài thơ liên hoàn thể bốn câu của Thế Lữ
Sáng
Nắng soi áo trắng hoe đào
Theo cô đội nón kia vào trong sương,
Hơi lam xóa giải chân làng,
Ta đi, không biết con đường về đâu?
Trưa
Đường nắng. Trong dâu tiếng nói cười
Bay ra, ròn rã ghẹo bên tai
Ngừng chân, rẽ lá tìm, im phắc:
Vàng rọi lưa thưa, chẳng thấy người.
Chiều
Cảnh vắng. Trời hanh. Giáng
                                     mái chiều
Buồn xa ngưng lại nỗi đìu hiu...
Bỗng đâu xao xuyến cây reo gió,
Bụi chạy đường khô lá đuổi theo. 
Tối
Trời cao vàng tắt, trên cây
Con chim bé nhỏ gọi ngày hôm sau
Âm thầm mây rủ - rê nhau
Kéo đi trốn cảnh u sầu đêm tăm.

Thế Lữ (1907-1989) ít làm thơ tứ tuyệt hoặc thơ bốn câu. Chùm bài liên hoàn theo thể bốn câu nói về bốn buổi trong ngày này thuộc số 20 bài bổ sung vào tập thơ Mấy vần thơ (Nxb Đời nay, 1935) để thành Mấy vần thơ, tập mới (Nxb Đời nay, 1941). Thơ bốn câu của Thế Lữ thấp thoáng xuất hiện từ tập Mấy vần thơ với bài Mấy vần ngây thơ. Ở phần trên của bài thơ ấy có một số khổ đối thoại, mỗi khổ bốn câu. Mỗi khổ thơ mang nội dung riêng, tuy nhiên chưa thể coi chúng là những bài thơ bốn câu như những đơn vị bài (tác phẩm) độc lập, riêng rẽ, trọn vẹn.
Trở lại với Sáng, Trưa, Chiều, Tối xin được tìm hiểu từng bài trong chùm thơ này.
Buổi sáng đã có nắng mà sương vẫn còn. Nắng sớm mai lúc đậm lúc nhạt, khi ẩn khi hiện, khẽ khàng nhuộm tà áo trắng trong khi cô gái đi sâu mãi vào trong làn sương mỏng đang dần dần tan. Nắng soi áo trắng hoe đào là thế. Chỉ có thể viết là hoe, không thể thay vào đó một từ nào khác. Hoe là hơi hơi, thấp thoáng, bất chợt, điểm xuyết... Đoạn đường cô gái đi mỗi lúc một dài hơn thì nắng cũng mỗi lúc một rỡ ràng hơn, sương mỗi lúc một mỏng mảnh hơn, để rồi Hơi lam xóa giải chân làng. Hơi lam, không khí màu lam, có thể là khói bếp sớm mai - sắc màu và thể chất của ban ngày, vẻ đẹp của đời sống thôn quê, lan tỏa mờ ảo chân làng. Người đi, đi mãi mờ mờ tỏ tỏ trên đường xa hút nẻo. Hơi lam xóa giải chân làng là một câu thơ tinh diệu, cũng hay như Nắng soi áo tr?ng hoe đào. Một câu tả ánh nắng vàng rọi vào tà áo trắng buổi sớm tinh mơ. Câu kia nói về cái hơi, cái không khí, làn khói nhẹ màu lam tỏa lan, mờ xóa...
Buổi trưa mở đầu bằng không gian, sắc màu và âm thanh: con đường, ánh nắng và tiếng nói cười giòn giã bay ra từ trong bãi dâu xanh. Trong một câu thơ có hai câu ngữ pháp. Rồi câu ngữ pháp thứ hai được bắc cầu xuống câu thơ bên dưới. Nhịp thơ ngắt mạnh, rành rẽ, biểu thị sức sống nóng ấm, rộn rực của ánh nắng, của tiếng cười, của buổi trưa. Thế mà cảnh tượng bỗng chốc được chuyển đổi đột ngột, bất ngờ: Ngừng chân, rẽ lá tìm, im phắc:/ Vàng rọi lưa thưa, chẳng thấy người. Đây là một buổi trưa ẩn giấu cái đẹp, niềm vui phía sau nắng "vàng rọi lưa thưa".
Thường là buồn, buổi chiều có nhiều trong thơ mới lãng mạn. Buổi chiều trong bài thơ bốn câu này của Thế Lữ cũng "Buồn xa ngưng lại nỗi đìu hiu..." Không khác gì mấy so với thơ Huy Cận, Xuân Diệu, nếu không có từ ngưng lại. Buồn từ xa dồn tụ lại đây nỗi hiu hắt, tẻ vắng. Ngỡ mạch thơ cứ thế đi tiếp. Nào ngờ, cũng đột ngột, bất ngờ như buổi trưa, buổi chiều ở đây: Bỗng đâu xao xuyến cây reo gió,/ Bụi chạy đường khô lá đuổi theo. Hai câu thơ tả cảnh rất hiện đại, rất mới. Sáu mươi năm sau ngày hai câu thơ này xuất hiện, chắc là không có câu nào nội dung tương tự mà lại được viết hay hơn. Cây reo với gió hay là gió reo trong lùm cây, gió reo với cây? Có thể là tất cả cùng reo ca. Tâm hồn con người cũng reo vui cùng thiên nhiên. Bụi chạy, lá đuổi, đường khô, những hình ảnh rất chi tiết, cụ thể, khá gợi cảm, sinh động. Nghe như có tiếng xao xạc gió thổi qua cây cành, tiếng chân người chạy trên đường đời rong ruổi.
Buổi tối, khép lại  một ngày nhưng tác giả không nói đến ban đêm. Ngay sau khi ánh nắng vàng tắt thì Con chim bé nhỏ gọi ngày hôm sau, con chim lại tiếp tục cùng đất trời, con người tham gia vào hoạt động tuần hoàn của thời gian: sáng, trưa, chiều, tối. Tác giả có nhắc đến đêm mà không dành hẳn một bài thơ nói về đêm. Buổi tối của Thế Lữ vẫn còn thuộc ban ngày. Thế Lữ muốn mình cùng chim muông, mây gió hiện hữu giữa ban ngày.
Chùm thơ được sáng tác trên cơ sở cảm hứng sáng tạo dồi dào vốn có của tác giả về cái đẹp - cái đẹp thiên nhiên, cái đẹp thể chất con người. Vào "tập mới", chùm bài này xuất hiện khi buổi đầu thơ mới của tác giả đã trôi qua được dăm bảy năm. Sáng, Trưa, Chiều, Tối khác nhiều những bài trong tập thơ đầu.
1- Âm hưởng, cảm xúc, giọng điệu thơ đổi khác. Nỗi buồn thương, nhớ tiếc, niềm mơ ước về cái đẹp thoát ly trần tục, hình ảnh khách chinh phu hoàn toàn bị triệu tiêu. Nhà thơ hướng cái nhìn nghệ thuật của mình vào cái đẹp hiện tại, chân thật, cụ thể.

2- Tính ước lệ, mòn cũ của ngôn từ thơ (anh linh, huyền diệu, u huyền, hương ngà, lời hoa, tiên nga, yêu kiều, bồng lai, tơ trúc, đào, liễu, v.v...) biến mất, nhường chỗ cho từ cụ thể, tinh tế, gợi cảm (soi, rọi, hoe, xóa, im phắc, lưa thưa, v.v...). Theo đó, sự vụng về, giản đơn, được hạn chế đến mức tối đa.
3- Cụm từ, câu thơ được ngắt, táo bạo (Riêng bài Chiều, trong một câu thơ có ba câu ngữ pháp cách biệt bằng hai dấu chấm câu).
4- Nhiều từ, cụm từ linh hoạt uyển chuyển, tinh tế. Hình ảnh sát cuộc đời thật, gợi cảm.
5- Nhược điểm lễnh loãng của bài thơ giảm hẳn. Bố cục bài thơ, cấu trúc câu thơ, dòng thơ, cụm từ súc tích, chặt chẽ. Độ dồn nén của nghĩa cao (hai câu cuối bài Chiều).
6- Kiểu câu thơ bắc cầu (một câu thơ gồm hai dòng gắn nhau thành một câu ngữ pháp) có trong thơ Thế Lữ ngay từ buổi đầu sáng tác, nay vẫn được tác giả sử dụng (hai câu đầu bài Sáng, hai câu đầu bài Trưa, hai câu đầu và hai câu sau bài Tối).
Chùm bài thơ bốn câu liên hoàn Sáng, Trưa, Chiều, Tối, hướng hẳn về phía cái đẹp thực tại này có dáng vẻ riêng, độc đáo hơn so với những bài thơ khác của chính Thế Lữ, tạo nên vị trí đáng được lưu ý trong phần thơ bổ sung vào tập 2, phần thơ vốn có nhiều bài bộc lộ dấu hiệu bế tắc, đuối tầm của tác giả. Chất lượng các bài không đều nhau (bài Tối yếu, tuy cùng với bài Sáng phảng phất phong vị thơ Đường) và ở từng bài, chất lượng các câu thơ cũng chênh lệch nhau nhiều, tuy nhiên chùm thơ này vẫn cho thấy bước tiến bộ rất đáng kể của Thế Lữ về cảm xúc thẩm mỹ, về nghề thơ, về năng lực sử dụng ngôn ngữ thơ.
PHẠM ĐÌNH ÂN


1 nhận xét:

  1. Cảm ơn bạn, bài viết rất hay, hy vọng sẽ đọc được nhiều bài từ bạn.
    click xem thêm gia sư tại bình dương

    Trả lờiXóa

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5/2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trước cơ...