Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Nghĩ theo cánh chim bay

NGHĨ THEO CÁNH CHIM BAY


Mỗi khi lực bất tòng tâm, không làm được như ý, người ta biện minh: Một con én không làm nổi mùa xuân. Rồi để chứng tỏ vai trò quan trọng của con én, người ta lại nói: Nhưng sẽ không là mùa xuân nếu thiếu đi một con én. Thật vậy chăng? Có phải cả bầy én sẽ làm nên rất nhiều mùa xuân?
Đi trong đồng bằng vào một ngày trời vừa dứt mưa dầm, nước ngập trắng xóa đến tận chân núi xa, có khi thấy rất nhiều chim én. Én bay cao bay thấp, lượn dọc lượn ngang, là là mặt ruộng, én đậu trên dây điện dọc đường. Vô số chim én, nhưng không phải mùa xuân mà chính là mùa đông.
Xin đừng có ác ý nghĩ rằng mùa đông không đẹp vì toàn mưa gió lạnh lẽo. Mỗi mùa mỗi vẻ, mùa đông có sắc thái riêng với tư thế hoành tráng vững chải đáng khâm phục. Cứ nhìn những khối mây chì to lớn nặng trĩu đầy cả không trung đủ biết. Hoặc những lúc màn mưa phủ trắng chế ngự cả cõi nhân gian.
Hay là suy diễn câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng:
Én đầu xuân tuyết đầu đông
Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa
để hiểu rằng: én bay trong mùa đông là để báo tin xuân, cũng như một nét xuân đã hình thành từ tiết đông chí vậy.
Đọc lại cũ, cả thơ Ta, và thơ Tàu, thấy chim én thường được đặt trong bối cảnh khác hơn mùa xuân.
Bắc yến nam hồng thơ mấy bức
Đông đào tây liễu khách đôi nơi
(Phạm Thái)
Xập xè én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày
(Nguyễn Du)
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hú ngày thì ve ngâm
(Tản Đà)
Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến
Phi nhập tầm thường bách tính gia
(Lưu Vũ Tích)…
Ở miền núi ít thấy chim én. Chỉ thỉnh thoảng một vài con ghé vào gia đình nào đó nhà cao cửa rộng. Có lẽ cây cối rừng núi không thuận tiện cho đường bay dọc ngang của nó. Những gò đồi xanh cỏ mênh mông là giang sơn của đám chiền chiện. Chúng bay lên thật cao, mất hút, bỏ lại văng vẳng tiếng ríu rít reo ca.
Mùa chim nơi cao nguyên là mùa hè, khi trái rừng bắt đầu chín.
Bất chợt một buổi bình minh trong lòng thung lũng, ai đó nhìn ra, xa thật xa mấy chấm nhỏ trên nền trời phơn phớt ửng hồng, rồi gần dần, lớn dần, hiện rõ các động tác chấp chới. Bầy chim di thê đã trở về. Ngày hai bận chim bay dọc bờ vai núi, thảnh thơi, nhàn nhã, không có gì phải vội vàng hấp tấp. Chót cánh con gầm ghì lấp lánh màu bạc, ức con chim ngựa rực rỡ màu tía.
Lúc hoàng hôn chim chốc mào xao xác từng bầy đông đảo. Chúng đậu xuống một chòm cây thấp, cảm thấy chưa đủ yên ổn sao đó, bay lên, tìm một chòm cây khác. Đậu rồi bay, mấy lần như thế, khi bóng tối đã nhiều hơn ánh sáng, chân trời mờ mờ, nhìn xa những bầy chim như liền lại thành một mảng, chúng mới chịu nghỉ cánh. Giờ này gọi là lúc đỏ đèn.
Khi cày đất thổ lũ chim sáo rất gần gũi với người nông dân. Sáo trắng, sáo đen, sáo ngà, sáo sậu, sáo đá… Sáo ăn theo đường cày, sáo đậu trên lưng trâu. Sáo luôn luôn vui vẻ nhưng con người gắn cho nó một thân phận buồn trong những điệu ru buồn: côi cút, phụ tình, lâm nạn…
Con chim sáo sậu, ăn cơm nhà cậu, uống nước nhà cô…
Con sáo sổ lồng, con sáo sang sông ướt lông xù cánh…
Sáo bỏ quê hương, sáo đi sáo ăn trái da trái dát…
Thơ ca viết theo ước lệ tả cảnh mùa xuân rực rỡ chim bướm hương hoa. Nhưng thực tế, ngày tết, mùa xuân không thấy nhiều chim như mùa hè.
Lũ trẻ con sẽ vui mừng reo lên khi đôi chim khách không biết từ hướng nào bay đến đậu trên cây vườn trước nhà. Bộ dạng nó thật nghiêm nghị, đĩnh đạc, chiếc đuôi dài giống hình đuôi cá, màu đen tuyền nho nhã. Đó là con chim báo tin vui rằng có bằng hữu xa gần tới thăm. Rồi con chim nghệ mang cái dáng dấp hoàng gia bệ vệ, toàn thân phủ một màu vàng đài các, xoay chiếc đầu tròn, mở đôi mắt sáng nhìn ngang liếc dọc như quan sát đất trời coi thử xuân sắc ra sao.
Không ít người ở thôn quê nay ra sống nơi phố thị, có buổi chiều cuối năm nào đó, buổi sáng đầu năm nào đó, trong đôi ba phút hoàn toàn yên tĩnh, tâm tư bỗng nhiên lắng đọng, chợt nhớ cảnh nhớ người. Một lần năm ấy, ở nơi ấy, vào lúc ta từng ấy tuổi, tiếng con chim khách kêu khoan thai bên hè, bóng con chim nghệ vàng trang trọng ngoài cửa…
Kỉ niệm chưa kịp định hình đã thấy bạn đến thăm cất lời chào:
Chúc mừng năm mới, vạn sự an khang
Ôi, thật quả như lời cổ nhân:
Hốt kiến song tiền nghi thị quân… Trần Huyền Ân
 TRẦN SĨ HUỆ 



1 nhận xét:

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...