Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Nụ cười Việt Nam

Nụ cười Việt Nam

Ít nhất từ đầu thế kỷ 20 đến gần đây, hầu như ai cũng bảo người Việt Nam hay cười – thật là dễ mến! Thậm chí họ còn nói: Người Việt Nam cười nhiều đến độ vô duyên. Người đầu tiên nhận định như thế là một học giả rất có uy tín: Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936).
Trong bài “Gì cũng cười” đăng trên Đông Dương tạp chí số 6 năm 1913, 
Nguyễn Văn Vĩnh viết:

“An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.” Trong sự nghiệp khá đồ sộ của Nguyễn Văn Vĩnh, với tư cách một nhà văn, một nhà báo và một dịch giả, có lẽ đoạn văn vừa trích ở trên là đoạn văn được nhiều người nhớ và nhắc nhất. Đến nay, tôi chưa thấy ai phản đối ông bao giờ..
Mà làm sao phản đối được? Chỉ bằng kinh nghiệm thường nhật, chúng ta cũng có thể thấy ngay là ông nói đúng. Nhìn những bức ảnh chụp hay các thước phim tư liệu quay tình cờ trên đường phố, chúng ta dễ thấy đặc điểm của từng dân tộc: Người Nhật thì cắm cúi đi – lại luôn luôn làm bẹp vành tai bằng chiếc điện thoại di động! Người Trung Quốc, thường vừa đi vừa nhai nhồm nhoàm thượng vàng hạ cám! còn ở Viêt nam ta thì thấy ai cũng nhếch miệng ra cười! (nếu như mồm không bị bịt kín bởi khẩu trang chống bụi!).

Trong đời sống, chúng ta càng dễ thấy vai trò của nụ cười và tiếng cười. Ở đâu có người Việt là ở đó có những tiếng cười rúc rích. Kể cả trong giảng đường hay ở các cuộc hội nghị quan trọng đầy tính chuyên môn. Còn trong nhà, trong quán ăn hay ngoài đường phố thì.. ôi thôi khỏi nói!
Có thể nói: cười là một loại hình ngôn ngữ thân thể (body language) đặc biệt của người Việt Nam. Gặp bạn bè hay người quen, Mấy ông Tây-bà đầm phải “hello”, “hi!” hay “bonjour”, thì người Việt chúng ta chỉ cần nhệch miệng ra cho… giống như cười thế là cũng đủ! Thay vì nói “cám ơn”, người Việt cũng nhoẻn miệng cười. Thay vì nói “xin lỗi”, người Việt cũng cứ nhoẻn miệng cười. Chao ơi, thật là tiện lợi!

Nhưng dù hiểu đúng hay hiểu sai, Ai ai cũng cần ghi nhận: Người Việt Nam chúng ta sử dụng nụ cười và tiếng cười thật là hào phóng!

Có điều, từ một khía cạnh khác, tôi lại nghĩ, trong văn hoá giao tiếp thông thường, người Việt Nam LẠ LÙNG THAY lại không biết cười mới chán!
Bạn ngạc nhiên ư?
Thì đây nhé, bạn cứ tự mình kiểm tra. Bạn thử đi tới sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất (Hoặc giả bạn bước lên các chuyến tàu đi suốt BẮC-NAM từ mọi sân ga). Để ý mà xem, có người nào ít cười bằng tiếp viên của Hàng Không Việt Nam và nhân viên phục vụ của ngành đường sắt? Theo kinh nghiệm của tôi, câu trả lời là: Không có!
Bước vào máy bay của các hãng hàng không khác, ngay từ cửa ra vào, chúng ta đã bắt gặp ít nhất là hai tiếp viên đứng cười chào và chỉ hướng đi. Ở hãng Hàng Không Việt Nam, cũng hai tiếp viên ấy và những lời chỉ dẫn tương tự. Nhưng rất hiếm khi thấy nụ cười nào trên những gương mặt xinh đẹp nhưng lạnh lùng như sương giá! Còn ngành đường sắt ư?: ”Này, cái ông kia! Có mau dẹp đồ và tìm chỗ ngồi không, tàu sắp chạy giật ngã ngoéo củ từ thì không ai thương đó!’’
Xuống sân bay, những người đầu tiên bạn gặp là các nhân viên an ninh cửa khẩu, đố bạn bắt gặp nụ cười nào ở đây!

Ra tới cửa bạn sẽ gặp các viên chức hải quan, tôi thách bạn gặp một nụ cười ở đấy!
Thật bất hạnh cho những ai có việc phải đến chốn công quyền! Từ bác bảo vệ – giữ xe phơi đầu trong mưa dưới nắng tới mấy vị quan trên oai phong rung đùi ngồi trong phòng máy lạnh! bất cứ ai trong số họ cũng có thể cho bạn khái niệm rằng họ là những vị…”hung thần”, hoặc họ chính là những vị “bồ tát tái sinh” có khả năng “gia ân” hay “kết oán!”.
Do vậy nụ cười ở đây phải được xem là tài nguyên quý hiếm!
Không phải chỉ những nơi có quyền lực mới thiếu vắng nụ cười. Bạn bước vào bưu điện hay ngân hàng mà xem, có nhân viên nào nhoẻn miệng cười chào bạn hay không? (Tôi xin loại trừ trường hợp bạn là chiến hữu của cấp trên hay bạn hết sức đẹp trai hoặc cực kì xinh gái!?)

Có một lần, tôi bước vào 1 hiệu sách. Tôi thử nhếch môi cho cho giống với nụ cười chào! Thế là cô bán sách đáp trả lại tôi bằng một cái nhìn trân trối, ngạc nhiên – tò mò như nhìn người ngoài hành tinh! Không có nụ cười đáp lại! Khiến tôi “thẹn thùng” phải vội vàng tìm cách kéo môi lại-giả ho cho đỡ ngượng ngùng! Rồi vội soát nhanh lại quần áo của mình – lỡ có cái khuy nào quên cài mà gây nên cái nhìn kinh dị!
Gần đây, khi xu hướng thương mại hoá và tư nhân hoá phát triển, những người bán hàng giảm bớt thứ văn hoá hợp tác xã ngày xưa, tương đối lịch sự hơn. Nhưng lịch sự không phải là đã… biết cười đâu nhé!
Các bạn thử giải thích giùm đi. Làm sao có thể giải thích một nghịch lý: một mặt, người Việt Nam cười một cách dễ dàng, thậm chí, thừa thãi; mặt khác, lại tiết kiệm nụ cười đến độ có thể bị chê là “rude” (cục cằn và thô lỗ?)
Ấy, nói là nói vậy thôi. Chứ tôi cũng phải thừa nhận và tự hào về nhiều tác dụng thần kì của các kiểu cười ở người VN ta lắm lắm!
 bacsiletrungngan



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...