Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Quy Hòa của Hàn Mặc Tử

Quy Hòa của Hàn Mặc Tử

 Nguyễn Thanh Mừng
Quy Hòa là một vùng eo biển cát vàng xinh đẹp và thơ mộng , bao bọc bởi ba bề đồi núi. Chỉ cần qua một con đèo thanh mảnh là đến thành phố Quy Nhơn ồn ã sôi động nhưng nơi đây lại là một thế giới khác, êm đềm biệt tịnh. Đó là thế giới của sóng biển, của chim ngàn, của những cành xanh níu nhau làm thành con đường bóng rợp, của những bà phước nhân từ, những lương y và những kiếp người đau thương vì ác bệnh, Quy Hòa được khách văn chương lưu tâm hơn vì còn là nơi vị chúa của trường thơ loạn – Hàn Mặc Tử – đã sống những ngày tháng cuối cùng, vật vã với số phận, ký thác những vần thơ cân não “Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt – như mê man chết điếng cả làn da”. 
 Như chúng ta đã biết, bệnh phong của Hàn khởi phát từ thời còn làm báo ở Sài Gòn. Hàn về Quy Nhơn chạy chữa một thời gian, hết hy vọng đến thất vọng và ngày 20 – 9 – 1940, ông đành từ biệt bạn bè và gia đình để lên đường điều trị cách ly ở Quy Hòa. Lưu trú ở đây chưa đầy hai tháng, ngày 11 – 11 – 1940 ông đã trút hơi thở cuối cùng. Một người đồng bệnh là ông Nguyễn Văn Xê đã chứng kiến quảng thời gian này và ghi lại khá tỉ mỉ qua hồi ký Nhớ Hàn Mặc Tử (tạp chí Sông Hương số 26 – 1987). Ngoài gia đình, người yêu, những văn nhân đương thời đã tìm đến Quy Hòa sau khi Hàn Mặc Tử tạ thế ít lâu. Đó là nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Thanh Mại, sau đó đến nhà thơ Quách Tấn, hai người mà trước khi nhắm mắt xuôi tay, Hàn đã nhờ người ở lại báo tin cho họ,
Ngày 23 – 11 – 1940, nhà thơ Bích Khê, một bạn thân của Hàn đã viết trên tạp chí Người Mới, số đặc biệt về Hàn:
… Rùng mình ta nhìn ra 
Huyền hồ đà như ma 
Gần sao mà còn xa 
Lại đâu là quê nhà 
Hàn Mặc Tử ! Hàn Mặc Tử ! 
Quy Hòa ! Quy Hòa ! 
Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, hai tiếng Quy Hòa dường như gắn bó mật thiết với cái tên Hàn Mặc Tử. Khách hành hương, ngoài ý nghĩ du lịch và tham quan bệnh viện phong, còn có một phần tình cảm dành cho nhà thơ tài hoa mệnh bạc. Gần đây nơi vị trí mộ cũ của Hàn đã mọc lên một biểu tượng đẹp. Đó là cụm kiến trúc mô hình trang sách mở ra bên vầng trăng khuyết, cái vẩng trăng đã từng rướm máu cùng đời thơ Hàn Mặc Tử. Công trình này do các độc giả ái mộ Hàn gửi tiền xây dựng.
Người phụ trách phòng lưu niệm (thiết kế từ phòng bệnh cũ của Hàn) đã tận tình cho chúng tôi xem một số tư liệu photocopy và các hiện vật ban đầu như chiếc giường Hàn từng nằm, sổ theo dõi trong đó ghi số hiệu và ngày nhập viện của bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí, tên thật của Hàn. Ngoài ra còn một số sách báo về Hàn mới xuất bản và một số tranh của ông Nguyễn Bá Tín, em ruột Hàn vẽ phỏng theo những ý thơ của Hàn. Phòng lưu niệm rộng khoảng trên hai mươi mét vuông, có bàn thờ đặt tượng bán thân của Hàn ở giữa và lời đánh giá của Chế Lan Viên từ năm 1940 được phóng lớn trên tường: “Mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại ở cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”. 
Quả tình, khung cảnh Quy Hòa nói chung và phòng lưu niệm của Hàn nói riêng đã gợi cho khách văn chương cũng như độc giả mến mộ Hàn rất nhiều điều. Từ vòm trời và mặt đất đầy yêu thương và đau khổ này, từ những kỷ vật đơn sơ từng in hẳn hình bóng Hàn, mỗi người có thể tái tạo lại gương mặt Hàn qua những cảm nhận riêng tư. Dường như những lời thơ hoặc điên cuồng như máu vỡ, hoặc trong sáng như thủy tinh, hoặc tinh khiết như trăng sao hãy còn ngự trị trên mỗi đợt sóng, trong từng làn nắng ửng và bíu chặt trái tim bao người tựa lời kinh giải thoát. 
Quy Hòa của Hàn Mặc Tử là một Quy Hòa của phong cảnh thiên nhiên yên ả và những đời người khôn nguôi giông bão. Nó còn là nơi dành cho sự thánh thiện và cao khiết lên ngôi, như đã từng lên ngôi trong thơ văn Hàn. 
Hy vọng những khách hành hương tìm về nơi ở cuối cùng của Hàn Mặc Tử ngoài ý nghĩa ngưỡng mộ tài thơ còn tìm được “Sự trong sạch của tâm hồn”, như nhan đề một áng văn cuối cùng của Hàn Mặc Tử. 




1 nhận xét:

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...