Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Claudi Abbado: một đời cho âm nhạc

Claudi Abbado: một đời cho âm nhạc 

Nhà soạn nhạc Nga Sergei Rachmaninov đã từng nói: “Âm nhạc đủ cho một đời nhưng một đời không đủ cho âm nhạc” (Music is enough for a lifetime, but a lifetime is not enough for music). Câu nói đó dường như tổng kết cả cuộc đời của nhạc trưởng Italia Claudio Abbado, từ thành công trong sự nghiệp khi dẫn dắt những dàn nhạc hàng đầu thế giới như Berlin Philharmonic, Vienna Philharmonic, La Scala Philharmonic… đến chuyện riêng tư đều thấm đẫm âm nhạc. Ở tuổi 80, sau hơn 10 năm chống chọi lại căn bệnh ung thư dạ dày, ông đã qua đời trong yên bình, giữa những người thân yêu của mình tại quê nhà Bologna vào ngày 20-1-2014 vừa qua. Bất chấp tình trạng sức khỏe, niềm đam mê âm nhạc của Abbado vẫn còn cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, bạn bè ông kể lại. “Cho đến tận ngày thứ năm (ngày 16-1) ông ấy vẫn còn nghiên cứu giao hưởng của Schumann”, Massimo Biscardi của dàn nhạc Orchestra Mozart ở Bologna đã nói với kênh truyền hình RaiNews24. “Ở tuổi 80 mà ông ấy vẫn còn nghiên cứu như mới 18”.
Claudio Abbado được coi là một trong những nhạc trưởng vĩ đại nhất thời đại mình. Vào năm 2011, tạp chí âm nhạc Classic Voice đã coi ông như người xuất sắc nhất trong tốp 100 nhạc trưởng đương đại. Tổng thống Ý Enrico Letta gọi ông là “một điểm tham chiếu cho toàn bộ đất nước và còn hơn thế nữa”. Để tưởng nhớ ông, màn trình diễn hành khúc tang lễ của Beethoven do nhạc trưởng Daniel Barenboim, người bạn thân thiết trong suốt 50 năm qua của Abbado, chỉ huy trong nhà hát trống vắng ở Milan đã được truyền hình trực tiếp trên truyền hình Ý trong suốt một tuần sau khi ông qua đời. Dàn nhạc của nhà hát vẫn thường chơi hành khúc tang lễ này trong nhà hát trống vắng vào mỗi dịp vinh danh những cá nhân xuất sắc kể từ sau cái chết của Arturo Toscanini, nhạc trưởng thiên tài Ý, vào năm 1957. Trên web site của nhà hát Piazza della Scala xuất hiện dòng chữ: “Claudio Abbado đã dẫn dắt chúng tôi. Ông vẫn sẽ ở lại với La Scala mãi mãi. Đây là nhà hát của ông: nơi này sẽ lưu giữ một cách xác thực dấu ấn của người nhạc trưởng không biên giới, một nghệ sỹ không định kiến, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và một con người vươn tầm trí tuệ ra thế giới”.
Trong ký ức của Tom Service, nhà báo đã có dịp trò chuyện với Claudio Abbado vào năm 2009, câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn còn như tươi mới. Khi đó, Tom Service đã tới tận nhà riêng của nhạc trưởng ở phía tây bắc Sardinia. Nhạc trưởng Claudio Abbado hóa ra đã làm vườn trong khu vườn của mình trong vòng 40 năm. “Khi tôi chuyển đến đây, chỉ có mỗi một thứ là cây hoa giấy này”, ông kể rồi chỉ vào những lùm hoa màu tía tràn đầy sức sống quanh ngôi nhà của mình. “Và hàng năm, chúng tôi xây dựng, trồng trọt nhiều hơn”. Mảnh đất của Abbado nằm trên một sườn dốc vươn ra biển Địa Trung Hải, và dĩ nhiên người ta phải vượt qua hàng loạt những lối đi bằng gỗ quanh co do chính tay ông thiết kế, để đến được bãi biển và bến tàu của ông. Bên dưới mái hiên của chiếc thuyền phao, một biểu ngữ lớn mang dòng chữ “Venezuela”, một món quà từ những nghệ sỹ trẻ của dàn nhạc Simon Bolívar Orchestra. Abbado đã thường xuyên tới làm việc với các học viên của El Sistema ở Caracas, một kế hoạch kỳ diệu của José Antonio Abreu – “một vị thánh”, Abbado nói đầy ngưỡng mộ.
Ngôi nhà ở Sardinia là chốn ẩn náu của ông, nơi nhà soạn nhạc già 76 tuổi chuẩn bị cho các chương trình ít ỏi mà ông chuẩn bị trình diễn hàng năm. Lịch diễn của ông đã được hạn chế một cách tối đa kể từ khi ông bước vào cuộc chiến với bệnh ung tư dạ dày vào năm 2000 – sự khốc liệt của bệnh tật khiến ông phải phẫu thuật một nửa dạ dày. Ông cũng mất đi cả sự trẻ trung, mái tóc đen quyến rũ quen thuộc với những người yêu nhạc để mang lấy một hình hài ốm yếu đến sững sờ. Abbado có một chế độ ăn kiêng đặc biệt “Cứ cách hai tiếng tôi lại phải ăn chút gì đó, và tôi không được ăn đồ chiên rán”, và ông chạm lên vùng bụng khi nói về căn bệnh mà mình mắc phải, mà giờ đây, sau nhiều năm, ông đã được cải thiện và ổn định sức khỏe ngay tại căn nhà ở Sardinia trong sự thoải mái, vui vẻ và tràn đầy năng lượng. “Âm nhạc đã đem lại cho tôi năng lượng”, ông nói.
Khi mắc căn bệnh ung thư, Abbado đang là nhạc trưởng chính của Berlin Philharmonic, được lựa chọn là người kế tục Herbert von Karajan huyền thoại để chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng nhất thế giới từ năm 1989 (ông đảm nhiệm chức vụ này cho đến tận năm 2002, khi Rattle tiếp tục công việc). Trước đó, ông đã giữ những vị trí quan trọng ở châu Âu, nhưng chỉ sau khi thiết lập được dang tiếng lẫy lừng trong nhiều năm trời. Sinh ra trong một gia đình âm nhạc và học thức tại Milan vào năm 1933 (cha ông Michelangelo, một nghệ sỹ violin và giảng viên nhạc viện, thường xuyên chơi đàn tại nhà cùng bạn bè; mẹ ông Maria Carmela là một nghệ sỹ piano và nhà văn thiếu nhi), Abbado đã được truyền cảm hứng về âm nhạc từ nhỏ “Tôi lớn lên với bộ ba nhà soạn nhạc Schubert, Brahms và Beethoven. Khi lắng nghe các bản Nocture của Claude Debussy ở tuổi lên 7, tôi đã ngay lập tức trào lên khao khát một ngày nào đó sẽ tự tay làm nên thứ âm nhạc tuyệt diệu này”. Abbado đã theo học sáng tác, piano và chỉ huy tại nhạc viện mang tên nhà soạn nhạc Ý Giuseppe Verdi ở chính Milan cùng với anh trai Marcello, người giờ đây là một nhà soạn nhạc và nghệ sỹ piano xuất sắc; vào năm tốt nghiệp, ông đã giành được giải thưởng về chỉ huy ở Mỹ, lần đầu tiên xuất hiện ở Vienna và La Scala. Nhưng Abbado sau đó đã lánh xa hào quang để rèn giũa tài năng âm nhạc của mình để nghiên cứu âm nhạc thính phòng tại Parma thêm ba năm nữa. Sau quá trình tự rèn luyện nghiêm túc này, sự nghiệp của ông mới thực sự cất cánh và ông nhanh chóng trở thành một trong những nghệ sỹ quan trọng nhất trên thế giới. Ông đảm nhiệm công việc dàn nhạc các vở opera tại nhà hát La Scala, Milan trong vòng hai thập kỷ, từ năm 1968 đến 1986; và ông điều hành London Symphony Orchestra từ năm 1979 đến năm 1988, khi chuyển đến đó với tư cách là giám đốc âm nhạc của Vienna Staatsoper. Sau đó là công việc tại Berlin Philharmonic.
Việc biến chuyển từ những giai đoạn “bận rộn điên cuồng” đó tới sự êm đềm mà ông đang tận hưởng ngày nay là những gì ông đang nếm trải. “Giờ đây tôi có nhiều thời gian để nghiên cứu, để chuẩn bị hơn”. Nhưng ông có thể thực hiện sự biến chuyển này mà không liên quan gì đến bệnh tật không? “Có thể là không. Nhưng tôi phải thay đổi để tồn tại. Và nó có nghĩa là khi nghiên cứu, tôi hiểu sâu sắc hơn. Ví dụ, bản giao hưởng số một của Mahler, dù tôi đã chỉ huy rất nhiều lần – tôi đã thấy một phiên bản mới và tìm thấy nhiều điều mới mẻ”.
Abbado đã thực hiện điều đó trong mảnh đất của những lối đi quanh co và tràn ngập cây lá ở Sardinia, trong căn phòng nhỏ phía dưới ngôi nhà chính của mình. Bên cạnh những cây hoa trà đẹp đẽ, căn phòng trần cao chỉ bao gồm chiếc giường, tủ sách và bàn làm việc. Gần như toàn bộ tường của căn phòng được dán những bức tranh in của hoạ sỹ Áo Egon Schiele – những hình ảnh con người mảnh mai hứng chịu đau đớn về thể xác vốn là biểu tượng của thời gian và nơi chốn đã từng cuốn hút Abbado hơn bất kỳ nơi nào khác: Vienna bước ngoặt của thế kỷ, thành phố của Beethoven, Bruckner, Schoenberg, Berg và trên tất cả là của Mahler.
Abbado đã lần đầu tiên ra mắt công chúng Viena khi dàn dựng bản giao hưởng số 2 của Mahler với Vienna Philharmonic năm 1965, khi được đích thân Karajan mời chỉ huy dàn nhạc ở tuổi 32 trong Salzburg Festival (ông đã nhớ lại thầy giáo của ông ở Vienna, Hans Swarowsky, một trong những nhạc sư xuất sắc thế kỷ, đã khen ngợi ông một cách trớ trêu sau màn trình diễn này “Hãy nhìn kìa, một Toscanini mới!”). Bản giao hưởng số 6 của Mahler đã được đưa vào chương trình khi ông thành lập dàn nhạc European Community Youth Orchestra vào năm 1978; đỉnh cao trong thời đại của ông và cả trong thế kỷ 20, vớiLondon Symphony Orchestra là festival Mahler, Vienna; màn trình diễn bản giao hưởng số hai của Mahler là đỉnh điểm trong chương trình khai trương của ông với Lucerne Festival Orchestra, dàn nhạc được ông thành lập vào năm 2003.
Abbado đã nói về phần kết thúc của dàn hợp xướng trong bản giao hưởng số hai – “Phục sinh”, tầm nhìn thấu suốt về sự tái sinh tinh thần của Mahler – như một phép ẩn dụ cho những trải nghiệm âm nhạc của riêng mình. Trong phần ghi chú của Mahler cho chính chương này là những dòng chữ: “Những gì đã được sáng tạo, phải qua đi/Những gì đã qua đi, phải vươn lên/Hãy ngừng run rẩy/Hãy chuẩn bị cho chính mình/Chuẩn bị cho bản thân để sống!” Abbado coi điều đó như ý nghĩa của âm nhạc, âm nhạc bao hàm cả tàn phá và cứu chuộc bởi chính sự hữu hạn của nó: nó tồn tại và bị hủy hoại trong cùng một khoảnh khắc, nhưng lại hàm chứa khả năng vô tận của sự tái tạo. Trong trường hợp Abbado hồi phục căn bệnh, không thể không thấy sự cộng hưởng mang tính cá nhân: đó chính là sự tái sinh của chính mình mà ông đã thể hiện trong các buổi trình diễn, trong dàn nhạc mà ông đã lựa chọn từng nghệ sỹ để chơi ở buổi hòa nhạc đầu tiên của Lucerne Festival Orchestra.
Sáu năm đã qua, và Abbado đã tiếp tục hoàn thành cả bộ giao hưởng của Mahler mà ông xây dựng, hàng năm ở Lucerne. Tổng phố bản số bốn nằm trên bàn làm việc, một bản sao sờn cũ đươc trang trí bằng những nét chì đánh dấu của ông, thứ ông vẫn dùng cho các buổi tập. Đáng chú ý là không có đàn piano hay bất cứ nhạc cụ nào khác trong căn phòng làm việc của ông. “Tôi không cần cây đàn nào cả”, ông nói. Thay vào đó, Abbado nghe thấy tất cả những tác phẩm ông đã chỉ huy trong đầu mình, làm việc thông qua những chi tiết nhỏ nhất của việc trình diễn trong trí tưởng tượng của mình, xây dựng một tác phẩm hài hòa bằng sự hài hòa, bằng từng câu từng dòng nhạc. Ông chỉ huy tất cả các tác phẩm ông trình diễn từ trí nhớ. Vậy làm thế nào mà ông học thuộc được những bản giao hưởng và opera đồ sộ ấy? “Chúng đến từ một điểm, nơi tôi biết rằng tôi đã ghi nhớ. Nhưng nó là vấn đề tâm lý thôi. Nếu như không nhớ nổi một tác phẩm, tôi không biết thế nào là đủ cả”.
Dàn nhạc Lucerne là hiện thân giấc mơ cuộc đời ông: sáng tạo nên môi trường lý tưởng cho biểu diễn âm nhạc giao hưởng. Nó được bắt rễ trong những dàn nhạc mà Abbado đã kiến lập trong suốt sự nghiệp của mình. Song song với các buổi biểu diễn với La Scala, London Symphony, ông đã sáng lập nên những dàn nhạc trẻ và những dàn nhạc đó là những thành tựu xuất sắc của ông, và trở thành  nền tảng cho di sản của ông. Cũng như việc thành lập dàn nhạc European Community Youth Orchestra vào năm 1978, ông đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng dàn nhạc Gustav Mahler Jugendorchester sang tận Đông Âu và Nga vào năm 1986. Ông là một trong những người sáng lập ra Chamber Orchestra of Europe, và khi thế hệ đầu của các nghệ sỹ của Gustav Mahler orchestra không còn trẻ nữa, Abbado đã mở ra Mahler Chamber Orchestra. Giờ đây ông có Orchestra Mozart, một dàn nhạc thính phòng khác bao gồm phần lớn là các nghệ sỹ trẻ, đặt trụ sở ở Bologna. Tất cả các thành viên của dàn nhạc này có những giá trị khác biệt với một dàn nhạc thông thường. Triết lý trung tâm của nó là lắng nghe – món quà ông cố gắng trao cho các nghệ sỹ, khán giả và gia đình mình. “Ông tôi thường cùng tôi đi dạo trên những ngọn núi,” Abbado hồi tưởng lại, “và ông không nói gì nhiều. Tôi học được từ ông cách lắng nghe sự im lặng. Và với tôi, lắng nghe là điều quan trọng nhất: lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe người khác, lắng nghe âm nhạc”.
Ở Lucerne, 120 thành viên từ dàn nhạc Mahler Chamber Orchestra, được bổ sung hàng chục người từ những nghệ sỹ bè chính của những dàn nhạc giao hưởng và thính phòng lớn nhất châu Âu – Berlin, Vienna Philharmonic, tứ tấu Alban Berg, Hagen, và các nghệ sỹ độc tấu như nghệ sỹ kèn clarinett Sabine Meyer, cello Natalia Gutman. Những gì người ta nghe thấy từ những buổi hòa nhạc của Lucerne orchestra là những tác phẩm giao hưởng được chơi với sự tinh tế và tinh túy của âm nhạc thính phòng. Trình độ điêu luyện của dàn nhạc là điều kỳ diệu: cách mà mỗi nghệ sỹ biết một cách bản năng những gì thuộc vai trò của họ trong bản giao hưởng đồ sộ của Mahler, khi họ là một nghệ sỹ độc tấu, khi họ cần đệm đàn cho nghệ sỹ khác, và làm thế nào để họ có thể hòa quyện trong một hợp âm. Nghệ sỹ viola Diemut Poppentừng làm việc với Abbado hàng năm kể từ khi thành lập European Community Youth Orchestra, và giờ ở vị trí bè trưởng của dàn viola trong Lucerne orchestra. “Chúng tôi biết những gì ông ấy muốn. Và ông ấy có thể, thông qua cử chỉ của ông, để truyền cho mỗi thành viên của dàn nhạc ý nghĩa của âm nhạc. Có nhiều nhạc trưởng làm việc cặn kẽ tới từng chi tiết trong toàn bộ thời gian nhưng chưa bao giờ nắm bắt được gốc rễ của âm nhạc. Với dàn nhạc này, chúng tôi đã tiến gần hơn đến ý nghĩa của âm nhạc, tới nơi chúng bắt nguồn, bởi sự nhạy cảm đáng kinh ngạc của Claudio. Đó hầu như là một điều bí ẩn: một số năng lượng chung được hình thành, nơi mọi người đều có trí tưởng tượng và sự tập trung như nhau”. Clive Gillinson, cựu nghệ sỹ cello và giám đốc quản lý của LSO trong nhiệm kỳ của Abbado, và giờ là thành viên ban giám đốc Carnegie Hall ở New York, cho biết “ông về cơ bản không nói bất cứ điều gì trong tập luyện, và nói rất nhẹ nhàng bởi vì ông ấy là người nhút nhát, có thể mọi người thấy buồn chán. Nhưng không sao bởi mọi người đều biết rằng các buổi trình diễn đều xuất sắc. Tôi chưa từng biết ai hấp dẫn hơn ông ấy. Ông ấy là một nhạc trưởng bẩm sinh hàng đầu thế giới. Một số nhạc trưởng cần phải nói rõ những gì họ muốn nhưng Claudio chỉ cho thấy nó, chỉ cần làm điều nó”. Bạn có bao giờ nghì về vị trí cuối cùng mà một người nhút nhát muốn bước lên là bục chỉ huy không. Gillinson nói “tất cả là để phụng sự âm nhạc, về sự bản tính nhún nhường của ông ấy trước âm nhạc. Với Abbado, âm nhạc là toàn bộ cuộc đời. Ông ấy nghĩ về âm nhạc trong mọi thời điểm, vì vậy có sự ham muốn mạnh mẽ và tầm quan trọng với tất cả các buổi trình diễn của ông. Giống như ngôi sao bóng đá Scotland Bill Shankly: âm nhạc là vấn dề của cuộc sống hay cái chết? À không, nó còn quan trọng hơn cả điều đó”.
Điều đó luôn luôn tồn tại với Abbado: khi còn nhỏ trong suốt cuộc chiến tranh ở Mila, ông đã vẽ lem nhem lên tường nhà khẩu hiệu “Viva Bartók!” (Bartók muôn năm!); Gestapo tới nhà và chất vấn cha mẹ ông: “Người ủng hộ Bartók ở đâu (Bartók là nhà soạn nhạc Hungary phản đối mạnh mẽ phát xít Đức).
Nhưng Abbado cũng còn có những điều khác bên cạnh âm nhạc: gia đình, đọc sách (ông đã nối lại mối quan tâm với Dostoevsky – “người Nga sâu sắc nhất”, ông cho biết như vậy) và khu vườn của mình. Và cả một di sản khác nữa mà Abbado muốn kiến tạo ở Ý. Ông gặp gỡ José Antonio Abreu và trải nghiệm El Sistema của Venezuela lần đầu tiên khi tới Nam Mỹ lưu diễn với dàn nhạc Gustav Mahler Jugendorchester vào năm 1999. Ông như bị tràn ngập bởi quy mô của dự án này, làm việc với gần nửa triệu trẻ em nghèo, và kinh ngạc với phẩm chất tuyệt vời của dàn nhạc Simón Bolívar Youth Orchestra. Abbado sau đó đã ủng hộ hết lòng nhạc trưởng Gustavo Dudamel, và thành lập một chương trình cho phép các nghệ sỹ Cuba tới Venezuela tập luyện.
Abbado đã đề nghị Abreu tới Ý vào tháng 9 năm đó, để thành lập một El Sistema ở đây – hoặc một phiên bản của nó, chí ít là như vậy. “Tất nhiên, anh sẽ thấy rằng nó hoạt động khác với El Sistema ở Venezuela. Nhưng tôi muốn ông ấy thực hiện tất cả điều đó ở Ý”. Kinh phí sẽ tới từ đâu – từ chính phủ ư? “Chính phủ hả? Berlusconi không bao giờ chi tiền cho những thứ tương tự đâu”. Abbado miêu tả tầng lớp chính trị của Ý như một thứ “dốt nát và tinh quái” trong thái độ đối xử của mình với văn hóa. Vậy dàn nhạc sẽ được thành lập như thế nào? “Tôi đã đề nghị tất cả những người bạn của mình ở Naples, Turin, Palermo, Milan giúp đỡ. Tôi đã nói với họ về El Sistema, và họ đều trả lời, thật tuyệt vời, chúng tôi sẽ hỗ trợ”. Họ phải là những người bạn giàu có, nếu Abbado đang đề cập đến việc thành lập một chương trình quốc gia về giáo dục âm nhạc. “Tiền không phải là vấn đề. Abreu rất mạnh mẽ, và tôi sẽ giúp ông ấy tất cả những gì có thể. Dàn nhạc Orchestra Mozart đã không nhận được một xu nhỏ nào từ chính phủ nhưng nó vẫn hoạt động”.
Một dàn nhạc thính phòng là một điều bình thường, nhưng El Sistema Ý lại là một điều hoàn toàn khác. Abbado chỉ thiết lập nó ra. Ông vẫn giữ nhiều ảnh hưởng chính trị không chính thức ở Ý, như cậy chuyện về tương lai trở lại La Scala của ông là một minh chứng. Thật đáng ngạc nhiên, ông đã không trình diễn ở đây trong vòng 16 năm qua, và không chỉ huy dàn nhạc của La Scala kể từ khi từ giã vị trí của mình vào năm 1986. Năm 2008, ông đã đưa ra tối hậu thư rằng sẽ chỉ huy ở Milan với điều kiện thị trưởng thành phố, Letizia Moratti, hứa sẽ trồng 90.000 cây. Và bà đã thực hiện theo yêu cầu của ông. “Tôi đã đề xuất ba loại cây mộc lan, và họ đã trồng chúng ở trung tâm thành phố. Nhưng họ lại trồng chúng vào chậu khiến tôi không thể chấp nhận nổi. Tôi muốn họ đào vỉa hè và trồng cây lên đó. Dẫu sao họ cho biết muốn trồng 500.000 cây ở khắp Milan. Vì vậy tôi sẽ đến”. Tác phẩm Abbado đã chọn cho sự hợp tác trở lại này với La Scala orchestra và các nghệ sỹ của Orchestra Mozart là gì? Bản giao hưởng số 2 của Mahler – bài ca của tình yêu, sự tái sinh và tinh thần vươn lên đã được Abbado hát lên trong suốt cuộc đời mình.
Abbado: “Những gì tôi học được từ việc lắng nghe các bản thu âm của tôi là tôi có thể làm tốt hơn rất nhiều. Ví dụ như toàn bộ các bản giao hưởng của Beethoven với  Vienna Philharmonic, thu âm vào những năm 1980, không quá tồi vào thời điểm đó, nhưng phiên bản của 9 bản giao hưởng mà tôi thực hiện sau đó với Berlin Philharmonic lại xuất sắc hơn. Và sau đó là một bản thu trực tiếp các bản giao hưởng này cũng hay hơn, thanh thoát hơn, nhưng tôi vẫn không thích một vài điểm trong các buổi trình diễn này. Đó là vấn đề về cách những người biên tập – họ không biết cách cắt cúp và họ biên tập theo cái cách mà tôi không đồng ý. Tương tự với toàn bộ bản giao hưởng của Mahler. Tôi đã có tất cả điều đó với Chicago Symphony Orchestra, Berlin Philharmonic và Vienna Philharmonic, giờ đây với the Lucerne Festival Orchestra. Tôi nghe lại bản thu âm cũ bản số một với Chicago, và nghĩ rằng, Chúa ơi – không hay lắm – bản với Berlin hay hơn nhiều. Và tôi nghe bản thu âm với Lucerne và thấy rằng có nhiều điểm hay hơn nữa – nhưng không phải là tất cả! Nhưng đó mới chính là điều bí mật của cuộc sống, tôi nghĩ vậy, kiếm tìm những điều tốt đẹp hơn, kiếm tìm những nguồn cảm hứng mới, những say mê mới. Không có gì là hoàn hảo, và luôn có những điều mới mẻ để khám phá”.
Nhạc trưởng, nghệ sỹ piano Daniel Barenboim: “Chúng ta đã mất đi một trong số những nhạc trưởng vĩ đại nhất 50 năm qua, một người hiếm hoi trong số các nghệ sỹ có khả năng kết nối mạnh mẽ với tinh thần của âm nhạc thông qua các thể loại khác nhau của nó. Ông là người đi tiên phong trong việc kết nối các nghệ sỹ trẻ, thử thách và ủng hộ họ trong suốt sự nghiệp âm nhạc của mình. Với điều đó, ông đã đưa ra một minh chứng cho thế giới này rằng các nghệ sỹ trẻ và ít kinh nghiệm cũng có thể trình diễn âm nhạc ở trình độ cao khi họ lao động nghệ thuật với quan điểm đúng đắn và nhiệt huyết”. 
Giám đốc âm nhạc Royal opera House, Sir Antonio Pappano: “Abbado có tinh thần và tầm nhìn xa vô song. Ông ấy dường như có cái chạm tay của Midas khiến mọi thứ ông mang lại cho cuộc đời đều tỏa sáng với một ánh sáng mãnh liệt… ông ấy có mọi tiêu chuẩn của một người khổng lồ”.
Chủ tịch hãng thu âm Deutsche Grammophon, Mark Wilkinson: “Thế giới đã mất đi một trong số những nghệ sỹ biết truyền cảm hứng nhất của thời đại chúng ta, một con người đặt toàn bộ con người mình vào việc phụng sự âm nhạc mà ông chỉ huy và, khi làm như vậy, đem lại cho thính giả cảm thấy như mới nghe tác phẩm lần đầu”.
Thanh Nhàn (nhaccodien.info)



1 nhận xét:

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...