Từ tiểu
thuyết cõi người rung chuông tận thế, suy nghĩ về một hiện tượng phê bình
Phạm Xuân Thạch
Năm 2002, NXB Đà Nẵng ấn
hành tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của nhà văn Hồ Anh Thái. Đầu năm
2003, tiểu thuyết này được tái bản với một phần Phụ lục mang tên Dư luận với
những bài phê bình được đăng trên các báo trong nước, mà trong số đó, một phần
không nhỏ là của các “ông anh”, “bà chị” viết về tiểu thuyết của “cậu em” Hồ
Anh Thái (chúng tôi trích nguyên văn), một tư thế phê bình không
khỏi làm người đọc nghi ngờ về tính khách quan của các nhận định. Đầu năm 2004,
sau khi có đạt được quá bán số phiếu tại các vòng sơ khảo và chung khảo, tiểu
thuyết của Hồ Anh Thái không đạt đủ số phiếu cần thiết của Ban Chấp hành Hội
nhà văn Việt Nam và bị loại khỏi danh sách những tác phẩm đoạt giải của năm
2003, dù trước đó không lâu tác giả của nó tuyên bố công khai trên báo chí về
việc tiểu thuyết của anh nằm trong số những tác phẩm xứng đáng được giải thưởng
Hội nhà văn. Sự kiện nói trên đã gây ra một “làn sóng dư luận” phản đối trên
một số tờ báo trong nước (Người đại biểu nhân dân, Sinh viên Việt Nam) và trang
web nước ngoài (http://talawas.de) của một nhóm nhà phê bình mà
trong số đó, không vắng mặt những “bà chị”, “ông anh” từng nồng nhiệt ca tụng
cuốn sách khi nó ra đời. Vậy, thực chất, tiểu thuyết này liệu có
xứng đáng với những lời tán dương của một bộ phận giới phê bình
(chúng tôi nhấn mạnh) giành cho nó và có thể rút ra điều gì từ làn sóng “dư
luận” phản bác quyết định của Ban Chấp hành Hội nhà văn ?
1. Điều đầu tiên cần phải
khẳng định, đúng như nhận xét của Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam trong Báo
cáo tổng kết công tác xét giải thưởng năm 2003, tiểu thuyết Cõi người rung
chuông tận thế của Hồ Anh Thái là một tác phẩm được viết một cách công phu, chuyên
nghiệp, thể hiện những tìm tòi trong “phương pháp tiếp cận và phản ánh hiện
thực”, trong “giáo lý đạo Phật và “thi pháp tiểu thuyết của các tác giả hiện
đại”. Nó là thành quả của một lao động văn học có tính chuyên nghiệp của một
nhà văn có tuổi đời và tuổi nghề không còn trẻ. Điều đó là một nỗ lực đáng được
và đã được ghi nhận. Tuy vậy, việc những nỗ lực của tác giả đã tạo thành được
một sản phẩm thực sự có giá trị hay chưa lại là điều cần phải bàn.
2. Trên nền của chủ đề tư
tưởng đậm màu sắc giáo lý Phật giáo và tín ngưỡng dân gian (cuộc đấu tranh
thiện ác, cái thiện chiến thắng cái ác, vòng luân hồi, sự trả giá cho cái ác
theo kiểu ác giả ác báo) kết hợp với niềm hy vọng về “cái đẹp cứu rỗi thế
giới”, Hồ Anh Thái đã triển khai một tự sự theo mô hình tiểu thuyết phiêu lưu
hay chính xác hơn một tiểu thuyết đen tái hiện lại hành trình của một nhân vật
từ chỗ đồng lõa với cái ác đến sự sám hối và sự giải thoát khỏi cái ác. Sử dụng
trần thuật từ ngôi thứ nhất, tiểu thuyết được xây dựng trên mô hình kết cấu cổ
điển của tiểu thuyết : một trạng thái khởi điểm (bộ ba đồng lõa Cốc, Phũ, Bóp
và nhân vật xưng Tôi; cuộc hành trình đi tìm khoái lạc của họ), một tình huống
tạo ra những xung đột (cuộc gặp gỡ với Mai Trừng), những biến cố (cái chết thảm
khốc và bí ẩn của Cốc, Phũ, Bóp), những hành vi vượt qua thử thách (hành trình
đi tìm Mai Trừng, hành trình sám hối của nhân vật Tôi) hành vi “mở nút” xung
đột (cuộc gặp gỡ Mai Trừng, chuyến đi tìm mộ) và trạng thái ổn định cuối cùng
(nhân vất sám hối và được giải thoát). Trên mô hình kết cấu này, nhà văn lần
lượt hé mở những chi tiết về tiểu sử của các nhân vật và đan xen các mảng hiện
thực có thật cả xã hội Việt Nam trong quá khứ và trong hiện tại : cuộc sống của
những nữ thanh niên xung phong trong chiến tranh chống Mỹ; quá trình phất lên
của một ông chủ có nguồn gốc quan chức ngoại giao; hình ảnh những thủy thủ tàu
viễn dương “người hùng” thời bao cấp; sự sa đọa, thác loạn của những thanh niên
thời mở cửa; xung đột của nông dân và chính quyền tại một địa phương xung quanh
một quyết định giải phóng mặt bằng… Cần phải nói ngay rằng những mảng hiện thực
và những vấn đề xã hội mà Hồ Anh Thái phản ánh trong tác phẩm không mới và anh
cũng không dọi thêm được một ánh sáng mới, một lý giải mới nào vào những mảng
hiện thực đó. Và cũng khó có thể đồng ý với ý kiến của một nhà phê bình khi cho
rằng “Chân dung hiện thực trong văn Hồ Anh Thái vì thế bề bộn, nhiều góc khuất,
nhiều trạng thái, nhiều giá trị xấu tốt đan cài chứ không đơn điệu kiểu ta
thắng địch thua và khi kết thúc thì phải gióng lên những tiếng hát lạc quan cho
đúng quy phạm nghệ thuật trong văn học một thời. Đó là nghệ thuật “phân mảnh”
như các nhà văn hậu hiện đại vẫn thường nói đến.” Theo tôi, thứ nhất, cái công
thức “đơn điệu kiểu ta thắng địch thua và khi kết thúc thì phải gióng lên những
tiếng hát lạc quan” là công thức của một số tác phẩm văn học có chất lượng chưa
cao của một thời chứ không phải là “quy phạm nghệ thuật trong văn học một thời”
và thứ hai, xét một cách rành mạch, kết cấu tiểu thuyết của Hồ Anh Thái như tôi
đã phân tích ở trên cũng chỉ là một phiên bản (version), một biến thể (variant)
khác của kiểu kết cấu “ta thắng địch thua” trong một bối cảnh lịch sử xã hội và
văn hóa khác.
3. Trên cái khung của kết
cấu tiểu thuyết có tính truyền thống nói trên, Hồ Anh Thái dựng lên các tuyến
nhân vật. Điều đáng lưu ý là tính công thức và sự thiếu quyết liệt chi phối một
cách rõ nét hệ thống nhân vật của anh. Bộ ba Cốc, Phũ, Bóp và thương
nhân Thế là những nhân vật được xây dựng theo những chuẩn mực điển hình hóa của
chủ nghĩa hiện thực truyền thống : hình chiếu của những loại người trong xã hội
(những thanh niên sa đọa hưởng lạc, những thương gia phất lên trong buổi giao
thời). Có điều tính cá thể hóa ở những nhân vật này đều yếu chính vì vậy nhân
vật tồn tại chơi vơi giữa cái thực (kiểu nhân vật hiện thực chủ nghĩa truyền
thống) và cái biểu tượng. Có thể nói, một trong những nhược điểm của nhà văn là
không dám đi đến tận cùng lôgích nghệ thuật mà mình đã lựa chọn. Anh dừng lại ở
lưng chừng con đường. ở trường hợp nhân vật Tôi, nhân vật giữ chức năng
protagoniste (nhân vật chính của tác phẩm), nhược điểm này của nhà văn càng
được bộc lộ rõ. Một mặt nhân vật này được xây dựng theo một công thức tương tự
như nhân vật nữ Mai Trừng – những “thiên sứ” trời đày và lạc loài (nhân vật Tôi
là một tài năng hội họa nhưng bị người anh ép trở thành một thuyền trưởng tàu
viễn dương). Tuy vậy, con đường vẫn động của anh ta là ngược chiều với Mai
Trừng – bị sa ngã và đồng phạm với cái ác. Có điều, dường như tác giả muốn bảo
vệ một màu sắc “lãng mạn” (mà theo tôi mang màu sắc narcisme) ở nhân vật nên
anh không dám đẩy đến tận cùng sự dấn thân của nhân vật. Sự tham dự của Tôi vào
thế giới tội ác là một sự tham gia một cách vô ý thức. Anh ta là kẻ buông thả
vào dòng chảy của tội ác và khi đã ở trong guồng xoáy đó, anh ta quan sát một
cách bất lực tội ác hơn là một kẻ đồng phạm với cái ác. Chính vì vậy, màu sắc
sám hối của Tôi ở những phần cuối của tác phẩm khó có thể trở thành trọn vẹn.
Có lẽ, những hình tượng nhân vật thành công nhất của Hồ Anh Thái trong tiểu
thuyết là đứa trẻ – thiên sứ bé nhỏ từ giã cuộc đời khi vừa tròn hai tuổi và cô
gái Mai Trừng.
4. Từ một phía khác, cũng
khó có thể đồng tình với một số nhà phê bình gần đây khi cho rằng tiểu thuyết
Hồ Anh Thái đã hình thành nên “một quan niệm mới về hiện thực” bằng con đường
đi theo “tiếng gọi của giấc mơ”. Việc đan xen những yếu tố hư ảo, siêu thực vào
dòng chảy tác phẩm, khám phá thế giới của những giấc mơ, tiềm thức không phải
là một cái gì quá mới mẻ đối với văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Trước và
đồng thời với Hồ Anh Thái, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm
Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh đã đi theo con đường này. Trong tiểu
thuyết của Hồ Anh Thái, anh có ý thức trong việc đan xen một loạt yếu tố hư ảo,
siêu thực vào tác phẩm (những cái chết của Cốc, Phũ, Bóp, đứa trẻ con của nhân
vật Tôi, cô gái Mai Trừng…). Tuy vậy, giữa việc đan xen cái hư ảo vào tác phẩm
(với tư cách một thủ pháp nghệ thuật) và việc hình thành nên một “quan niệm mới
về hiện thực” là hai điều hoàn toàn khác nhau. Khác với Phạm Thị Hoài, Nguyễn
Bình Phương hay Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái không đi triệt để cái nhìn mang màu sắc
tượng trưng, “vượt qua phản ánh hiện thực kiểu soi gương”.
Hơn nữa “một quan niệm mới về hiện thực” không chỉ phụ thuộc vào việc phản ánh kiểu “hiện thực” hay “siêu thực” mà quan trọng hơn, phụ thuộc vào chiều sâu tư tưởng của tác phẩm. Theo tôi, Hồ Anh Thái chưa làm được điều này. Toàn bộ hiện thực trong tiểu thuyết của anh được quy về những luận đề giản đơn (như tôi đã trình bày ở phần trên) nên thiếu đi chiều sâu và tính phức tạp của nội dung tư tưởng. Đó là nhược điểm cơ bản trong tiểu thuyết của anh. Điều này cũng làm cho tiểu thuyết của anh không đạt đến tính đa thanh đích thực. Trong tiểu thuyết của anh, giọng kể của nhân vật Tôi là một giọng kể “đa nhiệm” vừa đảm nhiệm chức năng của người trần thuật vừa tự phản ánh diễn biến tâm lý và tư tưởng của nhân vật. Giọng của nhiều nhân vật cũng bị nhấn chìm vào phạm vi của nhân vật tôi dưới dạng lời dẫn gián tiếp (một thủ pháp mà cách đây hơn nửa thế kỷ, nhiều nhà văn đã làm chủ và làm chủ thành công, điển hình là Nam Cao). Chính vì vậy nên anh dừng lại ở mức độ làm chủ kỹ thuật nhưng không đạt đến linh hồn của kết cấu. Tính đa thanh đích thực phải được tạo nên từ sự phức tạp trong cái nhìn về thế giới, trong sự bề bộn và đối nghịch của các tư tưởng, các quan điểm trong tác phẩm chứ không chỉ dừng lại ở một kỹ thuật hình thức.
Hơn nữa “một quan niệm mới về hiện thực” không chỉ phụ thuộc vào việc phản ánh kiểu “hiện thực” hay “siêu thực” mà quan trọng hơn, phụ thuộc vào chiều sâu tư tưởng của tác phẩm. Theo tôi, Hồ Anh Thái chưa làm được điều này. Toàn bộ hiện thực trong tiểu thuyết của anh được quy về những luận đề giản đơn (như tôi đã trình bày ở phần trên) nên thiếu đi chiều sâu và tính phức tạp của nội dung tư tưởng. Đó là nhược điểm cơ bản trong tiểu thuyết của anh. Điều này cũng làm cho tiểu thuyết của anh không đạt đến tính đa thanh đích thực. Trong tiểu thuyết của anh, giọng kể của nhân vật Tôi là một giọng kể “đa nhiệm” vừa đảm nhiệm chức năng của người trần thuật vừa tự phản ánh diễn biến tâm lý và tư tưởng của nhân vật. Giọng của nhiều nhân vật cũng bị nhấn chìm vào phạm vi của nhân vật tôi dưới dạng lời dẫn gián tiếp (một thủ pháp mà cách đây hơn nửa thế kỷ, nhiều nhà văn đã làm chủ và làm chủ thành công, điển hình là Nam Cao). Chính vì vậy nên anh dừng lại ở mức độ làm chủ kỹ thuật nhưng không đạt đến linh hồn của kết cấu. Tính đa thanh đích thực phải được tạo nên từ sự phức tạp trong cái nhìn về thế giới, trong sự bề bộn và đối nghịch của các tư tưởng, các quan điểm trong tác phẩm chứ không chỉ dừng lại ở một kỹ thuật hình thức.
5. Trên một cái nhìn tổng
quát, từ những điểm trên, có thể nói, nhược điểm lớn nhất trong tiểu thuyết Cõi
người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái chính là sự sơ lược và tính công
thức. Hồ Anh Thái tỏ ra có khả năng làm chủ kỹ thuật tự sự, tuy vậy, tiểu
thuyết của anh thiếu tính phức tạp trong công thức kết cấu tiểu thuyết xây dựng
hình tượng nhân vật (tuyệt đại bộ phận, từ Cốc, Phũ, Bóp, Thế, và cả Mai Trừng
đều trở thành loại nhân vật thiện – ác phân minh, điều ít nhiều làm chúng ta
liên hệ đến kiểu nhân vật của truyện Nôm truyền thống), thiếu tính phức tạp
trong những quan điểm, suy tư, những quá trình đấu tranh tư tưởng của nhân vật
và quan trọng hơn cả, tiểu thuyết của anh đơn nghĩa về tư tưởng. Khuynh hướng
này theo tôi xuất phát từ việc anh không dám đi triệt để những tìm tòi nghệ
thuật của mình, một điều có thể là bình thường với một nhà văn trẻ nhưng lại là
nguy hiểm đối với một nhà văn có thâm niên về tuổi đời và tuổi nghề.
6. Cái nhìn như trên về
tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế sẽ cho phép dọi một ánh sáng khác lên
cái gọi là hiện tượng “gây xôn xao dư luận” của cuốn sách. Trong thời gian gần
đây, dư luận đang nói nhiều về cái gọi là tình trạng “phi chuyên nghiệp hóa”
của một bộ phận giới phê bình (chúng tôi nhấn mạnh). Những bài phê bình xung
quanh tiểu thuyết của Hồ Anh Thái cho chúng ta một minh chứng cho tình trạng
đó.
Để bênh vực tiểu thuyết của anh, người ta huy động một số lượng không nhỏ những tên tuổi, từ Flaubert thế kỷ XIX đến Bakhtine, Kundera, S. Rushdi, Maquez để “bảo kê” theo theo một thứ lôgích “ở nước ngoài người ta cũng làm thế đấy thôi” mà quên mất một chân lý thật đơn giản là mỗi một hiện tượng nghệ thuật ở mỗi nhà văn, trong tình thế cụ thể của một môi trường văn hóa và một tác phẩm cụ thể lại có những giá trị riêng. Cái đích cuối cùng của một nhà văn không phải việc anh ta viết giống ai mà là anh ta đã sáng tạo nên được giá trị gì của riêng mình. Phủ bóng lên những văn bản phê bình bênh vực anh là tên tuổi của M. Bakhtine và M. Kundera, những người đã được dịch sang tiếng Việt trong khoảng 20 năm gần đây và hiện nay đang là một thứ “à la mode” của một bộ phận giới nghiên cứu và phê bình. Tôi tin, nếu những nhà phê bình của chúng ta được tiếp xúc với một loạt những nhà mỹ học hiện đại và hậu hiện đại thế giới, một loạt những tên tuổi đại diện cho nhiều trường phái nghiên cứu văn học trên thế giới thế kỷ XX, từ chủ nghĩa hình thức, cấu trúc luận, giải cấu trúc, phân tâm học văn học và xã hội học văn học đến phê bình mới, tự sự học, cái nhìn của họ, những nhận định của họ sẽ sáng suốt và có một sức nặng lý luận hơn nhiều lần. Cũng trong những văn bản phê bình tác phẩm của Hồ Anh Thái, người viết không dấu diếm những mối quan hệ thân tình và những đánh giá theo kiểu “bà chị” – “cậu em” với tác giả tiểu thuyết. Điều đó cho phép tôi nghi ngờ về tính khách quan và sự công tâm của người viết phê bình đối với đối tượng. Và điều quan trọng là từ đó các nhà phê bình tùy tiện sử dụng vô tội vạ khái niệm khoa học, bất chấp các chuẩn mực khoa học để tán dương “người nhà”. Như tôi đã chứng minh trong những phần trên, tiến trình khảo sát, phân tích tác phẩm một cách khách quan khoa học, đặc biệt các thao tác so sánh, đối chiếu đã bị bỏ qua hoặc được tiến hành một cách tùy tiện (kiểu so sánh Hồ Anh Thái với Vũ Trọng Phụng, với M. Solokhov) nên đã phóng đại hàng loạt đặc điểm có trong tiểu thuyết của anh (tính đa thanh, cái nhìn mang màu sắc hư ảo về hiện thực) thành những giá trị riêng có của anh. Có nhà phê bình vừa ca tụng tiểu thuyết của anh là bị chi phối bởi “thi pháp thơ trữ tình” vừa ca ngợi anh đã tạo dựng được một giọng điệu đa thanh bất chấp việc bản chất của đa thanh là không thể “chung sống hòa bình” với “thi pháp trữ tình” như chính M. Bakhtine đã chứng minh trong những công trình về thi pháp tiểu thuyết và càng không biết đến bản chất thật của tính đa thanh không nằm ở một thủ pháp kỹ thuật mà nằm ở chiều sâu tư tưởng của tác phẩm.
Người ta tự nhiên dùng một khái niệm lấy trực tiếp từ ngôn ngữ nhật dụng – “mảnh vỡ” – mà không cần bất cứ một sự giới thuyết để ca ngợi nghệ thuật “chơi cấu trúc” của Hồ Anh Thái. Người ta khen ngợi sáng tác của anh đồng nghĩa với “phi monotone hóa” trong khi quên rằng dẫu giọng điệu của nhà văn có thay đổi qua mỗi tác phẩm nhưng anh ta vẫn có nguy cơ rơi vào “monotone hóa” khi trong nội bộ tác phẩm, anh ta không tạo ra được tính đa thanh đích thực. Một lối phê bình “ve vuốt” kiểu “người nhà” như vậy, theo tôi chính là một sự phản bội kép : phản bội nhà văn, đối tượng được phê bình và phản bội độc giả – người đặt niềm tin vào nhà phê bình. Tất cả những điều nói trên cho chúng ta một cái nhìn chân thật hơn về cái gọi là “dư luận xôn xao” xung quanh tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái.
Để bênh vực tiểu thuyết của anh, người ta huy động một số lượng không nhỏ những tên tuổi, từ Flaubert thế kỷ XIX đến Bakhtine, Kundera, S. Rushdi, Maquez để “bảo kê” theo theo một thứ lôgích “ở nước ngoài người ta cũng làm thế đấy thôi” mà quên mất một chân lý thật đơn giản là mỗi một hiện tượng nghệ thuật ở mỗi nhà văn, trong tình thế cụ thể của một môi trường văn hóa và một tác phẩm cụ thể lại có những giá trị riêng. Cái đích cuối cùng của một nhà văn không phải việc anh ta viết giống ai mà là anh ta đã sáng tạo nên được giá trị gì của riêng mình. Phủ bóng lên những văn bản phê bình bênh vực anh là tên tuổi của M. Bakhtine và M. Kundera, những người đã được dịch sang tiếng Việt trong khoảng 20 năm gần đây và hiện nay đang là một thứ “à la mode” của một bộ phận giới nghiên cứu và phê bình. Tôi tin, nếu những nhà phê bình của chúng ta được tiếp xúc với một loạt những nhà mỹ học hiện đại và hậu hiện đại thế giới, một loạt những tên tuổi đại diện cho nhiều trường phái nghiên cứu văn học trên thế giới thế kỷ XX, từ chủ nghĩa hình thức, cấu trúc luận, giải cấu trúc, phân tâm học văn học và xã hội học văn học đến phê bình mới, tự sự học, cái nhìn của họ, những nhận định của họ sẽ sáng suốt và có một sức nặng lý luận hơn nhiều lần. Cũng trong những văn bản phê bình tác phẩm của Hồ Anh Thái, người viết không dấu diếm những mối quan hệ thân tình và những đánh giá theo kiểu “bà chị” – “cậu em” với tác giả tiểu thuyết. Điều đó cho phép tôi nghi ngờ về tính khách quan và sự công tâm của người viết phê bình đối với đối tượng. Và điều quan trọng là từ đó các nhà phê bình tùy tiện sử dụng vô tội vạ khái niệm khoa học, bất chấp các chuẩn mực khoa học để tán dương “người nhà”. Như tôi đã chứng minh trong những phần trên, tiến trình khảo sát, phân tích tác phẩm một cách khách quan khoa học, đặc biệt các thao tác so sánh, đối chiếu đã bị bỏ qua hoặc được tiến hành một cách tùy tiện (kiểu so sánh Hồ Anh Thái với Vũ Trọng Phụng, với M. Solokhov) nên đã phóng đại hàng loạt đặc điểm có trong tiểu thuyết của anh (tính đa thanh, cái nhìn mang màu sắc hư ảo về hiện thực) thành những giá trị riêng có của anh. Có nhà phê bình vừa ca tụng tiểu thuyết của anh là bị chi phối bởi “thi pháp thơ trữ tình” vừa ca ngợi anh đã tạo dựng được một giọng điệu đa thanh bất chấp việc bản chất của đa thanh là không thể “chung sống hòa bình” với “thi pháp trữ tình” như chính M. Bakhtine đã chứng minh trong những công trình về thi pháp tiểu thuyết và càng không biết đến bản chất thật của tính đa thanh không nằm ở một thủ pháp kỹ thuật mà nằm ở chiều sâu tư tưởng của tác phẩm.
Người ta tự nhiên dùng một khái niệm lấy trực tiếp từ ngôn ngữ nhật dụng – “mảnh vỡ” – mà không cần bất cứ một sự giới thuyết để ca ngợi nghệ thuật “chơi cấu trúc” của Hồ Anh Thái. Người ta khen ngợi sáng tác của anh đồng nghĩa với “phi monotone hóa” trong khi quên rằng dẫu giọng điệu của nhà văn có thay đổi qua mỗi tác phẩm nhưng anh ta vẫn có nguy cơ rơi vào “monotone hóa” khi trong nội bộ tác phẩm, anh ta không tạo ra được tính đa thanh đích thực. Một lối phê bình “ve vuốt” kiểu “người nhà” như vậy, theo tôi chính là một sự phản bội kép : phản bội nhà văn, đối tượng được phê bình và phản bội độc giả – người đặt niềm tin vào nhà phê bình. Tất cả những điều nói trên cho chúng ta một cái nhìn chân thật hơn về cái gọi là “dư luận xôn xao” xung quanh tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái.
Để kết thúc, tôi muốn khẳng
định tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái là một tác phẩm
văn học hấp dẫn được thể hiện bởi một “tay nghề” biết làm chủ các kỹ thuật sáng
tác hiện đại. Điều mà anh thiếu là khả năng biến được những kỹ thuật sáng tác
đó thành những giá trị, khả năng đẩy đến tận cùng những tìm tòi nghệ thuật của
mình cũng như khả năng đào sâu cái nhìn nghệ thuật dựa trên những quan sát, cảm
nhận và suy tư cá nhân về hiện thực chứ không chỉ dựa trên những công thức sách
vở có tính giáo điều. Cũng phải khẳng định là trong số những ý kiến phê bình
tác phẩm của anh, bên cạnh những nồng nhiệt, cảm tính cũng có những ý kiến phản
ánh đúng giá trị tác phẩm của anh, một tiểu thuyết giàu tính luận đề về cuộc
đấu tranh thiện – ác trong xã hội. Dẫu vậy, tất cả những điều đó chưa đủ để làm
nên một giá trị văn chương thực sự mang tính đại diện của một nền văn học. Với
Hồ Anh Thái một tác phẩm lớn vẫn đang ở phía trước. Chúng ta đặt vào anh niềm
hy vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét