Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Đà Lạt - Suối trong hồ lặng

 Đà Lạt - Suối trong hồ lặng
Đà Lạt có bao nhiêu đồi núi là có bấy nhiêu con suối. Suối chảy quanh co lững lờ rồi chất chứa thành hồ. Những mặt hồ gương trong ngần thơ mộng. Suối reo vang thành thác, với những dải lụa trắng ngần ca hát mãi trong rừng vắng hoang vu. Suối len lỏi dưới cỏ mềm, chồm qua đá tảng, quanh co, uốn khúc ép một bề theo sườn núi rắn, tìm tới thung lũng tụ lại thành hồ. Rồi suối hẹn hò họp lại cùng nhau ven bờ vực thẳm để thi nhau đổ xuống thành thác với sức mạnh vũ bão, hơi bay mù mịt. Nước cứ vậy mà tràn trề vào lòng đất, pha trộn với khoáng chất thành chất bổ dưỡng, sẵn sàng cung ứng màu mỡ cho loài thảo mộc. Vì vậy ở đâu cũng thấy rộn ràng một màu xanh nẩy lộc.
Nói đến suối trong cũng cần nhắc đến một cô gái gốc Đà Lạt, đó là nữ ca sĩ THANH TUYỀN. Vì “thanh tuyền” có nghĩa là “suối trong”. Người ta kể rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khi đang là giám đốc hãng dĩa Continental, có lần ông mở đài phát thanh Đà Lạt tình cờ nghe được tiếng hát của một cô bé tên Phạm Thị Như Mai. Ông thấy giọng hát rất hay và có nhiều triển vọng. Thế là ông nhờ nhạc sĩ Mạnh Phát lên Đà Lạt tìm cô bé. Mạnh Phát đã tìm được cô bé tại buổi lễ phát thưởng của trường Bùi Thị Xuân. Mùa hè 1964 Mạnh Phát dẫn cô bé Như Mai về đến Sài Gòn. 
Hãng dĩa mời “cô bé” ký giao kèo độc quyền ngay. Cô bé lo lắng lắm vì còn nhỏ mà phải sống xa gia đình. May cho cô là cô được nhạc sĩ Mạnh Phát nhận làm con nuôi với sự đồng ý của cha mẹ ruột đang sống ở Đà Lạt. Thế rồi chỉ vài tháng sau, cô bé nổi tiếng. Đầu năm 1965, người dân miền Nam từ thành thị đến thôn quê ai cũng biết đến ca sĩ Thanh Tuyền. Thanh Tuyền tuy là ca sĩ nổi tiếng vẫn giản dị trong tà áo lụa màu trắng, vẫn cắp sách đến trường Lê Văn Duyệt ở Gia Định cho đến khi xong Trung Học.
Sau này THANH TUYỀN tâm sự với ký giả TRƯỜNG KỲ về giai đoạn đó trong cuộc đời mình:
“Khi về ký độc quyền với hãng dĩa Continental, lúc chọn tên thì thầy Mạnh Phát và chú Nguyễn Văn Đông không thích tên Mai vì muốn thay đổi, hơn nữa đã có một số nghệ sĩ lúc đó có tên này. Tên Thanh Tuyền chính là do hai thầy đặt… tại vì mình gốc ở Đà Lạt là nơi có nhiều thác, nhiều suối nên lấy tên Thanh Tuyền nghĩa là suối nước trong… mấy thầy thường nói là đã khám phá một giòng suối trong ở Đà Lạt”.
Hoàng hôn Đà Lạt có nhiều vẻ. Bóng núi mờ xa và hương đêm trỗi dậy. Giờ của tự tình. Đà Lạt đích thực là thành phố của tình yêu. Tiếng hát Thanh Tuyền như mãi còn vang vọng trong lòng người với bản “Đà Lạt hoàng hôn” của MINH KỲ và DẠ CẦM:
"Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ. Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ. Từng đôi đi trên phố vắng. Bước chân em giữa không gian, hoàng hôn thua màn đêm.
Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông. Hàng cây thẫm màu đèn lên phố phường. Giờ đây hơi sương giá buốt. Biết ai thương bước cô liêu. Người đi trong sương rơi.
Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly khóc tình đầu dang dở. Đêm xuống Than Thở vang cung hờn, thêm sắt se tâm hồn. Người đi trong bóng cô đơn.
Khách du tìm đến thành phố ngàn thơ. Nhặt hoa thấy lòng buồn không bến bờ. Gần nhau, xa nhau mấy nỗi. Hỡi quê hương xứ sương rơi. Đà Lạt ơi, Đà Lạt ơi!”
Lúc nào bản đàn dìu dặt của núi rừng Đà Lạt cũng vẫn đều đều mà quyến rũ, tấu lên bằng nhạc cụ thiên nhiên: nguồn nước chẩy và gió trời reo... Nước lúc nào cũng dũng mãnh ầm ầm đập vào sườn đá nhọn, rồi dạt dào tuôn chảy, đôi khi lại trôi lững lờ, âm thanh như thì thào, phải nghe bằng tưởng tượng. Có lúc gần gụi sát bên tai, khi lại vẳng xa từ dưới sâu nơi miền thung lũng. Tùy nơi, tùy chốn nước phải vì nguồn mà đi xa. Gió rộng rãi hơn, đi lang thang lùa vào khắp nẻo, phất phơ mấy ngọn lau bạc, chuyển cho tre trúc cựa mình, và nhất là giục cho ngàn thông reo vi vu... Gặp mùa hoa thông nở, gió lan phấn thông vàng vào không gian và cho cảm tưởng có thể nếm trong gió thoảng hương thơm và vị ngọt...
KHÁNH LY từng ghi lại kỷ niệm của Trịnh Công Sơn về một con suối nhỏ ở Đà Lạt:
“Năm 67 tôi gặp lại ông ở Sài Gòn, ông đưa cho tôi bài Như Cánh Vạc Bay, ông kể lại một kỷ niệm đẹp đã xảy ra trong khoảng thời gian ông ghé thăm Đà Lạt. Đó là một buổi chiều ông và một người con gái, không biết là ai, đi dạo chơi ở trong rừng, và ngừng chân ở bên một con suối nhỏ, ông ngồi nghỉ ở gốc cây và nhìn theo người con gái đó với đôi chân trần đã bước đi qua con suối nhỏ, nắng… vàng rực rỡ trên mái tóc, và trên toàn thân của người cô gái đó, gió thổi tung bay tà áo và mái tóc của cô. Ông giữ cái hình ảnh đẹp của người con gái đó và viết tình khúc Như Cánh Vạc Bay:
“Suối đón từng bàn chân em qua
Lá hát từ bàn tay thơm tho
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời người mãi âm u
Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Ta nghe từng giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh.”
Gần thành phố nhất có hồ Xuân Hương, xa hơn có hồ Than Thở, hồ Mê Linh... Hồ XUÂN HƯƠNG nằm ngay trung tâm thành phố, ở độ cao 1.477m. Hồ nguyên là thung lũng có dòng suối Cam Ly chảy qua, nơi quy tụ của các cư dân Lạch buổi ban đầu. Du khách có thể thả bộ ra hóng gió và ngắm cảnh hồ. Với con đường 5km bao quanh hồ, du khách có thể ngồi xe thong thả chạy quanh hồ để ngắm hết mọi góc độ của hồ.
Năm 1919, từ sáng kiến của viên Công sứ Counhac, kỹ sư công chánh Labbe đã tiến hành việc ngăn dòng suối làm thành hồ. Đến năm 1923 lại xây thêm một đập nữa ở phía dưới tạo thành hai hồ. Do ảnh hưởng của cơn bão tháng 3 năm 1932, cả hai đập đều bị vỡ. Mãi đến năm 1934-1935 một đập lớn bằng đá mới được kỹ sư Trần Đăng Khoa thiết kế xây dựng phía dưới hai đập cũ tạo thành một hồ lớn - người Pháp gọi là Grand Lac. Đập này nằm trước dinh Quản Đạo mà vị Quản Đạo lúc này là Phạm Khắc Hoè vẫn được dân địa phương gọi là “Ông Đạo”, nên khi đập cũng là cầu xây xong, người dân quen gọi là cầu Ông Đạo.  
Hồ được mang tên Xuân Hương từ năm 1953 như muốn làm sống mãi hình ảnh lãng mạn của nữ sĩ thơ Nôm nổi tiếng Việt Nam thế kỷ thứ 19 Hồ Xuân Hương. Hồ có hình dáng như mảnh trăng lưỡi liềm. Quanh hồ là những con đường vòng uốn lượn trong bóng mát của các dãy bạch tùng đều tăm tắp. Mặt hồ phẳng lặng trong xanh như tấm gương soi bóng những tán tùng già cỗi, những hàng liễu rủ thướt tha và đẹp hơn lên khi mùa xuân về, lúc những cánh anh đào nở rộ một màu hồng rực rỡ khiến mặt hồ bừng lên như đôi má cô gái Đà Lạt tuổi xuân thì. Nước hồ luôn luôn được thay đổi nên lúc nào cũng trong sạch. Trong hồ những con thuyền buồm trắng lướt êm trên sóng nước. Viền quanh hồ là những vườn hoa muôn sắc. Mùa mưa, nước hồ Xuân Hương dâng đầy, gợn sóng uốn mình theo mép chân đồi Cù tạo thành vẻ đẹp kỳ diệu.
Nhà thơ QUÁCH TẤN kể lại một kỷ niệm với HÀN MẶC TỬ tại Đà Lạt. Sau khi thăm thác Cam Ly về cả hai lên phía khách sạn Palace và ngồi ngắm hồ Xuân Hương:
“Hồ lặng như gương. Hoa cỏ ở quanh bờ, lầu đài ở trên những đồi cao, in bóng xuống hồ, lung linh phiếu diếu. Thỉnh thoảng một làn mây bay là đà trên mặt nước. Xa xa một bầy ngỗng, lông trắng như bông, cổ cao mỏ vàng, lướt nhẹ trên sóng như những bóng mơ. Sương xuống mỗi lúc mỗi thêm nhiều, khiến cảnh vật luôn luôn biến thái, trông nửa thực nửa hư.
Chúng tôi lắng lòng nghe cảnh. Bỗng Tử chép miệng than:
- Không bút nào tả nổi! Cảnh thật huyền mơ!
Đèn điện bật đỏ. Chúng tôi ra về…”
Sau này QUÁCH TẤN kể tiếp về chuyến đi chơi đêm đó:
“Đến bờ hồ, nhìn xuống mặt nước, chúng tôi mới nhớ là đêm trăng! Mặt hồ lóng lánh. Và vầng trăng dưới nước trông sáng gấp mấy lần vầng trăng ở trên mây. Tử nói:
- Cứ xem bóng trăng cũng biết hồ Đà Lạt trong đến ngần nào.
Tôi tiếp:

- Theo tôi chỉ có nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương mới đáng gọi là nước. Nước ở các sông các hồ, dù trong đến đâu, dù sâu đến đâu, sắc xanh cũng có phần lợt lạt. Duy có nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương là đượm đà màu nước biển. Ai đã từng nhìn đôi mắt của người đẹp Ấn Độ - đôi mắt xanh như ngọc và xa thăm thẳm như vòm trời ngày thu - thì mới tin lời nói của tôi không huyễn hoặc. Và muốn thấy rõ cái đẹp của nước hồ Đà Lạt thì phải đến ngắm lúc ban trưa tạnh trời.
Tử trầm ngâm hồi lâu rồi nói:
- Không có cảnh thì khó có thơ, mà đứng trước cảnh đẹp quá, thơ nghĩ cũng không ra được.”
Tuy thế cảnh đẹp của hồ vẫn khiến nhà thơ CAM LĨNH gợi cảm và viết bài “Hồ Xuân Hương Đà Lạt” (1960):
“Hồ dẫu rằng quen tự thuở giờ
Càng nhìn càng đắm ngắm càng ưa
Sáng mai mù tỏa vầng hồng nhạt
Chiều tối sương gieo ánh điện mờ
Bờ nước con thuyền neo bến mộng
Lề đường hàng liễu ngóng trời mơ
Bích Câu ai xóa lời hò hẹn
Để một duyên em phải hững hờ.”
Và rồi nhà thơ PHONG VŨ (Lê Xuân Lợi) cũng lên tiếng phụ họa sáng tác bài “Xuân Hương hồ mộng”:
“Mây nước lênh đênh chảy lững lờ
Xuân Hương hồ mộng - mối duyên thơ
Đồi xưa in dấu thời hoa bướm
Lối cũ vương sầu thuở nắng mưa
Thông nổi lưng chừng xanh mấy dải
Sương buông mù mịt trắng đôi bờ
Người đi, kẻ ở, tình giăng lối
Mộng thực đêm, ngày nhớ ngẩn ngơ!”
Còn VIỆT TRANG thả hồn thi nhân với nước hồ vào mùa thu:
“Dalat ơi!
Có những chiều thu, khi nắng vàng nhung nhớ hiu hắt tan vỡ đó đây trên hồ Xuân Hương sóng sánh, xinh như làn thu thủy của cô Kiều Tố Như - gió thu mơn man ru nhẹ thông ngàn, ngân lên một điệu đàn thu tha thiết, thấm đậm vào hồn ta khi màn đêm chập chờn rủ xuống.
Ta đang mơ hóa thành chiếc bướm, và dù đôi cánh mỏng có ướt dầm sương thu lạnh, cũng muốn bay ngút ngàn tìm lại một ngày thu rực óng, hay biến mình qua rừng thu xào xạc, giúp chiếc lá xa cành thực hiện một cuộc viễn trình về nguồn cội.
Có những đêm thu trên Thủy Tạ, ta mãi ngồi lặng im, nương theo làn sóng vô thanh luân vũ mặt hồ, nhìn sương sa mờ ảo đỉnh tháp Hùng Vương, quyện giăng nhạt nhòa cầu Ông Đạo, trầm mặc bên ly cà phê đậm nóng, hoặc ly rượu thơm nồng, ta bất chợt búng lên tàn thuốc cháy vẽ vòng vào đêm khuya vắng tựa hồ một vì sao đổi ngôi giữa vòm trời hiu lạnh.”
TRÚC CHI cũng cảm hứng viết bài “Vịnh hồ Xuân Hương”:
“Sơn thủy khen ai vạch lối đường,
Đa thành nức tiếng cảnh Xuân Hương.
Nước xanh ngọc chiếu vàng thu nguyệt,
Nhà trắng vàng pha ánh tịch dương.
Nhàn nhã thuyền trôi buồm quyện gió
La đà mây giãi bóng vờn gương
Cỏ non đồi phủ chân đồi tiếp,
Tao khách về đây gửi nhớ thương.”
TRÚC TIÊN tỏ tình đồng điệu “họa vận” bài thơ trên (5-1963):
“Trường sơn một giải khép bên đường,
Đâu đó hoa rừng gió thoảng hương.
Giòng suối trắng phau ngời thủy ngọc,
Ngàn thông xanh đậm ánh tà dương.
Đồi cao nhung cỏ mây đùn khói,
Hồ lặng hàng cây nước dợn gương.
Đàlạt thần tiên tô cảnh trí,
Trông vời đôi ngả chạnh tình thương.”
Hồ THAN THỞ nằm ở vị trí gần khóm Thái Phiên, cách Đà Lạt khoảng 6 cây số về phía Đông, nằm giữa những đồi thông cao vút, rừng thông bao la tĩnh mịch. Hồ là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở Đà Lạt do tên gọi khá hấp dẫn và do cảnh quanh hồ. Vào lúc bình minh, sương mù bao phủ mặt hồ, tạo nên một bức tranh thủy mạc tuyệt đẹp. Hồ có dáng hẹp, uốn cong theo những triền đồi xung quanh. Phía bên kia con đường dẫn vào hồ là “Đồi thông Hai Mộ”. Hồ Than Thở thường được nhắc đến với cái tên và câu chuyện truyền thuyết thảm sầu về tình yêu.
Trước đây vùng hồ Than Thở có một cái ao gọi là Tơnô Pang Đòng. Vào năm 1920, người Pháp đắp đập xây dựng hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho một phần thành phố Đà Lạt. Nhận thấy vùng này rất hoang vu, chỉ nghe thấy tiếng gió thì thào qua kẽ lá tạo thành một khúc nhạc buồn, người Pháp mới đặt tên là “Lac des Soupirs”. Soupir có hai nghĩa: một là tiếng thở than, tiếng thở dài, hai là tiếng rì rào, tiếng gió thổi trong rừng. Người Pháp đặt tên “Lac des Soupirs” với nghĩa thứ hai, nhưng khi dịch sang tiếng Việt lại theo nghĩa thứ nhất là hồ “Than Thở”, hay hơn.
Nhà thơ TÔ GIANG TỬ (Nguyễn Quang Nhạ) ghé thăm Đà Lạt năm 1955 viết bài “Vịnh hồ Than Thở”:
“Tha thiết sầu than chốn núi đồi,
Trải bao tuế nguyệt vẫn chưa nguôi!
Thông reo réo rắt, trao tâm sự,
Sóng vỗ rì rầm, kể khúc nhôi.
Ngán ngắm rừng cây chim cướp trái,
Buồn trông mặt nước cá tranh mồi!
Nhàn du lặng viếng hồ hoang vắng,
Quạnh quẽ, âm u, dạ ngậm ngùi!”
Hồ Than Thở gắn liền với bao truyền thuyết tình sử thật buồn đã như có ma lực hấp dẫn biết bao du khách đến đây ngắm nhìn mặt hồ phẳng lặng trầm ngâm, để nghe tiếng lá thông rì rào trong gió, và để thả hồn đồng cảm mộng du cùng huyền sử xa xăm. Cảnh vật quanh hồ nên thơ. Nước hồ luôn phẳng lặng. Xưa kia cảnh sắc ở đây dường như chỉ còn nghe vi vu tiếng gió nhẹ, tiếng thông reo như thở than nức nở. Và vì thế đã có bao nhiêu truyền thuyết về những cuộc tình duyên oan trái xưa mượn nước hồ để giữ mãi mối tình chung thủy.
Nếu có dịp ra ngồi dưới gốc thông cạnh hồ, lắng nghe tiếng nước sóng sánh trên mặt hồ như ai đó đang thầm thì cùng đất trời? Hay tiếng thở than của cô Thủy phát ra từ ngôi mộ chênh chếch trên triền đồi, than tiếc cho kiếp hồng nhan bạc mệnh, lòng du khách không tránh khỏi bùi ngùi xúc động khi nhớ đến một chuyện tình.   
Nhà thơ QUÁCH TẤN từng với HÀN MẶC TỬ ghé thăm hồ Than Thở và viết lại kỷ niệm về chốn này:
“Rồi chúng tôi lên ngựa đi thẳng đến Hồ Than Thở (Lac des Soupirs). Hồ này không đẹp bằng hồ Đà Lạt và cũng không có gì đặc sắc. Nhưng vì nghe tên thấy hay, nên ai cũng ưng đến.
Tử hỏi:
- Vì sao lại gọi là Hồ Than Thở?
Không ai biết rõ vì sao. Một ông bạn nói:
- Nghe đâu ngày xưa có người con gái bị tình phụ, đến trầm mình nơi đây. Rồi những đêm trăng, hồn oan hiện lên ngồi nơi bờ hồ than thở, tiếng nghe não nùng.
Một ông bạn khác cười:
- Đã có ai trông thấy hồn cô ấy hiện lên chưa?
Tử thật thà đáp:
- Chắc có, người ta mới nói chứ.
Tôi cười:
- Nơi đây thỉnh thoảng có dấu chân cọp ra uống nước. Vậy ban đêm ai dám đến mà thấy được. Nhưng thử hỏi ai đã thấy chị Hằng Nga, nàng Chức Nữ, thế mà cũng có cung Quảng, bến Ngân.
Chúng tôi lấy bánh trái ra ăn, rồi nằm lăn trên cỏ, dưới bóng thông mà nghỉ. Trời không mây. Nắng trong và dịu. Nhựa thông bay phảng phất trong gió trưa. Bốn bề im phăng phắc. Tử nằm ngửa mặt lên trời, lim dim đôi mắt... Không mấy chốc tiếng ngáy nghe khoan khoái và đều đều. Tôi nói cùng một ông bạn:
- Ai mới đến Đà Lạt cũng ăn no ngủ khoẻ. Tôi có đứa ở tên thằng Tắc, tôi đem từ Phú Phong lên. Khi mới tới, một buổi trưa, tôi sai nó quét phòng khách. Phòng khách không rộng, nhưng ngót cả giờ đồng hồ vẫn không thấy nó trở lui, tôi bèn ra xem, thì eo ơi! Nó nằm sải dưới nền nhà, đầu gối lên chổi ngủ ngon lành...!
Tử đương ngủ, vùng bật cười:
- Tôi không gối chổi mà ngủ cũng rất ngon lành, và đang nằm mộng thấy cô gái hồ Than Thở...
- Cô ấy có nói gì không?
- Chưa kịp nói gì thì ông làm tôi tỉnh mộng. Anh tệ quá!
Các bạn nghe chúng tôi nói chuyện cười đùa, đều trở dậy hết. Rồi mỗi người mỗi câu, mỗi chuyện, cười cợt cho đến xế bóng mới lên ngựa ra về.”
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG có dịp từ Sài Gòn lên Đà Lạt ghé thăm hồ cũng cảm khái tả cảnh hồ với bài “Bên hồ Than Thở”:
“Bên hồ in bóng áng mây tan
Lặng lẽ tâm tư vọng ngút ngàn
Đồi vắng bơ vơ bia mộ đá
Rừng hoang lạc lõng cánh hoa lan
Vi vu gió lạnh lòng than thở
Xao xác thu vàng dạ thở than
Người có dừng đây cho nhắn nhủ
Nỗi niềm câm nín vẫn miên man.”
Sư HUYỀN KHÔNG cũng kể lại chuyện tích về hồ Than Thở: 
“Bên trên triền đồi của hồ Than Thở có ngôi mộ của cô Thủy. Nghe đâu người ta bảo, Cô là con gái của ông bà Giám đốc hãng Savon Việt Nam ở Sài Gòn. Cô Thủy yêu cậu Tâm, một Trung Úy vì nhà nghèo nên cha mẹ cô không cho phép cô Thủy thành hôn với cậu Tâm và vì vậy, cô Thủy đã đến thác Gougah tự tử. Tuyệt mệnh thư của cô yêu cầu cha mẹ chôn cô tại hồ Than Thở và dựng cho cô tấm bia có hai câu thơ:
“Non xanh nước biếc dù thay đổi
Nghìn năm Thủy mãi sống trong Tâm.”
Ngôi mộ này dần dà trở nên linh thiêng. Tuần nào cũng có người mang hoa tươi đến để cầu nguyện. Nghe người ta nói hoa tươi này không phải của cậu Tâm mà là của những đôi trai gái yêu nhau mà không được cha mẹ cho phép cưới nên đến cầu cô phù hộ. Thế rồi thời gian trôi qua, tôi đi du học Tokyo trở về ghé lại hồ Than Thở thì cái bia với hai câu thơ trên không còn nữa! Những đôi nam thanh nữ tú nào mà không đau khổ, họ thường dẫn nhau đến rừng Ái Ân (Forêt de l'Amour) ngồi tâm sự.”
Có người lại kể rằng có hai nấm mộ trên đồi thông. Một truyện tình có thực, đẹp và lãng mạn. Truyện kể rằng: “Có một chàng trai sinh viên trường võ bị tại Đà Lạt. Chàng yêu một cô gái rất xinh đẹp, cũng người Đà Lạt, nàng tên Thảo. Chàng và nàng thề thốt yêu nhau trọn đời. Chàng dự định trong tương lai khi tốt nghiệp rồi sẽ cưới nàng. Nhưng khi ra trường và chọn xong binh chủng thì chàng sĩ quan trẻ tuổi này chẳng may tử trận trên chiến trường. Nhận được hung tin thì nàng, người vợ chưa cưới của chàng, tự cuốn một vành khăn tang trong lòng, hàng ngày vẫn thường đến bên đồi thông nằm gần trường võ bị để tìm lại dấu vết tình xưa và hình ảnh cũ của người mình yêu. Nơi đây là nơi hai người thường hẹn hò nhau thuở trước. Một hôm có lẽ vì quá thương nhớ, nỗi tuyệt vọng dâng trào đến tột cùng, nàng gieo mình xuống hồ tự tử cho trọn tình và vẹn thề với người mình yêu. Cảm động trước mối tình chung thủy này người ta để hai nấm mộ bên nhau trên một đồi thông vắng vẻ.”
Một số tư liệu viết về hồ Than Thở cũng thường nhắc đến câu chuyện “Hoàng Tùng và Mai Nương”: “Hoàng Tùng chia tay Mai Nương bên bờ hồ Than Thở, ra đi theo nghĩa quân Tây Sơn. Nghe tin Hoàng Tùng tử trận, Mai Nương nhảy xuống hồ tự vẫn. Mấy tháng sau, Hoàng Tùng trở về nhưng Mai Nương không còn nữa. Khi nghe tin triều đại Tây Sơn sụp đổ, Hoàng Tùng buồn bã nhảy xuống hồ chết theo Mai Nương. Từ đó mỗi sáng, mỗi chiều ngàn thông bên hồ lại nổi lên khúc nhạc bi ai than thở cho đôi trai tài gái sắc vì nước trọn tình yêu, do đó hồ này về sau gọi là hồ Than Thở.”
Nhưng có người phê bình rằng đây là sự tưởng tượng vì vào thời Tây Sơn, người Việt chưa định cư trên cao nguyên Lang Biang và ở vị trí của hồ Than Thở hiện nay chỉ có một cái ao nhỏ. Mãi đến năm 1920, người Pháp mới cho đắp đập chặn nước lại tạo thành hồ cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt.
Khi nghe người ta kể lại những truyền thuyết trên về cái hồ đẹp đẽ và thơ mộng này, nhà thơ CAM LĨNH cũng cảm hứng viết bài thơ “Chiều thu qua hồ Than Thở”:
“Vàng gieo ngấn nước ánh dương chiều
In đậm hồ thu bóng liễu xiêu
Du khách lên xe đồi quạnh quẽ
Mục đồng về xóm bãi đìu hiu
Khóc người trinh nữ cành sương đẵm
Gợi cảnh hoàng hôn chiếc lá vèo
Đâu tiếng Thở Than - làn sóng vỗ
Qua cầu ghé nón lạnh bay theo.”
Xúc động vì truyện mối tình tại hồ Than Thở nên nhạc sĩ HỒNG VÂN mới sáng tác ra bài hát “Đồi thông hai mộ”:
“Một chiều rừng gió lộng một chiều rừng. Nhớ chuyện bên đồi thông. Nàng năm ấy khi tuổi vừa đôi chín. Tâm hồn đang trắng trong. Như chim non khi ăn còn chưa no. Khi co còn chưa ấm. Tuổi thơ ngây bao nhiêu chuyện mưa nắng. Nắng mưa lo một mình.
Rồi nàng buồn thơ thẩn chẳng còn ngồi trang điểm qua màu phấn. Để phai úa đến tàn cả hương sắc tháng ngày luôn héo hon. Hoa không tươi khi hay nàng ít nói. Chim muông ngừng tiếng hót. Trời không thương nên đêm đổ giông tố. Cướp đi cuộc đời nàng.
Sao người về đây để tìm nhưng. Thôi đã mất còn đâu. Ôi! Buồn làm sao, đồi thông xưa. Nay vắng bóng người yêu. Ôi! đời hợp tan, hợp rồi tan. Như mây kia gặp gió. Chàng tương tư bao năm về bên ấy. Vắng đi từ đấy!

Rồi mộ chàng đã được ở cạnh nàng. Như lời xưa thề ước. Nằm hiu hắt đến ngàn thu an giấc dưới mộ sâu đất khô. Qua bao năm rêu xanh phủ che kín. Âm u chẳng nhang khói. Trời xui chi trên cây còn lá úa. Lá xanh kia rụng rồi...”  
VIỆT TRANG cũng cảm khái viết vần thơ vịnh “Hồ Than Thở”:
“Than thở tên hồ não thế gian
Hay dư âm gió vọng lau ngàn
Một làn bích thủy trong như ngọc
Vài phiến hoàng vân óng tựa vàng
Dạ thảo hương đưa về lối quạnh
Thùy dương bóng ngả giữa rừng hoang
Xót xa ân ái chưa tròn mộng
Mộ đá bên đường lặng thở than.” 
LÊ UYÊN PHƯƠNG cũng rung cảm trước cảnh hồ và sáng tác bản nhạc “Bên hồ Than Thở”:
“Chờ em đến đây đem ngàn phấn hương. Màu môi vẫn tươi trong nắng chiều. Vòng tay âu yếm muôn ngàn mến thương. Đàn ơi hãy quên đi ngày gió sương.
Yêu trong lời ca đôi chim bay xa. Lướt cánh tung mây nắng ấm đem vui. Đến yêu thương này. Những năm lìa chốn kinh kỳ. Vẫn mơ tìm đến nơi này. Áo em màu trắng yêu kiều. Tóc xanh cuộn mây.
Yêu trong cuồng si. Yêu đôi bờ vai. Mắt biếc thơ ngây áo trắng tung bay. Nắng hôn chân mày. Biết trong màu nắng tươi này. Biết trên hồ mến yêu này. Biết em ngại những mong chờ. Khóc trên bờ vai… La la la la la la. Nắm tay cùng đến nơi này cùng hát bài ca sum vầy. Mà quên đau thương.  Sầu không vấn vương.
Yêu trong tình say. Em ơi từ đây. Mãi mãi yêu em. Mãi mãi thương em tóc xanh vai gầy. Hái hoa nhặt bướm nơi này. Hát chung bài hát sum vầy. Áng môi ngời sáng ân tình. Nắng yêu bờ vai…”       
Hồ Đà Lạt được nhắc đến nhiều. LỆ HẰNG trong một tác phẩm đã tả cảnh hồ Đà Lạt trong sương phủ khi đang “say ái ân”:
“Thành phố chìm trong biển sương mù, đèn vàng vọt hắt hiu trong gió lạnh. Mặt hồ lảng vảng bóng sương mơ, có khói sương nào dật dờ như tôi không tình yêu mến, không nơi nhớ thương. Tôi khoanh hai tay trước ngực, ngó mông ra cánh hồ không bờ không bến ngút mù sương, những hàng cây thì gục đầu buồn bã không nói chuyện với nhau, những ngọn đèn đường thì trầm ngâm như triết gia suy nghĩ chuyện đời. Có loài hoa dại nào run trong gió lạnh ven đường phố, có ngôi nhà trắng tên Thiên Nga ủ trong rừng hoa mimosa lá rụng cánh bạc, hoa rụng áo hoàng phái xưa. Đà Lạt đang chìm trong mộng, đang say ái ân…”
Trích: “ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ”

Ngô Tằng Giao
Theo http://www.dalatdauyeu.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...