Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

“Bến đợi” khắc khoải một tình yêu

“Bến đợi” khắc khoải một tình yêu
(Về tập thơ “Bến đợi” của Nguyễn Thị Kim Ngân)
“Bến đợi” của Nguyễn Thị Kim Ngân là một tập thơ để lại cho tôi ấn tượng tốt. Thơ chị lấy cảm xúc từ tình yêu người thân (yêu mẹ, yêu con, yêu thày, yêu bạn...), yêu quê hương đất nước (yêu làng xóm, yêu cảnh vật quê hương), nhưng bao trùm và nhiều hơn cả là tình yêu lứa đôi.
Tình yêu trong thơ chị thường trực trong mọi lúc, mọi nơi. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở đâu, mọi cảnh vật mà chị bắt gặp cũng đều có thể tạo cảm xúc cho chị, cũng trở thành cái cớ để chị làm thơ thể hiện tình yêu của mình. Trong đêm Noen đi nhà thờ, khi đi tắm biển Sầm Sơn, đi nghỉ mát ở Thịnh Long, một gói quà sinh nhật, trên bờ đê, biển, một ngọn gió... cũng trở thành nguồn cảm hứng tình yêu trong thơ chị. Thơ tình yêu của chị thật buồn, thật khắc khoải, thật da diết, vừa táo bạo, mãnh liệt đến không kìm nén được, vừa vị tha, dịu dàng, đằm thắm đến nao lòng. Tôi nhận ra đằng sau nỗi buồn vì yêu, vì thương, vì nhớ chính là niềm hạnh phúc, sung sướng của nhà thơ - người đang yêu.
“Anh” là cái cớ, là nguồn cảm hứng để Kim Ngân làm thơ thể hiện tình yêu của mình. Tình yêu trong thơ chị được thể hiện dưới nhiều góc độ, trạng thái, cung bậc khác nhau. Tình yêu của chị đến độ chị ghen cả với gió và nắng, cái ghen vô lý mà thật có lý, thật đáng yêu:

Em không thích đâu làn gió
Mơn man trên mái tóc anh
Em ghen với ngàn sợi nắng
Hôn má môi anh ngọt lành.

     (Nói với anh)
Nỗi nhớ “anh” của chị da diết đến giằng xé, vừa nhớ mong vừa không dám chạm vào những kỷ niệm xưa vì sợ nỗi nhớ sẽ làm mình không chịu nổi:
Con đường ta đã cùng đi
Em không muốn đến... nhưng vì nhớ anh
... Bên hồ liễu cứ lả lơi
Mình em - chẳng dám đến ngồi... ghế xưa.

          (Một mình)   
Điểm nhấn của câu thơ kết thật rõ ràng: “Mình em”, làm cho sức nặng của sự đơn lẻ tăng lên rất nhiều. Dấu ba chấm ở câu này tạo cảm giác về sự dùng dằng, rất muốn mà không dám.
Trong khung cảnh ồn ào sóng nước Sầm Sơn và nhộn nhịp khách thập phương, chị vẫn nhớ đến người thương, cái nhớ mơ màng, nhè nhẹ mà sâu lắng:

Râm ran giọng nói, câu cười
Hình như có tiếng của người em thương.

(Ghi ở biển Sầm Sơn)
Khát khao “anh”, chị luôn trong tâm trạng đợi chờ mong mỏi, để rồi thất vọng và lại hy vọng trong sự đơn côi trống vắng của mình giữa đông vui cuộc đời:
Ngóng trông, hò hẹn, đợi chờ
Nghe đơn côi giữa bãi bờ đông vui.

(Tắm biển) 
Có lúc tình yêu trong thơ chị mãnh liệt, táo bạo, thôi thúc như “Con ngựa bất kham trong lồng ngực, Ai đã lấy mất dây cương”. Không kìm nén được lòng mình, chị thốt lên:
Anh đừng là mưa bóng mây
Hãy là mưa giông ào ạt
Để bõ lòng em khao khát
Đôi mắt buồn... em uống thoả thuê anh!

(Khát)
Tôi rất thích những bài thơ tình chị thể hiện trạng thái tình cảm của người “ván đã đóng thuyền” đối với người yêu cũ. Cái tình còn âm ỉ cháy, cái tình còn nồng nàn cháy nhưng lại phải kìm nén trong âm thầm, lặng lẽ:
Có nỗi đau không nói hết bằng lời
Giữa sa mạc mênh mông khi nào ta đỡ khát
Có niềm vui không được hát
Cứ âm thầm, lặng lẽ lặn vào tim.

(Anh có biết)
Em bừng bừng như đứng trước giàn thiêu
Lại phải nghĩ là tảng băng bắc cực
Em tan chảy trong ngập tràn sông ký ức
Mơ thuyền tình về với bến bờ yêu.

(Bến bờ yêu)    
Bao con sóng biển đời giằng xé
Yêu anh nhiều! Nhưng không thể... Anh ơi!

(Trước biển)
Yêu “anh” biết bao nhiêu, nhưng khi anh đã có người khác rồi thì chị lại mừng cho anh và âm thầm nén chịu buồn riêng:
Mừng anh có thêm một nửa
Nửa tôi: nén tiếng thở dài

(Lạc lối)
Theo tôi, “Anh” trong thơ chị mà chị lấy làm nguồn cảm hứng bất tận cũng chính là... THƠ:
Mãi là câu thơ bỏ ngỏ
Để anh - thi hứng theo về.

     (Nói với anh)
Vì “anh” - Thơ ấy mà chị trăn trở, khắc khoải, đau khổ, kiếm tìm, khao khát không yên. “Anh” - Thơ là bến đợi, là cái đích mà con thuyền tình - thuyền thơ của chị suốt đời hướng tới:
Tôi như con thuyền giữa biển đời giông bão
Khao khát suốt đời nột bến bình yên.

          (Thuyền giữa biển)
Tôi cứ băn khoăn, nếu con thuyền chị cặp bến bờ bình yên, không còn bão giông cuộc đời nữa, liệu chị có còn thi hứng và làm thơ hay được như Bến đợi không?
Một số bài thơ của chị ở thể loại lục bát ngọt và quyến rũ, gần gũi với cách nói dân gian. Tôi rất khoái khi đọc những câu sau:

Ước mình là chiếc thuyền trôi
Cùng anh góc bể, chân trời lênh đênh.

                      (Ước)
Thế rồi ngày rộng, tháng dài
Người mua hoa cưới cho ai cài đầu?
Hoa ngày xưa ấy nay đâu?
Để tôi đứt gánh giữa câu... tròng trành.

                (Một thời xa)
Gió non như gọi như mời
Xô nghiêng cái nhớ của người đang yêu.

             (Một thoáng xuân)   
Mênh mông gió thổi sân ga
Bao người sao cứ thừa ra một người
Tàu đi để lại mình tôi
Tóc bay dài mãi về nơi... một mình.

            (Trên sân ga)    
Nói về sự cô đơn, trống vắng sau khi tiễn người thương đi xa như bài Trên sân ga của chị thật tài tình. Chị ý thức rất rõ ràng về sự “một mình”, nên câu “Bao người sao cứ thừa ra một người” chính là câu khẳng định dưới dạng câu nghi vấn. Hình ảnh người con gái trên sân ga với “Tóc bay dài mãi về nơi… một mình” thật sáng tạo và đẹp đẽ.
Bài “Phải lòng” là một trong những bài thơ tình khá. Tác giả gửi tâm sự của mình trong hình ảnh nhân cách hoá của con đê và dòng sông. Hai câu kết bật ra thật bất ngờ, thú vị làm ý tình sáng bừng lên:
Cớ sao sông cứ lượn vòng
Để con đê - Kẻ phải lòng... lượn theo?
Nếu không có câu kết trên, bài thơ cũng chỉ là một bài bình thường, không hơn vè là mấy:
Sớm nào thả bước trên đê
Bên anh bỗng thấy say mê tình đời
Dưới sông thuyền cứ êm trôi
Trên bờ hai đứa - hai người lang thang
Cánh cò chấp chới bay ngang
Mặt trời nghiêng nắng nhuộm vàng mặt sông.
Những hình ảnh trong đoạn thơ trên không mới, lại được ngắt nhịp hai, tạo cảm giác đều đều, đơn điệu. Nếu cứ tiếp tục như thế sẽ thành nhàm chán. Thật may là câu kết đột nhiên chuyển nhịp 3 - 3 - 2 đã phá vỡ sự đơn điệu, đọc nghe mạnh hơn. Từ “Kẻ phải lòng” là cách nói dân gian nói về tình cảm của người đang yêu, nhưng mạnh mẽ, dứt khoát hơn hẳn “kẻ đang yêu”. Theo tôi, chính điều này làm bạn đọc thích thú và bài thơ “đứng” được cũng là nhờ thế. Nó nâng tầm bài thơ lên rất nhiều.
Bên cạnh nhiều bài hay, tập thơ còn một vài bài, hoặc vài câu chưa hay. Chẳng hạn câu sau đây nó có vẻ ít chất thơ:

Nơi Thủ đô gác tía, lầu son
Con chớ a dua, cũng đừng lạc lõng
Vạn sự khởi đầu... Mẹ luôn hy vọng 
Tin ở mình con bước tới tương lai.

(Nói với con)
Hoặc ngay ở khổ đầu của bài Nói với con:
Mẹ vẫn chưa quen con đã đi học xa
Khi nấu cơm cứ thừa ra một suất
Lúc sắp mâm thấy thừa đũa bát
Mới biết rằng con đã đi học xa
Tứ thơ hay nhưng sao đọc lên, cái từ “mới biết” nó cứ “mắc nghẹn” trong cổ tôi. Cái sự “con đi học xa” là việc đã diễn ra đối với chị, tức là chị đã biết, nhưng vì yêu con và quen chăm sóc con, luôn nghĩ con ở bên mình mà quên rằng con đã đi học xa và rồi một lúc nào đó chợt nhớ ra... Cái từ “mới biết” trong khổ thơ nó cứ gượng ép thế nào ấy.
Xưa nay có nhiều người làm thơ, có người có trăm bài, có người tới cả nghìn bài, nhưng rất ít người còn lại một vài bài, thậm chí một vài câu lắng đọng qua nhiều thế hệ.
 Bến đợi của Kim Ngân có một số bài, một số câu thơ hay cũng đã là thành công đáng quý lắm, nhất lại là tập thơ đầu tay của chị - một giáo viên dạy toán.
Năm mươi sáu bài thơ trong “
Bến đợi” đều là những bài ngắn, nhẹ nhàng, dễ đọc. Dường như Kim Ngân làm thơ chỉ để gửi gắm tâm sự của riêng mình, ghi lại những trạng thái tình cảm, những cảm xúc và sự việc trong đời mình. Chính vì thế mà thơ chị vừa tự nhiên, vừa chân thật và có sức thuyết phục, truyền cảm tới người đọc. Với Bến đợi, Kim Ngân góp thêm một giọng điệu (tuy chưa rõ nét), làm phong phú và đa dạng cho mảng thơ và thêm một cây bút có triển vọng trong đội ngũ tác giả thơ nữ Nam Định. 
Trần Mỹ Giống
Theo http://vannghenamdinh.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...