Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Mây trắng ơ hờ, mây trắng bay

Mây trắng ơ hờ, mây trắng bay…
Thời nào Mai Xá cũng có những người con được hòa khí của sông nước đúc nên để rồi tạo ra cái bề dày truyền thống, nhân văn cho ngôi làng. Chỉ ở họ Bùi thôi đã có bao nhân tài lỗi lạc hiến trọn cuộc đời dấu yêu của mình cho sự nghiệp nhà Tây Sơn. Ngài Chánh chỉ huy sứ thi đỗ Hương cống, vị quan cao tuổi trong triều Tây Sơn, tước Trọng Đức hầu ấy mà khi Gia Long thống trị đất nước, ông thối lui, tìm về với ruộng đồng giúp việc cho làng. Giàu có vạn tiền, ruộng liền một dải, đa phú, đa thọ, đa tử; nhiều của, nhiều tuổi, nhiều con, công trạng đặc biệt. Chỉ huy Tiền đạo Thủy quân cũng vị tướng giỏi của nhà Tây Sơn đánh vào căn cứ mạnh của địch trăm trận, trăm thắng, sức khỏe bẻ gãy cây tre, kê cối đá trên bụng cho người giã trắng gạo, rượu uống bao nhiêu cũng không hề say… Thế mới biết mảnh đất Tam Giang thu tận tam giang thủy, gan Mai Xá như đá Hảo Sơn. Vào mỗi dịp hè hàng năm vua Duy Tân thường cùng mẫu hậu ra nhà Thừa Lương nghỉ mát. Nghỉ mát có mẹ đi theo là lấy cớ che mắt giặc Pháp. Trong những chuyến đi như thế nhà vua cùng những người thân tín ở Quảng Trị nhóm họp tại Cửa Tùng, bàn việc cứu nước, hạ chiếu Cần Vương. Nhờ thế Quảng Trị ta bấy giờ có đến sáu vườn đạo tụ nghĩa. Vườn đào Tường Vân của cụ Lê Thế Vỹ, Cam Lộ - Khóa Bảo, Linh Yên - đề đốc Lê Thanh Đốc, Bồ Bản - Ấm Muộn, Bích Khê - Hoàng Giáp Hoàng Hữu Bích và có cả vườn đào Mai Xá của cụ tú tài Trương Quang Cung, bí mật truyền nghĩa khí, thổi vào hồn những thế hệ con em mình lòng yêu nước khi ở Bến Đục, khi ở Lời Mai Xá, nối tiếp nổi lên trên nền trời làng Mai nhiều thế hệ cách mạng tiền bối không sao đếm xuể. Cụ Trương Khắc Khoan, Trương Quang Phiên, Trương Quang Côn trong phong trào VNTNCMĐCH. Khí phách chỉ mỗi họ Trương, cũng đủ cho nhà chí sĩ Hoàng Hữu Huy (nhóm Bích Khê Hoàng Gia Thi Phái) đề thơ ca tụng: “Trương Quang ông Trợ thơ trăm cuốn, Trương Khắc thầy đồ lúa vạn lương. Trương Hữu vịt đàn nhà phó Tạo. Trương Công bạc vạn tủ ông Cương. Trương Văn thầy Táo lu đầy rượu”.
Đâu chỉ có sự giàu bạc vạn, vịt đàn, lúc vạn lương mà còn thơ trăm cuốn và lu đầy rượu. Thầy Táo rượu hành nghề thuốc bắc, lại là nhân vật chủ chốt trong Tiên Việt Thương điếm, một cơ sở làm kinh tế cho tổ chức VNTNCMĐCH. Không riêng thi sĩ Trương Quang Trợ thơ trăm cuốn mà bước vào những thập niên hai và ba mươi của thế kỳ này làng Mai Xá xuất bản đến ba tờ báo viết tay: Xuân làng Mai, Đế quốc Việt Nam, Ngày mới. Tô Khuyến, Hải Đường, Bùi Kiểu, Nguyễn Duy Hinh, Trương Công Cẩn, Trương Công Huỳnh là những trí thức, nhà giáo yêu nước làm chủ nhiệm, chủ bút những tờ báo ca ngợi người và quê hương, hả cái nỗi phẫn uất, công khai sôi nổi luận bàn thời cuộc, góp phần đưa quê hương đất nước bước lên con đường thiên lý, rẽ sang một bước ngoặt lịch sử. Sẽ vô cùng thiếu sót khi không nhắc đến những nhà văn mù chữ làng Mai như cụ Tạ Kiềng, Lê Sịch. Tôi lấy làm lạ và xúc động vô cùng khi biết cụ Lê Sịch, nhà văn bình dân chân lấm tay bùn đến đọc cho ban biên tập chép lại và yêu cầu tờ Xuân Làng Mai đăng thơ của mình. Một trong những bài thơ đáo để, dân chủ bình đẳng mà bạo liệt đến nhường này bởi những cảnh đời có thực này: “Đồn rằng tờ báo Làng Mai, Viết toàn nhà ngói làng Mai nhà giàu. Nhiều anh phải ở ràn trâu (1), Bát cơm còn thiếu lấy đâu ra nhà? Như tui ông Sịch làng ta, Moi cua bắt cá sớm trưa dưới rào (2), Nửa người khô nắng nhức đầu, Nửa người ướt át lạnh vào thấu xương… Mụ Dưỡng ở tận cuối thôn, Vào lòn ra cúi dáng thương thân già. Chuyên lo công việc đàn bà, Ai đau trở dạ gần xa đến mời. Mụ đi tất cả ngược xuôi… Đàn bà trọng đàn ông thì khinh, Công ơn chưa trả nhân tình trớ trêu. Làng Mai còn có kẻ nghèo, Muốn báo nên viết cảnh gieo neo này…”
 Tri thức, dân cày làng Mai mở nền văn học dựng đài văn chương là thế. Và có ai ngờ đâu rằng nhiều cuốn tiểu thuyết, ký sự, truyện ngắn ra đời ở làng Mai trong giai đoạn này. Trăm hoa đua nở, nhiều vở kịch nói, tuồng, cải lương, chương trình văn nghệ ngoạn mục, bổ ích được biểu diễn công khai ở sân đình, quán chợ lan ra đến hàng Huyện, hàng Tổng. Hai cây dương trăm tuổi chọc trời trước đình chọn làm chòi phóng loa ngày đêm truyền đi nội dung của ba tờ báo, báo hiệu một cuộc đời mới bắt đầu. Và lẽ tất nhiên ông Trương Công Đồng diễn thuyết ngoài Gò, bà Lê Thị Diệu Muội, Hoàng Thị Quả diễn thuyết ở chợ Mai về Việt Minh và một ngày khác nữa, anh Hồng Trường diễn thuyết ở đình làng kêu gọi bà con sẵn sàng chờ lệnh Việt Minh đi cướp chính quyền. Ngọn cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được cắm lên ngọn cây ngô đồng rợp bóng giữa chợ phấp phới trước ngọn gió nồm lồng lộn. Cái cảnh đào nguyên: ngày hội họp đình làng vang tiếng trống, chợ làng Mai đã mấy trăm năm nhộn nhịp bốn mùa ngày mưa ngày nắng nay thêm đông đầy chật ních bến đò ngang…
Tất cả ngắn ngủi như giấc mơ qua của thời vàng son quá vãng. Chưa nơi nào mảnh làng quê trù phú, yên ả thanh bình trải qua những biến cố điêu tàn thảm khốc trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc để những địa danh, tên đất, tên người rung động đi vào lịch sử dân tộc như ở làng quê Mai Xá thương đau! Có cái gì vừa anh hùng vừa nghệ sĩ, hoành tráng mà thi ca ở quê hương này.
Đã nửa thế kỷ trôi qua rồi còn gì, kể từ năm bốn bảy giặc Pháp quay trở lại đóng đồn bót ở Nhĩ Hạ rồi Mai Xá Chánh. Bà Nguyễn Thị Hồ, bảy tư tuổi ngụ ở xóm Ngư bấy giờ là nữ dân quân cảm tử; Ông Bùi Thanh Tân, người lính già thuở Trung đoàn 95, nhập ngũ sau sự kiện “Làng Mai uất hận” rành rọt kể lại cho tôi hay tấm thảm kịch của hai bà mẹ liệt sĩ làng Mai thần đồng năm xưa đã đi vào huyền thoại mẹ “Bà mẹ Gio Linh”- Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng bằng những hồi tưởng căm giận và yêu thương sâu sắc, bằng một lòng căm thù bất cộng đái thiên: “Bọn Tây đồn Nhĩ Hạ, dân thôn Mai tôi phỉ nhổ đời đời”.
Giặc đóng đồn bắt lính, bắt phu, trẻ già cũng cầm tù, bắn giết. Ngày ngày tiếng giày đinh dày xéo, đêm đêm về súng nổ vang trời. Không ngày nào không diễn ra cái cảnh tang tóc:
Mai chung gối chiều về than vợ mất
Đêm hàn huyên mai sớm khóc chồng
Mái đầu xanh chưa kịp để tang ông
Giặc lại tiếp vây lùng bao bắn cháu…(3)
 Tiếng khóc như ri, nghẽn đường thôn xóm. Ruộng cày bỏ trắng, bao chiến sĩ đông xung tây đột và trong chiến đấu, một phút sa cơ rơi vào tay giặc. Xã đội trưởng Nguyễn Đức Kỳ, thầy giáo Nguyễn Phi (cán bộ Bình dân học vụ) là hai chiến sĩ bị Tây đồn Mai Xá vây càn, bắt được ở Miếu Đôi trong Lòi Mai Xá, đưa ra đồn Nhĩ Hạ vào một sáng trời thu ảm đạm, làng xác xơ như lá gặp bão đùa. Đấy là sáng 19-8-1948, anh Nguyễn Đức Kỳ lớn lên trong gia đình nông dân khá giả ở Mai Xá Thị. Gia đình sinh sống bằng nghề ấp vịt, cung cấp cho cả Thị trường Gio Linh ra tận Quảng Bình. Bố anh họ Nguyễn, tên Diêu, mất sớm; mẹ Lê Thị Cháu tần tảo nuôi bốn con trai, nên về sau có lời nhạc “Mẹ già mồ côi yêu nước có kém chi” là thế. Trước cách mạng Tháng Tám, làng Mai có hủ tục sinh con gái đồng loạt đặt tên giống nhau. Nhà nào cũng có Nậy, Con, Cháu, Đỉu… muốn phân biệt phải kèm theo tên cha mẹ đằng sau hoặc kèm tên chồng. Mẹ cháy kèm tên chồng, thường gọi Diên Cháu, nổi tiếng nhân hậu, thơm thảo. Ai thiếu mẹ cho, đói san cơm, lạnh sẻ áo. Nhân đức là thế, một gia đình đầm ấm, sum vầy là thế mà chỉ trong hai chụ năm hết Pháp đến Mỹ ra tay tàn sát, tan nát cả một gia đình. Thấm máu và nước mắt, ba thế hệ dồn dập thay nhau xã thân vì nước. Một lần chăn vịt ngang qua phủ đường Vĩnh Linh, Tri phủ khét tiếng Trần Mậu Trinh nghi có tình ý gì sai lính bắt vào tra khảo, người con cả của mẹ tên Ngọc tức tưởi chết. Kế tiếp cái chết thương tâm của anh Kỳ: “Quân thù đã bắt được con, đem ra giữa chợ cắt đầu”  và rồi mẹ Cháu lại đón nhận tiếp cái chết của đứa con trai út, liệt sĩ Nguyễn Đức Thùy, hy sinh anh dũng trong trận công đồn nổi tiếng ở “Con đường 74 hôi tanh máu thù, Khói bom đạn nổ mịt mù, Đoàn xe tan rã xác thù ngổn ngang”. Người con dâu kế bỏ mẹ mà đi trong một vụ thảm sát tập thể, hơn bốn chục mạng người trên bốn chiếc đò thường dân buôn bán bị máy bay “Cẳng chờng”  (Dongke) Pháp cố tình bỏ bom ở vùng Bời Bời, trên dòng Thạch Hãn. Người con trai cuối cùng, anh Nguyễn Đức Khuê xấu số vấp phải mìn Mỹ chết ở Bánh Lái, Mai Thị. Và tai họa cuối cùng, mùa xuân Mậu Thân 1968, mẹ Diêu Cháu đau liệt giường chưa tản cư kịp cùng làng xóm, pháo dàn từ hạm đội Mỹ nã vào làng, nhà cháy, mẹ chết thiêu. Chị con dâu trưởng, đứa con duy nhất còn lại của gia đình chạy về, vừa kịp vùi lấp xác mẹ phía Nam hồi nhà cũng bị tàu chiến Mỹ quét đại liên, bắn gục. Ba thế hệ diệt vong chưa trọn trong hai thập kỷ, khi nợ nước thù nhà chưa trả xong thì vẫn còn uất ức, khí tiết tùng mai còn trộn lẫn giữa chính khí đất trời. Anh Tùng dẫn tôi đến thăm ngôi vườn cũ, nền nhà xưa của mẹ Cháu thật sự đã hoang tàn, chỉ biết cúi đầu mặc niệm. Vừa tủi vừa mừng được biết mẹ còn sót lại ba đứa cháu đích tôn: Nguyễn Đức Huy, Quy và Nghê, nay đã ly quê sinh sống xa làng tận cực Nam Tổ quốc. Các anh ơi, quê nghèo đến mấy mà các anh không thu xếp lấy một người sống ở đất này khói nhang hương hỏa cho ấm cúng mẹ trong lòng đất!
Anh Nguyễn Văn Phi, con ông Cửu Đen và bà Hoàng Thị Sáng. Tiếng rằng ông Cửu, bởi cái tước cửu mua đã ba đời bên làng Bác Vọng chớ ông Đen chân lấm tay bùn chính hãng nông dân xóm Kêng, Mai Xá. Mẹ Sáng người làng Bạch Lộc, lấy chồng theo chồng vào đây, sinh hạ năm con. Đầu lòng hai ả tố nga: Nguyễn Thị Vện Con và Nguyễn Thị Vện Đỉu. Anh em trai gia nhập quân đội, đều là sĩ quan, vị trung tá nghỉ hưu, vị đại úy đã mất. Trước lúc hy sinh, anh Phi có vợ chừng đã ba năm chưa kịp sinh con. Chị Man ở thế, phụng dưỡng bố mẹ chồng hơn mười năm lẻ. Cụ đồ Cung có người con dâu góa bụa chồng sớm, thương cảm mà đề thơ: “Không trung nhất phiến nguyệt. Quả phụ độc niên thời”. Ôi mảnh trăng treo trên kia không tựa như người quả phụ đơn chiếc là thân phận cuộc đời của các chị đó sao? Chị Man ở thế chừng như cả bố mẹ chồng khuất, mới về bên quê Dương Xuân, Triệu Phước, Triệu Phong lấy chồng, con nay đã lớn. Bà Nguyễn Thị Vện Đỉu tuổi đã bảy lăm, đứa con gái đầu, thân nhân duy nhất còn sống ở làng của mẹ Sáng ngậm ngùi kể cho tôi nghe nhiều chuyện mộc mạc chân quê của người em dâu miệt biển. Hơn mười năm nay, chị em bà không gặp được nhau bởi chị Man cũng đã vào Nam sinh sống, ước ao một lần hội ngộ cuối cùng cho thỏa lòng mong nhớ kịp khi mình nhắm mắt.
“Anh hùng mạc bả danh thâu luận, Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu”. Không thế lấy được thua mà luận về người anh hùng, bởi trong vũ trị đã lưu mãi tiếng khen tiết nghĩa. Thì mãi đến giờ, oán đường ấy, hận đường ấy, cừu thù đường ấy dân làng Mai còn kể lại rạch ròi bằng diễn ca về cái chết bất tử của trai làng.
Đêm xuống trong đồn Nhĩ Hạ chúng tra tấn, nhưng “Lòng chiến đấu gan đồng dạ sắt, Chí căm thù ghi tạc tâm can”. Và đến gần khuya thì nghe những câu khẩu hiệu về lãnh tụ và đất nước của mình:
Họ hô lớn: Độc lập muôn năm!
Họ hô to: Hồ Chí Minh muôn năm!
Họ hô vang: Việt Nam bất diệt!
Sáng ra, ngày 20-8-1948, lũ giặc man rợ bắt đầu hành quyết: “Con tôi đâu chẳng có hình hài”, và “Đây là đâu, đây là giữa chợ. Đây là đâu bến nước thôn Mai”; Hai chiếc đầu cái đưa vào giữa chợ, cái ở bến Đò cắm đòn xóc bêu đầu, khủng bố. Trớ trêu và nhục nhã thay cho nền văn minh hoa lệ nước Pháp, những kẻ giết người còn kịp bôi dầu bidăngtin óng mượt, chải chuốt mái đầu xanh. Ôi:
Hai khuôn mặt vẫn còn rạng rỡ
Nét oai hùng ngạo nghễ khinh khinh
Bốn con ngươi sáng chói lung linh
In hình ảnh thù trong đáy mắt
Hai hàm răng hãy còn nghiến chặt
Như an gan nuốt mật quân thù…
 Từ xóm Kênh, rồi từ Mai Xá Thị có ba bóng người phụ nữ nách thúng mẹt xăm măm tất tả, trà trộn giữa đám đông đi về phía chợ. Những ai vậy? Người chị dâu cả anh Kỳ, mẹ và bà thợ Di thím ruột anh Phi đi lấy đầu. Cạnh đấy, bên nách đồn Mai Xá chánh, bọn Tây đồn biết, chúng đi lùng sục cả buổi chiều. Thể chẳng đặng đừng gia đình anh Kỳ lại phải đưa chiếc thúng có cái đầu lên gầm tra cất giấu. Biết làm sao được: “Con ra đi hình hài tuấn kiệt, con trở về có chiếc đầu thôi”. Các mẹ nén chặt đau thương chao nghiêng những mái đầu như thuở nào ôm con trong lòng vỗ về nựng nịu:
Mẹ đây này con hỡi con ơi
Làng xóm đó con hời con hỡi!
Bế con về an nghỉ ngàn thu
Trả xong ơn nhà nợ nước
Thù xâm lược thù chung Tổ quốc…
Cứ như thế các mẹ, các chị dồn nén, chịu đựng đến lúc màn đêm chùng xuống cưa vội những thớt ván vuông vừa khít chiếc đầu, lặng lẽ ra chôn ở nghĩa địa Cồn Go, Mai Thị. Các anh nằm đó đợi bảy năm ròng, năm 1954 giặc rút khỏi đồn Nhĩ Hạ bà con mới kịp lấy xác về, cải táng.
Ba đêm sau tại nhà mẹ Cháu sát nách đồn Mai Xá, quân ta đã về. Bộ đội chủ lực, dân quân du kích xã cùng bà con tổ chức lễ truy điệu. Chính trong buổi lễ này, bà Hồ đội viên đội nữ du kích cảm tử kể lại, bản nhạc “Bà mẹ Gio Linh” cất lên, chính thức chào đời. “Khóc cả thôn, chúng tôi mỗi đứa mỗi tờ giấy, cây bút chép liền, sau rồi ghép lại. Nhờ thế, mà nhớ hết và đầy đủ”… Bài hát tôi nghe cô bè và giai điệu lạ so với bản nhạc có tiếng sau này:
Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con giết giặc đêm ngày
Hờ hờ hơ hờ, hờ hờ hơ hờ…
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi, bát đầy
Hờ hờ hơ hờ, hờ hờ hơ hờ…
Mẹ mừng con giết nhiều Tây
Ra công cuốc vun cày cấy
Hờ hờ hơ hờ, hờ hờ hơ hờ…
“Hờ hờ hơ hờ, hờ hờ hơ hờ…, xen kẽ, ngắt quãng và lặp đi lặp lại có đến mười chín lần trong mỗi lời của bản nhạc. Ôi quý làm sao cái bè trầm mặc niệm, cái bè truy điệu tập thể, sâu lắng mà trầm hùng này. Năm mươi năm rồi, tôi nghe mẹ Hồ hát, không phải trong cái đêm truy điệu chính thức ấy mà khóc.
Tự cổ chí kim, dân tộc nào chiến đấu cho độc lập tự do của dân tộc mình đều sản sinh ra đông đảo những anh hùng. Đất anh hùng sinh mẹ làng Mai và mẹ làng Mai sinh con anh hùng. Chí nối chí và lòng dặn lòng rằng  thù quân xâm lược, vì nước thương nòi mà hy sinh kiệt cùng cho dân tộc, Tổ quốc, làm vinh cho dân tộc là thế.
Trong số gần trăm bà mẹ làng Mai được Nhà nước truy tặng và phong danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, nay còn sống được hai bà: mẹ Trương Thị Con và Trương Thị Thí lại chính là hai chị em ruột. Mẹ Con tuổi đã tám sáu, có chồng và hai con hy sinh, ở với anh Trương Khắc Bền, đứa cháu nội độc nhất. Vợ chồng anh Bền đi làm vắng, ba đứa con anh tha hồ nghịch ngợm từ sân ra ngõ, hết ngày. Mẹ còn ngồi xổm thu lu trên giường, đầu gối quá tai, phóng tầm mắt ra cửa. Tôi rón rén ngồi cạnh mép giường lần cầm tay mẹ. Như thể mẹ nghe ngóng, cảm nhận cái sự lạ quen. Ôi cái cảm giác mơ hồ xa xăm thuở vùng địch hậu, đêm đen ghé vào, các mẹ nắm chặt bàn tay, sờ soạng gương mặt, xoa đầu, xoa lưng. Bỗng như nhận biết, mẹ hỏi: “Thằng Tài đây ti?”, tôi hoảng “Dạ thưa…” và rồi mẹ bảo:
- Con mắt trái mù tịt. Mắt phải rờ rơ rờ rơ, ai vô thì biết mà không chộ ai lại ai?
Hỏi ra được biết, Tài đây là Trương Khắc Tài giám đốc công ty Bảo Việt Quảng Trị, đơn vị đang phụng dưỡng mẹ từ đây cho đến cuối đời. Thú thật rằng khó hầu chuyện, ai đi làm cái việc đánh động vào cõi tâm tư, vết thương lòng của  mẹ trong buổi sáng bình an trong lành này? Mẹ ngồi đó, nắm giữ măn mo bàn tay tôi trên hai đầu gối xương xẩu và chừng hơi ấm đã lan truyền, chậm rãi, điều được điều mất mẹ kể cho tôi nghe những điều hồn nhiên, chưng cất qua năm tháng và sâu thẳm tận đáy lòng: “Trước tết mẹ có đau. Ốm đau thì trong công ty Bảo Việt cho thuốc, có cả sâm đưa về cho uống…”. Mừng ngôi nhà mẹ mới làm, gọn gàng, tươm tất, mẹ bảo:
- Năm ngoái họ chở ra ngoài huyện cho năm triệu về làm nhà. Nó thấu vô mô, toàn Đông Hà cho cấy ni cấy khác. Chi cũng Đông Hà: xi măng, ngói, cửa ngõ chỉ cũng Đông Hà. Mà còn mắc nợ tiền công, tiền mua chác ăn, chỗ ni một mớ, chỗ tê một mớ…
Chặp khá lâu, như sực nhớ ra điều gì mẹ bảo:
- Kỳ nhà mà tuồng dưới (phần dưới) mau, tuồng côi (phần trên) thoa trát lâu…
Nhớ chi nói nấy, mẹ tiếc nuối, nhớ thằng con trai liệt sĩ Trương Khắc Lương theo kiểu cách riêng của mình:
- Cho kỳ thằng nớ sống, chờ (mẹ chậc lưỡi) hắn giỏi giang rứa thì nhà ngói mấy cái ri hắn cũng làm được chớ đợi chi Chính phủ làm!
Nhớ con rồi nhớ cháu, đã trưa chưa thấy anh Bền làm việc ngoài ủy ban về, mẹ nhắc đến anh:
- Hắn đi thì đẻ thằng Bền. Mấy tháng sau ba hắn hy sinh ở Quán Ngang. Đẻ được cái thằng ngoài trạm báo vô chao ui là mừng, không cha bạ chừ (bây giờ) hắn lãng tử… Mẹ còn mỗi đứa cháu đích tôn nhiều điều: “Thằng ni phing phiêu dữ. Làm nhà rồi mà cái bàn chưa có để thờ. Hắn đã làm việc ngoài xã, có tháng mô cầm về được đồng lương…”.
Thì lương anh Bền là suất lương cán bộ văn hóa thông tin xã, tháng tám chục ngàn, công việc không hình không bóng, việc chi cũng làm. Các anh đang vác loa máy cùng đoàn thanh niên đi tuyên truyền dân số, kêu gọi bà con sinh đẻ kế hoạch. Anh tháo vát, khôn ngoan, cái khôn của đứa trẻ mồ côi cha mẹ sớm. Bố hy sinh chưa đầy năm sau, mẹ anh vấp phải mìn thu lôi, chết tập thể trong một buổi sáng gánh bắp về chọ Sớm. Lớn lên trong vòng tay bà nội cùng làng xóm và sự hủy diệt của chiến tranh, yêu thương biết mấy cho vừa, nghiêm khắc bao nhiêu cho đủ cái hụt hửng đầu đời. Tôi biết mẹ mắng yêu cháu chớ trách thì không ai nở.
Chừng như nhớ về đứa con gái yêu mẹ kể:
- Thầy coi tui rồi, tuổi tuất, tuổi ni cực lắm! Con gái tui (chị Trương Thị Tâm). “Mười hai cô gái làng Mai” cũng hy sinh lúc chưa có chồng… chưa hắn tréng đi (tránh) một đứa trongNam chừ còn được đứa con…
Buồn phiền uẩn khúc của mẹ là thế. Nên đêm nào cũng khóc hư cả mắt, cả mũi. Cơ quan phụng dưỡng gợi ý mẹ vào Huế mổ mắt mấy lần, mẹ bảo: “Tra rồi, sống được mấy tháng, mấy năm nữa mà mổ mắt mổ mũi cho đau. Ờ mà bụng dạ mình sáng thì nhìn đâu mà chẳng rõ, chẳng sáng…
Tôi chẳng còn biết làm gì, động viên mẹ giữ gìn sức khỏe ăn ngon, ngủ yên, ra lão sống lâu cùng con cháu. Mẹ bảo: “Ngủ tinh trợ (giật mình) tê. Chộ chi mà tác oai tác quái. Rừng rú, bom đạn, chết chóc…” Ôi! Ám ảnh chiến tranh sao mà triền miên, dai dẳng. Biết đến bao giờ các mẹ trút được nỗi nhọc nhằn và ra đi trong thanh thản, để cũng thanh thản được nỗi lòng của cháu con.
Một đêm trăng lạnh, ba anh em chúng tôi ngủ lại trên chiếc xuồng nan bồng bềnh trong rừng Sác, ngôi vườn thượng uyển cổ kính của làng Mai còn sót lại và phục sinh sau cuộc chiến. Cũng chỉ muốn cách ly, ngủ vùi một giấc sau những ngày loanh quanh tìm kiếm căng thẳng, cũng có chút mộng mơ hồi tưởng lại cái thời kháng chiến tuổi trẻ lăn lộn ở vùng rừng đước sông rạch miền Tây. Trải chiếc chiếu nan lên sạp chiếc xuồng nồng tanh hương vị biển, lau khô chân cẳng anh em tôi leo vào chiếc nệm dã chiến, kéo đắp lên ngực tấm chăn bông Thái mịn màng. Nằm ngửa, đốt thuốc, nhìn trăng. Chẳng ai còn quấy rầy ai, mặc cho chiếc xuồng lênh đênh trong rừng Sác và con người ta cũng tự do trôi trong trường chiêm cảm.
Soi bóng ngôi đình, bức tường thành và cổng tam quan mờ mờ ảo ảo. Tôi cố hình dung ngôi chợ làng Mai nhộn nhịp một thời trước bến đò xưa, nơi mà bây giờ con đường xuyên Á sừng sững vắt qua đã xóa đi gần hết vết tích. Có cây ngô đồng rợp bóng giữa trời thu cách mạng phần phật ngọn cờ đỏ sao vàng. Có những bóng hình bà mẹ làng Mai “Nuôi con đánh giặc đêm ngày”. Có những người con bị giặc đem ra giữa chợ bêu đầu. Rờn rợn dưới ánh trăng suông có hai mái đầu chải dầu bidăngtin óng mượt… Tôi cố xua đi và lắng nghe trong xa xăm giữa không gian tĩnh mịch tiếng chuông chùa Mai Đông Tự reo ngân sau rú Lòi Chàm và ngủ thiếp đi trong nỗi ám ảnh vừa nhọc nhằn vừa bình an như thế.
Giật mình tiếng vạc kêu sương. Tôi bừng tỉnh dậy giữa đêm trăng vằng vặc, hiu quạnh. Trên cao kia, mây trắng ơ hờ mây trắng bay. “Mây sà quán chợ, mây qua đình làng. Mây trắng ngập bến đò Ngang, Mây rung rừng Sác, Mây rung tán bàng”. Vần vũ áng mây trắng lốp, lúc bay bổng lúc la đà chơi vơi mặt nước và bất chợi phủ lên ngôi đình làng Mai như hai ngọn núi. Tôi tỉnh người ra, có ai đó thì thầm bên tai tôi câu nói đã lâu của anh Tư Mã: “Người đời ai cũng vẫn phải chết; nhưng có cái chết nặng như núi Thái Sơn, có cái chết nhẹ tựa lông chim hồng”.
Trong dáng hình biến hóa khói sương kỳ ảo của đất trời mây nước, tôi thấy rành rọt có hai ngọn núi Thái Sơn như thế trước đình chợ làng Mai. Anh Kỳ, anh Phi và các mẹ anh hùng làng Mai ơi, các mẹ các anh đã chết như còn đó thôi.
(1) Rào trâu: Chuồng trâu
(2) Rào: Sông
(3) Làng Mai uất hận- Thơ Bùi Thanh Tân- 1948
Làng Mai, Tết Thượng Nguyên
 Y Thi
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...