Cảm hứng bản thể giải thoát
và cảm hứng cõi
thiên nhiên Phật nhiệm mầu trong tác phẩm
thi ca Hán Nôm của
Thiền phái Trúc lâm đời Trần
Khi bàn về cảm hứng sáng tạo,
Võ Gia Trị cho rằng “Suy đến cùng cảm hứng là một dạng năng lượng của trí tuệ
con người, cái sức mạnh được tập trung cao độ đó giúp họ vượt qua được những
khó khăn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, giải phóng họ khỏi những ràng buộc,
đem lại cho người nghệ sĩ cái cảm giác tự do tuyệt vời nhất trong sáng tạo nghệ
thuật” (1). Và nếu cảm hứng sáng tạo là bản chất của người nghệ sĩ trước cái đẹp,
thì cảm hứng chứng ngộ tâm linh là thuộc tính tất yếu của những con người siêu
phóng, ngập tràn niềm tin trong cuộc hành trì tìm cầu, chứng đạt chân lý. Đọc
thi ca chữ Hán và chữ Nôm của Thiền phái Trúc Lâm, có thể nêu lên những cảm hứng
sau: Cảm hứng bản thể giải thoát, cảm hứng cõi thiên nhiên Phật nhiệm mầu, cảm
hứng nhân văn - thế sự và cảm hứng quê hương đất nước - quê hương Thiền tông thật
phong phú, đầy sáng tạo của các giá trị thẩm mỹ, được bắt nguồn từ sự trực cảm
tâm linh của những tâm hồn nghệ sĩ - thiền gia, thiền sư chứng ngộ. Trong khuôn
khổ bài này xin trình bày hai cảm hứng: cảm hứng bản thể giải thoát và cảm hứng
cõi thiên nhiên Phật nhiệm mầu mà thôi.
1. Cảm hứng bản thể giải
thoát trong thơ văn của Thiền phái
Cũng như các thiền sư đời
Lý, tác giả Thiền phái Trúc Lâm đời Trần diễn đạt tiến trình tu tập, chứng đạt
nguyên lý và sự vận hành của vạn pháp, sự lĩnh hội thế giới tự chứng tự nội qua
thơ văn của mình. Điều lý thú là chúng được trình bày bằng những hình ảnh khá
sinh động bóng bẩy, sinh động và giàu sắc thái nghệ thuật. Về khía cạnh mỹ cảm
này, các tác giả Thiền phái hơn hẳn các thiền sư thời Lý. Lê Văn Siêu trong
sách Văn học thời Lý đã nhận xét khá tinh tế “Người thời Lý đã dùng một
loại thơ trầm lặng và trang nghiêm (không vui, không buồn, không sợ, không đau,
không yêu, không ghét)”(2). Mặc dù, thỉnh thoảng đó đây, chúng ta cũng bắt gặp
các tác giả đời Lý nói về bản thể giải thoát có hương vị hữu tình, nhưng cũng
là những hình ảnh nguyên bản trong kinh điển Đại thừa của thế giới chân tâm thường
trụ, duyên sinh vô ngã, sắc không, hữu vô… trong nguyên lý vạn vật đồng nhất thể.
Trong khi đó, các tác giả
Thiền phái Trúc Lâm thì rất sở trường trong việc hình tượng hóa vấn đề bản thể
giải thoát luận. Điều này là có cơ sở, bởi vì các nhà mỹ học chỉ ra rằng chính
các trước tác kinh điển là “ngọn nguồn vô tận để khơi gợi cảm hứng sáng tác”. Mặt
khác, “ngoài giá trị gợi ý khuynh hướng sáng tác, các trước tác kinh điển còn để
lại cho văn học đời sau một số hình tượng nghệ thuật trở thành nguồn thi liệu
giúp cho nhà thơ, nhà văn sáng tác" (3).
Thơ văn của các tác giả của
Thiền phái trước tác, phản ánh khá sinh động, hấp dẫn về thế giới bản thể giải
thoát đối với người đọc. Việc quy định các thể loại luận thuyết tôn giáo, kệ và
ca, thơ Thiền để họ trước tác cũng phản ánh sự cảm thức sâu lắng trong tiến
trình tu tập giải thoát tâm qua nguyên lý duyên sinh vô ngã. Chính đức Phật từng
nói: “Ai thấy duyên khởi là người đó thấy pháp, ai thấy pháp là người đó thấy
Như Lai” được ghi lại trong nhiều bản kinh. Do đó, các thiền gia, thiền sư nhìn
nhận các pháp, con người là duyên sinh vô ngã, vô thường, chúng là giả danh, thực
tướng vạn pháp là “không” theo tinh thần Bát bất của Trung Quán luận mà
Long Thọ diễn giải “Bất sinh diệc bất diệt, Bất thường diệc bất đoạn. Bất nhất
diệc bất dị, Bất lai diệc bất khứ”(4).(Chẳng sinh cũng chẳng diệt, Chẳng thường
cũng chẳng đoạn. Chẳng một cũng chẳng khác, Chẳng đến cũng chẳng đi).
Đề cập vấn đề này, tác giả
Nguyễn Hữu Sơn trong bài viết “Quan niệm về bản thể ở bộ phận tàng trữ thi ca
trong Thiền uyển tập anh” cho rằng: “Xem xét bộ phận thơ ca được tàng
trữ trong Thiền uyển tập anh nói riêng - trong toàn bộ triết học và
văn học Phật giáo nói chung - vấn đề “bản thể” thường xuyên được đặt ra và giữ
vị trí trọng yếu. Điều này thể hiện trước hết bởi nó liên quan trực tiếp đến nhận
thức, cách hiểu và giải thích thế giới (vật chất, hiện tượng, tâm linh…) và cuối
cùng là chính các biện pháp nghệ thuật, các hình thức thể hiện in đậm sắc thái
thi ca - triết học Phật giáo về vấn đề bản thể”(5).
Điểm đáng chú ý nữa là việc
họ ngộ các pháp và chứng ngộ giải thoát được giải trình qua các thể loại sáng
tác nói trên không chỉ dành cho các đệ tử xuất gia mà phổ biến rộng khắp cho
các đối tượng tiếp nhận. Việc sử dụng các thể loại như luận thuyết tôn giáo, kệ,
ca, thơ Thiền mang tính chức năng và yếu tố hình tượng hoá triết lý Thiền - Phật
trong sự phản ánh vấn đề bản thể giải thoát của Thiền phái là tất nhiên và hợp
lý.
Từ các điểm nhìn nói trên, cảm
hứng bản thể giải thoát khi đi vào thơ văn của Thiền phái Trúc Lâm đã trở nên tự
nhiên hơn so với thời Lý. Nó như bức tranh hiện thực cuộc sống có nhiều đường
nét chấm phá, với nhiều gam màu lung linh huyền diệu. Do đó, hành trình trở về
bản thể giải thoát được giải trình bằng một ngôn ngữ, giọng điệu, cách biểu đạt,
thi liệu mang tính hiện thực với bút pháp nghệ thuật cao để hấp dẫn người đọc.
Hơn nữa, bản thân các nhà sáng tác thơ văn của Thiền phái là những người không
thuần túy sống trong cảnh giới Thiền đường u tịch mà thể nhập cuộc sống bụi trần
mà chứng ngộ. Vì thế, nó không còn là cuộc diễn trình độc thoại giữa thầy và
trò “dĩ tâm truyền tâm” nói về hình ảnh bản tâm, chân tâm thuần tịnh mà thay
vào đó là các hình tượng hóa mang sắc thái thi ca nghệ thuật để phổ cập quần
chúng. Rõ ràng, các nhà thơ văn của Thiền phái đã có một sự thay đổi cách nhìn
trong cảm quan Thiền học, tạo ra hướng tư duy thẩm mỹ về bản thể giải thoát. Khởi
đầu là Trần Thái Tông lĩnh thụ tuyên ngôn của Nam Tuyền “Bình thường tâm thị đạo”
trong Niêm tụng kệ 17; Tuệ Trung khởi xướng “Bồ tát nói pháp, ta nói
thực”. Tất cả đã cùng cất lên khúc nhạc với những giai điệu đa âm, cung bậc
thăng trầm khác hẳn cái âm hưởng “kệ thị tịch” thuần chất Phật pháp của các nhà
sư thời Lý vang lên từ cánh cửa Thiền môn thanh tịnh.
Trên bình diện tổng thể, ta
thấy các bài kệ thâu tóm ý Phật pháp hay Thiền học được viết sau các bài Phổ
thuyết và các bài kệ trong Khóa hư lụccủa Trần Thái Tông; Thượng
sĩ ngữ lục của Tuệ Trung; kệ thị tịch và kệ kết thúc bài Cư trần lạc
đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Sư đệ vấn đápcủa Trần Nhân Tông; kệ thị
tịch và các bài kệ trong Yếu minh học thuật của Pháp Loa; bài kệ kết
thúc Vịnh Hoa Yên tự phú của Huyền Quang, bài nào cũng hay và khá
giàu hình tượng nghệ thuật với việc sử dụng thi liệu từ suối nguồn kinh điển Đại
thừa và thiên nhiên hữu tình. Có bài kệ nếu ta thêm tựa đề vào thì trở thành
bài thơ trữ tình diễn đạt phong vị bản thể giải thoát của Thiền. Chẳng hạn, bài
kệ kết thúc đoạn mở đầu bài Phổ thuyết Tứ sơn để lại dấu ấn tâm linh
cho người đọc trong cuộc hành trình tìm về bản lai diện mục với hình tượng hóa
“lư nhi tam cước đại” (con lừa ba chân) vượt qua “tứ sơn tiểu bích” (bốn núi
cheo leo)(6). Hay bài kệ thứ sáu trong phần Tụng cổ của Tuệ
Trung cũng thật ấn tượng không kém gì bài kệ trên đối với người đọc khi diễn đạt
Phật tính là bất sinh bất diệt, bất động bất tĩnh với hình ảnh con giun bị chặt
đứt thành hai khúc, mổ bụng con rùa mà tìm kiếm “Khâu dẫn trảm vi lưỡng đoạn
thì, Lưỡng đầu câu động hữu thùy tri. Vấn lai Phật tính toàn nan đắc, Cô phụ
khoa trường tạng lục quy”(7). (Chặt đứt con giun thành hai khúc, Hai đầu đều động,
có ai ngờ. Hỏi rằng tính Phật không hề biết, Mổ bụng cất rùa uổng phí chưa).
Khi đi vào chi tiết cụ thể của
từng tác phẩm thơ văn của Thiền phái, hành trình tìm về bản thể giải thoát càng
được thi hóa mang tính nghệ thuật cao qua các hình ảnh sống động, lung linh huyền
ảo và thật gần gũi. Từ hình ảnh ánh trăng soi chiếu dòng sông, con thuyền lướt
sóng, cho đến hạt châu ma ni lấp lánh hay gương soi huyền diệu… Tất cả như tạo
nên dòng mạch cảm hứng mới rọi chiếu bản thể giải thoát, khiến người đọc dễ nắm
bắt và cảm thụ một cách sâu lắng.
Ai từng đọc kinh Phật thì sẽ
thấy hình ảnh ánh trăng bừng sáng như rọi chiếu khắp mọi không gian bao la của
vũ trụ, con người cảm nhận vẻ đẹp của trăng mà hằng sống với bản tính thanh tịnh
huyền diệu của mình “Thế nhân tính tịnh, do như thanh thiên, Tuệ như nhật, Trí
như nguyệt, Trí tuệ thường minh” (Tính của thế nhân thanh tịnh, như trời quang
tịnh, Tuệ như mặt trời, Trí như mặt trăng, Trí tuệ thường minh). Trăng trở
thành hình ảnh biểu trưng cho trí tuệ Bát nhã thường nhiên của chân tâm người đạt
đạo “Trí giả do như nguyệt chiếu thiên”(8). (Người trí tự tại, tự do như ánh
trăng trời cao). Trăng hồn nhiên, lặng lẽ bước vào thế giới thi ca Thiền phái
khiến người đọc có cảm giác như đi giữa không gian ngập tràn ánh trăng. Trăng
xuất hiện đến 18 lần trong toàn thể kệ thơ Thiền phái. Trăng trở thành suối nguồn
của cảm hứng triết lý bản thể giải thoát và cảm hứng ngợi ca bản thể giải
thoát. Trăng gợi lên cái tự tính thường nhiên, tịch tĩnh sáng trong, rọi chiếu
tất cả. Trăng trở thành hình tượng nghệ thuật sinh động, đầy gợi cảm.
Ta hãy chiêm nghiệm vẻ đẹp
ánh trăng bản thể diệu kỳ của thi nhân Thiền: “Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt”
(Trăng sáng đêm qua vẫn là trăng sáng đêm nay) (Đốn tỉnh)(9), “Kiến nguyệt
an năng khổ tâm chỉ” (Thấy mặt trăng rồi sao còn vất vả tìm ngón tay) (Sinh tử
nhàn nhi dĩ)(10). Có khi “cõi trăng” được tác giả thi hóa thành “cõi vô tâm”: “Bao
nhiêu phong nguyệt, về cõi vô tâm.” (Vịnh Hoa Yên tự phú)(11). Trăng cũng bước
vào cõi thơ Trần Nhân Tông với đẹp diệu kỳ, tự soi mình để hướng tâm nhìn về
hành trình bản thể “Ỷ lan hoành ngọc địch, Minh nguyệt mãn hung khâm”(12). (Tựa
lan can nâng ngang chiếc sáo ngọc, Ánh trăng sáng chan hòa trước ngực.) (Đăng Bảo
đài sơn). Trăng không chỉ là vẻ đẹp ngoại cảnh mà còn là thế giới chân như nhiệm
mầu, đầy ắp hoa xuân giữa trần thế “Nhất thiên như thủy, nguyệt như trú, Hoa ảnh
mãn song, xuân mộng trường”(13). (Trời trong như nước, trăng sáng như ban ngày,
Bóng hoa tràn ngập cửa sổ, giấc mộng đêm xuân triền miên).
Hình ảnh con thuyền Bát nhã
hay chiếc bè sang sông trong kinh điển Phật giáo thường được biểu đạt cho
phương tiện chuyên chở người mê cập bến bờ giải thoát. Khi đi vào thơ văn của
Thiền phái, nó trở thành hình ảnh chiếc thuyền con, một khách hải hồ lướt sóng
nước, chân trời mênh mông “Tiễu đĩnh trường giang đãng dạng phù”(14) (Thuyền
nhỏ lênh đênh trên sông dài), hay “Nhất diệp biển chu hồ hải khách” (Một lá
thuyền con, một khách hải hồ)(15). Rõ ràng, các tác giả của Thiền phái là những
người trần tục gặp nhau giữa bến bờ sinh tử, nhưng tâm hồn họ luôn khai phóng của
người đạt đạo. Đó là những con người lướt trên sóng gió để an trú tâm giữa cõi
“thanh phong minh nguyệt” (trăng thanh gió mát), nghe được tiếng vi vu của gió
trời, tiếng nhạn vừa vụt thoáng qua. Chính trong những giây phút thanh tịnh của
chân tâm mà thiền gia và thi nhân hội ngộ khắc hoạ những vần thơ mô tả cuộc
hành trình về bản thể giải thoát thật tuyệt đẹp và huyền diệu: “Hồ hải sơ tâm vị
thuỷ ma, Quang âm như tiễn hựu như thoa. Thanh phong minh nguyệt sinh nhai túc,
Lục thuỷ thanh sơn hoạt kế đa”(16). (Chí xưa hồ hải chưa từng khuấy, Tên vút,
thoi đưa, tháng lại ngày. Gió mát trăng thanh, sinh nhai đủ, Non xanh nước biếc,
thú vui đầy. Giương buồm, sáng sớm băng mù thẳm, Nâng sáo, chiều hôm giỡn khói
mây. Dấu tích Tạ Tam nay đã bặt, Thuyền không gối bãi luống còn đây).
“Hồ hải sơ tâm” là chân tâm
của con người, cũng là tự tính uyên nguyên của vũ trụ giữa không gian vô cùng,
thời gian vô tận. Và như thế “thuyền không” là con thuyền vừa thực, vừa hư vẫn
tự tại gương buồm lướt sóng nước, với tiếng sáo vi vu, đi qua những sớm mai chiều
hôm trong cõi “sắc không” nhiệm mầu của trần thế. Vậy là từ chiếc “thuyền con”
đến chiếc “thuyền không”, mà con người an nhiên cập bến bờ giải thoát như lời
Nguyễn Lang nhận định “Không những đứng về phương diện tư tưởng mà đứng về
phương diện văn học, hình ảnh một chiếc thuyền trống không, lặng lẽ vượt biển
dưới ánh trăng tịch tĩnh Lăng Già là một hình ảnh mầu nhiệm”(17).
Sự nhiệm mầu đó nằm ở ngay cảnh
giới thực tại bụi trần để hằng sống với tự tính uyên nguyên bao la của trời đất.
Vì thế, cảm thức giải thoát của thi nhân Thiền phái cứ tiếp tục trào dâng với
những hình ảnh an nhiên tự tại nhưng cũng đầy chất siêu phóng trào lộng: “Nhân
gian tận kiến thiên sơn hiểu, Thùy thính cô viên đề xứ thâm”(18) (Người đời
chỉ thấy nghìn non sáng, Tiếng vượn rừng sâu ai biết không?) (Phỏng Tăng Điền đại
sư), hay “Thượng đầu đả quá hồ hà hữu, Nhất cá nê ngưu nhậm đảo ky”(19) (Vượt
qua mọi “cái không chi cả”, Cưỡi ngược trâu bùn mặc sức ta) (Điệu tiên sư), hoặc
“A thùy hội đắc nương sinh diện, Thủy tín nhân thiên tổng giả danh” (Khuôn
trăng người mẹ ai hay biết, Trời nọ người kia thảy giả danh) (Thời tiết an định)(20)...
Thực chất đây chỉ là cách biểu đạt khác nhau về sự cảm hứng bản thể giải thoát
mà Tuệ Trung say sưa biến tấu qua nhiều cung bậc lúc trầm, lúc bỗng theo nhịp đập
trái tim con người trần trục.
Cũng cung bậc ấy, Trần Thánh
Tông có nhiều bài thơ, tứ thơ nói về bản lai diện mục từ khi ông bước vào làng
Thiền như trong bài Tự thuật(21):
Đả ngõa toàn quy một ngoại cầu.
Nhận đắc bản lai chân diện mục,
Đáo đầu hà xứ bất hưu hưu”.
(Từ phen để chỏm, nhập làng
Thiền,
Đập ngói dùi rùa dốc chí bền.
Nhận được khuôn trăng như nó
có,
Đến đâu mà chẳng thấy hồn
nhiên).
Thấy được bản lai diện mục
là thấy được tự tính giác ngộ, là nghe được “Cá trung khúc phá vô nhân hội, Duy
hữu tùng phong họa thử âm”(22)(Khúc nhạc trong lòng, không kẻ hiểu, Hòa âm họa
có gió thông ngàn). Đây cũng là hình tượng “Nương sinh diện” chỉ cho bản thể giải
thoát mà trong bàiĐộc Đại Tuệ ngữ lục hữu cảm, ông viết “Nhất triêu thức phá
nương sinh diện, Tỷ không nguyên lai một bán biên”(23) (Một mai nhìn thấy
dung nhan mẹ, Mới biết khuôn trăng khuyết một bên). Ý thơ thật hàm súc, cô đọng,
kiệm lời nhưng diễn tả cả thế giới nhị nguyên khi con người chưa nhìn thấy rõ
dung nhan “mẹ” và thế giới chân như tròn đầy của “mẹ” cùng song hành một
lúc trong một câu thơ.
Như vậy, giữa Phật và chúng
sinh, sinh tử và Niết bàn, phiền não và Bồ đề có đối đãi chỉ là do cái nhìn có
vọng kiến khởi lên “Niết bàn sinh tử mạn la lung, Phiền não Bồ đề nhân đối địch”(24) (Niết
bàn, sinh tử buộc ràng suông, Phiền não, Bồ đề đối nghịch dối, thực chất chỉ là
thế giới chứng ngộ diễn bày khi con người khởi lên cái nhìn chánh kiến tuệ giác
“Xuân lai tự thị xuân hoa tiếu, Thu đáo vô phi thu thủy thâm”(25) (Xuân đến
tự nhiên hoa xuân nở, Thu sang đâu chẳng nước thu trong) (Phật tâm ca) mà Tuệ
Trung muốn bày tỏ. Hay nói cách khác, đó là thế giới thực tại thường nhiên
“Sinh như trước sam, tử như thoát khố”(26) (Sống như mặc áo, chết như cởi
quần) để rồi tung hứng hoát nhiên đại ngộ “Bát tự đả khai phân phó liễu, Cánh
vô dư sự khả trình quân”(27) (Mở toang tám chữ mà trao, Có đâu dư chuyện
ngõ hầu trình anh) mà Trần Thánh Tông hát khúc ca Sinh tử trước
một ngày giã từ trần thế.
Bát tự chính là “Sinh diệt
diệc dĩ, tịch diệt vi lạc” (Sinh diệt là diệt rồi, thì tịch diệt là vui), chỉ
cho “Tuyết sơn bát tự”. Trong bài Hữu cú vô cú, Trần Nhân Tông viết:
“Bát tự đả khai, toàn vô ba tị”(28) (Tám chữ mở ra, không còn khó nghĩ).
Trong văn cảnh bài thơ này thì “bát tự” có thể là tám chữ mở đầu bài thơ “Sinh
như trước sam, tử như thoát khố”, nó không ngoài ý nghĩa trên. Đây chỉ là cách
diễn đạt khác về bản thể giải thoát rất hình tượng và gần gũi người Việt hơn,
trên hết là nó đẩy đưa cái hương vị Thiền của bài thơ đi xa hơn, có thể vào nơi
sâu thẳm nhất của tâm thức người đọc.
Rõ ràng, các tác giả Thiền
phái từ trong cuộc sống tùy duyên mà vui với đạo, đã tạo ra những đoạn văn, bài
kệ, bài ca, bài thơ với những cung bậc, tiếng nói “đa thanh”, như lời nhận định
tinh tế của Trần Thị Băng Thanh trong bài viết Huyền Quang và những trang
đời nhiều huyền thoại, những vần thơ nhiều hàm nghĩa(29). Theo chúng tôi, đó là
cách diễn đạt bản thể giải thoát bằng hình tượng, có khi tỏ ra nghiêm cẩn, lúc
thì trầm lặng, hay bay bổng trào lộng, khi thì tự tại, mộc mạc bình dị hết mức
có thể. Nghĩa là cảm thức Thiền học của các nhà trước tác Thiền phái Trúc Lâm
có sự thay đổi cách nhìn với biên độ rộng hơn so với các nhà thơ - thiền sư đời
Lý, đồng thời cuộc sống trần tục mà giải thoát đã tạo cảm hứng sáng tạo trong
sáng tác vừa mang tính triết lý, vừa có tính nghệ thuật của mỹ học Thiền “rất
riêng”.
Trần Thái Tông với cảm hứng
sám hối, Tuệ Trung với cảm hứng phóng cuồng, Trần Thánh Tông với cảm hứng trần
thế tùy tục, Trần Nhân Tông với cảm hứng tùy duyên ngộ đạo, Pháp Loa trung
thành cảm hứng Phật ý kinh điển, Huyền Quang với cảm hứng giải thoát trong trời
đất bao đầy thế sự; tất cả đã tạo ra những áng văn, vần thơ tuyệt tác đầy hương
vị giải thoát, thấy rõ bản tính thường nhiên bằng đôi mắt “kiến tính” thật nhẹ
nhàng thi vị như thúc giục con người hướng về phía trước. Để rồi Huyền Quang mộng
thấy Quan Âm vào trong cỏ, ngủ tít canh ba sẽ thấy chính mình, ngồi ngắm hoa rụng,
ngoảnh nhìn đời bụi bặm như là cuộc hành trình tìm về bản lai thanh tịnh mà ông
thường hát khúc ca quen thuộc “Phản quang trần thế giới, Khai nhãn túy mang
mang”(30) (Ngoảnh nhìn đời bụi bặm, Mở mắt dường say sưa).
2. Cảm hứng cõi thiên nhiên
Phật nhiệm mầu
Theo tác giả sách Văn học
Phật giáo thời Lý - Trần - Diện mạo và đặc điểm thì: “Đối với những sáng
tác văn chương chịu ảnh hưởng Nho giáo, có thể nói, thiên nhiên là đối tượng để
người sáng tác bày tỏ, chia sẻ tâm trạng, gởi gắm nỗi niềm, thiên nhiên là hình
chiếu của tâm trạng vì “Người buồn cảnh có vui bao giờ” (Nguyễn Du), thiên
nhiên là bầu bạn tri kỷ tri âm với con người. Còn những sáng tác văn chương chịu
ảnh hưởng Phật giáo thì giữa thiên nhiên với con người có sự giao cảm, cộng hưởng,
hòa nhập, nhất là khi con người đạt đến cái tâm trong suốt, vắng lặng. Lúc đó,
con người thể nhập cái tâm của mình làm một với cái tâm bản thể chân như vũ trụ,
đất trời vạn vật”(31). Đây cũng là lý do mà các nhà nghiên cứu trước đây như
Bùi Văn Nguyên, Đinh Gia Khánh, Lê Trí Viễn, Kiều Thu Hoạch, Nguyễn Huệ Chi,
Thích Mãn Giác, Nguyễn Hữu Sơn, Đoàn Thị Thu Vân, Thích Phước An… qua các
chuyên luận đều phản ánh hình ảnh thiên nhiên mang tính biểu tượng bởi một cảm
quan Phật giáo Thiền tông, hoặc hình ảnh thiên nhiên hiện thực với sinh động ngập
tràn thẩm mỹ thông qua cảm quan Thiền học để rung cảm, phản ánh.
Như vậy, thiên nhiên là nguồn
cảm hứng vô tận cho các thiền gia, thiền sư Thiền phái Trúc Lâm sáng tác không
chỉ để dãi bày thế giới tâm thức chứng ngộ nói trên, mà nó còn phản ánh thế giới
thiên nhiên Phật nhiệm mầu qua thế giới tự chứng tự nội, thực tại bây giờ và tại
đây của người chứng đạo. Nghĩa là từ trạng thái thăng chứng thuần tịnh tuyệt đối
của "tâm" mà con người sinh hoạt với thân khẩu ý hành cùng nhau tương
duyên, tương tác, tỉnh thức mà không hề đối nghịch, cũng như không hề hủy hoại
bản sắc cá biệt của mỗi hiện hữu.
Nói theo ngôn ngữ của kinh Hoa
Nghiêm, đó là trú xứ của những ai mong mỏi bước vào trong vinh dự của gia tộc
Như Lai - một dòng sống với động mạch tâm linh bất diệt. Và nó không đơn giản
chỉ là một thế giới u huyền như người ta lầm tưởng mà trú xứ ấy vốn hiển hiện
trần gian, một trú xứ rất thực mà kinh bảo rằng: “Khi Phật nhập vào Tam muội
(Samàdhi), bỗng phút chốc, cái túp lều Ngài đang ngự đột nhiên tan biến và trải
rộng đến tột cùng bờ mé của vũ trụ; nói khác đi, Phật là vũ trụ, vũ trụ là Phật.
Màu hắc ám của rừng Thệ Đa (Jetanana) nơi trần gian, vẻ trần tục của đống cỏ
khô thiết tòa sư tử mà đức Thế Tôn đang ngự thuyết pháp, một nhóm khất sĩ lam
lũ đang nghe kinh, trong cái thực tại không bản ngã - tất cả đều hoàn toàn tan
biến ở đây”(32).
Với thực tại duyên khởi tính
mà các nhà trước tác của Thiền phái đã diễn trình thế giới thiên nhiên chính là
cõi Phật nhiệm mầu, xuất phát từ trong thế giới hiện thực “bây giờ và tại đây”
qua cái nhìn duyên khởi từ sự “thăng chứng tâm linh” mà không phải là sự
“tùy thuộc phát sinh” trên lăng kính vật lý. Như thế, chúng ta có thể giải mã
những áng văn, vần thơ của các tác giả Thiền phái từ nguồn cảm hứng nói trên. Cụ
thể, Trần Thái Tông đã viết về thế giới Phật được chuyển hóa từ thế giới thực tại
“… Xứ xứ đại quang minh tạng; cơ cơ bất nhị pháp môn. Trực nhiên ám khứ minh
lai; quản thậm vân già nguyệt tế. Minh châu tại chưởng, thanh ánh thanh, hoàng
ánh hoàng; cổ kính đương đài Hồ hiện Hồ, Hán hiện Hán. Khởi quang huyễn thể; tận
thị pháp thân(33) (Chốn chốn là tạng đại quang minh; cơ cơ là pháp môn bất
nhị. Mặc sức mờ đi tỏ lại; ngại chi trăng phủ mây che. Hạt trai sáng ở tay,
xanh ánh xanh, vàng ánh vàng; gương cổ đặt trên đài, Hồ hiện Hồ, Hán hiện Hán;
Can chi huyễn thể; thảy đều pháp thân). Có thể nói, thiên nhiên Phật được các
tác giả của Thiền phái Phật hóa từ hiện thực cuộc sống qua một tâm thức chứng
ngộ. Biện chứng giải thoát có khả năng lý giải thiên nhiên hữu tình được chuyển
hóa thành thế giới thiên nhiên Phật quốc an tịnh với một trực cảm tâm linh của
người đạt ngộ:
“Thanh sơn đê xứ kiến thiên
khoát,
Hồng ngẫu khai thời văn thủy
hương”(34).
(Non xanh nơi thấp trông trời
rộng,
Sen đỏ mùa hoa nghe nước
thơm).
Khi không gian thiên nhiên
được chuyển hóa thì tâm thức con người mở rộng, tiếp cận cái vô hạn bao la của
trời đất, cái tĩnh lặng của hư không, thời gian như thể nhập vào giác tính thường
nhiên, bởi con người đã giác ngộ và tâm thức vắng lặng, như Niêm tụng kệ 38
viết: “Trúc ảnh tảo giai trần bất động, Nguyệt luân xuyên hải thủy vô ngân”(35) (Bóng
trúc quét thềm, bụi chẳng động, Vành trăng xuyên biển, nước không nhăn).
Với tâm thức khai mở của tuệ
giác vô thượng, con người thể nhập vũ trụ bao la, thiên nhiên hữu tình trong
cõi sắc không mà không có một sự giới hạn nào cả. Nó chiếm lĩnh tất cả các chiều
của không gian trong sự hòa điệu không thể tách biệt từ một điểm nhìn như trong Ngữ
lục vấn đáp môn hạdiễn đạt “Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt, Vạn lý vô
vân vạn lý thiên”(36) (Muôn sông có nước trăng muôn sông, Vạn dặm không
mây trời vạn dặm). Thiên giang, vạn lý là những con số tượng trưng mang tính ước
lệ, biểu đạt cho khoảng cách xa, gần, rộng, dài, trên hết là sự vô cùng tận của
không gian đa chiều. Con người, thiên nhiên, thời gian dường như là một thực thể
duy nhất, cứ thế mà vận hành trong dòng sống tương tục. Và Trần Nhân Tông thường
diễn đạt thế giới thiên nhiên qua cảnh xuân thường tịnh, chứ không phải theo
mùa xuân thời tiết. Trong số 32 bài thơ của ông còn lưu trữ trong Thơ văn
Lý - Trần (Tập 2) thì có đến 12 bài nói đến cảnh xuân với những cảnh vật
thiên nhiên hữu tình được tâm thức ông chuyển hóa ở những cấp độ thăng chứng
tâm linh khác nhau.
Chẳng hạn, lúc sáng sớm, cảnh
vật mùa xuân chẳng khác gì thiên nhiên Phật thường được diễn đạt trong kinh điển
Đại thừa: "Nhất song bạch hồ điệp, Phách phách sấn hoa phi”(37) (Kìa
một đôi bướm trắng, Nhằm hoa, phơi phới bay - Xuân hiểu). Khi đối diện trước
cái chết của chị mình là công chúa Thiên Thụy, Trần Nhân Tông vẫn khát vọng
chuyển hóa thế giới mùa xuân cỏ cây hoa bướm hữu tình trong cõi sắc không thành
cõi Phật: “Ma cung hồn quản thậm, Phật quốc bất thắng xuân”(38) (Cung ma nếu
quản chặt, Cõi Phật xuân không cùng). Thậm chí, khi ông đang ngự trong long
sàng chiếu trúc hay ngắm xuân tàn giữa cánh hoa tan tác rụng, thơ của ông vẫn
chất chứa sự an tịnh tâm hồn vừa siêu phóng vừa dân dã đầy sự trải nghiệm tâm
linh. Cuộc sống trần thế có khi mịt mờ, khuê cung lắm lúc ảm đạm, tâm thế mùa
xuân trong ông vẫn bình lặng an tĩnh: “Nhất thiên như thủy, nguyệt như trú, Hoa
ảnh mãn song, xuân mộng trường”(39) (Trời trong như nước, trăng vằng vặc,
Giấc mộng xuân dài dưới bóng hoa); lúc lên núi Bảo Đài mây núi ngập trùng, tâm
thế của nhà thơ vút lên cao đồng điệu sự trực ngộ tâm linh qua hình ảnh “Minh
nguyệt mãn hung khâm” (Đăng Bảo Đài sơn)(40) (Ánh trăng sáng chan hòa trước
ngực).
Cũng từ cảnh thiên nhiên với
núi - mây hữu tình, đức Phật từng khai pháp âm vi diệu Pháp Hoa trên
đỉnh núi Linh Thứu. Còn Thiền sư Vân Nham thì chứng đắc yếu chỉ Thiền từ hình ảnh
núi cao sông dài “Núi sông đất đai đều hiển lộ pháp thân” nhiệm mầu. Như một
lẽ tự nhiên, núi - mây khi đi vào thơ văn Thiền phái thì hình ảnh mây núi trở
thành hình ảnh biểu trưng của quá trình chuyển hóa tâm thức của người học đạo.
Mây núi tạo ra bức tranh thiên nhiên Phật hữu tình với những đường nét chấm
phá, dáng vẻ khác nhau. Có khi chúng như nhiên; lúc thì trầm lặng, u tịch của
cái đẹp “chân như”. Người đọc sẽ dễ dàng cảm nhận được thế nào là “thi - Thiền
hợp nhất”: “Sơn vân dã hữu xuất sơn thế, Giản thủy chung vô đầu giản thanh”(41) (Mây
ngàn vốn tự bay ra núi, Nước suối thường khi đổ xuống ghềnh) (An định thời tiết).
Hay “Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá, Phong định, vân nhàn, hồng thụ sơ”(42)(Núi
lặng, nước quang, âu trắng lượn, Tạnh mây, im gió, đỏ cây thưa) (Lạng Châu vãn
cảnh).
Rõ ràng, giữa cái động của
“mây trôi” và cái tĩnh của “núi uy nghiêm”, trong đôi mắt các thiền gia - thi
sĩ bao giờ cũng có sự dịch chuyển qua lại, hòa quyện vào nhau: trong động có
tĩnh và ngược lại, hay trong đời vẫn có đạo. Thật là xa, nhưng cũng thật là gần,
cõi Phật thiên nhiên hiện ra từ cái nhìn biện chứng giải thoát của thi nhân
“Vân sơn tương viễn cận, Hoa kính bán tình âm”(43) (Núi mây như xa, như gần,
Ngõ hoa bên nắng, bên râm) (Đăng Bảo Đài sơn).
Xét trong mối tương quan,
tương duyên của kinh điển Đại thừa và thơ văn Phật giáo thời Lý - Trần thì vầng
trăng của Trần Nhân Tông cũng được biểu tượng cho trí tuệ Bát nhã của người đạt
đạo. Trước đó, Lý Thái Tông mượn hình ảnh “Hạo hạo Lăng già nguyệt”(44) (Trăng
Lăng già lồng lộng) trong kinh Lăng Già để tán dương công đức Tỳ Ni
Đa Lưu Chi thì thật hữu tình gợi cảm. Bảo Giám thì khắc họa cảnh trí Phật như
“Trí giả do như nguyệt chiếu thiên”(45). (Phật tựa vầng trăng ở giữa trời). Đó
cũng hình ảnh vầng trăng thật lung linh, tĩnh lặng chiếu rọi qua đầm lạnh mà Trần
Thánh Tông hướng đến để chứng đạt “năm huyền nghĩa lý” nhà Phật (Như Lai, chính
pháp, pháp thân, xuất thế, tự tính thanh tịnh): “Tĩnh nhược hàn đàm nguyệt lậu
minh, Cú lý ngũ huyền thân thấu đắc” (Độc Phật sự đại minh lục hữu cảm)(46).
Còn Tuệ Trung tả cảnh thiên nhiên Phật ở Tây phương trang nghiêm và pháp thân
thì thể nhập bốn phương Đông Tây Nam Bắc với vầng trăng đơn chiếc giữa bầu trời
bao la “Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt, Sát hải trừng trừng dạ mạn thu”
(Bầu trời chỉ thấy vừng trăng quạnh, Đêm lắng vào thu, biển Phật trong). Qua
bài Thị tu Tây phương bối(47) tâm thức và ngòi bút của tác giả thật đồng
điệu với thực tại thiên nhiên hữu tình.
Thực tế, việc thiết lập mô
hình “Đất vua - chùa làng - phong cảnh Bụt” được giới lãnh đạo quốc gia và
Phật giáo chú trọng là nhằm kiến thiết quốc gia, bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo
tồn văn hóa dân tộc, cũng là cách để duy trì mạng mạch Phật pháp. Ba thành tố
đó thực chất là một, bởi vì khi nói đất là của vua tức là của dân; trong đó mỗi
làng đều có chùa, mà chùa do sư ở và trông coi đời sống vật chất - tâm linh số
đông quần chúng Phật tử thực thi đời sống đạo. Hóa ra, khắp cả nước đâu cũng có
chùa, mà nhiều chùa trở thành phong cảnh Bụt là nguyện vọng được chung sống hòa
bình của cả dân tộc từ xưa đến nay. Thể hiện rõ nét nhất là từ khi nước nhà độc
lập, mô hình này càng nhân rộng. Tiếp nối triều đại Đinh, Lê, Lý, đến các vị
vua đời Trần như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Minh Tông, Anh Tông mà sách Thánh
đăng ngữ lục ghi là những vị vua thực hiện sứ mệnh đó trong việc cụ thể
hóa việc xây dựng nhiều chùa, nhiều danh lam thánh tích Phật thiên nhiên hữu
tình như Yên Tử, Quỳnh Lâm...
Chính những ngôi chùa thân
thương, thắng cảnh Phật quốc như thế là suối nguồn cảm hứng cho các nhà văn,
nhà thơ của Thiền phái Trúc Lâm khắc họa hình ảnh cõi Phật thiên nhiên. Trần
Thái Tông từng ca ngợi tâm cảnh Phật qua bài thơ Ký Thanh Phong am tăng Đức
Sơn với cảm xúc chân thật, nhưng thật đẹp làm sao: “Phong đả tùng quan
nguyệt chiếu đình, Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh”(48) (Gió đập cửa
thông trăng lấp loáng, Lòng đây, cảnh đấy cùng thanh sảng). Trong chiều hướng
tìm cầu giải thoát, Tuệ Trung trong bài Thị chúng đã khuyến cáo mọi
người đừng tìm cầu cõi Phật ở Thiếu Thất, Tào Khê mà ngay cõi thiên nhiên thực
tại an bình “Thu quang hắc bạch tùy duyên sắc, Liên nhị hồng hương bất trước nê(49) (Thu
trong, biếc hẳn tùy duyên sắc, Sen ngát, hồng đâu bởi nước đâu). Rõ ràng, có sự
chuyển đổi cách nhìn về thế giới tự nhiên để con người có thể tiếp cận cõi Phật
ngay giữa đời thường mà Sơ Tổ phác họa trong bài Đắc thú lâm tuyền đạo ca: “Cảnh
tịch an cư tự tại tâm, Lương phong xuy đệ nhập tùng âm. Thiền sàng thụ hạ nhất
kinh quyển, Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm”(50) (Sống yên giữa cảnh lặng
lòng không, Gió mát hiu hiu lọt bóng thông. Dưới gốc, giường Thiền, kinh một
quyển, Thanh nhàn hai chữ, đáng muôn đồng).
Vẫn là thi liệu mùa thu, ánh
trăng, gió mát, mây núi, sông hồ dùng để mô tả thiên nhiên hữu tình trong thơ
văn Phật giáo Thiền tông nhằm biểu đạt thế giới thực tại tự chứng tự nội của
người đạt đạo. Điểm khác biệt giữa thơ Thiền đời Trần và đời Lý là thi liệu đó
được các tác giả Thiền phái mô tả trong một không gian thiên nhiên Phật có khi
cao rộng, khoáng đãng của trời đất với non xanh, nước biếc. Nhưng có khi, nó chỉ
là không gian nhỏ hẹp - nơi sinh hoạt tu tập của nhà thơ ở gốc cây, Thiền sàng,
quyển kinh nơi thảo am nhỏ, hay là nửa song cửa sổ có ánh đèn, một giường đầy
sách, một mảnh sân trước thư phòng… Tất cả khiến cho người đọc có một cảm nhận
về sự mênh mông vô hạn qua những giọt sương rơi trong đêm tĩnh lặng như tạo ra
chiều sâu thăm thẳm của sự tinh khiết hư không “Lộ trích thu đình dạ khí hư”(51) mà
Trúc Lâm tả trong Nguyệt; hoặc chỉ là nén hương vừa tắt trong lều
tranh, bên ngoài có mấy khóm cây, vầng trăng chiếu sáng mà Huyền Quang họa
trong Tảo thu: "Trúc đường vong thích hương sơ tận, Nhất nhất
túng chi võng nguyệt minh”(52).
Tất cả các yếu tố thi liệu
đó tạo nên cõi thiên nhiên Phật sống động được chuyển hóa qua cái nhìn tuệ giác
mang đậm sắc màu, âm thanh giao hưởng đa chiều nhưng thật tĩnh lặng. Nơi đó
chính là cõi Phật Yên Tử, chẳng khác gì cõi Tây Trúc, Linh Thứu, Phi Lai - xứ
Phật ngày xưa mà Huyền Quang hướng đến. Con người hòa nhập với thiên nhiên vũ
trụ, an trú trong thế giới thanh bình, tùy duyên mà vui với đạo, ngập tràn cảm
hứng thi họa qua bài Vịnh Hoa Yên tự phú: “Lạ những ôi! Tây Trúc dường
nào; Nam châu có mấy. Non Linh Thứu ai đem về đây; Cảnh Phi Lai mặt đà thấy đấy.
Vào chưng cõi Thánh thênh thênh; Thoát rẽ lòng phàm phây phấy. Bao nhiêu phong
nguyệt, thề thốt chẳng cùng”(53).
Nhìn chung, việc tiếp cận
các tác phẩm Thiền phái Trúc Lâm là tiếp cận cái hay, cái đẹp từ điểm nhìn mỹ học
Thiền tông. Ở đó sự thật thế giới được giải trình qua thi ca chữ Hán và chữ Nôm
của các tác giả Thiền phái Trúc Lâm như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ
Trung, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang được bắt nguồn từ cảm hứng bản thể
giải thoát nếu tự thân mỗi cá thể nỗ lực tu trì và thăng chứng ngay giữa đời
thường. Từ điểm nhìn này, thế giới thực tại trở thành cõi Phật trong suối nguồn
cảm hứng thiên nhiên Phật nhiệm mầu qua từng tác phẩm mà chúng ta bắt gặp. Và
như thế thơ ca của các tác giả Thiền phái Trúc Lâm trở thành những giai điệu kết
nối yêu thương của những tâm hồn thăng chứng từ trong cuộc sống trần thế đầy những
gam màu đa dạng. Tất cả không ngoài mục đích chuyển hóa tâm thức con người để
thiết lập một cuộc sống an lành, giải thoát khổ đau ngay giữa đời thường.
Chú thích:
(1) Võ Gia Trị: Văn
chương và nghệ sĩ, Nxb. Văn học, 2001, tr.131.
(2) Lê Văn Siêu: Văn
học Việt Nam thời Lý, Hướng Dương, SG, 1957, tr.98.
(3) Nguyễn Công Lý: Văn
học Phật giáo thời Lý - Trần: diện mạo và đặc điểm, Nxb. ĐHQG. TP. HCM,
2002, tr.166.
(4) Thích Thiện Siêu: Trung
luận dịch và tóm tắt, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr.327
(5) Nguyễn Hữu Sơn:
“Quan niệm về bản thể ở bộ phận “Tàng trữ giá trị thi ca” trong Thiền uyển
tập anh”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2, H., tr.25.
(6) Viện Văn học. Thơ
văn Lý - Trần, Tập 2, Nxb. KHXH, H. 1989, tr.45.
(7) Viện Văn học. Sđd.,
Tập 2, tr.337.
(8) Viện Văn học, Thơ
văn Lý - Trần, Tập 1, Nxb. KHXH, H. 1977, tr.482.
(9) Viện Văn học, Sđd.,
Tập 2, tr.269.
(10) Viện Văn học, Sđd.,
Tập 2, tr.282.
(11) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.711.
(12) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.456.
(13) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.460.
(14) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.244.
(15) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.684.
(16) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.256.
(17) Nguyễn Lang: Việt
Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Lá Bối, SG, 1974, tr.126.
(18) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.228.
(19) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.230.
(20) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.246.
(21)(22) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.406.
(23) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.405.
(24) (25) Viện Văn
học, Sđd., Tập 2, tr.272.
(26)(27) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.415.
(28) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.487.
(29) Trần Thị Băng
Thanh: Những suy nghĩ từ văn học trung đại, Nxb. KHXH, H. 1999,
tr.78.
(30) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.682.
(31) Nguyễn Công Lý: Văn
học Phật giáo thời Lý - Trần: diện mạo và đặc điểm, Nxb. ĐHQG, Tp. HCM,
2002, tr.235.
(32) Thích Tâm Thiện: Lý
thuyết khoa giáo về con người qua tư tưởng Gandavyuha.
(Hoa Nghiêm), Luận văn Tốt nghiệp Khóa Bồi dưỡng Giảng sư Ban Hoằng Pháp TW- GHPGVN, 1996, tr.1.
(Hoa Nghiêm), Luận văn Tốt nghiệp Khóa Bồi dưỡng Giảng sư Ban Hoằng Pháp TW- GHPGVN, 1996, tr.1.
(33) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.73.
(34) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.63.
(35) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.134.
(36) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.104.
(37) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.453.
(38) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.454.
(39) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.460.
(40)(43) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.456.
(41) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.246.
(42) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.468.
(44) Viện Văn học, S
đd,, Tập 1, tr.243.
(45) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.482.
(46) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.409.
(47) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.242.
(48) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.21.
(49) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.265.
(50) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.535.
(51) Viện Văn học,
Sđd., Tập 2, tr.465.
(52) Viện Văn học,
Sđd., tr.699.
(53) Viện Văn học,
Sđd., tr.712.
Phước Đạt
Nguồn Tạp chí Hán Nôm,
Số 3
(89)2008; Tr.3-14)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét