* Suy tưởng về cổ ý:
Tôi cứ ám ảnh về câu chuyện
mà Vũ Phương Đề thuật lại trong Công dư tiệp ký. Câu chuyện kể về nhà sư
Huyền Minh trụ trì chùa Quang Minh (xã Hậu Bổng, huyện Gia Phúc), về già một
đêm ông nằm mơ thấy Phật Di Đà giáng xuống điện thờ, triệu ông đến bảo rằng:
“Nhà ngươi có công với Phật giáo, đến nay đã được nhiều năm. Tấm lòng từ bi của
người đã thấu đến Thượng đế. Kiếp sau ngươi được giáng sinh xuống làm vong quốc
Hoàng đế. Người nên nhớ lấy.”
Tỉnh dậy, ông gọi các đạo
tràng bảo rằng: “Ta từ khi xuất gia quy y cửa Phật, vẫn tưởng tiền duyên rửa
sạch, thiện quả viên thành, hậu thân được siêu linh vào nơi bảo tọa tòa sen.
Không ngờ ngày sau luân hồi, đem bao năm công phu giới hạnh đổi lấy địa
vị khó nhọc nhất ở trần gian. Có lẽ tiền sinh nghiệp chướng của ta chưa được
rửa sạch mà phải chịu thế chăng?”
Sau Lễ bộ thị lang Nguyễn
Tự Cường đi sứ Trung Quốc, vua Minh vời tới và nói với ông: “- Trẫm sinh ra,
trên vai có viết mười chữ son đỏ rằng: “AnNam quốc Quang Minh tự sa Việt
tì khâu”. Đó chính là 10 chữ mà nhà sư Huyền Minh trước khi mất, đã dặn các đạo
trăng dùng son viết 10 chữ vào vai ông trước khi làm lễ hỏa táng.
Cái ám ảnh của tôi có lẽ
là câu chuyện kỳ lạ về hậu thân của nhà sư Huyền Minh lại là một vị vua của
nhà Minh. Cái ám ảnh hơn cả, là việc nhà sư Huyền Minh than rằng, nếu hậu
thân làm vua thì tức là “đổi lấy địa vị khó nhọc nhất ở trần gian”. Đúng,
ngôi vua là địa vị khó nhọc nhất, nhưng cũng là khát khao quyền lực lớn nhất
của mỗi kiếp người nằm ẩn sâu trong tiềm thức khi con người đó hiện diện ở trần
gian. Có lẽ một tham vọng đã được nhóm lên trong tiềm thức nhà sư Huyền Minh
ngay từ ấu thời, nhưng rồi do hoàn cảnh hoặc do duyên phận mà hạt mầm đó phải
nén lại và xoá mờ dấu vết. Trước khi mất, tham vọng đó lại trồi lên trong mơ.
Tác giả “Luận bàn về văn
minh” đã nói rất thú vị về việc tránh đau khổ tìm đến niềm vui sướng và hạnh
phúc của con người, để tránh những va đập và những cản trở không thể vượt qua
của thế tục, có một con đường đạt đến nó là tu hành. Nhưng, theo tác giả thì
niềm vui sướng này có thể đạt được, nhưng rất bằng phẳng đơn điệu và tẻ nhạt.
Tu hành là duyên nghiệp,
nhưng cũng có thể nó được quyết định bởi hoàn cảnh đặc biệt, hoặc bởi sự xô đẩy
hoặc thoái lui của con người khi nhận thấy những tham vọng, ước vọng của mình
bị thế tục ngáng trở và đè bẹp – tức là một sự thừa nhận thất bại của ham muốn
trong thế tục.
Tôi đọc đi đọc lại nhiều
năm vào những thời kỳ khác nhau Đạo đức kinhcủa Lão Tử. Ngày đầu xuân,
tôi chợt nhận ra rằng, đúng đó là cuốn sách dạy làm vua một nước – nhưng đó
chính lại là cuốn sách chứa đầy tràn ham muốn tham vọng của con người - để đạt
đến ham muốn và tham vọng, con người cần phải tạm thời xoá nó đi, tạm thời đè
nó xuống. Lão Tử nhận ra cái gốc rễ sâu xa bản chất của con người, là ham muốn
và tham vọng chế ngự vĩnh viễn họ. Cùng với sự vận hành của đời sống con người
và sự vật luôn diễn ra trong sự nghịch lý, phi lý – Lão Tử đã mách bảo con
người, rằng cái áp lực được tạo ta là từ ham muốn, tham vọng của mỗi con người.
Con người không nên và không thể diệt trừ hoàn toàn ham muốn. Lão Tử đã dạy
con người phải thuận theo lẽ tự nhiên ấy, tức là thuận theo cái tưởng như nghịch
lý, phi lý để đạt đến ham muốn và tham vọng, cao vọng. Bởi cái đích đến của mọi
ham muốn và tham vọng luôn luôn gặp những khó khăn trở ngại, đối mặt với những
lực phản từ những ham muốn và tham vọng khác, luôn cùng tồn tại sát kề không
rời, nó hằng mọc lên tủa tủa như nấm sau mưa trong ý thức và vô thức của con
người.
Thực ra Khổng Tử cách quá
xa Lão Tử. Khổng Tử quá tin vào thế tục và thế sự theo hướng giáo lý một chiều
ép mình theo lễ, phảng phất màu của lãng mạn và lý tưởng – có chăng, đó chính
là cái thế giới mang màu của ảo giác chất chứa tràn đầy khát vọng về con người
và trật tự của xã hội loài người. Khổng Tử chưa kịp nhìn thấu bản chất của
con người như Lão Tử đã phơi bày nó trước thanh thiên bạch nhật - mà chính
cái bản chất đó lại quyết định sự vận hành của các xã hội loài người.
* Nhà thơ và thi ca
Con đường tìm tới niềm vui
và hạnh phúc của con người qua mợi thời đại trong đời sống thế tục là bất khả
giải. Tác giả “Luận bàn về văn minh” đã chỉ ra 3 con đường tìm tới niềm vui
và hạnh phúc mà con người đã làm, nhưng chỉ dành cho một thiểu số rất nhỏ bé
với những người có tư chất thiên phú đặc biệt, hoặc hoàn cảnh đặc trưng, hoặc
dùng kích thích hoá chất từ bên ngoài. Nhìn chung, niềm vui này cũng chỉ diễn
ra trong những thời khắc quá ngắn ngủi so với thời gian đẵng đẵng mà kiếp người
phải trải qua trong đời sống trần gian. Những bất hạnh mặc nhiên cứ như những
làn sóng thuỷ triều dềnh liên tiếp lên số phận của con người.
Nhà thơ và những người thuộc
về nhóm sáng tạo, được thiên phú tư chất đặc biệt, anh ta tìm kiếm và cảm
nghiệm hiện tại từ thế giới của sự vật và thế giới con người, rồi làm hiện
hình một sáng tỏ cái cảm nghiệm mang rất nhiều yếu tố của trực giác qua tác
phẩm sáng tạo của mình.
Tôi đồ rằng thi ca hiện ra
từ thế giới ảo giác của nhà thơ. Thơ ca chính là thứ ký hiệu của thông điệp
mà nhà thơ muốn gửi tới đồng loại trong khát khao kiếm tìm sự đồng cảm với thế
giới ảo giác của mình. Do sẵn mang cái hạt mầm của thế giới ảo giác trong tư
chất ngay từ ấu thời, nên nhà thơ không khỏi lận đận trong những bước chân
nơi thế tục gập ghềnh khúc khuỷu và ngoắt ngoắt như những mê lộ, càng đi
càng xa càng bị cuốn sâu vào những ngõ ngách của ma trận đồ, sự thất vọng
càng tăng, khát vọng lại càng bùng cháy.
Cái ký hiệu để biểu đạt thế
giới ảo giác của nhà thơ với công cụ chủ yếu là ngôn ngữ của đồng loại; nhưng
cái ký hiệu của ý tưởng bằng nhịp điệu, âm điệu và hình tượng thông qua ngôn
ngữ, thì chỉ có một số ít đồng loại tiếp nhận và hiểu chúng, còn lại số đông,
hoặc hờ hững, hoặc không hiểu chúng. Do vậy, mới cần đến những người giải mã
được những ký hiệu của ngôn ngữ đó, để truyền đạt nó đến số đông. Vậy nên,
ngay sự tìm kiếm sự đồng cảm của nhà thơ với những thông điệp của mình là vô
cùng khó khăn – từ sự khó khăn này làm dâng lên khát vọng đồng cảm thật lớn
lao trước đồng loại.
Thi ca là sản vật thăng
hoa của nhà thơ mang dấu vết đậm đặc của khát vọng, ước vọng mà con người
không thực hiện được trong đời sống thế tục. Sản vật của nhà thơ, là những ký
hiệu bằng ngôn ngữ từ bản thông điệp của khát vọng, ước vọng muốn truyền đạt
tới đồng loại và khao khát tìm kiếm sự đồng cảm của đồng loại.
Hà Đông, sáng mồng 6,
tháng giêng, Canh Dần 2010
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét