Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Hoa đồng nội ... Ngát hồn quê

Hoa đồng nội ... Ngát hồn quê
"Hoa Đồng Nội ngát hồn quê
Se se vạt cỏ, xòe xòe bụi tre
Lêu bêu chân đất bờ đê
Cay cay khói bếp .... lối về rưng rưng ..." 

Cầm cuốn sách "Hoa Đồng Nội" của nhà văn Vũ Tùng Văn trên tay, cái cảm giác đầu tiên đến với tôi là hình như có một cái gì thân thương nhè nhẹ, bình dị mà gần gũi, một cái gì dạt dào kỷ niệm đầy ắp, bập bềnh sóng nước nao lòng, và bỗng bất ngờ gặp lại chính mình .... 3 chữ "Hoa Đồng Nội" như những tia nắng ấm áp le lói từ một trái tim Quê Hương nồng nàn, nhân hậu, như một hình tượng dân dã chất phát quê mùa ... từ một nơi chốn xa xăm, đã chắt chiu nuôi dưỡng tâm hồn ta lớn lên theo năm tháng, dù đất trời mênh mông biển rộng, xa cách nghìn trùng, trăm con phố lạ u-mê, nhưng tình quê hương vẫn tròn trịa như giọt nắng đầy đặn bên ngoài khung cửa kính, ngăn cách nơi tôi đang gõ máy điện toán để làm cho xong mấy đơn thuốc một bệnh nhân đưa vào. Công việc đã xong, tôi ngắm hình trang bìa sách: đó là hình ảnh của một thiếu nữ đoan trang hiền hậu, có vẻ đẹp hiền dịu tây phương, nhưng khuôn mặt đó như bắt gặp nỗi bàng hoàng ray rứt đợi chờ từ một khung trời miên viễn xa xăm nào đó:
"Vầng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn tây phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?"  
(Quang Dũng).
Chiếc áo dài của người thiếu nữ màu vàng xanh nỗi nhớ, thêu thùa những cánh hoa đồng cỏ nội, như muốn đùa cợt trí tưởng của tôi, và tôi không còn đủ kiên nhẫn để đợi chờ cho đến hết giờ làm việc. Tôi lần giở từng trang sách ra và ngấu nghiến đọc một một mạch câu truyện đầu tiên:
HOA ĐỒNG NỘI: Câu truyện đã bắt đầu từ một ngôi làng quê nho nhỏ với những lũy tre xanh tỏa bóng trên những cánh đồng bạt ngàn xa thẳm, với một cuộc sống nông dân, chất phát thanh bình. Tác giả đã dẫn dắt chúng ta vào một khung trời quê đau đáu, quê hương là những gì gợi cảm nhất làm cho ta bỗng rưng rưng gợi nhớ, những lũy tre xanh như xoáy mạnh vào cảm xúc, những cây cầu tre lắt lẻo đem lại những kỷ niệm dạt dào, gợi nhớ. Tác giả đã vẽ lại cho chúng ta một bức tranh quê ...một bức tranh rất thật và sống động, lối viết tả cảnh, tả tình súc tích và chân thật làm ta hình tượng những gì đã xãy ra trong ngôi làng thân thương đó...."Những bầy cò trắng đang bay lượn chăm chỉ đuổi mồi trên làn sóng bạc, chúng ganh đua tranh cướp miếng mồi . Chốc chốc trâu lại ngụp đầu trong sóng nước để rồi ngẩng lên cao rũ những hạt nước đọng trên đầu, trên tai ... (trang 14) ....."Những tia nước trên mình trâu lã chã thành vòi chẩy xuống làm loãng lớp cỏ nằm trên đất như ngập lụt và chìm trong vũng nước. Con trâu thè chiếc lưỡi dài đỏ liếm mạnh những con đỉa đen mọng đang bám bên mình và dưới bụng ..." (trang 16), tác giả đã vẽ khung cảnh làng quê bàng bạc giống như một buổi "Trưa Hè" mà thi-sĩ Bàng Bá Lân đã diễn tả:
"Dưới gốc đa già trong vũng bóng
Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai
Ve ve rung cánh ruồi say nắng
Gà gáy trong thôn những tiếng dài ....."

Và trong cái ngôi làng đó, có Chú Hãng và thím Hãng là những người dân quê sống mộc mạc bình dị chân thành quê kiểng, với cày cuốc, trâu đồng, thóc ruộng, nhưng rồi cuộc sống không an bình như trong trí tưởng và mong ước .... "Bất chợt thím dừng lại khi nghe tiếng súng nổ từ xa vọng về. Thím rảo bước nhanh về phía chú. Thím đặt gánh cau đã vơi cùng chồng hướng về tiếng súng nổ từ xa... Chú Hãng bất giác thở dài: "Giặc đã đến nơi! Mùa màng chẳng biết ra sao" (Trang 17). Rồi chiến tranh đã đến, cuộc sống bình thản trong làng đã bị quấy nhiễu mỗi khi nghe tiếng súng trở về . Một thảm trạng chua xót, thân phận người dân quê hiền lành chất phát đã biến thành những con mồi cho bọn vô tâm bạo tàn xâu xé ... Lính lê-dương đã đến ..."họ hiện nguyên hình như những con quỉ ham muốn vô bờ" (trang 21), và thím Hãng đã là nạn nhân của bọn tham tàn ... "Hắn dơ bàn tay túm cánh tay thím Hãng. Hắn lôi thím đi. Một hình bóng cao vời vợi đang xốc kéo con mồi chống cự tuyệt vọng khuất vào phía trong căn nhà ..." (trang 20). Và cái gì xãy đến đã dến... Câu chuyện trong làng quê đến đây đã kết thúc. Và tác giả đã dẫn dắt chúng ta vào một kinh-thành hoa-lệ, thủ đô ánh sáng Paris,và ở đó có một người con gái tuyệt đẹp mang hai dòng máu ... "Thân hình kiều diễm ấy, nụ cười mời mọc hòa trộn với tiếng nhạc và những âm thanh đều đặn nhịp nhàng, khung cảnh bàng bạc, đã ru tôi vào ngày hội huyền hoặc giữa làn môi, khóe mắt.." (Trang 27). Cái "Tôi" xuất hiện ở giữa thành phố Paris là ai? là tác-giả, hoặc là một chàng trai làng nào đó đã sinh và lớn lên ở một miền quê hẻo lánh nào đó, và dù ở đâu chăng nữa cũng mang tâm trạng của kẻ tha-phương lạc loài .."Tôi hướng về phía sông Seine tìm luồng gió mát. Nhìn những sóng nước chảy cuồn cuộn nhưng sao trời vẫn không có gió . Ước gì mình được thả xuống giòng nước kia nhỉ . Nhưng chao ôi nhìn những bờ tường đá cẩn ghép bên bờ sông thấy mà ngán" (trang 24).

Nhưng ở xứ lạ quê người chỉ có thế, và chỉ cần một chút gió quê nhà, một thoáng hương đồng cỏ nội ngan ngát bên bờ đê, nói chuyện với nhau cùng một thứ tiếng mẹ đẻ, trong ánh mắt quen thuộc và thân thiết như tự bao giờ đã đem cái "tôi" trong câu truyện gần gũi với người thiếu nữ đẹp tuyệt vời, một người con gái lai mang trong mình hai dòng máu đã không ngần ngại thổ lộ tâm tình, những lời hoài vọng tha thiết nhất: "Mẹ em sinh trưởng ở miền Bắc. Ngôi làng có những lũy tre xanh, dưới chân đê có những ngôi nhà tranh, nhà ngói đỏ nhấp nhô bên hàng nhãn cao. Cây đa đứng xòe hư chiếc lọng xanh đầu đình. Những hàng xoan ngập hoa tím. Những vũng trâu đầm để lại dấu tích ngày tháng hạ ..Mẹ em đã gặp ba em ở đấy ... " Ôi quê hương đẹp làm sao! nhưng người Mẹ, người thôn nữ dịu hiền ngây thơ ngày nào với gánh hàng cau đó lặng thầm chôn kín trong lòng những dấu tích đau đớn nhất trong đời bà, không bao giờ thổ lộ cùng ai ..." dể mỗi lần ngồi bên bà , bà vuốt mái tóc em và nói quê hương bà đẹp lắm có những cánh đồng xanh, những vũng đất bời với con sông nước đỏ phù sa . Em đòi mẹ đưa em về nơi bà kể . Bà nhìn em rồi khóc ... " (trang 44) Tại sao người đàn bà đó phải khóc ? Phải chăng những giọt nước mắt đau thương đó đã nức nở khóc cho nỗi đau bất tận, cho một thôn xóm nghèo nàn triền miên trong cuộc chiến hoang tàn. Thì ra dù ở chân trời góc biển nào con người ly-hương vẫn luôn nhớ đến cội nguồn dân tộc , nhớ đến những gì thân thương nhất của nơi chốn cho tâm bão lắng đọng và bình yên.
Từ câu truyện Hoa Đồng Nội mở đầu tác phẩm này, bạn sẽ nhặt được những cái gì bình dị nhất, thanh thản nhất cho cõi lòng ấm lại . Tác giả hẳn có một thôi thúc nội tâm, một xúc cảm đè nén của một người không phải mang tâm trạng "tha phương cầu thực" nhưng là tâm trạng của một kẻ bó buộc phải bỏ xứ ra đi ...Tác giả Vũ Tùng Văn muốn được viết, được bày tỏ, giải bày những nỗi niềm u-uất nhất của một con người ly xứ, xa quê, để mà thèm nhớ ray rứt. Lời văn súc tích chen lẫn những ngôn ngữ quê mùa, những mẫu đối thoại bộc trực, dân dã đã làm cho câu truyện trở nên sống thực và linh động .Những khung cảnh, bối cảnh của Anh chỉ là một bầu trời quê hương, với ruộng đồng, trâu cày, với dòng sông, những cây cầu tre lắt lẻo .... Ở đó ta cảm thấy có chút gì hơi ấm phả ra từ những mái gia-đình thân yêu, chân thành, dành cho nhau những tình cảm nhân hậu, từ ái ... để rồi phải chia lìa trong những hoàn cảnh oái oăm nhất của thời cuộc. Nhưng dù sự ngăn cách chia xa thế nào đi chăng nữa, trong cái xôn xao gợi nhớ đó ai mà chẳng bắt gặp nỗi bàng hoàng, xót xa ... dù ở Paris, London, NewYork, hay bất cứ một kinh thành hoa lệ nào với những cao ốc ngút ngợp trăm tầng, hình như chỉ còn lại một nỗi niềm mênh mang ray rứt nhất: nỗi nhớ quê hương khắc khoải muôn trùng:
"Quê hương là một cánh diều 
Là con đê nhỏ - Là rêu mái đình
Lũy tre, dậu trúc xinh xinh....
Không lời nào tỏ hết tình được đâu.
Quê hương là một cây cầu
Là con đường cỏ chạy sâu vào lòng .... 
(Phước Đồng)
Trong câu truyện "Hoa Đồng Nội" có ba đoạn tách rời nhau, và chính vì cái hụt hẫng trong lối kể chuyện của tác giả đã gợi cho tôi phải tò mò, đọc đi đọc lại mấy lần để muốn tìm hiểu nhân vật, bối cảnh, hoàn cảnh và không gian; tôi có lần đã hỏi anh Tùng nguyên nhân và hoàn cảnh nào đã đưa đẩy anh viết câu chuyện này. Và nhất là ...ai là cái "tôi" trong thành phố Paris? và người con gái đẹp huyền ảo với dáng dấp tây phương đó phải chăng là bức hình bìa của cuốn sách này. Anh Tùng chỉ cười xòa và trả lời: "tùy ý anh muốn hiểu sao cũng được, tôi là người viết, anh là độc giả và mỗi độc giả có những suy tưởng và cảm nghĩ khác nhau...." Đây là môt câu chuyện hư cấu, hư mà thật, thật mà hư, tôi rất thích thú vô cùng với lối kể chân thật, hụt hẫng, úp mở, không nhàm chán, nhưng lại gây ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng người đọc.

Đọc xong câu truyện thứ nhất "Hoa đồng Nội", sắp đến giờ về nhà, tôi gập cuốn sách lại, lơ đãng nhìn qua khung c ửa kính, ngoài kia đường cái là đàn xe đang chạy ngược xuôi, khói tỏa đầy trời, trước mặt tôi là những người khách ngoại quốc đang chen chúc vào hiệu bán thức ăn liền "Seven Eleven" mua ly cà phê hoặc ngấu nghiến ăn vội miếng hotdog cầm trên tay, trước mặt tiệm là những chiếc xe nối đuôi nhau và những người khách xa lạ chen chân để đổ xăng. Khung cửa kính to lớn màu hơi đen nhạt để ngăn nắng đó đã chắn lại những đám mây đang lơ lửng trên khung trời kia, và cũng đã cản ngăn những ngọn gió mát rượi từ một nơi miên viễn thân thương nào đó, hình như có những hạt mưa đang lất phất bay nhẹ ngoài kia, lúc đó tôi chỉ ước mong rằng không còn khung cửa kính to lớn đó nữa để mà .....
"Lạy trời nổi trận cuồng phong
Tôi van xin gió thổi hồn quê qua ..." 
Và chắc hẳn hồn quê đó sẽ mang it nhiều cái hương thơm của "Hoa Đồng Nội" mà đã một lần nhà thơ Nguyễn Bính đã tha thiết:
Hoa chanh nở ở vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều ..."
Tôi nhủ thầm trong bụng tối nay chắc tôi sẽ không ngủ sớm được đâu vì "hương dồng cỏ nội" đó đã gợi lại cho tôi cái nỗi niềm mênh mang của "Trăm Nhớ Ngàn Thương " một nơi chốn nào đó ... đã đi qua tuổi thơ tôi ...
TRĂM NHỚ NGHÌN THƯƠNG: tác-giả đã dẫn dắt chúng ta về với khoảng trời thơ ấu ... làm tôi tưởng nhớ đến những ngày cuối năm trước Tết, với những cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng của tuổi thơ ngây hồn nhiên trong những buổi chiều cuối năm khi những tia nắng vàng vọt nhảy múa trên những bẹ chuối, đọt cau sau vườn. Mùi hương trầm tỏa thơm ngào ngạt, những ánh nến bập bùng trên bàn thờ đêm tối giao-thừa. Tác giả cho ta thấy tình Mẹ Con thắm thiết, mộc mạc, chân thành và bình dị qua những mẫu đối-thoại nho nhỏ vào ngày đầu năm: "Nhớ nhé! sáng mồng một Tết con phải ngoan ngoãn, không được gọi mẹ ầm ĩ đâu đấy nhé. Nhất là không được vòi vĩnh gì cả và đừng làm mẹ giận nghe không, nếu bị la mắng là sui cả năm đấy !" (trang 52) .... "Mặt mẹ đỏ ơi là đỏ! Sao vậy mẹ?" .... "Ơ kìa cậu con cưng của mẹ! Không thấy mẹ ở trong bếp vừa ra đấy ư . Chõ xôi và nồi chè phải canh chừng chứ! Không thì bị trào ra ngoài hết !" (trang 53).....
"Đói lòng nhớ lá sầu đâu
Nhớ bông điên điển nhớ bầu mắm nêm
Ruốc thanh trộn lát cốc mềm
Vị Quê .. chưa nếm đã thèm người ơi!
Mẹ lam lũ suốt cuộc đời
Khổ đau lặn cả vào người chân Quê
Chén cơm gạo lứt muối mè
Ngắt bông so đũa đầu hè mà thương" 
(thơ Dương Trọng Dật)

Rồi thì phải thay quần áo mới cho ngày đầu năm nữa chứ, tác giả đã diễn tả rành rọt rất đúng những gì mà tuổi thơ của tôi đã trải qua ...trong một gia đình đông con cái thì quần áo dành cho ngày Tết của anh để dành lại cho em sang năm mặc ..."Thì con mặc đỡ hôm nay thôi! Sang năm cho em con. Mẹ khỏi phải may đồ mới!" (trang 55).. "Muốn gì thì cũng phải qua giêng con ạ. Lạy giời năm nay trúng mùa lúa và mẹ sẽ may cho con bộ khác sang năm vậy!" (trang 55). Nhưng tác-giả đã chân tình bộc bạch những cảm-tưởng ngây thơ vô tội của đứa trẻ khi bó buộc phải mặc bộ quần áo mới đầu năm theo đúng phong tục Tết của quê nhà: "Bộ quần áo mới toanh đã không đem lại cho tôi một thoải mái vì những lớp hồ cứng nếp cứ như những chiếc mạ nhè vào thân thể mình để cắt cứa. Một cảm giác ngứa ngáy như gai châm chậy khắp trên thân thể. Tôi vặn vẹo chống trả càng làm cơn ngứa tăng mạnh hơn nữa. Tôi xịu mặt hờn giận và muốn thét lớn lên với mẹ tôi: Con chán quần áo mới quá mẹ ơi!" (trang 57). Rồi những tục lệ thăm viếng và chúc tụng đầu năm. Những lời chúc mừng nhau hằng năm như đã thuộc lòng: "Năm mới chúng em đến mừng tuổi hai bác. Sức khỏe, năm nay giàu sang bằng mười năm ngoái! Các cháu học hành tấn tới hay ăn chóng lớn để mai này đỡ đần Cha mẹ!" ... "Anh Chị cũng chúc Chú thím thóc lúa đầy nhà! Lợn gà đầy sân! Của ăn của để!" (trang 61) , còn biết bao nhiêu lời chúc tụng khác mà tác giả đã làm cho tôi tưởng nhớ lại ... "đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái ... con đàn cháu đống ... v.v..."Rồi những phong bao đỏ tiền lì xì mà con trẻ hồi hộp cầm trong tay với những cái vuốt đầu âu yếm, với những lời chúc ca dao bình dị quen thuộc" Vung vải vung vai mau dài mau lớn" ... Hãy nghe tác giả diễn tả lại những cảm giác của tuổi thơ hồn nhiên đó: " Cái phong tục phát vốn đã in vào trí nhớ tôi từ đó và mãi về sau này. Người dưới hân hoan đón nhận những món tiền nho nhỏ của bậc cha anh rất niềm nở ... Ngày Tết đã đem lại cho tôi những món tiền rủng rỉnh. Tôi mân mê những đồng hào trong túi, thỉnh thoảng xóc nhẹ chiếc túi áo mới để nghe những thanh âm cọ sát của đồng hào, đồng xu ..." (trang 63). Và chưa hết ... khi đã có một chút tiền lì xì trong túi, thì trẻ thơ nào mà chẳng dung dăng dung dẻ đi tìm những thú vui đầu năm ... "Tôi ăn uống qua loa cho xong; nhìn trước nhìn sau và sờ vào túi tiền nặng chĩu để rồi lặng lẽ rời bỏ khung cảnh huyên náo gia đình để tìm thú vui gây cấn hơn nữa . Tôi tất tả hướng về phía Đình Làng. Nơi đây đang qui tụ và có đầy đủ các trò chơi cứ mỗi độ Tết đến" (trang 63), những khung cảnh "cướp pháo", những chiếc pháo hồng chưa nổ nhét đầy hai túi, chỗ này đám sóc đĩa, chỗ kia đám thò lò, chỗ nọ là bàn cua cá, cái trò "bầu cua tôm cá" này ngó bộ hấp dẫn quá ....."Tôi sờ túi tiền và tiến lại gần hơn. Người cầm cái là một gã xóm Cuối, lạ hoắc với tôi. Tôi đảo mắt quanh để xem có người quen nào với gia đình tôi không ...." (trang 64). Cái tâm-trạng đó chẳng khác gì tôi khi còn bé, lấm la lấm lét nhìn chung quanh xem thử có ai quen nhòm ngó mình hay không? Nhưng có một thú vui kỳ thú đặc biệt ở làng quê trong ngày Tết mà tác giả đã dành riêng một chương kể lại tỉ mỉ từng chi-tiết, đó là thú chọi gà hay đá gà ....." Chú Trụ phùng mồm đầy nước để tưới vào gà hòng mong gà của mình tìm được cái khí thế dũng mãnh trong giây phút khởi đầu ...."
" Cả hai bên được lệnh thả đôi gà và lùi lại phía sau. Đôi gà quấn lại quần thảo nhau trên sân đất khi vưa thoát khỏi bàn tay cầm giữ . Chúng không suy tính hay dò dẫm đối phương ra sao. Tôi hồi hộp theo dõi những tác động nhanh như chớp, những cú cắn đớp và đá lẫn với tiếng vỗ cánh phành phành. Những lông tơ vương vất tới tấp tung bay lẫn với bụi và gió. Chú Trụ nhấp nhô theo nhịp điệu mỗi khi thấy những cú đánh và vỗ cánh của gà nhà ..." (trang 90)
Những cuộc vui chơi trong lễ hội là tinh thần của dân tộc, phát huy cái tính chất sống đẹp vui chơi, bảo tồn cái văn hóa phong tục từ cha ông tổ tiên để lại. Mỗi khi Tết về là con trẻ háo hức nôn nao. Những món ăn đầu năm như thịt kho, thịt hầm, dưa cải, củ kiệu, với bánh chưng bánh tét truyền thống, ánh lửa bập bùng đêm ba mươi, tối giao thừa với đèn nhang khấn vái, mâm ngũ quả chưng trong ba ngày tết. Tác giả "Hoa Đồng Nội" đã cho tôi tìm thấy lại cái ngu ngơ bâng khuâng chờ đợi trong những ngày trước Tết, phập phồng hớn hở đón Xuân, đã cho tôi hái lại dĩ vãng tuổi thơ của mình, nhặt lại "trăm nhớ nghìn thương" của tuổi hồn nhiên, như nhặt những giọt nắng ban mai xôn xao lung linh đọng trên các cỏ cây hoa lá của xóm cũ quê xưa, đình làng bến nước ....

"Tủi thân khói bếp ngày xưa
Mẹ nhen cho tối giao thừa bớt suông
Tiếng reo củi ướt đỡ buồn
Bánh chưng mỏng quá ngồi thương bánh dầy
Đầu làng nghê đất ngây ngây
Tuổi thơ pháo chuột pháo dây tẹt đùng
Rạ rơm vây ấm một vùng
Bọc con vào giữa tận cùng hồn quê"... 
(Trương Nam Hương)
BẾN NỨA: Trong cái thôn làng vốn dĩ nghề nông, không phải ai cũng nặng nợ với cái với nghiệp "cầy sâu cuốc bẫm"...Câu chuyện kể về Cậu Đoàn, hay Thầy Đoàn, một danh tước đã được gia-đình xuất tiền mua để được ăn trên ngồi chiếu với chức sắc trong làng. "Cậu Đoàn có một đời sống không giống người dân trong làng. Cậu không lam lũ như mọi người, chân lấm tay bùn mà tôi thường thấy .." ...."dáng điệu như một thư sinh bao giờ cũng từ tốn, rảnh rang không vội vàng " ...."Có lần tôi hỏi mẹ tại sao nhà ông bà ngoại và cậu Đoàn không nuôi trâu bò gì cả thì được mẹ tôi đáp gọn lỏn: Cậu mày không làm ruộng" .. Tôi nhăn mặt bắt bẻ mẹ: Không làm ruộng thì lấy thóc gạo đâu mà sống? Mẹ tôi cười hiền hòa xoa đầu tôi đáp: Cậu mày buôn bè " ..... (trang 103). Cái chữ "buôn bè" thật là lạ hoắc đối với chính tác-giả khi còn bé ... "Mai này lớn lên con sẽ hiểu", hoặc cười mỉm để bỏ lửng qua câu nói: "Cậu mày đi chém tre đẵn gỗ trên ngàn " ...như thể ném tuổi thơ của tác giả vào cái thăm thẳm tận cùng khó hiểu của ngôn ngữ, và hai chữ này "buôn bè" cũng thật là lạ lẫm đối với chính tôi là độc-giả đang theo dõi cốt chuyện này ... Thì ra Cậu Đoàn mang một dáng dấp thư sinh "trói gà không chặt", nhưng lại là một người quyết chí, có tinh thần mạo hiểm .."Vào rừng chém cây đẵn gỗ trên ngàn nơi rừng thiêng nước độc là công việc mà người dân quê làng tôi ít ai ham muốn . Cậu ưa thích những gì mà mọi người thường ít ai với tới hay dám làm" (trang 107). " Những mảnh nứa mỏng này là do công lao của những người như cậu Đoàn mang từ miền mạn ngược Cao Bằng Lạng Sơn về miền xuôi cho dân quê đan lát làm thúng làm mẹt, rổ rá hay nẹp dạ lợp nhà .." (trang 112). Cậu Đoàn lại dám xông pha làm một công việc rất ư là nguy hiểm đó là "đi săn hổ trên rừng". Lối kể chuyện của tác giả thật là tài tình, đầy đủ chi-tiết, hấp dẫn và ly-kỳ làm người đọc phải say mê theo dõi như một câu chuyện trinh-thám vậy, đọc đến đâu chỉ biết đến đó, còn kết cục thì hạ hồi phân giải ..."Từ đằng sau mô đất cao xa một con Hổ vằn xuất hiện. Dáng đi nghễu nghện, oai phong, hùng dũng, từ tốn, chiếc đuôi dài thê thảm đang quật sang bên này rồi vung sang bên kia theo nhịp điệu bước đi. Đôi mắt vàng hươm như viên ngọc quắc sáng đang hướng về phía chó sủa. Thỉnh thoảng hổ dừng bước ngước đầu lên cao, há miệng gầm gừ như cảnh cáo tiếng sủa của chó ...." (trang 125). Mà không những bốn năm con hổ đi thành đàn như vậy ... Làm sao đối phó với đàn hổ như vậy và săn bắn được ? Cốt chuyện rất ly-kỳ ... xin quí độc-giả hãy tìm đọc để cảm thấy những giây phút đứng tim và ngộp thở như đi roller-coaster vậy! Sau đó cậu Đoàn đã trở thành giàu có khi những người tứ phương ùn ùn kéo đến nhà cậu để mua xương hổ làm "cao hổ cốt" và móng hổ đeo trong người với lòng tin là luôn luôn may mắn đạt được những ước muốn tốt đẹp trong tương lai.
ARLENE: Đây là câu chuyện cảm-động về một người con gái Việt nam "Nguyễn Ái Lan", một thiếu phụ bất hạnh có chồng chết trong cuộc chiến tương tàn, phải đi làm nghề chiêu đãi và bán thân để nuôi con . "Ái Lan đẩy cánh cửa hờ hững để bước vào căn nhà ... Chiếc giường vẫn nằm cô quạnh bên góc nhà. Tấm màn muỗi lười biếng vẫn được buông thõng từ ngày này qua ngày khác .....Một chiếc bàn xô đẩy với vài chiếc ghế gỗ cũ kỹ lỏng chỏng nằm ở giữa nhà. Một khung ảnh với chiếc hình người đàn ông treo trên tường phủ đầy bụi và những màng nhện chằng chịt. Dù nhìn kỹ hay gần hơn người ta cũng không thể phân biệt được khuôn mặt trong hình mặc dù người trong hình có mặc sắc phục trên ngực có đeo nhiều huy chương. Khung cảnh đơn giản. Ngôi nhà căn phòng bấy nhiêu vẫn còn nguyên vẹn . Tất cả chỉ ngần đó ..." (trang 173) Và trong căn nhà đó Lan đã sống với đứa con trai tên là Linh, bà Tám và con mèo mướp lông vàng . Linh chưa bao giờ được cắp sách đến trường, lúc mẹï đi vắng, thì thường hay lêu lỏng với mấy đứa bạn hàng xóm và được bè bạn cho ăn. Với cái tuổi thơ dại, Linh cũng chẳng biết mẹ đi đâu và làm gì ... Có lần Lan trở về nhà, Linh trân trố nhìn mẹ và cất tiếng hỏi: "Hôm nay sao mẹ đẹp thế! Hồi nẫy khi mẹ bước vào nhà con cứ ngỡ là ai. Con nhận không ra mẹ. Mẹ đẹp quá mẹ ơi! Con tưởng bà nào vào nhầm nhà. Mấy ngày nay mẹ đi dâu?. Con mong mẹ muốn sưng cả mắt. Ồ lại có cả quần áo mới cho con nữa này. Mà sao toàn đồ mới thế mẹ . Mẹ mua những đồ này ư! " (trang 173). Những câu hỏi ngây thơ vô tội của con ... nhưng là những vết thương lòng, những giọt lệ âm thầm đắng cay của Lan . Nhưng cuộc đời không phải là những chuỗi ngày dài bất hạnh, đen tối và đớn đau như vậy. Sau cơn mưa trời lại sáng ... John McDought là một chàng trai người Mỹ, tài ba, đẹp trai và rất trẻ, đại diện công-ty lớn tại Mỹ đến hội họp và công tác tại Việt Nam, để quyết định tối hậu các vấn đề thương mại. "Vào một buổi tối khi ánh đèn đêm vàng vọt bắt đầu hắt những ánh sáng yếu ớt xuống những con phố hẹp, John thả mình trên đường Catinat. Anh lơ đãng nhìn những ánh đèn mầu căng vội trên một hàng chữ Snack Bar. Chẳng biết nguyên do nào đã đưa anh để đẩy cửa bước vào đây. Khi cánh cửa đằng sau anh vừa đóng lại thì John thấy một vùng bóng tối đen đặc. Một phút định thần anh nhìn thấy một vài ánh đèn leo lét trên tường. Anh định quay trở ra nhưng có một bàn tay mềm mại níu anh lại ...." (trang 152) . Và định mệnh đã bắt đầu từ đây, John đã gặp người con gái tên Ái Lan, mà chàng đã phát âm sai là "Ai Lân", để thành cái tên Mỹ dễ gọi hơn "Arlene" là đầu đề của câu truyện tình Việt-Mỹ này ... "Nàng có một sắc đẹp của cô gái khuê các nếu không nói là mặn mà . Một thoáng qua đi Anh (John) đã có cảm tình với khuôn mặt trái xoan, đôi gò má hơi nhô cao một chút nhưng bầu bĩnh đầy đặn . Nụ cười thật cởi mở . Cái nhan sắc qua lớp phấn son lòe loẹt rẻ rúng nhưng vẫn không che dấu được cái mặn mà đầy vẻ quyến rũ ...." (trang 156). Còn nàng đã nhận xét John ra sao ? "Ái Lan nhận thấy một cái gì đặc biệt ở John . Ngoài cái vẻ đẹp trai và quí phái ra, thái độ của anh thật hiền hòa đứng đắn không nham nhở , sàm sỡ so với một số khách hàng ba gai hay những GI mà nàng đã có dịp tiếp xúc nơi quầy rượu . Anh thường tỏ ra rất ít nói. Đôi mắt thật mơ màng, lơ đễnh với tất cả gì quanh mình ...." ( trang 157). Hai trái tim đã hòa chung một nhịp điệu và một tình yêu bình dị đã đến ... "Cái yêu là cái tình cờ , Chẳng mong bỗng gặp chẳng chờ bỗng trông ...." Tình yêu đâu phải hạn hẹp trong sự luyến ái giữa người nam và người nữ, nhưng đã vượt qua một sự hy-sinh cao cả nào đó để cảm nhận một ràng buộc chân thật . May mắn cho Lan gặp được John, một người ngoại quốc có một tâm hồn, một trái tim nhân ái và độ lượng .... Đây là một tình yêu bao gồm tình đời, tình người, đóù là nét đẹp vĩnh hằng của cốt chuyện . John đã cưới Arlene, đem vợ về Mỹ cùng với Linh . Câu chuyện có một kết cục rất đẹp ..... "Khuôn viên Đại Học UCLA vào cuối tháng sáu như ngập người . Hôm nay là ngày tốt nghiệp mãn khóa của trường Đại Học này ... Người được giới thiệu đầu tiên ngoài việc xuất sắc về số điểm cao và góp phần phụ giúp các giáo sư trong trường là Bác Sĩ Larry McDought, MD . Cả ngàn con mắt hướng về phía khán đài để được chiêm ngưỡng con người xuất chúng này ...." (trang 179) . Bác sĩ Larry chính là cậu bé Linh, con riêng của Lan, đã sống trong căn nhà nghèo nàn ọp ẹp ở đường Lê-Văn-Duyệt ngày xưa, lêu lỏng với bè bạn và chưa một ngày cắp sách đến trường .... "Những ngày tháng qua đi. Tất cả như một giấc mơ. Linh vẫn còn nhớ như in lúc John đến đón Lan vào một buổi chiều ngày hôm sau thì hai mẹ con Lan đã khóa trái cửa lại để bỏ lại tất cả những gì bên trong. Trong đó có con mèo mướp gầy. Lan, người đàn bà có cái tên là Arlene đã để lại cái quá khứ đằng sau khung cửa hẹp ..." (trang 181). Đọc xong "Arlene" tôi tự nhủ thầm trong bụng: Phải chăng đây là câu truyện có thật ngoài đời?.
QUÊ NHÀ: Bối cảnh của câu truyện bắt đầu ở trường làng quê nằm ở ngôi đình ngoài, đình trong là nơi cúng bái thờ phượng. Thầy Đàn được các chức sắc trong làng mời về gõ đầu trẻ, nhưng gặp phải những cậu học trò tinh quái, ngỗ nghịch, phá phách ... "Chiếc thước kẻ to lớn của thầy Đàn không ngưng nghỉ mà phải đập xuống bàn liên hồi để tìm lại trật tự trong lớp .Mỗi khi thầy Đàn cắm cúi trên bàn làm việc là phía dưới học trò được dịp bu lại với nhau chuyện trò, kẻ ẩu đả, đứa chửi nhau, tranh giành, xô đẩy nhau ..." (trang 187). Thầy Đàn đã phải khó khăn lắm mới giữ được kỹ luật nghiêm trang trong lớp gồm những học trò ngỗ ngáo như thằng Tít dấu con chuột đỏ hỏm, chưa mở mắt trong gậm bàn, thằng Cộc, đứa học trò dốt nhất lớp, đòi tan học sớm vì Tết sắp đến nơi ... Nhưng Thầy Đàn là vị Thầy tốt, tận tụy với nghề giáo ... "Đôi má của thầy Đàn sâu lõm vẻ hom hem . Dáng người gầy đét . Cuộc sống thanh đạm của một nhà giáo . Sinh sống vào việc gõ đầu trẻ làng ..." (trang 191) ... "Hình ảnh của thầy Đàn đã ghi sâu vào đầu óc non nớt của tôi và sau này . Một người thầy khả ái tận tụy và hy sinh để dậy dỗ học trò . Cái hình ảnh của Thầy khi cố gắng giảng giải cho tôi cách tính vận tốc của một động tử và thời điểm hai động tử gặp nhau đã giúp tôi dễ dàng qua kỳ thi sơ học yếu lược khi còn mài đũng quần nơi trường làng " (trang 193) . Tình nghĩa thầy trò đã in đậm vào trí tưởng của tác giả, là một cái gì cao quí và thiêng liêng ..Tác giả đã kể lại rất sống động những mẫu chuyện nho nhỏ ở làng quê, chuyện mùa màng, hạn hán ruộng đồng khô cạn, chuyện săn chuột đồng béo mập, sau mùa lúa chín ẩn mình sau lũy tre, trong hang sâu bờ ruộng, hoặc bãi tha ma ...Những khung cảnh họp mặt đầm ấm, hàn huyên trao đổi trong gia-đình ... gói bánh chưng, pha trà xanh, hút thuốc lào... Tất cả như một cuốn phim dĩ vãng đang chiếu lại để hồi tưởng những hình ảnh thân thương một thuở nào ... "Cái khung cảnh huyền hoặc đó cứ thấm vào tôi dần dần . Nó tuyệt vời và âm ỉ tưởng chẳng bao giờ phai nhòa ....... Tất cả đó là Quê Tôi" (trang 199) . Nhưng cảnh sống Quê Nhà đó không phẳng lặng và bình an như ước nguyện của những người dân quê chất phát hiền hòa .... hết chiến tranh Pháp với lính lê-dương thô bạo, rồi đến lính Nhật chiếm đóng sau khi đảo chánh bọn Tây, đã giáng tai-ương xuống đời sống của người dân quê tay lấm chân bùn, với ruộng đồng là lẽ sống .. "Tin Nhật về làng như một luồng điện truyền đi từ xóm Trước đến xóm Cui ..." ( trang 201) . Lính Nhật đến để thanh tra đồng ruộng bắt nộp thóc gạo, sưu cao thuế nặng . Họ bắt phá đồng ngô, ruộng lúa, vườn khoai , mạch sống của người dân quê để trồng cây đay dệt vải làm nguyên liệu để may quân trang cho bọn lính Nhật . Hành động vô nhân này đã gây ra những trận đói kinh hoàng và người chết đói như rạ ở khắp nơị . Bọn giặc thô tục chỉ biết dùng bạo quyền đàn áp những người chống đối ..."Người lính tung chân cao và phóng chiếc đá vào đúng mặt thím Ích . Chiếc đá khiến thím Ích bật ngửa lại đàng sau và rơi bịch xuống đất. Thím nằm sóng sượt, ngửa tơ hơ trên mặt đất. Máu miệng tuôn ra tung tóe. Hai chiếc răng bị gẫy văng ra xa. Đôi tay duỗi thẳng. Bất động" (trang 203). Ruộng đồng không còn là nguồn vui lẽ sống của những nông dân cần cù nhẫn nại từ đời này qua đời khác .... "Thế rồi những cánh đồng ngô khoai xanh ngát đã đột nhiên biến mất để thay thế vào những rừng đay để lấy sợi cung cấp dệt vải làm quân trang cho quân đội Thiên Hoàng " (trang 204). Người dân làng trong "Quê Nhà" chỉ còn là những bóng ma đói rét, thân hình khẳng khiu, bọc da, bất lực, chỉ còn lại những nỗi căm hờn, uất ức, oan nghiệt chất ngất trong cái kiếp sống con người lê lết từng ngày .... Thầy Đàn không còn xuất hiện để làm nghề gõ đầu trẻ nữa ... "Tiếng chầy giã gạo nhịp nhàng hòa lẫn với tiếng hát của hai chị tôi ru tôi vào trong mộng trong mơ với những âm điệu trầm bổng thời trang ngày đó như để nhớ người anh tôi ra đi không về ..." (trang 205)
"Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Em ngồi đan áo lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng ...  
NỤ CƯỜI CHO TÔI TÌNH NGƯỜI: Như thường lệ mỗi cuối năm, trong khi mọi người đang sửa soạn đón giao-thừa, tống cựu nghênh tân, thì tác-giả Dược Sĩ Vũ-Văn-Tùng thường ngồi trước máy vi tính để ghi lại một câu "Truyện Mùa Xuân". Câu chuyện này là câu truyện thật được viết vào đầu Xuân Canh Thìn 2000 .... Tại sao lại bắt đầu bằng một "nụ cười"..... "Tôi từ trong phòng thi bước ra và tôi đã gặp người con gái đó. Tôi ngạc nhiên hết sức từ suốt bốn năm học hành chung với nhau chúng tôi chẳng hề bao giờ nói chuyện với nhau một câu. Tôi cũng chẳng biết tên đệm nàng là gì nữa. Nhưng hôm đó có lẽ vì tôi đã qua những giờ oral thật thoải mái và biết chắc là thế nào cũng có tên trên bảng vào vài giờ đồng hồ sau đó nên đã niềm nở hỏi nàng: "Chị vào oral được không?". Nụ cười thật tươi hiện trên khuôn mặt rạng rỡ mà hôm đó tôi thấy nàng thật xinh đẹp, nụ cười để lộ hàm răng trắng đều đặn mà tôi vẫn nhớ mãi mãi chẳng bao giờ quên ....." (trang 215)
"Nụ cười, ôi một nụ cười
Xé bao nhiêu lụa ... mua cười bâng quơ
Nụ cười : chẻ tóc thành tơ
Gom mây dệt gấm .... may cờ vu quy  
(VNL)
Và từ cái "nụ cười" đó đã "cho tôi tình người", một cái tình vô biên, một tình yêu tự nguyện, một lương duyên tiền định kết hợp bởi ông tơ bà nguyệt .. Chao ôi chỉ một nụ cười duyên nợ của người con gái đó: Dược Sĩ Vũ Tuyết Yên, hiền thê của Anh Tùng ... mà mới có một câu truyện hào hùng và cảm động ... "Hơn ba mươi năm sau và vào một ngày đầu thiên kỷ 2000 tôi thấy nhà tôi dúi vào tay tôi một tập giấy bản thảo bảo: Anh đọc đi! Đây là chuyện gia-đình em " (trang 216)
Câu truyện bắt đầu ở một tỉnh miền Bắc: Hưng Yên, nơi Ông nội DS Tuyết Yên làm Tổng Đốc. Hai chữ "Hưng-Yên" như xoáy dội vào trí tưởng của tôi, một độc giả đang theo dõi cốt truyện này ... Tôi không được sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, nhưng Hưng Yên là nơi chôn nhau cắt rún của thân phụ tôi, ...và Hải Phòng nơi Mẹ tôi được sinh ra. Hồi nhỏ tôi vẫn thường được nghe cha tôi kể một số mẫu truyện nho nhỏ ở tỉnh này, nơi nổi tiếng với một loại trái cây "đặc sản" là thứ nhãn lồng với múi dầy, ngọt lịm và ngon vô cùng. Đó là nơi Cha tôi đã sinh ra, sống trong cảnh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được người anh ruột (bác tôi) nuôi dưỡng ăn học đến khi đỗ thành chung, tú tài ... Bao nhiêu biến loạn đổi thay của cuộc đời, rồi cha mẹ tôi di cư từ Bắc vào miền Trung và tôi được sinh ra ở Đà Nẵng, và Cha tôi đã lập ra Hội Hưng Yên Tương Tế ở đây, và mỗi khi nhắc đến Hưng Yên người thường rưng rưng ...
"Trên Dốc-Lã mơ màng cảnh cũ
Bên kia sông .... ừ .... chỗ xóm ta
Trên giàn thiên lý chim ca
Dưới cây khế ngọt mẹ già quay tơ
Gió rung cờ chuối phất phơ
Dáo cau chót vót lô nhô chọc trời ..." 
(Làng Phượng Lâu, Tỉnh Hưng Yên - Thơ TP -1952)
Nhưng quê hương đó không phẳng lặng bình an như con sông nước chảy qua cầu, và đã một thời khói lửa binh đao ...
"Hỡi người xuôi, ngược, người ly biệt
Có nhớ Hồ Tây lắm sóng cồn
...Cố đô sầu bốc lên non
Ngày không chớp bể mưa nguồn lạ chưa
Nùng-sơn hoa cỏ xác xơ
Mây giăng đã mấy lá cờ vong nô!  
(Thơ TP)
Và chúng ta hãy nghe Chị Tuyết Yên kể lại câu truyện .....
Ông Nội của DS Tuyết Yên là Tổng Đốc Tỉnh Hưng Yên, một mạch sống của miền Bắc nước Việt, bên bờ sông Hồng đỏ đất phù sa với những cánh đồng bạt ngàn lúa mạ, cò bay thẳng cánh ...Với một người Cha có quyền thế như vậy, nhưng Ông Lê-Tôn-Hy (thân phụ Chị Tuyết Yên) đã không dựa vào quyền lực địa vị của Cha để vinh thân phì gia kiếm cho mình một địa vị tốt trong xã hội mà Ông đã mang trong người dòng máu khí khái và hào phóng, dấn thân vào cuộc đời phiêu lưu mạo hiểm, sau khi đổ Tú Tài Tây, Ông đã đến làm việc tại Yên Báy, miền mạn ngược rừng thiêng nước độc .. "Ở cái thời xa xưa mỗi khi nhắc đến hai hàng chữ Lào Cay Yên Báy là người ta mường tượng đến chốn biên thùy hoang vắng, xa lắc xa lơ đầy quân khủng bố, man dại, giặc giả từ bên kia biên giới tràn sang để giết người cướp của, tham vọng mở rộng bờ cõi xuống miền nam phì nhiêu ..." (trang 219) . Và cũng ở cái địa danh đó, Người Anh Hùng Lê-Tôn-Hy đã quyết trí đến làm việc, đã lưu ngụ để chứng kiến bọn thực dân Pháp đã hành quyết đưa lên máy chém hàng chục vị anh hùng của dân tộc như Nguyễn-Thái-Học, Ký Con, Phó Đức Chính, Cô Giang, Cô Bắc... Phải chăng từ địa danh linh kiệt đó đã hun đúc cái chính khí và lòng yêu nước bao la vào người thanh niên trẻ tuổi hào hùng Lê-Tôn-Hy. Và cũng ở tỉnh Yên-Báy đó ...."Tôi (Tuyết Yên) được mợ kể cho nghe ..... vì cậu tôi làm việc ở Yên Báy nên sau khi được cưới hỏi mợ tôi đã theo chồng đến tận miền mạn ngược thay vì sống trong cuộc đời nhung lụa của một gia đình quyền thế ở miền đồng bằng phì nhiêu và có lẽ cũng tại thành phố Yên Báy này tôi đã được hình thành trong bụng mợ tôi giữa nơi rừng thiêng nước độc ..." (trang 219). Rồi những khó khăn dồn dập trong gia-đình, thân mẫu Chi TY phải trở về lại Hưng Yên sống, và Chị đã được sinh ra tại đây .. Hưng Yên và Yên Báy, từ chữ Yên đó Chị đã được vinh hạnh mang cái tên ghép liền hai tỉnh. Cha của Chị đã được gửi theo học lớp sĩ quan do Pháp đào tạo tại Sơn Tây. Đầu tháng 3 năm 1945, người Nhật đã làm một cuộc đảo chính để nắm lấy quyền cai trị Việt Nam. Sĩ quan Lê-Tôn-Hy phải lẩn trốn những cuộc lùng bắt của người Nhật vì ông là sĩ quan do Pháp đào tạo .Sau đó Ông bất thần xuất hiện và làm việc cho một hãng thương thuyền Nhật, nhờ đó mà Ông biết nhiều trang bị về vũ khí và những kho tồn trữ khí giới của quân đội Nhật. Ông như một con cờ trong cơn lốc của thời đại. Rồi vào giữa năm 1945, Đức, Nhật và Ý thảm bại trên chiến trường thế giới, người Nhật kéo cờ trắng đầu hàng. Rồi Việt Minh đảo chánh lên nắm chính quyền, tước khí giới từ tay quân đội Nhật. Sau khi chỉ chỗ chôn dấu vũ khí của quân Nhật, Ông Lê-Tôn-Hy lánh mặt về quê ngoại để tránh bị trả thù ...
"Sau một thời gian lánh mặt cậu tôi trở lại Hà Nội với gia-đình. Khung cảnh Hà Nội lúc đó là khung cảnh bừng bừng sôi động. Hẳn là người sống trong thời điểm này, không khí này mới dễ cảm thấy cái khí thế đòi độc lập, chống thực dân cũng như diệt Phát xít nó mạnh như thế nào " (trang 228). Người Pháp đã để lộ ý đồ muốn trở lại đô hộ Việt Nam, muốn tìm lại cái khung cảnh vàng son đã mất trước đây qua tay người Nhật. Tháng 10-46, quân Pháp chính thức đổ bộ và tiến vào thành phố Hải Phòng. "Việt Minh núp dưới danh hiệu là một tổ chức giành độc lập, chống thực dân, diệt phát xít. Sở dĩ tổ chức này phải ngụy trang vì trong lúc giao thời tại Việt Nam xuất hiện khá nhiều đảng phái ....Trong ý thức tìm độc lập cho Việt nam, các đảng phái không thể đứng một mình ....Danh từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa dần dần biến thể khi Việt Minh lộ nguyên hình Chủ Nghĩa Cách Mạng tư sản hay Cộng Sản. Người dân lúc đó mải mê như vừa tỉnh qua cơn ác mộng sau những tháng ngày cam phận tôi đòi của kiếp con người" (trang 226) Ông Lê-Tôn-Hy không phải là người có tham vọng chính-trị, nhưng trong con người đó ăm ắp bầu máu nóng đầy nhiệt tâm của một thanh niên trẻ có tinh thần yêu nước cao độ. Với kinh nghiệm dày dặn của một sĩ quan trong quân đội Pháp đã được huấn luyện tại trường Võ Bị Sơn Tây, Ông được coi là viên ngọc quí thời đó và Ông Lê-Tôn-Hy đã được giao cấp chỉ huy tiểu đoàn 56 thuộc trung đoàn 41 chiến khu III, ủy nhiệm mặt trận bắc Hưng Yên -Hải Dương với những chiến tích lẫy lừng làm cho giặc Pháp phải khiếp đảm. "Nhiều trận chiến rất táo bạo như hóa trang, kỳ tập, độn thổ, phục kích để giải tán ban tề, diệt tề có võ trang. Tất cả là do công của tiểu đòan 56 mà người chỉ huy mưu trí, dũng cảm là tiểu đoàn trưởng Lê Tôn Hy." (trang 235). Nhưng số phận đã an bài .......

"Dịp thăm nhà lần cuối là ngày 9 tháng 6 nhân dịp giỗ ông ngoại, cậu đã về chơi. Lần này không như mọi khi có người hộ vệ đi theo và cậu đeo súng lục bên bạng xườn. Buổi họp mặt gia đình bên ngoại đầy đủ, em của mợ tôi là bác sĩ Nguyễn Đức Quảng dã hỏi Anh: - Anh làm gì mà đeo súng kè kè vậy? - Cậu tôi sờ vào khẩu súng lục đang đeo miệng mỉm cười và nói: - Em biết không! Đây là súng để phát hiệu lệnh đấy! Mỗi khi mở cuộc tấn công giặc Tây anh đều dùng súng này để làm hiệu lệnh! Hễ nghe tiếng súng nổ là anh em xung phong, tấn công!- Nét mặt của cậu bất chợt như đanh lại để nói tiếp: Mà biết đâu chẳng có lúc anh sẽ phải cần dùng đến nó! Nếu gặp đường cùng thà rằng tự sát còn hơn là để thân thể này lọt vào tay địch " (trang 236 và 237). Lời nói của Ông như một định mệnh an-bài, một lời trân trối cuối cùng của một chiến sĩ ra đi không hẹn ngày về....."cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" ..... Ngày đó không hẹn mà đến ... ngày 17 tháng 7 năm 1947, tiểu đoàn 56 của người chiến sĩ Lê-Tôn-Hy đã phục kích và giáng những trận đòn ác liệt xuống bọn giặc Tây , khí thế của quân sĩ ông đã bừng bừng như vũ bão, nhưng trời đã không chiều lòng người. Trong một trận phục kích lần thứ hai, gặp quân đội Pháp, kẻ thù xâm lược hung hãn, trang bị vũ khí tối tân hơn, tiếp liệu đầy đủ, ở vị thế thượng phong hơn ... Ông ra lệnh khai hỏa nhưng không hiểu vì sao súng máy lại hỏng, ra lệnh xử dụng mìn đã gài lúc trước để bẫy quân Pháp nhưng không hiểu sao mìn lại không nổ . Những binh sĩ của ông là những miếng mồi ngon cho những viên đạn đồng của bọn xâm lăng. Cuối cùng chỉ còn lại 11 người cố thủ nhất quyết ở lại nằm trong vòng vây của địch , tất cả cố gắng chống trả và che chở cho người khác đào tẩu ..... Đây là câu chuyện về cái chết oai hùng của Chiến Sĩ Lê-Tôn-Hy, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 56 : "Nhưng những viên đạn ác liệt của kẻ mạnh cứ lần triệt hạ từng người cho đến khi chỉ còn lại hai người: một Đại đội trưởng có tên là Thân và cậu tôi. Nhưng cả hai vẫn cương quyết chống trả. Quân Pháp thu gọn vòng vây mỗi lúc một gần hơn và biết chắc đã đang chế ngự và làm chủ chiến trường họ kêu đầu hàng. Cả hai không chịu. Người Đại đội trưởng không đủ can đảm kết liễu cuộc đời của mình nên đã nhờ đến tay cậu .... Còn lại một mình cậu, cậu đã tự vẫn. Ý nguyện của cậu đã có sẵn trong đầu và lúc này đã đến ...." (trang 239)
"Trước mặt giặc ta thề không sợ chết
Chốn gian nguy đâu giảm chí hùng anh
Nhìn non sông nhà cửa bị tan tành
Và Đồng loại, ôi , vô cùng điêu đứng
Xã tắc Việt đã bao công xây dựng
Với máu xương tiên tổ giữ giang san
Căm hờn thay! Đồ khuyễn mã tham tàn
Nỡ muối mặt dơ chân lên đạp bẩn ...
Đã trai Việt giữ binh thư đồ trận
Phút sa cơ chẳng quyết bán sơn hà
Đấng mày râu tổ quốc vẫn phụng thờ
Giữ tiết tháo, ta thề không sợ chết ...."  
(Thơ Thanh Phượng)
Đúng ... Vị Anh Hùng Lê-Tôn-Hy đã "vị quốc vong thân". Ông đã dùng súng tự vẫn để khỏi rơi vào bàn tay tra khảo bạo tàn của bọn giặc Tây ... "Một trận trải gan trời đất thấy , So xưa nào thẹn tiếng anh hùng " (N.Đ.C.) ...Ông mất vừa đúng 34 tuổi đời . Người dân thời đó đã nghe thấy bài hát ca tụng tiểu đoàn 56 :
"Anh Lê Tôn Hy ! Anh hùng muôn thuở
Anh thác đi trong mùa thu tháng tám
Trên con đường Cống Luận Văn Giang
Nhưng Anh ơi tên Anh còn vang mãi
Anh thác đi mang mối hờn căm
Nhưng chúng tôi là tiểu đoàn 56
Quyết tâm thề lấy máu rửa hồn anh" (trang 239)
Người anh hùng Lê Tôn Hy đã mất, nhưng tinh thần tiết tháo, lòng dũng cảm và chí khí hạo nhiên của Ông vẫn tồn tại mãi trong tâm hồn và lòng ngưỡng mộ của mỗi người còn sống....
HAI CÁI DUYÊN NỢ 
Ngoài cái nợ đối với Quốc Gia Dân Tộc như nhiều người, nhà văn Vũ Văn Tùng đã còn có thêm hai cái duyên nợ, cũng vì một "nụ cười" duyên dáng hôm nào trên sân trường xưa mà anh đã mắc phải món nợ thứ nhất .... cái "nợ tình" với người bạn đời trăm năm là Chị Vũ-Tuyết-Yên ...
"Con sông nợ với biển khơi
Ngọn gió nợ đám mây trời ngàn sau
Vôi, trầu nợ với buồng cau
Anh và em nợ nần nhau mối tình" 
(Trần Thừa Thiện) 
và mối tình chung thủy vô biên đó, qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm của cuộc đời dâu bể đã hình thành những đứa con huyết nhục mà Anh Chị đã chăm sóc nuôi dưỡng để tất cả được công thành danh toại trên đường đời ngày hôm nay.
Tác giả Vũ Văn Tùng còn có một cái duyên nợ thứ hai , đó là cái "nợ văn chương" với bút nghiêng, chữ nghĩa .... và kết quả của cái duyên nợ này là đứa con tinh thần kháu khỉnh đã ra đời 
HOA ĐỒNG NỘI:
Hoa Đồng cỏ Nội* gió thênh thang
Trăm Nhớ Nghìn Thương* nắng ngỡ ngàng
Bến Nứa* Quê Nhà* ngong ngóng đợi
Núi sông viễn xứ hắt hiu vàng
Ar-lene* vương vấn trời quê Mẹ
Ly khách u hoài bóng cố nhân
Khúc khích ... Nụ Cười Cho Tôi* nhớ
Tình Người* ... giao hưởng khúc tình tang 
(Hải Đà)
* Tên của 6 câu truyện trong tuyển tập Hoa Đồng Nội
1- Hoa Đồng Nội
2- Trăm Nhớ Nghìn Thương
3- Bến Nứa
4- Arlene
5- Quê Nhà
6- Nụ Cười Cho Tôi Tình Người
Nhà văn Vũ Văn Tùng đã làm đẹp quê hương bằng ngòi viết của Anh . Anh là một người mang trong mình một dòng máu nóng đam mê văn hóa nghệ thuật vô cùng . Có thi sĩ đã vịn câu thơ mà đứng dậy ....thì văn sĩ Vũ Văn Tùng cũng đã vịn câu văn mà đứng dậy.... trong cõi đời hư ảo, thăng trầm, vô thường và phù phiếm nầy....Hoa Đồng Nội đã làm đẹp tâm hồn anh và gia đình anh, đã làm thư giãn tâm hồn của mỗi độc giả đã đọc những câu truyện của anh, từ đó mỗi một người chúng ta đã tìm thấy tiếng gọi của Hồn Quê Việt Nam, ngọt ngào và gợi cảm, da diết một cách lạ lùng dù lưu lạc phương người, đất khách, bất cứ ở tận chân trời góc bể nào. Tác giả đã nặng lòng với quê hương đất nước và gia đình để anh dùng ngòi viết tuyệt vời, điêu luyện, phong phú, để lột trần và diễn tả những xúc cảm chân tình tận đáy tim, những hình tượng sâu sắc tận đáy lòng. Anh đã chắt lọc từ bản thân anh, cuộc sống thật của Anh một hình ảnh Quê Hương, ở đó có con sông phù sa óng ánh, sóng lúa đồng quê bập bềnh, khói lam chiều tỏa mái nhà tranh, bờ đê tít tắp, đồng cò bay thẳng cánh, những ngày thanh bình cũng như những chuỗi ngày chinh chiến loạn ly, chia phôi của những thảm cảnh đau thương, những xót xa trầm thống, và đã có những vị anh hùng liệt sĩ với tinh thần yêu nước cao cả và ý chí chiến đấu kiên cường, đã liều mình hy-sinh để bảo vệ giải giang sơn gấm vóc của Tổ Quốc Việt Nam muôn đời yêu dấu ....Tinh thần hai chữ phau sương tuyết , Khí phách nghìn thu rỡ núi sông....Tất cả những hình ảnh đó đã bồi đắp tâm hồn anh, đã khởi sắc cho những ý tưởng của anh đi tìm tin yêu và sáng tạo, để nơi tha phương ly xứ có những đêm không nguyệt tận, những ngày tràn ánh dương, và vẫn có những tâm hồn nhân ái mãi đi tìm nguồn cội, một nơi chốn để trở về ... Tôi xin chân thành cám ơn Nhà Văn Vũ-Văn-Tùng với tác phẩm Hoa Đồng Nội đã cho tư tưởng người đọc chấp cánh lâng lâng bay bổng về với thiên nhiên của đồng xanh lúa mạ, một vùng đất quê hương ăm ắp tình người, một nơi chốn thân quen của đặc sản quê mùa, không cầu kỳ cao xa, của những mưa chiều nắng sớm, hắt hiu gió, chạnh lòng mây, của những dòng ca dao ngọt ngào sữa mẹ, ngậm ngùi tiếng ru trong tình sâu nghĩa nặng, để không còn cảm nhận thấy cái ranh giới giữa đau khổ và hạnh phúc, giữa vô cùng và hữu hạn, giữa tăm tối và ánh sáng, mà chỉ còn thấy mình đối diện với một cái gì không thể xóa bỏ được đó là hình ảnh Quê Hương ngan ngát hương thơm của muôn vàn cánh HOA ĐỒNG NỘI đang vươn mình nở rộ.
"Quê hương không là bạc biển
Quê hương chẳng phải tiền rừng
Quê hương ngậm ngùi miên viễn
Trong tim nỗi nhớ không ngừng " ....  
Hải Đà 7/2001
Theo http://www.vuonghaida.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhân sinh một kiếp phù vân  Ngày cuối tuần, con đường tắt trở về nhà thăm cha mẹ hai bên nội ngoại bao giờ cũng là con đường ngắn nhất v...