Hoa sữa đã đi vào thơ ca như một biểu tượng
ngọt ngào và nồng nàn của tình yêu. Nhưng nếu vì quá nồng nàn yêu hoa sữa mà trồng
tràn lan, e rằng cuộc sống sẽ bị ngột ngạt!.
Hoa sữa ở Hà Nội
Có lẽ không một người yêu văn thơ nào lại
không ít nhất một lần nghe tới hai từ “Hoa sữa”. Xưa, các cụ Tự lực Văn đoàn đã
đưa Hoa sữa vào văn chương. Thời nay, bài thơ “Hoa sữa” của Nguyễn Phan Hách được
nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, tạo nên "Mối
duyên thơ - nhạc", bài hát “Hoa sữa” của Hồng Đăng đã làm rung động
hàng triệu tâm hồn người Việt. Đọc và nghe hai tác phẩm ấy, người ta cảm thấy
hương nồng nàn của hoa sữa làm ấm trái tim mình, làm cho tình yêu con người và
mảnh đất mà mình sống được mặn nồng thêm. Hà Nội được yêu thêm bởi biểu tượng
hoa sữa, tơi mức nhiều người từ phương Nam ra hỏi tìm bằng được cây hoa sữa để
chiêm ngưỡng.
Quả thật, vào mùa thu sang đông, Hà Nội nồng
nàn trong hương hoa sữa. Giữa cái se lạnh của trời đất lúc chuyển mùa, hương sữa
như một làn hơi ấm từ ngọn lửa vô hình tỏa ra, làm cho cuộc sống thêm thi vị. Nhưng
nếu quan sát kỹ, có thể thấy rằng trước đây, hoa sữa Hà Nội là những cây mọc
khá cao, lại được phân bổ rải rác ở các phố, xen giữa các cây khác, chứ không tập
trung thành hàng hàng dãy dãy như bây giờ. Mà trong thơ ca, hoa sữa cũng không
chiếm lĩnh toàn bộ không gian: “Hoa sữa” chỉ “ngọt ngào đầu phố đêm đêm” (Hồng
Đăng) hoặc chỉ “thơm ngây ngất bên hồ” (Nguyễn Phan Hách). Chính vì thế, cái nồng
nàn của hoa sữa chỉ là sự điểm tô cho cuộc sống, cho tâm hồn, chứ không chế ngự
tâm hồn và gây ô nhiễm cho cuộc sống!.
Hoa sữa ở Quảng Ninh
Vậy mà, một số địa phương, có lẽ vì quá yêu
hoa sữa, cho nên đã trồng hoa sữa dày đặc cả tuyến phố. Để đến khi ra hoa,
hương sữa trở thành vấn nạn của người dân. Từ chỗ nồng nàn, ngọt ngào, hương
hoa sữa bị người dân gọi là nồng nặc và độc hại! Tình trạng này đã lây lan ra
khắp đất nước: Ngoài Hà Nội, thì miền Bắc có Lạng Sơn, Quảng Ninh, miền Trung
có Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, miền Nam có Bình Dương,
Trà Vinh… là những địa phương trồng nhiều hoa sữa tới mức gây ô nhiễm, người
dân phải than phiền, thậm chí kiện cáo hoặc lén hại chết cây, còn chính quyền
thì phải tìm biện pháp khắc phục.
Hoa sữa ở Quảng Bình
Ở Lạng Sơn, các tuyến đường có nhiều hoa sữa
là Nhị Thanh (phường Tam Thanh), Lê Lợi (phường Vĩnh Trại), Bà Triệu (phường
Đông Kinh), Quang Trung (phường Chi Lăng). Ở TP Hạ Long, Quảng Ninh, trên đường
Nguyễn Văn Cừ có hàng hoa sữa chạy dài tới gần 1.000 mét. TP Đồng Hới Quảng
Bình, hoa sữa được trồng nối dài hơn 2Km cả hai bên vỉa hè trên tuyến đường
chính là Lý Thường Kiệt với mật độ 2-3m/cây. Ở TP Đà Nẵng, trên đường Nguyễn
Văn Linh có hơn 200 cây hoa sữa được trồng từ năm 1999-2000 với mật độ quá dày.
Ở Quảng Nam, đường Huỳnh Thúc Kháng dài gần 2km (quốc lộ 1A đến ga Tam Kỳ) được
đặc cách trồng một loại cây xanh duy nhất hai bên đường là hoa sữa, với 274
cây, trong đó có 198 cây giống nhập từ Hà Nội đã được 10 năm tuổi. Ở Phú Yên,
đường Thành Thái, phường 4, TP Tuy Hòa được trồng hoa sữa dày đặc. Ở Khánh Hòa,
hơn 1.000 cây hoa sữa tập trung trên 53 tuyến đường thuộc tp Nha Trang. Ở TP Thủ
Dầu Một tỉnh Bình Dương, có khu phố dày đặc 300 cây hoa sữa, cứ 5 mét lại có một
cây. Ở Hà Nội, nơi được coi là quê hương của Hoa sữa, cũng “phát huy truyền thống”
bằng cách trồng thêm nhiều hoa sữa tại nhiều tuyến phố, làm biến dạng biểu tượng
hoa sữa: Dọc các con phố Hà Nội như Duy Tân, Nguyễn Chí Thanh, Quán Thánh, Lê
Quang Đạo, Lò Đúc... cây hoa sữa cao lưng chừng tầng 1, tầng 2 nhà dân, cách
vài mét có một cây. Con phố Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa) dài chừng 1,7 km,
cách vài mét lại có một cây hoa sữa, cả phố có khoảng trăm cây. Người dân ở các
khu vực nói trên đều chung một nỗi khổ là bị hương hoa sữa làm cho nhức đầu,
chóng mặt, buồn nôn, không thể ngủ được, cuộc sống bị đảo lộn. Ở Hà Nội, không
chịu được hương hoa sữa, có người đã ép cho cây chết yểu như đục gốc, đổ dầu nhờn,
hóa chất vào cây. Thế nhưng cây này bị phá thì cây khác được trồng thay thế,
thành ra chiều cao của hàng cây sữa cả con phố Quán Thánh cứ lô nhô, không bằng
nhau.
Hoa sữa ở Khánh Hòa
Ba năm trước, người dân miền Trung đã gửi đơn
"kiện" hoa sữa do nó được trồng dày đặc trên các đường phố, gây ảnh
hưởng đến sức khỏe. Chinh quyền một số tỉnh thành đã tìm cách khắc phục vấn nạn
đó, nhưng chưa tìm ra lối thoát thích hợp. Ở Đà Nẵng, vào tháng tám mỗi năm,
Công ty Cây xanh cho cắt bớt nhánh và tỉa cành để hạn chế hoa sữa nở rộ. UBND
thành phố đã chỉ đạo Công ty Cây xanh nghiên cứu các biện pháp cụ thể vừa không
gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân trên tuyến phố này vừa đảm bảo mật độ cây
xanh ở thành phố. "Chúng tôi đang khảo sát địa điểm thiếu cây xanh ở các
tuyến đường và các công viên để di giãn bớt cây hoa sữa ở đường Nguyễn Văn
Linh. Nhưng biện pháp này gây tốn kém về kinh phí và công sức chăm sóc nên công
ty đang cố gắng liên hệ với các nhà khoa học để tìm kiếm loại thuốc nhằm ức chế
sự ra hoa của cây hoa sữa mà không cần di chuyển chỗ khác" - ông Nguyễn Hồng,
giám đốc công ty, cho biết. Ở Khánh Hòa, từ năm 2011, UBND tỉnh đã quyết định
loại bỏ cây hoa sữa để thay thế bằng các loại cây khác phù hợp với quy hoạch
cây xanh. Trong khi ngân sách còn hạn chế, TP Nha Trang kêu gọi các doanh nghiệp
tham gia thay thế cây hoa sữa nhưng không có đơn vị nào hưởng ứng. Hiện nay,
thành phố cho phép người dân được tự bỏ kinh phí để thay thế cây hoa sữa.
Nhưng, để chặt hạ một cây hoa sữa và trồng thay thế bằng loại cây khác, chi phí
có thể lên đến cả chục triệu đồng cho nên người dân cũng khó thực hiện. Ở Trà
Vinh, trước nỗi bức xúc của người dân, UBND tỉnh đã có chủ trương cho đốn bỏ
các cây hoa sữa trồng dọc nhiều tuyến đường và thay thế bằng loại cây khác.
Hoa sữa ở Bình Dương
Chuyện hoa sữa thật là bi hài! Trồng bằng được,
rồi lại tìm cách loại bỏ bằng được thứ cây đã đi vào thơ ca như là biểu tượng nồng
nàn và ngọt ngào của tình yêu. Người ta không biết rằng giữa thơ ca và đời sống
trần tục có những khoảng cách, có những sự khác biệt, không thể thô thiển bệ
thơ ca đặt nguyên vẹn vào đời thường. Tình trạng trồng hoa sữa tràn lan không
chỉ là biểu hiện của việc thiếu quy hoạch về cây xanh, mà còn là biểu hiện ở sự
thiếu hiểu biết về văn hóa. Hơn nữa, đó là biểu hiện của thứ “văn hóa” học đòi
vô lối mà người Việt chúng ta hay mắc phải – thấy người ta có gì hay hay là lạ
là bê về thực hiện mà không cân nhắc xem có thích hợp hay không, vận dụng vào
điều kiện của mình thế nào cho đúng…
Di hại của tình trạng trồng hoa sữa tràn lan
chưa biết đến bao giờ mới bị triệt tiêu. Mong rằng các địa phương khác không đi
theo vết xe đổ của những tỉnh, thành đã dẫn ra ở trên, để hoa sữa không bị mang
tiếng oan, không bị biến từ biểu tượng của sự ngọt ngào, đáng yêu thành biểu tượng
của sự độc hại, đáng sợ…
Hoa sữa - Hông Đăng - Ngọc Anh
Buổi chiều chỉ đi đến nhà em gái, đưa 3
tình yêu đi siêu thị, đến hàng ốc thế mà về đầu đau như búa bổ, hai thái
dương thi thoảng lại giật giật. Nằm mãi mới nhớ ra nguyên nhân là do chiều đứng
đón ta xi dưới cây hoa sữa to đùng, nở hoa chi chít ngay trước siêu thị.
Hồi còn sinh viên, mỗi khi đi qua đường
Nguyễn Du, chỉ 1,2 cây, thoang thoảng hương còn thích. Về sau Hà Nội trồng
quá nhiều, mùi hương hắc vô cùng làm mình thấy sợ vì cứ ngửi là y như rằng bị
đau đầu. Ngay trước khu tập thể nhà bố có 2 cây, mỗi lần đi qua phải bịt mũi
và về nhà thì đóng hết các cửa lại. May mà phố mình ở rất hiếm trồng hoa sữa
chứ không thì đi làm về là đóng chặt cửa, không dám ra ngoài.
Thanh Tâm
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét