Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Bình nguyên với cõi đi về

Bình nguyên với cõi đi về
*1. J.P. Sartre trong công trình Văn học là gì? có viết “Mỗi người có lý do riêng của mình: với người này, nghệ thuật là một cuộc chạy trốn; với người kia, một phương cách chinh phục. Nhưng người ta có thể trốn vào một nơi cô tịch, vào đam mê, vào cái chết; người ta có thể chinh phục bằng vũ khí”. 
Cánh cò Vân Long- Ninh Bình. 
Quả vậy, nghệ thuật một cuộc rượt đuổi, chính xác hơn, là cuộc lưu đày vô tận. Cuộc lưu đày ấy, nói như Nguyễn Du, vừa như là định mệnh (Cổ kim hận sự thiên nan vấn - Những mối hận xưa nay khó hỏi trời), lại vừa là tự nguyện (Phong vận kỳ oan ngã tự cư - Ta tự thấy mình cùng hội với những người mắc nỗi oan lạ lùng bởi nết phong nhã). Thế nhưng, thoát khỏi lưu đày, nghệ sĩ có nguy cơ không còn là anh ta nữa, nghệ thuật cũng mất đi hồn vía của nó, dễ trở thành trống rỗng, vô cảm!.
Tôi nghĩ Bình Nguyên cũng là một trong số những người bị “giời đày”, mà bị đầy lang thang trong chốn hư không.
Ngay từ tập thơ đầu tay, (Hoa thảo mộc- 2001) anh đã viết: “Ta không về em hóa đá/ Bên chân song đứng trông chồng/ Đá thì xanh như mắc nợ/ Ta thì tan vào hư không”; “Em ơi lệ có thành sông/Anh hư vô chảy còn trong đợi chờ”; sau này anh nhận mình là kẻ lãng du: “Tôi con đường phía lãng du/Chốc thôi đã nửa mùa thu dãi dầu”
Bị đày ải, hay nói như Bình Nguyên, là bị bỏ bùa trong chốn hư vô, người thơ biến thành kẻ trơ trọi. Cái không gian định mệnh khắc nghiệt dễ khiến người thơ thành kẻ trầm lặng, u uất. Âu cũng là phản ứng trước số mệnh thiên định trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Bình Nguyên không thuộc tuýp người ồn ào, số phận bắt anh phải chọn cho mình sự trầm lắng, ưu tư, hình như cả tâm tính cũng như thơ.

Trầm lắng, ưu tư đúng là một nét đặc trưng của thơ Bình Nguyên. Gọi nó là cái nhãn quan (vision) của người nghệ sĩ thì cũng phải. Con người và cảnh vật đi vào trong thơ anh bao giờ cũng có những nét u hoài, xao xác. Từ hình tượng Dương Vân Nga cho đến người thiếu phụ chờ chồng như hóa đá bên sông, từ người em gái lặng thầm, e ấp nơi quê nhà cho đến người hát rong xa lạ; từ con sông tuổi thơ “sắc sắc không không” đến con sông Đáy luôn chỉ “thầm thì quanh những khúc đầy vơi…Lặng lẽ chảy như mình không chảy”… Ngay cả những sự vật hiện tượng vốn tự nó là ồn ào, náo nhiệt như cảnh họp chợ cũng trở thành vô thanh trong thơ anh. Người ta không thấy cái ồn ã, xô đẩy của cuộc sống mà chỉ cảm thấy những âm sắc mơ hồ từ một nơi xa xăm nào đó vọng lại. Trầm lắng trở thành cái cõi đời riêng của thơ Bình Nguyên, mọi suy tư, ngẫm ngợi của anh cũng toát lên từ đấy.
Trong cõi đời riêng của anh, ta bắt gặp một bộ ba: QUÊ HƯƠNG - CON ĐƯỜNG - VĂN CHƯƠNG. Quê hương (mà anh gọi bằng một từ rất hiền là DẠI) là điểm xuất phát và cũng là nơi trở về, Văn chương là cái Tuyệt đối, hay là sự đồng cảm, khao khát, là những ước mơ vẫy gọi, là "cõi người" - như chữ dùng của Bình Nguyên. Con đường là không gian chủ yếu của cái tôi. Nếu gọi đời thơ Bình Nguyên (chí ít là cho đến lúc này) có kết cấu bộ tứ (được hiểu là kết cấu thường nghiệm, nổi, cụ thể) tương ứng với bốn tập thơ của anh (Hoa thảo mộc, Trăng đợi, Đi về nơi không chữ, Lang thang trên giấy) thì cấu trúc không gian (hay kết cấu siêu nghiệm, chìm, bề sâu) trong thơ Bình Nguyên chính là cái bộ ba này. Chúng xoắn bện, đan kết vào nhau, có lúc lại nhập vào làm một tạo nên một thứ nhất diện đa thể.
Trong văn chương nghệ thuật, con đường thường mang ý nghĩa biểu tượng, một kiểu tín hiệu nghệ thuật, vừa phản ánh một phương diện nào đó của cuộc sống, vừa thể hiện một quan điểm, tư tưởng, hay triết lý về cuộc đời và con người. Người xưa gọi con đường là đạo rồi lấy nó để chỉ cái lẽ nhân sinh mà người ta nên noi theo, đi theo, cũng có nghĩa, nó chính là một hành trình dẫn người ta đến cái đích nào đó trong cuộc đời.
Những nhan đề “Trăng đợi, Đi về nơi không chữ”,“Lang thang trên giấy...” đã hùa nhau đặt tác giả của chúng vào một cuộc hành trình như vậy. Quả thực, hình ảnh con đường xuất hiện khá dày đặc trong thơ Bình Nguyên: “Con đường/Con đường/ Đi còn mải miết (Ngày về);“Cứ thăm thẳm mãi đường đời/Càng đi càng thấy cõi người xa xôi” (Khúc ru xa); “Con đường vô định trống toang/Nỗi niềm ai với ai loang nắng chiều” (Trương Chi); “Con đường xa cứ mãi xa/ Chiêm bao rồi cũng chỉ là chiêm bao” (Một đêm với Hữu); “Chong chong mình với con đường/ Nắng mưa thì cứ thất thường mãi thôi”(Tự khúc); “Con đường ta đã dấn thân/ Thì xin đi tận bước chân cuối cùng”; “Ngỡ bầu bạn của ta đông/ Tan sương mới thấy trống không con đường” (Lãng đãng thơ)... Tôi trích dẫn hơi nhiều để muốn nói một điều: hình ảnh con đường xuất hiện không hề là ngẫu nhiên. Những “con đường xa”,“vô định”,“thăm thẳm”, “trống không”…(và cả những biến thể của nó như dòng sông, con nước, ngọn gió…) rõ ràng là một hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ, nó thể hiện một kiểu không gian, không gian mở - động, đối lập với thứ không gian tù túng, tĩnh tại, chật hẹp, khép kín.
Hành trình đến với cái Tuyệt đối chính là con đường mà ở đấy, người nghệ sĩ trước hết phải mở lòng mình, nếm trải, thể nghiệm; nghĩa là phải đốt cháy mình đến tận cùng với niềm vui, nỗi buồn nhân thế, thân thế, thời thế. Cái tôi vì thế thường đau đáu nỗi niềm được sẻ chia, đồng cảm, nó tìm đến với những tâm hồn đang mong muốn sự đồng điệu, “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình” (Tố Hữu) là vậy. Nói thơ Bình Nguyên muốn sẻ chia với tất cả mọi người, tôi e rằng hình như hơi rộng, còn như bảo thơ anh chỉ tìm đến với những “tâm hồn khổ đau” thì cũng chưa thật thỏa đáng. Đúng là những bài thơ chiếm được nhiều cảm tình của người đọc là những thi phẩm viết về những cuộc đời, số phận long đong, nghiệt ngã và cay đắng. Ấy là người vợ chờ chồng “hết một đời tóc xanh”, người hát rong hát “Như quên tuổi/Như quên số phận”, người mẹ “ru cho đời nín cái đau”, người chị như chết đứng trong đơn côi lẻ bóng “Chị như đá dựng bên trời khói sương”; Anh vừa sẻ chia nỗi nhọc nhằn, tủi cực với người quê “Gánh gồng bám bước đường trơn/Mà đi qua những tủi hờn đắng cay”… lại có thể vừa đồng cảm với đôi mắt ẩn khuất chất chứa hận sầu nghìn năm của người đàn bà lừng danh Dương Vân Nga “hai lần làm Thái hậu”: “Một lần nữa được làm Thái hậu/Từ góc nhìn kia Thái hậu nghĩ gì/ Mà ai biết dưới khuôn mặt đẹp/ Có bao lần nước mắt đã tràn mi?” (Trước tượng Dương Vân Nga). Nhưng anh cũng cố công bênh vực người con gái có tiếng lẳng lơ trong văn học: “Giá em kéo áo giấu lời/Giá em cúi xuống cho người ta ưa/ Chợ còn khối cái lẳng lơ/ Người ta kín lắm nên thừa em ra” (Mầu ơi). Anh đau đáu với giọng hát buồn của người hát rong già nua giữa đêm khuya: “Giấu đôi mắt vào trong cặp kính/Ông nhìn bằng đôi tai/Qua tiếng trong tiếng đục/ Nhận ra khuôn mặt người” (Về một người hát rong); Anh run rẩy, xa xót với đồng xu, hạt gạo lấm mùi bùn đất như cái thân phận mỏng mảnh của những kiếp người lầm lụi, gian khó: “Cầm đồng xu lấm vị bùn/Như cầm lên cái run run phận người”(Chợ Cát); “Gạo chiêm chị gửi làm quà/Tay nâng hạt gạo quê mà rưng rưng”(Đêm chạy bão). Anh sẻ chia với nỗi niềm khó tả của một bác về hưu mà đến cuối đời mới ngộ ra câu thơ của cụ Trạng Trình năm xưa (Thớt có tanh tao ruồi mới đậu/ Gang không mật mỡ kiến bò chi). Rồi Nguyễn Bính với những vần thơ lạnh giá của kiếp tha hương lặng lẽ đi vào thơ anh như một sự đồng cảm tri âm: “Cả đời nhuốm bụi tha hương/Câu thơ ông trọn kiếp thương về làng” (Gửi Nguyễn Bính). Những bài thơ chiếm được nhiều cảm tình của người đọc một mặt là sự sẻ chia, mặt khác, tôi nghĩ, chúng chính là một phần của cái tôi thi sĩ, nó ẩn mình, giấu kín trong mỗi khuôn mặt, cũng như ông già hát rong giấu đôi mắt sau cặp kính vậy.
Có nhà nghiên cứu cho rằng, nghệ sĩ đích thực bao giờ cũng là kẻ khát - khát vọng vươn tới chân, thiện, mỹ. Trớ trêu thay, khát vọng nghệ thuật hình như luôn luôn chỉ là đường tiệm cận với cái Tuyệt đối; thành ra, nỗi khát khao luôn đeo đẳng, giày vò người nghệ sĩ. Tôi nghĩ, đó vừa là niềm hạnh phúc, vừa là sự trả giá cho kiếp đa mang, đèo bồng.
Với Bình Nguyên cái Tuyệt đối, vô biên chính là ở nơi không chữ, nơi mà chữ nghĩa tỏ ra bất lực, bởi vì theo anh “Sức nặng đời người cất vào con chữ/ Thế mà con chữ suốt đời chiêm bao”. Xin đừng nghĩ Bình Nguyên thích lối thơ bí hiểm, bởi sa vào bí hiểm, thơ dễ trở thành tắc tị. Cái nơi không chữ ấy theo tôi, đã xác nhận một tín niệm cho thơ Bình Nguyên. Thơ phải nói lên nỗi niềm trắc ẩn, những vỉa tầng sâu kín của hiện thực đời thường, hiện thực tâm hồn. Tôi không chắc Bình Nguyên có đọc S.Freud, K.Jung hay không và cũng không thấy anh phát biểu cái tín niệm nghệ thuật của mình ở đâu. Nhưng đúng là đọc thơ anh, người ta thấy thơ không chỉ là ý thức, thơ còn là tiềm thức, thậm chí là vô thức. Thực ra điều này có nguốn gốc về tính logic đa trị mơ hồ trong tư duy nghệ thuật, cái logic giúp con người ta nắm bắt sự vật trong tính toàn vẹn sinh động của cuộc sống phức tạp và luôn vận động, biến đổi không ngừng. Hiện thực vì thế không thể là một khối nguyên phiến mà là một thế giới bị phân mảnh. Bức tranh cuộc sống trở nên đa diện, nhập nhòe, ẩn hiện. Nó vừa thực lại vừa rất khác thực. Cái tôi vì thế không nhất thành bất biến, nó là cái tôi đa diện, đa ngã, với cái nhìn, giọng điệu không thuần nhất. Cuộc sống vì thế được soi chiếu từ nhiều hướng, cho nên nó sâu sắc hơn, chân thực hơn.
Bình Nguyên nhận thức cuộc sống từ phía bên kia, cái phần tiềm ẩn, khuất lấp sau những hiện tượng, những cảnh đời, những số phận rất đời thường.Với Bình Nguyên, thơ không chỉ là sự đồng cảm, thơ còn là sự tự nhận thức, một sự nhận thức mang tính bản thể - bản thể của thế giới. Thơ Bình Nguyên chứa nhiều suy ẩn, phán đoán, những chiêm nghiệm về cuộc sống từ góc nhìn của một người từng trải. Mỗi tứ thơ, mỗi hình ảnh là những tầng vỉa khác nhau của cuộc sống, được khúc xạ qua cái nhìn giàu suy tưởng, như đang âm thầm một triết lý nào đó vốn ẩn mình trong những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống thường nhật. Hình ảnh những chiếc rễ, những dấu chân, những con đường, bông hoa, ngọn cỏ… xuất hiện nhiều trong thơ anh phần nhiều mang ý nghĩa ấy: “Dấu chân nào còn như mắt thức”; “Chỉ cỏ xanh ngần năm kề bên nhau/Chỉ cỏ biết gì những pho tượng kia không nói”; “Hoa mộc nói gì chỉ sông Đáy biết”; “Những chiếc rễ còn nằm trong giá lạnh/Để những búp chồi đi hết mùa đông”…
Đọc thơ Bình Nguyên, người ta thấy anh luôn trăn trở về cái còn và cái mất, cái thực và cái hư, chân thành và giả dối, giữa hữu hạn và vô hạn, giữa thủy chung và lạnh lùng, giữa hạnh phúc, sum vầy với cô đơn, xa cách, giữa nhạy cảm với trơ cùn và trên hết là giữa văn chương với cuộc đời này vốn nhiều nghịch lý và lắm nỗi đắng cay...
Vì thế thật dễ hiểu khi anh nhiệt thành ngợi ca sự hiến dâng, bù đắp, chắt chiu, thủy chung, sự gội lọc tâm hồn (Chảy cùng sông Đáy, Cửa Đáy, Lời của đất, Hoa thảo mộc, Với sông); thì cũng sẽ rất xa xót trước những gì là chân giá trị của cuộc đời đang bị mài mòn, bị đánh cắp, và phẫn nộ với sự giả dối, vô cảm, vô tâm (Thật ơi, Chuyện cái giày). Có điều, sự trầm lắng cố hữu trong anh khiến cái tư tưởng triết lý ấy phải chìm thật sâu xuống dưới dòng chảy ngôn từ. Nhưng thật lạ, gương mặt tinh thần của cái tôi khi ấy lại được bộc lộ chân thực hơn cả.
Khi lang thang trên con đường định mệnh, Bình Nguyên khao khát tìm lại mình, khẳng định mình, cũng như cái đích mơ ước mà anh đã chọn. Nhưng, hình như cái bóng của người thơ mãi chỉ ở đâu đó. Cái đích kia cũng thế, sao mà xa vời, hun hút. Tất cả cứ chập chờn như trêu ngươi, vừa vẫy gọi ở trước mắt, lại đã lùi xa, khuất tầm nhìn. Người lữ thứ càng như thấm thía hơn với mặc cảm đọa đầy, bị bỏ rơi và nhiều lúc đã không tránh khỏi vô vọng: “Ta viết mãi câu thơ đi không tới”; “Ta như ai đốt đời cho con chữ/ Mà đất vẫn mồ côi vẫn đợi mùa”; “Mộng mơ cái ngoài tầm tay/Câu thơ lúc tỉnh mới hay lệch vần”; “Anh đã ném xuống chân trời/Quá nhiều câu thơ trống rỗng” (Dỗ em). Cảm giác hụt hẫng trào lên: “Ra sông mà khóc Trương Chi/Rồi ta khóc bóng mình đi chẳng về” (Nữa rồi ta chợ); “Một đời ta nắm tay ta/Bàn tay trắng đã bạc ra mái đầu/Kiếp này là kiếp này đâu/Khói sương cát bụi kiếp sau trả lời” (Ta với ta); “Quanh co con sóng đa tình/ Có ai đi nhặt bóng mình đánh rơi” (Chiều cuối thu);
Đã có lúc anh phải kêu lên thảng thốt: “Tôi như mây trắng tan dần mộng/Nước chảy sao lòng không phù sa”(Đi về nơi không chữ); “Đời sắp tàn một kiếp/Mà ta còn ở đâu ?” (Hỏi). Câu thơ của Bình Nguyên khiến tôi chợt nghĩ đến một câu thơ của Chế Lan Viên:“Ai bảo dùm: Ta có, có ta không?”. Ấy là khi bị cảm giác hư vô bủa vây, con người cảm thấy cô đơn, lạc loài, mất phương hướng và nghi ngờ chính sự tồn tại, hiện hữu của mình. Chủ nghĩa hiện sinh cho đó là nỗi cô đơn bản thể của con người thời hiện đại.
Và như một lẽ thông thường, nơi bấu víu cuối cùng là nguồn cội quê hương. Mà với Bình Nguyên, cố hương, trước hết là người mẹ già mòn mỏi. Những bài thơ viết về mẹ của anh ẩn chứa nhiều điều sâu kín mà rất xúc động:“Con là gì nhiều khi con cũng không biết nữa/Trước mỗi ngày thêm một vụng dại, một ngây thơ/Bước chân con bước lên bước nào cũng thấy lạ/Xa mẹ rồi con thành kẻ bơ vơ” (Khi xa mẹ). Mẹ cũng là Quê hương, là những kỷ niệm thuở dại khờ. Thực ra không phải chỉ đến lúc vô vọng, hẫng hụt này, trong anh mới hiện lên hình bóng mẹ già và quê hương yêu dấu. Trên con đường xa vời, trong tâm trí người đi xa, lúc nào cũng có bóng dáng của sự đợi chờ: “Em đợi ta mòn con mắt/Những mùa trăng lặn trăng lên”; Con đường em đợi tôi về/Thân đơn lặng lặng bên lề bóng cây” (Nhớ quê). Rồi có lúc khi cảm thấy thời gian không còn nữa “Bóng đã chiều, giấc mơ thì rộng quá”, anh đã nghĩ nhiều đến sự trở về như một khát vọng cháy bỏng: “Ta sẽ trở về/ Sau những phút giây trôi không nhìn ngược lại/Sau những cơn mê, những hão huyền rồ dại/Em múc nước giếng làng rửa bụi bặm cho ta” (Rồi ta sẽ trở về)
Bởi thế, tôi cứ hình dung trong thơ Bình Nguyên, có một kẻ lữ thứ nhiều mơ mộng vừa mải mốt trên còn đường xa ngút ngát trong nỗi khát thèm cán đích, vừa thảng thốt giật mình ngoái lại trong giây phút ngập ngừng. Rồi khi cảm thấy phía trước chỉ là chốn hư không, vô định, thì trở về không chỉ là nỗi ám ảnh nữa. Nó là định mệnh. Điều này cắt nghĩa tại sao Bình Nguyên nói nhiều đến sự trở về đến thế: “Rồi ta về với mẹ già/Với ao rau muống, ruộng nhà mưa chan”(Tiễn em lên máy bay); “Tôi về với sóng đồng chiêm…/Tôi về bông súng cầu ao…/Tôi về năm cũ em đâu…/Tôi về bến Cát phù xa…” (Một thoáng trở về); “Tôi tìm về bến thời gian/Đêm con sóng gọi hồn tan vào bờ”; “Tôi về lở một bên sông/Dõi theo em cả ngày không còn mình” (Với sông); “Ta về bên kia cơn mưa/Nhặt lại tiếng chuông ký ức?” (Ta về)
Trở về, dù chỉ là trong mong ước và hoài niệm – với quá khứ, với những gì thân thuộc nhất cũng có nghĩa là là về với cội nguồn, với sự nguyên sơ, với những gì trong sáng, an lành, thánh thiện và đẹp đẽ nhất. Vậy nên những hình ảnh người mẹ, người chị, người quê, giếng làng, chợ Cát, bến Cát, sông Đáy, Cúc Phương…, nghĩa là những hình ảnh của quê hương, khi khúc xạ qua cái nhìn nội cảm, sẽ tấu lên khúc đồng vọng với âm hưởng da diết mang tên một bài thơ của anh Về dại. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều câu thơ hay của anh lại gắn với những bài thơ thuộc loại này như Chợ Cát, Về dại, Trăng đợi, Sông Đáy, Ba mươi năm, Mây trắng bay, Khi xa mẹ, Rồi ta sẽ trở về…
“Em về dại với tôi không/ Tre pheo buồn đứng ngùi trông ngả chiều/ Tôi về mùa cạn nắng thiêu/ Ai mà đong được bao nhiêu đèo bòng” (Về dại)
Vậy là, quê hương - điểm xuất phát- lại cũng chính là điểm trở về, trở về với chính mình, với bản ngã đích thực của cái tôi: “Tình trong như nước giếng làng/ Hồn xin tưới gốc mai vàng trăm năm” (Về dại); “Tôi như nước chảy tự nguồn/Dẫu tan vào biển vẫn còn là sông” (Gửi người sông Cát). Chỉ có về với quê mẹ, ấp mặt vào mảnh đất quê hương, đằm mình với cái trong trẻo, hồn nhiên, thanh khiết của vườn nhà, anh mới có thể lắng nghe được “sông Đáy thở”, thấm thía vẻ đẹp trầm tích của con sông quê : “Sông Đáy chảy như một dòng cổ tích/Biết ở với sông mới biết chảy hết mình (Sông Đáy), mới thấy được “khói bếp nói điều rạ rơm”, rồi nhận ra cái điều thật giản dị mà bấy lâu quên mất: “Ta mải mê với hoa bầu mặt giàn/Chẳng biết những trái bầu lớn lên phải lom khom để không chạm đất” (Vườn nhà); “Cúc Phương xanh hoang sơ xanh đến tột cùng xanh/Và thuần khiết đến không cùng thuần khiết/Trước cỏ cây ta như ngây như dại/Cho một sự hồi sinh tất cả vắt kiệt mình” (Viết ở Cúc Phương);  Và điều quan trọng hơn, cội nguồn quê hương sẽ sưởi ấm lòng người, vỗ về cho những cơn đau, hồi sinh những gì tưởng như đã lụi tàn theo tháng năm lưu đầy: “Trở về nơi em lặng sóng/Em lấy cuộc đời che ướt cho ta/Để hồn ta như cỏ xanh tươi/Đắm ở sông em trong tận đáy trời” (Rồi ta sẽ trở về).
Vậy nên, cho dù sự khắc nghiệt của quy luật thời gian một đi không bao giờ trở lại – điều đã từng khiến triết gia Hy lạp cổ đại Heraclitus ngao ngán : “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” và sau này, Edmond Haraucourt nhà thơ Pháp phải than thở “đi là chết ở trong lòng một ít" - đã phổ vào ít nhiều thi phẩm trở về của Bình Nguyên một giọng buồn tê tái, thì tôi vẫn nghĩ, cái tôi kia đã tìm được chốn neo đậu tâm hồn sau cơn giông bão. Đó là hạnh phúc mấy ai có được đâu?.
2. Nói đến thơ ca, chúng ta hay nghĩ đến vẻ đẹp của tứ thơ. Quả thực, nếu chất văn là thứ để phân biệt tác phẩm văn chương với những gì không phải là văn bản văn học thì tứ thơ là một dạng của chất văn. Tứ gắn liền với ý, chúng làm nên bản sắc riêng biệt của một hồn thơ. Xuân Diệu có nói đại ý: Ý của mọi người, tứ là của riêng thi sĩ.
Thiếu tứ, hoặc tứ cũ kỹ, sáo mòn, thơ chỉ là một thứ văn vần nhợt nhạt. Thật thế, cảnh thu đẹp, tình thu xao xuyến, u hoài là ý, nhưng chuyển tải cái ý ấy, thổi vào nó cái hồn vía riêng để mỗi thi phẩm như một sinh thể phập phồng ấm nóng sự sống là nhiệm vụ của tứ trong các bài thơ thu bất hủ xưa nay.
Trở lại với thơ Bình Nguyên, tôi cho rằng, anh có nhiều dụng công trong cấu tứ cho mỗi đứa con tinh thần của mình. Ở trên, tôi đã nhắc đến hình ảnh chợ quê trong thơ anh. Chợ là một nét văn hoá độc đáo của làng quê Việt Nam, nó không đơn thuần là nơi trao đổi những nhu cầu thiết yếu về vật chất mà còn là món ăn tinh thần của người nông dân. Xẩm chợ là một ví dụ. Bởi thế, nói đến chợ là nói đến khung cảnh náo nức, vui tươi, nói đến sự hồ hởi, ngóng trông... Chả thế mà nhắc đến chợ quê, ta phải nghĩ ngay đến Chợ Tết náo nhiệt của Đoàn Văn Cừ với hai câu thơ xứng đáng là tuyệt bút: “Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ. Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”; rồi cảnh “Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen”, “Những cô hàng xén răng đen/Cười như mùa thu toả nắng” trong Bên kia sông Đuống Hoàng Cầm.... Giữa không gian quê của những cảnh chợ, kẻ chợ như thế, Chợ Cát của Bình Nguyên có những nét riêng, nó u hoài, xao xác đến nao lòng: “Vẫn là sương gió ngày xưa/Vẫn là tiếng của nắng mưa đồng làng/Bao nhiêu cái phận mỏng tang/Bao nhiêu cái vội cái vàng trao nhau/Sơn hào hải vị gì đâu/Mà sao kẻ trước người sau ngọt lời/Bày ra những thứ vàng mười/Răng đen ngồi cạnh bên người tóc mun/Cầm đồng xu lấm vị bùn/Như cầm lên cái run run phận người”.
Bài thơ hút hồn người đọc ngay từ những kết cấu ngôn ngữ sáng tạo mới “sương gió ngày xưa, “tiếng của nắng mưa, “cái phận mỏng tang”, cái vội cái vàng”, “vị bùn”, “cái run run phận người”, những chữ này mở ra rất nhiều liên tưởng. Sương gió ngày xưa, tiếng của nắng mưa gợi những gì thân thuộc, bình dị nhưng có cội nguồn sâu xa, vĩnh viễn. Điều đó cho thấy, âm thanh của chợ Cát không ồn ào, náo nhiệt, nhưng đầy sức vang vọng, miên viễn trong tâm tưởng, cái âm thanh tưởng như hòa âm của cả quá khứ và hiện tại, của không gian và thời gian, của những gì xưa cũ đã ăn sâu vào tiềm thức.
Rồi trong cái khung cảnh như thực như ảo ấy, dáng vóc, hồn cốt của người quê, cảnh chợ hiện lên đầy ái ngại mà biết bao cảm thương mến phục qua một loại những cặp hình ảnh đối lập “cái phận mỏng tang/cái vội cái vàng”; sơn hào hải vị gì đâu/những thứ vàng mười; răng đen/tóc mun; kẻ trước/người sau/...ngọt lời.
 Nói tới phận là nói tới sự nhỏ nhoi, tội nghiệp, cần sự chở che, nâng đỡ “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn”(Kiều). Cái phận vốn đã mỏng ngay từ trong tâm thức, giờ lại còn mỏng tang nữa thì quả là nhiều ái ngại. Càng ái ngại hơn khi những thân kiếp mỏng mảnh ấy đang bị cuốn vào những xô đẩy, nảy xóc của dòng đời “Bao nhiêu cái vội cái vàng trao nhau”. Xin hãy chú ý, vội vàng là một kết cấu ngôn ngữ chặt, nay bị tách ra tạo thành một kết cấu lỏng “cái vội”-“cái vàng” thì hình như sự vội vã, tất bật tăng lên gấp bội; cùng với sự lỏng lẻo của ngôn từ, nó giúp ta hình dung mồn một những dáng hình lam lũ, gầy guộc, tất tả trong vòng xoáy của nghèo khó, truân chuyên.
Chợ của người quê nên những thứ bày bán cũng quê kiểng. Chẳng phải là sơn hào hải vị thì đúng rồi, nhưng tại sao nhà thơ lại gọi đấy là những thứ vàng mười? Có phải vì chúng là kết đọng của bao mồ hôi, công sức vất vả của người nông dân để rồi những cái vội cái vàng kia đã hóa thân vào sản vật, nghĩa là những gì đang bày bán kia cũng mỏng mảnh, giản dị, lam lũ, đắng cay, gian khó như chính người quê? Có lẽ thế. Nhưng tôi lại nghĩ nhiều hơn đến cái ngọt lời nơi những con người ấy. Lại một kết cấu ngôn từ lỏng nữa nhưng mang ý nghĩa khác hơn, nó nhấn vào sự ngọt ngào của tình đời, tình người. Thiếu đi cái đó, mọi cuộc trao đổi bán mua có thể lạnh lùng đến mức tàn nhẫn. Mà cái ngọt lời ấy đâu phải nghe mà thấy, phải cảm mới thấy! Vậy nên, chính cái ngọt ngào đã thổi một làn gió mát lành, trung hoà những đắng cay, tủi hổ; nó nạm vàng, đúng hơn, nó chiết xuất nên chất vàng mười cho những sản vật quê kệch đang bày bán kia.
Thú thật là, tôi không tin rằng chợ Cát thực ở ngoài đời kia không hề có sự xô đẩy, chèo kéo, mặc cả, cãi vã. Nhưng tôi rất tin rằng, sau sự mặc cả, cãi vã kia rồi sẽ là những nụ cười cảm thông, chín bỏ làm mười, bởi đấy chính là cái cốt cách ngay thẳng nhưng cũng rất đỗi hồn hậu của người quê, nó mới là chất xúc tác làm bừng lên những rung cảm nghệ thuật. Điều đó dẫn tôi đến một ý nghĩ: Bình Nguyên dường như không có ý định tái hiện sinh động cảnh chợ Cát như nó vốn thế, anh muốn khám phá chiều sâu văn hóa từ một cảnh chợ quen thuộc mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu ở mỗi làng quê Việt.
Chợ Cát thuộc loại những bài thơ tôi tạm gọi là thơ trở về của Bình Nguyên; ở đó, âm hưởng da diết luôn là thanh âm chủ đạo. Chính hai câu thơ đầu với những từ “vẫn là” đã xác lập chỗ đứng của người trở về. Rồi cùng đầm mình với nỗi khát khao trở về nguồn cội, với tình yêu quê hương cháy bỏng nơi anh, tôi như có cảm giác của một kẻ quê tha hương xa xứ, giờ đang khát khao, run rẩy trở về với vòng tay quê nhà. Mà chợ Cát với người mẹ, người chị, người quê trong thơ anh có bao giờ là xa xôi? Thế nên hai câu kết sẽ gói gọn những nỗi niềm thổn thức ấy:
“Cầm đồng xu lấm vị bùn
Như cầm lên cái run run phận người”
Nói tới quan hệ mua bán không thể không nhắc tới hai thứ: tiền và hàng. Cấu trúc tư duy của Chợ Cát, đầu tiên là nói hàng, kết lại là tiền – nhìn từ góc độ “kinh tế học” - rõ ràng là phản ánh hoạt động trao đổi giản đơn, nghĩa là nó giản dị, chất phác, thô mộc như chính người nông dân bao đời nay. Vô hình trung, nó như mách bảo, nhắc nhớ ta một điều: những phẩm chất truyền thống của con người Việt Nam, của dân tộc này dù gì thì cũng sẽ còn mãi. Tôi nghĩ, chợ Cát ngoài kia hẳn không thể không có sự buôn bán lờ lãi, nhưng rõ ràng là, thứ bán mua kiểu ăn lãi chắc chắn sẽ trượt ra khỏi nhãn quan của Bình Nguyên. Có thế thì mới cảm nhận được cái vị bùn của đồng xu ở chợ Cát - mùi vị của đất đai, bùn lầy, rơm rạ, mùi của quê hương xứ sở, của những nhọc nhằn, gian nan. Cái độc đáo ở đây là, một thứ thường được cảm nhận bằng thị giác, xúc giác (bùn) được chuyển thành cảm nhận của vị giác, khứu giác (vị bùn), hình ảnh vốn rất trừu tượng là thân phận con người thì hiển hiện hữu hình (run run phận người) qua thủ pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác; rồi tất cả lại kết nối với nhau bằng phép so sánh (như), nghĩa là, so sánh chồng lên so sánh, tạo nên một trường liên tưởng độc đáo. Bao nhiêu cảm giác nhoi nhói, trĩu nặng cảm thương, trân trọng của người trở về dường như đã trút cả vào đó.
Chợ Cát là khúc hát ru cho đồng đất, con người quê hương Ninh Bình, và cũng rất tiêu biểu cho lối thơ Bình Nguyên: ít tả mà thiên về gợi nhằm cô đặc, nén chặt cảm xúc. Nó là sản phẩm của những ưu tư, nghĩ ngợi. Ẩn sâu dưới lớp ngôn từ lặng lẽ kia, luôn âm ỉ một triết lý sống mà cơ sở của nó là cội nguồn tâm thức, văn hoá truyền thống của dân tộc. Có lẽ vì thế mà bài thơ đã được chọn giảng trong chương trình văn học địa phương Ninh Bình ở bậc học THCS...
Nguyễn Mạnh Quỳnh
Nguồn: Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam
Theo http://vanhien.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú  Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn có trách nhiệm và có ham t...