Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Lời cảnh tỉnh về sự nghiêm minh qua câu thành ngữ “Thượng bất chính, Hạ tắc loạn”

Lời cảnh tỉnh về sự nghiêm minh qua câu thành ngữ “Thượng bất chính, Hạ tắc loạn”
Câu thành ngữ “Thượng bất chính, hạ tắc loạn“, khởi đầu là một câu văn trong sách Nho học ngày xưa. Câu văn có 2 vế với chủ ngữ và vị ngữ đối nhau. Vị ngữ khẳng định một mối quan hệ nhân quả với chủ ngữ nên vừa dễ nhớ lại vừa dễ thuộc. Qua quá trình phát triển của đời sống xã hội, câu văn trên đã trở thành câu thành ngữ, câu nói cửa miệng của nhân dân ta từ lâu đời.
Trong cuốn “Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào – Nhà xuất bản Văn hóa Hà Nội (1995)” đã giải nghĩa “Thượng bất chính hạ tắc loạn” như sau:
Thượng: trên; hạ: dưới; bất: không; chính: ngay ; tắc: tất nhiên; loạn: mất kiểm soát.
Ở trên mà không ngay thẳng thì ở dưới tất sẽ loạn.
Từ thực tế cuộc sống và xã hội đã cho thấy: Phàm là người trên, người có vai vế là trụ cột gia đình mà ăn ở không chính trực hoặc phẩm chất đạo đức suy đồi thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cháu, đến mọi người trong nhà.
Thành ngữ Việt Nam có câu: “Dột từ nóc dột xuống” – Người trên mà không mẫu mực làm gương thì lớp dưới coi thường, khuôn phép gia phong không nghiêm thì luân thường đạo lý mai một…
Trong gia đình mà ông bà, cha mẹ không gương mẫu thì khó mà có được con cháu tử tế nên người, khó mà có được nếp sống đầm ấm thuận hoà. Ngoài ra, gia đình còn là tế bào của xã hội, sự việc tốt xấu tránh sao khỏi ảnh hưởng đến cộng đồng. Có câu: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, trong nhà mà còn lộn xộn thì nói chi đến việc đóng góp vào Quốc kế, Dân sinh…
Trong tổ chức, người trên không chính trực, làm sai thì mất kỷ cương, cấp dưới sẽ khinh nhờn:
“Bởi trên ở chẳng chính ngôi
Cho nên kẻ dưới chúng tôi hỗn hào”
(Ca dao)
Người chỉ huy mà không nghiêm thì quân hồi vô phèng; người chủ quản kinh tế mà không thẳng thắn, minh bạch thì phá sản, thất nghiệp…
Trong xã hội, người có trọng trách, cầm cán cân công lý mà không công minh chính trực thì dân tình rối loạn. Thế nên người xưa có câu: Triều đình mà liêm chính thì đất nước yên bình; gia phong mà nền nếp thì thuận hoà, thịnh vượng.
Dù trong thời đại nào, câu thành ngữ “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” vẫn luôn là lời cảnh tỉnh, lời nhắc nhở về sự nghiêm minh của luật lệ Nhà nước, sự mẫu mực của khuôn phép gia đình, đạo đức, ngôi vị và trọng trách của mỗi con người trong cuộc sống gia đình, trong cộng đồng xã hội…
(Sưu tầm)
Theo http://thanhngutucngu.96.lt/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...