Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Một đời lãng đãng miền yêu/ Câu thơ nối giữa hai chiều thời gian

Một đời lãng đãng miền yêu
Câu thơ nối giữa hai chiều thời gian 
Đọc xong tập bản thảo Say nắng của bác sỹ Trịnh Chu Sách tôi bỗng nảy ra hai câu thơ ấy để tặng “anh” - Vị bác sỹ quân y đã qua cái tuổi nhân sinh thất thập! Chẳng biết là nhờ thuốc hay nhờ thơ mà “cụ” bác sỹ ấy còn quá trẻ so với tuổi đời!
Người viết bài cứ phân vân giữa cách xưng hô với tác giả, gọi là anh thì quá chuẩn về thơ nhưng có phần không phải với đời, gọi là cụ thì lại lỗi phép với sự trẻ trung, tráng kiện mà tạo hóa đã biệt đãi cho ông! Thôi thì từ đây xin dùng hai chữ Người thơ để đặt trước tên ông, kẻo phải tội với đời và với cả miền thơ!
Chảy suốt tập thơ Say nắng của người thơ họ Trịnh là những nỗi niềm đau đáu của ngày xưa (đã được cấp hộ khẩu tạm trú lâu dài trong lòng khổ chủ họ Trịnh), là quê hương với tuổi thơ không yên ả, là những khép mở của trái tim rung nhịp trên nụ cười ánh mắt hôm nay, là mây ngàn gió núi đã một thời bồng bềnh trong hành trang của người lính Trịnh Chu Sách…
Đã có hai tập thơ riêng và rất nhiều bài thơ được giới thiệu trong các tuyển thơ và báo chí, Say nắng là sự tổng kết những gì nồng nàn nhất, duyên dáng nhất trong vùng thơ của ông!
Điểm nhấn trong thơ ông là cái sâu đằm của ngôn ngữ! Ông yêu nhiều lắm, đa tình lắm… không gian của tình yêu trong thơ ông đa chiều và trong trẻo. Nào ta hãy cùng bước chân vào phiên chợ tình vùng cao để dập dìu đi dưới tán ô, và kìa trước mắt ta thấp thoáng bóng người thơ họ Trịnh đang thả mình trong hương gió non tơ của đại ngàn, bát rượu ngô ủ bằng men thơ trên tay khi đầy khi cạn, dìu dặt đi trong tiếng khèn rộn rã mà đau đáu thiết tha: Chợ tình khèn gọi phiên chiều/ Để đôi ngựa cũng dập dìu vào xuân/ Ô còn say chợ tình nhân/ Lòng còn níu cả mùa xuân tỏ tình. (Chợ xuân vùng cao)
Hồn rừng cốt núi đổ bóng vào không gian thơ ông, chúng ta gặp những hình ảnh từ một vùng biên cương thơ mộng, được dựng rất nhiều tầng trong thơ của ông. Đây, cái cối gạo nước ngàn đời, nhẩn nha buông nhịp thời gian, bỗng hoá lời ru của đại ngàn muôn tuổi: Thương lời gạo trắng ven thung/ Nước ru kẽo kẹt, thành cung ngọt bùi. (Việt bắc)
Với người thơ Trịnh Chu Sách, hương rừng gió núi đã ngấm vào từng hơi thở, nó đã trở thành một phần máu thịt của đời và cả thơ ông. Tình yêu và tuổi trẻ của ông cứ ngân lên trong những câu lục bát đau đáu về một thời kỷ niệm:
Bao mùa thơm vị Sim mòng/ Bấy nhiêu sắc tím nhuộm lòng người ơi!/ Tìm em dọc bến sông đời/ Một vùng như vẽ chiều rơi ánh vàng… (Hoa sim)
Ấy là ngày xưa, ấy là đôi mắt thơ thức cùng kỷ niệm, còn đây mới là chân dung của ông cùng với nàng thơ đang ngoáy chìa vôi vào tuổi xế chiều: Men lòng thơm cả dạ thơ/ Chén tung tẩy hạ ngẩn ngơ cơn sầu/ Này em, nỗi nhớ lên màu/ Tóm ta tóm tém môi trầu. Kìa em! (Nhớ lại - lại nhớ)
... Trong cái hương rượu ngôủ bằng men tình ngây ngất của hồn rừng, đôi lúc ta chợt nghĩ tới một nửa bây giờ của ông, chẳng biết cụ bà sẽ chấm điểm mấy cho mảng thơ tình của ông nhỉ ??? Có thể là một cái nguýt dài mượn của mấy mươi năm về trước, rồi mắt bà khe khẽ cười mà đưa tay vuốt mấy sợi thời gian đang loà xoà nhắc tuổi! Chắc hẳn bà sẽ yêu thương và trân trọng ông hơn, bởi cái đa tình của ông được quản lý trong một không gian thánh thiện, đầy nhân bản của nàng thơ: Tiếng lòng gợi trái tim yêu/ Thiết tha gửi những sớm chiều cùng thơ. (Thèm)
Chia tay với mảng thơ tình của ông, ta mang nụ cười nhè nhẹ ấy về với một vùng quê cổ tích. Kìa bóng áo nâu nhuộm bùn non của người mẹ quê tần tảo đi về, tạc vào thời gian cái dáng quê thuần hậu, thân thương: Tảo tần sớm cháo chiều rau/ Hương cau vẫn ngát, môi trầu vẫn thơm/ Đất nề quê nết thân thương/ Rạ rơm chín đợi mẹ đơm ngọt bùi. (Đất nề quê nết)
Càng đi về phía hoàng hôn thì thơ càng kéo ta gần lại với những gì thiêng liêng của quê hương, ấy là khi những đam mê thói thường đã lắng lại, đã được xếp vuông vắn trong ký ức, thì những hình ảnh, âm thanh của quê xưa mới dội về cái thanh âm thân thuộc, dịu dàng mà nhiều khi bị khuất lấp trong biển đời thăm thẳm: Tiếng lòng rung phím xôn xao/ Kìa, quê hương, mẹ…ngọt vào trang thơ. (Thơ xanh)
Tuyển thơ Say nắng của người thơ họ Trịnh mơ màng và trong trẻo chảy giữa hai bờ thời gian thăm thẳm, những câu thơ nối liền từ tít tắp ngày xa cho đến hôm nay của người thơ Trịnh Chu Sách cũng khiến lòng ta chếnh choáng trong hương đời dìu dịu: Khúc kha khúc khích dãi dầu/ Giá mà quên được, thì đâu thẫn thờ/ Bây giờ tình ngấm vào thơ/ Bùa yêu lưỡng lự dại khờ miền thương. (Lưỡng lự)
Trong không gian thơ của người thơ Trịnh Chu Sách ta không thấy cái tê tái của nỗi buồn, hình như nỗi buồn đã được gạn lọc và chưng cất kỹ lắm, để phía sau chúng đã nhè nhẹ mọc một mầm yêu! Mầm yêu ấy được sinh ra từ lòng nhân ái, bao dung của người viết và bản ngã của thi ca! Xét về giá trị nghệ thuật thì một bài thơ, một tập thơ có thể hay với người này nhưng lại chưa hay đối với người khác, sự bất đồng ấy là chuyện muôn đời của văn chương! Với tuyển thơ Say nắng của người thơ Trịnh Chu Sách xin đồng cảm và chia sẻ cùng ông cái tình người, tình đời thăm thẳm: Gió vén rèm mây, thương nhớ ơi/ Ngâu đừng thút thít, nắng đừng vơi/ Thời gian níu hộ trăng gần lại/ Để phía yêu thương mãi đắp bồi. (Lời tự cho em).
Say nắng- Nhịp đập nồng nàn từ một trái tim tha thiết yêu thương với cuộc đời này! Say nắng một cung đàn tấu lên những âm thanh cổ tích về tình yêu và sự sống trong bể đời xuôi ngược: Lời xưa hổn hển trong lòng/ Một cung đồng điệu liếc cong đất trời. (Mắt tình)
Xin có vài lát cắt mong manh để chia sẻ và đồng cảm cùng ông trong không gian lâng lâng của Say nắng! Lời chúc mừng gửi ông khi tập thơ Say nắng ra đời, người viết bài đã để sẵn trong bình minh mỗi sớm.  Xin dừng bước trước buổi hoàng hôn huyền ảo của ông! Kìa, phía sau cánh của phòng thơ, mùa xuân của ông đang thủ thỉ lời vàng: “Ông tìm hộ cái kim tiêm/ Hôm xưa ông cất em tìm không ra”.
Nguyên Tiêu năm Tân Mão - 2011
Nguyễn Thế Kiên 
Nguồn: Chuyên san Dặm ngàn Đất Việt
Theo http://vannghenamdinh.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...