Xuân Từ Chiều - Một tiếng lòng
cảm thương cho những kiếp đàn bà
Đọc xong
cuốn tiểu thuyết "Xuân Từ Chiều" của Y Ban - NXB Phụ nữ - 2008, tôi
thực sự xúc động và ám ảnh. Xúc động bởi cái tình chất chứa, khắc khoải, day
dứt mà tác giả đã nén chặt trong những trang viết chật cứng những con chữ- hơn
250 trang viết không xuống dòng. Ám ảnh bởi số phận nghiệt ngã của ba nhân vật
nữ Xuân, Từ, Chiều- những số phận đáng thương của kiếp đàn bà muôn thưở.
Bằng giọng
văn trần thuật với lối kể tưng tửng như lạnh lùng, vô cảm, tác giả đã đưa người
đọc về thăm một cái "chợ
quê" với ba
người phụ nữ "ba
người đàn bà ấy không bán mà họ muốn mua, họ muốn mua cái nhân tình. Cái nhân
tình thì không ai bán cả". Vậy rốt cuộc, trong cái chợ đời ấy,
ba người đàn bà nọ đã mua cho mình được những gì và thân phận của họ ra sao? tác
giả đã khéo léo giúp người đọc lần lần vén cái bức màn hiện thực để cùng chứng
kiến những bi kịch cuộc đời của họ- Những bi kịch do xã hội và do chính gia
đình họ đem lại cho họ.
Vâng! Câu
chuyện về những người phụ nữ muôn thưở vẫn không vượt ra ngoài những nỗi lo
toan rất đàn bà: cơm áo, chồng con, sinh đẻ, chuyện nhà, chuyện người.
Xuân, Từ,
Chiều- ba thân phận đều có chung một mong muốn, một quan niệm giản dị về hạnh
phúc nhưng bất hạnh lại ập đến với họ mỗi người một kiểu.
Xuân vốn là
một cô nuôi dạy trẻ, con gái nhà quê, lấy chồng ra phố. Bằng sự chịu thương
chịu khó của mình, cô đã phấn đấu trở thành trưởng khoa của một trường Đại học.
Chồng của cô là Tuấn- một người có tài và yêu cô hết lòng. Những tưởng hạnh
phúc sẽ mỉm cười chào đón họ nhưng thật trớ trêu thay, số phận họ đã bị tạo hóa
trêu ngươi, ông trời cay nghiệt không cho tình yêu đó được đơm hoa kết trái.
Gia đình
Xuân nhìn bề ngoài thì ngỡ như hạnh phúc tràn đầy, viên mãn nhưng nội tình lại
lắm nỗi éo le, ngang trái. Người mang lại nỗi bất hạnh cho Xuân không phải là
ai khác mà chính là Tuấn- người chồng hết lòng thương yêu cô và cũng là người
mà cô yêu thương hết mực.
Sự không
trung thực, giấu giếm sự thật của Tuấn đã đem lại bao nỗi khổ đau, bất hạnh cho
người vợ hiền thục của mình. Xuân đã phải chịu đựng bao lời chì chiết, bóng gió
của bố mẹ chồng, rằng: "Thôi
bà đừng có ước này, ước nọ cứ nói trắng phớ ra cho thiên hạ biết là nhà này vô
phúc cưới phải con vợ như vậy", rằng:"Cái chính là đàn bà phải biết đẻ
con. Đàn bà không biết đẻ thì vứt đi". Đã bao lần Xuân phải
tủi nhục nghe những điều ong tiếng ve: "mẹ
chồng cô Xuân đấm ngực thùm thụp tuyên bố với con trai nếu không vâng lời cha
mẹ đi lấy vợ khác thì bà sẽ cắn lưỡi mà chết".
Vì sự không trung thực của Tuấn cùng với cái đạo mà anh ban ra: "Vật linh thiêng là để làm ra con
người chứ không phải là vật để chơi nên không bao giờ được mó vào nó"khiến
cho cô phải kìm nén cảm xúc của mình để rồi cô phải đeo đẳng nỗi hoài nghi suốt
một đời làm vợ. nguồn gốc bi kịch được giấu kín cho tới lúc Tuấn chết. Khi đau
đớn giã biệt chồng, Xuân đã phát hiện cái vật mà Tuấn cho là thiêng liêng ấy là
đồ giả. Xuân đau đớn bàng hoàng, xót xa tự hỏi: tại sao đến bây giờ mình mới
biết được sự thật đó? Phải chăng Xuân đang sống trong một thời kỳ mà xã hội dạy
dỗ rằng: kẻ nào biết che giấu cảm xúc thật của mình thì kẻ đó là anh hùng. Còn
người nào đói lại gào lên tôi đói, yêu lại gào lên tôi yêu... thì là những kẻ
hèn nhát, là những kẻ bỏ đi. Vì vậy bao nhiêu oan trái của việc không có con
một mình Xuân gánh chịu. "Bây
giờ trong bóng đêm bao phủ, không còn chồng nữa thì cứ khóc đi cho vợi nỗi oan
ức, tủi thân của người đàn bà. Xuân tự nhủ như vậy và khóc tu lên". Nước mắt khổ đau, oan ức của Xuân hay
chính là nước mắt của tác giả khóc thương cho nhân vật đàn bà bất hạnh của
mình? Còn gì đau đớn hơn khi người đàn bà bị tước đi cái quyền được làm vợ, làm
mẹ? Mấu chốt bi kịch cuộc đời Xuân chính là sự không trung thực của người thân
trong gia đình đem lại. Giá như Tuấn cứ thành thật chia sẻ với vợ nỗi bất hạnh
của mình trong chiến tranh thì đâu đến nông nỗi này! Có lẽ vì quá yêu thương vợ
và lo sợ tình cảm vợ chồng rạn nứt nên tuấn cố tình giấu giếm. Xuân là nạn nhân
của sự ích kỷ trong tình cảm đời sống vợ chồng. Rõ ràng có một nghịch lý trong
xã hội một thời: người chân chính, người có đạo đức là người không dám và không
được nói sự thật. Vậy ra ở đời có những thứ tình yêu khiến cho con người ta
không sống nổi!
Với cách kể
đan xen để cho các nhân vật đồng hiện, tác giả đã đan cài rất có duyên các mối
quan hệ giữa các nhân vật theo trật tự thời gian. Trong cái chợ đời ấy bên cạnh
nhân vật Xuân, nhân vật Chiều xuất hiện thật đậm nét để lại sự ám ảnh xót xa
trong lòng người đọc. Chiều là người đàn bà trực Bình, trực Bình là nước ở hồ tiên, là lẫm là
kho chứa bạc tiền, gái giỏi tề gia ích phu tử. Chị thông minh, giỏi giang, vẫn thường
giải Toán giúp chồng để anh từng bước học hành và leo dần lên những nấc thang
danh vọng. Trong cuộc sống gia đình, Chiều là người phụ nữ giầu đức hy sinh,
giầu tình thương. Tình thương nơi chị như một thứ hương hoa thuần khiết luôn
lan tỏa về phía người khác.
Chiều
thương chồng, yêu con, tận tụy, chi chút, hy sinh tất cả cho chồng con mong sao
có một gia đình hạnh phúc. Nhưng bất hạnh thay, hạnh phúc gia đình quay lưng
lại với chị. Giỏi giang, tảo tần nhưng khổ nỗi chị nói ngọng, quê mùa nên khi
hết cảnh bần hàn chị trở nên lạc lõng cô đơn trong chính nơi biệt thự sang
trọng của mình. Chị đã bị lạc lối ngay trong ngôi nhà của chính mình, giữa
những con người mình rất mực yêu thương khi chồng con phụ bạc, không cần đến
chị nữa.
Thật đau
lòng khi chứng kiến cảnh Chiều- vợ của ông Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn
mà khi muốn cho con của bạn chút tiền mua hộp sữa, chị phải mở tủ lạnh moi cái
gói ở trên ngăn đá, giở ra trong đó có những tờ tiền lẻ. Chị đếm và xếp vào
thành hai mươi ngàn đưa cho bạn: "Tiền
này cô đi chợ dôi ra ấy mà. Cô chẳng tiêu gì nên cũng không xin chú tiền".
Rõ khổ, nhà là nhà của mình, chồng là chồng của mình, của chồng công vợ ấy vậy
mà Chiều không hề được nắm giữ kinh tế, không có chút quyền hành gì trong gia
đình của mình. Thân phận chị không được bằng đứa con ở bởi chính Chiện- chồng
chị đã khẳng định: "Nuôi
người làm việc nhà bây giờ tốn hơn nuôi bà đấy". Và chính chị,
khi tâm sự với Xuân cũng đã từng than thở: "Chị cứ như bị giam lỏng ấy. Chả
được đi đâu sất!"
Trong cái
ngôi biệt thự sang trọng ấy, Chiều như một cái bóng âm thầm trong sự ghẻ lạnh
của chồng con. Đến cả cái việc chơi với cháu Chiều cũng không có quyền vì chồng
con chị sợ nó "học
theo giọng nói của bà thì quê mùa", đến cả nấu cơm Chiều cũng
không được nấu vì chồng con chị bảo "nấu
kiểu quê không ăn được".
Cả ngày,
Chiều sống lủi thủi, không được một câu hỏi thăm của chồng, của con trai, con
dâu, về đến nhà là “ai về
buồng nấy’’.
Lạc lõng,
cô đơn, buồn tủi. Rồi một ngày kia, Chiều đã thắt cổ tự tử- chị tìm đến cái
chết để tự giải thoát cho cuộc đời tủi cực của mình.
Bên thi hài
của Chiều, một người đàn ông khóc ồ ồ, vừa khóc vừa nói: “Chị ơi, em còn nhớ như in những bữa
cơm em được ăn ở nhà chị, cái lúc thiếu đói ấy mà bữa cơm nhà chị lúc nào cũng
tươm tất cho chồng, cho con, cho cả bạn của chồng, chị lúc nào cùng vui vẻ thế
mà sao giờ lại đến nông nỗi này hả chị, chị sống khôn chết thiêng chị bắt chết
cái lũ ăn ở bạc ác ấy đi’’...
Tiếng khóc
gào xé ruột xé lòng người đọc hay là tiếng lòng xót thương, phẫn uất của
tác giả đang lặng thầm nhỏ xuống bên thi hài người đàn bà bạc mệnh? Phải hoá
thân vào nhân vật để cùng đau, cùng buồn với họ thì tác giả mới viết nên được
những trang văn có hồn vía như vậy!
Cái chết
của Chiều, cái chết của một con người cô đơn được rất đông người viếng. Người
ta đến viếng vì người sống- những kẻ lạnh lòng trước một tâm hồn đã từng ấm
nóng thương chồng, yêu con. Giá như Chiều biết sống cho mình một chút, giá như
Chiều đừng quá tận tuỵ, hy sinh tất cả cho chồng con, giá như Chiện- chồng của
Chiều đừng quên rằng người vợ ấy đã từng miệt mài giải toán cho chồng để giúp
anh từng bước hoàn thành việc học hành, người vợ ấy đã từng tảo tần, chi
chút, chăm lo cho bố con anh trong từng bữa cơm, giấc ngủ, người vợ ấy chính là
nền móng vững chắc để anh leo lên từng nấc thang danh vọng, giá như Chiện đừng
ghẻ lạnh, phụ bạc đến phũ phàng như thế thì Chiều đâu phải chịu một thảm cảnh,
một sự kết thúc bi đát đến như vậy? Ta như đọc được nỗi đau trong trái
tim của Y Ban- nhà văn của những nỗi đau rất đàn bà. Hãy lắng nghe lời
tâm sự của chị "Quả là tôi không tìm được cách nào để cho nhân vật Chiều
khỏi chết. Bảo Chiều đói khổ ư, tôi sẽ mang gạo tiền đến cho Chiều. Bảo Chiều
bị chồng con ngược đãi ư, tôi sẽ gọi những nhà chức trách đến giúp...Chiều chỉ
cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, giữa những người mình yêu thương. Giá như
Chiều không còn yêu họ. Tôi sẽ cứu Chiều ra khỏi căn nhà ấy.”
Qua cái
chết của Chiều, tác giả đã gióng lên một tiếng chuôngcảnh tỉnh mọi người: Trong
cái xã hội buổi giao thời này có những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của
gia đình Việt Nam như tình nghĩa vợ chồng, cha con đang có nguy cơ rạn nứt, đổ
vỡ!
Như vậy,
nếu như Xuân bất hạnh vì tình yêu thái quá, vì sự không trung thực của một mẫu
người chồng (như Tuấn) thì ngược lại, Chiều bất hạnh vì sự ghẻ lạnh, phụ bạc
phũ phàng của một mẫu người chồng (như Chiện). Cả hai người phụ nữ ấy đều tận
tuỵ hi sinh, nhẫn nhục chịu đựng, luôn phấn đấu để có một gia đình hạnh phúc
nhưng kết cục họ cùng chung một số phận bất hạnh, oan nghiệt từ chính người
chồng, người thân yêu nhất của họ mang lại.
Người đàn
bà thứ ba xuất hiện trong cái chợ đời ấy là Từ. Nhân vật này có cuộc sống gia
đình tạm gọi là hạnh phúc. Trong gian nhà nhỏ ấy luôn đầy ắp tình thân ái của
các thành viên trong gia đình: bố mẹ chồng, nàng dâu, chồng và con. Những tưởng
như thế là Từ được sống một cuộc đời tròn trịa, êm ả. Nhưng không, cũng như
Xuân và Chiều, cô cũng không thoát ra ngoài sự nổi nênh của kiếp đàn bà.
Từ tốt
nghiệp hai trường đại học, năng lực có thừa, nhưng không xin được việc làm.
Cuộc sống xô đẩy, cô đành phải trở thành công chức vỉa hè, bán xôi chim.
Xoay xở,
vật lộn, bươn chải với cơm áo, chật vật giằng co níu giữ tình yêu và gia đình
nhỏ bé của mình, Từ nếm trải mọi sóng gió đời thường của người phụ nữ, cô đã
bao phen dở khóc, dở cười trong cuộc mưu sinh. Cuối cùng, Từ cũng xin được vào
làm việc ở một trung tâm nghiên cứu xã hội. Cô đã miệt mài, nghiên cứu làm đề
tài: về đám đông, về sự vô cảm, về xã hội xe máy...Nhưng khốn khổ thay, đề tài
nào của cô cũng không được cấp trên xét duyệt, thông qua.
Không chỉ
khổ do sự xô đẩy của cuộc sống đời thường mà Từ còn khổ bởi cô luôn khát khao
đem sự hiểu biết, tài năng của mình cống hiến cho xã hội nhưng không được xã
hội cho phép và chấp nhận. Còn gì khổ tâm hơn, bất công hơn khi tài năng của
con người bị xã hội kìm hãm và trở nên ế ẩm!
Mệt mỏi,
thất vọng Từ đã bàn với Xuân về quê mua đất trồng cam... Nhưng bất chợt, Từ lại
nghĩ ra một đề tài mới: Cam. Cô định bụng sẽ viết đề cương và cô tin rằng
đề cương này của mình sẽ được thông qua.
Vâng, trong cái
xã hội đầy cạm bẫy mà Từ đang sống, có lẽ chỉ có đề tài "Cam” là hay hơn
cả mà thôi. Thật là khốn khổ cho số phận của một trí thức. Tài năng đã bị xã
hội lãng quên, vùi dập!
Ba mảnh
đời, ba số phận, ba bi kịch của ba người phụ nữ đã được tác giả khéo léo đan
cài trong cách viết liền một mạch không chương hồi, không xuống dòng cùng với
sự sắc sảo trong cách dẫn dắt để lồng chuyện nhân sinh lớn lao vào những câu
chuyện vun vặt kiểu ‘‘Ngồi lê đôi mách” của đàn bà”. Ngôn ngữ bình dân,
mộc mạc, không trau chuốt, gọt đẽo nhưng được đặt đúng chỗ nên nó có sức mạnh
làm nên bão giông, khuấy lên sóng gió và có sức công phá lớn để rồi ‘‘Chân lý được khám phá, những cạm bẫy
cuộc sống được cảnh tỉnh, từ đó người đọc sẽ tự suy nghĩ, cảm nhận cuộc sống”. Với nhiều góc độ khác nhau. Sự việc
nối tiếp sự việc, ‘‘Các mâu
thuẫn xung đột không lớn, không lắt léo ly kỳ mà hút hồn người đọc”.
Sự mới lạ đến táo bạo trong cách viết cứ ngỡ như vớ đâu viết đấy, thấy gì kể
nấy, triền miên trong những con chữ... nhưng thực chất tác giả đã rất chủ động
bày đặt một trận đồ bát quái rất tài tình đã thực sự chinh phục người đọc. Đến
với tác phẩm, ta xót xa cho thân phận của ba người phụ nữ: Xuân, Từ, Chiều- ba
người đàn bà giỏi giang nhưng đều chung số phận bất hạnh do gia đình và xã hội
đem lại cho họ. Phải chăng câu thơ "Đau
đớn thay phận đàn bà..." của
Nguyễn Du vẫn còn nguyên giá trị?
Gấp trang
sách lại rồi, giữa thanh thiên bạch nhật mà sao ta như nghe đâu đây tiếng kêu
cứu thảm thương của những kiếp đàn bà muôn thuở vọng về hay đó chính là tiếng
lòng khắc khoải, day dứt, cảm thương khôn nguôi cho kiếp đàn bà của tác giả
Xuân Từ Chiều?.
Tạ Thị Sự
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét