Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Nỗi niềm nhân thế đầy vơi

Nỗi niềm nhân thế đầy vơi
(Đọc tập truyện ngắn “Lộc rơi lộc vãi” 
của Mai Tiến Nghị - NXB Hội Nhà Văn – 2010)
Mai Tiến Nghị xuất hiện trong làng văn từ năm 2006 với truyện ngắn đầu tay “Mặt trời chói lóa” (đoạt giải tư toàn quốc cuộc thi truyện ngắn  2006 - 2007 của tuần báo Văn Nghệ) đã gióng lên một lời cảnh báo về những vấn nạn trong ngành giáo dục hiện nay. Từ đó đến nay anh vẫn viết và viết rất khỏe để rồi hôm nay anh đã trình làng một tập truyện ngắn có tựa đề “Lộc rơi lộc vãi” do NXB Hội Nhà Văn ấn hành và cho ra mắt bạn đọc vào mùa thu năm 2010. Tên sách được lấy từ tên một truyện ngắn trong tập. Cả 9 truyện ngắn trong tập dồn nén những nỗi bất bình, nỗi đau đời mang nhiều dấu ấn của hiện thực đời sống.
Bằng bút pháp hiện thực sắc sảo đến táo bạo nhưng không kém phần hài hước, hóm hỉnh, truyện ngắn của anh khiến người đọc dở khóc, dở cười. Đã từng là người lính và đang là nhà giáo cho nên tập truyện “Lộc rơi lộc vãi” của anh đã phản ánh rất rõ về hai mảng của đời sống xã hội, đó là một mảng viết về người lính sau chiến tranh bao gồm các truyện: Mùa cua rận, Gồ dứa dại, Một làn mây Tam Đảo, Tỷ Hớt, Nhà văn lên phố và mảng thứ hai viết về giáo dục thời nay với các truyện: Mặt trời chói lóa, Lão Phật gia và cái kính, Câm và Cuội, Lộc rơi lộc vãi.
Dường như anh viết văn là để giãi bày, để trang trải tình nặng nghĩa sâu, trách nhiệm với đời. Mỗi truyện ngắn của anh không đơn thuần là một lát cắt về đời sống xã hội mà là những ám ảnh về thân phận con người.
Là người lính đã từng đi qua chiến tranh viết về mình, viết về đồng đội, nhân vật người lính ở cuộc sống đời thường sau chiến tranh với bao bươn trải trong cuộc mưu sinh nhưng vẫn giữ vững bản chất bộ đội Cụ Hồ: dám đương đầu bảo vệ những giá trị thiêng liêng của con người (Gồ dứa dại, Mùa cua rận); năng nổ, hết mình vì công việc chung, luôn phấn đấu cho những điều tốt đẹp (Tỷ Hớt, Mặt trời chói lóa). Nhưng họ vẫn là những người bị thiệt thòi nhất và chính những kết cục nghiệt ngã ấy đã tạo nên sự ám ảnh về thân phận của họ trong hầu hết các tác phẩm của anh.
Đọc “Mùa cua rận”, ta bắt gặp một câu chuyện buồn, một không gian truyện nặng nề nhưng thấm đẫm nỗi đau nhân tình thế thái. Truyện kể về cuộc đời oan nghiệt của anh lính giải ngũ có tên là Trần Xuân Vọp. Để nuôi bảy miệng ăn, anh đã bị cuốn vào cái nhịp sống tất bật, lam lũ, vật lộn áo cơm. Cuộc đời Vọp trải hết oan nghiệt này đến oan nghiệt khác. Và rồi  anh được giải thoát bằng cái chết- chết trong tư thế bị trói đứng do tấm lưới rỉu (công cụ để bắt cua rận) cuốn chặt lấy người. Hình tượng tấm lưới rỉu đã trở thành một nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người đọc: tấm lưới oan nghiệt kia đã trói buộc một người cha lam lũ cho đến chết vẫn không thể thoát ra, cũng tấm lưới rỉu định mệnh ấy phủ lên thi hài của người cựu chiến binh thay thế cho lá cờ Tổ quốc. Ở đây, tác giả đã rất thành công trong cách dùng hình tượng đặc trưng nhưng đầy ám ảnh để xây dựng tình huống truyện. Hình tượng tấm lưới rỉu đã làm nên sóng gió và cả những xót xa trong tâm khảm người đọc. Người cựu chiến binh ấy đâu chỉ chết vì tấm lưới rỉu mà còn chết bởi sự vô tình vô nghĩa của người đời. Tấm lưới rỉu là chi tiết nghệ thuật đắt giá, nó chỉ có thể có được từ sự thăng hoa của một cây bút từng trải, giàu lòng trắc ẩn và chất chứa nỗi đau nơi cõi người.
Đến với truyện ngắn “Gồ dứa dại”, ta càng thấy rõ hơn sức tàn phá của chiến tranh không chỉ với thể xác mà còn cả với tinh thần của người lính. Tác giả đã khéo léo đặt nhân vật Lâm- một anh lính xuất ngũ vào tình huống éo le điển hình để dẫn đến sự bùng nổ hành động bất ngờ đến kinh hoàng của nhân vật: Trước nỗi đau không gì bù đắp được, và từ trong tâm thức dường như đã ăn sâu bám rễ những hi sinh, mất mát trong chiến tranh ám ảnh không nguôi, để rồi trong đám ma mẹ, anh đã“Nhổm người lao lên, đầu đội ngay vào cái bàn có mâm cơm cúng…đâm thẳng vào bàn thờ” cùng với tiếng hô “Xung phong…Tiến lên… giết…” đã xé tan không gian của một đám tang và làm nát lòng người đọc. Chưa dừng lại ở đó, tác giả tiếp tục để cho nhân vật người vợ của Lâm nức nở: “Mình ơi, sao lại vậy? Đám ma mẹ cơ mà! Có phải cái chỗ trận mạc đâu…Sao khổ thế?....Hòa bình rồi cơ mà…”. Mỗi tiếng nức nở đứt quãng của vợ Lâm như một mũi dao sắc chích vào tâm can người đọc. Sức tố cáo hậu quả của chiến tranh mà người lính phải gánh chịu đã đạt đến sự đắc địa. Cách khai thác các khúc đoạn tâm trạng nhân vật để làm bật chủ đề tác phẩm như vậy mới là cao tay, thật không giống một “nhà văn nghiệp dư” như trong suy nghĩ khiêm nhường của anh.
Một lý do nữa khiến cho người đọc ấn tượng sâu sắc với những trang văn của Nhà giáo Mai Tiến Nghị, đó là anh không đi vào khai thác, phản ánh ngợi ca những chiến thắng hào hùng, những hành động dũng cảm cao đẹp của người lính trong chiến tranh như các tác giả khác mà anh hướng ngòi bút của mình vào những góc khuất lấp, những mảng tối trong đời sống chiến tranh của người lính để phanh phui, đưa nó ra ánh sáng.
Giữa nơi chiến trường ác liệt, nơi mà cái sống cái chết gần nhau trong gang tấc, khi tất cả mọi người đang đồng cam cộng khổ, yêu thương nhau như ruột thịt thì ta lại bắt gặp một anh đại đội trưởng lẩn vào rừng ăn vụng muối trong khi đồng đội bị thương của anh trước lúc hi sinh còn thều thào xin một hạt muối thôi mà không có (Mùa cua rận). Chỉ vì ghen tuông vô cớ mà một cán bộ cấp trung đoàn nhẫn tâm bắt đồng đội của mình vào chỗ chết bằng cách ra lệnh người cấp dưới ấy đi lấy lửa về để cho mình… hút thuốc (Một làn mây Tam Đảo) .
Giữa nơi trận mạc mà lại tận mắt chứng kiến những cảnh đau lòng diễn ra bởi sự bon chen, vụ lợi, ích kỷ… Vậy trong thời bình thì sao? Có lẽ đây chính là xuất phát điểm để nhà văn nhìn nhận và luôn hướng ngòi bút của mình phản ánh hiện thực tàn nhẫn đang từng ngày, từng giờ len lỏi, tác oai tác quái trong cuộc sống của chúng ta hiện nay.
Hiện thực tàn nhẫn đó là gì? Đó là sự chi phối lũng đoạn của tiền bạc đối với cả một guồng máy Quyền Lực cấp huyện. Để đạt được tham vọng, Hoàng Kim Lực (Gồ dứa dại) đã không từ một thủ đoạn nào và bất chấp cả đạo lý. Sôi sục máu làm giàu và ngạo mạn đến hợm hĩnh, Kim Lực đã cho máy xúc phá hủy ngôi mộ chung của nghĩa quân tử trận trong cuộc khởi nghĩa Ba Vành- Ngôi mộ chung ấy là nơi linh thiêng, đã được cả làng từ đời này sang đời khác đắp cao thành gò, nơi mà cả làng trân trọng bảo vệ. Người đứng ra bảo vệ cái Gồ dứa dại linh thiêng ấy chính là Lâm và kết quả Lâm đã bị đẩy vào tù với năm năm tù giam. Chưa hết. Khi Lâm ra tù, vì không muốn để cái mầm mống chống đối mình còn tồn tại, vị vua không ngai Hoàng Kim Lực này lại tiếp tục điều khiển Quyền Lực thực hiện mưu đồ của mình một cách ngoạn mục: “Một là, thị trấn là bộ mặt của huyện, đếch ai lại để một thằng tâm thần nhông nhông ngoài đường bêu riếu thế được…Hai là, tinh thần nhân đạo các chú để đâu? Người ốm phải được chữa bệnh chứ…”. Thế là Lâm đã bị …Bốn bóng áo choàng trắng nhảy xuống túm lấy đưa đi cái gọi là chữa bệnh. Bóng áo choàng trắng hay những bóng ma? “Ò e … ò e…Tiếng còi xa dần... nghe cứ như khúc dạo đầu của bản nhạc vui!” Hoàng Kim Lực khoái trá khi ý đồ đen tối đã được thực hiện xuôi dòng mát mái.
Dưới ngòi bút hiện thực sắc sảo của anh, cuộc sống còn không ít những hạng ma quỷ đội lốt người. “Qủy ăn cả đất nhá, ăn thịt người sống nhá, ăn cả xương người chết nhá” (lời nói của nhân vật Lâm trong truyện ngắn Gồ dứa dại). Cái hiện thực tàn bạo ấy đã được tác giả phanh phui một cách quyết liệt. Nó như một mũi dao nhọn sắc bén bắn trúng vào khối u nhọt. Anh muốn trích nó ra, nạo rửa chữa trị nó để mong muốn trả lại cho con người một cơ thể sống tốt lành hơn, một tâm hồn khỏe khoắn hơn, thanh thản hơn, đưa họ trở về được sống thực với phần trong sáng, cao quí của con người. Với ý nghĩa như vậy, truyện ngắn Mùa cua rận, Gồ dứa dại, Một làn mây Tam Đảo…thực sự có giá trị, mang tính nhân văn sâu sắc gửi tới bạn đọc lời khuyên nhủ chân thành: Lương tâm luôn là tấm gương sáng cho con người soi vào đó nhận ra mình, để mình sống thực là mình, là người hơn.
Và như vậy, hình ảnh người lính trong cuộc sống đời thường sau chiến tranh được hiện lên qua trang văn của anh vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp nhân bản. Đó là hình ảnh người lính trong vai trò của một nhà giáo tận tâm với nghề (Mặt trời chói lóa), một nhạc sĩ nghiệp dư năng nổ nhiệt tình đến độ hồn nhiên, đáng yêu (Tỷ Hớt), một người lính viết văn nghiệp dư đau đáu với những kỷ niệm, những ân tình thời khói lửa (Một làn mây Tam Đảo). Tất cả, họ đã phản ánh một phần diện mạo cuộc sống của những người lính đã đi qua chiến tranh, đang vất vả lo toan cuộc sống trong thời hậu chiến. Chỉ đáng buồn, lẽ ra người lính đã đi qua chiến tranh, họ phải được sống một cuộc sống bình thường như bao người bình thường khác. Nhưng một lần nữa, ở nơi này, nơi khác người lính vẫn phải lao vào cuộc chiến đấu với những bon chen trần tục, với những tham nhũng tiêu cực đang từng ngày từng giờ diễn ra trong xã hội hiện nay. Trong cuộc chiến này, người lính đã gặp phải những cam go, phức tạp hơn và khó lòng chiến thắng. Vậy mới biết chống tham những tiêu cực còn nguy hiểm hơn chống giặc ngoại xâm. Phản ánh điều này, ta như cảm nhận được với nhà giáo Mai Tiến Nghị, nỗi đau lặn vào trong, hiện hình thành những niềm trăn trở không nguôi về nhân tình thế thái và cháy bỏng khát khao về một xã hội công bằng tốt đẹp.  
Những trang văn viết về giáo dục và nhà trường của nhà giáo Mai Tiến Nghị đã để lại ấn tượng lạ lùng hơn nữa trong lòng người đọc.
Là nhà giáo, nhà quản lý nên anh rất am hiểu về giáo dục và nhà trường nên khi viết về giáo dục, anh không đi theo mô típ có sẵn, không theo đường mòn mà các tác giả khác đã viết mà anh đi thẳng vào những vấn đề bất cập, nguyên nhân yếu kém của Giáo dục. Theo lời một nhân vật thì dù có thực hiện hai không, bốn không chứ đến mười không cũng thế thôi bởi vì chưa có cơ chế quản lí đúng mà chỉ mới thông qua các cuộc vận động mang tính hình thức bề ngoài (Câm và Cuội). Anh chỉ ra một sự kỳ quặc: Làm giáo viên mà lại sợ dạy học(!) Theo lô gic thì từ tiền đề kỳ quặc kia kéo theo những sự thể dở khóc dở cười: Vì dốt chuyên môn, sợ dạy học mà lại muốn được tiếng oai nên người ta chạy chọt để làm hiệu trưởng, hiệu phó. Dốt nát mà làm lãnh đạo thì giáo dục sẽ đi đến đâu? Quản lý giáo dục bị chi phối bởi quyền lực thì giáo dục sẽ đi đến đâu? Viết về các vấn đề này, ngòi bút của anh tung tẩy, cười cợt. Cười cợt trước cái cơ chế giáo dục với những điều vô lí (Mặt trời chói lóa). Cười cợt trước cung cách của nhà quản lí thích thành tích cho nên mới thành ra dối trá như Cuội (Câm và Cuội). Cười cợt trước những thói xấu được người ta đánh bóng dưới những khẩu hiệu từ thiện (Lộc rơi lộc vãi). Sự bon chen của con người trong ngành cộng với sự vô lí trong công tác quản lí của ngành đã làm nên tấn trò khiến cho người đọc cười ra nước mắt.
Bên cạnh sự cười cợt là nỗi xót xa, thông cảm với những nỗi bất hạnh (Lộc rơi lộc vãi), xót xa đồng cảm với thân phận “vô duyên” trớ trêu của những người thẳng thắn, cương trực, dám đấu tranh bảo vệ cho những giá trị thật để rồi kết cục phải gánh chịu mọi sự thiệt thòi (Mặt trời chói lóa)
Trong truyện ngắn “Lộc rơi lộc vãi”, anh đã rất thành công khi đưa ra các cảnh huống đối lập đồng hiện tạo ra những cảnh đời trái ngược trớ trêu đến đau lòng: Cảnh con bé nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ bỏ đi biệt tích, ở với ông nội đã ngoài 80 tuổi. Hai ông cháu nương tựa nuôi nhau, lần hồi từng bữa trái ngược với cảnh nhà ông phó chủ tịch huyện được xếp đặt như tiên cảnh trong phim Tàu… Những cảnh đời trái ngược ấy tự nó có sức tố cáo lớn sự bất công trong xã hội: “Kẻ ngồi mát ăn bát vàng”, “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”.
Ngòi bút nhân đạo của tác giả tiếp tục tấn công trực diện những mánh lới thủ đoạn đến thấp hèn, đê tiện: ăn chặn của người nghèo. Thông qua việc ông cháu nhà nghèo đến cám ơn ông quan huyện: “…Lộc của ông cho cậu nhà, cậu nhà lại cho cháu cái xe cũ... Lộc vương lộc vãi đến được ông cháu tôi cũng là quý lắm đấy ạ!”. Và hành động của ông quan hằm hằm sang thẳng bên nhà ông em ruột, ông chỉ thẳng vào mặt thằng cháu trưởng giả: “Thằng này! Mày bêu riếu tao đấy à? Sao cái xe cũ lại đem cho đi?”cùng với cuộc đối thoại giữa hai anh em nhà quan: “Thế chú có biết cả huyện chỉ có 6 cái, tôi đã gửi qua xã này một cái để hợp thức giành cho thằng cu nhà mình… Tôi đã bảo cánh xét duyệt là phải đòi nhà con bé kia thêm thủ tục giấy của tòa án chứng nhận mẹ nó mất tích để…để mình khỏi điều tiếng. Tôi giấu đầu chú lại hở đuôi…” thì bộ mặt thật với thói bon chen đê tiện của quan tham đã bị bóc trần.
Trái ngược với sự tham lam, bon chen đến đê tiện của người cha và người bác, hình ảnh thằng bé ưỡn ngực, nhổm đít trên một cái xe đạp mới tinh đang đuổi theo con bé: trả xe cho tớ. Cái xe mới kia là xe của đằng ấy!. Chi tiết thằng bé giằng được xe cũ, nhảy lên yên và phóng thẳng, để lại chiếc xe mới cho cô bé  nghèo đã đem đến cho người đọc một thông điệp giàu ý nghĩa nhân sinh: ở đời, sự tự trọng của con người còn lớn hơn cả tiền bạc. Hành động của thằng bé đã làm cho bức tranh màu xám trong câu chuyện bỗng sáng lên, ánh lên màu xanh hi vọng: Trong cuộc sống xô bồ này, vẫn chưa hết những con người biết sống đẹp, tự trọng và giàu lòng trắc ẩn.
Thiết nghĩ, hành động trả xe về đúng chủ nhân đáng được nhận nó chính là một cú đấm hiểm giáng vào những kẻ như ông quan tham nọ. Cái cách đặt nhân vật phản diện vào tình huống gay cấn để nhân vật tự bộc lộ bản chất, hiện nguyên hình ác quỉ chính là lối viết truyện ngắn thật hóm hỉnh và tài hoa của Mai Tiến Nghị.
Ông hiệu trưởng- nhân vật thấp thoáng đứng đằng sau câu chuyện nhưng lại có tác dụng là đường viền làm nổi bật nhân vật chính, nổi bật chủ đề tác phẩm- thông qua cách giải quyết khôn khéo để lấy cho được chiếc xe cho con bé nhà nghèo, dù chỉ xuất hiện rất ít qua lời kể nhưng đã để lại trong lòng người đọc sự cảm phục, yêu mến rất nhiều. Đây là hình tượng nhân vật tượng trưng cho cái tốt đẹp của nhân cách người thầy chân chính.
Một điều đặc biệt nữa: tất cả các truyện của anh đều được kết thúc với việc cái thiện, cái tốt có thể bị cái ác, cái xấu lấn lướt. Cách kết thúc này làm người đọc phải ám ảnh với những xót xa, phẫn nộ… Nhưng lại buộc người đọc phải suy nghĩ, tự bày tỏ thái độ và tự tìm cách giải quyết phải làm gì để đạt tới chân lý: cái thiện sẽ chiến thắng cái ác. Đó chẳng phải là giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc của cây bút truyện ngắn tài hoa đó sao?
Cách đây hơn một năm, nhà thơ Nguyễn Thế Kiên khi đọc “Gồ dứa dại” đã có mấy câu thơ tặng Mai Tiến Nghị:
                   …Xương cốt biển nén vào trang viết
                      Dốc tuột mình chưa cạn cơn đau.
                      Sóng Văn vỗ trắng trên đầu!
Khi tôi viết đến những dòng chữ này thì các phương tiện thông tin đại chúng đang phẫn nộ lên án việc một số kẻ đang lợi dụng quyền lực và tiền bạc táng tận lương tâm cày ủi mồ mả ở nghĩa trang Giải Phướn (Hà Nội) và ở nhiều nơi khác. Tôi chợt nghĩ từ một thực trạng đau lòng ở một vùng quê biển xa xôi, Mai Tiến Nghị đã viết nên những trang văn đẫm nỗi đau đời cảnh báo… và hôm nay, những sự việc đang diễn ra còn hãi hùng hơn. Phải chăng tác giả đã thấu được nỗi niềm của nhân tình thế thái và dự báo trước những điều sẽ xảy ra. Như vậy văn học đã thực hiện đúng chức năng dự báo của nó! Và nếu như vậy thì đã có câu trả lời cho không ít độc giả khi đọc xong một số truyện ngắn của anh thì ngậm ngùi xót xa: chẳng lẽ không tìm cho các nhân vật một lối thoát? Chả lẽ không thể có kết cục có hậu hơn?
Ngậm ngùi đến đắng lòng thật đấy, nhưng trong xã hội vẫn còn không ít những chuyện như vậy vẫn đang xảy ra dù chúng ta không muốn.  Nhưng hãy lắng nghe từ trang văn  của anh, trong tiếng “ì ầm của biển vọng về như những tiếng thở dài” kia, một mạch sóng ngầm đang âm ỉ, đang cuộn trào trong lòng đại dương…Phải chăng là sóng của những nỗi niềm nhân thế đầy vơi đó sao!.
Tạ Thị Sự
Theo http://vannghenamdinh.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...